Ngoài các vị trí chủ chốt như chức Tổng Bí thư hay Thủ tướng Chính phủ, dư luận cũng quan tâm tới nhân vật sẽ giữ cương vị bộ trưởng quốc phòng, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang nỗ lực hiện đại hóa quân đội để đối phó với các thách thức mới.
Lâu nay, một số nguồn tin không chính thống dự đoán bộ trưởng đương nhiệm, Đại tướng Phùng Quang Thanh, có thể sẽ nhận một chức vụ lớn hơn, và chiếc ghế của ông Thanh sẽ do người khác đảm nhiệm.
Nhà quan sát chính trị Việt Nam tại Úc châu, Giáo sư Carlyle Thayer, vừa gửi cho BBC một số nhận định của ông:
"Theo đánh giá của tôi, Đại tướng Phùng Quang Thanh sẽ ở lại Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam và tiếp tục vai trò Bộ trưởng Quốc phòng.
Đây là một quá trình gồm hai bước. Đầu tiên, ông Thanh phải được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại Đại hội XI tuần tới. Điều này quá dễ dàng.
Bước thứ hai, Tướng Thanh phải trúng cử trong kỳ bầu cử Quốc hội vào tháng Năm 2011. Một lần nữa, không có nghi ngờ gì khả năng ông sẽ tái đắc cử.
Sau đó, ông Thanh sẽ được Thủ tướng tái bổ nhiệm vào vị trí ở bộ quốc phòng. Ông cũng phải được Ban Chấp hành Trung ương mới thông qua trước khi chuyển sang cho Quốc hội chuẩn thuận chức vụ bộ trưởng .
Tất cả những điều ở trên chỉ là thủ tục, và tôi không thấy có trở ngại gì đối với Đại tướng Phùng Quang Thanh.
Người kế nhiệm
Trong báo chí và trên các blog cá nhân, từng có thông tin cho rằng một trong các thứ trưởng quốc phòng, Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh, có khả năng sẽ vào Bộ Chính trị và thay thế ông Thanh trong tương lai.Thậm chí có người còn nói đó là thông tin do tôi tung ra. Tuy nhiên, không có chuyện đó và bình luận của tôi về việc này trước sau vẫn là:
Nhân vật kế nhiệm ông Phùng Quang Thanh trong tương lai phải là một người có kinh nghiệm chiến đấu, từng chỉ huy quân khu và từng đảm nhiệm các vị trí quan trọng như Tổng tham mưu trưởng hay Thứ trưởng. Tướng Vịnh không đạt các yêu cầu này.
Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh đã thực hiện xuất sắc vai trò thứ trưởng của ông trong việc thúc đẩy hợp tác quốc tế trong lĩnh vực quốc phòng.
Ông cũng là người đã chịu trách nhiệm tổ chức các cuộc gặp quốc phòng mà Việt Nam đăng cai với tư cách chủ tích Asean năm vừa qua, tổng cộng hơn 30 cuộc.
Dấu son lớn nhất của ông là đã tổ chức thành công cuộc họp bộ trưởng quốc phòng Asean với các đối tác ADMM+ lần đầu tiên trong năm 2010.
Quân đội Việt Nam chỉ có một vị trí trong Bộ Chính trị, và hiện vị trí đó do Bộ trưởng Quốc phòng đảm nhiệm. Tôi không cho là con số thành viên Bộ Chính trị của ngành quốc phòng sẽ được tăng lên.
Muốn trở thành ủy viên Bộ Chính trị, Trung tướng Vịnh phải được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương. Có tin ông đã được lựa chọn để tham dự Đại hội Đảng lần này.
Thông thường, quân đội Việt Nam nắm giữ khoảng 10% số ghế trong Ban Chấp hành Trung ương. Tôi cho là Tướng Vịnh sẽ trở thành ủy viên Ban Chấp hành lần này.
Thế nhưng xuất thân của ông Vịnh là ngành tình báo quân đội chứ không phải tác chiến, nên ông khó có cơ hội trở thành bộ trưởng quốc phòng.
Dĩ nhiên ông Nguyễn Chí Vịnh hoàn toàn có thể tiếp tục cương vị thứ trưởng với trọng trách đối ngoại. Ông cũng có thể là ứng viên cho chức Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị nếu như vị trí này khuyết người.