CÁCH ĐÂY 65 NĂM, CHÍNH TỚ ĐÃ ĐI BẦU !
Nè! Mấy anh, mấy chị viết báo Đảng, mấy anh chị biên tập, xướng ngôn viên Đài, Tivi, các anh, chị được lệnh viết và “lên giọng” về ngày kỷ niệm 6 tháng 1 năm 1946 sao các anh chị không dám lên tiếng: ”Ngày ấy chúng em chưa ra đời! Xin cho em được rút lui để khỏi mang tiếng nói “phét”, nói bừa, nói “theo chỉ đạo”…với mục đích lừa …con nít!”
Vẫn biết là xưa nay viết cái gì? Viết thế nào? Thậm chí dùng từ gì ? chạy tít ra sao? Xếp trang in, khổ chữ kiểu nào? các cháu, các em cũng không có quyền nhưng, ít ra, viết về một sự kiện lịch sử có thật mà mình không hề biết thì…ít nhất, cũng có quyền từ chối khéo chứ? Hãy nhường cho các vị chức sắc trong “Hội Đồng Khoa Học Lý Luận Chính Trị Trung Ương” đứng ra chịu trách nhiệm với toàn thế giới về những gì họ tuyên bố huênh hoang dù chính họ, ở thời điểm đó cũng …chưa ra đời hoặc mới chỉ là những chú bé mặc quần thủng đít lên 2 lên 3 là hết nước!
Bị nghe, bị đọc quá nhiều những “siêu đại ngôn”, bị nói dối công khai trắng trợn, xuyên tác cả ý nghĩa, mục đích, nội dung lẫn hình thức cái ngày bầu cử quốc hội đầu tiên của đất nước này (6-1-1946), tớ, phần vì thấy nó chướng tai, gai mắt quá, phần vì thấy có trách nhiêm của một nhân chứng lịch sử phải “đính chính” ngay lịch sử dùm các nhà làm sử (như chủ tịch Nguyễn Minh Triết mới yêu cầu), tớ xin đính chính mọi sự bóp méo lịch sử bằng những gì từng nhớ được như sau:
HOÀN CẢNH RA ĐỜI CỦA QUỐC HỘI KHOÁ I
- Ngày 2/9/1945, cùng với sự ra đời của Bản tuyên ngôn độc lập là sự ra mắt của một Chính phủ cách mạng lâm thời với thành phần đa số là những nhân vật tên tuổi của chính phủ Trần Trọng Kim, với một tổ chức ban bệ của chính phủ này bàn giao lại. Tất cả những biến chuyển trên, báo chí thế giới lúc này, đều gọi là 1 cuộc đảo chính “bất hợp pháp”!
- Sau gần 4 tháng cố gắng đoàn kết mọi lực lượng cách mạng (Việt Quốc, Việt Cách, Không Đảng Phái) trong một chính phủ chống nhau thậm chí vu cáo, chửi nhau công khai, tiến tới thủ tiêu nhau bí mật , công khai (vụ Ôn Như Hầu, vụ báo “Việt Nam” của Quốc Đân Đảng ở đường Quan Thánh)
- Chủ tịch Hồ Chí Minh long trọng tuyên bố trứơc quốc dân và quốc tế: Giải tán Đảng cộng sản Việt Nam….
- Nhiều vụ thương thuyết “chia ghế” cho mọi thành phần chống đối nhau dưới khẩu hiệu “một chính phủ đoàn kết, đoàn kết và dân chủ” để chứng tỏ với thế giới rằng nước Việt Nam thật sự đã có một chính phủ và “thật sự” đã trở thành một nước độc lập, đa đảng, không cộng sản .
Thế nhưng, 4 tháng trôi qua, …. Chẳng có một chính phủ nào trên thế giới công nhận cái “Chính phủ, đoàn kết dân chủ Việt Nam” này cả, kể cả các nước xưa nay ủng hộ nền độc lập của các thuộc địa như Mĩ, Liên Xô, Hội Quốc Liên với nghị quyết “Phi thuộc địa hoá” (lúc này Trung Hoa cộng sản chưa ra đời). Một chuyện hiếm có xảy ra đối với các thuộc địa sau này, bằng mọi con đường đều đi đến độc lập, rũ bỏ ách thống trị thực dân, đều được thế giới công nhận ngay tức khắc
- Trước tình hình nguy ngập đó, cuộc chiến tranh giữa ta và Pháp có thể nổ ra bất cứ lúc nào, việc “hợp pháp hoá” chính phủ Việt Nam chỉ còn một nước cờ cuối cùng đó là tổ chức bằng bất cứ giá nào ngay một cuộc bầu cử quốc hội bằng hình thức tự do đầu phiếu xây nên một quốc hội của toàn dân, gồm đủ mọi thành phần, không phân biệt xu hướng chính trị, giai cấp, đảng phái...Quốc hội này sẽ bầu nên một chính phủ mới, sẽ xây dựng một hiến pháp đầy đủ mọi thứ quyền tự do, bình đẳng chẳng thua kém gì bất cứ nước độc lập tự do nào (bây giờ gọi là đa nguyên, đa đảng, cái mà bây giờ chỉ nói ra thôi cũng đủ a-lê hấp ….vào tù!)
CUỘC BẦU CỬ ĐÃ DIỄN RA NHƯ THẾ NÀO?
Lúc này, tớ là một anh Vệ Quốc Đoàn 19 tuổi, thừa tuổi đi bầu. Tớ thật hãnh diện khi đi bỏ phiếu cho người mà tớ thích. Tớ nhớ đơn vị đóng quân của tớ ở Phòng Quân Nhu Bộ tư lệnh Chiến khu 3 có trụ sở tại số (*?) đường Cát Dài – Hải Phòng. Đơn vị bầu cử của cả Hải-Phòng chỉ có 3 người được đề cử .. Đó là nhà tư sản nổi tiếng Nguyễn Xuân Hà, tướng Trương Trung Phụng (Việt Cách hay Việt Quốc gì đó) và nhà thơ Nguyễn Đình Thi. Cả đơn vị tớ, ngoài trưởng phòng Nguyễn Văn Sĩ thì chỉ có độc nhất một ông đảng viên đảng cộng sản mới tù Côn đảo được thả về tên Ngô Kim Tài, còn lại tất cả đều là những chiến sĩ tạch tạch xè, mặt non choẹt. Trước ngày đi bầu 1 hôm, thủ trưởng cơ quan có triệu tập 1 cuộc họp (mà bây giờ chẳng biết ai còn, ai mất). Nhưng nếu những Lê Văn, Lê Kim Ưởng, Nguyễn Đăng, Trần Mạc, Vũ Phái…, ai còn sống mà chưa lú lẫn chắc phải còn nhớ cái cảnh đồng chí Ngô Kim Tài của chúng ta sau khi phát biểu về ước mơ bao đời của đồng chí ấy (khi nằm trong tù Côn Đảo) về cái ngày được làm dân 1 nước độc lập, tự tay bầu lấy chính quyền và xúc động nói lên “niềm vinh quang cay đắng” của đồng chí ấy. Hi sinh tất cả vì hạnh phúc của nhân dân kể cả hi sinh đảng cộng sản của mình cho lợi ích cao cả, đoàn kết dân tộc. Nói xong, đồng chí ấy khóc mà khóc thực sự, khóc hu hu thành tiếng hẳn hoi….. Thật tình lúc ấy bọn tạch tạch xè chúng tớ rất cảm kích và xúc động lây vì thấy tấm gương của những người cộng sản quả là đáng nể! Hy sinh tất cả, kể cả tính mạng cho toàn dân tộc nhưng khi cách mạng thành công, không ngần ngại nhường quyền cai trị đất nước cho những người tài giỏi hơn mình nắm quyền điều hành đất nước!
Hôm sau đi bầu, chúng tớ đều thật sự hân hoan, phấn khởi, thật sự tự do khi bàn nhau để anh này, gạt anh kia, chẳng hề có một ý kiến nào lãnh đạo, kể cả của đồng chí Tài, người đảng viên kì cựu tù Côn Đảo ăn cùng mâm ở cùng phòng với chúng tớ. Chúng tớ đã tự nguyện, tự chủ, tự động, tự giác đồng lòng bầu cho hai người là nhà tư sản Nguyễn Sơn Hà và nhà thơ trẻ, sinh viên bị Tây đuổi học đến 5 lần bảy lượt do có tư tưởng chống Tây: Nguyễn đình Thi.
Tớ cũng được biết các ông Hồ Chí Minh, Hoàng Văn Đức, Vũ Đình Hoè, Trần Duy Hưng, Nguyễn Văn Luyện, Nguyễn Thị Thục Viên đều trúng cử ở Hà Nội đúng như chúng tớ đã…”chấm”! Ở các tỉnh, thành phố khác cũng như ở các vùng nông thôn, nhân dân lúc này (95% không biết chữ) đều hân hoan đi… đánh dấu, điểm chỉ vào tên người nào mà bà con làng xóm đã mách cho là “Tốt đấy!”.
Tuy nhiên, ở miền Trung và miền Nam, việc bầu cử không hề suôn sẻ. Ngoài những khó khăn do thực dân Pháp đã quay trở lại gây chiến thì các mâu thuẫn giữa đảng phái, tôn giáo và chính giữa những người cộng sản với nhau mà cuộc bỏ phiếu có nhiều khó khăn thậm chí có cả xương rơi máu đổ hoặc kết quả không… đúng như sự thật!
Tuy nhiên, một quốc hội được bầu cử tự do, không bị áp đặt, không có “đảng cử dân bầu”, thật sự đã ra đời…
QUỐC HỘI ĐẦU TIÊN CỦA NƯỚC VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ CÓ GÌ ĐẶC BIỆT?
Đây! Quốc Hội đa đảng, đa thành phần của nước VNDCCH dã thật sự có mặt
Theo con số chính thức được phổ biến thì: 89% nhân dân Việt Nam đều đi bầu.
Tổng số đại biểu được bầu là 403 nhưng chỉ có 333 người được bầu còn lại 70 người là được “đặc cách” giành ghế: 50 cho Việt Nam Quốc Dân Đảng, 20 cho Việt Nam Cách Mệnh Đồng Minh Hội.
Thường trực uỷ ban quốc hội gồm: Trưởng ban Nguyễn Văn Tố, phó trưởng ban Phạm Văn Đồng, Cung Đình Quý, uỷ viên: Bùi Bằng Đoàn, Nguyễn Văn Chi, Dương Văn Dự, Hoàng Văn Đức, Đàm Quang Thiện, Nguyễn Tấn Duy Trọng, Hoàng Minh Giám, Dương Đức Hiền, Tôn Quang Phiệt, Nguyễn Ngọc Bích….
Riêng 50 người của phe Quốc Dân Đảng với những cái tên như Nguyễn Tường Tam, Chu Bá Phượng, Vũ Hồng Khanh, Nguyễn Tường Bách,… và 20 người của Việt Cách với những cái tên như Nguyễn Cao Hách, Đỗ Đình Khôi, Nguyễn Hải Thần, Đàm Quang Thiện, Trương Đình Chi…..những người mà cộng sản ghét nhất cũng được chính phủ lâm thời giới thiệu vào quốc hội thì đủ thấy vị thế của đảng cộng sản lúc đó bị lép vế chừng nào!
Chỉ cần so sánh con số ước đoán là 4% đại biểu quốc hội cộng sản với con số 91% ngày nay, chỉ cần so sánh các cái tên vừa nêu trên trong “chính phủ kháng chiến-kiến quốc” với con số 100% bộ, thứ trưởng thậm chí đến trưởng Ban, Trưởng Phòng đều do các đảng viên cộng sản nắm cả thời nay thì dù đứa trẻ lên 5 cũng thấy được: cái mà ông Nguyễn Phú Trọng nói là bước “nhảy vọt” về dân chủ của xã hội Việt Nam là một sự chửi cha lịch sử đến mức nào.
SỰ SUY THOÁI KHÔNG NGỪNG CỦA NỀN DÂN CHỦ SAU KHI BẦU QUỐC HỘI KHOÁ I
Sau khi bầu xong quốc hôi khoá I, nhiệm vụ cấp tốc là phải bầu ra môt “chính phủ liên hiệp kháng chiến” với cố vấn tối cao là “công dân” Vĩnh Thuỵ. Quốc hội cũng bầu ra một “kháng chiến uỷ viên hội” do Võ Nguyễn Giáp làm chủ tịch và Vũ Hồng Khanh làm phó. Quốc hội cũng bầu cụ Nguyễn Văn Tố làm thường trực uỷ ban, thường trực quốc hội (khi kháng chiến bùng nổ, cụ theo chính phủ chạy lên Việt Bắc bị Tây nhảy dù bắn chết ngay trận đầu)
- Quốc hội cũng bầu ra một ban dự thảo hiến pháp gồm 11 người
- Quốc hội cũng họp liên miên có khi đến cả 12h đêm để giải quyết hàng vạn mâu thuẫn, giải đáp hàng trăm câu hỏi được đặt ra gay gắt tại những cuộc họp sau đó. Chỉ riêng cuộc họp thứ 2 đã có 88 câu chất vấn. (Đâu có phải chỉ đến thời ông An, ông Trọng mới có nhảy vọt” do có chất vấn!?)
Quá nhiều điều mới lạ cho 1 dân tộc ngàn năm Tàu đô hộ, 80 Tây cai trị. Mọi sự chanh trấp, đả kích, vạch xấu nhau ở "cơ quan quyền lực cao nhất" có đóng góp gì cho nền độc lập tự do mà sau này cái câu tuyên bố của chủ tịch nước được nhắc đi nhắc lại nhiều lần chính là câu: “Quốc hội này là 1 quốc hội đoàn kết, chính phủ này là 1 chính phủ của toàn dân tập hợp nhân tài không phân biệt đảng phái với mục đích tranh thủ sự ủng hộ của tất cả các nước”.
Đáng chú ý nhất là khi trả lời về lý lịch chính trị của mình cụ Hồ đã công khai tuyên bố trước thế giới “Tôi, Hồ Chí Minh không phải là kẻ bán nước. Tôi chẳng thuộc một Đảng phái nào…Tôi chỉ có một Đảng là ĐẢNG VIỆT NAM!”
Nhưng than ôi! Tất cả đều là công cốc!
1/ Cả thế giới vẫn không ai thèm công nhận và vẫn coi cuộc đảo chính 19/8 là bất hợp pháp vì trên thực tế chính phủ quân chủ lập hiến Bảo Đại Trần Trọng Kim vẫn đang tồn tại về mặt pháp lí!
2/ Quốc hội và chính phủ đoàn kết cứ ngày một… mất đoàn kết! Người này người khác, đảng này đảng khác nối đuôi nhau ra đi! Hai đảng Việt Cách, Việt Quốc coi như đi tiên phong “bỏ của chạy lấy người” hoặc “mang của chạy theo người”. Lần lượt là các vị có tên tuổi, học vấn, vị trí xã hội cũng chào thua cái kiểu đoàn kết… chết người !
3/ Đặc biệt sau khi nước cộng hoà nhân dân Trung Hoa ra đời (1949) thì quốc hội khoá I (kéo dài mãi tới 15-7-1960) đã tự biến thành khoá Ib, Ic… khi nhân danh quốc hội khoá I. Nói trắng ra rằng quốc hội chỉ còn trên danh nghĩa và Đảng đã dần dần ra công khai dưới cái tên mới: “Đảng Lao Động”, nắm hết các vị trí quan trọng trong nhà nước (nhờ những năm 49-50 phát triển ồ ạt).
Nhờ có chiến tranh kéo dài và nhờ sự chỉ đạo của người đồng chí “môi hở răng lạnh”, Quốc Hội Khoá Ic đã thông qua cái chính sách "cải cách ruộng đất chấn chỉnh tổ chức" chết người, đập tan tành hai chữ đoàn kết giả hiệu để thay thế bằng con đường “đấu tranh giai cấp”!
4/ Cái số phận nước Việt Nam được hưởng tự do chỉ có đến năm đó. Một quốc hội do dân bầu, không phải đảng cử, gồm nhiều đảng phái tham gia cũng chấm hết từ những ngày đó!
5/ Cuộc kiên định chủ nghĩa Mác Lê Nin, học tập Staline, Mao Trạch Đông, thờ phượng ông Mác ông Lê cũng được kiên định lập trường từ đó.Tất cả những ai chống Đảng hoặc chỉ không đồng ý với một vài cá nhân có quyền lực cao nhất trong Đảng cũng có thể bị khai trừ khỏi Đảng hoặc… khỏi mặt đất như chơi!
6/ Đảng là tất cả, đảng là cha là mẹ, đảng là lẽ sống , đảng mang cho ta một mùa xuân, còn đảng còn ta, đảng là chính quyền, đảng là quốc hội, đảng là toà án…Đảng chỉ có đúng, Đảng là bách chiến bách thắng ,…..Cho đến hôm nay không có cái chuyện ông X, ông Y nào đó không phải đảng viên, không phải bộ chính trị, không phải ban bí thư mà được phép nói đến chuyện dân chủ, nhân quyền! Lơ mơ chẳng có đường mà trốn đi như nhà vua Vĩnh Thuỵ, ông Nguyễn Tường Tam hay các ông Trương Trung Phụng, Nguyễn Hải Thần năm nào đâu!
Chuyện bầu bán có tớ tham gia xảy ra đã 65 năm! Ấy vậy mà tớ bỗng nhảy dựng lên khi thấy người ta láo khoét về “bước phát triển nhảy vọt về thể chế dân chủ” khi kỷ niệm về những ngày này? người ta ca ngợi sự lãnh đạo đúng đắn của đảng về thành tựu đạt được của quốc hội nước ta? cho nên tớ cung cấp một số tài liệu còn nhớ được này cho các bạn trẻ để các bạn tìm hiểu thêm.
Với tớ thì:
- Nếu chính phủ lâm thời năm 45, quốc hội khoá I năm 46 thực sự là một chính phủ, là một quốc hội đại đoàn kết dân tộc đa đảng, gồm những tài năng ưu việt nhất của đất nước...
- Nếu chính phủ và quốc hội khoá I nước ta không bị nhuộm đỏ một màu cộng sản quốc tế, không miệng thì hô đoàn kết, tay thì phát động đấu tranh giai cấp tiêu diệt trí phú địa hào, không lấy chiến tranh làm động lực phát triển, không kiêu ngạo cách mạng đến mức tự cho mình là duy nhất giỏi, duy nhất đúng, là “đỉnh cao trí tuệ”, là không thể thay thế …
- THÌ :
Tổ quốc Việt Nam ta đâu có phải rơi vào cái cảnh “đường đi không đến” như ngày hôm nay
Cuối cùng, tớ cũng có một lời khuyên đối với những kẻ đã không làm nên lịch sử thì đừng có bóp méo xuyên tạc lịch sử!
Tội ác ấy lịch sử chẳng có tha đâu!