Tên Gegina là tôi lấy ngay từ cái tựa của báo của Diễn đàn Kinh tế Việt Nam. Trong bài phỏng vấn có viết tên Regina. Khi viết tôi lại lấy tên Gegina. Chuyện này nếu đúng thế thì tôi có lời xin lỗi bà Regina.
Đọc ý kiến của ông, tôi có cảm tưởng chúng ta đang nói hai chuyện khác nhau. Tôi tập trung nói lên cái thế hiện nay của Việt Nam đối với Trung Quốc, ông tập trung phê phán thái độ của cá nhân tôi khi đặt vấn đề và có lẽ cũng muốn “nhắn gửi” ai đó nên chú tâm “hợp tác” (tôi cũng mong thế và đã đưa mấy chữ “win-win”, “partnership” vào trong bài) để phản bác lại cái “lúc nào cũng chực” đối đầu. Có lẽ câu cú của tôi viết nó không đủ rõ, nhưng ý của tôi muốn tìm là cái quan hệ “anh sống, tôi sống”. Trong kinh doanh, cạnh tranh (đối đầu), liên minh (hợp tác) đều do Luật qui định (Việt Nam trên con đường xây dựng).
Trong chính trị “đối đầu”, “hợp tác” nó không do Luật điều tiết mà do ý đồ của nhà làm chính trị. Chiến tranh hay hòa bình rất nhiều khi phát xuất từ những ý đồ đó. Cái lo ngại của tôi và có lẽ của rất nhiều người (ông chỉ cần xem lại những ý kiến đăng trên Bauxite Việt Nam thì thấy sự lo ngại đó là có cơ sở) là Trung Quốc dường như đang chủ tâm lấn lướt nhằm thôn tính hay ít nhất khuất phục nhằm đưa Việt Nam trở lại thời đô hộ trước đây. Nhiều diễn biến lịch sử xảy ra giữa Việt Nam và Trung Quốc đã được nhiều học giả và nhà chính trị Việt Nam dùng ý niệm “chủ nghĩa Đại Hán” để nói với người dân Việt. Hiện nay không ai là không rõ chuyện gì đã và đang xảy ra ở Biển Đông (bao nhiêu người bị bắt, bao nhiêu tàu cá chúng ta bị tàu “lạ” húc chìm, chắc ông không quên). Đọc báo theo dõi những hội nghị quốc tế chắc người ta không quên Bộ trưởng Ngoại giao, tướng Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc đã nói gì mà báo chí không ngại dùng chữ “hăm doạ” đề mô tả. Cái lỗi mà tôi có với bà Regina là đã áp đặt cách “nghĩ như bà” theo cái hướng là Trung Quốc nhất định thôn tính Việt Nam, trong khi có thể bà chỉ muốn nói về chuyện kinh doanh thương mãi. Cái tựa “Cạnh Trung Quốc: Cơ hội hay thách thức là tùy ở Việt Nam” đặt trong tình hình chính trị nóng bỏng đang diễn ra quả là một thứ gây sốc cho người đọc, ít nhất là cho tôi. Nó hình như là một cách nói khác đã được nghe từ quan chức cấp cao của Trung Quốc: hợp tác thì phát triển, chống đối thì tiêu tan. Chỉ sợ, và rất sợ “hợp tác” theo kiểu Chiêu Thống. Khi ấy Trung Quốc sẽ trở thành một thứ thực dân mới điều khiển Việt Nam với cái bấm điều khiển từ xa. Chiêu Thống thời nào cũng có. Thời nay càng nhiều màu nhiều vẻ, và càng dễ đổi màu như những con kỳ nhông. Nếu ông cho rằng tôi bị hội chứng “Chiêu Thống”, “ngàn năm nô lệ giặc Tàu” thì không sai đâu. Tôi rất mong được thấy Trung Quốc đến Việt Nam như một người bạn chân thành. Sự chân thành bè bạn ở đâu cũng thể hiện qua hành động. Hành động gần nhất và ngay tức khắc mà Trung Quốc làm được là Bộ Quy Tắc Ứng Xử Biển Đông trong đó các dân tộc có phần đều được yên tâm làm ăn, “anh sống, tôi sống”. Tôi rất mong điều ấy xảy ra. Lúc ấy tôi, dân tộc tôi, các dân tộc khác sẽ nhìn Trung Quốc như một người bạn, một người anh lớn đầy trách nhiệm.
Ông cho rằng không nên chỉ suy nghĩ theo kiểu “ép mọi đối tác, bè bạn, mọi chính sách vào cái khuôn đối đầu chật hẹp đó”. Thứ nhất, có lẽ ông đã quên đọc chỗ tôi viết về “win-win”, “partnership”,” hòa bình”, “chiến tranh” trong phần chót rồi. Thứ hai, chuyện này tôi nghĩ chỉ có lãnh đạo Việt Nam mới trả lời được. Năm 1979 khi Trung Quốc tấn công tràn qua biên giới phía Bắc Việt Nam, Hiến pháp đổi, bạch thư đưa ra chỉ danh định rõ Trung Quốc là kẻ thù. Hơn mười năm sau đó, Việt Nam lại trở thành bè bạn với Trung Quốc rồi được ban cho 16 chữ vàng mà phần định nghĩa thâm sâu phía sau chỉ có lãnh đạo Trung Quốc mới biết, chỉ có lãnh đạo Việt Nam mới hiểu và biết hành động ra sao cho đúng với lương tâm, truyền thống dân tộc. Không có ai có một chút tấm lòng yêu nước mà không lo lắng cho vận mệnh của Đất Nước trước những diễn biến phức tạp trong mấy năm qua và nhiều năm sắp tới…
Còn cái nóng giận, hấp tấp, chỉ nghĩ một chiều mà ông đánh giá về tôi. Có thể đúng, có thể sai. Điều đó quả thật không quan trọng.
Xin được hỏi: ông có lo cho vận mệnh Đất Nước của chúng ta khi biết những gì đã và đang xảy ra cho Việt Nam không?
Tôi nghĩ là tôi đã nói hết ý và xin dừng tranh luận ở đây.
Kính chào trân trọng
Trần Bích Đăng
-Tiếp tục làm bạn với Trung Quốc như thế nào? (VNN 7-1-11) -- Lược dịch bài How to Stay Friends With China (NYT 2-1-11) của BrzezinskiBa mươi năm sau khi mối quan hệ hợp tác giữa hai nước bắt đầu, Mĩ và Trung Quốc không nên chùn bước cho một thảo luận thẳng thắn về các khác biệt giữa hai bên – mà ngược lại, hai nước nên tiến hành điều đó với việc thừa nhận rằng mỗi bên đều cần đến nhau.
Chuyến viếng thăm của chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào tới Washington trong tháng này sẽ là cuộc gặp gỡ Mĩ - Trung thuộc hàng quan trọng nhất kể từ chuyến viếng thăm lịch sử của Đặng Tiểu Bình hơn 30 năm về trước. Do đó, nó hẳn sẽ có ý nghĩa vượt ra ngoài các trao đổi xã giao thông thường của sự tôn trọng lẫn nhau. Nó hẳn cũng hướng tới một sự xác định rõ ràng cho mối quan hệ giữa hai nước cùng có trách nhiệm thực thi các triển vọng toàn cầu trong sự hợp tác mang tính xây dựng giữa đôi bên.
Tôi còn nhớ rất rõ chuyến viếng thăm của Đặng Tiểu Bình, khi đó tôi là cố vấn an ninh quốc gia. Nó đã diễn ra trong một kỉ nguyên của chủ nghĩa bành trướng Liên Xô, và đem lại kết quả là các nỗ lực Mĩ - Trung nhằm chống lại điều đó. Nó cũng đánh dấu điểm khởi đầu của sự chuyển đổi kinh tế kéo dài suốt ba thập kỉ của Trung Quốc - một sự chuyển đổi được tạo điều kiện bởi những ràng buộc ngoại giao mới của nó với Hoa Kì.
Chuyến viếng thăm của chủ tịch Hồ Cẩm Đào diễn ra trong một bầu không khí khác. Có những mối bất ổn định đang tăng lên khi xét tới mối quan hệ song phương giữa hai nước cũng như các quan ngại ở châu Á trước các tham vọng địa chính trị ở tầm mức rộng lớn hơn của Trung Quốc.
Trong những tháng gần đây, đã có một sự tăng lên không ngừng các tranh cãi ở Mĩ và Trung Quốc, mỗi bên đều đổ lỗi cho bên kia về việc theo đuổi các chính sách kinh tế đi ngược lại với các quy tắc quốc tế đã được chấp nhận. Mỗi bên đều miêu tả bên kia như là kẻ ích kỉ. Những khác biệt kéo dài giữa các quan điểm của Mĩ và Trung Quốc về nhân quyền được làm trầm trọng thêm với giải thưởng Nobel Hoà bình năm 2010 trao cho một nhà bất đồng chính kiến Trung Quốc.
Hơn nữa, mỗi bên một cách không cố ý đã làm tăng thêm các mối hoài nghi đối với bên kia. Các quyết định của Washington trong việc giúp Ấn Độ về vấn đề năng lượng hạt nhân đã kích thích nỗi bất an của Trung Quốc, thúc đẩy việc Trung Quốc tăng cường hỗ trợ cho tham vọng của Pakistan mở rộng các tiềm năng năng lượng hạt nhân của mình. Việc Trung Quốc tỏ ra thiếu quan tâm đối với các giao tranh vũ lực của Bắc Triều Tiên với Hàn Quốc đã làm tăng lên sự e sợ đối với chính sách của Trung Quốc về bán đảo Triều Tiên. Và ngay khi chủ nghĩa đơn phương của Hoa Kì trong những năm gần đây đã gây nên phản kháng một cách không cần thiết đối với bạn bè đồng minh của Mĩ thì Trung Quốc hẳn cũng nên chú ý rằng một số quan điểm gần đây của Trung Quốc đã gây nên lo ngại tới các nước láng giềng của nó.
Hệ quả tồi tệ nhất cho sự ổn định lâu dài của châu Á cũng như cho mối quan hệ Mĩ - Trung hẳn sẽ là một khuynh hướng có tác động nguy hiểm ngày càng leo thang gây thiệt hại cho cả hai bên. Tồi tệ hơn nữa, những cám dỗ theo đuổi một tiến trình như vậy sẽ có chiều hướng tăng lên khi cả hai nước phải đối mặt với các khó khăn nội bộ. Các áp lực là có thật. Chẳng hạn, nhu cầu của Mĩ trong việc cải tổ toàn diện các vấn đề trong nước trên nhiều bình diện là cái giá của việc phải gánh chịu sức nặng của việc tiến hành của chiến tranh lạnh kéo dài 40 năm, và một phần nào đó là cái giá của việc trong suốt 20 năm qua đã xao lãng sự tăng lên trông thấy của sự lỗi thời trong các vấn đề nội địa của nó. Cơ sở hạ tầng yếu kém của Mĩ chỉ là một triệu chứng của việc đất nước trượt dài trở ngược lại về thời điểm của thế kỉ 20.
Trong khi đó, Trung Quốc đang đấu tranh để quản lí một nền kinh tế quá nóng bên trong một hệ thống chính trị cứng rắn. Một số tuyên bố của các nhà bình luận Trung Quốc đã tấn công vỗ mặt vào thái độ hân hoan chiến thắng quá sớm khi xét đến sự chuyển đổi nội tại lẫn vai trò toàn cầu của nó. (Những nhà lãnh đạo Trung Quốc đó, những người vẫn nghiêm túc tuân theo các giá trị cổ điển của chủ nghĩa Marx hẳn đã cẩn trọng đọc lại lời kêu gọi mang tiêu đề "Cơn say với thắng lợi" của Stalin năm 1930 đối với các cán bộ nòng cốt của đảng, thông điệp cảnh báo chống lại "một tinh thần phù phiếm và giả tạo.")
Ba mươi năm sau khi mối quan hệ hợp tác giữa hai nước bắt đầu, Mĩ và Trung Quốc không nên chùn bước cho một thảo luận thẳng thắn về các khác biệt giữa hai bên - mà ngược lại, hai nước nên tiến hành điều đó với việc thừa nhận rằng mỗi bên đều cần đến nhau. Một sự thất bại trong việc củng cố và mở rộng hợp tác giữa hai nước sẽ huỷ hoại không chỉ cả hai quốc gia mà còn đối với toàn thế giới nói chung. Hẳn chẳng có bên nào tự lừa dối mình rằng nó có thể tránh được tổn thất gây ra bởi một sự đối kháng lẫn nhau ngày càng tăng cường; cả hai bên nên hiểu rằng một cuộc khủng hoảng ở một nước này có thể gây nên tổn thương cho nước kia.
Đối với cuộc viếng thăm có ý nghĩa còn lớn hơn cả tính biểu tượng này, Tổng thống Obama và Chủ tịch Hồ Cẩm Đào nên có một nỗ lực nghiêm túc để xây dựng nên dưới hình thức một tuyên bố chung về tiềm năng lịch sử của sự hợp tác có tính xây dựng giữa hai nước Mĩ - Trung. Hai nước nên vạch ra các nguyên tắc dẫn dắt sự hợp tác đó. Hai nước cũng nên tuyên bố cam kết của mình về quan điểm rằng mối quan hệ đối tác Mĩ - Trung hẳn phải có một sứ mệnh rộng lớn hơn lợi ích riêng trong phạm vi quốc gia. Quan hệ đối tác đó hẳn phải được dẫn dắt bởi các yêu cầu về mặt đạo đức của sự phụ thuộc lẫn nhau trên tầm mức toàn cầu chưa từng có tiền lệ này trong thế kỉ 21.
Tuyên bố đó cũng nên thúc đẩy một tiến trình xác định các mục tiêu xã hội, kinh tế và chính trị chung. Nó nên thành thực thừa nhận tính hiện thực của một số bất đồng cũng như biểu lộ một quyết tâm chung trong việc tìm kiếm các giải pháp nhằm thu hẹp phạm vi của các bất đồng đó. Nó cũng nên lưu ý tới các mối đe doạ tiềm tàng đối với an ninh trong các khu vực gây nên quan ngại cho cả hai bên, và cả hai phải cùng cam kết tăng cường các tham vấn và hợp tác với nhau khi đối phó với các khó khăn thách thức.
Trên thực tế, một bản tuyên bố chung như vậy nên đưa ra khuôn khổ hành động không chỉ để tránh cái mà trong một số hoàn cảnh nào đó có thể trở nên một sự ganh đua đầy thù nghịch mà còn cho việc mở rộng một sự hợp tác hiện thực giữa Mĩ và Trung Quốc. Điều này sẽ xây dựng một mối quan hệ sống động giữa hai cường quốc với những khác biệt sâu sắc về lịch sử, bản sắc và văn hoá - song cả hai đã từng có được một vai trò quan trọng ở mức toàn cầu trong lịch sử.
- Zbigniew Brzezínki
Vài nét về tác giả: Zbigniew Brzezinski là cố vấn an ninh quốc gia dưới thời tổng thống Carter, người có vai trò rất lớn trong việc lái chính sách ngoại giao của Hoa Kì đi gần hơn với Trung Quốc để chống lại Liên Xô; chính sách đó đã có tác động to lớn tới cục diện thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng ở các thập niên cuối thế kỉ 20.
(Lê Nguyên dịch từ The New York Times)
----------
Hà Sơn Tây
Chúng tôi đăng bài viết dưới đây của bạn Hà Sơn Tây trao đổi lại với bạn Trần Bích Đăng về những ý kiến Trần Bích Đăng góp ý với bài phỏng vấn GS Regina Abrami trên Diễn đàn Kinh tế Việt Nam với mong muốn cùng nhau đi tới những nhận thức đúng đắn trên các vấn đề đang là “điểm nóng” thuộc phạm vi quan hệ Trung Quốc-Việt Nam. Có thể bạn Trần Bích Đăng xuất phát từ tình hình nội lực thực tế của nước ta, hiểu quá rõ tư thế của người cầm chịch vận mệnh đất nước bấy lâu nay, nên có tỏ ra lo lắng hơi quá mức trước những câu trả lời khách quan của người ngoài cuộc. Đấy cũng là tâm trạng của phần đông kẻ sĩ đang sống trong một không khí mà với trải nghiệm của chính mình, bất kỳ một phát ngôn nào có thể hiểu thành nhiều cách, có thể bị những kẻ nhiều quyền lực nhưng rất thiếu bản lĩnh và đầu óc, hoặc những kẻ “buôn vua” nhan nhản trong xã hội hiện nay, lợi dụng theo ý họ khiến đất nước càng thêm ba bè bảy mối, đều đánh hơi thấy sự bất lợi, phải cảnh giác triệt để. Đó là một sự thực đau lòng nhiều khi vượt ra ngoài nội hàm câu chữ mà hầu hết giới cầm bút chân chính đều rất thông cảm. Dù sao vẫn rất cần nhắc nhau: trong điều kiện giao lưu có tính chất toàn cầu hiện nay, mọi sự vật đều phải được đặt ở một tầm suy xét khách quan, rộng mở, chứ không nên bị bó hẹp vào những hoàn cảnh đặc thù, để tiếp nhận những gì người khác muốn biểu đạt. Thái độ mặc cảm cố hữu lâu nay của chúng ta nên được gạt bỏ trong tranh luận. Bauxite Việt Nam |
Tôi thật sự thất vọng với bài của Trần Bích Đăng (TBĐ), mà Bauxite Việt Nam đăng ở trước bài trao đổi giữa Giáo sư Regina Abrami với Diễn đàn Kinh tế Việt Nam. Không kể việc TBĐ viết sai tên bà (Regina chứ không phải Gegina), và cũng không hiểu rằng người ta không gọi một người Âu Mỹ không thân bằng tên mà phải bằng họ (Abrami) hoặc cả tên họ đầy đủ (Regina Abrami, dưới đây sẽ viết tắt là RA), có điều chi không ổn trong những câu hỏi có tính cật vấn mà TBĐ đặt ra cho GS RA.
Toàn bài viết của TBĐ tập trung vào một đoạn trong bài của giáo sư RA, đó là đoạn trả lời câu hỏi của nhà báo Lan Hương “Nhưng theo bà, sự trỗi dậy của Trung Quốc này mang lại nhiều thách thức hơn hay là nhiều cơ hội hơn cho Việt Nam?” (theo tôi, nếu nhà báo đề nghị GS RA nêu ra những thách thức và cơ hội đối với VN thì hay hơn, nhưng đó là chuyện khác).
Để tiện theo dõi, tôi chép lại dưới đây đoạn đó :
“Câu hỏi này đặt ra không hề mới mẻ và lạ lẫm gì, bản thân người Việt Nam đã băn khoăn về điều này hàng thế kỷ nay. Nhưng trong bối cảnh mới hiện nay, câu trả lời không nằm ở Trung Quốc mà nằm ở chính Việt Nam. Việt Nam coi sự trỗi dậy của Trung Quốc là thách thức thì nó sẽ là thách thức, coi nó là cơ hội thì nó sẽ là cơ hội.
Điều này phụ thuộc vào việc Việt Nam có chính sách như thế nào với những dòng vốn đầu tư từ Trung Quốc, các doanh nhân Việt Nam nhìn nhận thế nào về cơ hội hợp tác làm ăn với người Trung Quốc… Nếu như các doanh nhân Việt Nam nhìn nhận đó là cơ hội để phát triển thì nó sẽ là cơ hội. Bản thân tôi cũng hy vọng sự trỗi dậy của Trung Quốc sẽ là cơ hội chứ không phải de dọa đối với Việt Nam.
Cũng nên nhìn nhận công bằng là Trung Quốc cũng không khác gì các nhà đầu tư nước ngoài khác khi đến với Việt Nam. Việt Nam có các luật và quy định như thế nào về vốn đầu tư nước ngoài thì cũng nên áp dụng một cách bình đẳng với Trung Quốc, cũng như với các nhà đầu tư nước ngoài khác”.
Tôi không hiểu ý nào của GS RA cho phép TBĐ kết luận rằng “Hai chữ cơ hội nếu hiểu như bà thì đường lưỡi bò Biển Đông sẽ tức khắc là đường biên giới biển của Trung Quốc cướp trắng vùng Biển Đông, biến Biển Đông thành ao nhà của Trung Quốc, cắt đứt con đường sinh lộ của Việt Nam đã bao đời sinh sống với Hoàng Sa, Trường Sa…”.
Bà ấy có “xui” chúng ta hãy thụ động về các mặt ngoại giao, quân sự đâu, có nói rằng các bước đi (khôn ngoan) của VN trong việc quốc tế hóa các tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông trước, trong và sau hội nghị ASEAN năm qua… là sai lầm, là gây thiệt hại đến các “cơ hội” làm ăn của VN với TQ đâu?
Còn về kinh tế, khi RA nói “Điều này phụ thuộc vào việc Việt Nam có chính sách như thế nào với những dòng vốn đầu tư từ Trung Quốc, các doanh nhân Việt Nam nhìn nhận thế nào về cơ hội hợp tác làm ăn với người Trung Quốc…” thì bà ấy có “xui dại” VN về một chính sách nào đối với TQ đâu, có gợi ý VN nên chấp nhận tất cả từ phía TQ đâu?
Tôi đọc lại cả bài của GS RA, cũng không thấy bà ấy có ý kiến gì phê phán hay ca ngợi VN trong việc đối xử với TQ. Việc gì mà TBĐ phải đao to búa lớn, gọi cả lịch sử ra để lên án người ta thế nhỉ?
Bình tâm suy nghĩ thì, phải chăng đúng là VN cần và hoàn toàn có thể có những chính sách khôn ngoan đối với vốn đầu tư từ TQ, vừa vẫn tôn trọng các quy định “bình đẳng” của WTO, vừa tạo thêm cơ hội cho kinh tế phát triển? Tôi nhấn mạnh chữ “thêm”, vì chẳng có gì buộc chúng ta coi vốn đầu tư của TQ là duy nhất, thậm chí là chủ yếu. Chẳng hạn, có ai bắt VN phải chấp nhận cho TQ đầu tư khai thác bauxite đâu, nhất là khi họ chỉ mang tới những công nghệ thấp so với thế giới. Có ai buộc chúng ta chấp nhận số công nhân TQ đi theo nhà thầu cao hơn nhiều so với các hợp đồng ta ký với nước khác? VN hàng ngày sử dụng quá nhiều hàng tiêu dùng từ TQ, báo chí đã đánh động nhiều về vấn đề này, nhưng đã có bao nhiêu xí nghiệp liên doanh với TQ để sản xuất các mặt hàng đó tại VN, vừa cho thị trường trong nước vừa xuất khẩu, tạo việc làm cho lao động VN, giảm nhập siêu…? Những chuyện ta đang làm hay không làm đó, chẳng phải là chính chúng ta quyết định ư? Đã đành là họ có sức ép, nhưng sức ép thì đối tác nào mà không làm? Ta có quyền tố cáo những sức ép, những hành vi không thân thiện…, nhưng cuối cùng vẫn đủ lớn để lấy trách nhiệm về công việc của mình chứ? Vậy thì, khi một quan sát viên nước ngoài nói rằng “thách thức hay cơ hội, cái đó tùy ở các bạn”, điều đó có gì sai trái?
TQ trỗi dậy, trước hết là chuyện của họ. Tuy nhiên, khi các chính sách đối ngoại của họ còn nhiễm nặng tư tưởng dân tộc Đại Hán, đó cũng là một mối đe dọa đối với chúng ta. Đây là một thực tế khách quan. Song – kể cả khi những chính sách đối ngoại của TQ được điều chỉnh phù hợp hơn với thế giới hiện nay – trong mọi trường hợp, sự trỗi dậy đó vẫn là một thách thức đối với VN. Thách thức chúng ta phải vươn lên, sớm giải quyết được những vấn đề lớn của xã hội (tham nhũng tràn lan, giáo dục xuống cấp v.v.), tìm được con đường phát triển bền vững của chính mình, và tạo được một thế đứng vững chắc của mình trong thế giới, bạn bè nể phục, đối thủ kiêng dè. Để cuộc sống của chúng ta tốt đẹp hơn, không thua kém người, mà cũng chẳng cần cầu cạnh ai, đồng thời để giữ vững độc lập chính trị, kinh tế, văn hóa lâu dài của đất nước bên cạnh anh hàng xóm khổng lồ mà ta chẳng thể dời đi đâu được.
Tôi hiểu câu hỏi của nhà báo Lan Hương trong nghĩa đó (nghĩa của từ thách thức dịch từ challenges của tiếng Anh), và có câu trả lời không khác lắm so với phát biểu nói trên của bà RA: bên cạnh thách thức mà sự trỗi dậy của TQ đặt ra, VN hoàn toàn có thể tìm thấy những cơ hội cho sự nghiệp phát triển đất nước mình; điều đó trước hết phụ thuộc vào chính chúng ta, cả trong đối xử với TQ và với thế giới, nhưng trước hết là giữa chúng ta với nhau, giữa chính quyền và người dân.
Một câu trả lời chung chung, chính vì nhà báo không đề nghị người được phỏng vấn trả lời cụ thể, những thách thức và cơ hội nào.
Vì thế, tôi không thấy một lý do nào để cật vấn GS RA một cách rất thiếu bình tĩnh như TBĐ.
Người Việt Nam dĩ nhiên có lý khi không quên cảnh giác với TQ. Nhưng thật đáng lo ngại nếu chúng ta để cho tinh thần “cảnh giác” đó trở thành một ám ảnh tới mức không còn có thể bình tĩnh suy nghĩ đến gì khác ngoài sự đối đầu với ông bạn láng giềng khó chịu này, tới mức ép mọi đối tác, bè bạn, mọi chính sách vào cái khuôn đối đầu chật hẹp đó.
Nói chung hơn, cũng thật đáng lo ngại nếu mỗi khi nghe bạn bè “thắc mắc” gì về mình (VN nói chung) thì phản ứng đầu tiên của người VN là tìm cách bảo vệ, bào chữa, hay bác bẻ mà ít khi nhân đó để suy nghĩ về những trách nhiệm của chính mình.
H. S. T.
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.
Cạnh Trung Quốc: Cơ hội hay thách thức tùy ở Việt Nam
(VEF) - “Việt Nam coi sự trỗi dậy của Trung Quốc là thách thức thì nó sẽ là thách thức, coi nó là cơ hội thì nó sẽ là cơ hội.” GS Gegina, ĐH Harvard nhận định trong cuộc bàn tròn trực tuyến trên VEF chiều 31/12/2010.
LTS: Vào buổi chiều cuối cùng của năm 2010, GS Regina Abrami của Trường Kinh doanh Harvard đã có mặt tại studio của Diễn đàn Kinh tế Việt Nam, sẵn sàng cho buổi giao lưu trực tuyến cùng quý độc giả. Mời bạn đọc theo dõi phần 2 cuộc trực tuyến.
Giáo sư Regina Abrami có bằng Tiến sĩ về Khoa học chính trị tại Đại học California, Berkely, và hiện là giảng viên của chương trình Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh (MBA) tại trường Đại học Harvard của Hoa Kỳ.
Bà chuyên nghiên cứu về kinh tế chính trị so sánh, đặc biệt tập trung vào Việt Nam và Trung Quốc. Đã có thời gian sống và nghiên cứu tại Việt Nam và Trung Quốc, GS. Regina được biết đến như một nữ Giáo sư Harvard rất am hiểu hai đất nước này - từ văn hóa đến chính trị, kinh tế.
Nhà báo Lan Hương: Hiện nay, Diễn đàn Kinh tế Việt Nam đang mở tranh luận là Việt Nam phải làm thế nào để cùng phồn vinh với sự trỗi dậy của người láng giêng khổng lồ Trung Quốc (TQ). Bà có thể chia sẻ nước Mỹ nhìn nhận thế nào về sự trỗi dậy của Trung Quốc?
GS Regina: Ở nước Mỹ, cách nhìn nhận và đánh giá về sự phát triển của TQ cũng rất phức tạp và đa dạng. Một mặt, nước Mỹ và người Mỹ cần Trung Quốc. Không nghi ngờ gì là hai nền kinh tế này đang ngày càng hội nhập sâu sắc và phụ thuộc lẫn nhau.
Mặt khác, lúc này lúc khác, vẫn có những khác biệt và mâu thuẫn trong cách nhìn nhận của hai nước về các giá trị chính trị và niềm tin, ví dụ như những vấn đề về nhân quyền và tự do ngôn luận.
Người Trung Quốc có câu thành ngữ để miêu tả tình trạng này: "Đồng sàng dị mộng". Tôi nghĩ câu này rất đúng.
Nhưng tôi cũng nghĩ là người Mỹ rất quan tâm đến sự phát triển mạnh mẽ của Trung Quốc. Về lâu dài, sự thành công về kinh tế của TQ cũng là thành công về kinh tế của Mỹ, nếu như chúng ta có lòng tin vào kinh tế và thị trường tự do.
Chính vì thế mà vẫn còn có nhiều tranh cãi và bất đồng về việc liệu kinh tế và thị trường thế giới đã thực sự mở chưa. Nếu điều này chưa đạt được thì sự phát triển song song giữa hai nước vẫn là một thách thức lớn. Sự cởi mở phải đến từ cả hai phía và từ nền kinh tế của cả thế giới thì mới đảm bảo cho sự phát triển bền vững cho cả hai nền kinh tế. Nếu vẫn còn một bên dè dặt trong việc mở cửa và giữ tư duy bảo hộ, thì chẳng bên nào có thể được lợi cả.
Nhà báo Lan Hương: Vậy theo bà hiện nay thế giới có đánh giá quá cao sự phát triển của Trung Quốc?
GS Regina Abrami: Tôi không nghĩ dùng từ "đánh giá quá cao" là đúng trong trường hợp này. Trong 30 năm qua, Trung Quốc đã phát triển một cách thực sự nổi bật và đáng ghi nhận. Hãy nhìn vào số lượng người Trung Quốc đã thoát nghèo, số người từ nông thôn ra thành thị làm việc và sự cải thiện đầy ấn tượng về cơ sở hạ tầng, sự thay đổi trong giáo dục và phát triển xã hội... Những điều đó, dù xét theo bất cứ tiêu chuẩn đánh giá nào, cũng không thể phủ nhận là rất đáng ghi nhận.
Tôi cho rằng không phải Trung Quốc đang được đánh giá quá cao, những điều họ làm được đáng được gọi là một cuộc cách mạng.
Tôi đã đến TQ cách đây 22 năm và thành phố Quảng Châu khi tôi mới đến chỉ là một thành phố quê mùa, thế mà giờ thành phố này đã đô thị hóa mạnh mẽ, cả vùng nội đô và vùng ngoại ô vốn là nông thôn xung quanh, đường xá nhà cửa tất cả đều rất hiện đại.
Tóm lại, thế giới không phải đang đánh giá quá cao sự phát triển của Trung Quốc, sự vươn lên của họ thực sự là đáng ghi nhận. Tuy nhiên, họ cũng đang phải hứng chịu nhiều hậu quả và những thách thức của sự phát triển này. Chính những "nỗi đau" này đang khiến họ phải tư duy lại về đường đi nước bước tiếp theo của nền kinh tế Trung Quốc.
GS Regina Abrami: Câu hỏi này đặt ra không hề mới mẻ và lạ lẫm gì, bản thân người Việt Nam đã băn khoăn về điều này hàng thế kỷ nay. Nhưng trong bối cảnh mới hiện nay, câu trả lời không nằm ở Trung Quốc mà nằm ở chính Việt Nam. Việt Nam coi sự trỗi dậy của Trung Quốc là thách thức thì nó sẽ là thách thức, coi nó là cơ hội thì nó sẽ là cơ hội.
Điều này phụ thuộc vào việc Việt Nam có chính sách như thế nào với những dòng vốn đầu tư từ Trung Quốc, các doanh nhân Việt Nam nhìn nhận thế nào về cơ hội hợp tác làm ăn với người Trung Quốc... Nếu như các doanh nhân Việt Nam nhìn nhận đó là cơ hội để phát triển thì nó sẽ là cơ hội. Bản thân tôi cũng hy vọng sự trỗi dậy của Trung Quốc sẽ là cơ hội chứ không phải de dọa đối với Việt Nam.
Cũng nên nhìn nhận công bằng là Trung Quốc cũng không khác gì các nhà đầu tư nước ngoài khác khi đến với Việt Nam. Việt Nam có các luật và quy định như thế nào về vốn đầu tư nước ngoài thì cũng nên áp dụng một cách bình đẳng với Trung Quốc, cũng như với các nhà đầu tư nước ngoài khác.
Nhà báo Lan Hương: Trước đây thì có 1 tờ báo của Nhật có một nhận định "Không có một quốc gia nào ở Đông Nam Á mà phụ thuộc vào Trung Quốc như Việt Nam". Vậy thì theo bà, vị trí địa lý cũng như quan hệ lịch sử của 2 quốc gia này khiến cho mỗi quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và Trung Quốc có những sự ràng buộc như thế nào? Và nó sẽ tác động như thế nào đến sự phát triển của kinh tế Việt Nam trong thời gian tới?
Tôi hơi ngạc nhiên một chút bởi nhận định đó của nhà báo Nhật. Sự phụ thuộc đó, có hay không có, thì cũng là do chính sánh của chính quyền hai bên, chứ không phải tự dưng xảy ra. Có những điểm giữa hai nước hầu như không có mối quan hệ kinh tế nào, và cũng có những thời điểm kinh tế hai nước xích lại gần nhau, bối cảnh hiện nay chính là một trong những giai đoạn mà kinh tế hai nước xích lại gần nhau.
Tôi nhấn mạnh lại vai trò của các chính sách, quan hệ giữa hai nước như thế nào hoàn toàn là kết quả của các chính sách được đưa ra.
Nhà báo Lan Hương: Tôi được biết bà cũng nghiên cứu về kinh tế châu Á và tinh thần doanh nhân của người Việt. Chúng ta đều thấy vai trò rất rõ của tinh thần doanh nhân, người Ấn Độ có câu nói "Tinh thần doanh nhân chính là điểm tựa cho kinh tế Ấn Độ phát triển". Còn Trung Quốc, tinh thần doanh nhân được truyền đời từ đời này sang đời khác. Trong khi ở Việt Nam trước cách mạng tháng 8, chúng tôi chỉ có một số ít các nhà kinh doanh lớn.
Thời mở cửa thì có ý kiến cho rằng, các doanh nhân lớn của Việt Nam thương thành công nhờ buôn bán đất đai, buôn bán bất động sản, buôn bán chứng khoán chính vì vậy mà họ không xác định được cốt cách cũng như tinh thần doanh nhân của người Việt. Bà đánh giá như thế nào về nhận định này? Theo bà, vai trò của tinh thần doanh nhân đối với sự phát triển kinh tế Việt Nam trong thời gian tới là gì?
GS Regina Abrami: Tinh thần kinh doanh thì ở đâu cũng quan trọng. Và cũng không phải cứ kinh doanh lớn mới mới có vai trò, mà kinh doanh nhỏ cũng rất quan trọng.
Ngay cả ở Mỹ, hầu hết công việc kinh doanh cũng là vừa và nhỏ. Không chỉ ở Mỹ mà ở bất kỳ nơi nào trên thế giới, các doanh nghiệp vừa và nhỏ đều đóng vai trò vô cùng quan trọng bởi họ là nguồn tạo công ăn việc làm, cũng là nguồn phát sinh các ý tưởng sáng tạo và các hoạt động đổi mới đáng kể đóng góp cho nền kinh tế.
Với Trung Quốc, Ấn Độ hay Việt Nam, tinh thần kinh doanh cũng rất quan trọng. Có sự khác biệt nào không giữa tinh thần kinh doanh ở các nước này, tôi có thể trả lời là có. Với người Trung Quốc, chúng ta có thể cảm nhận tinh thần kinh doanh của họ ở bất cứ nơi nào trên thế giới. Đó chính là điều kiện giúp cho người Trung Quốc ở bất cứ đâu đều có thể dựa vào sự hỗ trợ và giúp đỡ từ cộng đồng mình.
Nhưng nếu nói điều này không thể có được ở người Việt Nam thì tôi không đồng ý. Nhìn vào lượng kiều hối đổ về nước, đặc biệt vào các lĩnh vực mới và hiện đại như công nghệ thông tin, có thể thấy nhận định của tôi là đúng. Vốn đầu tư của Việt kiều về nước đang tạo ra nhiều công ăn việc làm, nhiều cơ hội học hành cho các bạn trẻ.
Tôi cũng không đồng ý với nhận định rằng ở Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám và kháng chiến chống Pháp không hề có các doanh nghiệp tư nhân. Vào thời điểm đó, là một nước đang nằm dưới ách thực dân, Việt Nam không thể nào có doanh nghiệp lớn, nhưng chắc chắn đã có các doanh nhân, người Việt và người Hoa.
Bằng chứng là ngay từ những năm 1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhắn nhủ đến các nhà công nghiệp dân tộc rằng muốn cứu nước thì phải gây dựng kinh tế vững mạnh.
Ngay ở thủ đô Hà Nội lúc đó đã có rất nhiều người kinh doanh, buôn bán nhỏ, bán buôn và chợ đen. Rất nhiều người trong số họ, có cả phụ nữ, đã xuống đường tham gia cuộc biểu tình và tuần hành chống thực dân.
Ảnh: Phạm Hải |
GS Regina Abrami: Điều quan trọng nhất vẫn là tạo điều kiện cho họ tiếp cận các nguồn vốn và tạo ra những chính sách khuyến khích, hỗ trợ họ. Có thể thấy Luật kinh doanh được thông qua lần đầu tiên năm 1999 và sau đó được tiếp tục sửa đổi bổ sung đã khiến số lượng các doanh nghiệp đăng ký thành lập tăng một cách mạnh mẽ.
Thế nên, các doanh nghiệp Việt Nam, chính thức hay không chính thức, đều bị tác động rất nhiều bởi môi trường kinh doanh mà các chính sách do nhà nước tạo ra.
Nhà báo Lan Hương: Vậy thì theo bà vai trò của giới trí thức đối với sự phát triển kinh tế của Việt Nam như thế nào?
GS Regina Abrami: Điều này phụ thuộc vào các hình thức kinh doanh. Lại lấy ví dụ về việc các chính sách có thể tạo ra môi trường kinh doanh như thế nào, hãy nói về việc bảo vệ tài sản trí tuệ. Người ta sẽ phát minh, sẽ thử nghiệm, sẽ lập ra các phòng thí nghiệm và mang các sáng tạo của họ đến cho xã hội nếu như họ biết các tài sản trí tuệ đó của mình được bảo vệ.
Điều quan trọng là có những luật, quy định và một hệ thống bảo đảm sự phát triển như thế. Thực tế ở Việt Nam, có rất nhiều công ty là do những người thuộc giới trí thức đứng đầu, thành lập hoặc vận hành.
Một điều đáng nói nữa là nhà nước có đang có những chính sách đầu tư vào những ngành công nghệ cao chứa đựng nhiều hàm lượng tri thức như sinh học, y tế, dược phẩm, năng lược sạch và năng lượng tái tạo hay chưa. Những lĩnh vực như vậy rất cần sự hỗ trợ từ hành lang pháp lý.
Ví dụ như ở Trung Quốc, nước này tập trung không ít cho những ngành công nghệ cao, nhưng các nhà đầu tư nước ngoại vẫn rất e ngại đem các công nghệ hiện đại nhất của họ đến Trung Quốc vì sợ có thể bị ăn cắp bản quyền.
Nhà báo Lan Hương: Một câu hỏi hơi riêng tư một chút, bà đã đến Việt Nam 18 năm rồi đúng không ạ? Và bà có mối quan hệ gắn bó rất mật thiết với Việt Nam. Vậy thì bà có thể chia sẻ cảm nhận của bà về sự thay đổi của Việt Nam sau 18 năm cũng như tại sao bà lại có mối quan hệ đặc biệt với Việt Nam không?
GS Regina Abrami: Điều thay đổi lớn nhất của đất nước Việt Nam mà tôi nhận thấy nằm ở chính những người trẻ tuổi. Sinh viên Việt Nam giờ đang có mặt ở khắp thế giới. Đó là điều hay nhất tôi chứng kiến ở sự phát triển của Việt Nam. Điều đó có nghĩa là thế hệ trẻ của Việt Nam đang ngày càng có nhiều cơ hội học tập và phát triển hơn những thế hệ cha ông của họ.
Tôi xin dành lời khen cho chính phủ Việt Nam vì đã đầu tư đúng đắn cho tương lai. Họ đã mở cửa các chính sách, mở cửa nền kinh tế, mở cửa xã hội để thanh niên Việt Nam ngày nay có thể dám mơ ước và có điều kiện để thực hiện ước mơ của mình.
Còn mối tình của bản thân tôi với Việt Nam đã bắt đầu từ lần đầu tiên tôi đến Việt Nam khi còn rất trẻ. Khi ấy tôi không nói được nhiều tiếng Việt, nhưng tôi đã được chào đón bởi những người Việt Nam tốt bụng. Điều đó tôi không bao giờ quên, là điều luôn khiến tôi muốn quay trở lại đất nước này và muốn được nhìn thấy nhiều hơn nữa những cơ hội cho giới trẻ Việt Nam trong tương lai.
Lần đầu tiên tôi đến đây, ở Việt Nam chưa có nhiều người Mỹ lắm nên mọi người nhầm tôi là người Nga. Nhưng không sao cả, là người Mỹ hay người Nga thì tôi cũng vẫn được chào đón, và tôi luôn ghi nhớ điều đó.
Nhà báo Lan Hương: Tôi cũng được biết rằng, bà có thể nói được tiếng Việt? Vậy hôm nay bà có thể gửi lời chào đến độc giả của Diễn đàn kinh tế Việt Nam bằng tiếng Việt được không ạ?
GS Regina Abrami: Tôi rất hân hạnh lúc này được nói chuyện với chị, cũng để gặp những người nghe VietNamNet và VEF, được giới thiệu một chút về cuộc sống của tôi và cũng có ý kiến về phát triển Việt Nam và tương lai của Việt Nam.
Nhà báo Lan Hương: Thời gian trôi qua rất nhanh. Mặc dù còn rất nhiều câu hỏi của độc giả nhưng chúng tôi xin khép lại buổi giao lưu trực tuyến với GS. Regina Abrami tại đây. Xin chúc GS một năm mới nhiều niềm vui và hạnh phúc. Chúc quý vị độc giả một năm an khang, thịnh vượng và thắng lợi trên cả thương trường lẫn cuộc sống.
----------
-Cạnh Trung Quốc: Cơ hội hay thách thức tùy ở Việt Nam Kính gửi Giáo sư Gegina,
“Thách thức” và “cơ hội” là hai danh từ chỉ hai vị thế nhưng bao hàm khá nhiều biến thế. Một cách ngắn gọn, trong tinh thần tích cực, thách thức hàm chứa cơ hội tốt hơn như một cuộc thi tuyển cần nhiều cố gắng vì thành quả là những tưởng thưởng, những thu hoạch. Ngược lại, dưới viễn tượng tiêu cực, thách thức lại mang ý nghĩa chống đối và cơ hội là những tai ương tàn phá hủy diệt.
Bà là một giáo sư kinh tế, tất nhiên cách suy nghĩ và hành động có lẽ đang xoay quanh mấy chữ cạnh tranh, hợp tác thương mại, và có lẽ cũng đã quên rằng Việt Nam đã từng bị Trung Quốc đô hộ, cũng đã từng “thách thức” những đạo quân đến từ phương Bắc và cũng đã từng “hợp tác” qua những tên Lê Chiêu Thống, Trần Ích Tắc, và có lẽ bà cũng không biết rằng cha ông chúng tôi tuy nhiều lần đánh bại phương Bắc nhưng cũng đã cố gắng triều cống để được “cơ hội” cho dân tộc được yên thân.
Vì sao chúng tôi khi đọc hai từ thách thức và cơ hội lại không có cái cảm giác yên tâm kiểu cùng làm ăn thành đạt theo công thức “win-win” cho dù cái phần “win” về phía chúng tôi có ít hơn đi nữa (con số mấy mươi tỷ đô la nhập siêu). Không cần phải đi sâu giải thích, giáo sư có lẽ cũng đã biết (nhưng không có những cảm nhận, đánh giá như chúng tôi là người trong cuộc) chuyện gì đã, đang và sẽ xảy ra ở Biển Đông, chiến tranh biên giới Việt-Hoa năm 1979 và hàng chục năm tiếp theo, chỉ vì Việt Nam không nắm cơ hội hợp tác với Trung Quốc ủng hộ Khmer Đỏ diệt chủng và “cáp duồn” dân Việt dọc biên giới với Campuchia… Chưa nói đến việc Trung Quốc xây hàng chục đập thủy điện lớn trên thượng nguồn sông Mekong gây tác hại cho các nước ở hạ nguồn. Đâu? Mấy chữ “hợp tác” kia đâu? Trung Quốc còn chưa chịu đưa những thông tin thủy văn để bước đầu “hợp tác” với các nước Việt, Campuchia, Lào, Thái Lan nhằm giảm thiểu tác động xấu của những con đập nói trên chứ đừng nói đến chuyện gì khác… Chính Trung Quốc đã tung lên mạng những hình ảnh quay lại cảnh bắn giết 64 chiến sĩ Việt Nam trong vụ chiếm đảo Gạc Ma năm 1988. Viết tới đây mới thấm hai chữ thách thức, nó tàn bạo như thế nào.
Hai chữ cơ hội nếu hiểu như bà thì đường lưỡi bò Biển Đông sẽ tức khắc là đường biên giới biển của Trung Quốc cướp trắng vùng Biển Đông, biến Biển Đông thành ao nhà của Trung Quốc, cắt đứt con đường sinh lộ của Việt Nam đã bao đời sinh sống với Hoàng Sa, Trường Sa…
Thưa giáo sư Gegina,
Tôi nghĩ dân tộc Việt Nam chúng tôi quá hiểu thế nào là tàn phá mất mát thương đau của chiến tranh và chỉ mong hoà bình. Có thể nói từ 1975 đến nay, chỉ có 25 năm là thời gian hoà bình lâu nhất mà chúng tôi hưởng được với Trung Quốc, mười năm kia là chiến tranh biên giới 1979 và lai rai 10 năm sau đó. Điều đó chúng tôi, người Việt Nam, hơn ai hết rất không mong thách thức Trung Quốc một chút nào hết, chỉ mong hợp tác trên tinh thần kiểu “partnership” hai bên cùng có lợi và nhất là không “đánh phe” với ai để “thách thức” người khác, nhưng nếu bị ép thì đúng là Trung Quốc đang đẩy Việt Nam vào thế phải chống đỡ, bất hợp tác, đánh phe để tồn tại.
Rất mong bà để hai chữ thách thức và hợp tác vào cái khung (context) lịch sử Việt Nam và Trung Quốc, nhất là cái ý nguyện hoà bình của lãnh đạo Trung Quốc và Việt Nam. Việt Nam dĩ nhiên cũng như bao dân tộc hoà bình khác là không muốn chiến tranh, nhưng có lẽ bà đã biết, dân tộc Việt Nam qua lịch sử mấy ngàn năm hoàn toàn không sợ chiến tranh nếu khi Tổ Quốc bị lâm nguy, bị xâm lăng. Có lẽ điều này cũng là chân lý cho bất cứ dân tộc nào kể cả Trung Quốc. Trong thế giới mở rộng và hội nhập ngày nay, chỉ có hợp tác theo kiểu chia sẻ, “win-win”, “anh sống tôi sống” thì nhân loại mới hưởng thái bình hạnh phúc, chiến tranh nếu có thì chỉ là thứ chiến tranh với đói, nghèo, thất học, bệnh tật mà thôi.
Kính chào bà.
Trần Bích Đăng
-------
Mời độc giả nghe lại toàn văn trực tuyến trong hộp tiện ích bên tay phải màn hình.
Trực tuyến với GS. Regina Abrami
Giáo sư Regina Abrami có bằng Tiến sĩ về Khoa học chính trị tại Đại học California, Berkely, và hiện là giảng viên của chương trình Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh (MBA) tại trường Đại học Harvard của Hoa Kỳ.
Bà chuyên nghiên cứu về kinh tế chính trị so sánh, đặc biệt tập trung vào Việt Nam và Trung Quốc. Đã có thời gian sống và nghiên cứu tại Việt Nam và Trung Quốc, GS. Regina được biết đến như một nữ Giáo sư Harvard rất am hiểu hai đất nước này - từ văn hóa đến chính trị, kinh tế.
Dày công nghiên cứu về Việt Nam, nhất là khu vực DN vừa và nhỏ cùng với quá trình chuyển đổi của nó, GS Regina Abrami từng nhận định, Việt Nam có sẵn tinh thần kinh doanh từ xa xưa, và mạch chảy của tinh thần ấy vẫn chưa bao giờ ngừng nghỉ trong lòng xã hội Việt, dù có lúc thăng - trầm.
Trong một phỏng vấn gần đây về cơ hội cũng như tác động của việc Trung Quốc gia tăng sự hiện diện ở các thị trường mới nổi, GS Regina đã nhận định "trường hợp của Việt Nam (và Trung Quốc) là một trường hợp khá phức tạp bởi lịch sử và mối quan hệ giữa hai nước; khi xét tới sự hiện diện của Trung Quốc ở Việt Nam, thì tôi thấy có nhiều điểm tích cực hơn tiêu cực...".
Vậy, với những tiềm lực vật chất và tinh thần của mình "Việt Nam sẽ phát triển như thế nào bên cạnh người láng giềng khổng lồ Trung Quốc"?
Bên cạnh vai trò một học giả nghiên cứu về Việt Nam và Trung Quốc, GS Regina hiện còn là Chủ nhiệm chương trình trải nghiệm thực tế cho sinh viên MBA (Immersion Experience Program - IXP) của Trường Kinh doanh Harvard.
Những ngày đầu năm 2011, GS Regina Abrami sẽ tiếp tục dẫn đoàn 17 sinh viên đang theo học MBA tại Harvard sang Việt Nam thực tế. Từ khi chương trình IXP được thành lập, đây là lần thứ ba đoàn sinh viên MBA của Harvard sang thực tế theo chương trình này.
Trả lời VEF khi nhận lời mời tham dự bàn tròn trực tuyến, GS Regina chia sẻ "Đào tạo MBA là điều mà tôi luôn trăn trở mỗi ngày, từ khi làm Chủ nhiệm chương trình IXP".
GS cho rằng, qua những chuyến đi tham quan thực tế ở tại hai nền kinh tế đang hằng ngày vươn lên một cách mạnh mẽ như Việt Nam và Trung Quốc, các sinh viên MBA của Harvard sẽ rút ra được nhiều bài học cho riêng mình, để từ đó có thêm những ví dụ minh hoạ sinh động trong quá trình học tập, nghiên cứu tại ĐH Harvard.
Toàn bộ nội dung cuộc trực tuyến sẽ được đăng trên VEF vào sáng ngày mai (1/1/2011). Mời các bạn đón xem.