Thứ Hai, 17 tháng 1, 2011

CÔNG HỮU, TƯ HỮU VÀ HÌNH THÁI XÃ HỘI LOÀI NGƯỜI

Chúng ta ai cũng thuộc câu này: mâu thuẫn là động lực của phát triển, vậy mà cứ triệt tiêu 'thế lực thù địch' thì rồi sẽ lụi tàn ... Trả lời cho câu hỏi 'đơn - đa' ?
-CÔNG HỮU, TƯ HỮU VÀ HÌNH THÁI XÃ HỘI LOÀI NGƯỜI
Bài này viết là một phá lệ, vì đã hứa với lòng là sẽ không viết về đề tài này nữa. Nhưng vì với tiêu chí là chia sẻ kiến thức hiểu biết của bản thân với cộng đồng, nên viết. Thực ra bài viết này là một bài viết lại dưới một luận bàn về triết học và hình thái xã hội loài người đã từng viết trên blog này.
Lịch sử hình thành và phát triển của nhân loại đã trải qua hàng tỷ năm. Với bản chất của loài người chủ yếu là tư hữu và quyền lực. Chúng là động lực tích cực thúc đẩy xã hội loài người phát triển mạnh mẽ khoa học kỹ thuật để phục vụ đời sống bản thân và cộng đồng là điều không chối cải. Nhưng cũng từ những bản chất đó, chúng cũng có mặt tối làm trì trệ sự phát triển cộng đồng, khi bản chất loài người không được kiểm soát thì sẽ đưa đến tha hoá và tham nhũng. Đó là 2 mặt nhị nguyên luận của một vấn đề.

Vì tư hữu và quyền lực mà loài người chinh phục thiên nhiên và tìm hiểu các quy luật của thiên nhiên để phục vụ mình. Nhưng cũng vì tư hữu và quyền lực mà con người tha hóa quên đi cái chung, chỉ thu vén cho cái riêng làm chậm đi tiến trình phát triển cộng đồng vậy.

Tư hữu giống như điều kiện cần để kích hoạt sự dấn thân kiếm tìm của con người. Quyền lực như điều kiện đủ để giúp con người thoả mãn với việc mình làm ra được kết quả mỹ mãn. Khi một hình thái xã hội đạt đủ 2 điều kiện cần và đủ này thì xã hội sẽ thúc đẩy hết tiềm năng sẵn có của mỗi thành viên trong cộng đồng con người đang sống. Và ngược lại, mặt tối tha hoá và tham nhũng sẽ bùng phát.

Khi đã là bản chất thì không thay đổi được. Như ông bà mình bảo: "Non sông dễ đổi, bản tính khó dời". Hay nói cách khác đã là bản chất, mà là bản chất của một cộng đồng, một loài thì nó trở thành quy luật. Thế nên trong triết học có trường phái phân tâm học để chuyên nghiên cứu tâm lý con người, hòng tìm ra bản chất của con người. Tiếng Việt ta, dùng chữ "con người" để ám chỉ cũng là nói lên bản chất của loài người là vậy. Nên việc tìm ra bản chất con người và các quy luật cuộc sống là chức năng của triết học đi tìm tư tưởng chinh phục con người sống nhân bản và quy cũ.

Thực chất một hình thái xã hội ngày nay không còn đơn thuần tư hữu hay công hữu. Tư hữu để thúc đẩy các thành viên trong xã hội phát huy toàn bộ năng lực của mình. Công hữu để bảo toàn và phát triển sức mạnh cộng đồng. Tư hữu và công hữu như âm dương, nước lửa, sáng tối, đàn ông đàn bà, v.v... làm cho thế giới hài hoà và phát triển. Bất kỳ hình thái xã hội nào quá thiên về công hữu hay quá thiên về tư hữu đều sẽ dẫn đến sự suy vong. Có thể tìm thấy những minh chứng lịch sử hiện thời cho kết luận này.

Thế thì để một cộng đồng của con người phát triển, thì phải có hình thái xã hội phù hợp với bản chất của con người. Trải qua hàng tỷ năm cho đến nay con người đã có nhiều hình thái xã hội được áp dụng cho các cộng đồng con người khác nhau trên khắp quả địa cầu như trong bài viết Họ đã làm gì và họ sẽ...? mà tôi đã tóm lược một cách ngắn gọn. Song chung qui cho tất cả các hình thái xã hội cũng chỉ tóm gọn trong bản chất của vấn đề tư hữu và quyền lực của con người. Trong đó, vấn đề công hữu (tất cả tài sản là của chung của cộng đồng được cổ xúy) và tư hữu (tài sản riêng là của cá nhân mỗi người làm ra trong cộng đồng được tôn trọng).

Trải qua 5 hình thái xã hội loài người, nói đúng ra thì con người chỉ mới trải qua chỉ 4 hình thái xã hội, nếu không tính sự thất bại của hình thái xã hội công hữu của khối Liên Xô và Đông Âu cũ. Nhưng qua đó, cho thấy được hình thái xã hội nào phục vụ cho bản chất của con người tối ưu nhất, hình thái ấy sẽ tồn tại lâu nhất.

Một khoảng thời gian khá dài, chúng ta ai cũng nghe thấy câu cửa miệng: "Tư bản giãy chết hay đêm 30 của thế giới tư bản". Nhưng cuối cùng thì cha đẻ những câu cửa miệng ấy lại là "người" chết trước. Tại sao? Vì con người cần bảo vệ bản chất của mình, nhưng hình thái xã hội công hữu của Liên Xô và Đông Âu cũ không bảo vệ bản chất của con người.

Về mặt lý thuyết hình thái công hữu là tốt đẹp khi mang lại sự công bằng cho mọi thành viên trong cộng đồng. Nhưng một cộng đồng đòi hỏi phải được điều hành trong một luật lệ quy cũ thì cộng đồng mới ngăn ngừa được mặt tối của bản chất con người. Câu chuyện bi kịch bắt đầu từ một cộng đồng đi theo hình thái công hữu từ đây. Vì nhóm điều hành vì tư hữu và quyền lực của mình mà bóp nghẹt 6 cặp phạm trù và 3 quy luật chung của duy vật luận, không cho chúng xảy ra thì hình thái xã hội ấy sẽ bị tàn lụi. Lúc đó, giai cấp điều hành sẽ dựa vào luật của mình định ra để biến công hữu toàn xã hội thành một dạng tư hữu của riêng nhóm của mình. Đó là quy luật tất yếu của bản chất của con người. Bất công sẽ xảy ra, phân hoá xã hội sẽ ngày càng lớn, và quy luật sinh tử của tạo hoá sẽ vận hành là điều tất nhiên. Vì tha hoá xuất hiện và sự u mê sẽ bao trùm trong tư duy nhóm quyền lực, và nhóm bị trị ắt sẽ vùng lên đấu tranh giai cấp như chủ nghĩa Marx đã đúc kết.

Để giải quyết bản chất con người, thì cho đến nay hình thái xã hội tư bản chủ nghĩa đã giải quyết tương đối tốt. Khi họ biết sử dụng lý thuyết đa nguyên để tạo ra những mặt đối lập của xã hội loài người. Khi đó, 6 cặp phạm trù và 3 quy luật của duy vật luận luôn thúc đẩy xã hội tiến lên không ngừng. Ở hình thái tư bản chủ nghĩa luôn hình thành hai khu vực tư hữu và công hữu. Không hoàn toàn công mà cũng không hoàn toàn tư. Công lo việc chung cho tư hữu và quyền lực của cộng đồng, vì cộng đồng chẳng qua là một cá thể của nhiều cá thể nhó mà gộp lại. Tư lo việc riêng về tư hữu và quyền lực của mỗi cá thể.

Nhìn lại hình thái xã hội Liên Xô cũ thuộc dạng đơn nguyên. Nó không tạo điều kiện cho 6 cặp phạm trù và 3 quy luật của duy vật luận xảy ra vì không có đối lập và mâu thuẩn xảy ra. Nên câu chuyện sụp đổ là điều ắt phải đến. Nó giống như một dòng chó nuôi chỉ biết lấy nhau trong dòng tộc để được những đứa con mỹ miều nhưng lắm bệnh tật vì dần mất đi tính đề kháng, do quá trình di truyền các đồng hợp tử gene lặn vậy.

Thế thì tại sao có đa nguyên, và tại sao có đơn nguyên? Tất cả đều bắt nguồn từ bản chất của con người.

Ở hình thái xã hội đa nguyên, tư hữu và quyền lực được kiểm soát chặt chẽ dưới một nhà nước pháp trị. Ở đó, mọi thành viên dù là giai cấp cầm quyền cũng phải chịu sự kiểm soát của pháp luật. Ở đó, 6 cặp phạm trù và 3 quy luật của duy vật luận được xảy ra để thúc đẩy quá trình phát triển của xã hội. Đó là nền tảng của sự phát triển vì các mặt sáng của bản chất loài người được phát huy tối ưu.

Còn ở mô hình đơn nguyên, tư hữu và quyền lực luôn được điều hành bỡi một nhà nước nhân trị. Ở nhà nước nhân trị thì nhóm quyền lực sẽ ngồi trên pháp luật để giải quyết tư hữu và quyền lực của mình. Lúc đó, 3 quy luật và 6 cặp phạm trù của duy vật luận không xảy ra. Đó là nền tảng của sự thụt lùi vì tha hoá và tham nhũng là mặt tối của con người được phát huy.

Việt Nam ta đang bàn chuyện công hữu và tư hữu, nhưng không quan tâm đến bản chất của con người và không đi đúng duy vật luận thì không thể giải quyết vấn đề được. Và yếu tố về bản chất con người thì trong duy vật luận lại khiếm khuyết phần cốt lõi nhân bản này. Như thế mới thấy các trường phái triết học tồn tại từ xưa đến nay không có trường phái nào thừa mứa cả. Và việc lập ra một hình thái xã hội nhân bản để điều hành một cộng đồng không chỉ đơn giản áp dụng một hệ thống tư tưởng là ổn. Vì mỗi cá thể con người là một bài toán đa ẩn số trong mọi không gian và thời gian khác nhau. Nó bao gồm cả bản năng động vật và phần tư duy cao cấp diễn biến phức tạp khó lường.

Hy vọng bài viết ngắn đứng trên quan điểm triết học này sẽ giúp ích cho đại hội đảng lần thứ XI và cho cộng đồng.

Asia Clinic, 17h08', ngày Chúa Nhựt, 16/01/2011
----------------
-

Đối lập trong đảng là tiến bộ và phù hợp với triết học Á Đông 12/01/11 5:14 AM

Đối lập trong đảng là tiến bộ và phù hợp với triết học Á Đông
VRNs (12.01.2011) – Hà Nội – Theo thuyết Âm dương và thuyết Ngũ hành của người Á Đông cổ đại, thế giới tự nhiên luôn biến hóa không ngừng và cần các yếu tố đối lập để ước chế, điều hòa nhằm có được sự phát triển cân bằng, lành mạnh nhất. Theo quan niệm của người xưa, vũ trụ khi mới sinh ra là một khối rất lớn gọi là thái cực. Rồi, thái cực sinh ra hai nghi (lưỡng nghi) là âm dương. Âm dương kết hợp với nhau để tạo ra năm hành (ngũ hành) kim, mộc, thủy, hỏa, thổ. Từ ngũ hành sẽ tạo ra ba thể (tam tài) của vũ trụ là thiên (trời), địa (đất) và nhân (người). Trong mỗi thể đó đều có sự kết hợp chặt chẽ và cân bằng giữa âm, dương và các thành phần của ngũ hành.

Thuyết Âm dương cho rằng âm dương là một thuộc tính nội tại của mọi sự vật, hiện tượng. Từ đất trời, mặt trăng mặt trời cho đến lục phủ ngũ tạng, tính khí buồn vui của con người hay màu sắc trắng đen cũng đều được qui vào âm hay dương. Tuy nhiên, âm dương không phải là một vật chất cụ thể mà là một thuộc tính mâu thuẫn, đối lập nằm trong mọi sự vật, hiện tượng. Tuy đối lập nhưng âm dương còn có tác dụng, ý nghĩa sinh ra nhau, hỗ trợ lẫn nhau. Do đó biểu tượng cho thuyết âm dương là một hình tròn chia đôi bằng nhau bằng một ranh giới mềm mại, bên trắng là dương và bên đen là âm, nhưng bên trắng lại có một nhân đen và bên đen cũng có một nhân trắng. Người xưa thường nói âm ở trong để giữ gìn cho dương, dương ở ngoài để giúp đỡ cho âm. Như vậy, thiếu âm hay thiếu dương, mọi sự vật hiện tượng đều không thể phát triển được bình thường. Nói cách khác, để khôi phục sự phát triển bình thường cần xem xét để nuôi dưỡng, phục hồi lại phần đối lập đã bị mất hoặc nhược.

Thuyết Ngũ hành về căn bản cũng là một cách thừa nhận và biểu thị qui luật mâu thuẫn, đối lập tất yếu và cần thiết của vũ trụ. Thuyết Ngũ hành cho rằng mọi sự vật hiện tượng đều do năm loại chất tạo thành là Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ. Mỗi loại vật chất này đều có những tính chất và công dụng đặc trưng mà loại khác không thể thay thế được và chúng kết hợp, tác động tới nhau theo một tinh thần cơ bản là cộng tác và ước chế mà người xưa gọi là Luật tương sinh, Luật tương khắc và Luật chế hóa. Theo Luật tương sinh thì năm loại chất đó có mối quan hệ đều là nguồn gốc của nhau, sinh ra nhau theo một chu trình khép kín: thủy sinh mộc, mộc sinh hỏa, hỏa sinh thổ, thổ sinh kim, kim sinh thủy, thủy lại sinh mộc và cứ tiếp diễn mãi như thế. Luật tương khắc lại qui định các chất có mối quan hệ đối nghịch, kiềm chế lẫn nhau: mộc khắc thổ, thổ khắc thủy, thủy khắc hỏa, hỏa khắc kim, kim khắc mộc và mộc lại khắc thổ. Còn Luật chế hóa là sự phối hợp của tương sinh, tương khắc nhằm giữ cho sự vật, tự nhiên được phát triển trong thế quân bình, không để cho một lực lượng, vật chất nào trở thành thống soái hay phát triển thái quá (đều là hại). Ví dụ: Mộc khắc thổ, thổ sinh kim, nhưng kim lại khắc mộc, vậy, nếu mộc khắc thổ một cách thái quá thì “con” của thổ là kim tất sẽ khắc mộc để kìm chế sự thái quá của mộc. Tương tự, hỏa khắc kim, kim sinh thủy, thủy lại khắc hỏa, v.v. Như vậy, theo thuyết Ngũ hành thì sinh và khắc đều cần thiết cho sự phát triển và giữ gìn thế cân bằng trong vũ trụ, để không một lực lượng, vật chất nào có thể trở thành duy nhất, độc đoán.

Nhìn vào thực trạng tự nhiên hiện nay của trái đất cũng có thể thấy thuyết âm dương, ngũ hành vẫn còn nguyên giá trị. Hai cực của trái đất và sa mạc Sahara là những nơi mất cân bằng lớn về âm dương đều là những nơi có sự sống, sự phát triển rất khó khăn và nghèo nàn. Còn nơi đâu âm dương cân bằng, ngũ hành đầy đủ, nóng lạnh đồng đều, mưa nắng thuận hòa thì sản vật, muôn loài đều trù phú, dễ dàng sinh sôi, nảy nở. Nhưng đó mới chỉ nói đến hai thể đầu tiên của tam tài là Thiên Địa.
Còn nếu nhìn vào xã hội của Con người (Nhân) thì cũng thấy các quốc gia phát triển cân bằng nhất, lành mạnh nhất hiện nay đều là các quốc gia tôn trọng (một cách vô tình hay hữu ý) thuyết Âm dương, thuyết Ngũ hành, cho dù quốc gia đó đang ở Đông hay Tây. Trong hệ thống chính trị và đời sống xã hội của các quốc gia Bắc Âu (Thụy Điển, Na Uy, Phần Lan), Bắc Mỹ (Canada, Mỹ) hay các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, qui luật âm dương, tương sinh, tương khắc, chế hóa của thuyết Âm dương, Ngũ hành đều hiển hiện rõ ràng, được yêu mến và tôn trọng nghiêm ngặt. Ở đó có đảng cầm quyền thì lại có đảng đối lập, có báo chí nhà nước thì cũng có báo chí tư nhân, có cánh tả thì lại có cánh hữu, nhà nước có cảnh sát thì dân chúng có quyền biểu tình, v.v. Không lực lượng nào có quyền tuyệt đối hay dám tự nhận là lực lượng “tiến bộ”, “ưu tú” của xã hội. Và bản thân ngay trong một đảng, một lực lượng cũng có những “phần tử” đối lập, chống đối nhưng vẫn được tôn trọng, được sống, được sinh hoạt yên bình một cách “tương sinh, tương khắc” với các đồng đảng và các thành phần khác trong xã hội. Việc thay đổi quan điểm chính trị hay từ bỏ đảng tịch cũng được coi là một chuyện tự nhiên đúng như “trong âm có âm dương, trong dương có dương âm, âm đến cực độ sinh ra dương, dương đến cực độ sinh ra âm.”

Vì vậy, nếu một đảng cầm quyền đang tha hóa, cần chỉnh đốn, sửa chữa mà lại có những đảng viên dám nêu lên những quan điểm đối lập với nghị quyết, với cương lĩnh của đảng thì đó là một hiện tượng không chỉ hợp với qui luật tự nhiên, với triết học Á Đông mà còn là một nhân tố quí cho sự tiến bộ của chính đảng đó và đất nước đang phải chịu sự lãnh đạo của nó. Những ý nghĩ không đồng tình với quan điểm đối lập đó cũng là lẽ tự nhiên, nhưng sẽ trái tự nhiên, chống lại Trời Đất và phản lại tiến bộ nếu lại coi sự đối lập là “thù địch” hay muốn “xử trí nghiêm khắc” những nhân tố đối lập đó.

BS. Phạm Hồng Sơn
12/01/2011

PHẤN ĐẤU KÝ SỐ 33

...tớ phát hiện vô cùng quan trọng đó là: NHẬN THỨC VỀ CHỦ NGHĨA XÃ HỘI HIỆN NAY Ở NGAY CÁC VỊ CÓ QUYỀN LỰC CAO CŨNG CHƯA THỐNG NHẤT! Thế có chết không cơ chứ!
Chỉ cần nêu ra hai quan niệm giữa hai ông Võ Hông Phúc, Bộ Trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư và ông Lê hữu Nghĩa Giám đốc Viện Chính Trị Quốc gia Hồ Chí Minh thì thấy hai quan niệm xã hội chủ nghĩa là cái gì? là thế nào? nó khác nhau hoàn toàn như nước với lửa. Ông Phúc thì cho rằng...


PHẤN ĐẤU KÝ SỐ 33 Jan 16, '11 5:29 AM

   NÓI CHUYỆN TRỰC TIẾP VỚI “LỰC LƯỢNG THÙ ĐỊCH”

      Cái cụm từ “lực lượng thù địch” này ,nếu cách đây mấy tháng tuy được nghe, được đọc mỗi ngày  hàng trăm lần trên báo ,trên Đài của Đảng-Nhà nước, nhưng nó luôn … không rõ địa chỉ. Nó có thể chẳng là ai nhưng cũng có thể là anh ,là chị , là tôi là cả ông… nguyên Uỷ viên Bộ Chính Trị ,nguyên Thủ Tướng….thì từ hôm tiến sỹ Cù Huy Hà Vũ bị bắt và bị truy tố về tội “liên hệ với các lực lượng thù địch nước ngoài để phát biểu những ý kiến chống đối nhằm lật đổ nhà nước” (*)thì địa chỉ đã rõ !Đó là các đài phát thanh nước ngoài đã tiếp tay cho Cù Huy Hà Vũ định lật đổ nhà nước!

    Ấy vậy mà chỉ trong có một tuần, trước khi khai mạc đại hội Đảng lần thứ XI, tớ “bị” tới bốn đài “thù địch” phỏng vấn. Thú thật, lúc đầu tớ cũng hơi ngại vì biết đâu  có ông nào đó nổi hứng lên xếp tớ  vào loại Cù Huy Hà Vũ thì chắc… đi đứt phen này. Nhưng sau nghĩ lại, tớ tự  khẳng định:

         1) Dứt khoát đây không phải “lực lượng thù địch” vì:

a) Chẳng có lí do gì đang an cư lạc nghiệp, đang có một đời sống ấm no ,lên xe ,xuống ngựa ở   cương vị một công dân nước ngoài với đầy đủ các quyền lợi dân chủ, tự do ,nhân quyền, hà cớ gì họ phải bỏ công sức tiền của ra để làm cái việc mà chính rất nhiều các nhân sĩ, trí thức, lão thành cách mạng đang tiến hành ở trong nước ?

b)Lực lượng thù địch gì mà chỉ một năm 2010 thôi đã gửi về nước tới bảy tỷ ÚSD ? Để làm hư hỏng , mua chuộc bà con mình trong nước chắc?

         2-/Dứt khoát đây là những người muốn tranh đấu cho một nước Việt Nam không xã hội chủ nghĩa ,không theo “kim chỉ nam”của hai ông “Tây râu xồm đầu hói”đã bị toàn thế giới vứt vào sọt rác lịch sử từ những năm 80 của thế kỷ trước rồi.Chẳng có ai muốn làm Al Queda về quê nhà đặt bom khủng bố, chẳng có ai định gom tiền mua vũ khí về nước lập chiến khu chống lại Nhà nước này cả !

         3-/Đây chính là những “khúc ruột ngàn dặm”,là đối tượng cần vận động theo nghị quyết 36 mà gọi họ là lực lượng thù địch thì rất…. “vô chính trị”vì vô tình đã đẩy họ sang hàng ngũ của những kẻ thù ,là lẫn lộn giữa bạn- thù , địch-ta .Rất nguy hiểm!
       Và tớ quyết định cứ trả lời tất tần tật .Có những cái tên như R.F.A thì tớ đã biết. Còn vài ba cái Đài như “Cánh đồng Mây” (Texas) ,Tiếng nói nước tôi”(Houston), Đàn chim Việt…thì thuở bé đến giờ tớ chưa  được nghe bao giờ .Tớ đều trả lời “thẳng ruột ngựa”,”có gì nói nấy”,”biết gì nói nấy”, mong cung cấp cho họ những “thực tế mà tớ có” thậm chí góp ý về những nhận định quá ư “nóng vội”, “lạc quan tếu” mà  không ít người trong số họ đã mắc phải.

               Chẳng biết họ có phát,có in đầy đủ không ,tớ xin tóm tắt những ý chính mà tớ  đã đối thoại cùng những “Lực lượng thù địch” này thành một entry nóng hổi như sau:

-LLTĐ: Xin Cụ (bác,ông,chú) cho biết suy nghĩ về Đại Hội Đảng lần thư XI này? Theo cụ,sẽ có gì mới ?
-TỚ: Ô hay! Sao bạn lại hỏi tôi về điều này .Đại Hội đâu phải của  tôi! Đại Hội của các ông ấy thì phải hỏi các ông ấy chứ !
-LLTĐ: Dù sao bác cũng là người đã có thời vào Đảng có ít nhiều kinh nghiệm và có nhiều bài viết về những diễn biến thời cuộc trong nước rất được nhiều bạn đọc ở nước ngoài quan tâm .Chẳng lẽ bác không có suy nghĩ gì ,mong đợi gì ở Đại Hội Đảng XI này?
-TỚ: (hơi bi)Ừ…à..kinh nghiệm hả?...Ừ tớ có kinh nghiệm là …là…Chẳng có gì !nghĩa là vẫn như cũ thôi! Thật tình, trừ Đại Hội lần I họp ở một cái sân vận động nào đó ở bên Tầu thì tớ không biết . Đại hội 2, 3 , 4 , 5 , 6,7,8 ,9,10…tớ đều thấy mỗi lần Đại Hội đều nhằm mục đích duy nhất :thay đổi một số nhân vật tối cao (mà ông Nguyễn văn An,nguyên uỷ viên Bộ Chính Trị gần đây đã gọi trắng ra bằng cụm từ “vua tập thể”)thì mọi đường lối vẫn là 4 kiên trì ,vẫn lấy chủ nghĩa Mác Lê ,lấy Chủ nghĩa xã hội ,lấy Kinh Tế Quốc Doanh ….là chủ đạo…làm mục tiêu hướng tới vì đó là “nguyện vọng của nhân dân” , rồi thì thành công to lopwns, thắng lợi vẻ vang rồi….hết! Các ông Bộ Chính Trị khoá trước sắp xếp nhân sự cho khoá sau rồi cho các đại biểu học tập để “quán triệt” mà bầu theo gợi ý của “vua tập thể khoá trước”…Và cứ thế …Khoá nọ đẻ ra khoá kia .Riêng khoá này, tình hình trong và ngoài nước có lắm ý kiến ,ý cỏ nên người ta làm kỹ càng ,tuyên truyền quảng cáo rầm rộ ,ồn ào hơn….Các ông “vua tập thể” phân công nhau đi đến khắp các địa phương để chỉ đạo và thông qua danh sách những ai sẽ đi dự Đại Hội (nghĩa là  sẽ có quyền bầu những “vua tập thể” mới.)À quên , nếu các lần Đại Hội khác thì làm nội bộ là chính. Ra công khai chỉ là thủ tục “chính thức trình làng” thôi thì  .đại hội lần này công khai hơn, kéo dài ngày hơn ,có tham luận ,có đưa tin cập nhật một cách hạn chế hơn ,có trao đi đổi lại về đường lối chính sách ,có phê và tự phê ,có trao đổi tiêu chuẩn về  nhân sự, tránh vấp phải tình trạng bầu cả vị đã chết (trường hợp uỷ viên T.Ư ,Nguyễn đình Tứ chết sau khi thống nhất bầu nội bộ,khi ra bầu công khai vẫn cứ bầu để rôi sau đó lại phải cáo phó : “đại biểu Tứ đã….chuyển sang từ trần”!)

Tóm lại là nội dung thì không có gì mới đâu !Chỉ có hình thức là mới ,mới đến mức không ai có thể hình dung ra đây là Đại Hội của những người đại diện ưu tú nhất của giai cấp vô sản cả.Tất cả đều cực kỳ sang trọng….Mỗi bước xe của đại biểu qua đều cấm đường ,tiền hô hậu ủng  ,còi rú liên hồi…Ông nào cũng com-lê ,cà vạt ,tay sách cặp da rất chi là… trí thức xã hội chủ nghĩa ! Con số chính thức là 450/1377 đại biểu đều là thạc sỹ,tiến sỹ cả. Còn lại thì tất cả  đều tú tài, cử nhân hết! Cứ xem họ đồng thanh phát biểu “hoàn toàn đồng ý đề cương chính trị” của ban chấp hành Trung Ương thì đủ biết là họ  đều là tiến sĩ, thạc sĩ cử nhân Mác Lê Nin cả.

-LLTĐ: Vậy thì phong trào dân chủ, ý kiến của các cán bộ cựu lãnh đạo cộng sản không tác động gì hay sao?

-TỚ: Đầu tiên, tôi xin có ý kiến về phong trào dân chủ mà các bạn vừa nói: Mong các bạn đừng giận. Ở nước ngoài thấy một số người bị bắt, một số nhà có tư tưởng dân chủ, một số chỉ đòi dân quyền thôi hoặc chỉ đòi Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam thôi cũng bị đi tù, hoặc đọc một số blog của những người mạnh dạn phê phán thậm chí đòi đổi tên nước, đổi tên đảng thì cho là ở trong nước có một phong trào. Riêng tôi, tôi xin mạnh dạn có ý kiến như sau: Không thể gọi là 1 phong trào nếu không có một tổ chức thống nhất, một hoặc vài cá nhân lãnh đạo. Đây chỉ là những ý kiến lẻ tẻ nhưng rộng khắp  Công nhân là đòi hỏi lương bổng quá thấp kém.Nông dân là đòi hỏi ruộng đất bị đền bù rẻ mạt.Hầu hết đều đấu tranh vì dân sinh.Ít có ý kiến gì về dân chủ ,nhân quyeenff, đa nguyên, đa đảng…. Đáng buồn hơn là ngay trong những người phát biểu đòi dân chủ nhân quyền cũng chưa thật sự thống nhất. Ví dụ như cá nhân tôi, tôi chẳng đại diện cho ai, tôi chẳng thuộc tổ chức nào, chẳng ai lãnh đạo tôi, tôi cũng chẳng lãnh đạo ai. Tôi cũng chẳng tán thành những người chủ trương  chia đảng ra làm hai để thành lập một đảng mới đối lập.(?!) Tôi cũng chẳng tán thành những người chủ trương  góp ý cho đảng để đảng tốt hơn lên. để  ‘mong sao cho đảng trường tồn”. Tôi cũng chẳng tán  thành những ai định công khai thành lập các đảng đối lập ngay tức khắc. Tôi chỉ mong sao trong nội bộ của các ông “vua tập thể” khoá tới sẽ có một ông Góoc-ba chốp hoặc En-xin Việt Nam, và ,khi có một,hai nhân vật như thế mà xuống  đường, tay cầm khẩu hiệu “Trả chính quyền về tay nhân dân” thì tôi tin tưởng rằng, hàng triệu người sẽ lập tức đi theo ngay.. Lí do: Quần chúng nông dân, công nhân, trí thức…. nay đã quá bức bách rồi. Mất nhà mất đất, đồng lương chết đói, con cái bỏ học, bệnh tật không có tiền mua thuốc đang là những thùng thuốc nổ. Chỉ chưa tìm ra được cái ngòi nổ mà thôi, mà cái ngòi nổ đó thì tôi lại xin nhắc lại câu của tổng thống  De Gaulle: “Chẳng ai lật đổ được cộng sản bằng chính những người cộng sản”.          Vì thế, tôi mong các bạn ở nước ngoài không nên quá lạc quan bằng những bài viết “Thời cơ đã điểm” hoặc “Giờ sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản đã đến”. Tôi cũng mong các bạn ở nước ngoài hãy tôn trọng sự khác biệt, tránh lên án, thậm chí phỉ báng, nói xấu, bôi nhọ, vu cáo nhau khi bất đồng quan điểm với nhau. Tôi luôn quan niệm mỗi người có hoàn cảnh, trình độ, thời điểm của riêng mình. Tôi rất buồn khi trong nước thì Nguyễn Khắc Toàn vạch tội Trần Khải Thanh Thuỷ…. Ở nước ngoài thì bất cứ một hội đoàn nào mới tuyên bố thành lập đã có ngay những lời dè bỉu, chê bai. Làm sao có được một phong trào khi ông nói gà, bà nói vịt thậm chí mạt sát nhau, vu cáo cho nhau những điều độc địa. Tôi xin nhắc lại, mục đích của tôi chỉ là góp sức cho mấy ông có quyền cao nhất, dám nói ra những điều mà các ông ấy cũng thừa hiểu như tôi. Và tốt nhất là các ông ấy hãy đứng lên hành động, xếp lại mọi ham muốn về quyền và lực. Được thế thì cái gì phải đến sẽ đến. Hết!                                        x
                                         x         x
          Sau đây là những ý kiến mà tôi đã né tránh không trả lời vì không có tư liệu cụ thể .Qua 4 ngày theo rõi tôi xin trả lời bổ xung như sau:

-Hỏi: Bác có hi vọng là đại hội lần này sẽ có những biến chuyển đột xuất gì không?

-Trả lời: Cho tới hôm nay thì tôi  đã có thể trả lời như sau:

Có khá nhiều điều “mới “ chưa từng thấy ở các kỳ đại hội trước .Nhưng đối với tôi,  không phải là bản kiểm điểm của ông Trương  tấn Sang với những khuyết điểm được gọi đúng tên ,đúng tội ….nhưng vẫn chưa rõ là ai ? tổ chức nào,địa phương nào ,…mà vẫn cứ chung chung.

-Cũng không phải là những ý kiến có vẻ gay gắt như “Không bầu những người giầu có bất thường vào Ban Trung Ương” “ hoặc những lời  “ngả bài ngửa” giữa hội trường của ông  Đỗ Hoài Nam về “thực tế đau lòng hiện nay là tình trạng xa dân,vô cảm với dân, mất dân chủ với dân, sách nhiễu dân…..dẫn đến nguy cơ mất dân.Mất dân là mất Đảng, mất chế độ… vì…vẫn không có địa chỉ rõ ràng ,vụ việc cụ thể ….

-Mà cái tớ phát hiện vô cùng quan trọng đó là :NHẬN THỨC VỀ CHỦ NGHĨA XÃ HỘI HIỆN NAY Ở NGAY CÁC VỊ CÓ QUYỀN LỰC CAO  CŨNG CHƯA THỐNG NHẤT !Thế có chết không cơ chứ!

          .Chỉ cần nêu ra hai quan niệm  giữa  hai ông Võ Hông Phúc ,Bộ Trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư và ông  Lê hữu Nghĩa  Giám đốc Viện Chính Trị Quốc gia Hồ Chí Minh thì thấy hai quan niệm xã hội chủ nghĩa là cái gì? là thế nào ? nó khác nhau hoàn toàn như nước với lửa.Ông Phúc thì cho rằng  XHCN  ở nước ta không thể là lấy công hữu là gốc như ông Nghĩa quan niệm mà là phân phối công bằng ,xoá bỏ ngăn cách giầu nghèo.Còn nếu lại nêu ra cái chuyện công hữu tư liệu sản xuất thì hoá ra lại trở về những gì hai mươi năm trước ta đã bỏ đi để  có được ngày hôm nay sao?.Ông còn đưa ra một hình tượng là nếu lại công hữu như trước đây thì  “ai còn dám đầu tư” nữa vì   cứ….  “vỗ béo rồi làm thịt!” Ông Nghĩa có đáp trả một cách…yếu ớt là  Công hữu cái gốc của CNXH nhưng đó là công hữu khi…Chủ nghĩa xã hội đã hoàn thành (?)Còn bây giờ chỉ là công hữu tư liệu sản xuất chủ yếu chứ không phải là tất cả  các tư liệu sản xuất đều công hữu ! Nghe cứ như có làm thịt nhưng bây giờ chỉ làm thịt một số chủ yếu thôi còn tất cả sẽ làm thịt hết khi hoàn thành chủ nghĩa xã hội! Thế đấy ! Lý luận của người đứng đầu cái nơi “phát hành” ra các “lý luận gia chính trị Mác-Lê-NIn hàng đầu”với người được quyền cho phép các nhà tư bản trong và ngoài nước đầu tư  vào VN khác nhau về cơ bản đến như thế đấy .Một sự khủng hoảng về lý luận chưa từng thấy !

         Đó là điều duy nhất  tớ thu hoạch được qua những gì mà tớ thấy “mới lạ”  trong bốn ngày qua.Có gì mới nữa tớ sẽ post lên mạng. Khỏi cần lô-phôn phỏng  với vấn ,mất thì giờ mà…. khổ cho những kẻ phải nghe trộm mà chẳng “túm” được cái gì ! ./. 

Tổng số lượt xem trang