- Các tập đoàn kinh tế nhà nước, và các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) nói chung, hãy công bố công khai báo cáo tài chính của mình. Đấy là một đòi hỏi cấp bách. Hiện chưa thấy doanh nghiệp nhà nước nào làm chuyện đó.
Luật hiện chưa bắt buộc các DNNN phải làm vậy.
Người ta nói các DNNN thuộc sở hữu của toàn dân, với 86 triệu “ông chủ”. Thế nhưng trên thực tế DNNN là của một cơ quan nhà nước nào đó (Thủ tướng, bộ hay cơ quan nhà nước địa phương), con số DNN do SCIC cai quản chưa có mấy .
Người ta nói các DNNN thuộc sở hữu của toàn dân, với 86 triệu “ông chủ”. Thế nhưng trên thực tế DNNN là của một cơ quan nhà nước nào đó (Thủ tướng, bộ hay cơ quan nhà nước địa phương), con số DNN do SCIC cai quản chưa có mấy .
Lẽ ra các doanh nghiệp này phải là các công ty “đại chúng” nhất trong số các công ty đại chúng bắt buộc phải công khai báo cáo tài chính cho tất cả những ai quan tâm.
Vừa rồi Tập đoàn dầu khí Việt Nam đưa ra các thông tin hết sức hoành tráng về hoạt động của năm 2010. Ảnh minh họa |
Có lẽ cho đến nay hàng năm các doanh nghiệp nhà nước vẫn “lập, công bố công khai và kiểm tra báo cáo tài chính, kiểm tra kế toán” theo Thông tư số 73/TC-TCDN ngày 12/11/1996 của Bộ Tài chính. Điểm lạ của Thông tư này là ở chỗ chúng buộc phải lập báo cáo tài chính, phải kiểm toán và phải công bố “công khai” các báo cáo đó, nhưng công khai thế nào?
Thông tư quy định, “Hàng năm, doanh nghiệp Nhà nước phải công bố công khai báo cáo tài chính và các thông tin về tình hình và kết quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đến các đối tượng sử dụng thông tin theo quy định”. Các đối tượng sử dụng thông tin này là các đối tượng nào? Có phải bất cứ ai muốn quan tâm đều có thể có thông tin đó? Khác đi thì “công khai” chỉ là lời sáo rỗng.
Thậm chí Thông tư còn viết, “Trong trường hợp những doanh nghiệp có điều kiện đặc biệt, không được phép công bố công khai, rộng rãi các thông tin về tình hình tài chính hàng năm, doanh nghiệp phải có văn bản báo cáo Bộ Tài chính và cơ quan quyết định thành lập doanh nghiệp”.
Thế là rõ.
Cũng có phần “công khai” mở hơn. Đó là “công khai” trước hội nghị công nhân viên chức của doanh nghiệp, là đưa tin trên báo chí nhưng lại cho doanh nghiệp quyền “lựa chọn hình thức công bố công khai, lựa chọn các chỉ tiêu công khai thích hợp”.
Nói cách khác, công khai mà lại chẳng công khai.
Chính vì thế người ta cũng chẳng lấy làm lạ khi Tập đoàn dầu khí Việt Nam đưa ra các thông tin hết sức hoành tráng về hoạt động của năm 2010. Nào là “tổng doanh thu đạt 478,4 nghìn tỷ đồng, bằng 145% kế hoạch, tăng 59% so với cùng kỳ năm 2009, tương đương 24% GDP cả nước”. Nào là tổng lợi nhuận xấp xỉ 30.000 tỷ đồng, v.v và v.v.
Cái mà các ông chủ cần là báo cáo tài chính đầy đủ.
Với một nhà nước thực sự là “của dân, do dân và vì dân”, bắt buộc các DNNN phải công bố công khai thật cho nhân dân, các ông bà chủ đích thực của chúng, được biết.
Nguyễn Quang A