Việt Nam sẽ tiếp tục hiện đại hóa quân đội trong những năm tới.
Lần đầu tiên Việt Nam nhắc đến số tiền Hà Nội bỏ ra để mua vũ khí mỗi năm.
Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, trung tướng Nguyễn Chí Vịnh cho hay số tiền Việt Nam bỏ ra để mua mới hay tân trang vũ khí mỗi năm chiếm khoảng 1,8% GDP, cuộc phỏng vấn trên mạng vnexpress.net cho hay.Năm 2010 GDP Việt Nam đạt 102,2 tỷ USD theo một số nguồn tin trong nước.
Tính ra số tiền Việt Nam dùng để mua sắm trang thiết bị quốc phòng khoảng 2 tỷ USD.
Nhấn mạnh chuyện “mua sắm vũ khí là điều đương nhiên và cần thiết,” ông Vịnh nói Việt Nam đang đẩy mạnh hiện đại hóa quân đội ngay cả khi kinh tế thế giới suy thoái.
“Những năm vừa rồi, trong khi nền kinh tế thế giới đi xuống thì kinh tế của Việt Nam lại có bước phục hồi nhanh. Ta trích ra mua tàu ngầm Kilo, máy bay Su-30, hệ thống phòng không hiện đại S300,
“Sắp tới sẽ tiếp tục mua theo khả năng kinh tế của đất nước…”
Trung tướng Vịnh giải thích ngân sách mua sắm vũ khí của Việt Nam (1,8% GDP) “vẫn ở mức thấp so với các nước trên thế giới và trong khu vực.”
Mua vũ khí Mỹ
Việt Nam không quan tâm lớn trong việc mua trang thiết bị từ phía Mỹ. Nếu Mỹ bán thì tốt, không bán thì Việt Nam vẫn tự lo được
Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh
Mục đích hàng đầu, theo ông Vịnh, là để “xây dựng lòng tin.”
Cạnh đó là “tạo ra sự tôn trọng lẫn nhau,” qua việc hai phía chấp nhận những điểm giống và khác nhau để “cùng phát triển.”
Trước câu hỏi Việt Nam có cần mua vũ khí của Mỹ không, sẽ mua khi nào, với điều kiện gì, trung tướng Nguyễn Chí Vịnh cho rằng Việt Nam không vội vã.
“Việt Nam không có mối quan tâm lớn trong việc mua những trang thiết bị từ phía Mỹ. Nếu Mỹ bán thì tốt, không bán thì Việt Nam vẫn tự lo được bằng khả năng và các mối quan hệ khác.”
Tuy nhiên ông Vịnh tin rằng “sẽ có ngày các nhà kỹ nghệ Mỹ sang Việt Nam mời mua vũ khí” khí ấy Việt Nam sẽ chỉ mua những gì “cần, tiện lợi và rẻ.”
“Còn đắt thì không mua.
“Đây không phải là nhu cầu ưu tiên của Việt Nam.” ông Vịnh nhấn mạnh.
Hải quân, không quân và thông tin là ba binh chủng được lãnh đạo Bộ Quốc phòng Việt Nam cho phép sắm sửa vũ khí, trang thiết bị để “đi thẳng lên hiện đại.”
Việt Nam hiện đang ở trong giai đoạn đầu của cuộc mua sắm khí tài quân sự. Việc hiện đại hóa quân đội sẽ được “tiếp tục trong những năm tới,” ông Vịnh nhấn mạnh.
Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam nói thêm trong bối cảnh các nước lớn quan tâm nhiều hơn đến Việt Nam và Đông Nam Á, điều làm ông lo ngại nhất là quốc gia bị lệ thuộc về chính trị.
“Bị nước khác chi phối về chính trị thì sẽ dẫn đến mất chủ quyền, mất độc lập tự chủ, mất chế độ xã hội và dẫn đến mất nước."
Lệ thuộc chính trị có thể đến từ nhiều hướng, theo nhiều cách, trên nhiều lĩnh vực, ông Vịnh nói.
"Nếu chúng ta không cảnh giác thì sẽ bị lệ thuộc, mất luôn cả chủ quyền đất nước.”