Thứ Ba, 4 tháng 1, 2011

Dự báo diễn biến an ninh - quân sự năm 2011

--Trung Quốc lặng lẽ mở rộng ảnh hưởng của mình vào Trung Á
Trong khi Trung Quốc đang nắm bắt sự chú ý ở vùng Đông và Đông Nam Á với các ảnh hưởng kinh tế và ngoại giao cơ bắp mở rộng, họ cũng lặng lẽ hình thành sự hiện diện của mình ở vùng sườn phía tây, từng một thời chủ yếu do Nga thống trị. Các quan chức Trung Quốc xem Trung Á là một tiền đồn quan trọng về an ninh năng lượng, mở rộng thương mại, ổn định sắc tộc và quân sự quốc phòng cho đất nước của mình.

Nguồn: Edward Wong, The New York Times
Lê Quốc Tuấn, X-Cafe chuyển ngữ
02.01.2011
Tin từ MURGHAB, Tajikistan - Trên những vùng ngoại ô của thị trấn gió cuốn xoáy, được thành lập vào năm 1893 như là một căn cứ quân sự của Nga này, công cuộc xây dựng một khu hải quan mới đang báo hiệu sự trở lại của một quyền lực lớn.
Khi được mở ra trong năm nay, những khu vực sắc màu rực rỡ mới này sẽ chứa được nhiều đoàn xe tải lớn hơn của Trung Quốc so với sức chứa của các kho chứa hàng hiện có, làm tăng tốc dòng chảy của quần áo, điện tử và đồ gia dụng gần đây từng ngập lụt vùng Trung Á, từ những căn lều du mục (yurt) trên các thảo nguyên Kyrgyz đến các lối đi cổ xưa ở Samarkand và Bukhara.
"Thương mại đang gia tăng giữa Trung Quốc và tất cả các nước xung quanh họ", ông Tu'er Hong, người có chiếc xe tải là một trong số 50 chiếc đang vận chuyển hàng hóa từ Trung Quốc đến các tài xế ở Tajik một ngày gần đây trong khu vực hiện tại đã nói.
Trong khi Trung Quốc đang nắm bắt sự chú ý ở vùng Đông và Đông Nam Á với các ảnh hưởng kinh tế và ngoại giao cơ bắp mở rộng, họ cũng lặng lẽ hình thành sự hiện diện của mình ở vùng sườn phía tây, từng một thời chủ yếu do Nga thống trị.
Các quan chức Trung Quốc xem Trung Á là một tiền đồn quan trọng về an ninh năng lượng, mở rộng thương mại, ổn định sắc tộc và quân sự quốc phòng cho đất nước của mình. Các doanh nghiệp nhà nước đã thọc sâu vào bên trong khu vực với các đường ống dẫn năng lượng, đường sắt hỏa xa và đường cao tốc, trong khi gần đây chính phủ đã mở các Viện Khổng Tử để dạy tiếng Hoa ở khắp các thủ đô vùng Trung Á.
Vùng Trung Á, Tướng Liu Yazhou của Quân đội Giải phóng Nhân dân nói, là "miếng bánh to nhất được các tầng trời ban cho người Trung Quốc hiện đại".
Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Turkmenistan và Uzbekistan - năm quốc gia chủ yếu là người Hồi giáo đã giành được độc lập sau khi Liên Xô sụp đổ vào năm 1991 - một lần nữa lại là đấu trường cho cuộc cạnh tranh của siêu cường, trong thế kỷ 19, phần lớn khu vực từng ở trong Cuộc Cờ Vĩ Đại (The Great Game) giữa Nga và Anh. Lần này, các cầu thủ là Trung Quốc, Nga và Hoa Kỳ, vốn đã sử dụng Trung Á như một đường dẫn quân tới Afghanistan.
Nhìn thấy quân đội Mỹ và liên minh quân sự tại Trung Á, Ấn Độ và Afghanistan như một vòng cung phía tây của một chiến lược ngăn chặn vốn cũng dựa vào sự hợp tác với các quốc gia ở Đông và Đông Nam Á, các quan chức Trung Quốc đang lo lắng với những gì họ xem như những nỗ lực bao vây Trung Quốc của Mỹ.
Trong tháng Chín, Trung Quốc thả lỏng cơ bắp quân sự của chính mình trong khu vực, tiến hành các trò chơi chiến tranh phức tạp ở Kazakhstan như một phần của các cuộc tập trận thường niên truyền thống bao gồm một số quốc gia ở vùng trung tâm châu Á. Theo tài liệu Bộ Ngoại giao do WikiLeaks tiết lộ, các quan chức Mỹ từng nghi ngờ Trung Quốc đã cho Kyrgyzstan 3 tỉ để đóng cửa căn cứ không quân Mỹ ở đó.
Tin điện báo này, ghi ngày 13 Tháng 2 năm 2009, mô tả một cuộc họp khó xử giữa Tatiana C. Gfoeller, đại sứ Mỹ Kyrgyzstan, và Dương Yannian, đại sứ Trung Quốc tại đó, theo nội dung điện báo này, bà Gfoeller đã đối chất với ông Dương về 3 tỷ đồng hối lộ. "Bị bối rối rõ ràng, Dương mất khả năng nói tiếng Nga, bắt đầu lắp bắp tiếng Trung Quốc để viên phụ tá ngay sau lưng ông lặng lẽ ghi chép cẩn thận" nội dung điện báo cho biết. Sau đó, ông Dương đã bác bỏ những lời buộc tội.
Nhưng, trong nhiều phương diện, sự hiện diện mới của Trung Quốc tại Trung Á là loại đường Tơ Lụa (Silk Road) cạnh tranh hơn là sự trở lại của Cuộc Cờ Vĩ Đại. Các nhà phân tích Trung Quốc nói rằng một trong những mục tiêu của Bắc Kinh là để hội nhập kinh tế khu vực Trung Á với các khu vực bất ổn phía Tây của Tân Cương, phá bỏ các rào cản thương mại, ngay cả khi chính phủ các nước Trung Á đang lo ngại.
"Sự gia tăng các dấu ấn kinh tế ở Trung Á là khá đáng kể", một quan chức Mỹ nói với điều kiện giấu tên vì ông không có thẩm quyền để nói chuyện công khai về chính sách của Trung Quốc trong khu vực. "Trong nhiều phương cách, các khoản đầu tư đều đáng được hoan nghênh, không chỉ từ các nước ấy mà còn từ Mỹ nữa. Nhưng có một sự thiếu minh bạch về các khoản đầu tư của Trung Quốc và mối quan hệ với các nước".
Người dân địa phương cũng thận trọng, đặc biệt là ở Kyrgyzstan và Kazakhstan, nơi mà từ lâu họ đã lo ngại rằng Trung Quốc có thể chuyển đổi cán cân quyền lực kinh tế trong quốc gia dân cư thưa thớt này. Một cuộc biểu tình phản đối nổ ra ở Almaty, Kazakhstan hồi tháng Giêng chống lại một thỏa thuận đề xuất về đất đai có liên quan đến Trung Quốc.
"Nhiều người Kazakh chúng tôi rất nghi ngờ về làn sóng Trung Quốc nói chung, nhưng chúng tôi có thể làm gì được ?", Ông Aidelhan Onbedbayev, 35 tuổi, một tái xế đưa rước các thương gia và khách du lịch giữa Almaty và Zharkent, một thị trấn biên giới nói. "Chính phủ quyết định những việc này và mời họ vào đầu tư bằng những khu thương mại tự do và cung cấp đất cho họ".
Một số quan chức Trung Quốc đã nói thẳng thừng về quyền lợi của họ.
"Hợp tác về năng lượng của Trung Quốc với các nước Trung Á bắt đầu vào những năm 1990, nhưng trong những năm gần đây, với sự tăng trưởng nhanh chóng về sức mạnh quốc gia của Trung Quốc, Trung Quốc đã lợi dụng sự thiếu chủ động trong khu vực của Hoa Kỳ và Nga" Tướng Liu đã viết như thế trong một bài tiểu luận công bố vào mùa hè vừa qua trên tạp chí tin tức hàng tuần Phoenix. "Trung Quốc đã bắt đầu kích thích nền tiêu dùng đang sốt bỏng trong khu vực".
Các quốc gia Trung Á giáp biên giới Trung Quốc, đặc biệt là Kyrgyzstan, đã trở thành một điểm trung chuyển quan trọng cho hàng hóa Trung Quốc mở đường cho chúng đến vùng biển Caspian, Nga và châu Âu. Thương mại giữa Trung Quốc và năm quốc gia Trung Á đạt 25.9 tỉ trong năm 2009, tăng từ $ 527 triệu của năm 1992, theo thống kê của Bộ Thương mại.
Trong khi đó, các đường ống dẫn dầu mới đang vận chuyển dầu và khí tự nhiên đến Tân Cương từ các mỏ dầu ở Trung Á, nơi các công ty Trung Quốc đã mua được quyền khai thác. Các quan chức Trung Quốc nhìn Trung Á và Biển Caspian như là một nguồn thay thế quan trọng cho năng lượng; vùng Trung Đông thì chính trị không được ổn định, và tàu chở dầu từ đó phải đi qua eo biển Malacca, mà Trung Quốc lo ngại có thể bị đóng lại bởi các lực lượng quân sự Hoa Kỳ và các nước khác.
Trung Quốc cũng xem vùng Trung Á là một vị trí vững chắc cho việc duy trì ổn định ở Tân Cương, nơi mà các căng thẳng lâu nay giữa người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ và người Hán tộc đã từng nổ bùng thành các vụ bạo loạn chết người. Các nhà phân tích cho biết, sau các vụ bạo loạn sắc tộc vào năm 2009 ở Tân Cương, các quan chức Trung Quốc đã đặc biệt cảnh giác với thành phần Hồi giáo cực đoan xâm nhập vào từ các quốc gia Trung Á hoặc Pakistan và Afghanistan. Trong nửa triệu người Duy Ngô Nhĩ sinh sống trong khu vực, nhiều người là nhập cư từ Tân Cương đến Kazakhstan và Kyrgyzstan.
Các quan chức Mỹ cho biết, vào năm 1966, Trung Quốc đã giúp thành lập một tiền thân của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải, một nhóm chiến lược khu vực chủ yếu nhắm vào việc đấu tranh chống lại tình trạng ly khai bất ổn. Các thành viên của nhóm, bao gồm cả Nga và hầu hết các nước Trung Á, đã chia sẻ thông tin tình báo và tiến hành tập trận chung, dù họ thường không phối hợp trong chính sách lớn hơn vì các quyền lợi có tính cạnh tranh.
Trung Quốc cũng hy vọng sử dụng nhóm này để mở rộng ảnh hưởng kinh tế của mình. Năm ngoái, Trung Quốc tài trợ 10 tỷ USD bằng các khoản vay nợ cho các nước thuộc Tổ chức Hợp tác Thượng Hải "để chống đỡ các nền kinh tế gặp khó khăn".
Một số quan chức Trung Quốc và các nhà phân tích hy vọng rằng khoản viện trợ này, cùng với những mối quan hệ thương mại tăng cường, sẽ dẫn đến tăng trưởng kinh tế ở Tân Cương và tình trạng ít bất ổn giữa những người Duy Ngô Nhĩ. Các quan chức chính phủ trung ương đã đệ trình một đề xuất năm ngoái cho Hội đồng Nhà nước, nội các Trung Quốc, để biến đổi Urumqi, thủ phủ của Tân Cương và các khu vực từng bạo loạn vào năm 2009, trở nên một trung tâm sản xuất năng lượng cho khu vực.
"Trung Quốc đã luôn chú trọng đến các nước lân cận, thúc đẩy việc phát triển hòa bình ở các nước để mang lại môi trường tốt cho sự tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc" ông Wu Hongwei, một học giả Trung Á tại Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc cho biết.
Nỗi thèm khát dâng cao về dầu và khí đốt của Trung Quốc đã khiến sự việc trở thành một vấn đề về an ninh năng lượng có tính chiến lược. Hai đường ống dẫn dầu mới, lần đầu tiên có được giữa Trung Quốc và các nước ngoài, mang lại cho đất nước này nguồn khí đốt từ Turkmenistan và dầu từ Kazakhstan.
Những đường ống dẫn dầu từng được xem như đủ hệ trọng để Chủ tịch Hồ Cẩm Đào đã phải đi đến sa mạc Karakum của Turkmenistan trong năm 2009, xoay chuyển một bánh xe tượng trưng để khai mạc đường ống dẫn 1.100 dặm.
Đường ống dẫn dầu này dự kiến sẽ đạt công suất của 40 tỷ mét khối vào năm 2012 hoặc 2013 và Turkmenistan đã được hợp đồng để vận chuyển khí đốt cho Trung Quốc trong 30 năm. Trung Quốc đã cãi nhau cho tờ giấy phép duy nhất lớn hơn cả để phát triển các mỏ khí đốt ở South Yolotan.



Dự báo diễn biến an ninh - quân sự năm 2011 datviet
Tình hình thế giới năm 2010 đầy biến động. Năm 2011 chắc chắn sẽ tiếp tục không yên bình.
Tuy nhiên, nguyện vọng chung của nhân loại tiến bộ là tìm cách vượt lên các thách thức, dù không dễ dàng. Trong bối cảnh này, Đất Việt xin mạnh dạn trao đổi một số điểm của tình hình an ninh – quốc phòng năm 2011.

1. Cọ sát quân sự Mỹ - Trung

Năm 2010, thế giới chứng kiến sự gia tăng cọ sát chiến lược về quân sự giữa một siêu cường duy nhất và cường quốc đông dân nhất hành tinh. Sự cọ sát được đánh dấu rõ nét bởi 2 sự kiện.

Thứ nhất, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ R.Gates tại Hội nghị An ninh Shangri-La (06/2010) và sau đó là Ngoại trưởng Mỹ tại ARF (07/2010) tuyên bố nước Mỹ có “lợi ích quốc gia” về tự do hàng hải trên Biển Đông, ngay sau khi có dư luận rằng Trung Quốc coi Biển Đông là “lợi ích cốt lõi”.

Thứ hai, Mỹ điều tàu sân bay và lực lượng phương tiện hải quân hùng mạnh tiến vào những vùng biển xung quanh Trung Quốc để tập trận chung với Hàn Quốc và Nhật Bản, bất chấp sự phản đối mạnh mẽ của Bắc Kinh.


Dự báo trong năm 2011, cọ sát quân sự Mỹ - Trung sẽ còn diễn biến phức tạp. Việc tiếp tục coi châu Á - Thái Bình Dương là một trọng tâm của Mỹ dường như đang định hình một xu hướng hợp tác an ninh mới chặt chẽ hơn, nhằm ngăn sự “trỗi dậy” của Trung Quốc.

Giới phân tích hiện theo dõi sát sao về khả năng ra đời một cấu trúc “NATO của phương Đông” gồm Mỹ - Nhật - Hàn - Úc và một số nước ASEAN.

Về phía Bắc Kinh, họ đã chuẩn bị cho kịch bản phá vỡ thế bao vây chiến lược của Mỹ, nhiều hướng đột phá ra biển đã được định hình. Tên lửa có khả năng tiêu diệt tàu sân bay, phương án tác chiến tiêu diệt tàu sân bay, lực lượng hải quân, không quân đã được diễn tập nhiều… Trung Quốc sẽ không dễ bị Washington chèn ép. Hai bên sẽ duy trì thế răn đe và kiềm chế lẫn nhau, những cọ sát hay va chạm nhỏ có thể xảy ra.

Tuy nhiên, 2011 cũng là năm trước thềm bầu cử Tổng thống Mỹ và Đại hội Đảng của Trung Quốc. Nhiều khả năng về cuối năm, hai bên sẽ có những kiềm chế và thoả hiệp nhất định để tập trung giải quyết vấn đề chính trị nội bộ, vốn luôn phức tạp trước khi diễn ra bầu cử và thường đối nội bao giờ cũng quyết định đối ngoại.

2. Xung đột quân sự Triều Tiên - Hàn Quốc

Hai miền Triều Tiên trải qua một năm 2010 đầy sóng gió sau vụ tàu Cheonan của Hàn Quốc bị đánh chìm (26/3/2010) khiến 46 binh sĩ thiệt mạng và vụ 2 miền nã pháo vào nhau (23/11/2010).

Dự báo trong năm 2011, đối đầu quân sự giữa hai miền sẽ còn căng thẳng, nhưng theo hướng hạ nhiệt, bởi cả hai đều không muốn lao vào một cuộc chiến tranh tổng lực.


Chính sách “bên miệng hố chiến tranh” hiện nay được cả hai miền thực thi, nhưng chủ yếu mang tính phòng thủ và răn đe là chính. Bản chất của cuộc chiến hiện nay là chơi đòn cân não và so sánh sức chịu đựng, không phải là tấn công huỷ diệt.

Đã xuất hiện những dấu hiệu xuống thang của Bình Nhưỡng khi chấp nhận đón thanh sát viên hạt nhân của Liên Hợp Quốc và tham gia đàm phán 6 bên, dù rằng Seoul vẫn đang “làm cao” do lâu nay luôn chịu thiệt thòi trước các đòn khiêu khích của Bình Nhưỡng.

Hơn nữa, quan hệ liên Triều sẽ chịu tác động trực tiếp bởi trục quan hệ Mỹ - Trung. Chiến tranh giữa 2 miền nếu nổ ra sẽ nhanh chóng kéo cả Bắc Kinh và Washington vào cuộc và đây không phải là điều các bên mong muốn.

Do đó, nhiều khả năng các bên sẽ ngồi vào bàn đàm phán để thoả hiệp. Và đừng quên rằng, với Triều Tiên, “lên gân” là một biện pháp đổi viện trợ.

3. Điểm nóng Senkaku giữa Trung Quốc - Nhật Bản chưa hạ nhiệt

Năm 2010 cũng chứng kiến những va chạm quân sự giữa 2 cường quốc châu Á. Sự kiện tàu cá Trung Quốc va chạm với tàu tuần tra Nhật Bản (tháng 9/2010) đã và đang thổi bùng lên cuộc tranh chấp lãnh thổ đối với quần đảo Senkaku (Trung Quốc gọi là Điếu Ngư).

Dự báo năm 2011 Senkaku sẽ tiếp tục là một điểm nóng trong quan hệ song phương Nhật - Trung, bởi cả hai đều đang điều chỉnh chiến lược quân sự theo hướng cứng rắn hơn nhằm vào nhau.


Tokyo đã lần đầu tiên nhấn mạnh tới nguy cơ Trung Quốc, điều chỉnh thế bố trí lực lượng xuống phía Tây Nam, đưa ra chiến lược phòng vệ mang tính chủ động hơn để ngăn ngừa Bắc Kinh. Hơn nữa, mối quan hệ Trung - Nhật luôn bị ảnh hưởng thái quá bởi chủ nghĩa dân tộc thiếu lý trí.

Các nhà lãnh đạo Bắc Kinh sẽ khó có thể đưa ra một quyết định xuống thang nhằm tránh bị áp lực từ người dân trong nước, vốn luôn thiếu thiện cảm với kẻ đã từng xâm lược mình. Lãnh đạo Nhật Bản cũng không thể coi nhẹ “lòng tự hào” dân tộc.

4. Bản chất thực sự của vụ Wikileaks sẽ được mổ xẻ

Về bề nổi, năm 2010 giới quân sự, tình báo và ngoại giao Mỹ và nhiều nước trên thế giới đã điêu đứng trước những tiết lộ động trời của Wikileaks, với hàng chục ngàn tài liệu mật về cuộc chiến Afhganistan và gần 2.000/251.287 báo cáo, nhận định, chỉ đạo qua lại giữa tổng hành dinh Bộ Ngoại giao và các Đại sứ quán trên toàn thế giới đã được tiết lộ. Tuy nhiên, giới phân tích không dễ dàng tin vào những “mục tiêu trong sáng” của Wikileaks là chống lại việc bóp méo thông tin của giới truyền thông, cũng như nước Mỹ là nạn nhân của Wikileaks.

Dự báo trong năm 2011, sự kiện này sẽ còn diễn biến phức tạp, không chỉ bởi tính nhạy cảm của các thông tin bị tiết lộ. 5 tờ báo lớn trên thế giới đã có được đầy đủ 251.287 tài liệu theo một thoả thuận với Wikileaks, gồm New York Times (Mỹ), Der Spiegel (Đức), Le Monde (Pháp), Guardian (Anh), El Pais (Tây Ban Nha). Liệu những tờ báo này có tiếp tục bóp méo thông tin như những gì mà họ đã từng làm?


Đã xuất hiện câu hỏi về việc: Ai thực sự đứng đằng sau chỉ đạo việc biên tập? Đăng tải nội dùng gì và khi nào? Đăng với mục đích gì? Ai là kẻ hưởng lợi? Ai là kẻ chịu thiệt thòi? Liệu chính quyền Mỹ có đứng sau vụ việc này? Liệu đây có phải là một chiêu bài chính trị mới được phát minh?…

Theo dõi những thông tin bị tiết lộ mới đây thì Mỹ nhiều khi được hưởng lợi. Thông tin về vũ khí huỷ diệt của Iran hay Triều Tiên đều được tung ra để Mỹ hiện thực hoá về mối đe doạ này và biện minh cho chính sách đối ngoại của mình.

Thông tin về sự “chán nản” của Bắc Kinh đối với Myanmar hay Triêu Tiên cũng được tung ra và có vẻ như phần nào sẽ làm rạn nứt những mối quan hệ này… Dù vẫn chưa đủ để làm rõ tính mục đích thực sự của Wikileaks và liệu có sự chỉ đạo ngầm hay không? Nhưng rõ ràng đang tồn tại nhiều nghi vấn cần được làm rõ trong năm 2011. Và cũng không hẳn dừng lại ở năm 2011.

5. Môi trường an ninh Iraq vẫn ảm đạm

Ngày 19/8/2010, đơn vị trực tiếp chiến đấu cuối cùng của Mỹ đã được rút khỏi Iraq, khép lại một chiến dịch quân sự kéo dài 7 năm với kết quả đáng thất vọng. Ngày 31/8/2010, Tổng thống Mỹ chính thức tuyên bố kết thúc chiến dịch quân sự “Tự do cho Iraq” kéo dài từ năm 2003. Tuy nhiên, Mỹ vẫn duy trì 50.000 lính để thực hiện chiến dịch “Bình minh mới”, với nhiệm vụ bảo đảm an ninh cho các lực lượng quân sự địa phương và các lực lượng an ninh của Iraq.


Với chiến lược mới như vậy, dự báo trong năm 2011, tình hình an ninh Iraq có thể sẽ diễn biến theo hướng xấu đi, bởi nước Mỹ rút quân là do chịu sức ép từ dư luận trong nước hơn là tình hình nước này đã thực sự được kiểm soát. Nước Mỹ có lẽ sẽ chỉ quan tâm tới bảo vệ các giếng dầu, những khu vực khác có thể sẽ lại bị rơi vào vòng hỗn loạn.

Kịch bản u ám có thể là sự xuất hiện ngày càng nhiều những tổ chức tự coi mình là các nhánh của mạng lưới khủng bố Al-Quaeda, các thế lực chính trị dòng Sunni, Shi'ite và người Cuốc tranh giành quyền lực, xung đột sắc tộc, tôn giáo bùng phát.

Mớ hỗn độn về chính trị - xã hội mà nước Mỹ để lại Iraq sẽ cần rất nhiều thời gian để dọn dẹp. Rõ ràng, chiến tranh Mỹ gây nên ở Iraq năm 2003 kết thúc nhanh, nhưng “bình định” thì thời gian gấp nhiều lần và bao giờ mới có “ổn định” cho người dân và đất nước từng là một trong những chiếc nôi của văn hóa nhân loại.

6. Tương lai của NATO không mấy sáng sủa

Tháng 11/2010, NATO trình làng chiến lược mới được coi là mang tính lịch sử, giải quyết vấn đề cốt lõi của NATO, xác định rõ những nhiệm vụ mới , biện pháp mới và kẻ thù mới.

Theo đó, chiến lược nhấn mạnh tới các vấn đề an ninh phi truyền thống như phổ biến vũ khí hạt nhân, chống khủng bố, cướp biển, an ninh mạng, thảm hoạ thiên tai, biến đổi khí hậu, hợp tác quân - dân sự, đặc biệt là thiện chí hợp tác với cựu đối thủ Nga.

Ngoài ra là xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa (BMD) nhằm phòng ngừa khả năng tấn công từ Iran.


Dự báo, chiến lược mới của NATO khó có thể gặt hái được những kết quả khả quan. Bởi nó quá xa vời và quá tham vọng so với tôn chỉ khi NATO được thành lập. Chiến lược mới đang nhăm nhe biến NATO từ một tổ chức khu vực thành một tổ chức toàn cầu, từ mang tính phòng thủ sang mang tính tiến công, từ nhiệm vụ quân sự là chủ yếu chuyển sang ôm đồm nhiều vấn đề phi quân sự…

Tham vọng là thế song dường như NATO đang mất phương hướng và vị thế ngày càng suy giảm. Một phần là Mỹ giờ đây đã có những mối quan tâm mới và đối tác châu Âu đang bị thờ ơ.

Một phần vì nội bộ NATO có quá nhiều khác biệt, khi số thành viên được tăng lên gấp đôi (hiện nay là 28). Điều này dẫn tới quá trình ra quyết định ngày càng chậm chạp, khiến Mỹ nhiều khi phớt lờ và đơn phương hành động như trong trường hợp Kosovo, Afghanistan và Iraq… Hơn nữa, ngân sách của NATO cũng rất eo hẹp trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế, nên tham vọng ôm đồm quá nhiều sẽ chỉ là mơ hão. Phải chăng “ôm nhiều không chặt”?

7. ADMM+ định hình cấu trúc hợp tác quốc phòng an ninh mới

Năm 2010, giới chức quốc phòng Việt Nam đã tổ chức thành công 13 hội nghị quân sự - quốc phòng và nhiều hội nghị trong khuôn khổ Diễn đàn an ninh khu vực ASEAN (ARF). Trong đó đỉnh cao là Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN và các đối tác lần thứ nhất (ADMM+). Hội nghị gồm 10 nước ASEAN và 8 đối tác là Mỹ, Trung Quốc, Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, Ấn Độ, New Zealand.

Dự báo, tương lai của ADMM+ sẽ ngày càng được coi trọng và sẽ trở thành một cấu trúc hợp tác quốc phòng an ninh mới hữu hiệu trong khu vực và trên thế giới. Điều này là có cơ sở bởi khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang trở thành tâm điểm cạnh tranh của thế giới và rất cần một tổ chức quốc phòng an ninh làm nhiệm vụ xây dựng lòng tin và ngăn ngừa xung đột.



ADMM+ đã được đông đảo các nước, đặc biệt là nước lớn ủng hộ giữ vai trò này. Đó là lý do tại sao lần đầu tiên kể từ sau Chiến tranh Lạnh lại có một hội nghị quy tụ hầu hết Bộ trưởng Quốc phòng của các cường quốc.

Quan trọng hơn, Việt Nam với vai trò Chủ tịch ASEAN, đã thành công trong việc đưa ra “luật chơi” trong lĩnh vực quốc phòng - an ninh, được quy định trong 2 tài liệu về ADMM+ là “Cơ cấu và Thành phần”, “Thể thức và Thủ tục”. Luật chơi này đã dung hoà được lợi ích của nhiều bên và do đó nó sẽ tiếp tục được ASEAN và các nước đối tác xây dựng và phát triển.

Tin rằng trong năm 2011 Indonesia sẽ phát huy được những thành quả mà Việt Nam đã tạo ra, nâng ADMM+ lên một tầm cao mới. Tuy nhiên, ASEAN cũng cần tỉnh táo và có tính độc lập cao, bởi sẽ rất khó khăn để giữ vững vai trò trung tâm, khi mà ADMM+ có sự tham gia của nhiều nước lớn.

8. Cuộc đua sức mạnh trên biển

Năm 2011, và các năm tiếp theo, nhiều nước sẽ đưa vào biên chế một loạt vũ khí mới, ảnh hưởng lâu dài đến tình hình từng khu vực.

Theo nhiều nguồn tin, Trung Quốc sẽ hạ thủy tàu sân bay theo mẫu 1 tàu sân bay trước đây của Liên Xô và các máy bay mua hoặc sản xuất theo giấy phép của Nga. Ấn Độ đang gấp rút đưa vào hoạt động tàu sân bay thứ 2, cũng mua lại từ Liên Xô.


Và chính nước Nga, vừa ký hợp đồng cùng sản xuất và tự sản xuất 4 tàu sân bay trực thăng theo công nghệ Pháp.

Các nước trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương cũng gia tăng sức mạnh của hải quân. Cuộc đua giành chủ quyền trên biển sẽ có những yếu tố mới.

Định Nam - Văn Tuấn

Tổng số lượt xem trang