Trung Quốc với Biển Đông 2011(Toquoc)- Trong khi đàm phán về DOC, Trung Quốc tích cực triển khai thăm dò khai thác dầu khí và tạo sức ép quân sự.
Năm 2011 có triển vọng giải quyết vấn đề Biển Đông hay không? Điều mà Thủ tướng Ôn Gia Bảo nói với các nhà lãnh đạo ASEAN tại Cấp cao Hà Nội 2010 có thể được hiện thực hóa hay không? Khó mà đoán định được. Trong khi đường đi nước bước của Trung Quốc liên quan Biển Đông gần đây cho thấy Bắc Kinh sẽ tiếp tục tiến hành đàm phán ngoại giao để câu giờ, trong khi tích cực xúc tiến việc thăm dò khai thác dầu khí ở Biển Đông và huấn luyện quân sự tạo áp lực trên bàn đàm phán.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc hồi tuần qua cho biết Trung Quốc và các nước ASEAN cam kết sẽ duy trì hòa bình và ổn định ở Nam Hải (Biển Ðông ). Phiên họp vòng 5 Nhóm công tác liên hợp về thực hiện Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) đã diễn ra tại Côn Minh từ ngày 21-23/12. Phiên họp này nằm trong lộ trình đã được khởi động trong năm 2010 để đánh giá tiến độ thực thi DOC, vốn được các bên ký năm 2002, và được Hội nghị cấp cao ASEAN-Trung Quốc tại Hà Nội cuối tháng 10 vừa qua tái khẳng định. Các quan chức cấp cục, vụ Bộ Ngoại giao các nước ASEAN, Trung Quốc và Ban thư ký ASEAN đã tham dự cuộc họp. Các bên nhấn mạnh việc coi trọng DOC, đồng ý tiếp tục nỗ lực duy trì hòa bình và ổn định khu vực Biển Đông, làm cho Biển Đông trở thành vùng biển hòa bình, hữu nghị và hợp tác. Hội nghị đã điểm lại tiến trình triển khai DOC và thảo luận tích cực, thẳng thắn về các hành động thúc đẩy tiếp theo. Hội nghị quyết định phiên họp Nhóm công tác về DOC lần sau sẽ được tổ chức vào giữa hoặc cuối tháng 3/2011 tại Indonesia.
Phiên họp Nhóm công tác về DOC lần sau sẽ được tổ chức vào giữa hoặc cuối tháng 3/2011 tại Indonesia.
Triển khai các dự án năng lượng Biển Đông
Mặt khác, Trung Quốc tích cực triển khai các dự án năng lượng ở Biển Đông. Mạng Jamestown Foundation (Mỹ) cho biết để giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn dầu lửa nhập khẩu từ các khu vực bất ổn ở Trung Đông và châu Phi, giới hoạch định chính sách Trung Quốc đã đề nghị chính phủ từ nay đến năm 2020 triển khai các dự án thăm dò và khai thác năng lượng trị giá 30 tỷ USD ở Biển Đông. Theo họ, nếu xung đột xảy ra giữa Mỹ, phương Tây và Iran, Trung Quốc sẽ phải đối mặt với một thách thức lớn vì các nguồn cung cấp dầu lửa từ vùng Vịnh qua eo biển Hormuz - tuyến đường biển độc nhất ra vào vùng Vịnh - có thể bị đe dọa. Hiện nay, 1/2 lượng dầu lửa nhập khẩu của Trung Quốc là do khu vực giàu năng lượng nhưng bất ổn này cung cấp. Bộ Quốc phòng Mỹ dự đoán Trung Quốc sẽ nhập khẩu gần 2/3 tổng số dầu lửa vào năm 2015 và 4/5 tổng số dầu lửa năm 2030. Từ năm 2007, Trung Quốc cũng bắt đầu nhập khí đốt sau gần hai thập kỷ tự túc.
Ngày 15/12, Công ty Dầu lửa Ngoài khơi Quốc gia Trung Quốc (CNOOC) trực thuộc nhà nước và đối tác nước ngoài của công ty này là BG Group PLC (trước kia là công ty Khí đốt của Anh) thông báo liên doanh này đã tìm thấy cát chứa khí đốt trong lúc khoan thăm dò lần đầu tiên ở vịnh Qiongdongnan, sâu gần 1.400 m, ở phía nam và cách đảo Hải Nam 130 km. Zhu Weilin, Phó Chủ tịch Điều hành CNOOC, cho biết công ty này “rất lạc quan trước những kết quả ban đầu. Kết quả đó sẽ củng cố hơn nữa niềm tin của công ty trong việc thăm dò các khu vực nước sâu”.
Ở phía đông bắc, CNOOC và đối tác Husky Energy Inc (Canada) sẽ bắt đầu triển khai dự án khai thác vào năm 2013 sau khi phát hiện lượng khí đốt lớn ở độ sâu 3.000m so với mặt biển ở ngoài khơi Trung Quốc. Khu vực khí đốt lớn nhất của Trung Quốc trên Biển Đông là nguồn năng lượng chủ yếu phục vụ các trạm phát điện của Hong Kong và mỗi năm sản xuất khoảng 124 tỷ feet khối khí đốt. Đây là dự án đầu tư chung giữa tập đoàn BP, CNOOC và công ty Thăm dò khai thác Dầu lửa Nước ngoài của Kuwait.
CNOOC cho biết khu vực ngoài khơi Biển Đông là một điểm nóng và dự kiến khu vực có trữ lượng dầu khoảng 22 triệu thùng. Toàn bộ khu vực dự trữ khí đốt ở thềm lục địa của Trung Quốc được cho là có khoảng 10,6 tỷ feet khối khí, gần bằng 1/8 tổng dự trữ của Trung Quốc. Sau khi sản xuất nhiều thiết bị thăm dò, khai thác và có kinh nghiệm trong việc khoan dầu dưới biển, Trung Quốc dự định sẽ thúc đẩy các dự án tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu lửa và khí đốt trên Biển Đông, nơi Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei đều tuyên bố chủ quyền và kiểm soát các nguồn dự trữ khí đốt và dầu lửa.
Zhou Dadi, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu năng lượng thuộc Ủy ban Cải cách và phát triển quốc gia Trung Quốc, cho biết biển Hoa Đông và Biển Đông là hai khu vực có tiềm năng về khai thác dầu khí biển sâu và sẽ đóng vai trò rất lớn trong việc cung cấp và đảm bảo an ninh năng lượng cho đất nước. Tổng giám đốc CNOOC Fu Chengyu nói với Tân Hoa Xã rằng, dàn khoan dầu khí biển sâu tiên tiến nhất của CNOOC hiện nay có thể tác nghiệp ở độ sâu 3.000 m và độ khoan sâu lớn nhất là 10.000 m.
Tuy nhiên, chi phí thăm dò và khai thác dầu lửa, khí đốt ở các khu vực nước sâu khá đắt và chỉ các công ty năng lượng nước ngoài lớn mới có thể thực hiện nếu an ninh được bảo đảm. Bắc Kinh khó có thể đảm bảo các dự án đầu tư chung với các công ty năng lượng nước ngoài được thực hiện một cách suôn sẻ ở các khu vực vẫn tồn tại nhiều bất đồng.
Tăng cường áp lực quân sự
Báo Asahi Shinbum (Nhật Bản) số ra ngày 31/12 tiết lộ rằng ngay từ năm 2009, quân đội Trung Quốc đã hoàn tất chiến thuật đánh chiếm các hòn đảo do nước khác đang nắm giữ trên Biển Đông và huấn luyện lực lượng theo phương án đó. Mặc dù trước mắt ít có khả năng Bắc Kinh được thực hiện chiến lược thôn tính Biển Đông, song chủ trương trên cho phép Bắc Kinh giành ưu thế trong các cuộc đàm phán ngoại giao.
Một nguồn tin từ Quân khu Quảng Châu cho hay, lực lượng đặc trách vùng Biển Đông, cho biết kế hoạch đánh chiếm đã được soạn thảo từ đầu năm 2009. Chiến thuật này dựa trên hai mũi tấn công chính: Sử dụng máy bay ném bom oanh tạc ồ ạt hòng làm suy yếu hệ thống phòng thủ trên hòn đảo mục tiêu, và tiếp theo đó dùng tàu đổ bộ tung quân lên đánh chiếm. Cụ thể, theo chiến thuật tạm gọi là “tiền pháo hậu xung” này, không quân Trung Quốc, phối hợp với các đơn vị không chiến của hải quân, sẽ bất ngờ mở nhiều đợt không kích vào các cảng quân sự và tàu thuyền đặt căn cứ tại đảo được chọn làm mục tiêu. Theo chiến thuật này, khả năng chiến đấu của đối phương phải bị loại trừ sau vỏn vẹn một tiếng đồng hồ, để mở đường cho quân đổ bộ lên đảo, sử dụng các loại tàu đổ bộ như Côn Luân Sơn, thuộc loại lớn nhất của Hải quân Trung Quốc hiện nay. Tàu này có trọng tải 18.000 tấn và có sân đáp cho bốn máy bay trực thăng cùng một lúc. Để ngăn không cho đối phương tiếp ứng, đồng thời với chiến dịch tấn công đánh chiếm mục tiêu, các đơn vị chủ lực thuộc hai hạm đội Bắc Hải và Đông Hải sẽ có mặt tại những vị trí ngoài khơi để chặn không cho tàu sân bay Mỹ đến gần chiến trường.
Theo Asahi Shinbum, vấn đề là sau khi kế hoạch được soạn thảo xong, Trung Quốc đã cho quân đội rèn luyện ngay hai chiến thuật này trong các cuộc tập trận của họ trên quy mô rộng lớn tại vùng Biển Đông. Hồi đầu tháng này, một nguồn tin từ chính quyền Trung Quốc đã xác định với phóng viên báo Asahi tại Bắc Kinh: “Mục đích của chúng tôi là giành ưu thế trong đàm phán lãnh thổ bằng cách gây sức ép thông qua việc chứng tỏ cho các nước khác thấy rằng chúng tôi có khả năng giành lại các hòn đảo bất kỳ lúc nào”.
Gấp rút hoàn tất đóng tàu sân bay
Hãng Reuters cho biết, vào 1/7/2011, nhân dịp kỷ niệm ngày thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc, Trung Quốc sẽ cho hạ thủy chiếc tàu sân bay đầu tiên với chi phí lên tới 2 tỷ USD, sớm hơn dự đoán của các chuyên gia quân sự Mỹ (2015). Trong giai đoạn đầu, chiếc tàu sân bay này được sử dụng vào công tác đảm bảo an ninh cho tuyến đường sử dụng để vận chuyển dầu thô ở Ấn Độ Dương và ở gần khu vực Trường Sa, nơi Trung Quốc đang tranh chấp chủ quyền với nhiều nước khác./.
Lưu Việt