Thứ Ba, 11 tháng 1, 2011

EVN đang ở “chân tường”!

Thủy điện Sơn La sẽ vận hành tổ máy số 2 và số 3 nhưng vẫn không thể giúp hết thiếu điện - Ảnh: C.V.K
-- EVN đang ở “chân tường”! (11/01)
TT - Ngày 10-1, phát biểu tại lễ tổng kết năm 2010 và triển khai kế hoạch năm 2011, lãnh đạo Tập đoàn Điện lực VN (EVN) cho biết EVN đang đứng ở “chân tường”, điện năm nay có thể thiếu nhiều hơn năm ngoái, muốn không cắt điện phải có 12.000 tỉ đồng để mua dầu cho các nhà máy nhiệt điện.
Không thấy EVN đề cập giải pháp nào mới cho tình hình thiếu điện năm nay ngoài kiến nghị tăng giá và cắt điện.
Lỗ 8.000 tỉ đồng
Lãnh đạo EVN và các đơn vị thành viên đều khẳng định tình hình tài chính rất khó khăn và kiến nghị phải kiên quyết tăng giá điện. Theo ông Đào Văn Hưng - chủ tịch hội đồng thành viên EVN, tổng cộng đã lỗ khoảng 8.000 tỉ đồng trong năm ngoái do phải huy động nguồn điện giá cao vào mùa khô để giảm thiếu hụt điện năng do các nhà máy thủy điện thiếu nước. Về bức tranh tài chính của EVN, ông Hưng đầy “tâm trạng” khi nói “EVN nói thật đã ở sát chân tường”. Theo ông Hưng, ngoài khoản lỗ 8.000 tỉ đồng, EVN còn thêm gánh nặng trên 10.000 tỉ đồng do các khoản nợ, các nghĩa vụ tài chính... tăng do tỉ giá thay đổi. Tổng các khoản này đã lên tới 24.000 tỉ đồng.
Sẽ thiếu điện gấp 2-3 lần!
Về khả năng cung ứng điện mùa khô sắp tới, lãnh đạo EVN báo trước viễn cảnh có khả năng xấu hơn năm ngoái. Ông Đào Văn Hưng cho biết mùa khô năm 2010 chỉ thiếu hụt trên 1 tỉ kWh mà đã phải cắt điện gây bức xúc, trong khi năm nay khả năng thiếu hụt có thể lên đến 3-4 tỉ kWh, tức gấp 2-3 lần.
Ông Nguyễn Phúc Vinh - tổng giám đốc Tổng công ty điện miền Bắc, đơn vị trực tiếp bán điện cho các tỉnh miền Bắc đến Hà Tĩnh - rất quan tâm đến khả năng cung ứng điện nhưng “quả thật chưa nhìn thấy khả năng cung ứng đủ cho mùa khô ở đâu”.
Theo ông Vinh, năm nay miền Bắc phải chịu thiếu điện trực tiếp, nghiêm trọng vì “năm trước nước các hồ thủy điện cùng thời điểm này nhiều hơn năm nay mà vẫn thiếu”. Trong khi đó, theo ông Vinh, với việc xả nước cho nông nghiệp, thủy điện Hòa Bình chỉ chạy đến cỡ tháng 3 là hết sạch nước, các thủy điện lớn khác như Thác Bà cũng vậy.
Ông Vinh cho rằng năm nay nếu muốn chống thiếu điện, sẽ cần trên 12.000 tỉ đồng để mua dầu đổ vào các nhà máy nhiệt điện mới giảm được thiếu hụt điện. “Riêng mùa khô năm 2011 cũng cần khoảng 5.400 tỉ đồng”. Ông Vinh nói hiện số tiền này không biết kiếm ở đâu ra vì đi vay thì ngân hàng không cho vay bởi khoản này chắc chắn không tạo ra lợi nhuận mà còn tạo ra lỗ. Ông Vinh đề nghị Chính phủ cần hỗ trợ bù khoản tiền trên.
Tổng giám đốc Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia Lê Mạnh Hùng cũng kêu tổng công ty của ông “nguy cấp đến nơi rồi”. Ông Hùng phân tích giá điện thấp, tổng công ty của ông chỉ được trả chưa đến 70 đồng để truyền tải 1kwh điện nên hiện không có tiền để đầu tư.
Ông Hùng đề nghị nếu cho độc quyền truyền tải thì chỉ xin độc quyền khâu vận hành, chứ đầu tư thì đề nghị các công ty điện lực phải chung tay gánh vác. Ông Hùng cảnh báo “các anh cứ đầu tư nguồn phát điện mà không có đường dây truyền tải điện thì cũng vô nghĩa”.
Tăng giá và cắt điện
Trong báo cáo tổng kết của EVN, tập đoàn này thừa nhận hạn chế lớn nhất là chưa đảm bảo đủ điện, phải cắt điện gây bức xúc cho nhân dân và tổn thất điện năng còn cao hơn kế hoạch định ra. Đề cập giải pháp cho năm 2011, các lãnh đạo của EVN khi phát biểu đều chung một đề nghị: xin Chính phủ, Bộ Công thương cho tăng giá điện. EVN đề nghị Chính phủ chỉ đạo Quỹ bảo hiểm xã hội cho EVN vay 15.000 tỉ đồng để đầu tư nguồn điện, chỉ đạo các bộ ngành sớm hỗ trợ, bảo lãnh để EVN vay qua phát hành trái phiếu quốc tế 1 tỉ USD.
Đặc biệt, báo cáo của EVN đề nghị Chính phủ cần tháo gỡ để EVN có gần 13.000 tỉ đồng để huy động khoảng 3,8 tỉ kWh điện chạy dầu phục vụ sáu tháng mùa khô năm nay. EVN cũng đề nghị các tỉnh thành lập ban chỉ đạo điều hành cung ứng điện và thực hiện tiết kiệm điện trên địa bàn nhằm công khai minh bạch khi cắt điện. Ban này sẽ do chủ tịch UBND làm trưởng ban, thành viên có cả đoàn đại biểu Quốc hội, sở công thương...
Ông Nguyễn Phúc Vinh thừa nhận ban chỉ đạo các địa phương không muốn “dây” vì phải chịu trách nhiệm khi cắt điện. Theo ông Vinh, hô hào tiết kiệm điện thực chất không được bao nhiêu nên đề nghị phải tính đến chuyện cắt điện các công ty ximăng, thép. Ông Vinh thừa nhận giải pháp chống thiếu điện năm 2011 chưa có gì mới, điện thì thiếu hơn nên phải có giải pháp cho tình huống “tai nạn”, nếu không thì không cách gì đảm bảo điện cho nhu cầu thiết yếu.
Ông Vinh cho biết điện dùng cho ximăng, thép rất lớn, riêng miền Bắc chiếm tới 10% tổng tiêu thụ điện của toàn bộ các ngành công nghiệp khác và điện sinh hoạt. Trong khi sản lượng thép, ximăng đã được nói đến vượt nhu cầu, ông Vinh đề nghị chỉ cần cắt giảm điện cho ximăng, thép 30% thì sẽ bớt phải dùng 5.400 tỉ đồng mua dầu để phát điện cho mùa khô 2011.
Phát biểu chỉ đạo, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng cho biết Bộ Công thương sẽ sớm trình Chính phủ đề án giá điện mới, theo đó giá điện năm 2011 sẽ tiệm cận theo giá thị trường.
CẦM VĂN KÌNH
EVN: Thiếu vốn, giá bán thấp là nguyên nhân thiếu điện (Bee) lại tiếp tục bài ca con cá khi hôm qua có bài 2011: Thiếu 3 tỷ kWh điện (Tầm Nhìn)


Khi EVN bất lực [Hiền Phương *]
Những ngày gần đây, dư luận cả nước không khỏi ngỡ ngàng và bất bình trước tuyên bố của Chủ tịch HĐQT tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) Đào Văn Hưng khi ông yếu đuối bày tỏ sự bất lực trước tình trạng thiếu điện hiện nay. Ngỡ ngàng vì tuyên bố từ chính người đứng đầu ngành điện. Bất bình từ một ngành độc quyền, được hưởng mọi ưu đãi của cơ chế chính sách để có thể xây dựng được hệ thống điện quốc gia làm bệ phóng cho đất nước bước vào thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Độc quyền từ việc quản lý hệ thống nhà máy phát điện chính của đất nước, đến độc quyền trong việc truyền tải và mua bán điện. Thế nhưng, những gì EVN làm được trong những năm qua đã không đáp ứng được lòng mong mỏi của nhân dân.

Trước tiên, chiến lược dựa vào thuỷ điện mà không tính tới những biến đổi của khí hậu, môi trường đã làm cho các nhà máy thuỷ điện không phát huy được hết công suất, ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường. Những ngày này, các tỉnh miền Trung đang ngập chìm trong nước xả lũ của các nhà máy thuỷ điện. Các nhà máy của sơ đồ điện 6 đã rơi hết vào tay các nhà thầu Trung Quốc, hầu hết đều bị chậm tiến độ và đội giá thành. Tại sao lại trao các dự án điện vào tay các nhà thầu kém chất lượng? Nghiêm trọng hơn là không phát được điện theo kế hoạch nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển của nền kinh tế. Trách nhiệm của EVN ra sao thì không thấy đả động tới. Thế là điệp khúc năm này sang năm khác tiếp tục diễn ra: cắt điện, cắt điện và cắt điện! Điện cúp làm ảnh hưởng tới mọi khía cạnh của đời sống xã hội và toàn bộ nền kinh tế. EVN than phiền do giá điện thấp nên không ai muốn đầu tư vào ngành điện. Nhưng kiến nghị của EVN với nhà nước ra sao, từ bỏ độc quyền mua bán điện như thế nào thì không thấy EVN đề xuất. Trong khi, EVN vẫn đầu tư ra ngoài ngành điện hàng ngàn tỉ đồng, mặt khác lại kêu thiếu vốn để xây dựng nhà máy điện. Mọi người đều biết, giá điện cho sản xuất của ta cũng đã ngang bằng với giá các nước trong khu vực. Còn giá điện sinh hoạt do phải bao cấp 100 số đầu nên EVN phải bù lỗ. Ai cũng biết, trong kinh tế thị trường, không thể cào bằng trong sử dụng điện. EVN cần kiến nghị với nhà nước sớm đưa thị trường điện cạnh tranh áp dụng trên cả nước, không thể bao cấp tràn lan. Chúng ta đã có danh sách các hộ nghèo trên cả nước. Nhà nước cứ việc chiếu theo danh sách đó mà hỗ trợ. Còn lại tất cả đều sử dụng điện theo mặt bằng giá chung. Có như vậy mới tạo động lực cho các nhà đầu tư rót vốn vào phát triển nguồn và lưới điện. Kiên quyết tách khâu truyền tải và mua bán điện ra khỏi EVN để tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng. Cần đa dạng hoá nguồn điện, hạn chế tối đa thuỷ điện. Ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo. Lâu nay chúng ta quan tâm quá nhiều đến những công trình hoành tráng như thuỷ điện phải… nhất Đông Nam Á. Những dự án nhà máy điện hạt nhân dày đặc trong tương lai tại tỉnh nghèo Ninh Thuận. Nhưng các dự án năng lưọng tái tạo lại không được quan tâm đúng mức. Trong khi tiềm năng về gió, mặt trời, thuỷ triều… của ta rất lớn.
Một ví dụ: Dự án nhà máy điện hạt nhân sắp tới tại Ninh Thuận có giá khoảng 20 tỉ USD, dự kiến sẽ phát điện vào năm 2020.Với số tiền đó, nếu gửi vào ngân hàng, mỗi năm số tiền lãi sẽ vào khoảng 2 tỉ USD, đem số tiền đó đầu tư cho năng lượng tái tạo. Theo thời giá hiện nay, 1MW điện gió giá khoảng 2 triệu USD. Mỗi năm chúng ta có 1000MW điện gió. Sau 10 năm ta sẽ có 10.000MW điện, tương đương với công suất của nhà máy điện hạt nhân sẽ được xây dựng. Cái được lớn nhất là chúng ta hoàn toàn không phải lo lắng cho sự nguy hiểm đối với đất nước, môi trường không bị ảnh hưởng. Chúng ta không phải nhập khẩu nhiên liệu hạt nhân để vừa sử dụng vừa nơm nớp lo sợ sự cố. Một bài toán đơn giản như vậy, không biết đã có ai tính đến chưa?
Trong khi không tiếc tiền mua điện giá cao của Trung Quốc, để tạo ra khoản lỗ hàng ngàn tỉ đồng trong thời gian ngắn, thì mặt khác EVN lại cò kè từng xu với các nhà đầu tư năng lượng tái tạo. Có năng lượng điện gió, phát điện cả năm nay vẫn không ký được hợp đồng bán điện cho EVN, làm nản lòng các nhà đầu tư. Điện năng là điều kiện tối cần thiết, là bệ phóng cho đất nước phát triển. Không thể hô khẩu hiệu đưa đất nước lên công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong khi điện thiếu, không theo kịp đà phát triển. Tại sao một lãnh đạo ngành điện tuyên bố bất lực trước bàn dân thiên hạ mà vẫn yên vị để đưa những người có đủ năng lực lên thay thế? Tại sao ông Hưng vẫn chưa rũ áo từ quan nhỉ? Không lẽ đất nước lại thiếu những người tâm huyết có năng lực gánh vác nhiệm vụ phát triển ngành điện hay sao? Cần phải kiên quyết thay đổi nhân sự EVN, để đưa những người có tâm và tầm vào đội ngũ lãnh đạo nhằm đưa ngành điện phát triển kịp với yêu cầu hiện tại.
(* – Bài viết riêng cho HuyBom&Sam blog)

Tổng số lượt xem trang