Nguyễn Xuân Nghĩa
Những phi lý tuyệt diệu về nước Mỹ
Cuối tuần qua, Hoa Kỳ lại bị một vụ chấn động sẽ có ảnh hưởng lâu dài như vụ khủng bố 9-11.
Tổng Trưởng Quốc Phòng Robert Gates đi Bắc Kinh vào mùng chín để hội họp với giới chức quân sự Trung Quốc, lần đầu tiên kể từ năm 2007 sau khi các cuộc gặp gỡ định kỳ tương tự bị Bắc Kinh hủy bỏ. Dịp này, ông cũng ghé Tokyo nói chuyện với tổng trưởng quốc phòng Nhật. Và chuyến đi của ông cùng nhiều giới chức an ninh và ngoại giao cao cấp là bước sau cùng để phía Hoa Kỳ sửa soạn đón tiếp Chủ Tịch Hồ Cầm Ðào chính thức thăm viếng nước Mỹ từ ngày 19.
Quan hệ Mỹ-Hoa đầy rắc rối hiện ở vào khúc quanh, khi tin tức được đôi bên tiết lộ ào ạt cho thấy Trung Quốc đang trở thành cường quốc quân sự, một thế lực hải dương có khả năng làm lệch cán cân lực lượng Hoa-Mỹ tại Á Châu Thái Bình Dương...
Ở nhà, Tổng Thống Barack Obama chuẩn bị chào đón Tổng Thống Pháp Nicolas Sarkozy vào Thứ Hai mùng 10 để nói chuyện về Âu Châu và khối G-20 mà Pháp làm chủ tịch luân phiên từ giữa tháng 11.
Hồ sơ bàn thảo sẽ có rất nhiều, kể cả việc Phó Thủ Tướng Lý Khắc Cường của Bắc Kinh đang thăm ba nước Âu Châu là Tây Ban Nha, Anh và Ðức. Người sẽ thay thế Ôn Gia Bảo làm tổng lý Quốc Vụ Viện Trung Quốc đã ôm tiền qua hứa hẹn góp phần cấp cứu đồng Euro Âu Châu, tìm đòn bẩy của Tây Ban Nha để đẩy mạnh việc đầu tư vào Nam Mỹ và không che giấu chủ đích là giúp Liên Hiệp Âu Châu trở thành một cực lớn mạnh làm sức đối trọng với Hoa Kỳ. Như đồng Euro sẽ phải là một lực đối trọng khác với đồng Mỹ kim...
Trong khi ấy, một lãnh tụ hệ phái Shia tại Iraq đã hồi hương.
Là khuôn mặt khét tiếng chống Mỹ, từ nơi lưu vong và tu đạo là Iran, Giáo Sĩ Muqtada al-Sadr về nước lãnh đạo một lực lượng chính trị Shiite thân Iran và chuẩn bị ngày Mỹ rút quân. Sau đó, Hoa Kỳ sẽ ứng xử ra sao? Thỏa hiệp với Tehran hay phải duyệt lại toàn bộ hồ sơ Trung Ðông nếu một cường quốc Á Rập Hồi Giáo trong vùng là Egypt có loạn vì Tổng Thống Hosni Mubarak đang lâm trọng bệnh sau 20 năm lãnh đạo và tránh họa cho Ai Cập, một đồng minh của Mỹ? Việc quân khủng bố lại vừa ra đòn tấn công cộng đồng Thiên Chúa Giáo tại Ai Cập là một biến cố đáng lo cho Hoa Kỳ...
Và ở nhà, Tổng Thống Obama còn chờ xem Hạ Viện trong tay đảng Cộng Hòa sẽ dàn trận thế nào trong suốt hai năm tới, với việc biểu quyết để thu hồi đạo luật cải tổ chế độ bảo dưỡng y tế, chuẩn bị cho Thứ Tư 12 này. Cuộc đấu cho cuộc tranh cử năm 2012 đã bắt đầu.
Ðáng lẽ bài viết này đã đề cập tới những vấn đề quốc tế nói trên...
* * *
Nhưng đúng vào lúc đó, một kẻ điên đã thọc tay vào bánh xe lịch sử.Y rút súng bắn loạn tại một sinh hoạt chính trị, cuộc gặp gỡ dân chúng của một nữ dân biểu, được bà gọi là “Quốc Hội ở Góc phố”. Với dân Mỹ thì trái đất đã ngừng quay từ sáng Thứ Bảy mùng tám, lúc 10 giờ 10, tại thành phố Tucson của tiểu bang Arizona. Chuyện quốc tế thế gian gì thì cũng để đó. Chuyện Tây Tàu Nga Ấn gì thì cũng rơi vào hậu cảnh.
Tiền trường sân khấu là vụ thảm sát làm sáu người thiệt mạng và 13 người bị thương. Nổi tiếng nhất trong số nạn nhân bị trọng thương vì là đối tượng chính của hung thủ - nghi can, cho tới khi tòa án phán xét - là Dân Biểu Gabrielle (Gabby) Giffords của quận hạt số tám của Arizona.
Nói theo kiểu hành chánh như vậy thì chẳng ai mường tượng ra hình ảnh hay đặc tính của khu vực gọi là quận hạt tám. Ðặc tính là “hung” hay “hùng” thì tùy quan niệm, cho nên xin nhường lời cho... chính nạn nhân:
Năm 2009, trong một buổi tranh cử cũng theo kiểu “Quốc Hội ở Góc phố”, Dân Biểu Giffords được biết là trong số người đến dự có ai đó đã để rơi khẩu súng ngắn, hiệu Glock. Bà tỉnh bơ phát biểu: “Khi đại diện một quận hạt bao trùm lên những địa danh như OK Corral và Tombstone, ‘The Town Too Tough to Die’, thì không có gì là ngạc nhiên.”
Nhìn từ bên ngoài, có lẽ phải xem lại phim ảnh về Viễn Tây hoang dại và khung cảnh Wild Wild West, thì mới hiểu thế nào là “đất dữ”. Một thiên anh hùng ca của nước Mỹ! Chúng ta so sánh thế nào đây? “Con gái Bình Ðịnh múa roi đi quyền”? Hay là “mười tám thôn vườn trầu” của Hóc Môn Bà Ðiểm? Còn hiền khô!
Mà thật ra Dân Biểu Giffords này chẳng xa lạ gì với khẩu Glock khét tiếng của nước Áo.
Tháng 3 năm ngoái, văn phòng của bà bị ai đó phá phách, Gabby trả lời, hùng và hung như Sarah Palin, nguyên thống đốc Alaska, một người đẹp rất hung khác: “Tôi có một khẩu Glock 9 ly. Và bắn cũng ngon lắm”. Không dữ dằn và kiên trì như vậy thì làm sao trụ được ở vùng hỏa tuyến - mà cũng là tuyến đầu của biên thùy? Khu vực này tiếp giáp với Mexico và đang là đất tung hoành của băng đảng ma túy.
Về lý lịch, ở tuổi 40, còn khá trẻ, Gabby Giffords là chính khách khả ái gốc Do Thái, hoạt động bên Cộng Hòa rồi ngả theo Dân Chủ từ năm 2000 và là dân biểu thuộc nhóm bảo thủ ở miền Nam (nhóm “Blue dog Democrats”), một xu hướng bị thất thế nặng sau cuộc bầu cử tháng 11 vừa qua. Tháng 11 vừa rồi, bà thắng sát nút sau khi làn sóng Cộng Hòa tràn vào vùng đất bảo thủ nhờ lập trường khá đặc biệt của mình. “Trung dung”, “ôn hòa” hay “bảo thủ” thì tùy cách gọi của báo chí - là chuyện ta nên chú ý khi đọc hay dịch tin.
Về lập trường, Dân Biểu Giffords ủng hộ quyền phá thai và quyền mang súng. Bà bỏ phiếu cho đạo luật cải cách y tế nhưng chống việc lấy công quỹ chuộc nợ cho các doanh nghiệp xe hơi Mỹ. Bà chủ trương phải có kỷ cương về ngân sách, như phe tự do kinh tế, và đả kích sự phá sản của chánh sách di dân và năm ngoái đòi Hành pháp Liên bang đưa Vệ Binh Quốc Gia tăng cường kiểm soát biên giới.
Bà chống việc đại xá di dân nhập lậu mà cánh tả yêu cầu, nhưng cũng chống đạo luật gắt gao kiểm soát di dân của Arizona mà cánh hữu ủng hộ. Nếu chính quyền Liên bang không chú ý, Arizona sẽ giải quyết lấy việc đó thì còn nguy nữa!
Tuần trước, bà làm phe cực tả căm phẫn và bị Markos Moulitsas thuộc báo điện tử Daily Kos... dọa giết vì không bỏ phiếu tín nhiệm dân biểu cực tả Nancy Pelosi làm chủ tịch khối thiểu số Dân Chủ tại Hạ Viện. Như trước đó bà bị phong trào Tea Party và Sarah Palin coi là đối tượng phải triệt hạ trong cuộc tranh cử 2010. Bản đồ nước Mỹ được Tea Party ghi sẵn các địa phương phải tranh thủ, kể cả hạt tám của Gabby Giffords với dấu nhắm ở đầu ruồi - cross hair.
Trên một vùng đất dữ, Gabby Giffords quả là không giống ai - mà rất Mỹ - với quan điểm bị cả hai phe cực đoan chống đối từ hai ngả.
Bây giờ, bà đang ở trong tình trạng nguy kịch vì một viên đạn chín ly xuyên qua đầu, trổ từ sau ra trước và phá ra ngoài. Sinh mệnh và sự nghiệp chính trị của Gabby Giffords hiện như chỉ treo mành và chính trường Mỹ sẽ có nhiều thay đổi từ vụ bạo động phi lý này.
Mọi người bình thường thì đều cầu nguyện cho bà và các nạn nhân khác, kể cả một bé gái chín tuổi và một thẩm phán liên bang do ông George W. Bush bổ nhiệm, là hai trong số sáu người thiệt mạng. Ðấy là lúc ta nhìn vào nước Mỹ thâm sâu...
* * *
Nhìn từ bên ngoài, thế giới có thể phê phán xã hội Mỹ là ưa gặp bạo lực vì quá tôn sùng bạo lực từ thời lập quốc. Bạo lực là hung tinh nằm trong lá tử vi của nước Mỹ! Ðó là một cách nhìn.Khá nông cạn nếu ta không kiểm được thế nào là “hiện tượng bạo lực” và khỏi nhắc đến loại bạo lực được định chế hóa thành chánh sách của triều đình, của đảng hay nhà nước trong nhiều xã hội khác khiến cả triệu người mất mạng. Hoặc nếu ta khỏi nhắc đến Lenin, Hitler, Stalin hay Mao Trạch Ðông, Pol Pot, v.v. và nhiều vụ tàn sát không có tiếng động - kể cả cái “Cổng Trời” tại Việt Nam...
Hoa Kỳ là nơi mà quyền tự do cá nhân được đề cao và bảo vệ và mọi chuyện xấu tốt được quyền tự do ngôn luận khuếch đại đến tối đa nên dễ trưng bày ra hình ảnh cực đoan, có khi là méo mó.
Những người chống phá thai chẳng hạn có thể nêu ra con số là hàng năm có tới 50 ngàn hài nhi Mỹ bị giết trong bào thai. Ai nghe mà không thấy tởm? Rồi vì muốn bảo vệ thú vật, có kẻ điên đã quăng bom giết người vào một hãng thuộc da. Ai nghe mà không thấy là phi lý?
Vấn đề vì vậy là cách trưng bày sự kiện, có đầy đủ bối cảnh cho mọi người cân nhắc và lý luận. Ðáng chú ý nhất trong chuyện này là các vụ ám sát chính trị tại Hoa Kỳ, là khi các chính khách bị mưu sát hay hạ sát.
Những chuyện như vậy có xảy ra, cả chục lần trong lịch sử hơn 200 năm. Nhưng vụ án dễ bị chính trị hóa, dù động lực của hung thủ có thể chỉ là vấn đề bệnh lý. Một kẻ điên muốn chơi nổi như John Hinckley đã bắn Tổng Thống Ronald Reagan cách đây đúng ba chục năm để mong được Jodie Foster chú ý. Những trường hợp bất thường như vậy không phải là hiếm. Nhưng khó có thể coi là một vụ ám sát chính trị.
Tự thân, một vụ giết người phải được coi là một thảm kịch. Một vụ ám sát cũng vậy, nhưng lại có thể được phê phán khác nếu có một động lực chính trị - có “chính nghĩa” hay không. Chuyện đáng nói là khi một vụ ám sát bị chính trị hóa. Ðó là thảm kịch Tucson vừa qua...
Ngay từ tối Thứ Bảy mùng tám, khi danh tánh nghi can được xác định - là Jared Lee Loughner - người ta đã có thể đọc trên You Tube những phát biểu của đương sự. Y là kẻ không bình thường.
Y nặng lời phê phán dân Mỹ là thất học, đa số chưa hề đọc Hiến pháp. Và khẳng định rằng sau khi đọc “bản Hiến pháp thứ nhì” - người viết xin giải thích ngắn: Một số người Mỹ cực đoan cho rằng sau Nội Chiến và tu chính án bãi bỏ chế độ nô lệ thì nước Mỹ đã có bản Hiến pháp thứ hai, là văn kiện hiện hành! - thì y không tin vào chính phủ này nữa. Chính phủ đang sai khiến tâm trí và tẩy não người dân bằng cách kiểm soát văn phạm. Và y không trả nợ bằng một đồng bạc không được bảo chứng bằng vàng hay bạc. Mà cũng khỏi tin vào Thượng Ðế!
Jared Loughner là kẻ có vấn đề tâm thần.
Ðây là trường hợp của người có cảm quan chung là chống lại chính phủ, nhưng y không thuộc xu hướng tôn sùng da trắng kiểu “dân quân” hay cuồng tín tôn giáo ở phe cực hữu. Qua hôm sau, người ta biết thêm là đương sự cũng chẳng thuộc về một tổ chức nào mà còn có một số thói quen của cánh tả, kể cả cái thú cần sa ma túy! Rất ghét Bush và đảng Cộng Hòa, đã để ý tới Gabby Giffords từ năm 2007 - trước khi có phong trào Tea Party, v.v...
Và tuần qua thì y viết trước trên giấy là chuẩn bị tấn công Dân Biểu Giffords...
Trong giờ phút bàng hoàng đầu tiên giữa cảnh hỗn loạn thì truyền thông có thể đưa tin sai - như đài NPR vội loan báo là Dân Biểu Giffords đã từ trần. Cũng như khi ta nghe nói là hung thủ dùng súng tự động mà thật ra chỉ là súng lục, loại bán tự động có gắp đạn cải tiến để bắn ra 31 viên. Chuyện loan tin sai là thường và điều chỉnh là cần thiết khi có thêm chi tiết vì người dân đang muốn biết sự thật nóng hổi ở tại chỗ...
Chuyện kỳ cục là một bầy kên kên chính trị đã nhảy vào ăn có mà bất cần sự thật.
Ðó là các chính khách và bình luận gia, đa số thuộc cánh tả mà cứ được coi là “dòng chính”. Hung thủ vừa bắn súng thật thì chính trường đã bắn đạn giấy vào những kẻ tòng phạm tưởng tượng và vội kết luận vụ ám sát này có động lực chính trị - dùng viên đạn thay cho lá phiếu - rồi kết án là do trách nhiệm của cánh hữu. Cụ thể là của phong trào Tea Party, Sarah Palin và ngôn ngữ đầy hận thù của đảng Cộng Hòa!
Ðài Fox News nổi tiếng bảo thủ và thân Cộng Hòa cũng đốt danh dự chín năm dẫn đầu mọi đài truyền hình toàn quốc mà cho ký giả Geraldo Rivera lép nhép hơn hai tiếng về tội khích động tội ác của phe bảo thủ. Sự ngây ngô chỉ thua kém tính chất hàm hồ của kinh tế gia kiêm bình luận gia cực tả là Paul Krugman trên tờ New York Times. Còn nhiều lắm, cột báo này kể ra không hết.
Một ngày sau thôi là họ thấy ê chề.
* * *
Nhớ lại thì mùng năm tháng 11 năm 2009, viên thiếu tá Quân Y theo Hồi Giáo là Nidal Hasan đã xả súng vào trung tâm trưng binh trong căn cứ Fort Knox tại Texas. Y giết chết 13 người sau khi hô khẩu hiệu ngợi ca Thượng đế Hồi Giáo. Ngay sau đó, người ta biết thêm qua lý lịch và hành vi cái động lực và chủ trương của hung thủ - không khác gì một tên khủng bố Hồi Giáo chính hiệu.Nhưng khi ấy, các chính trị gia và truyền thông thiên tả đều lật đật khuyên can là đừng hấp tấp kết luận, tránh dùng chữ “khủng bố” và không nên vơ đũa cả nắm, v.v... Lần này, sự chừng mực trong tinh thần tự chế đó hoàn toàn không có và bầy kên kên còn muốn đổ dầu vào lửa!
Bạo lực của nước Mỹ có thể nhìn thấy ngay từ phong thái chính trị này.
Nó không khác gì sự ngây dại của nước Mỹ sau vụ Tổng Thống Kennedy bị ám sát năm 1963 tại Dallas. Hung thủ chính thức là một tay thân cộng, tôn sùng Cuba, nhưng sự việc lại được truyền thông chuyển hóa thành tinh thần bạo động điển hình của đất Dallas, của dân Texas... Lần này là đất Tucson, là cái tục mang súng và thói quen bạo động của phe bảo thủ.
Chúng ta đều biết là trong chính trị, ta thường mượn ngôn từ quân sự hay thể thao để diễn tả việc đấu tranh. Ta có dùng chữ “chiến thuật” hay “chiến lược” thì cũng không khác. Trong đà hào hứng của việc tranh cử, người ta cũng dùng ngôn ngữ rất bạo. Tổng Thống Obama nhắn nhủ cử tri của mình, rằng “đối phương mà chơi dao thì ta xài súng!” Ai cũng biết đặt lời phát biểu đó trong ngữ cảnh của nó.
Nhưng khi có chuyện thì các chính khách và bình luận gia bất lương đều có thể bẻ queo sự thể - “đối tượng cần thanh toán” được hiểu theo nghĩa đen - những từ ngữ như “target” (mục tiêu) hay “bull eye” (hồng tâm), “firing” (bắn hay sa thải) đều bị diễn dịch ra khỏi mạch văn hay ngữ cảnh, thành võ khí triệt hạ đối thủ khi dân chúng đang bị xúc động.
Trong những ngày tới, chúng ta sẽ thấy mặt trái này được phanh phui.
* * *
Nhưng, với lý luận khôn ngoan của nhiều kẻ thấm đạo Thánh hiền, cứ thấy “nguy bang” thì bất nhập, “loạn bang” thì bất cư, bản thân chúng ta sẽ làm gì khi bị rơi vào lằn mưa đạn của Tucson? Chạy đi đâu?Câu hỏi đó dẫn ta tới chuyện một bà 61 tuổi và ba bốn người hùng khác của Tucson.
Thấy hung thủ lia nguyên băng đạn thì kẹt súng và định nạp một băng mới, bà Patricia Maisch không suy nghĩ gì - hoặc nghĩ nhanh hơn chúng ta - mà lăn qua giật lấy băng đạn trong khi hai người đàn ông - 61 và 74 tuổi - chồm lên khống chế hung thủ. Một người thứ ba, còn rất trẻ, thì nhảy vào tước lấy mấy băng đạn còn lại trong túi và ngồi lên chân kẻ điên. Một thanh niên, đang học lớp y tá, thì vực Dân Biểu Giffords dậy để bà khỏi chết sặc trong máu của chính mình và bà Maisch vào sau quầy thịt của Safeway tìm vải bông sạch cho nạn nhân...
Vải sạch trong hàng thịt? Rất Mỹ! Cũng như phản ứng tuyệt diệu của những người vô can đã lăn xả vào cuộc mà chấm dứt thảm kịch. Nếu không thì số tử vong chắc hẳn là cao gấp bội.
Chúng ta nên chờ đợi là vụ thảm sát Tucson sẽ còn là một viên đạn chính trị của các chính trị gia bất nhân. Và nhiều bài bình luận sẽ được truyền thông bất lương tiếp tục ngụy trang thành tin để quăng lên trang nhất. Nhưng đừng quên nước Mỹ trở thành anh hùng không là nhờ chuyện ấy.
Và trong vụ Tucson này, có nhiều người Mỹ đã thành anh hùng trước khi truyền thông biết tới họ.