Thứ Bảy, 22 tháng 1, 2011

Tại sao Hồ Cẩm Ðào chịu nhún?

-Tại sao Hồ Cẩm Ðào chịu nhún? Nguoi-Viet Online-
Ngô Nhân Dụng

Ðây là một bài học cho những người cầm quyền ở Việt Nam: Ðối với giới lãnh đạo Trung Quốc, cách đối xử cứng rắn có hiệu quả hơn là mềm mỏng. Chuyến đi của ông Hồ Cẩm Ðào sang Washington kết thúc, ông Hồ chịu thua trên hai mặt trận.
Về chính trị, ông Hồ thú nhận với những lời lẽ nhún nhường, rằng Trung Quốc còn phải cố gắng thêm về nhân quyền.

Về mặt kinh tế, ông Barack Obama đem lại cho các công ty Mỹ những hợp đồng thương mại trị giá 45 tỷ đô la, sẽ tạo ra thêm 235,000 công việc. Trong khi đó chính phủ Mỹ không đưa ra một nhượng bộ nào cả. Có thể nói, trận đá bóng ngoại giao giữa Mỹ và Trung Quốc suốt năm 2010 đã đưa tới kết quả Mỹ 2, Trung Quốc 0.

Trong lúc ông tổng thống Mỹ mang bộ mặt cứng rắn, các đại biểu Quốc Hội vẫn công khai đòi Trung Quốc phải tăng hối suất đồng nhân dân tệ, phải trả tự do cho ông Lưu Hiểu Ba, phải tôn trọng tác quyền của các hãng General Motors, Boeing, Microsoft hay các nhà sản xuất phim bên Mỹ, cả một bảng liệt kê những đòi hỏi từ trước tới nay, không thay đổi. Ông Hồ phải gặp riêng các lãnh tụ hai đảng ở Quốc Hội Mỹ, cho thấy ông không muốn bị chất vấn trước đám đông. Nhưng sự kiện này cho thấy ông phải công nhận tại nước Mỹ ông tổng thống không có toàn quyền như vị chủ tịch nước Trung Hoa. Nhất là khi Hạ Viện Mỹ do một đảng đối lập với Tòa Bạch Ốc chiếm đa số. Quốc gia nào thương thuyết với Mỹ cũng phải biết như vậy. Vì thế, ông Hồ Cẩm Ðào đã phải chịu nhún mặc dù trong suốt năm ngoái đã bị Mỹ tấn công trên nhiều mặt.
Từ đầu năm 2010, chính phủ Mỹ đã bắt đầu tấn công, trên cả hai mặt ngoại giao và kinh tế. Trên các diễn đàn quốc tế, ngay tại Singapore và Hà Nội, các bộ trưởng quốc phòng và ngoại giao tuyên bố ủng hộ lập trường các nước Ðông Nam Á trong các vấn đề tranh chấp ở biển Ðông. Bắc Kinh phản đối ầm lên nhưng vẫn phải nhún. Họ chịu tiếp ông Robert Gates mặc dù trước đó năm ngoái đã cấm cửa ông vì Mỹ bán vũ khí cho Ðài Loan. Khi Bắc Hàn gây hấn với Nam Hàn, Mỹ đã đá trái banh cho Trung Quốc phải lo giải quyết với Kim Chính Nhật, trong khi vẫn củng cố quan hệ quân sự với Nam Hàn. Bà Hillary Clinton đã tuyên bố thẳng những bất đồng ý kiến với Bắc Kinh, về nhân quyền, về đồng nhân dân tệ giá quá thấp, về cán cân thương mại thiếu cân bằng, vân vân, ngay trước khi ông Hồ tới Mỹ. Ít có một chính phủ nào chuẩn bị tiếp một quốc khách với thái độ cứng rắn như vậy. Ngay trong các cuộc gặp gỡ ở Tòa Bạch Ốc, ông Obama phản đối việc bỏ tù ông Lưu Hiểu Ba, người mà bộ máy tuyên truyền của Cộng Sản Trung Hoa bôi xấu thậm tệ sau khi ông được giải Nobel Hòa Bình. Ông Obama đã lấy ngay khẩu hiệu “Xã hội hài hòa” của ông Hồ Cẩm Ðào để dậy dỗ rằng “Lịch sử cho thấy các xã hội sống hài hòa hơn, các quốc gia thành công hơn, thế giới công bằng hơn khi các quyền lợi và bổn phận của tất cả mọi quốc gia và mọi con người được tôn trọng.” Một ông tổng thống trẻ, của một quốc gia trẻ mới hơn 200 tuổi, đã “lên lớp” vị chủ tịch một nước với hơn một tỷ dân và 5,000 năm văn hiến; đó là một hành động thách đố rõ ràng.
Trên mặt kinh tế, Bộ Tài Chánh Mỹ và các đại biểu Quốc Hội cùng lên tiếng yêu cầu Bắc Kinh phải nâng giá đồng tiền của họ và chịu để cho các công ty của họ nhập cảng từ Mỹ nhiều hơn. Ngay trong lúc tiếp ông Hồ Cẩm Ðào, ông Obama cũng than phiền chính phủ Bắc Kinh đã đem tiền mua 200 tỷ đô la ra để cố ý giữ giá đồng tiền của họ thấp mãi. Chính phủ Mỹ có một thứ vũ khí để đe dọa Bắc Kinh trong vấn đề này là dùng báo cáo của Bộ Ngoại Giao cho Quốc Hội, phê bình Bắc Kinh đã dìm giá đồng tiền của họ một cách không ngay thẳng. Khi nhận được báo cáo đó, Quốc Hội Mỹ có thể làm luật đặt ra những hàng rào ngăn chặn bớt hàng nhập cảng từ Trung Quốc.
Cuộc tấn công của các ông Barack Obama, Robert Gates và bà Hillary Clinton trong một năm qua đã có kết quả. Ông Hồ Cẩm Ðào xuống nước. Ông chính thức thú nhận trong cuộc họp báo chung rằng “Trung Quốc còn phải hành động nhiều hơn trên vấn đề nhân quyền!” Hai chữ “nhân quyền” xưa nay vẫn là những chữ cấm kỵ trong ngôn ngữ ngoại giao của Bắc Kinh. Mỗi khi có ai đặt vấn đề nhân quyền là họ giẫy nẩy lên, lập tức lớn tiếng phản đối, sẽ tố cáo người ta đang can thiệp vào chuyện nội bộ giữa chính phủ và người dân trong nước họ. Nhưng lần này, chính ông Hồ Cẩm Ðào chịu thú nhận trong nước Trung Hoa có vấn đề đó và chính phủ của ông còn thiếu sót chưa làm đủ. Và nói điều đó trước công chúng, sau khi bị nhà báo đặt câu hỏi lần thứ hai, và phải nhận lỗi đã không trả lời trước vì không được thông dịch!
Tại sao ông Hồ Cẩm Ðào chịu nhún nhường như vậy? Vì những người lãnh đạo ở Trung Nam Hải biết rằng nếu việc bang giao giữa hai nước căng thẳng thì Trung Quốc sẽ chịu nhiều thiệt hại hơn so với Mỹ. Từ 30 năm nay, từ khi ông Ðặng Tiểu Bình đi thăm nước Mỹ lần đầu, giới lãnh đạo ở Bắc Kinh vẫn đặt câu hỏi: Giữa Mỹ và Trung Quốc ai cần ai hơn? Thời 1979 khi ông Jimmy Carter tiếp ông Ðặng Tiểu Bình, họ cho là Trung Quốc cần Mỹ hơn, cán cân chênh lệch 70-30 nghiêng về phía Mỹ. Trong những năm 2007 đến 2009, khi nước Mỹ rơi vào hai cuộc khủng hoảng tài chánh và kinh tế, Bắc Kinh cho là đã lập được thế cân bằng, 50-50, hai bền đều cần đến nhau. Nhưng thái độ nhún nhường của ông Hồ Cẩm Ðào trong chuyến đi này cho thấy họ có thể thấy họ cần Mỹ hơn là Mỹ cần họ, mặc dù bên nào cũng có lợi nếu hai nước giao hảo. Không những chịu nhượng bộ công khai về vấn đề nhân quyền, ông Hồ Cẩm Ðào còn nói rằng Trung Quốc và Mỹ phải cộng tác với nhau trong các vấn đề ở vòng đai Thái Bình Dương. Trong đó, chắc chắn có vùng các quần đảo ở Ðông Nam Á! Trước đây 6 tháng, Bắc Kinh còn nạt nộ rằng Mỹ là kẻ đứng ngoài, không được phép chen chân vào “việc nội bộ” giữa Trung Quốc và các quốc gia trong vùng này!
Giới lãnh đạo ở Bắc Kinh biết rõ thực lực của họ. Khi ông Gorbachev chịu nhượng bộ Mỹ trong những năm 1988, 89, chính ông ta biết rõ thực lực của Liên Bang Xô Viết hơn tất cả các cơ quan tình báo Tây phương. Nền kinh tế Trung Quốc hiện nay đang được “tiêm thuốc bổ” để tiếp tục lớn lên với những món tiền ngân hàng của nhà nước đưa cho các xí nghiệp vay mà không cần sinh lời. Tình trạng đó không thể kéo dài mãi được. Tình trạng chênh lệch giàu nghèo giữa thành phố và nông thôn cũng không thể kéo dài mãi. Nạn lạm phát đang đe dọa là hậu quả của chính sách bơm tiền vào kinh tế mà không gia tăng hiệu năng sản xuất; lạm phát sẽ còn lên cao nữa, giống như tình trạng ở Việt Nam hiện nay. Nền kinh tế tăng trưởng một cách giả tạo theo lối kinh tế chỉ huy có thể sẽ vỡ ra nếu lạm phát tiếp tục lên mà việc xuất cảng bị đình trệ. Trung Quốc còn may mắn và giỏi hơn Cộng Sản Việt Nam vì cán cân thương mại của họ vẫn thặng dư, nhưng điều đó tùy thuộc vào việc xuất cảng sang Mỹ và các nước Tây phương khác. Âu Châu đang lo suy thoái chưa có đường gỡ ra; chỉ còn khối người tiêu thụ ở Mỹ có thể tiếp tục mua hàng. Chính phủ Trung Quốc biết phải bảo vệ thị trường ngon lành này. Không phải chỉ có nền kinh tế Trung Quốc cần việc giao thương ổn định, mà chính vận mạng của chế độ cũng tùy thuộc vào đó. Người dân sẽ không thể chịu đựng sống dưới một chế độ độc tài mãi khi lạm phát làm cho đồng lương họ lãnh về mất giá trị.
Hơn nữa, giới lãnh đạo ở Trung Nam Hải cũng biết sức tăng trưởng của nền kinh tế sẽ “đụng trần” khi việc bơm tiền vào như chích thuốc bổ dần dần mất hiệu lực. Kinh tế nước Trung Hoa phải thay đổi cơ cấu nhiều hơn. Ðồng thời, phải cho người dân được tự do lên tiếng và tham dự vào công việc quốc gia nhiều hơn, để những nỗi bất mãn có con đường bộc lộ và chuyển hóa, thay vì chờ ngày bùng nổ. Vì vậy, gần đây ông Ôn Gia Bảo đã loan báo trước công chúng rằng kinh tế nước ông không thể tiến bộ nếu không cải tổ chính trị. Khi ông Hồ Cẩm Ðào nói ông còn phải nỗ lực thêm về vấn đề nhân quyền, đó là một sự thật, đó là nhu cầu của hơn một tỷ người Trung Hoa. Liệu giới lãnh đạo Bắc Kinh có thể thực hiện được điều đó không, hay là họ sẽ bị giới bảo thủ trong đảng ngăn cản? Chúng ta phải chờ tương lai mới biết.
Nhưng quả thật ông Hồ Cẩm Ðào đã chịu nhún. Cho nên đây cũng là một bài học kinh nghiệm cho Việt Nam. Trên mặt ngoại giao, bài học đó là: Ðối với chính quyền Trung Quốc, mềm mỏng sẽ bị họ khinh thường; cứng rắn có hiệu quả tốt. Khi ông Obama mới gặp đã nói thẳng với ông Hồ Cẩm Ðào về việc giam giữ Lưu Hiểu Ba, đồng thời lại than phiền về cán cân thương mại chênh lệch; điều đó cũng chẳng khác gì một người lãnh đạo chính quyền ở Hà Nội tố cáo thẳng thừng việc các ngư dân Việt Nam bị bắt cóc và cướp bóc, đồng thời than phiền rằng hàng hóa Trung Quốc đang tràn ngập giết chết các xí nghiệp Việt Nam.
Chỉ có điều là ông Obama dám nói. Còn giới lãnh đạo Cộng Sản Việt Nam thì không. Barack Obama dám nói vì địa vị tổng thống của ông tùy thuộc lá phiếu của dân Mỹ chứ không lệ thuộc vào sự ủng hộ của chính quyền Bắc Kinh. Những người cầm đầu chính quyền Cộng Sản Việt Nam có dám suy nghĩ như vậy hay không?
Barack Obama dám nói, vì ông có thể dùng mối đe dọa của Quốc Hội, một định chế có thế lực ngang hàng với ông. Việc quốc gia không phải là độc quyền của một chính phủ hay một đảng. Quốc Hội Mỹ có quyền cắt ngân sách khiến chính phủ không thể thi hành các chính sách của mình. Ông tổng thống phải lắng nghe ý kiến của dân, và các đại biểu Quốc Hội cũng vậy. Khi tới Mỹ, ông Hồ Cẩm Ðào phải gặp cả ông tổng thống lẫn các người lãnh đạo Quốc Hội. Không những thế, ông còn gặp riêng các nhà kinh doanh, những người điều khiển các xí nghiệp, ít nhất hai lần chính thức. Tại sao ông chịu nhún nhường như vậy? Vì thể chế chính trị ở Mỹ. Chính các ông tổng thống Mỹ đã vận dụng sức mạnh của thể chế đó mỗi khi phải thương thuyết với các nước khác. Họ sẽ nói: Tôi có thể nhượng bộ, nhưng Quốc Hội họ sẽ không chịu! Báo chí họ sẽ phê phán, giới kinh doanh không theo! Nhượng bộ nào làm nước Mỹ bị thiệt thì dân sẽ biết hết, tôi sẽ thất cử!
Kỹ thuật thương thuyết này, những người cầm đầu chính quyền ở Việt Nam không thể nào sử dụng được. Vì ai cũng biết họ nắm toàn quyền. Quốc Hội chỉ biết gật đầu. Báo chí chỉ chờ nghe lệnh nhà nước. Dân không được phát biểu, cũng không được tự do bầu, chọn người cai trị.
Chỉ khi nào nước Việt Nam được tự do dân chủ thì các chính quyền Việt Nam mới có thế mạnh để thương thuyết ngoại giao với bất cứ quốc gia nào, trong đó có Trung Quốc. Nghĩ đến tương lai đất nước thì chúng ta phải đòi dân chủ hóa. Khi đó, người Việt Nam mới đủ sức mạnh đương đầu với Trung Quốc. Như Tiến Sĩ Ðinh Hoàng Thắng ở trong nước đã nêu ra nhận xét của Tướng Lưu Á Châu (Liu Yazhou), chính ủy Ðại Học Quốc Phòng Trung Quốc: “Vị tướng hai sao này chứng minh rằng nguyên nhân sụp đổ của đảng Cộng Sản Xô Viết chính là hệ thống chính trị, chứ không là kinh tế, hay quân sự. Tương phản với Liên Xô, bí quyết thành công của Hoa Kỳ nằm ngay trong chế độ pháp trị bền vững và hệ thống chính trị đằng sau chế độ pháp trị này, chứ không nằm trong sức mạnh tại trung tâm tài chính phố Wall, hay công nghệ cao ở thung lũng Silicon.” Người Việt Nam phải lắng nghe kinh nghiệm này.

- Giải Phóng Quân tự Giải Phóng
Nguyễn Xuân Nghĩa - Việt Tribune 20110121

Khi chư tướng ồn ào lên tiếng

Ngày 19 tháng Giêng, khi Tổng thống Barack Obama "làm việc" cùng Chủ tịch Hồ Cẩm Đào thì Hạ viện Hoa Kỳ trong tay đảng Cộng Hoà bỏ phiếu cho dự luật đòi thu hồi Đạo luật cải tổ chế độ bảo dưỡng y tế, với tỷ lệ 245-189. Vì Thượng viện vẫn do đảng Dân Chủ kiểm soát, chuyện thu hồi tất nhiên khó thành. Nhưng việc Hạ viện đòi hủy bỏ một đạo luật với số phiếu còn lớn hơn số phiếu thông qua đạo luật đó mới chỉ 10 tháng trước (lần đó là 222-221) cũng nhắc nhở ông Obama về trận chiến chính trị ở nhà.

Gian truân không kém gì việc đấu trí với Bắc Kinh.

Tối 19 đó, khi Chủ tịch Hồ Cẩm Đào nâng ly đáp từ Tổng thống Mỹ trong bữa quốc yến tại toà Bạch Cung, hiển nhiên là ông cũng được thuộc cấp báo cáo là kinh tế ở nhà đã tăng trưởng mạnh trong quý bốn năm ngoái, tới 9,8% và càng thổi bùng nguy cơ lạm phát. Ông có thể không kịp biết là vì đó mà thị trường chứng khoán Thượng Hải ở bên kia đại dương, nơi mặt trời đã mọc, lại tưng bừng tuột giá mất gần 3%. Mối lo động loạn lại được hâm nóng trong tiệc rượu tại Mỹ vì chuyện ở nhà.

Những quà cáp ông Hồ đem theo cho chuyến đi này, được ông Obama nhập nhằng thông báo là khoảng 45 tỷ đô la, không đẩy lui được vấn đề mà hai lãnh tụ Mỹ-Hoa đều phải nhìn vào và nói tới: sự chuyển hóa cần thiết của hai nền kinh tế đứng đầu thế giới.

Còn một chuyện khác thì hình như lại được cả hai giấu biến không đả động trong cuộc họp báo tay đôi: sự lớn mạnh của quân đội Trung Quốc. Chìm sâu bên dưới là ảnh hưởng của các tướng lãnh.

Đấy mới là vấn đề!


***


Chúng ta biết, việc Hồ Cẩm Đào thăm viếng Hoa Kỳ bị đình hoãn mấy lần trong năm ngoái dù nguyên thủ hai nước đã có nhiều cuộc gặp gỡ song phương bên lề các Thượng đỉnh quốc tế. Mãi đến trung tuần tháng 12, Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ cùng Cố vấn về Á châu sự vụ trong Hội đồng An ninh Quốc gia và Phụ tá Ngoại trưởng Đặc trách Đông Á và Thái bình dương mới cùng đặc sứ Mỹ về hồ sơ hạch tâm tại bán đảo Triều Tiên tới Bắc Kinh dàn xếp một số hồ sơ của Thượng đỉnh này. Song song, phái bộ về Ngoại thương của đôi bên cũng đã hội họp trong hai ngày 14-15 tháng 12.

Cũng để chuẩn bị cho Thượng đỉnh, tháng trước, Tổng trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Robert Gates thăm Bắc Kinh trong bốn ngày, từ mùng chín tới 12, để đàm phán với vị tương nhiệm là Tướng Lương Quang Liệt. Rồi lại ghé Tokyo và Hán Thành gặp Tổng trưởng Quốc phòng Nhật Bản và Nam Hàn. Năm ngoái, chuyến thăm viếng của ông Gates bị phía Bắc Kinh hủy bỏ mấy lần nên lần này việc nối lại nhịp cầu là điều có ý nghĩa.

Nhưng đây là cây cầu... chữ Y vì còn hai trụ nằm tại Tokyo và Hán Thành.

Thế rồi, khi ông Gates diện kiến Chủ tịch Hồ Cẩm Đào vào ngày 11 tháng Giêng, Trung Quốc Nhân dân Giải phóng quân bỗng nhảy vào góp vui. Với việc cho bay thử một chiến đấu cơ tàng hình đời thứ năm. Phi cơ có tên là Thành Đô (tên thủ phủ Tứ Xuyên) J-20. Thực ra, J-20 phải được đọc là "Tiêm Nhị Thập" và chữ "tiêm" có nghĩa là tiêu diệt, tàn sát!

Báo chí loan tải lời tiết lộ của giới ngoại giao Mỹ tham dự buổi hội kiến đó, rằng Tổng trưởng Gates có hỏi Chủ tịch Trung Quốc về vụ thử máy bay này. Hồ Cẩm Đào ngẩn người ra, phải hỏi lại thuộc hạ. Người ta bèn đưa ra hai giả thuyết. Một là Hồ Cẩm Đào không biết gì thật, hai là ông có biết nhưng lại giả khờ và đóng kịch rất hay để qua mặt ông Gates. Cả hai kịch bản đều đáng ngại!

Nhưng sự thật có khi còn đáng sợ hơn vậy.


***

Từ nhiều năm nay, giới chức quân sự và các trung tâm nghiên cứu quốc tế đều biết Trung Quốc đang nghiên cứu việc chế tạo một phi cơ tàng hình, có bí danh là J-XX. Có thể là trong chi tiết thì chưa rõ trình độ kỹ thuật trong ruột gan và khả năng của chiến đấu cơ được gọi là "tiêm kích" này.

Tháng 12 vừa qua, chính Bắc Kinh úp mở "tiết lộ" những hình ảnh đầu tiên của J-20 khi đôi bên chuẩn bị Thượng đỉnh Mỹ-Hoa và người ta chờ đợi những công bố tiếp về việc thử nghiệm cái mũi tiêm bay này. Nó tùy thuộc nhiều yếu tố, trong đó có cả thời tiết ở địa điểm thử nghiệm. Nhưng ít ai nghĩ rằng thời điểm sẽ là khi Tổng trưởng Quốc phòng Mỹ vào gặp Chủ tịch Trung Quốc để nói về nhu cầu đối thoại quân sự giữa hai nước!

Hồ Cẩm Đào là Chủ tịch nước, nhưng cũng là Tổng bí thư đảng, cơ chế lãnh đạo nhà nước. Song song, ông là Chủ tịch hai ủy ban - thực ra là một vì cùng tên, cùng thành phần - là Trung ương Quân ủy hội, cơ chế lãnh đạo quân đội của đảng và của nhà nước. Ông là người phải có bản lãnh thì mới lên tới vị trí đó sau Đại hội khoá 16 vào tháng 10 năm 2002.

Ông cũng phải biết về lịch trình thử nghiệm đệ nhất ám khí của quốc gia, mà chẳng cần thủ vai ngớ ngẩn. Yếu tố "thể diện" và "thể thống quốc gia" của văn hoá Hán tộc không cho phép Chủ tịch nước giữ vai thằng khờ. Và ông có thừa bản lãnh để có câu trả lời nước đôi nếu được hỏi. Hồ Cẩm Đào còn biết là không nên qua mặt Tổng trưởng Robert Gates, một người từng là Viện trưởng Đại học, Giám đốc Trung ương Tình báo CIA, thành viên của Hội đồng An ninh Quốc gia bên cạnh Tổng thống Mỹ. Và sĩ quan Không quân... về Quân báo!

Vấn đề là nếu có biết về việc thử nghiệm, Hồ Cẩm Đào có thể yêu cầu đình hoãn không?

Trong chế độ dân chủ có phân quyền hẳn hoi, Tổng thống Mỹ và ban tham mưu tất nhiên phải biết về các chương trình của NASA, và nếu muốn thì nắm vững cả lịch trình thử nghiệm phi thuyền, vệ tinh hoặc hỏa tiễn của cơ quan không gian hay Ngũ Giác Đài. Phủ Tổng thống có thẩm quyền và khả năng yêu cầu đình hoãn nếu thấy thời điểm ấy nhạy cảm về an ninh và tế nhị về ngoại giao.

Với ngần ấy cái mũ trên đầu, nếu muốn thì Hồ Cẩm Đào có thể ra lệnh cho quân đội trì hoãn chuyện tiêm bay không?  Chúng ta đi vào phần xương xẩu gai góc của hồ sơ!


***


Theo lịch pháp Trung Hoa, ngày 11 tháng Giêng vừa qua là mùng tám tháng Chạp (đủ) của năm Canh Dần, ăn vào ngày Bính Dần, thuộc hành Hoả. Với người bình thường thì đấy là ngày Phật Thích Ca thành đạo. Người phi thường có khi lại nhìn khác!

Văn hoá thần bí của Hán tộc - dù là theo xã hội chủ nghĩa khoa học - vẫn có thể dẫn tới phản ứng "có kiêng có lành", hoặc chọn ngày lành tháng tốt cho một việc trọng đại. Ngày "sơ bát" gợi nhớ đến ngày "Bát Nhất" - mùng một tháng Tám dương lịch - là ngày thành lập Quân đội Nhân dân năm 1927? Hay là vì ý nghĩa của năm và ngày Dần, hay là vì hành hỏa cho một phi cơ siêu hạng? Hay là vì ngày 11 tháng 1 năm 2011 là ngày "ngũ nhất"?

Chúng ta khó biết được nên phải hỏi... thầy bói! Nhưng chẳng là thày bói thì Hồ Cẩm Đào cũng có thể nhớ tới lịch sử.

Từ khi được Đặng Tiều Bình cất nhắc hai chục năm trước để rồi lên lãnh đạo vào đầu năm 2003, họ Hồ tất nhiên có biết và còn góp phần tăng cường sức mạnh của "Giải phóng quân". Ông có tham dự vào việc chuyển hóa quân đội từ lượng qua phẩm để xây dựng một lực lượng quân sự hiện đại về không quân, hải quân và điện tử để kiểm soát được cả Đông hải và Trung Nam hải - mà người Hoa gọi là biển Hoa-Nam và người Việt gọi là Đông hải.

Không chỉ kiểm soát được biển khơi mà cả không gian bát ngát ở trên. Các hỏa tiễn loại Đông Phong DF-21D với khả năng tấn công chiến hạm Mỹ hoặc hàng không mẫu hạm được cải tiến từ những gì thụ đắc của Liên bang Nga tất nhiên là nằm trong kế hoạch trường kỳ của Trung Quốc và được Hồ Cẩm Đào hết lòng ủng hộ.

Nhớ lại thì sau thế hệ Giang Trạch Dân, Lý Bằng và Chu Dung Cơ, thế hệ Hồ Cẩm Đào cùng Ôn Gia Bảo hay Uý Kiện Hành đều cổ võ việc Trung Quốc tăng cường sức mạnh và xây dựng vùng trái độn quân sự từ khu vực phiên trấn trong lục địa ra tới biển khơi. Trung Quốc phải từ một cường quốc đại lục biến thành cường quốc đại dương.

Việc ấy là "tất yếu khách quan" khi mà lần đầu tiên trong lịch sử quốc gia, xứ sở đang cần tới nguyên nhiên vật liệu và thị trường xuất cảng của thế giới bên ngoài, chỉ có thể vươn tới bằng đường thủy, nên phải được bảo vệ "toàn phương vị", chống lại mọi mối đe dọa từ mọi nơi...

Nhưng trong tiến trình đó, hiện tượng lạ đã xảy ra: lãnh đạo quân đội đã trở thành một thế lực.


***

Năm 1979, khi Đặng Tiểu Bình muốn cho Hà Nội một bài học, Giải phóng quân Trung Quốc lại bị một bài học vì tổn thất quá nặng. Vì vậy, dù là bảo thủ, các tướng lãnh nhiệt liệt ủng hộ chương trình "Tứ hiện đại hóa" của Đặng Tiểu Bình. Việc cải cách ấy mới tạo ra phương tiện hiện đại hoá quân đội.

Mười năm sau, khi thế hệ Giang-Chu lên cầm quyền, các tướng lãnh trải qua một lần thoát xác nữa.

Họ chấp nhận thu vén bàn tay kinh doanh của quân đội - hy sinh quyền lợi kinh tế - để đổi lấy thế lực chính trị trong tiến trình thảo luận và trù hoạch chiến lược phát triển quốc gia. Lý do chính đáng - chính nghĩa - của sự thể này là quyền lợi quốc gia. Nhờ vậy mà trong các cơ chế Trung Quốc, quân đội là nơi bắt đầu đi bước tiên phong về kỹ thuật, tổ chức, thông tin và tình báo để yểm trợ nhiều cơ chế khác - và để góp ý với đảng.

Đến thế hệ thứ tư là Hồ Cẩm Đào, quân đội và các tướng lãnh còn can dự vào tiến trình quyết định về kinh tế qua thủ tục đẩu tư và phân phối ngân sách hay qua hệ thống "tiếp liệu" - nhập những gì, ở đâu? Với nhiều loại kỹ thuật "lưỡng dụng" - dùng cho cả mục tiêu quân sự và dân sự - quân đội lại yểm trợ việc hiện đại hoá nhiều ngành sản xuất khác. Và trở thành mũi nhọn tiên tiến, có những yêu cầu hay đòi hỏi ưu tiên mà Bộ Chính trị tất nhiên đồng ý, với quy tắc là đảng vẫn lãnh đạo quân đội. Chính trị sai khiến khẩu súng.

Rồi một sự kiện âm ỉ đã bật tiếng vang: khẩu súng cũng có khẩu hiệu.

Các tướng lãnh ngày càng lên tiếng tích cực hơn qua các cuộc thảo luận hay tranh luận chính trị bên trong, chứ không chỉ phát biểu về phần vụ quân sự như trước. Việc Thiếu tướng Lưu Á Châu, nguyên chính ủy Không quân và nay là chính ủy Học viện Quân sự, lên tiếng góp ý về nhu cầu cải cách chính trị... theo kiểu Hoa Kỳ là một thí dụ.

Và vì ra ngoài tiếp xúc rộng rãi, nên hiểu được sức mạnh của dư luận, các tướng lãnh cũng tác động vào thế giới qua một số tiết lộ đôi khi đi ngược chủ trương hay quan điểm của đảng và nhà nước. Tức là khác với lời khuyên năm xưa của Đặng Tiểu Bình là "xưng quang dưỡng hối" theo lối "minh tri cố muội" - giấu bớt sức mạnh cho thiên hạ khỏi sợ - hoặc khẩu hiệu "hoà bình quật khởi" của Hồ Cẩm Đào mà ông Obama đã nhiệt liệt ngợi ca trong quốc yến, các tướng lãnh đã thành ồn ào hơn.

Giải phóng quân đã tự giải phóng, có khi còn tham dự vào cách trả lời các lân bang ngoài Đông hải.

Thế rồi sao?


***


Là người biết nói nước đôi từ hai khóe miệng - với thế giới thì biểu dương ý nguyện quật khởi hòa bình, bên trong đảng thì đề cao Mao Trạch Đông, thậm chí cả cuộc Đại văn cách - Chủ tịch Hồ Cẩm Đào không thể không thấy ra hiện tượng ồn ào này của chư tướng. Ông thấy và biết nhiều hơn chúng ta ở bên ngoài này.

Cho nên, biết đâu lại chẳng tương kế tựu kê?

Các tướng càng làm cho Hoa Kỳ, Nhật Bản, Nam Hàn hay Ấn Độ và Úc Đại Lợi sốt ruột và phản ứng. Thế rồi sao? Hãy để quân đội biểu dương sức mạnh. Phản ứng của thiên hạ chỉ khiến thần dân bên dưới thêm hể hả và tinh thần quốc gia dân tộc được khích động có thể giúp họ quên được những bất mãn về kinh tế xã hội - là loại vấn đề đang làm Hồ Cẩm Đào lo ngại. Nhất là khi chỉ còn hai năm để cải sửa và trao lại cho thế hệ nối tiếp một di sản không là động loạn xã hội.

Như vậy, ta thấy ra chuyện "một đồng một cốt" về chính trị. Nghĩa là Hồ Cẩm Đào có biết về vụ thử nghiệm mà chẳng muốn can và có khi còn mặc nhiên cho các tướng xù lông diễu võ dương oai.

Nhưng sau ba chục năm cải cách, Trung Quốc đang ở vào một khúc quanh đầy bất trắc và sau 10 năm cầm quyền của thế hệ thứ tư, đảng phải tổ chức việc chuyển giao quyền lực cho thế hệ nối tiếp là Tập Cận Bình và Lý Khắc Cường. Họ không xuất thân từ quân đội và rất cần sự yểm trợ của chư tướng để củng cố quyền lực trong mấy năm đầu, y như Hồ Cẩm Đào và Ôn Gia Bảo năm xưa. Các tướng có nhân đó mà đòi hỏi nhiều hơn không?

Mà chuyện "lộng giả thành chân" khá phổ biến trong lịch sự Trung Quốc có dẫn tới lộng quyền chăng? Và nếu như thế giới phản ứng từ ngoài vào và người dân nổi loạn từ dưới lên, các tướng lãnh sẽ làm gì?

Một câu hỏi chưa có giải đáp - mà có khi dẫn tới kết quả hấp dẫn!

Tổng số lượt xem trang