Thứ Hai, 10 tháng 1, 2011

'Việt Nam không chấp nhận nền hòa bình lệ thuộc'

 - 'Việt Nam không chấp nhận nền hòa bình lệ thuộc' 
Giải quyết vấn đề biển Đông; quan hệ quốc phòng Việt Nam - Mỹ - Trung Quốc; đánh giá về sức mạnh nội tại của Việt Nam trong vị thế mới... là những vấn đề VnExpress đặt ra trong cuộc trao đổi với Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng.
- Thưa Thứ trưởng, sau hội nghị ASEAN, ông nhận định "Đối ngoại Quốc phòng đã đạt đ­ược những thành quả ngoài mong đợi”. Vậy, điều tâm đắc nhất của ông là gì?
- Tôi có 3 ấn tượng. Trước hết, đối ngoại Quốc phòng đã bám sát nhiệm vụ chính trị của Quốc phòng và Quân đội. Đó là tham gia giữ vững môi trường hòa bình để phát triển đất nước, không để nguy cơ chiến tranh tới gần, đồng thời tăng cường thế trận quốc phòng toàn dân bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ.
Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh: Việt Nam đã được các nước tôn trọng thực sự. Ảnh: Nguyễn Hưng.
Thứ hai, chúng ta đã làm cho thế giới và khu vực thấy rõ một Việt Nam hòa hiếu, yêu hòa bình, có trách nhiệm trong xây dựng tình đoàn kết giữa các nước trên thế giới. Thứ ba, qua quan hệ với các nước, chúng ta tự hào khi thấy vị thế đất nước ngày càng đi lên. Việt Nam có được sự tôn trọng của thế giới, và thể hiện lòng mong muốn hợp tác của các nước bạn, cả bạn cũ và bạn mới.
- Chưa bao giờ đại diện sức mạnh quân sự của nhiều nước đến Việt Nam đông như năm qua. Những khó khăn đối với chủ nhà Việt Nam là gì khi an ninh khu vực xuất hiện liên tiếp các vấn đề phức tạp?
- Năm 2010 chúng ta đã chủ trì 16 cuộc họp ASEAN về Quốc phòng. Nhưng đặc biệt nhất là việc tổ chức thành công cuộc họp Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng lần thứ nhất (ADMM+). Đại diện sức mạnh quân sự của 18 nước trong đó có những cường quốc hàng đầu thế giới về quốc phòng, quân sự như Mỹ, Trung Quốc, Nga, Ấn Độ lại ngồi lại với nhau, bàn về hòa bình. Đây là điều chưa từng có kể từ sau Thế chiến 2 đến nay.
Trong Hội nghị này và cả trong quá trình một năm là nước chủ nhà ASEAN, rất nhiều quan chức quốc phòng của các nước mà cao nhất là Bộ trưởng đã đến với Việt Nam. Trong đó, có những nước là bạn, là đối tác của nhau, nhưng cũng có những nước đang có khác biệt về lợi ích với nhau. Đó là khó khăn cho nước chủ nhà. Mục tiêu mà Việt Nam đặt ra là họ phải có trách nhiệm đối với tình hình chung của khu vực, rồi mới tính đến lợi ích riêng của từng nước.
Về quan hệ song phương, chúng ta chủ trương độc lập tự chủ, quan hệ với từng nước. Chúng ta không can dự vào mối quan hệ và những vấn đề của các nước khác với nhau, đặc biệt là với các nước lớn, nếu không liên quan tới lợi ích của Việt Nam hay hòa bình, ổn định ở khu vực. Chúng ta không đi với nước này, hoặc đồng tình với nước này để chống nước kia. Với quan điểm như vậy, chúng ta đã đạt được điều mà các nước dù có bất đồng, khác biệt, thậm chí xung đột, vẫn phải ngồi lại với nhau, trao đổi với nhau những điều mà thế giới mong muốn đó là hòa bình, luật pháp quốc tế, tôn trọng lẫn nhau.
- Trong bối cảnh 2 cường quốc Mỹ ,Trung còn nhiều khác biệt về lợi ích. Là một nước nhỏ cần hợp tác với cả 2 nước lớn, Việt Nam chọn hướng đi nào thưa ông?
- (Im lặng một lúc) Đây là câu hỏi lớn, có phạm vi rất rộng và toàn diện, và nếu nói cho đúng đây là kế sách bảo vệ Tổ quốc nên khó có thể khái quát đầy đủ trong một câu trả lời. Tôi chỉ có thể nói thế này.
Chúng ta đang đứng ở một khu vực có sự hiện diện rất gần của nước lớn thứ 2 trên thế giới là Trung Quốc. Và khu vực đó cũng có sự hiện diện mang tính trung tâm càng ngày càng trở nên trọng tâm chiến lược hơn của cường quốc số 1 thế giới là Mỹ. Bên cạnh đó có những sự can dự mới nhưng hết sức có sức nặng là Nga, Ấn Độ... Trong khu vực thì chúng ta thấy có những nước đang nổi lên về quốc phòng và quân sự như Nhật Bản, Hàn Quốc…
Đất nước ta có vị trí địa chính trị rất nhạy cảm đối với những mối quan hệ và can dự ấy, nên các nước lớn bao giờ cũng muốn lôi kéo mình về phía họ. Đấy là quy luật.
Tuy nhiên, khi đang đứng trong một khu vực đã, đang và sẽ tiếp tục diễn ra xung đột (và cả thỏa hiệp) lợi ích của nhiều nước lớn cần nhớ một quy luật: “Đỉnh cao của xung đột là thỏa hiệp”. Chúng ta không được để các nước khác thỏa hiệp trên lưng mình.
Sự thỏa hiệp không diễn ra vào một thời điểm nhất định mà là cả quá trình zic zăc. Trong lịch sử, chúng ta nhiều lần bị các nước thỏa hiệp, gây phương hại lợi ích đất nước, thậm chí gây thảm họa, gây ra đổ máu cho nhân dân mình. Những bài học ấy chớ có quên.
Trong quan hệ với các nước, Việt Nam tôn trọng bạn bè quốc tế, mong muốn hợp tác hữu nghị với tất cả các nước, nhưng không bao giờ quên rằng, việc đất nước mình thì mình phải tự lo. Ngược lại, khi nghĩ tới lợi ích của đất nước mình thì cũng đừng quên nghĩ tới lợi ích của họ. Họ có lợi ích thì lúc đó quan hệ của mình với họ mới bền và đáng tin cậy. Có điều, lợi ích ấy không được xâm phạm những vấn đề có tính nguyên tắc trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, về độc lập tự chủ, và chủ quyền lãnh thổ, chế độ chính trị...
- Năm qua, biển Đông là một chủ đề nóng đối với dư luận trong nước và quốc tế. Việt Nam tuyên bố tuân thủ nguyên tắc giải quyết tranh chấp bằng hòa bình và đối thoại, nhưng có nước lại cho rằng,Việt Nam đang quốc tế hóa vấn đề biển Đông. Ông có thể bày tỏ quan điểm?
- Nguyên tắc giải quyết tranh chấp bằng hòa bình và đối thoại là đúng nhưng chưa đủ. Nói đầy đủ phải là hòa bình, đối thoại, tôn trọng lẫn nhau và tuân thủ luật pháp quốc tế mà cụ thể là Công ước luật biển năm 1982 và DOC. Ngoài ra, còn một yếu tố quan trọng nữa là công khai minh bạch.
Chủ trương của chúng ta là như thế. Khi nói đến bảo vệ chủ quyền lãnh thổ biển Đông trước hết phải nói hòa bình, tăng cường đoàn kết hữu nghị với những nước đang có tranh chấp với chúng ta vì nếu không thì không thể nào ngồi vào bàn đàm phán “hài hòa lợi ích”.
Nhưng tôi muốn nhấn mạnh điều này, có thể khó nghe: sự tôn trọng, đoàn kết, hữu nghị ấy chỉ có và chỉ thực chất khi Việt Nam mạnh và độc lập tự chủ, Việt Nam đủ khả năng tự bảo vệ mình. Không bao giờ có đoàn kết thực sự khi bất bình đẳng, khi không tôn trọng nhau, muốn chi phối nhau đẩy chúng ta bị lệ thuộc. Đây là yếu tố mang tính chất nội tại, quyết định đến việc giải quyết các vấn đề an ninh của đất nước.
Việt Nam không quốc tế hóa vấn đề biển Đông. Ảnh: Nguyễn Hưng.
Yếu tố thứ ba là công khai minh bạch toàn bộ vấn đề để thế giới thấy đúng sai. Công khai minh bạch đối với nước nhỏ là vũ khí để bảo vệ nước đó, là vũ khí để bảo vệ những quốc gia tự tin là mình có chân lý, và chúng ta có chân lý. Những nước không muốn công khai minh bạch trong quan hệ quốc tế chỉ khi họ không đủ lòng tin về cái đúng của chính họ.
Trên cơ sở định hướng phát triển quan hệ quốc tế như vậy, vừa qua một số nước, một số người nói rằng Việt Nam đang muốn quốc tế hóa, đa phương hóa vấn đề biển Đông, lôi nước này để chống nước kia. Để hiểu vấn đề này cần giải đáp hai câu hỏi: Thứ nhất Việt Nam có định quốc tế hóa vấn đề biển Đông thật không? Và những người nói như vậy sẽ định nghĩa thế nào là quốc tế hóa?
Nếu hiểu quốc tế hóa là lôi kéo những nước không có lợi ích chủ quyền vào việc giải quyết vấn đề, làm trọng tài, thậm chí dựa vào sức mạnh của nước này để lấn lướt tạo lợi thế trong đàm phán và xử lý các vấn đề lãnh thổ thì Việt Nam không bao giờ làm thế.
Nhưng việc chúng ta minh bạch trình bày tất cả vấn đề với thế giới, đồng thời lắng nghe ý kiến cộng đồng quốc tế trên các diễn đàn song phương, đa phương thì không thể nói là quốc tế hóa.
Việt Nam chủ trương không quốc tế hóa vấn đề biển Đông mà giải quyết vấn đề biển Đông với những nước có liên quan trực tiếp như Trung Quốc, Malaysia, Indonesia… Nếu chỗ nào liên quan đến hai nước thì hai nước đó bàn, chỗ nào liên quan tới 3-4 nước thì 3-4 nước đó bàn. Chúng ta không lôi kéo nước khác vào cùng đàm phán hay làm trọng tài. Tuy nhiên, việc đàm phán ấy chúng ta yêu cầu tuân thủ luật pháp quốc tế, nếu cần thì đưa ra tòa án quốc tế. Và phải công khai minh bạch.
- Ông nói rằng, khi có tranh chấp, hoặc thậm chí xung đột với nước nào, thì điều đầu tiên cần làm là tăng cường hữu nghị với chính nước đó. Điều này liệu có mâu thuẫn với việc bảo vệ tự chủ chủ quyền?
- Chúng ta đang trong thời bình vì thế phải duy trì bằng được hòa bình và hữu nghị với các nước láng giềng. Kể cả trong thời chiến, đánh thắng cũng để tìm kiếm hòa bình, hữu nghị. Tuy nhiên, hòa bình phải gắn với độc lập tự chủ. Một nền hòa bình lệ thuộc, không bình đẳng, mất độc lập tự chủ, bị xâm phạm chủ quyền lãnh thổ thì không bao giờ chúng ta chấp nhận. Khái niệm hòa bình nếu nghĩ sâu hơn chính là động lực để xây dựng sức mạnh bảo vệ đất nước.
Hòa bình của chúng ta không phải là cầu hòa, Việt Nam không chấp nhận hòa bình lệ thuộc. Khi ta đã làm tất cả những gì có thể để gìn giữ hòa bình mà nước khác cứ muốn xâm hại lợi ích của đất nước ta thì lúc đó, thế của ta sẽ như cánh cung kéo hết, đã buông dây cung thì đó là sức mạnh vô cùng to lớn của cả dân tộc để bảo vệ Tổ quốc mình.
- Vậy trong tình huống phải chọn giữa hòa bình và chủ quyền, ông chọn gì?
- Chủ quyền, độc lập tự chủ trước, hòa bình sau, vì không có độc lập tự chủ, mất chủ quyền lãnh thổ thì còn gì nữa đâu mà nói hòa bình? Quyền tự quyết của một đất nước là điều quan trọng nhất. Bác Hồ nói rồi, “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, mọi nỗ lực của Bác là có độc lập, tự do cho dân tộc. Có mối quan hệ giữa chủ quyền và hòa bình, muốn có hòa bình phải có chủ quyền lãnh thổ. Hai cái đó không thiếu được, tôi có một tư duy nhất quán về chuyện này. Hòa bình vừa là động lực để bảo vệ, xây dựng Tổ quốc, vừa là mục đích ta phải giữ. Nhưng chủ quyền phải được đặt lên hàng đầu.
- Ông có tự tin vào tiềm lực của chúng ta để đảm bảo mục tiêu gìn giữ Tổ quốc?
- Tự tin để bảo vệ Tổ quốc trước hết căn cứ xu thế thời đại, mong muốn hòa bình ổn định, đây là xu thế quan trọng nhất. Thứ hai, chúng ta tự tin đủ sức mạnh để bảo vệ Tổ quốc, sức mạnh tổng hợp về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng an ninh… Nhưng quan trọng nhất là lòng dân. Nước ta còn nhiều vấn đề phức tạp, còn nhiều khó khăn nhưng tuyệt đối phải tin vào nhân dân mình.
- Chính sách đối ngoại Quốc phòng của Việt Nam đối với Trung Quốc có thể gói gọn như thế nào?
- Tôi có thể nói ngắn gọn là: tăng cường hữu nghị đoàn kết đồng thời tích cực đấu tranh chủ quyền lãnh thổ. Đấu tranh trên cả phương diện quan hệ song phương lẫn trên các diễn đàn đa phương. Trong quan hệ giữa 2 nước cần tăng cường hiểu biết, giảm xung đột không đáng có, cùng giải quyết mọi phức tạp biên giới, biển..., tăng cường hợp tác đào tạo cán bộ, hợp tác về khoa học công nghệ. Mối quan hệ quốc phòng giữa Việt Nam và Trung Quốc hiện nay đang phát triển tốt, nhưng vẫn còn chậm so với quyết tâm chung của hai nước và cả hai còn phải cố gắng rất nhiều.
"Việt Nam không đi với nước này để chống nước kia".
- Vậy còn quan hệ với Mỹ. Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton từng nói “nâng tầm hợp tác Việt Nam”. Tuyên bố này có hàm ý cả lĩnh vực quốc phòng?
- Có chứ! Hợp tác nói chung thì có hợp tác quốc phòng. Đây là điều quan trọng để giữ lòng tin. Quan hệ quốc phòng giữa Việt Nam và Mỹ sẽ được tăng cường trong thời gian tới. Chúng ta hợp tác quốc phòng với mỗi nước khác nhau, với những nội dung và mức độ khác nhau. Với Mỹ trước hết là xây dựng lòng tin. Thứ hai, tạo ra sự tôn trọng lẫn nhau, cả những điểm đồng và cả những sự khác biệt để cùng phát triển.
Có những người hỏi tôi là Việt Nam rất muốn mua sắm trang bị của Mỹ. Liệu bao giờ và với điều kiện nào Mỹ cho phép Việt Nam mua? Tôi trả lời là Việt Nam không có mối quan tâm lớn trong việc mua những trang thiết bị từ phía Mỹ. Nếu Mỹ bán thì tốt, không bán thì Việt Nam vẫn tự lo được bằng khả năng và các mối quan hệ khác. Tôi tin rằng, sẽ có ngày các nhà kỹ nghệ Mỹ sang Việt Nam mời chúng tôi mua và lúc đó chúng tôi sẽ xem xét cái gì cần, tiện lợi và rẻ thì mua. Còn đắt thì không mua. Đây không phải là nhu cầu ưu tiên của Việt Nam.
- Việc mua sắm trang bị khí tài vừa qua được hiểu là chúng ta tăng cường tiềm lực quân sự để bảo vệ chủ quyền hay còn mang ý nghĩa răn đe?
- Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã khẳng định, Việt Nam mua sắm vũ khí không phải để chạy đua vũ trang. Đây là quan điểm nhất quán. Việt Nam không chạy đua vũ trang vì chạy đua vũ trang là tăng cường tiềm lực nhằm tạo áp lực răn đe đối với nước khác. Ta không tăng cường tiềm lực quân sự theo nghĩa ấy.
Việc mua sắm vũ khí của quốc gia là điều đương nhiên và hết sức cần thiết. Những năm vừa rồi, trong khi nền kinh tế thế giới đi xuống thì kinh tế của Việt Nam lại có bước phục hồi nhanh. Ta trích ra mua tàu ngầm Kilo, máy bay Su-30, hệ thống phòng không hiện đại S300… Sắp tới sẽ tiếp tục mua theo khả năng kinh tế của đất nước, tuy nhiên, tỷ lệ mua sắm Quốc phòng chỉ khoảng 1,8% GDP, vẫn ở mức thấp so với các nước trên thế giới và trong khu vực.
Chủ trương của chúng ta là tiếp tục mua sắm khí tài quân sự, trang bị quân đội cách mạng chính quy tinh nhuệ, hiện đại. Với những quân binh chủng mũi nhọn và những ngành cần thiết như không quân, hải quân, thông tin thì đi thẳng lên hiện đại.
- Vậy điều ông lo ngại nhất là gì?
- Điều tôi lo ngại nhất là một quốc gia bị sự lệ thuộc về chính trị. Bị nước khác chi phối về chính trị thì sẽ dẫn đến mất chủ quyền, mất độc lập tự chủ, mất chế độ xã hội và dẫn đến mất nước. Sự lệ thuộc chính trị có thể đến từ nhiều hướng, theo nhiều cách, trên nhiều lĩnh vực, nếu chúng ta không cảnh giác thì sẽ bị lệ thuộc, mất luôn cả chủ quyền đất nước.
Phạm Hiếu - Nguyễn Hưng

- "Không để nước khác thỏa hiệp trên lưng mình"Nói về những thành công trong đường lối đối ngoại quốc phòng năm vừa qua, VietNamNet đã có dịp trò chuyện với Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng xung quanh vấn đề này.
Độc lập, tự chủ, không phụ thuộc vào ai cả
Chưa bao giờ đối ngoại quốc phòng lại được đẩy mạnh như năm 2010, cả song phương và đa phương, tạo ấn tượng Việt Nam mở ra và đẩy mạnh hoạt động trên một  mặt trận mới: đối ngoại Quốc phòng. Với tư cách người phụ trách công tác đối ngoại của Bộ Quốc phòng, Thứ trưởng đánh giá thế nào?
Công tác đối ngoại quốc phòng nằm trong đường lối đối ngoại chung của Đảng, Nhà nước, nhìn chung không có gì đột biến so với các năm trước. Tuy nhiên, năm 2010 có ấn tượng dường như mở ra một giai đoạn mới so với trước, bởi hai nguyên nhân cơ bản.
Một là, chúng ta đã làm tốt công tác đối ngoại, nhờ vị thế đi lên của đất nước, với hình ảnh của Việt Nam phát triển, hòa hiếu, thân thiện; giữ được an ninh và quan trọng nhất là tại những thời điểm khó khăn, chúng ta đã giữ được độc lập, tự chủ, không phụ thuộc vào ai cả.
Thực tế Việt Nam chưa bao giờ để mất độc lập, tự chủ nhưng lúc này lúc khác, bạn bè hiểu khác. Năm 2010, với tư cách chủ tịch ASEAN, Việt Nam đã làm cho bạn bè thế giới hiểu chúng ta thực sự có độc lập tự chủ. Đó là nguyên nhân quan trọng nhất, mang tính nội tại giúp thúc đẩy đối ngoại nói chung, và đối ngoại Quốc phòng nói riêng, đưa bạn bè đến với ta.
Tính chất độc lập tự chủ của đất nước quan trọng vô cùng. Nó không chỉ để đảm bảo Việt Nam không bị lệ thuộc, mà còn là điều kiện cho Việt Nam phát triển.
Hai là, cục diện khu vực, thế giới có những bước chuyển dịch, nổi bật là sự gia tăng can dự của các nước lớn ở khu vực có chiều hướng cứng rắn hơn, tự tin hơn, vì lợi ích bản vị của họ, thậm chí có những xung đột về lợi ích. Đỉnh cao của xung đột là thỏa hiệp, mà sự thỏa hiệp nếu có giữa các nước lớn thường là trên lưng các nước nhỏ hơn. Nhận thức rõ điều đó để ta giữ cho được độc lập, tự chủ, không để các nước khác thỏa hiệp trên lưng mình. Vì thế, thời gian qua, ta tăng cường quan hệ đối ngoại nói chung và đối ngoại quốc phòng nói riêng. Điều này đảm bảo cho sự hiện diện của các nước lớn không ảnh hưởng đến độc lập tự chủ, không ảnh hưởng tới nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của ta.
Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh. Ảnh: Lê Anh Dũng
Trò chuyện với VietNamNet vài tháng trước, Thứ trưởng nêu vấn đề: Đối ngoại Quốc phòng vừa để hợp tác vừa để đấu tranh, nhằm mục đích bảo vệ Tổ quốc. Trong hai kế sách bảo vệ Tổ quốc - đánh thắng và không đánh mà thắng, đối ngoại Quốc phòng nhắm vào cái không đánh mà thắng. Nhìn lại năm 2010, Thứ trưởng đánh giá Việt Nam có thắng? Cụ thể như thế nào?
Không đánh mà thắng không chỉ nói về một thời điểm cụ thể mà là cả một bề dày lịch sử, là kế sách kéo dài cả chục năm, trăm năm trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nó phải được tích cực chuẩn bị, gom góp, thúc đẩy, tăng cường trong từng năm từng năm kiên trì, để đạt mục tiêu: không để xảy ra chiến tranh, giành và giữ được độc lập tự chủ, chủ quyền lãnh thổ của đất nước.
Thoát ra khỏi sức ép bên ngoài
Xét từ mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể đặt ra cho năm 2010 trong bối cảnh các nước lớn can dự, việc thể hiện sự độc lập tự chủ, thêm bạn bớt thù của Việt Nam đạt được đến đâu? Ông có hài lòng với những gì làm được trong 2010?
Thành thật mà nói, chúng ta đã có những thành công, tuy chưa thể hài lòng. Đối ngoại Quốc phòng với mục tiêu phục vụ sự nghiệp phát triển và bảo vệ Tổ quốc, giữ được những gì thuộc lợi ích chính đáng của Việt Nam.
Năm 2010, trên cơ sở khẳng định độc lập tự chủ, chúng ta đã đạt được mối quan hệ với các nước vì lợi ích và ý định của chính chúng ta. Việc quan hệ với ai, mức độ nào đều cần phải cân đong, đo đếm, nhưng đó là việc của chúng ta, chúng ta làm, không phải chịu sức ép của nước nào khác.
Năm 2010, bối cảnh an ninh khu vực rất phức tạp, ta đã cùng với ASEAN và các đối tác lớn ngồi với nhau, nói về cách ứng xử trong quan hệ quốc tế, là giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, tôn trọng độc lập tự chủ, toàn vẹn lãnh thổ, tôn trọng luật pháp quốc tế,  công khai, minh bạch....
Nhiều người vẫn lầm tưởng Việt Nam làm việc này chỉ nhằm bảo vệ chủ quyền, đấu tranh trên Biển Đông. Thực ra không phải như vậy. Với mỗi nước ta có những vấn đề ưu tiên đấu tranh khác nhau: Với Trung Quốc, đó là vấn đề chủ quyền trên Biển Đông, với Mỹ đó là đấu tranh về dân chủ nhân quyền, chế độ chính trị. Rồi các vấn đề kinh tế, môi trường, KHCN... Việt Nam có nhiều cái để bảo vệ lắm.
Đối ngoại Quốc phòng nhằm tạo diễn đàn công khai, minh bạch để bảo vệ lợi ích quốc gia. Công khai minh bạch chính là vũ khí để bảo vệ mình. Đó là vũ khí đấu tranh, trong thời chiến và cả thời bình. Việc công khai, minh bạch không phải chỉ của riêng năm nay, mà đó là nỗ lực kiên trì của Việt Nam từ khi Đổi mới, nhất là sau Nghị quyết TW 8 khóa 9.
Với vấn đề Biển Đông, Việt Nam đã không đưa vào chương trình nghị sự chính thức của Hội nghị ADMM+, nhưng các bên đều nói được quan điểm của mình. Nhưng cũng có người nói rằng, để hài lòng các bên, chúng ta vẫn còn né tránh các vấn đề then chốt. Mà một khi còn né tránh, thì khó tránh được cảnh các bên bị đẩy về hai phía đối đầu trong cuộc cạnh tranh sức mạnh giữa các cường quốc ở khu vực. Quan điểm của Thứ trưởng?
Là nước chủ nhà, lần đầu tiên tổ chức ADMM+, ta đặt các mức độ thành công của Hội nghị - mức tối thiểu là Hội nghị được tổ chức tốt đẹp với sự tham gia của 10+8, tạo cấu trúc an ninh mới, và Việt Nam hoàn thành tốt vai trò nước chủ nhà. Mức cao hơn là đưa ra được những nguyên tắc ứng xử Quốc phòng trong quan hệ quốc tế. Và trên hết là ta phải đưa ra được và tạo được sự ủng hộ trên những vấn đề liên quan đến lợi ích của đất nước mình. Ta đạt được cả 3 mức này, không né tránh vấn đề nào, và cũng đã tạo được sự đồng thuận của tất cả các nước tham gia.
Đơn cử như vấn đề chủ quyền trên Biển Đông, ta không thể né tránh vấn đề này, và cũng không thể chờ người khác nói hộ chúng ta về chủ quyền của đất nước, nhưng nếu đặt vấn đề vừa độ thì được, quá một tí sẽ hỏng. Cuối cùng, ta đặt vấn đề vừa độ, nhưng đầy đủ, về quyền lợi của đất nước mình, đồng thời tôn trọng lợi ích và quyền chính đáng của tất cả các nước khác. Chúng ta tỉnh táo đứng trên quyền lợi của đất nước mình để tính toán, không phải cứ tiện được đà mà say sưa, đẩy vấn đề lên quá, chỉ bất lợi. Mục tiêu của ta là tạo lợi thế khi đấu tranh ngoại giao, không mất cân bằng chiến lược ở khu vực. Ngả theo một phía, theo tâm lý đám đông mà quên độc lập tự chủ, Việt Nam sẽ làm phương hại lợi ích của mình.
Không vì tư cách Chủ tịch ASEAN mới làm tốt công tác đối ngoại
Vậy trong đối ngoại, mức độ, hành vi và cách ứng xử của giới quân sự - quốc phòng khác gì so với các bên khác cùng tham gia hoạt động đối ngoại?
Ta thực hiện đối ngoại ở tất cả các ngành, dưới sự chỉ đạo chung, đồng bộ, nhất quán của Đảng, Nhà nước. Đối ngoại mỗi ngành có cách tiếp cận khác nhau, cách đặt vấn đề vì thế có thể khác nhau. Nhưng nguyên tắc không khác.
Ngoại giao, kinh tế... làm đối ngoại không ít bảo vệ Tổ quốc hơn Quốc phòng, Quốc phòng làm đối ngoại cũng không có nghĩa là ít ngoại giao hơn cơ quan đối ngoại. Các lĩnh vực đối ngoại có cách tiếp cận khác nhau, nhưng trên một mặt trận đồng bộ, dưới sự lãnh đạo chung. Thành công nổi bật của nhiệm kì này của Đảng, Chính phủ, trực tiếp là Thủ tướng Chính phủ là trên mặt trận đối ngoại, trong đó quan trọng nhất là tạo sự đồng bộ, nhất quán trong tất cả các ngành.
Có khi nào ông thấy giữa cách tiếp cận của Quốc phòng với cơ quan đối ngoại khác có khác biệt, gây khó trong phối hợp hành động?
Trong khuôn khổ hiểu biết của tôi và trong năm ASEAN, không thấy có gì khác biệt. Không có gì đáng phàn nàn về sự phối hợp đó cả. Mà phải nói là rất hài lòng, và rất cám ơn các ngành, các địa phương đã hỗ trợ, giúp đỡ Quốc phòng hoàn thành nhiệm vụ mới mẻ này.
Những thành quả của 2010 sẽ được đối ngoại Quốc phòng triển khai tiếp như thế nào, khi ngọn cờ cầm trịch đã chuyển sang nước khác?
Không phải vì 2010 Việt Nam là chủ tịch ASEAN mà ta mới đẩy mạnh quan hệ đối ngoại Quốc phòng, cả song phương và đa phương. Năm ASEAN giúp ta nâng hình ảnh, dễ nổi bật hơn vì ta ở trung tâm chú ý của thế giới, và tạo thuận lợi cho ta. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa năm sau, khi Indonesia là nước chủ tịch, Việt Nam lại không đấu tranh cho quyền lợi của mình và của cả khu vực. Chúng ta sẽ tiếp tục đường lối đối ngoại hiện nay, phát huy những gì đạt được 2010, trong đó có đối ngoại Quốc phòng, Mục tiêu là xây dựng môi trường hòa bình, và bảo vệ Tổ quốc, có thể các năm sau hình ảnh đối ngoại Quốc phòng không như bây giờ, nhưng nội dung, mục tiêu vẫn là như vậy.
Khi người giữ cửa thành mở cửa
Xưa tới nay, Quốc phòng tiếp cận thường bị xem là cứng hơn Ngoại giao. Thế nhưng, năm 2010, thế giới và chính người dân Việt Nam lại thấy cách tiếp cận của Quốc phòng thậm chí mềm và mở hơn...
Người giữ cửa thành mà mở thì đương nhiên cảm thấy rộng rãi. Quốc phòng một khi được Đảng, Nhà nước cho mở thì sẽ mở, mở mạnh, vì tin rằng mở cửa thành mà không bị quân bên ngoài nhảy vào. Còn ông quan văn chuyên lo bút nghiên ở trong, đương nhiên không dám mở như thế. Như vấn đề chính sách Quốc phòng, Ngoại giao có muốn mở cũng khó, vì họ có nắm vấn đề đó đâu.
Đối ngoại Quốc phòng là khâu rất quan trọng, quyết định trong xây dựng lòng tin. Khi người nắm lòng tin mở, tự tin và đủ tin rằng khi mở thì người khác không xâm phạm lợi ích của mình, nhiệm vụ sống còn của chính Quốc phòng là bảo vệ Tổ quốc thì sẽ mở mạnh.
Có điều không phải tự nhiên mà Quốc phòng mở. Việc mở ấy là do sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, trong xu thế đi lên của đất nước và tình hình quốc tế, khu vực có những biến chuyển như đã nói ở trên. Việc mở vừa là nhu cầu, vừa là điều kiện cho phép chúng ta đẩy mạnh công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, và mở có mức độ.
Ví dụ, cuối năm 2009, ta ra Sách trắng Quốc phòng, được coi là cởi mở. Vào thời điểm ấy, ta chuẩn bị mua tàu ngầm, Su 30, không nói thì thế giới cũng biết, đóng cửa cũng không giấu được ai. Ta chủ động mở để giải thích với thế giới, với khu vực rằng chúng ta không đe dọa ai, mua sắm vũ khí là để bảo vệ Tổ quốc mình. Vấn đề cảng Cam Ranh cũng vậy. Cam Ranh vốn là điểm dòm ngó của nhiều nước lớn trên thế giới. Khi ta xác định Cam Ranh là của Việt Nam, do Việt Nam quản lý và sử dụng, sao không công khai?
Chính sự thiếu công khai một cách không cần thiết lại tạo sự nghi kị của các nước. Đương nhiên, việc mở cũng có mức độ. Khi Quốc phòng làm đối ngoại, bao giờ cũng theo nguyên tắc: cái gì đã là bí mật thì lo giữ cho kĩ, cái gì có thể công khai, giữ bí mật không có lợi cho cái chung, tạo nghi kị, thì ta công khai.
Lòng tin không chỉ trông chờ thiện chí
Như ông nói, quan trọng là có lòng tin của chính mình, trên cơ sở đã vạch ra đường lối bảo vệ Tổ quốc lâu dài rõ ràng. Tư duy đường lối bảo vệ Tổ quốc cụ thể như thế nào, thưa ông?
Tự tin không có nghĩa là sự chủ quan, thiếu cơ sở. Bảo vệ Tổ quốc như thế nào căn cứ vào xu thế thời đại, nhưng quan trọng nhất là phải căn cứ vào khả năng nội tại của đất nước: chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng - an ninh..., mà quan trọng nhất là con người. Dân mình, mình tin, khi nói đến bảo vệ Tổ quốc, thì tin rằng, gần 90 triệu người không ai quay đi. Có  như vậy ta mới dám nói mình đủ khả năng bảo vệ Tổ quốc. Không tin tuyệt đối vào nhân dân mình, bộ đội mình, thì bao nhiêu tên lửa, tàu ngầm cũng vô dụng.
Trong xu thế chung của thế giới, ta mở rộng quan hệ đối ngoại, được sự ủng hộ của cộng đồng thế giới với đường lối của ta. Điều này đảm bảo cho chúng ta một nền hòa bình lâu dài. Kẻ nào gây chiến tranh với Việt Nam, kẻ đó sẽ bị cô lập cao độ trên thế giới, mà cô lập trong một thế giới toàn cầu hóa, thế giới hội nhập của Thế kỷ 21 thì khủng khiếp hơn nhiều so với giữa thế kỉ 20. Và chúng ta cũng không ngồi chờ bối cảnh khu vực thuận lợi, mà đã chủ động, tích cực góp phần để tạo dựng môi trường, xu thế tiến bộ trên thế giới.
Sự tự tin ấy thể hiện ở đâu? Không phải là phát ngôn của cá nhân tôi. Mà ở đường lối của Đảng, cụ thể là Nghị quyết Trung ương 8 khóa 9. Tôi tin đây sẽ là Nghị quyết đi vào lịch sử bảo vệ Tổ quốc trong hòa bình, như Nghị quyết 15 trong chiến tranh chống Mỹ.
Đối ngoại quốc phòng trong tình hình mới có đặc trưng gì?
Chủ động, tích cực, có tính mục đích cao: xây dựng môi trường hòa bình, góp phần bảo vệ Tổ quốc.
Trở lại với vấn đề lòng tin, rõ ràng, lòng tin vẫn là trở ngại trong hợp tác khu vực, khi mà các nước tăng cường trang bị vũ khí, chi tiêu Quốc phòng. Nhiều người còn đặt vấn đề về cuộc chạy đua vũ trang ở khu vực. Quan điểm của ông?
Nói đến lòng tin có 2 khía cạnh, một là, làm cho người ta tin mình. Việt Nam, sẵn sàng xây dựng lòng tin, công khai minh bạch, vì chúng ta không xâm phạm ai, không lôi kéo ai đánh ai và cũng không đi đêm với nước nào. Ta công khai để chứng minh một sự thật hiển nhiên là trong hòa bình, ta cũng có chính nghĩa như hồi đánh Mỹ vậy. Hai là, lòng tin không chỉ xuất phát từ thiện chí, mà quan trọng hơn là lòng tin phải xuất phát từ lợi ích của các nước, những cơ chế ràng buộc, các mối quan hệ quốc tế song phương, đa phương để họ không thể làm điều gì sai trái, gây xung đột với Việt Nam và khu vực. Đó là lòng tin phải lao động, phải cố gắng rất nhiều, không thể chỉ trông chờ vào thiện chí.
Cơ chế ADMM+ mà Việt Nam đã nỗ lực và hoạt động cật lực cùng các nước tạo dựng là một minh chứng?
Đúng là năm qua, Bộ Quốc phòng, từ Bộ trưởng đến các cán bộ, chiến sĩ cấp dưới lao động cật lực là để tạo dựng cho được nửa lòng tin thứ hai: cơ chế để tin cậy lẫn nhau trên cơ sở lợi ích.
Vai trò của ADMM+ là gì? Cấu trúc an ninh khu vực để xây dựng lòng tin trên cơ sở lợi ích chiến lược trong khu vực giữa các quốc gia, đặc biệt là các nước lớn. Mức độ mong muốn tham gia của các nước là khác nhau. Có nước muốn tham gia và tích cực thúc đẩy cơ chế ấy như Việt Nam, lại có nước không hào hứng lắm nhưng không thể đứng ngoài khi các nước đã cùng bắt tay, vì lợi ích chung của khu vực, thế giới. Đã cùng ngồi vào cơ chế chung ấy, không phải ai có thể muốn làm gì thì làm.
Có một điều tôi băn khoăn là, trong khi làm đối ngoại mà không có lòng tin thì không làm được. Nhưng làm sao để người ta tin mình?
Tôi tin ở các nước, người ta cũng giỏi như mình, hơn mình, và người ta sẽ nhìn ra sự thật. Cái mình đem đến cho người ta là sự thật, là lợi ích chính đáng của mình và của người ta. Người nói dối thế nào cũng lòi ra. Mình nói sự thật, trên cơ sở lợi ích chính đáng của mình và tính đến lợi ích của họ, thì họ sẽ tin.
Đương nhiên, chuyện tin hay không, không ai bắt ép được. Hôm nay chưa tin thì mai người ta sẽ tin.

Tổng số lượt xem trang