Thứ Hai, 10 tháng 1, 2011

Vị đắng khi lệ thuộc vốn vay Trung Quốc

Vị đắng khi lệ thuộc vốn vay Trung Quốc
(VEF) - Nhiều dự án của Việt Nam phải thuê nhà thầu Trung Quốc bởi một lý do “bất khả kháng”: nguồn vốn vay từ chính Trung Quốc. Và khi dự án có vấn đề về chất lượng thì các chủ đầu tư Việt Nam chỉ còn nước “ngậm bồ hòn làm ngọt”
Cái khó xử khi nhận vốn của Trung Quốc
Trung Quốc không phải là nước thuộc nhóm cung cấp vốn hỗ trợ phát triển ODA lớn cho Việt Nam, cũng không phải là nước bỏ vốn đầu tư trực tiếp (FDI) thuộc TOP 10 ở Việt Nam.
Nếu tính theo số các dự án FDI còn hiệu lực, hơn 20 năm qua, FDI từ Trung Quốc chỉ có 3,184 tỷ USD,  đứng thứ 14 và chiếm 4% tổng vốn FDI của 92 quốc gia, vùng lãnh thổ đã đến Việt Nam. Riêng năm 2010, Trung Quốc  đứng thứ 11 với tổng vốn 364,6 triệu USD, chỉ chiếm hơn 1% tổng vốn FDI cả năm của Việt Nam.
Thế nhưng, thực chất, dòng vốn Trung Quốc chảy vào Việt Nam lại không hề nhỏ.

Cho tới nay, chưa có bộ ngành nào thống kê cụ thể, Việt Nam đã vay bao nhiêu tiền của Trung Quốc. Chỉ thấy rằng, ở hầu khắp các ngành công nghiệp, năng lượng của Việt Nam, vốn vay ưu đãi lãi suất thấp từ Trung Quốc đang đóng vai trò rất quan trọng, chủ yếu là từ đầu mối Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc (China Eximbank).
Đơn cử như  ở ngành điện, trong tổng số 9 dự án nhiệt điện do Tập đoàn Than - Khoáng sản làm chủ đầu tư, hiện có 4 dự án vay vốn tín dụng xuất khẩu hoặc ODA của Trung Quốc.
Trung Quốc nhập vào các dự án điện chủ yếu thiết bị phụ (ảnh: L.M)
Đó là các dự án nhiệt điện Cao Ngạn, Sơn Động, Cẩm Phả, Mạo Khê đều chủ yếu vay tín dụng xuất khẩu của ngân hàng China Eximbank. Dự án có tổng vốn đầu tư ít nhất cũng hơn 3.500 tỷ đồng. Các dự án điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cũng vay từ ngân hàng này không hề ít, ví dụ như dự án nhiệt điện Quảng Ninh 1 và 2, dự án Hải Phòng 1 và 2, dự án nhiệt điện Uông Bí mở rộng…
Mới đây nhất, 18/12/2010,  Bộ Tài chính cũng đã ký hiệp định vay 300 triệu USD với China Eximbank cho dự án nhiệt điện Vĩnh Tân 2 (2 x600MW).
Trung bình mỗi dự án điện công suất 300MW trở lên của Việt Nam có tổng vốn đầu tư trên 500 triệu USD. Nếu dự án vay từ China Eximbank thì nguồn vốn này thường chiếm khoảng 85% tổng vốn đầu tư.
Như vậy, ước tính, tổng vốn vay của Trung Quốc chỉ riêng cho ngành điện Việt Nam đã là con số hàng tỷ USD.
Không chỉ là ngành điện, nguồn tín dụng ưu đãi của Eximbank còn có mặt ở nhiều dự án trọng điểm của các ngành công nghiệp khác. Ví dụ như ngành hóa chất với dự án đạm từ than cám Ninh Bình do Tổng công ty Hóa chất Việt Nam làm chủ đầu tư, cũng sử dụng nguồn vốn 500 triệu USD theo hiệp định tín dụng xuất khẩu ký với Trung Quốc. Dự án sản xuất khuôn mẫu và trục in nhựa của Tổng công ty Nhựa Việt Nam cũng vay tín dụng ưu đãi của Chính phủ Trung Quốc trị giá 50 triệu Nhân dân tệ.
Trao đổi với PV. VEF, một lãnh đạo ở Bộ Công Thương từng chia sẻ, khi các nhà thầu Trung Quốc vào Việt Nam, nhận thấy điểm yếu là thiếu vốn, họ nhanh chóng đặt vấn đề: nếu phía Trung Quốc lo thu xếp vốn được cho dự án thì bù lại, hãy giao dự án đó để họ làm.
Với một lời đề nghị hấp dẫn như vậy thì quả thực, các chủ đầu tư Việt Nam khó lòng từ chối. Theo thông lệ quốc tế, khi đã nhận vốn vay của một nước, chủ đầu tư sẽ phải tổ chức đấu thầu hạn chế, chỉ mở thầu cho các nhà thầu nước cho vay tham gia. Đó là lý do bất khả kháng để các dự án lớn trên của Việt Nam phải chọn nhà thầu Trung Quốc và nhập khẩu lớn thiết bị, máy móc của nước này.
Trở đi mắc núi, trở lại mắc sông
Nhưng lẽ thường, sự hấp dẫn của một chính sách về vốn như vậy bao giờ cũng có tính hai mặt. Chính sách vay vốn của Trung Quốc có thể rất  thông thoáng, nhưng đôi khi, cũng có vị đắng mà các chủ đầu tư Việt Nam chỉ còn nước “ngậm bồ hòn làm ngọt”.
Khâu xúc xỉ tại đáy lò ở nhà máy nhiệt điện (ảnh: L.M)

Một chuyên gia trong ngành cắt nghĩa với VEF rằng, ngân hàng của Trung Quốc - với tư cách là người thẩm định hồ sơ vay vốn, có quyền kiểm duyệt các điều kiện kỹ thuật trong dự án. Điều kiện đó liệu thích hợp với các nhà thầu của nước họ không? Từ đó, họ có quyền đòi hỏi phải hạ thấp một số tiêu chí để các nhà thầu Trung Quốc có cơ hội tham gia thì mới cho vay vốn.
Với kinh nghiệm 30 năm trong ngành điện, vị chuyên gia này phân tích, giả dụ hiệu suất lò hơi nhiệt điện trong hồ sơ mời thầu một dự án nhiệt điện than, nếu chỉ nâng lên 1% để đảm bảo chất lượng, thì ngay lập tức, hàng loạt các nhà thầu Trung Quốc sẽ bị rớt vì không đạt yêu cầu. Nhưng, chỉ cần hạ 1% hiệu suất lò hơi theo đề nghị của Ngân hàng Trung Quốc, giá thành máy móc, thiết bị đã giảm tới 20-30% . Vì yếu tố kinh tế đó, thông thường, cả bên đi vay và bên cho vay đều chấp nhận.
Một đặc điểm khác, theo vị chuyên gia này quan sát, trong hồ sơ mời thầu các dự án nhiệt điện, nếu chú trọng chất lượng, bao giờ cũng có câu,“yêu cầu thiết bị G7 hoặc chất lượng tương đương”. Nhưng với nhiều dự án nhiệt điện mà vay vốn Trung Quốc thì thường, những dòng chữ ghi điều kiện như vậy sẽ bị gạch bỏ. Đến khi dự án đi vào triển khai, chủ đầu tư Việt Nam sẽ vô cùng khó xử khi rơi vào tình huống phải chấp nhận các thiết bị kém chất lượng một cách miễn cưỡng.
Vị chuyên gia giám sát kỹ thuật tại một dự án nhiệt điện chia sẻ, căn cứ để giám sát chất lượng thiết bị nhập cho dự án chỉ có duy nhất 1 tờ giấy do nhà thầu cung cấp với tiêu đề  “QUALITY CERTIFICATE”, gọi là phiếu chất lượng. Nhưng, hình thức trình bày và  nội dung thông tin lại rất sơ sài.
Ở tờ phiếu chất lượng này, chỉ có tên thiết bị, nhà máy sản xuất, mã số đóng gói, mã số đặt hàng và dòng chữ đề thiết bị đã đạt chuẩn của nhà máy…, không có thông tin căn cứ theo một tiêu chuẩn quốc tế, quốc gia nào. Phần ký xác nhận phiếu, lúc là giám đốc nhà máy ở Trung Quốc, lúc là một cán bộ thay mặt giám đốc ký.
Vị kỹ sư tại dự án này nhận định, các phiếu này giống như phiếu xuất xưởng. Nó đơn giản tới mức chẳng cần in phiếu ở Trung Quốc mà có thể in ra ngay tại công trường Việt Nam như một loại văn bản thông thường.
Trong khi đó, hợp đồng ký với nhà thầu Trung Quốc thường chỉ ghi, thiết bị đến công trường phải có “phiếu chất lượng”, nhưng không mô tả rõ, phiếu chất lượng ấy như thế nào. Rốt cục, khi các tài liệu chứng nhận chất lượng chỉ vỏn vẹn có thế, chính những người gác cửa về chất lượng dự án trở nên tù mù, bó tay để thẩm định thiết bị, và chỉ khi nhà máy vận hành, phát sinh trục trặc mới biết thiết bị ... kém cỡ nào.
Ban đầu, các giám sát viên có thể từ chối không nghiệm thu thiết bị kém chất lượng, nhưng rồi xảy ra tranh luận với nhà thầu và những áp lực từ nhiều phía... cộng với việc nhà máy lại vay vốn của chính Trung Quốc, các giám sát kỹ thuật của Việt Nam sẽ buộc “phải” nghiệm thu công trình dù chưa đạt yêu cầu. Bởi theo vị chuyên gia này, nếu không nghiệm thu thiết bị, vấn đề giải ngân vốn của dự án cũng gặp khó khăn.
Thực tế này cũng đã xảy ra với nhiệt điện Cao Ngạn cách đây 3 năm. Mặc dù nghiệm thu bàn giao cho chủ đầu tư rồi, nhưng nhà máy này đã phải hoạt động trong tình trạng vừa chạy, vừa sửa chữa, cải tiến tiếp.
Từng trả lời trên VEF, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng, Bộ Công Thương cho rằng, phải tăng cường khâu giám sát thiết bị của Trung Quốc đến công trường, nhưng những câu chuyện trên đã cho thấy, khi chủ đầu tư lại là người đi vay của phía nước nhà thầu thì mọi sự thật khó. Việc nhận bàn giao nhà máy điện hay không đã biến thành câu chuyện trở đi mắc núi, trở lại mắc sông.


(VEF) - Giá rẻ và "chiều khách", công nghệ Trung Quốc chiếm lĩnh thị phần DN vừa và nhỏ ở Việt Nam. Nhưng để tạo sức bật phát triển, DN nên thận trọng với công nghệ rẻ, chất lượng thấp.
Sau một chuyến khảo sát thị trường Trung Quốc cùng với nhiều Doanh nghiệp nhỏ và vừa, một quan chức Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI), cho biết: rất nhiều DN đi cùng đoàn đã đạt được mục tiêu mong muốn là tìm cho mình những dây chuyền công nghệ phù hợp và nguồn cung cấp nguyên liệu cho mình.
Các DN đã chia sẻ: đây là nguồn cung cấp phù hợp và có hiệu quả cho các DN nhỏ và vừa. Tính riêng kết quả chuyến đi đã có một báo cáo thành công, nhưng nhìn vào sự phát triển dài hạn, vị quan chức không biết nên vui hay nên buồn.
Thích kiểu gì, "chiều" kiểu ấy
Cách đây hơn 5 năm, khi Bắc Ninh quyết định thành lập KCN làng nghề tại làng giấy Yên Phong, hàng loạt hộ sản xuất lớn đã phải tính đến chuyện lập DN, xây nhà máy để sản xuất, từ bỏ sản xuất thủ công truyền thống. Tuy nhiên, thách thức lớn nhất là vốn và chọn công nghệ phù hợp. Nếu dùng công nghệ Âu - Mỹ thì quá đắt và không có những dây chuyền nhỏ cho các nhà máy ở làng nghề.
Trong lúc đó, một nhà sản xuất dây chuyền chế biến giấy của Trung Quốc đã sang chào hàng ở Việt Nam. Nhận thấy có nhiều công nghệ phù hợp, một số người đã sang Trung Quốc để đặt hàng. Tại các cơ sở sản xuất của Trung Quốc, các DN Việt Nam được đáp ứng tất cả các yêu cầu về dây chuyền: đặt cả dây chuyền, đặt một phần và thậm chí cùng một loại dây chuyền nhưng có nhiều loại giá khác nhau... đều xong hết.
Trong số các DN đặt dây chuyền công nghệ Trung Quốc có cả những DN giấy lớn nhất KCN làng nghề hiện nay. Đến nay, các DN này thừa nhận, chính nhờ công nghệ rẻ và phù hợp này mà họ mới có thể chuyển đổi thành các DN quy mô và sản xuất theo công nghiệp.
Đến nay, khi đã phát triển lên một quy mô mới, nhiều DN nơi đây đều thống nhất: tiếp tục dây chuyền Trung Quốc vì giá rẻ, dễ sửa chửa và cải tạo. Đặc biệt, với đầu tư ban đầu thấp nên các DN giảm được gánh nặng đầu tư ban đầu, quay vòng vốn và thu lãi nhanh. Tính ra có lời hơn.
Đâu là điểm dừng trước sức hấp dẫn của công nghệ Trung Quốc giá rẻ?
Trong khi đó, một DN nhỏ ở Nam Định có nhu cầu đặt làm các loại máy cán thép từ các cỡ lớn xuống cỡ nhỏ hơn để làm thép gai và hàng rào... Nếu mua của châu Âu sẽ vừa đắt lại hiếm, còn đi đặt hàng các cơ sở trong nước thì cũng được nhưng phải chờ những gần 1 năm và giá cũng khá cao.
Vì thế, DN này cử một chuyên viên công nghệ sang Trung Quốc để tìm hiểu. Chỉ sau 1 tuần đã báo tìm được công nghệ phù hợp, giá rẻ hơn cả thuê chế tạo trong nước, có thể lắp đặt ngay... Hơn thế, nhà cung cấp còn chấp nhận cải tạo để sử dụng lại một phần những thiết bị cũ hoặc sẵn có trong nước.
Không chậm trễ, DN này đã nhập ngay dây chuyền về sản xuất. Đồng thời, mời các nhà chế tạo trong nước đến xem xét về khả năng cùng hợp tác cải tạo cho phù hợp hơn. Ông chủ DN này cho biết, các nhà sản xuất dây chuyền Trung Quốc sẵn sàng cung cấp bất cứ thứ gì, theo bất cứ mẫu mã và yêu cầu nào, số lượng và giá cả lại rất linh hoạt... đó là điều rất phù hợp với các DN nhỏ vốn ít, cạnh tranh bằng giá rẻ.
Không chỉ các DN làng nghề, DN quy mô nhỏ mà ngay cả những DN có quy mô lớn thì dây chuyền Trung Quốc cũng là một lựa chọn.
Một DN bánh kẹo có tiếng mới được cổ phần hóa ở Hà Nội cho biết, đa số dây chuyện sản xuất của họ đang dùng đều từ Trung Quốc.
Theo DN này, thì điểm quyết định khi lựa chọn công nghệ Trung Quốc là giá rẻ, dễ dàng trong cải tiến và bảo hành. Dù đã lựa chọn những công nghệ khá có chế độ bảo hành tốt thì mức đầu tư cũng chỉ 50 - 70%, thậm chí thấp hơn so với mua từ Âu - Mỹ... trong khi chất lượng sản phẩm gần tương đương. Trong quá trình vận hành, việc bảo dưỡng, thay thế, cải tiến đều rất dễ dàng, các chuyên gia của nhà cung cấp luôn sẵn có ở Việt Nam và không đòi hỏi nhiều về điều kiện đi lại, ăn ở... Chi phí giảm giúp DN có lợi thế để cạnh tranh tốt hơn.
Điểm dừng ở đâu?
Thừa nhận những lợi thế bước đầu khi sử dụng dây chuyền công nghệ Trung Quốc tạo ra cho DN. Tuy nhiên, lãnh đạo DN bánh kẹo này cho biết, tới đây, DN sẽ mở thêm một nhà máy mới ở miền Trung , vẫn "chiến lược" công nghệ Trung Quốc.
Tuy nhiên, ở nơi sản xuất chính, để chuẩn bị cho việc sản xuất một số loại bánh tươi cao cấp tiêu thụ nội địa và xuất khẩu thì DN lại chuyển hướng dần sang các công nghệ cao hơn từ các nước tiên tiến.
Đại diện DN cho biết, bước đầu những bộ phần điều khiển tự động, những công đoạn quyết định về chất lượng và độ an toàn vệ sinh sản phẩm sẽ thay thế dần bằng công nghệ từ châu Âu. Bây giờ DN đã đủ lực để chọn những công nghệ tốt, dù đắt nhưng đổi lại giảm thiểu được nhân công, gia tăng được uy tín. Trước kia không bao giờ DN dám nói về dây chuyền của mình, nhưng bây giờ trong lời quảng cáo đã tự tin giới thiệu về công nghệ Âu - Mỹ tiên tiến đang được áp dụng.
Lãnh đạo DN này nói rằng, ví dụ điển hình cho thấy, trước đây, xi măng lò đứng với dây chuyền chủ yếu từ Trung Quốc một thời thịnh hành và có những hiệu quả và giá trị trong một giai đoạn nhất định. Đến nay thì phải phá bỏ. Điều này cũng cho thấy, dây chuyền Trung Quốc giá rẻ cũng sẽ có lợi thế nếu biết tận dụng. Tuy nhiên, nếu có lực thì nên đi thẳng vào công nghệ cao thì con đường sẽ ngắn hơn và nhanh hơn. Đó cũng giống như nhà nghèo thì tích cóp làm nhà từ nhỏ rồi đến lớn; anh có tiền thì làm biệt thự từ đầu.
Đề cập đến vấn đề này, chuyên gia từ Vụ Khoa học - Công nghệ, Bộ Công thương cho rằng: DN là người tự chủ và họ biết lựa chọn công nghệ và quyết định đầu tư hợp với khả năng tài chính và có hiệu quả lợi nhuận cao nhất. Công nghệ Trung Quốc, nhất là công nghệ giá rẻ, sẽ phù hợp với nhiều DN nhỏ trong quá trình chuyển đổi.
Song, sẽ khó thành công mãi với công nghệ giá rẻ. Vấn đề là DN biết chọn cái gì và thời điểm nào cho sự chuyển đổi phù hợp nhất.
Trao đổi mới đây về vấn đề này, TS.Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cho rằng, Trung Quốc đã thành công với vai trò công xưởng của thế giới, nơii sản xuất hàng giá rẻ của thế giới. Tuy nhiên, Trung Quốc cũng đang có những mũi nhọn vượt lên đỉnh thành công của thế giới để mở ra một giai đoạn chuyển đổi mới cho kinh tế.
"Việt Nam có thể học các nước, nhập khẩu từ các nước, kể cả Trung Quốc. Nhưng nếu chúng ta chỉ đi theo và không có sự lựa chọn và ganh đua thì khó cạnh tranh được trên toàn cầu" - theo ông Thiên.
Trở lại câu chuyện xi măng lò đứng, công nghệ đó đã phát huy hiệu quả trong giai đoạn đất nước đang thiếu xi măng trầm trọng. Đến nay, Việt Nam đã chuyển đổi thành công với hầu hết các nhà máy công nghệ tiên tiến châu Âu. Không chỉ có sản phẩm tốt, bảo vệ môi trường mà tính chuyện xuất khẩu cũng dễ dàng.
Trong khi đó, câu chuyện của ngành công nghiệp xe máy lại là một chuyện buồn: thời kỳ phát triển rầm rộ, hàng trăm DN đã nhập khẩu và lắp ráp xe máy Trung Quốc mà không đầu tư và nghiên cứu phát triển. Đến nay, khi làn sóng xe "Tàu" xẹp xuống thì công nghiệp xe máy Việt Nam cũng thảm thương khi chỉ còn vài DN tồn tại một cách khó nhọc. Thị trường trong nước để mặc cho nhà sản xuất ngoại tung hoành.
Bạn có chia sẻ cùng "nỗi lòng" của các DN vừa và nhỏ của Việt Nam khi chọn lựa công nghệ Trung Quốc, dù biết rằng chất lượng không bằng Âu - Mỹ, nhưng lại hợp túi tiền? Các DN Việt liệu có nên chọn công nghệ Trung Quốc làm "bước đệm" để khi có đủ vốn liếng sẽ "lên đời" công nghệ tiên tiến hơn?

Tổng số lượt xem trang