Thứ Tư, 5 tháng 1, 2011

Bản tổng kết của cố vấn Kissinger (Zeitmagazin Leben)

nhìn lại-Bản tổng kết của cố vấn Kissinger (Zeitmagazin Leben)
“… trong thời kỳ tôi làm việc cho chính quyền, ông sẽ xác định được thật là cực kỳ khó khăn cho tôi để hoàn thành nhiệm vụ. Đó là những năm tháng đầy ngờ vực, sợ hãi và với ý chí để vượt qua …”

Lời người dịch: Trong khi trả lời cho tuần báo Die Zeit của Đức về vấn đề Irak, ông Henry Kissinger đã có đề cập đến Việt Nam. Ông cho biết là chưa có một tác phẩm nghiên cứu về chiến tranh Việt Nam nào đạt được tính khách quan. Ông đã tin là Bắc Việt sẽ tôn trọng hoà ước, Nam Việt Nam tiếp tục tồn tại và miền Bắc không gây xâm lăng làm sụp đổ miền Nam. Việc ném bom Kampuchia đối với ông cũng không là một sai lầm. Ông cho rằng chính trị quốc nội Mỹ, đặc biệt các phong trào phản chiến, đã làm thay đổi phương sách ngoại giao của Mỹ.
Đỗ Kim Thêm
Hỏi: Thưa Tiến sĩ Kissinger, trên thành cửa sổ bên cạnh chỗ ngồi nơi ông làm việc có đặt một tấm hình được lồng khung chụp ông và Tổng thống Mỹ, bên dưới có dòng chữ viết tay đề tặng: „Tặng Henry, với lòng biết ơn về những lời khuyên đáng tin cậy, Gorge W. Bush“. Chúng tôi phải hình dung những lời khuyên của ông như thế nào? Ông có gặp tổng thống thường xuyên không?

Henry Kissinger: Cứ khoảng bốn đến sáu tuần là chúng tôi nói chuyện với nhau. Những cuộc gặp gỡ này không thường xuyên. Chúng tôi nói chuyện mặt đối mặt thôi, không có văn bản kèm theo. Và trước hết chúng tôi ít khi nói chuyện về thời sự chính trị.

Hỏi: Vậy thì các ông nói về những chủ đề gì?

Henry Kissinger: Chúng tôi nói chuyện về những chiến lược tương lai, về những sự phát triển trong lãnh vực ngoại giao, về mối quan hệ với các nước khác, thí dụ như với Trung Hoa, Hàn Quốc, Nga và Iran. Hầu như chúng tôi không hề nói chuyện về các đề tài tuần tới chúng ta phải làm gì ở Irak. Tôi hy vọng là ông hiểu rằng tôi không có một chức vụ chính thức nào. Theo kinh nghiệm của tôi mỗi vị tổng thống sớm hay muộn gì cũng tìm ra người giúp ông ta để triển khai một viễn cảnh mang tính triết lý và ý niệm.

Hỏi: Ông làm việc này cho Georg W. Bush?

Henry Kissinger: Còn nhiều người khác nữa. Tổng thống có đủ người chung quanh ông ta để lo những công việc hàng ngày. Ông cần đến một vài người không thuộc bộ tham mưu để có thể thảo luận về đường lối chung.

Hỏi: Ông nhận xét thế nào về Tổng thống?

Henry Kissinger: Người châu Âu và New York nhìn ông như một nhân vật biếm họa. Nhưng cần phải nói rõ hơn: Năm 2000 tôi đã ủng hộ John McCain, không ủng hộ Georg W. Bush. Dạo đó tôi không hề quen cá nhân ông Bush. Hiện nay tôi có thể nói là: Đối với người châu Âu Bush là người khó hiểu, bởi vì ông ta xuất thân từ một tiểu bang có ít các mối quan hệ quốc tế. Ông ta là một người yêu nước nồng nàn và có ý thức trách nhiệm cao. Ông ta thông minh, cho dù khi nhiều người phê bình ông khẳng định điều ngược lại. Ông ta là một ngưòi biết đặt những câu hỏi hay. Ông ta hiểu rõ rằng cái gọi là thách thức cuả bọn khủng bố là một hiện tượng toàn cầu. Ông ta nhận trách nhiệm về những quyết định của mình. Ông hiểu rõ vấn đề. Ông có nhiều khó khăn tìm những cộng sự viên để theo đuổi mục tiêu của ông về phương cách thuyết phục, đặc biệt những người nghĩ ra những chiến thuật thích nghi với văn hoá của những xã hội khác.

Tổng thống G.W.Bush và ông Kissinger
Hỏi: Một mặt, hiện nay nước Mỹ là siêu cường duy nhất với sự chế ngự về chính trị, kinh tế và quân sự không thể nào so sánh được. Nhưng mặt khác, hình ảnh của nước Mỹ lại xấu hơn so với trước đây. Ông giải thích thế nào về sự tương phản này?

Henry Kissinger: Chúng ta đang sống trong một thời đại phức tạp. Đúng, nước Mỹ là siêu cường duy nhất. Nhưng mà nhiều vấn đề của thế giới hiện đại không thể giải quyết bằng giải pháp quân sự. Chính vì thế mà một nước như Mỹ có thể có quyền lực mà đồng thời cũng không gây những ảnh hưởng tương xứng. Phong trào chống Mỹ như ông mô tả chỉ có phát triển mạnh ở Âu Châu và Trung Đông. Phong trào này không đủ mạnh ở Trung Hoa, Nhật Bản và Nam Dương.

Hỏi: Ở Âu Châu phong trào này chưa bao giờ mạnh hơn so với bây giờ.

Henry Kissinger: Nước Mỹ vẫn còn coi mình như là một quốc gia vào thế kỷ 19, một đất nước bảo vệ quyền lợi của riêng mình. Ở Âu châu tuy vẫn còn nhiều quốc gia, nhưng quốc gia không còn là điểm đặc trưng nhận dạng quan trọng nhất cho con người sống ở đó nữa.

Hỏi: Ông nghĩ gì khi nhận xét như vậy? Người Pháp, người Ý, người Đức, nhiều người sẽ phản bác ý kiến cuả ông.

Henry Kissinger: Nhưng mà có lẽ họ sẽ không phản bác, một khi vấn đề được đặt ra là liệu một chính quyền có thể đòi hỏi dân chúng hy sinh cho chính sách của mình hay không - kể cả ở chính sách đối nội lẫn đối ngoại. Ở Âu châu hoà bình là mục tiêu quan trọng nhất trong chính sách đối ngoại, trong khi đó ở Mỹ nó chỉ là một mục tiêu quan trọng trong nhiều mục tiêu khác. Nhưng dĩ nhiên phương sách của chính quyền Bush trong nhiệm kỳ đầu tiên đã tạo ra quá nhiều vấn đề làm cho phong trào chống Mỹ gia tăng trên toàn cầu.

Hỏi: Lý do quan trọng nhất trong đó là chiến tranh tại Irak.

Henry Kissinger: Tôi cho rằng chiến tranh Irak là biểu tượng cho sự phát triển này. Cho dầu cuộc chiến này là lý do chủ yếu cho thái độ chống Mỹ, chúng ta không thể giải quyết vấn đề bằng cách đơn giản là rút quân ra khỏi Irak. Ngay cả khi quân đội Mỹ rút toàn bộ ra khỏi nước này, cuộc chiến vẫn tiếp tục. Và những xung đột tại Trung Đông cũng không giải quyết. Điều tiên quyết là phải có một giải pháp chính trị. Dẫu có những bất đồng quan điểm trước đây, Mỹ và Âu châu có một quan tâm chung là tìm ra một kết quả về chính trị.

Hỏi: Ngay từ đầu chính ông đã ủng hộ chiến tranh Irak.

Henry Kissinger: Tôi ủng hộ quyết định tấn công Irak, đúng. Nhưng mà tôi cũng công khai phê bình các quyết định khác. Tôi đồng ý tấn công để lật đổ Saddam, và sau đó thì toàn bộ việc điều hành phải để cho quốc tế làm như trước đây đối với Balkan.

Hỏi:N gay trước khi khởi đầu cuộc chiến thì đã rõ là việc này không thực hiện được, Mỹ và Anh đã đứng ở một vị thế khá đơn độc.

Henry Kissinger: Tôi không đồng ý điểm này. Vào tháng 6 năm 2003, nhiều quốc gia trong đó có Pháp và có lẽ cả Ấn Độ đều sẵn sàng tham dự với điều kiện là một can thiệp quốc tế phải được thành hình. Tình hình phát triển khác đi. Tôi cho là không thể nào đạt được việc mà chúng ta có thể dân chủ hoá Irak trong ngắn hạn, điều mà có thể tìm sự ủng hộ cúa công luận tại Mỹ. Tôi không bao giờ tin là một chính quyền quân sự có thể thiết lập tại Irak mà không dẫn tới những phong trào kháng chiến.

Nếu hiện nay chúng ta lập một bản tổng kết, chúng ta phải nói là tổn thất lên quá cao. Và bây giờ thì sao? Nếu Mỹ ở lại Irak thì những thành công quân sự cũng không được nhiều người đánh giá cao. Nhưng nếu Mỹ rút ra, điều này sẽ gây bất ổn tại Libanon, Jordanie va Saudi-Arabien. Bọn khủng bố sẽ di chuyển căn cứ tới Irak, đây là khả năng có thể xảy ra. Và các quốc gia lân cận như Thổ Nhĩ Kỳ và Iran sẽ là mối quan tâm của họ tại Irak, khi cần thiết họ sẽ theo đuổi một giải pháp quân sự.

Hỏi: Theo ông thì sẽ không có giải pháp?

Henry Kissinger: Giải pháp không phải chỉ bằng cách quân sự mà còn là chính trị. Quá nhiều người chỉ xoáy quanh mối quan hệ giữa Iran và Mỹ. Nhưng cuộc thảo luận về đề tài này tiếc là chỉ theo đuổi một phương châm: Chúng ta không thắng được bằng chiến tranh, chúng ta phải đàm phán. Nhưng mà ông có thể tin chắc là các nhà thuơng thuyết ngồi vào bàn dễ dàng và thuyết phục được nhau với những lập luận hợp lý về sự ổn định tại Trung Đông cần đến?

Để đạt tiến bộ, người ta cần phải đạt được ba mục tiêu: thứ nhất, cả hai phiá phải tin rằng không ai có thể thành công bằng giải pháp quân sự, thứ hai, cần phải tạo ra một môi trường cần thiết để có thể đạt được một sư quân bình cán cân quyền lực. Thứ ba, cần phải có một chính sách ngoại giao cương quyết, có xác định mục tiêu và phối hợp. Tôi tin rằng cả hai phiá đang tìm đúng hướng.

Hỏi: Ông có lần nói kết cục của cuộc chiến tranh ở Irak quan trọng hơn nhiều so với kết cục của chiến tranh ở Việt Nam.

Henry Kissinger: Vâng, tôi vẫn giữ quan điểm ấy.

Hỏi: Cho mãi đến nay thì chiến tranh Việt Nam đã làm tổn thương tinh thần người Mỹ khá sâu đậm.

Henry Kissinger: Sự tổn thương do cuộc chiến tranh Irak gây nên sẽ còn sâu đậm hơn. Sau khi chiến cuộc Việt Nam kết thúc, thì tình hình tại Đông Nam Á ổn định. Nhưng mà ổn định tình hình Trung Đông sẽ khó khăn hơn nhiều. Tôi hy vọng một ngày nào đó sẽ có người phân tích chiến tranh Việt Nam khách quan hơn. Cho đến nay không ai thành công trong việc này, dù với tất cả mọi cố gắng.

Hỏi: Ông muốn gì đến tính khách quan? Mỹ muốn dùng phương tiện quân sự để chiến thắng Cộng sản tại Việt Nam. Cuộc chiến phải trả bằng hàng triệu sinh mạng của người Việt từ hai phiá. Cuối cùng Mỹ phải rút khỏi Việt Nam. Việt Nam được coi như là một nguyên nhân tạo một phong trào chống Mỹ khắp thế giới.

Henry Kissinger: Câu hỏi của ông đơn giản vấn đề quá mức. Mỹ đã can thiệp sau khi Hà Nội đã đột nhập vào Nam Việt nam với những sư đoàn chính quy. Mỹ đã làm điều ấy, các chính quyền Kennedy và Johnson thử áp dụng nguyên tắc chính sách ngăn chặn, một chính sách đã áp dụng thành công tại châu Âu. Tại Việt Nam, phương cách này đã thất bại; nhưng thật ra không công bình khi tố cáo kẻ đã chống lại cuộc xâm lăng, thay vì tố cáo những kẻ đã xâm nhập miền Nam.

Mục tiêu quan trọng nhất của Mỹ là giúp cho dân chúng miền Nam Việt Nam có một cơ hội để tự quyết định vận mệnh của mình. Mục tiêu này đã đạt được trong hoà ước 1973. Trước đó chính quyền Nixon đã rút 510 000 người lính, dù là đơn phương. Năm 1971 Mỹ đã chấm dứt mọi cuộc chiến trên đất liền, tổn thất đã giảm đến 90 phần trăm. Đó là một loại chiến thắng.

Hỏi: Một cuộc chiến thắng của Mỹ ở Việt Nam?

Henry Kissinger: Trong ý nghiã là chúng tôi đã được mục tiêu những gì mà chúng tôi đã muốn đạt được trong bản chất của vấn đề. Một điều kiện duy nhất cuả Bắc Việt mà chúng tôi luôn luôn chống đối là Hà Nội đòi hỏi diễn tiến hoà bình chỉ có thể khởi đầu khi chính quyền miền Nam sụp đổ. Theo quan điểm của Hà Nội thì tất cả mọi vấn đề khác chỉ có thể thảo luận khi sau sự sụp đổ này, nói một cách khác, trong sự hỗn loạn về chính trị. Chúng tôi cho rằng đây là một điều kiện không danh dự- nhất là đối với giới lãnh đạo của một liên minh dân chủ trong thời kỳ cao điểm của chiến tranh lạnh. Sau khi Hà Nội đồng ý rằng chính quyền Sài gòn có thể còn tại chức, chúng tôi đã có thể giải quyết các vấn đề khác nội trong một vài tuần lễ.

Hỏi: Ông thực sự nghĩ rằng Mỹ đã chiến thắng vào năm 1972?

Henry Kissinger: Tôi hiểu sự chế diễu của ông. Ông hãy để cho tôi nhắc lại những điểm chính trong thoả thuận của năm 1972: ngưng bắn vô điều kiện. Chính quyền Sài gòn phải còn nắm quyền. Viện trợ quân sự và kinh tế của Mỹ phải được tiếp tục - đặc biệt là viện trợ quân sự không chỉ giới hạn trong việc cung ứng những phụ tùng thay thế. Bộ đội Bắc Việt phải rút khỏi Lào và Kampuchia. Không một đơn vị nào của Bắc Việt được phép xâm nhập miền Nam. 30.000 lính Mỹ còn lại sẽ phải rút khỏi Việt Nam. Tất cả sẽ được giám sát bởi bốn quốc gia trung lập. Không có một nội dung nào trong những thoả thuận này có thể đạt được trước năm 1972 như các huyền thoại hiện nay có thể lên tiếng. Chúng tôi không biết rằng nếu những cam kết này có được đảm bảo hay không, nếu như Mỹ vẫn tiếp tục viện trợ quân sự và kinh tế.

Watergate đã làm điều này không thực hiện được, vì uy tín của Nixon tiêu tan và quốc hội thù nghịch nắm quyền. Quốc hội đã cấm các phản công quân sự chống lại các vi phạm trầm trọng việc ngưng bắn, làm giảm thiểu các viện trợ quân sự và kinh tế cuả Mỹ cho Việt Nam đến một phần ba và cắt toàn bộ viện trợ cho Kampuchia. Vào thời điểm này không còn lực lượng Mỹ ở Việt Nam và cũng không còn tổn thất nào về phía Mỹ. Chúng tôi đã ngưng viện trợ cho một nước đồng minh, một phần chính vì những tranh chấp về chính trị nội bộ của chúng tôi.


Hỏi: Khi nghe ông nói người ta có thể cảm nhận rằng những năm thời chiến vẫn còn sống động đối với ông.

Henry Kissinger: Dĩ nhiên, vào lúc đó tôi đứng vào trọng tâm của mọi diễn biến. Đó là một bi kịch não lòng.

Hỏi: Và ông nghĩ lại những biến cố này qua cuộc chiến Irak?

Henry Kissinger: Đây là một cuộc chiến tranh khác biệt. Việt Nam là một phần của chiến tranh lạnh và cuộc chiến này đã qua đi quá lâu. Không, Irak không phải là Việt Nam. Nhưng một vấn đề ngày xưa vẫn làm tôi suy nghĩ: Những cuộc thảo luận về chính trị quốc nội đã rơi vào điểm nào để lọt ra ngoài vòng kiểm soát đến độ nó tạo ra những huyền thoại. Từ đâu mà có sự cưỡng chế phải chấm dứt chiến tranh Việt Nam khi mà chúng ta không còn lính Mỹ đóng ở đó nửa. Đáng lý ra chúng ta phải tiếp tục viện trợ cho Việt Nam, nhưng mà thế hệ chống đối cần sự thoả mãn.

Hỏi: Sự chống đối chiến tranh Việt Nam khởi đầu từ trước năm 1972...

Henry Kissinger: Vâng, từ năm 1968. Sự chống đối thay đổi qua thời gian. Trưóc tiên sự chống đối có nghiã là cuộc chiến không mang đến thắng lợi với các phương thức sẵn có. Tôi đồng ý điểm này. Điều này có nghiã là do phong trào phản chiến chúng ta phải thương thuyết. Tôi cũng lại đồng ý điểm này. Và cũng xin ghi nhận thêm: 1967 Mỹ đã có những tiếp xúc bán chính thức với Hà Nội. Sau đó lại có quan điểm cho rằng chiến tranh là một thí dụ tiêu biểu tinh thần phi đạo đức của Mỹ, một căn bịnh mà xã hội Mỹ gặp phải.

Là một ngưòi ty nạn được thụ hưởng nền dân chủ của Mỹ, tôi không đồng ý với tiền đề cho rằng Mỹ là không có đạo đức. Và tôi cũng đã không đồng ý cho một giải pháp rút quân không điều kiện. Chúng tôi đã đặt ra đòi hỏi là dân chúng Nam Việt Nam phải quyết định lấy vận mệnh của mình.

Hỏi: Điều này làm ông nhớ lại tình hình hiện nay tại Irak?

Henry Kissinger: Quá nhiều người hiện nay chỉ giam hãm minh trong một ý tưởng duy nhất: Các anh phải chấm dứt chiến tranh. Những người này muốn nói tới loại chiến tranh nào? Khi xưa tại Việt Nam, cộng sản miền Bắc xâm nhập miền Nam, vì chúng ta không giúp miền Nam nữa. Hiện nay giải pháp cũng phải là chính trị, giải pháp này không chỉ đạt được qua việc rút quân.

Hỏi: Qua những cuộc thương thuyết với Bắc Việt Nam ông đã được trao giải thưởng Nobel về hoà bình năm 1973. Một trong những cộng sự viên của ông sau này kể lại là ông phản ứng một cách rất ngạc nhiên: “Ai đoạt giải? Sao lại là tôi?”

Henry Kissinger: Tôi không biết rằng tôi vào vòng chung kết của giải này, chính vì thế mà tôi không tin như vậy. Tôi không hề gây áp lực để đoạt giải. Sự ngạc nhiên của tôi không phải ở chỗ là tôi không hề nghĩ mình xứng đáng đoạt giải. Tôi đã hãnh diện về những gì mà chúng tôi đã đạt được ở Việt Nam.

Hỏi:N hìn lại những năm làm việc với chức vụ cố vấn an ninh và ngoại trưởng, ông có điều gì hối hận không, ông có phạm phải những sai lầm nào không? Thí dụ như việc ném bom Kampuchia, phải chăng đó là một sai lầm nghiêm trọng?

Henry Kissinger: Tôi muốn giới hạn câu trả lời cuả tôi vào việc ném bom những căn cứ Bắc Việt dọc theo biên giới Kampuchia. Không, tôi không tin đó là một sai lầm. Anh sẽ làm gì khi anh ở vào tình trạng của chúng tôi khi đó? Bên kia biên giới Kampuchia có bốn sư đoàn và họ giết hằng ngày hằng trăm lính Mỹ. Tại sao nguyên tắc trung lập phải bảo vệ họ?

Hoàng thân Sihanouk, Quốc Trưởng Kampuchia, dường như cũng nhận ra như thế. Hai tháng sau khi đợt không tập đầu tiên trên vùng trú quân Bắc việt, Sihanouk đã trả lời về cuộc ném bom B 52 trong một cuộc họp báo ngày 13/5/1969 là: ”Tôi không chống đối việc oanh tạc các căn cứ Việt Cộng, bởi vì tôi không hề nghe đến việc ném bom bao giờ. Tôi không biết về vấn đề này, bời vì có những khu vực không hề có nguời Kampuchia ở. Không ai bị trúng đạn, không ai, không một ngưòi Kampuchia nào.”

Hỏi: Sự can dự của Mỹ đưa đất nưóc này vào tình trạng hỗn loạn. Cuối cùng Pol Pot nắm quyền và xây dựng một chế độ khủng bố.

Henry Kissinger: Thú thật với ông khi nhận trả lời cho cuộc phỏng vấn này của một tờ báo mà tôi luôn tôn trọng, và các vị chủ biên trước đây và hiện nay của nó là những người mà tôi luôn kính quý, tôi không hề nghĩ rằng tôi phải trả lời như trong một phiên toà xử tội về những biến cố của bốn thập niên trước bằng giọng điệu này. Tại sao ông nói sự tự vệ cuả người Mỹ mà không nói là sự tấn công của Hà Nội gây nên sự hỗn loạn? Ông tin là Pol Pot đã nhân đạo hơn khi ông ta có thể nắm quyền bốn năm sớm hơn hay sao? Ông ngụ ý rằng một phản ứng duy nhất hợp pháp trước sự tấn công của nhóm người sát nhân diệt chủng là chủ trương hiếu hoà và thụ động sao? Vấn đề đặt ra là do đâu mà có sự hỗn loạn. Lại cũng là một vấn đề thuộc về tranh luận nội tình của nuớc Mỹ. Chúng tôi không được phép viện trợ thêm 300 triệu cho Nam Việt Nam, chúng tôi không được phép gởi quân vào các quốc gia lân cận để giúp đỡ.

Hỏi: Ông được coi như là ngưòi đại diện tiêu biểu cho cái gọi là học thuyết chính sách thực tiễn.

Henry Kissinger Ông đánh đồng chính sách thực tiễn với chính sách về quyền lực. Tôi thì không như vậy. Ngay cả Bismarck, một ngưòi cổ vũ cho chính sách thực tiễn, đã từng nói điều tốt đẹp nhất mà một chính khách có thể làm được là lắng nghe những bước đi của Chúa, nắm lấy gấu áo của Ngài, và cùng đi với Ngài đi trên một chặng đường ngắn. Là một chính khách theo đường lối thực tiễn, người ta cần đến những giá trị và trên căn bản những giá trị đó mà ngưòi ta hành động. Tôi không chấp nhận sự phân biệt giữa chính sách thực tiễn và những giá trị! Tôi phân biệt giữa một chính sách thực tiễn và một chính sách ngoại giao lý tưởng. Những ngưòi có lý tưởng tin rằng mỗi một quan niệm có thể thực hiện được trong một thời gian nhất định, tốt nhất phải làm ngay. Những nhà chính sách thực tiễn tin vào những giá trị, tuy nhiên ông ta cũng biết cái gì có thể làm được. Là một nhà chính khách thực tiễn tôi xin nói với ông là: Quá nhiều ngưòi chết vì các cuộc thánh chiến hơn là chết vì các chính khách.

Hỏi: Điều đáng ngạc nhiên hơn là làm sao mà ông lại có thể có quan hệ tốt với nhóm người theo thánh chiến, những người theo trường phái tân bảo thủ của chính quyền Bush như vậy.

Henry Kissinger: Lại một giọng điệu mai mỉa không cần thiết. Giới này đã công kích tôi từ hơn một thập kỷ truớc khi thuật ngữ tân bảo thủ này được phổ cập ở châu Âu. Tôi thường đồng ý với cách phân tích của học phái này nhưng ít khi đồng ý với các giải pháp của họ. Họ không phải là những nhà phân tích chiến lược. Họ là những người Trotzkit lộn ngược khi họ tin rằng chính sách ngoại giao chỉ là một khiá cạnh cuả chính sách đối nội. Học phái này tìm một sự hoà hợp trên toàn thế giới, một loại hạnh phúc phổ quát bằng cách thay đổi chế độ.

Hỏi: Họ muốn xuất khẩu nền dân chủ khắp mọi nơi.

Henry Kissinger: Họ thích nhất là các chính quyền Trung Hoa, Nga, Iran và cả Bắc Hàn sụp đổ. Họ coi đó là một chiến lược trường kỳ. Trái với điều này, tôi tin là người Mỹ vừa không có hiểu biết vừa không có tài năng và sự bền bỉ để làm người cha đỡ đầu cho toàn thế giới.

Hỏi: Vấn đề của chính sách thực tiễn là theo quan điểm này nhân quyền chỉ nằm ở vị trí thứ yếu.

Henry Kissinger: Không, cái đó tùy thuộc vào cách nhấn mạnh. Khi ông không xuất hiện như một chiến sĩ cho thánh chiến thì ông có thể nói chuyện vấn đề vi phâm nhân quyền với người Trung Hoa được. Tôi đang làm điều ấy.

Hỏi: Đúng như vậy không?

Henry Kissinger: Vâng, một cách thường xuyên và nhẹ giọng

Hỏi: Nhưng có đủ mạnh để người ta nghe thấy không?

Henry Kissinger: Những người nào phải nghe điều đó, họ sẽ nghe. Bằng cách này con số ngưòi di dân của Liên Xô từ năm 1969 đến 1972 tăng lên từ 900 đến 39.000 hàng năm. Sau khi vấn đề này trở thành một đề tài tranh luận công khai thì con số người di dân không hề xuống dưới 15.000. Ông biết không, những quyết định liên quan đến chính sách đối ngoại khó khăn là những quyết đinh thuộc tỷ lệ 51 trên 49 phần trăm. Ông chỉ có những quyết định thích ứng khi nào ông có xác định những giá trị cuả riêng mình. Nhưng mà người ta cũng phải chấp nhận lịch sử và văn hoá người khác, dĩ nhiên chỉ trong chừng mực không diễn ra nạn diệt chủng như tại Ruanda hay Darfur.

Hỏi: Ông là một nhà chính trị quan trọng đứng hàng thứ nhì tại Hoa kỳ trong nhiều năm. Đối với ông thì quyền lực có ý nghĩa gì?

Henry Kissinger: Tôi vừa tròn 84 tuổỉ. Quyền lực của tôi qua thời gian có thể nhận ra được. Đối với tôi, quyền lực luôn luôn có nghiã là có khả năng đạt được mục tiêu để lại thế giới những gì tốt đẹp hơn trước khi tôi nhận chức vụ. Ngoại trưởng Mỹ là người ngồi vào bàn làm việc, chìm đắm trong tư tuởng của mình và có thể bấm nút ra lệnh, điều này chỉ các vị nhà báo có thể tưởng tượng ra được. Nhưng khi ông nhận ra những vấn đề quan trọng trong thời kỳ tôi làm việc cho chính quyền thì ông sẽ xác định được thật là cực kỳ khó khăn cho tôi để hoàn thành nhiệm vụ. Đó là những năm tháng đầy ngờ vực, sợ hãi và với ý chí để vượt qua.

Hỏi: Trước khi tới Washington, ông là giáo sư đại học Harvard. Dưới thời Nixon và Ford ông không những phân tích chính trị mà còn làm chính trị.

Henry Kissinger: Vâng, đúng như vậy. Mọi chuyện đã xảy ra khác hơn tôi hy vọng. Hợp lý nhất cho tôi là tôi đã trở thành cố vấn an ninh cho tổng thống Rockfeller. Với Nixon, vấn đề phức tạp hơn khi tôi làm cố vấn an ninh cho ông ta vì trước đó tôi chưa làm việc chung với ông ta bao giờ. Ông ta là một tổng thống khác thường và phức tạp. Có lẽ chính vì thế mà tôi không nhớ vào thời kỳ đó đã từng có ý nghĩ gì: Ta sẽ nhập cuộc và đạt được một số quyền lực. Tôi biết có nhiều nhân chứng đã mô tả như thế trong nhiều cuốn sách. Tôi thì nhớ khác đi.

Hỏi: Ông nhớ như thế nào?

Henry Kissinger: Chúng tôi ở trong chiến cuộc. Có 400 người chết một tuần trong sáu tuần đầu tiên. Chúng tôi mất quá nhiều binh sĩ trong sáu tuần này khi so với nước Mỹ mất trong năm năm vừa qua cộng lại. Đó là những bất ổn đầu tiên. Chúng tôi phải chuẩn bị các đàm phán về giải giới. Và chúng tôi không có tiếp xúc vớí Trung Hoa. Tình hình Trung Đông sôi động. Liên Xô lại vừa chiếm đóng Tiệp Khắc. Chúng tôi phải giải quyết vấn đề năng lượng. Điều quan trọng hơn tất cả là: chúng ta phải tạo một trật tự hoà bình.

Hỏi: Cách đây 30 năm, tháng 01/1977 ông đã rời khỏi chính quyền. Ông có luyến tiếc quyền lực không?

Henry Kissinger: Vâng, chỉ có trong vài năm đầu, về sau thì không.

Hỏi: Khi xưa ông có nói: Quyền lực là một phương tiện kích thích tình dục mạnh nhất, câu này còn đúng không?

Henry Kissinger: Xin ông cho tôi trả lời như thế này: sinh hoạt xã hội ở Washington rất náo nhiệt. Điều này chắc chắn là không khác so với Berlin hiện nay.

Hỏi: Chúng ta nói chuyện với nhau bằng Anh ngữ, mặc dù dĩ nhiên ông vẫn còn nói được tiếng Đức. Ông sinh ra ở Fürth và cùng gia đình di dân vào năm 1938 để tránh nạn tàn sát người Do thái.

Henry Kissinger: Vấn đề của tôi với tiếng Đức là tôi không thể diễn đạt chính xác như tiếng Anh. Nói chuyện riêng tư thì không thành vấn đề. Càng sống lâu ở nước Đức thì tiếng Đức của tôi càng khá hơn. Khi tôi thảo luận với các giáo sư người Đức bằng Đức ngữ, tôi không hiểu họ nói gì nữa. Dĩ nhiên tôi có thể đọc một diễn văn bằng Đức ngữ. Nhưng ông cũng biết là đọc một bài diển văn viết sẵn, tôi đoán chắc là cử toạ sẽ không quan tâm.

Hỏi: Cách đây hai năm trong một cuộc viếng thăm Âu Châu, ông kể rằng ông muốn sẽ đi thăm Fürth. Ông không biết rằng đó có phải sẽ là lần cuối không.

Henry Kissinger: Vâng, từng tuổi như tôi, tôi cũng muốn như vậy. Khi xưa tôi rất thích và đã đi nhiều nơi, bây giờ tôi cảm thấy khó hăn hơn. Lòng tôi vẫn gắn bó với quê hương và qua thời gian cũng không thay đổi.

Hỏi: Sự gắn bó này càng sâu đậm khi tuổi tác càng cao?

Henry Kissinger: Ít nhất tôi không có ý thức về điều này. Cứ mỗi cuối tuần tôi đều luôn nhận thông tin về hội bóng đá của tôi tại Fürth chơi như thế nào. Và tôi muốn nói với ông là đó là một điều bất hạnh. Từ nhiều năm nay các hội bóng đá này đã thường thua khít khao, khi chỉ tính về bàn thắng, để vào chung kết trên bảng liên bang Đức. Nhưng bây giờ tôi cũng quen dần với tên gọi hội bóng đá bây giờ có tên gọi là Greuther Fürth, mà không phải là Fürth. Thời niên thiếu của tôi, tôi không biết Greuther là gì.
Christoph Amend & Matthias Nass
Nguồn: Zeitmagazin Leben Nr. 27, 26. Juni. 2007, trang 14-23
Đỗ Kim Thêm dịch
© Thông Luận 2011


Kinh nghiệm Mỹ tại Đông Nam Á: Hội thảo khảo cứu Lịch Sử (Henry Kissinger) e-ThongLuan
“… Đây là lần đầu tiên Mỹ đụng phải những giới hạn trong chính sách đối ngoại và chấp nhận điều này là cả một đau đớn …”Ngoại trưởng Kissinger: Xin thành thật cám ơn. Tôi phải lưu ý quý vị rằng có một kỷ lục rất khó phá được, đó là lúc tôi vừa là ngoại trưởng, vừa là cố vấn an ninh, quan hệ giữa Bộ Ngoại Giao và Nhà Trắng đã đạt đến một điểm cao chưa từng có (tiếng cười).


Bây giờ, tôi có 20 phút để phát biểu và sau đó trả lời câu hỏi. Khi tôi nghe rằng có người đã xem đến quyển sách của tôi vào năm 1958 (A World Restored - Một Thế Giới Được Phục Hồi phát hành năm 1954) một quyển đã bị tám nhà xuất bản tư nhân và bốn nhà xuất bản đại học từ chối, và đã bán được 1400 bản, thì tôi ý thức rằng đa số những người trong hội trường hôm nay có lẽ chưa sanh ra khi quyển sách đó đến tay độc giả. Richard Holbrooke và tôi tối hôm qua đã bàn về thành phần cử tọa hôm nay, và nghĩ rằng có một số ít đã sống qua những kinh nghiệm như chúng tôi đã trải qua, với những kinh nghiệm sống sôi nổi và biến chuyển không thể tái diễn được.

Còn một nhóm khác (trong cử tọa) thì đã học về những biến cố này từ những giáo sư mà phần đông đã tham gia vào phong trào phản đối trong giai đoạn đó, và họ có quan điểm của họ. Và rồi có một thế hệ mới, và đối với thế hệ này thì những việc này nằm trong quá khứ rất xa. Đêm hôm qua, khi tôi suy nghĩ về việc này, thì nhận thấy rằng đối với thế hệ lớn tuổi của tôi, sự bại trận của Pháp vào năm 1940 là một kinh nghiệm kinh khiếp, đặc biệt là cho những ai đã sống tại Đức Quốc Xã.

Thật ra thì chiến tranh Việt Nam đối với ngày hôm nay cũng tương tự như năm 1900 đối với năm 1940. Đối với tôi, những gì xảy ra vào năm 1900 không liên quan gì lắm đối với những kinh nghiệm của tôi. Ngày hôm nay, tôi đề nghị trình bày với quý vị hoàn cảnh đã đưa đẩy tôi tham gia vào những vấn đề thời cuộc. Tôi cũng sẽ nói về ý nghĩa của những diễn biến đó đối với thế hệ tôi. Rồi sau đó, quý vị có thể tùy nghi đặt câu hỏi.

Trước hết, có một đặc điểm về trường hợp cá nhân tôi quý vị cần hiểu rõ. Tôi có một vị thế cố vấn an ninh rất đặc biệt. Điều này không thể xảy ra trở lại trong thời buổi hôm nay. Tôi chưa từng gặp Richard Nixon khi tôi được ông bổ nhiệm. Trước đó, tôi đã bỏ 12 năm của đời tôi để tìm cách ngăn chận không cho ông ta trở thành tổng thống (tiếng cười). Lúc đó tôi là cố vấn trưởng về chính sách đối ngoại cho Nelson Rockefeller. Cho nên khi tôi thấy một số sách kể lại rằng tôi đã sắp đặt kỹ càng việc tiến thân vào chức vụ đó ... quý vị cần biết rằng tôi là bạn thân của Nelson Rockefeller, và thật ra thì tôi quen với Hubert Humphrey nhiều hơn. Và tôi hoàn toàn không quen biết Nixon.

Đối phó với vấn đề Việt Nam là một công việc trí thức, và một công trình tầm quốc gia. Như đa số quý vị biết, trước đó tôi là một tư vấn cho Nhà Trắng thời Kennedy trong cuộc khủng hoảng Berlin, nhưng công việc tôi không liên quan gì đến Việt Nam. Nhưng nhờ vậy, tôi quen biết một số nhân vật then chốt từ chính quyền trước. Họ là những bạn của tôi, và tôi kính trọng những người này. Trước đó tôi đã rất khâm phục tinh thần yêu nước của Dean Rusk và cách hành xử của ông khi tại chức. Và qua đó tôi đã thấy được nỗi vất vả của những ai phải đối phó với vấn đề Việt Nam.
Cho nên đối với tôi, những cuộc tranh cãi diễn ra sau đó làm tôi thật sự đau lòng và theo tôi, những tranh cãi đó có tính cách nội chiến đúng như sau này người ta thường nghĩ. Theo quan điểm của tôi, tôi biết vì sao thế hệ đi trước đã bước chân vào chiến tranh Việt Nam. Tôi đồng ý với một số quan điểm của thế hệ này, và không đồng ý với một số quan điểm khác của họ. Nói chung, tôi thấy không có gì phải đạo đức hóa vấn đề, gây chia rẽ trong nội bộ chúng ta. Nhưng tôi đã lầm to khi mới bước vào chính quyền cứ nghĩ rằng tôi có thể đóng góp bằng cách dung hòa những quan điểm khác nhau.

Chiến tranh Việt Nam là một thảm kịch không phải vì là một vấn đề gây bất đồng ý kiến. Điều này tất nhiên không tránh khỏi do tính phức tạp của vấn đề. Nhưng lòng tin giữa người Mỹ lẫn nhau đã bị tàn phá. Đây là lần đầu tiên Mỹ đụng phải những giới hạn trong chính sách đối ngoại và chấp nhận điều này là cả một đau đớn.

Cho nên những chỉ trích thông thường nhắm vào các quyết định có thể bị đặt nghi vấn ở giai đoạn này hay giai đoạn kia vô hình chung biến thành một vấn đề đạo đức. Trước hết, chính sách ngoại giao Mỹ nói chung bị xem như không còn đạo đức, và sau đó nước Mỹ bị xem như không còn đủ khả năng đạo đức để theo đuổi một chính sách ngoại giao thuần túy. Thảm kịch là ở đó.

Quan điểm tôi tuyệt đối không thay đổi về chủ đề này. Tôi nghĩ đa phần những gì đã đổ vỡ trong vấn đề Việt Nam là do chúng ta tự làm hư việc. Mặc dù tôi ủng hộ chính sách hiện nay của nhà cầm quyền đối với Việt Nam, và rất vui mừng thấy sự hiện diện của những đại diện Việt Nam tại đây, tôi vẫn giữ vững lập trường của tôi như từ trước. Có lẽ tôi sẽ hài lòng với một kết cuộc khác, hay ít nhất tôi ước muốn kết cuộc tại Việt Nam đã không liên quan mật thiết với tình trạng phân hóa của chúng ta. Tôi mong quý vị hiểu rằng đó là cái nhìn của tôi khi trước và cũng là cái nhìn của tôi bây giờ.

Gần đây tôi vừa đọc qua một quyển sách phát hành tại Hà Nội về những đàm phán giữa tôi và Lê Đức Thọ mà theo tôi sách đó kể lại chính xác đến 98 phần trăm. Những điểm không chính xác là những điểm không quan trọng hoặc là vấn đề quan điểm. Và sách đó làm rõ nét một khác biệt căn bản giữa Mỹ và Hà Nội: Mỹ muốn thỏa hiệp, Hà Nội muốn chiến thắng.

Một trong những điều lý thú là việc tôi phải đối phó với Lê Đức Thọ hằng ngày, và ông ta có thể rất khó chịu. Ông ta dường như một bác sỹ giải phẫu dùng dao mổ chúng tôi với nhiều khéo léo, và luôn luôn lịch sự. Nhưng theo quyển sách nói trên, thỉnh thoảng ông ta nhận lệnh từ Hà Nội rằng đàm phán không thể tiếp tục cho đến khi có thay đổi trên mặt quân sự. Và mục đích của ông ta là đẩy chúng tôi đến điểm đó. Tôi nói điều này với tất cả sự tôn trọng dành cho ông ta. Việc này cũng dễ hiểu thôi. Người Việt Nam đã chiến đấu 50 năm không phải để đi đến thỏa hiệp mà để thống nhất đất nước họ. Mục đích khách quan của chính sách Mỹ là nhằm bảo vệ một Nam Việt Nam có thể đứng vững với triển vọng là sẽ có cơ hội để trưởng thành. Và đó là mục đích chúng tôi theo đuổi hằng ngày (trong đàm phán). Đó là một thực tế phải nhìn nhận.

Trong nhận định về những gì chúng tôi đã làm hoặc không làm trong cuộc đàm phán, và những gì chúng tôi đáng lẽ phải đề nghị hay không đề nghị, chỉ có một vấn đề không giải quyết được. Vấn đề đó là Nam Việt Nam có nên trở thành một thực thể chính trị hay không, có được phép phát triển những cơ chế riêng hay không, hay ngược lại, ta phải đặt mục tiêu đầu tiên là thống nhất. Tất cả những đề nghị đã gây tranh cãi sôi nổi như ngưng bắn và những dàn xếp này nọ đã được giải quyết mau lẹ. Vấn đề không giải quyết được là liệu chính quyền hiện hữu của Nam Việt Nam có thể được duy trì, và liệu chính quyền đó có điều kiện sống còn hay không. Một khi việc đó đã ngã ngũ thì chúng tôi đi đến đồng thuận rất mau. Vài người trong hội trường này có thể nghĩ đồng thuận đã đạt quá mau. Tôi sẵn sàng trả lời những câu hỏi về vấn đề này và những gì liên quan. Nhưng đây là một điểm quý vị cần hiểu rõ.

Chúng ta hãy nhìn lại tình hình ra sao lúc chính phủ Nixon nhậm chức. Cuộc chiến đã kéo dài từ 4 đến 5 đến 15 năm tùy theo cách tính theo điểm khởi đầu là giai đoạn Truman hay giai đoạn Kennedy hoặc lúc chúng ta gởi quân tác chiến sang. Vào thời điểm đó, (lúc Nixon nhậm chức) có 550 ngàn (đúng hơn là 536 ngàn) lính Mỹ tại Việt Nam. Vào năm 68, trong phần nửa năm sau của 1968, mức thương vong là khoảng 400 một tuần. Và cuộc tấn công Tết (Mậu Thân) đã xảy ra đầu năm 1968. Nhiều người hôm nay xem Tết Mậu Thân là một chiến thắng quân sự của Mỹ, nhưng một chiến bại mặt tâm lý. Lúc đó thì trận đó không được nhìn nhận là một chiến thắng quân sự, và có tác động chứng tỏ rằng Mỹ không thắng được. Những cuộc đàm phán chỉ mới bắt đầu. Lập trường chính thức của Mỹ là rút quân song phương trong đó ta sẽ bắt đầu rút sau Bắc Việt. Và chính phủ trước đã để lại tài liệu do Harriman và Vance thảo, với nhận định rằng sau khi dàn xếp, số lính Mỹ cần phải giữ lại tại Việt Nam là 260 ngàn.

Chiến lược căn bản và những gì chúng tôi dự định thực hiện là như thế này. Có hai trường phái, nhưng chỉ có một là được cứu xét để thực thi. Quan điểm cá nhân của tôi là chúng ta phải đưa ra một đề nghị hòa bình sâu rộng và toàn diện. Nếu đề nghị bị bác bỏ, ta sẽ gia tăng hoạt động quân sự rồi xem chúng ta đạt được gì. Với đề nghị đó, cựu Ngoại trưởng Vance đã sang Mát-scơ-va để thương thuyết với Việt Nam. Và chúng ta trình bày với Liên-Xô một đề nghị đi xa hơn bất cứ những đề nghị nào khác. Nhưng chúng ta không bao giờ được trả lời. Người Nga không bao giờ trả lời và người Việt Nam không bao giờ trả lời.

Lúc đó chúng tôi từ từ nghiên cứu nới rộng hoạt động quân sự, và việc này có thể những nhà báo điều tra tìm hiểu thêm. Nhưng quyết định cuối cùng đi đến là chúng tôi sẽ rút quân dần dần, cùng lúc đó đàm phán, và chúng tôi hy vọng rằng mọi việc có thể đưa đẩy khiến Hà Nội chấp thuận đề nghị chính trị căn bản của ta. Tôi không thể đi vào chi tiết của từng giai đoạn. Nhưng trong vòng bốn năm, chúng ta đã đạt được mục tiêu nói trên.

Một trong những người cộng tác với tôi lúc đó là Winston Lord. Khi diễn ra cuộc hành quân sang Cam-Pu-Chia, ông ta tỏ ý muốn từ chức. Tôi nói với ông rằng: “Anh có thể từ chức rồi cầm biểu ngữ (phản đối) đi chung quanh tòa nhà này, hoặc anh có thể giúp tôi chấm dứt vấn đề này. Anh thử hình dung trong 20 năm nữa, anh sẽ hài lòng hơn với lựa chọn nào”. Và ông ta đã ở lại.
Nhiều khi người ta hỏi tôi giây phút nào cảm động nhất khi tôi nằm trong chánh quyền. Tôi phải nhìn nhận lúc tôi càm động nhất là vào tháng 10 năm 1972, khi Lê Đức Thọ chấp nhận những đề nghị mà chúng tôi đưa ra hồi tháng Giêng năm đó, về cơ cấu của chánh quyền (sẽ hình thành). Thật ra thì ông ta chỉ đọc một tuyên cáo, nói rằng “Chung quy, đây là những gì các anh đã đề nghị”. Khi ông ta đọc xong, tôi bắt tay Winston và nói “Chúng ta đã thành công”. Bây giờ nghĩ lại thì chúng ta đã không thành công vì nhiều lý do. Có lẽ một cách khách quan thì những gì chúng tôi muốn thực hiện là bất khả thi, nhưng tôi phủ nhận điều đó. Và vấn đề này thì có thể còn tiếp tục tranh luận.

Ông Lê Đức Thọ và ông Kissinger

Nhưng vấn đề chủ yếu là kết hợp của vụ Watergate và chia rẽ nội bộ chúng ta đã đưa đến cắt giảm 2/3 viện trợ cho Việt Nam trong khi giá dầu lửa đang gia tăng, và với kết quả là viện trợ quân sự cho Việt Nam bị cấm. Điều này chúng ta chưa từng đòi hỏi nơi một đồng minh của chúng ta. Đó là cái nhìn của tôi về những gì đã xảy ra.

Tất nhiên có nhiều giai đoạn trong tiến trình đó. Nhưng tôi xin chỉ đề cập đến một điểm. Trung Quốc và chúng tôi đã đạt một thỏa thuận về Cam-Pu-Chia và thỏa thuận đó dự định có hiệu lực sau một chuyến đi của Sihanouk. Và trong đó có khoản về việc Mỹ dội bom tại Cam-Pu-Chia, và chúng tôi vẫn duy trì dội bom vì Khờ-Me Đỏ không tôn trọng ngưng bắn.

Khi thượng nghị sĩ Magnuson viếng thăm Trung Quốc, ông ta gặp Chu Ân Lai, và Chu Ân Lai than phiền về việc Mỹ dội bom Cam-Pu-Chia vì vấn đề liên quan đến phần cam kết Chu Ân Lai xem đã đạt được. Magnuson khi đó nói: “Ông đừng lo, Quốc Hội đã vừa chấm dứt việc dội bom”. Chu Ân Lai đã nổi giận và bắt đầu đập bàn vì điều này làm ông mất uy tín. Nhưng điểm chủ yếu tôi muốn nêu là như thế này: chúng ta không thể theo đuổi một cuộc chiến khi nội bộ đất nước chia rẽ. Chúng ta có bổn phận tin tưởng nơi chính quyền chúng ta. Chúng ta không thể biến những vấn đề nội bộ thành một cuộc tranh chấp đạo đức trong đó một số người tự cho độc quyền thiện chí (...không nghe rõ)
Có một số bài học cho chúng ta. Khi chúng ta dự định lâm chiến, ta cần định rõ ý nghĩa việc này căn cứ trên một phân tách chiến lược toàn cầu. Lý do đưa đến cuộc chiến là một phần định nghĩa thế nào là chiến thắng. Thế bế tắc không phải là một chiến lược, và chiến thắng phải có tính khả thi trong khuôn khổ một khoảng thời gian mà dư luận Mỹ chấp nhận được.

Tôi không thích từ “chiến lược ra đi”. Nếu chúng ta chỉ đến để rồi ra đi thì có lẽ chúng ta không nên đến. Khi được đệ trình lên tổng thống, chiến lược này phải nằm trong một khuôn khổ ngoại giao dài hạn. Ngoại giao và chiến lược phải song hành chứ không thể luân phiên như những giai đoạn của một chính sách. Và điều tiên quyết là chính quyền cũng như giới chỉ trích phải giới hạn tranh cãi, vì sự đoàn kết của đất nước đã và sẽ luôn là niềm hy vọng cho cả thế giới.

Tôi rất vui mừng rằng Richard Holbrooke sẽ nói chuyện sau phần trình bày của tôi. Chúng tôi trải qua những kinh nghiệm giống nhau, nhưng không nhất thiết theo cùng quan điểm, mặc dù chúng tôi luôn tôn trọng nhau. Chúng tôi gặp nhau tại Hà Nội và Sài Gòn khi còn là trai trẻ đầy hứa hẹn, và có lẽ anh Richard nhiều hứa hẹn hơn tôi (tiếng cười). Vào lứa tuổi đó, tôi cứ tưởng là những người cỡ tuổi của tôi bây giờ khi sanh ra là đã già rồi (tiếng cười), tôi cứ tưởng họ luôn trong trạng thái đó.

Xin cám ơn quý vị đã mời tôi. Đây là một dịp đặc biệt và cảm động trong đời tôi. Tôi cũng xin ngỏ lời chào những đại diện Việt Nam ở đây, và bày tỏ nỗi vui mừng trước quan hệ lớn mạnh giữa hai nước chúng ta. Nhưng điều đó không làm giảm nỗi buồn của tôi khi nghĩ đến những gì đã định đoạt chiều hướng của chiến tranh Việt Nam.

Thành thật cám ơn quý vị, và bây giờ tôi sẽ trả lời câu hỏi (tiếng vỗ tay).

Đại Sứ Brynn (chủ tọa): Cám ơn Tiến sĩ Kissinger. Tiến sĩ Kissinger dọn đường khéo léo để đưa chúng ta vào phần thảo luận. Tôi xin yêu cầu quý vị đặt câu hỏi thay vì đưa ra nhận định, để chúng ta không bỏ phí sự hiện diện của Tiến sĩ Kissinger tại đây, trong khoảng từ bây giờ cho đến 11 giờ.

Chúng tôi có hai vị từ Văn Phòng Sử Gia sẽ cầm máy ghi âm hai bên. Nếu muốn đặt câu hỏi, quý vị giơ tay và sau khi trả 50 đồng họ sẽ đến để cho quý vị phát biểu (tiếng cười). Cám ơn quý vị.

Hỏi: Thưa Tiến sĩ Kissinger, tôi muốn hỏi về một điều liên quan đến khái niệm mà các sử gia gọi là chiến lược “khoảng thời gian tươm tất”, tức là quan niệm rằng chính sách của Mỹ là nhằm tạo cách khoảng thời gian vừa đủ giữa khi Mỹ rút đi và khi Cộng Sản chiếm lấy miền Nam. Tôi nghĩ là ông biết một số sự kiện về vấn đề này. Tôi mong ông cho biết lúc đó ông có nghĩ rằng Nam Việt Nam có khả năng đứng vững lâu dài như một quốc gia hay không.

Ngoại trưởng Kissinger: Trước hết, theo quan điểm sử gia thì khi thấy ai khẳng định điều gì, họ cần tự hỏi về bối cảnh khi những khẳng định đó được đưa ra. Anh sẽ thấy rằng những nhận định mà bị ghép vào loại liên quan đến khoảng thời gian vừa phải, hầu hết là những khẳng định nhắm về phía bên kia (phía Cộng Sản). Và ý nghĩa của những khẳng định đó là chúng tôi sẵn sàng chấp nhận một cuộc tranh đua chính trị, và chúng tôi sẽ tôn trọng kết quả của cuộc tranh đua chính trị đó. Nhưng nói như thế không có nghĩa rằng chúng tôi sẽ buông tay trước kết quả của cuộc tranh đua chính trị, mà chúng tôi sẵn sàng ủng hộ người đồng minh trong cuộc tranh đua đó.

Nhưng tại Mỹ thì chúng ta lại có hiện tượng cãi nhau và đòi “Các anh phải rút ra ngay bây giờ. Việc các anh đã can thiệp vào (Việt Nam) là vô đạo đức”. Nhưng rồi sau đó chúng tôi lại bị lên án phản bội khi dự định rút đi và khi chúng tôi đang tranh đấu để tạo một cơ hội cho người dân Nam Việt Nam.

Lúc đó thì chúng tôi ước lượng những gì sẽ xảy ra? Chúng tôi biết thỏa thuận đạt được rất bấp bênh. Chúng tôi biết Bắc Việt không chiến đấu 50 năm chỉ để trở thành một quốc gia Bắc Việt Nam, cho nên chúng tôi nghĩ rằng tranh chấp sẽ tiếp diễn. Chúng tôi nghĩ – và có thể là sai lầm ở đây – rằng người Nam Việt Nam đã chứng minh trong năm 1972 rằng khi có một cuộc tổng tấn công của Bắc Việt, thì họ có thể chịu đựng một chấn động đáng kể mà tiếp tục sống còn về mặt chính trị và ngay về quân sự.

Nếu quý vị nhìn sắp đặt của thỏa thuận thì Bắc Việt có thể giữ lực lượng của họ tại chỗ, nhưng không thể tiếp tế hay đưa vào thêm lực lượng mới. Chúng tôi nghĩ Nam Việt Nam có thể đối phó với tình trạng này. Chúng tôi cũng nghĩ rằng nếu có một cuộc tổng công kích, chúng tôi sẽ can thiệp để giúp người miền Nam, ít nhất là bằng không lực và hải quân. Nhưng điều đó đã bị Quốc Hội cấm 6 tháng sau. Khi các anh đi đến một thỏa thuận, mà anh không được bảo đảm thỏa thuận đó bằng viện trợ kinh tế hay sức mạnh quân sự thì xem như anh đã đầu hàng.

Đành rằng chúng ta không thể cam kết duy trì một chính quyền một cách vĩnh viễn và trong mọi tình huống. Và trong nhãn quang đó thì khái niệm “khoảng thời gian tươm tất” có ý nghĩa của nó. Nhưng mà như quý vị thấy, ngay trong những ngày tháng cuối cùng chúng tôi đã không buông xuôi và bỏ rơi một dân tộc cho số phận của họ. Các anh biết rằng chúng tôi lúc đó ước muốn điều gì. Nhưng chúng tôi chỉ có thể hành động trong phạm vi khả thi. Vừa rồi là tóm tắt suy nghĩ của chúng tôi.

Hỏi: Ông có đề cập trong phần nhận định của ông về dư luận và tầm quan trọng của dư luận Mỹ hiểu theo nghĩa rộng. Tôi muốn hỏi ông về vai trò của truyền thông trong lãnh vực đưa tin và về phương diện ảnh hưởng dư luận. Giới truyền thông lúc đó có ảnh hưởng gì đến chiến lược và chính sách ngoại giao theo đuổi tại Việt Nam, và có ảnh hưởng gì đến kết cuộc tại Việt Nam. Xin cám ơn.

Ngoại trưởng Kissinger: Tôi phân biệt giữa dư luận và truyền thông. Nếu chúng ta có thể định nghĩa được thế nào là dư luận, thì tôi nghĩ dư luận lúc đó ủng hộ chiều hướng chung của chính sách. Ngược lại, giới truyền thông có thái độ rất thù địch và họ tin vào quan điểm cho rằng chính quyền gian ác của Johnson và rồi Nixon có hành vi lừa dối và lường gạt để duy trì chính sách hiếu chiến. Và điều đó gây rất nhiều khó khăn khi chúng tôi muốn thực thi chính sách; lúc đó mọi dấu hiệu đều cho thấy rằng Bắc Việt đang chuẩn bị một cuộc tổng công kích mùa xuân năm 1972. Nhưng chúng tôi phải giảm bớt hoạt động phía ta vì không muốn bị quy trách nhiệm trong biến cố mà chúng tôi biết dù gì cũng xảy ra. Và đó là một trong những cuộc đụng độ (với truyền thông).

Nhưng nhà cầm quyền Nixon có lẽ thiếu khéo léo trong quan hệ đối với truyền thông; nhiệm kỳ Nixon có khuynh hướng đối đầu. Tôi không muốn đổ lỗi cho bất cứ cá nhân hay nhóm nào. Tôi chỉ muốn mô tả một tình huống xảy ra lúc đó mà tôi nghĩ mọi người đều có bổn phận không cho tái diễn. Nhưng nói chung, vai trò của truyền thông lúc đó tất nhiên là có hại nhiều.

Tuy nhiên, luôn luôn có những ngoại lệ. Tại tờ Washington Post, có một tay viết tên là Chalmers Roberts. Tôi không biết có ai ở đây nhớ ông này không. Ông ta đã thật sự nghiên cứu vấn đề Việt Nam. Thỉnh thoảng ông ta gọi tôi, không phải để săn tin, mà để lưu ý tôi về một lời phát biểu nào đó mà có thể có tầm quan trọng. Vì vậy, tôi không muốn dành lời chỉ trích vừa rồi cho tất cả những nhà báo đã gặp. Nhưng giới truyền thông tự họ không chịu nhìn nhận sự phức tạp của vấn đề mà nhà cầm quyền Nixon phải đối phó. Ở đây có sự hiện diện của con và cháu của Dean Rusk. Những người như Dean Rusk, McNamara, và Johnson, những người tôi biết, họ muốn kết thúc chiến tranh bằng mọi cách.

Cho nên khi nói đến những bình luận về ý định của những vị nói trên, và thái độ hiếu chiến .... Tôi xin các bạn Việt Nam có mặt ở đây tha thứ cho tôi. Một khi cuộc chiến đã bắt đầu thì nó chỉ có thể kết thúc bằng thắng hay thua. Và thắng ở đây có nghĩa là giữ được một cơ cấu chính trị nào đó. Nhưng không có cách nào chúng tôi có thể tìm một thế thương thuyết để giành đi những gì mà Bắc Việt Nam đã chiến đấu 50 năm để đoạt lấy. Nhưng giới truyền thông đã biến vấn đề thành chuyện trinh thám và xem chúng tôi có dò đoán được ý định của Bắc Việt hay không. Nếu chúng tôi đoán sai thi có thể là họ (Bắc Việt) bị hụt hẩn. Theo tôi đó không phải là cách ứng xử của Bắc Việt. Họ không sống còn một ngàn năm bên cạnh láng giềng Trung Quốc bằng cách ứng xử mềm dẻo. Tôi xin qua câu hỏi kế tiếp.

Hỏi: Tôi là Nick Ters, Viện Nghiên Cứu Radcliffe, Đại Học Harvard. Khi ông điều trần trước thượng viện vào năm 1973 để được bổ nhiệm, ông nói rằng Mỹ không dội bom người Cam-Pu-Chia, chỉ dội bom người Bắc Việt Nam và nước Cam-Pu-Chia. Nhưng trong quyển Chấm Dứt Chiến Tranh Việt Nam vào năm 2003, ông đã trích một con số thương vong là 50 ngàn thường dân Cam-Pu-Chia theo Bộ Quốc Phòng. Tôi muốn biết ông sẽ thay đổi lời điều trần của ông như thế nào ngày hôm nay.

Ngoại trưởng Kissinger: Tại sao tôi lại phải sửa đổi lời điều trần (tiếng cười)? Vì lý do gì?

Chúng tôi không dội bom bừa bãi người Cam-Pu-Chia trên đất nước họ. Tại sao chúng tôi lại muốn cản trở Khờ-Me Đỏ chiếm lấy Cam-Pu-Chia? Tôi không hiểu câu hỏi của ông, ngoại trừ ngụ ý là tôi đã không nói sự thật.

Khi ta nói về dội bom Cam-Pu-Chia, có ba chiến dịch dội bom khác nhau ở Cam-Pu-Chia. Có cái gọi là cuộc dội bom bí mật, bí mật đến nỗi nó là chủ đề của 7 bài viết trên báo Washington Post và báo New York Times, và 24 dân biểu cao cấp đã được phúc trình về vụ này. Những vùng dội bom là những vùng không dân cư, và tôi không nghĩ là đã có thương vong đáng kể. Một điều có thể tranh cãi là liệu dội bom như vậy có đẩy quân Bắc Việt vào sâu hơn trong lãnh thổ Cam-Pu-Chia hay không.

Chiến dịch dội bom thứ hai đi liền với cuộc hành quân của quân Mỹ và Việt Nam sang Cam-Pu-Chia. Tôi nghĩ là thương vong trong trường hợp này thì bằng như trung bình của những cuộc hành quân tại Việt Nam. Và tôi muốn nêu rõ rằng không có một hình ảnh nào về một cuộc dội bom “diệt chủng” đã được phổ biến, như vậy tôi cho rằng việc đó đã không xảy ra.

Và rồi có một giai đoạn thứ ba giữa tháng Hai năm 1973 và tháng Sáu năm 1973, khi chúng tôi tìm cách chận đứng Khờ-Me Đỏ và cản họ chiếm lấy Cam-Pu-Chia với e ngại sai lầm rằng Khờ-Me Đỏ là một công cụ của Hà-Nội và chúng tôi muốn dùng việc dội bom để thương thuyết thiết lập một chính quyền nhiều thành phần tại Cam-Pu-Chia. Quý vị có thể tìm xem những quy tắc giao chiến trong cuộc dội bom đó trong phần phụ đính của quyển sách của tôi về chấm dứt chiến tranh Việt Nam cũng như trong phụ đính của tập 3 của hồi ký của tôi. Và theo quy tắc giao chiến này thì không được dội bom trong vòng một dậm cách nơi cư ngụ thường dân và ném bom phải đươc chấp thuận bởi chính quyền Cam-Pu-Chia và trên hết là đại sứ của ta dựa theo lời khuyến cáo của người chỉ huy tại địa phương.

Những lỗi lầm có xảy ra không? Trong cuộc điều tra mà tôi đã trích dẫn đoạn về quy tắc giao chiến, có hai trường hợp phạm lỗi vì có thường dân sống trong vòng giới hạn. Nhưng đại khái đó là ba chiến dịch khác nhau. Và tất nhiên, những chiến dịch đó không nhắm vào người Cam-Pu-Chia; đó là một khía cạnh của phương thức chấm dứt chiến tranh Việt Nam.

Hỏi (hỏi bằng tiếng Việt, qua người thông dịch): Tôi sẽ cố gắng dịch chính xác. Câu hỏi thứ nhất, là về lời khẳng định của ông, rằng hòa bình trong tầm tay. Người hỏi muốn biết vì sao lại nói hòa bình trong tầm tay, và lý do gì đã có cuộc dội bom Giáng Sinh (1972)? Ông làm cách nào để dung hòa hai sự việc này? Câu hỏi thứ hai là về việc nhận định của ông về Lê Đức Thọ, đặc biệt là về điểm ông Lê Đức Thọ đã làm ông già đi, một điểm mà ông đã nêu trong phần đầu buổi nói chuyện.

Ngoại trưởng Kissinger: Về vấn đề gì?

Hỏi: Tại sao lại nói Lê Đức Thọ đã biến ông thành một ông già? Đã làm ông già đi? Đây là một điểm ông đã nêu lúc đầu.

Ngoại trưởng Kissinger: À, tôi có nói lúc mới vào rằng mặc dù bề ngoài tôi như thế này, nhưng thật sự tôi trẻ hơn nhiều (tiếng cười). Ông Lê Đức Thọ đã làm tôi già đi. Trước hết, tôi xin nói vài điều về việc “hòa bình trong tầm tay”. Sau đó tôi sẽ nói về Lê Đức Thọ.

Trước hết, về câu “hòa bình trong tầm tay”. Khi tôi đọc các sách viết về việc này, họ mô tả như tôi xuất hiện từ sau một tấm màn, hô lên câu “hòa bình trong tầm tay”, rồi rút lui và biến mất sau tấm màn (tiếng cười), để sau đó Richard Nixon có thể thắng cử, trong khi ông ta đang dẫn 20 điểm và đang lo ngại rằng tôi phát biểu linh tinh có thể làm mất lòng thành phần bảo thủ.

Ai muốn biết về câu “hòa bình trong tầm tay” nên đọc lại bài họp báo. Đó là một tài liệu 10 trang và trong đó tôi trình bày từng điều khoản một về thỏa thuận. Và với tất cả sự tôn trọng (với những nhà báo) các anh nhà báo tài giỏi có thể đọc qua tài liệu này và nêu lên những điểm hợp lý, hay phi lý, và họ có thể kết luận rằng tài liệu này phi lý. Ngoài ra, tôi cứ tưởng đó là một buổi phúc trình về tình hình. Tôi không ngờ nó sẽ được phát đi trực tiếp. Nhưng mục đích của tôi hôm đó là gì?

Trước đó, chúng tôi đã đạt được thỏa thuận với Bắc Việt tại Paris. Nhưng tình hình tại Sài Gòn cho thấy rằng chúng ta không thể đi đến thỏa thuận. Chúng tôi cứ tưởng rằng Sài Gòn phải chấp nhận. Nhưng phỏng đoán đó đã là một sai lầm. Chúng tôi tưởng ông Thiệu sẽ mừng rỡ là ông còn tiếp tục tồn tại, rằng chính quyền ông còn được duy trì; chúng tôi tưởng ông ta sẽ không mặc cả vì những điều khoản phụ thuộc. Nhưng trên thực tế, ông ta phải tiếp tục sống ở đó. Cho nên chúng tôi quyết định không áp đặt thỏa thuận với ông ta trước cuộc bầu cử. Trước hết chúng tôi phải thuyết phục Hà Nội rằng chúng tôi quyết tâm theo sát khuôn khổ của thỏa thuận và vì vậy chúng tôi đã khẳng định những điều khoản chính.

Chúng tôi còn phải thuyết phục Sài Gòn rằng chúng tôi sẵn sàng thực thi. Hình như vào cuối cuộc họp báo, tôi có nói “Chúng tôi chỉ thực thi thỏa thuận này khi nào mọi điều kiện thuận lợi, khi mọi việc sẵn sàng. Và một khi bắt đầu thực thi thì chúng tôi sẽ không ngừng”. Đó là mục đích của việc “hòa bình trong tầm tay”. Chúng tôi phải đối phó với một hoàn cảnh phức tạp. Chúng tôi muốn Sài Gòn tin rằng chúng tôi thật tâm. Và chúng tôi đã kêu gọi Hà-Nội chấp nhận một vài sửa đổi.

Bây giờ, nói về ông Lê Đức Thọ. Đây cũng như quý vị hỏi ý kiến người bệnh về người bác sĩ giải phẫu của mình. Tôi rất kính phục ông Lê Đức Thọ. Ông ta là đại diện một nước nhỏ, ông không nhiều kinh nghiệm quốc tế, mà đối diện với đại diện một nước siêu cường với tất cả bình tĩnh, với kỷ luật, và luôn theo đuổi chiến lược của ông. Tôi biết rõ mục đích của ông là làm kiệt sức chúng tôi. Một ví dụ điển hình là ông đọc lời mở đầu với đoạn hùng hồn kể lại lịch sử Việt Nam kéo dài 40 phút. Và ông cứ làm như vậy nhiều lần, nên tôi thuộc nằm lòng đoạn kể về lịch sử (tiếng cười). Và một trong những câu ông ta thường nói là: “Nếu các anh cố gắng nhiều, thì chúng tôi sẽ cố gắng nhiều”. Rồi một hôm ông ta nói “Nếu các anh cố gắng nhiều thì chúng tôi sẽ cố gắng.” Để thay đổi không khí, tôi lưu ý ông ta: “Thưa ông cố vấn đặc biệt, tôi nhận thấy là ông đã bỏ một tính từ trong lời ông vừa nói”. Và ông ta đáp: “Tôi vui mừng là ông đã chú ý điều đó”. Ông nói tiếp: “Bởi vì hôm qua chúng tôi cố gắng nhiều và các anh chỉ cố gắng thôi” (tiếng cười).

Ông ta là một người khéo léo. Ông theo đuổi một mục đích. Theo tôi, mục đích của ông là đòi hỏi chúng tôi thực hiện một điều căn bản là lật đổ chính quyền Sài Gòn, nếu không họ sẽ mở một cuộc tấn công. Chúng tôi không chấp nhận lật đổ chính quyền Sài Gòn. Cho nên họ đã mở cuộc tấn công. Và khi cuộc tấn công không thành công, họ trở lại bàn hội nghị. Tôi rất vừa lòng khi đọc được trong một quyển sách phát hành ở Hà-Nội rằng ông Lê Đức Thọ có ba chọn lựa để chấp nhận thỏa thuận và cuối cùng ông đã chấp nhận chọn lựa đi xa nhất theo quan điểm của tôi. Nhưng ông đã mất ba tháng trời trước khi quay lại bàn hội nghị.

Như vậy, tóm lại, tôi rất quý trọng ông ta vì ông là một nhà chiến lược khôn khéo và có quyết tâm, và ông luôn có lối cư xử lịch sự và khéo léo. Nhưng có lẽ “nhan sắc” tôi còn tươi đẹp hơn nếu tôi không phải đối phó với ông ấy (tiếng cười).

Đại Sứ Brynn: Tôi xin can thiệp vào đây. Xin mời ông Rusk nêu câu hỏi của ông.

Hỏi: Thưa Tiến sĩ Kissinger, tôi tên là Rich Rusk. Tôi là con trai thứ hai của Dean Rusk. Xin cám ơn ông đã có những lời trân trọng về cha tôi. Tôi cũng rất quý trọng công việc ông đã làm trong những năm tại chức, và tất cả những gì ông cố gắng thực hiện. Tôi không ủng hộ những người đã chỉ trích chính sách đối với Việt Nam. Thành thật mà nói, vào lúc tất cả những sự việc này đang xảy ra, tôi rất thù ghét những người chống chiến tranh.

Nhưng thưa Tiến sĩ Kissinger, khi ông nói đa phần những gì không thành công ở Việt Nam là vì chính chúng ta tự làm hư việc, thì theo tôi, những gì hư hỏng là do quyết định của ba chính phủ và một nhóm nhỏ cố vấn trong đó có cha tôi. Và ba chính phủ này đã gởi quân Mỹ sang để chống lại một nhân vật và một phong trào đã đuổi người Nhật ra khỏi Đông Dương vào lúc Thế Chiến Thứ Hai, và đã đuổi người Pháp đi sau đó, một nhân vật đã kết tụ được tinh thần quốc gia của người Việt Nam. Cha tôi không bao giờ phủ nhận phần trách nhiệm của ông ta trong những quyết định đó. Tôi cũng không cho rằng ông đã phủ nhận phần trách nhiệm của ông. Tất nhiên, cha tôi đã áp dụng sai một vài bài học ông đã học từ Thế Chiến Thứ Hai.

Câu hỏi của tôi thưa ông, vì tôi ý thức là phải hỏi câu hỏi chứ không chỉ phát biểu, câu hỏi của tôi là suy nghĩ của tôi có gì sai lệch, ngay cả cho đến ngày hôm nay? Hoặc hỏi cách khác, suy nghĩ của ông đã bị sai lệch chỗ nào?

Ngoại trưởng Kissinger: Chúng ta tự làm hư việc, và trong đó có những nhận định sai lầm. Chúng ta đã sai lầm về tương quan giữa chiến lược Liên Xô và Trung Quốc, giữa chiến lược Trung Quốc và Bắc Việt, khiến chúng ta can dự vào cuộc chiến trong giai đoạn đầu. Có những nhận định theo tôi dựa trên kinh nghiệm từ chính sách ngăn chận tại Châu Âu. Đó là những nhận định có thể hiểu được, nhưng trên một số bình diện có sai lầm. Nhưng theo thiển ý, nói như vậy không có nghĩa là phải chấp nhận sự tranh cãi ác liệt và đầy ác ý đã diễn ra sau đó.

Chúng tôi không đưa quân sang bên đó. Chúng tôi đã rút quân về. Khi chúng tôi nhậm chức, có 540 ngàn quân bên đó. Chúng tôi rút quân với trung bình 150 ngàn một năm. Tôi nghĩ những người bạn Việt Nam ở đây cũng hiểu vấn đề rút quân. Có 800 ngàn quân Bắc Việt hiện diện trong nước. Và 1 triệu quân nhân Nam Việt Nam có thể trở thành mối đe dọa cho chúng ta nếu họ biết chúng ta bỏ rơi họ. Rồi thì ta có 540 ngàn quân Mỹ trong tình trạng đó. Cho nên việc rút quân là một vấn đề phức tạp, và chúng ta đã vấp phải sai lầm trong tiến trình đó. Tôi không muốn lên tiếng ở đây như một phát ngôn viên của chính quyền Nixon. Tôi muốn trình bày vấn đề trong tư cách một người đã suốt đời đóng góp cho chính sách đối ngoại Mỹ, và tin tưởng rằng đất nước này có vai trò quan trọng trong nền hòa bình thế giới. Khi một tiến trình đã bắt đầu thì chúng ta không đi lui được. Như cha của anh từng nói, “Đây không phải như một chương trình truyền hình có thể tắt đi được”.

Ông Johnson đã từng nói “Tôi không thể thắng và không thể rút đi”. Lời nói đó diễn tả thử thách của nước Mỹ lúc đó. Tôi không biết là chúng tôi đã vấp phải lỗi lầm nào to lớn, nhưng việc rút quân ra ngay lập tức không thể thực hiện được. Ngay những thành phần cực đoan nhất trong đảng Dân Chủ cũng không đề nghị điều này. Một khi chúng ta đã quyết định rút đi từng bước, liệu việc rút quân đó có nên thực hiện nhanh hơn không? Tôi không biết. Cách duy nhất để làm việc đó nhanh hơn là lật đổ chính quyền (miền Nam) và chúng tôi không thể chấp nhận việc đó. Như vậy có là sai lầm hay không, tôi nghĩ là không.

Tôi thông cảm với những người lúc đầu đã áp dụng một mô hình sai cho Đông Nam Á vì họ không hiểu rằng Liên Xô, Trung Quốc và Việt Nam là những thực thể khác nhau, và rằng một khi Việt Nam đã chiến thắng thì họ sẽ không đe dọa chúng ta mà ngược lại có thể là mối đe dọa cho một số quốc gia khác. Tất nhiên, trong guồng máy chính quyền thì luôn có những lỗi lầm. Nhưng điều tôi muốn nêu là đối với một xã hội như xã hội Mỹ, liệu chúng ta có thể tranh luận một cách nghiêm túc về những sai lầm đó mà không nhất thiết phải gây ra một cuộc nội chiến.

Đại Sứ Brynn: Tôi xin can thiệp vào nơi đây. Xin cám ơn Tiến sĩ Kissinger đã trình bày vấn đề một cách mạch lạc và sâu sắc, và đã tạo một tiêu chuẩn cao cho buổi hội thảo hôm nay (tiếng vỗ tay). Tôi được nhắc nhở là nêu tựa quyển sách nói đến lúc đầu, đó là Một Thế Giới Được Phục Hồi. Tôi có ngỏ lời mời thủ tướng Metternich nhưng ông ta không được khỏe hôm nay (tiếng cười).
Henry Kissinger
29/9/2010
Nguồn:U.S. Department of State
Trương Minh Trí chuyển ngữ
© Thông Luận2010

Tổng số lượt xem trang