Trương Nhân Tuấn
Học giả Hồ Bạch Thảo vừa qua có cho công bố bài : « Ðất Trung Quốc giáp biên giới Việt Nam : huyện Phòng Thành » đăng trên một số trang web của người Việt. Như những bài nghiên cứu có giá trị khác đã công bố trước đây, nhất là các bài liên quan đến lịch sử tranh chấp về đất đai, biển đảo giữa hai nước Việt-Trung, bài này tác giả cũng đã đưa ra nhiều dữ kiện lịch sử mới mẻ và hữu ích. Chủ đề bài viết này, như tựa đề, là nói về lịch sử thành lập huyện Phòng Thành của Trung Quốc, là vùng đất giáp giới với tỉnh Hải Ninh của Việt Nam, nhưng nếu không lầm thì tác giả cũng có ý muốn soi sáng lại « nghi án bán đất » của Mạc Đăng Dung. Theo sử sách (Việt và Hoa) những vùng đất mà họ Mạc nhượng cho Trung Quốc, hôm nay đều thuộc huyện Phòng Thành. Gọi là « nghi án » vì đến nay vẫn dằn co giữa hai giả thuyết, một bên cho rằng các vùng đất mà họ Mạc « nhượng », thực ra là chỉ trả những vùng đất (mà Việt Nam chiếm trước đây) lại cho Trung Quốc. Bên khác cho rằng những vùng đất mà họ Mạc nhượng nguyên thủy là đất của Việt Nam. Chủ đề này tôi cũng đã viết qua trong một bài, có đăng trên Talawas bộ mới (nhưng hiện nay không vào xem được, có lẽ do tin tặc tấn công, mặc dầu trang web này đã ngưng hoạt động từ vài tháng nay), có đăng lại trên trang blog của tôi:
http://vn.360plus.yahoo.com/truongnhantuan/article?mid=356. Theo tôi thì các vùng đất mà Mạc Đăng Dung nhượng cho Trung Quốc vốn là đất của Việt Nam. Trong bài nghiên cứu, các dữ kiện mà học giả Hồ Bạch Thảo đã ghi lại, một số cho thấy các vùng đất đó vốn là của Trung Quốc. Do đó mục đích bài viết này của tôi, là hy vọng cùng với học giả Hồ Bạch Thảo, bàn luận lại về các chi tiết lịch sử mới này. Nhân tiện, tôi cũng xin góp ý thêm vài chi tiết phụ thuộc khác, không kém phần quan trọng, mà học giả Hồ Bạch Thảo cũng đã viết trong bài. Phần trình bàycủa tôi xin chia làm hai phần : 1/ về hiệp ước Thiên Tân và các việc chung quanh và 2/ về nghi án Mạc Đăng Dung.
1/ Về hiệp ước Thiên Tân 9 tháng 6 năm 1885:
1.1 Tác giả viết : « Việc nhượng đất này do bởi hòa ước Thiên Tân, ký giữa thực dân Pháp và nhà Thanh, trong đó có điều khoản rằng nước Pháp trả lại những chỗ hải quân đã chiếm giữ tại mặt bể ; rồi để làm vừa lòng Trung Quốc, lúc bấy giờ người Pháp đã đem một vùng đất Việt Nam giáp biển nhượng cho họ. »
Đoạn này gồm có các điểm theo tôi là không đúng:
« Việc nhượng đất này do bởi hòa ước Thiên Tân». «Đất này», theo nội dung bài viết, là đất Phòng Thành.
Nếu có tham khảo nội dung hiệp ước Thiên Tân thì sẽ thấy đây là một hiệp ước về hòa bình, hữu nghị và thương mại (Traité de paix, d’amitié et de commerce). Hiệp ước này không có điều khoản nào nhượng đất của Việt Nam cho Trung Quốc, ngoài điều 3 xác định trong vòng 6 tháng sẽ phân định và cắm mốc biên giới Việt-Trung (thực ra việc này kéo dài đến 10 năm). Việc phân định biên giới Việt Trung được xác định theo công ước « Convention relative à la délimitation de la frontière entre la Chine et le Tonkin, signée a Pékin le 26 juin 1887 ». Vấn đề giải quyết tranh chấp biên giới Việt-Trung hay việc Pháp nhượng đất VN cho Trung Quốc hoàn toàn không quan hệ gì với hiệp ước Thiên Tân 1885.
Tác giả cũng cho rằng hiệp ước Thiên Tân « có điều khoản rằng nước Pháp trả lại những chỗ hải quân đã chiếm giữ tại mặt bể ». Thực ra Hiệp ước Thiên Tân 1885 không có điều khoản nào qui định việc Pháp trả lại cho Trung Quốc những chỗ đã chiếm trước đó trên mặt bể. Quả thực là trong thời kỳ chiến tranh Pháp-Trung lần thứ hai (1884-1885), các nơi như đảo Bành Hồ và một phần đảo Đài Loan đã do hạm đội của ông Courbet chiếm (cũng như việc phong tỏa cửa sông Dương Tử). Nhưng việc trả lại đất (và bãi việc phong tỏa) là điều kiện để hai bên ngồi vài bàn hội nghị ký kết hiệp ước hòa bình, tức hiệp ước Thiên Tân 1885. Đất ở đây là quần đảo Bành Hồ và phần phía nam đảo Đài Loan.
Tác giả viết « rồi để làm vừa lòng Trung Quốc, lúc bấy giờ người Pháp đã đem một vùng đất Việt Nam giáp biển nhượng cho họ ». Như đã viết, hiệp ước Thiên Tân 1885 không hề có điều khoản nào qui định đến việc « nhượng đất ». Không biết « vùng đất Việt Nam giáp biển » mà tác giả đề cập là vùng đất nào ? Và Pháp có nhu cầu gì, yếu kém hay muốn cầu cạnh về việc gì mà phải nhượng đất của VN để « làm vừa lòng Trung Quốc » ?
Từ lúc Pháp đặt chân đên VN cho đến ngày ký hiệp ước Thiên Tân với Trung Quốc không hề xảy ra các việc Pháp nhượng bộ về đất đai cho Trung Quốc. Nhưng có xảy ra việc triều đình nhà Thanh muốn thuơng lượng với Pháp để chia cắt Việt Nam, miền Bắc (cho đến Quảng Bình) nhượng cho Trung Quốc. Việc thuơng lượng này xảy ra trước và trong (1883-1885) lúc chiến sự hai bên Pháp-Trung nóng bỏng trên hai mặt trận : đất liền (vùng biên giới Việt-Trung) và trên mặt biển. Điều đáng ghi nhận là hai bên Pháp-Trung qua hai cuộc chiến không hề tuyên bố chiến tranh. Do đó, chiến sự tăng cao nhưng công việc ngoại giao vẫn quan hệ như bình thường. Việc « thương lượng » chia cắt VN do các quan chức nhà Thanh như Lý Hồng Chương và Tăng Kỷ Trạch phụ trách. Phe họ Tăng chủ trương dùng quân sự để đe dọa làm áp lực Pháp nhượng bộ trong khi phe họ Lý thì dùng « thủ đoạn » (như mua chuộc quan chức Pháp là ông Bourée, đang làm Đặc Sứ Toàn Quyền Pháp tại Bắc Kinh) để đạt mục đích. Nhưng việc đe dọa không thành, vì quân đội TQ yếu kém, và việc dùng kế cũng không xong vì mưu đồ mua chuộc ông Bourée bị bại lộ (ông Bourée bị bãi chức). Chiến sự bùng nổ lại (sau biến cố Bắc Lệ 23-6-1884), mặt dầu đã ký hiệp ước Fournier 11 tháng 5 năm 1984, một mặt do Pháp nắm được thực lực của Trung Quốc, mặt khác Pháp muốn đòi tiền bồi thường. Hậu quả chiến tranh làm hai bên đều bị thiệt hại về tài lực nhưng kết cuộc thì phần thắng có thể nghiêng về phía Trung Quốc, vì đây là lần đầu tiên chiến tranh với một cường quốc Tây Phương mà Trung Quốc không bị thiệt hại về đất đai hay phải bồi thường chiến phí. Riêng Pháp thì dành được chỗ của Trung Quốc trong quan hệ với VN.
Đặt giả thuyết, nếu âm mưu của Lý Hồng Chương thành công (việc này suýt thành công vì đã nhiều lúc chính phủ Pháp ngã lòng muốn bỏ Bắc Kỳ) chính phủ Pháp theo lời các khuyến cáo của ông Bourée, chắc chắn miền Bắc Việt Nam (đến Quảng Bình) đã thuộc về nước Trung Hoa.
Sau khi ký hiệp ước Thiên Tân 1885, Pháp đặt ra ủy ban nghiên cứu về Bắc Kỳ do Pelletan đảm trách, còn gọi là « Ủy Ban 33 », có mục đích nghiên cứu việc Pháp nên chiếm hay không nên chiếm Bắc Kỳ. Kết quả của ủy ban được Pelletan đệ trình lên quốc hội ngày 17 tháng 12 năm 1885, theo đó đa số ủy viên trong Ủy Ban 33 chống lại việc Pháp chiếm Bắc Kỳ. Cuối cùng, Quốc Hội biểu quyết theo đuổi việc chiếm Bắc Kỳ chỉ với 4 phiếu đa số nhưng sự biểu quyết này không công bằng vì đã loại ra 20 phiếu của phe chống đối. Ðiều này cho thấy, quyết định chiếm Bắc Kỳ của nước Pháp đã không rõ rệt và nhất quyết. Cũng nên nhắc lại, năm 1874, Quốc Hội Pháp biểu quyết chỉ có 1 phiếu đa số về vấn đề can thiệp hay không ở Bắc Kỳ. Nhắc lại các điều này để cho thấy dư luận lúc đó ở Pháp không « mặn mà » với việc chiếm Bắc Kỳ như nhiều sử gia VN đã nghĩ.
Một điều chắc chắn, nếu Pháp bỏ Bắc Kỳ, xứ này sẽ lọt vào vòng kiểm soát của một cường quốc khác, phần nhiều sẽ là nước Anh.
Vấn đề Pháp cắt đất Việt Nam nhượng cho Trung Quốc là có thật, nhưng không do hiệp ước Thiên Tân 1885, hay do Pháp muốn « làm vừa lòng Trung Quốc », mà do hậu quả của việc trao đổi quyền lợi kinh tế giữa Pháp và Trung Hoa.
Nếu công ước phân định biên giới 26 tháng 6 năm 1887 là do hiệu quả của điều 3 Hiệp ước Thiên Tân 1885 thì Công ước về thương mại (Convention de commerciale) ký ngày 25 tháng 4 năm 1886 là do hiệu quả của điều 6 Hiệp ước Thiên Tân 1885. Công ước thương mại 1886 là một thất bại lớn cho Pháp vì người ký kết là ông Cogordan (François-Georges), một người hoàn toàn không có kinh nghiệm, thương lượng và ký kết với ông Lý Hồng Chương, một con cáo già chính trị. (Có giả thuyết cho thấy rất có thể Cogordan đã bị họ Lý mua chuộc). Tất cả những đòi hỏi của Pháp đều không được đáp ứng trong khi các yêu cầu phi lý của Trung Hoa thì đều được ưng thuận. Để sửa chữa việc này, người Pháp cử ông Ernest Constans phụ trách ký kết Công ước 1887 về phân định biên giới, kiêm nhiệm luôn việc thương lượng để ký lại một phụ ước về thương mại (Convention additionnelle de Commerce, ký cùng ngày với công ước về biên giới 26-6-1887). Ông Ernest Constans cũng là một « cáo già chính trị » thuộc phái « thời cơ chủ nghĩa ». Để đạt được quyền lợi kinh tế, ông này đã nhượng cho Trung Quốc một số đất đai của Việt Nam gồm tổng Tụ Long khoảng 750km² đất thuộc Vị Xuyên (Hà Giang), tổng Đèo Luông (hay Lương) khoảng 300km² thuộc Cao Bằng, một số xã thuộc hai tổng Kiến Duyên và Bát Trang (Hải Ninh) đồng thời vùng huyện Trường Bình (Cương Bình), còn gọi là mũi Bạch Long (Pak Lung) ở giáp biển. Các vùng đất này đều có giá trị cao về kinh tế và chiến lược.
Nếu như việc ký kết công ước thuơng mại 24-4-1886 không do ông Cogordan phụ trách, mà được giao cho một người có kinh nghiệm hơn, chưa chắc Pháp đã nhượng đất cho TQ. Các học giả Pháp có đặt vấn đề : vì sao lại cử Cogordan trong khi ông này chỉ mới là một công chức hạng trung, mà việc ký kết với Lý Hồng Chương thì phải cần một người mang hàm bộ trưởng ? Ông Cogordan chỉ được đặt cách phong hàm thứ trưởng tại Bắc Kinh sau khi ký vào công ước một ngày, là ngày 25-4-1886 (để công ước có hiệu lực). Người ta cũng đặt vấn đề « favoritisme », tức phe nhóm, vì ông Cogordan là con rể của cựu thủ tướng Duclerc.
Tham khảo thêm về ý nghĩa của Hiệp ước Thiên Tân 1885: http://vn.360plus.yahoo.com/truongnhantuan/article?mid=273
1.2 Về nội dung « biên bản hội đàm phân định biên giới làm tại Mông Cái ngày 29/3/1887 [ngày5 tháng 3 năm Quang Tự thứ 13] giữa đại diện chính phủ Pháp và triều Thanh ». Nguyên văn dẫn từ vài viết của học giả Hồ Bạch Thảo:
« Ủy ban phân giới cắm mốc đã xác nhận từ Trúc Sơn, Trung Quốc, biên giới xuôi theo con sông nhỏ từ Trúc Sơn, đến Mông Cái (3), Ðông Hưng (4), hướng từ đông sang tây, đường trung tuyến của sông [Bắc Luân] là biên giới. Ðường biên giới chia tách các nơi như La Phù, Ðông Hưng của Trung Quốc với các nơi như Mông Cái, Mautsay của Việt Nam.
Từ Mông Cái, Ðông Hưng đến Bắc Thị, Gia Long (5), đường biên giới hơi uốn cong, đầu tiên hướng từ đông lên bắc, rồi hướng tây bắc, xuôi theo sông chảy theo hướng đông qua hai nơi này : một bên sông biên giới là sông Na Chi, Gia Long của Trung Quốc ; một bên là Thác Lĩnh, Nam Tinh, Bắc Thị của Việt Nam.
Từ Bắc Thị, Gia Long, biên giới xuôi theo đường trung tuyến sông Gia Long, sông này là một nhánh nằm phía tây Bắc Thị. Ðường biên giới kéo dài 30 dặm (1 dặm = 561 m), chạy thẳng đến nơi cách chợ cũ thôn Ðộng Trung 3 dặm về phía bắc, từ điểm A trên mảnh bản đồ số 1. Lĩnh Hoài, Phi Lao, Bản Hưng và một quả núi có tên Phân Mao Lãnh nằm sát biên giới ở đông Nam Bản Hưng thuộc Trung Quốc; các nơi xa như Na Dương, Ðộng Trung thuộc Việt Nam.
Từ điểm A, biên giới chạy về ải Bắc Cương, núi Phái Thiên, nơi đây cách thôn Bình Liêu (6) của Việt Nam khoảng 30 dặm theo đường thẳng, các đồn trạm như Bản Thôn, Na Quang thuộc Trung Quốc ; các đồn trạm như Na Dương, Trình Tường thuộc Việt Nam. »
Học giả Hồ Bạch Thảo cho biết phần ghi trên là trích dẫn từ « Tư liệu lịch sử biên giới Trung Việt, Ủy ban biên giới quốc gia, bộ Ngoại Giao xuất bản : Hà Nội, 2008, tập 3, trang 591 ».
Về tài liệu này, nguyên bản từ CAOM (Centre d’Archives d’Outre-Mer, Aix-En-Provence, Pháp Quốc), đã được người viết bài này chụp hình và công bố trên internet từ những năm 2000. Đến năm 2005 thì đóng thành tập mang tựa đề : « Biên Giới Việt-Trung 1885-2000 Lịch sử thành hình và những tranh chấp ».
So sánh đoạn dẫn trên với nguyên văn của biên bản 29-3-1887 ở dưới đây thì ta thấy phần trích dẫn của học giả Hồ Bạch Thảo không đầy đủ với nguyên văn của biên bản. Phần trích dẫn thiếu đoạn phân định từ Bắc Cương Ải cho đến Chí Mã Ải.
Yêu cầu đầu tiên của tôi, nếu có thể, xin học giả Hồ Bạch Thảo làm sáng tỏ : nguyên văn của « Tư liệu lịch sử biên giới Trung Việt, Ủy ban biên giới quốc gia, bộ Ngoai Giao xuất bản : Hà Nội, 2008, tập 3, trang 591 » là như phần trích dẫn hay là còn thêm phần nào khác ?
Nguyên văn tiếng Pháp chép lại như sau : hình chụp các trang biên bản và xem phụ lục bên dưới.
Hình : Biên Bản 1
Hình: Biên Bản 2.
Hình Biên Bản 3
Biên Bản 4
Biên Bản 5
So sánh nội dung, ta thấy có một số điểm được gạch dưới trong phần trích dẫn đã không hoàn toàn chính xác so với bản chính tiếng Pháp :
« à partir de Tchou-chan (Trúc-sơn 竹山), qui appartient au territoire chinois, la frontière suit la rivière, de l’est à l’ouest, jusqu’à Tong-hing (Ðông-Hưng 東興) et Mang-kiai (Móng-Cái). Dans cette section, le milieu de la rivière forme la limite frontière, séparant Lo-feou-t’ong (La-phù-động 羅浮峒), Tong-hing et autres lieux ; qui appartiennent à la Chine, de Wou-che (Ngũ-sĩ 伍仕), Monkaï et autres lieux qui appartiennent à l’Annam. »
Biên giới xuôi theo con sông nhỏ. Nguyên văn không hề có « sông nhỏ » mà chỉ là con sông « la rivière ». La Phù phải viết là La Phù Động, Mautsay phải viết là Ngũ Sĩ.
« Depuis Tong-hing et Monkaï jusqu’à Pei-che (Bắc-thị, Pacsi 北市) et Kia-long (Gia-long 加隆), la frontière est assez sinueuse et se dirige de l’est au nord-nord-ouest ; suivant le milieu de la rivière depuis Tong-hing et Monkaï jusqu’à Pei-che et Kia-long et séparent ainsi Na-tche (Ná-chi 那芝), kia-long et autres localités, qui appartiennent à la Chine, de T’o-ling (Thác-lãnh 托嶺), Nan-li (Nam-lý 南里), Pei-che et autres localités, qui appartiennent à l’Annam. »
Đường biên giới không hề « hơi uốn cong » mà là assez sinueuse tức là khá quanh co, (sinueuse tức là uốn qua uốn lại). Đường biên giới không mô tả đầu tiên hướng từ đông lên bắc, rồi hướng tây bắc, mà là « se dirige de l’est au nord-nord-ouest », tức không có chữ « đầu tiên » và hướng đi là từ hướng đông đến bắc tây-bắc. Ý nghĩa « đầu tiên từ đông lên bắc rồi hướng tây bắc » với « từ hướng đông đến bắc tây-bắc » hoàn toàn khác nhau.
Không hề có việc « xuôi theo sông chảy theo hướng đông qua hai nơi này » mà là « suivant le milieu de la rivière depuis Tong-hing et Monkaï jusqu’à Pei-che et Kia-long », tức là « theo trung tuyến dòng sông từ Đông Hưng – Móng Cái cho đến Bắc Thị - Gia Long ». Văn bản không hề ghi « chảy theo hướng đông » mà ý nghĩa trong văn bản là đường biên giới chạy từ đông sang tây theo trung tuyến dòng sông.
Nam Tinh thực ra là Nam Lý. Nguyên văn chữ Hán trong biên bản là 南里 Nam Lý.
Không hề có việc « sông này là một nhánh nằm phía tây Bắc Thị » . Nguyên văn như sau : « Depuis Pei-che et Kia-long, la frontière suit le milieu de la rivière Kia-long, qui est un affluent occidental de la rivière de Pei-che (rivière de Pacsi 北 市 江). Le cours de cette rivière a une longueur de trente li environs [ Note : chaque li équivaut à 561 mètres ], et au-delà de ces trentes li, la ligne frontière se dirige directement jusqu’à trois li comptés juste au nord de l’ancien marché du village de T’ong-tchong 峝 中 村, c’est-à-dire jusqu’au point A 甲de la carte n° 1. Les localités de Ling-Houai (嶺 懷 Lãnh-hoài), de P’i-lao (Phi-lao 披 勞), de Pan-hing (Bản-hưng 板 興), la montagne située au sud-est de Pan-hing, touchant à la frontière et appelée Fen-mao-ling (Phân-mao-lãnh 分 茅 嶺) et autres lieux ; sont attribués à la Chine. Na-yang (Ná-duong 那 陽), Tong-tchong (Ðộng-trung 峝 中) et autres lieux sont attribués à l’Annam. »
Tức là « từ Bắc Thị-Gia Long, đường biên giới theo trung tuyến sông Gia Long, mà sông này là nhánh phía tây ngạn của sông Bắc Thị (tiếng Hán là Bắc Thị giang) ».
Cũng không hề có việc Ðường biên giới kéo dài 30 dặm (1 dặm = 561 m), chạy thẳng đến nơi cách chợ cũ thôn Ðộng Trung 3 dặm về phía bắc, từ điểm A trên mảnh bản đồ số 1. Mà là « Le cours de cette rivière a une longueur de trente li environs [ Note : chaque li équivaut à 561 mètres ], et au-delà de ces trentes li, la ligne frontière se dirige directement jusqu’à trois li comptés juste au nord de l’ancien marché du village de T’ong-tchong 峝 中 村, c’est-à-dire jusqu’au point A 甲de la carte n° 1.», « đoạn sông này dài khoảng 30 lý (mỗi lý có độ dài 561 mét), và sau khi đi hết 30 lý này đường biên giới đi trực tiếp đến khoảng 3 lý về phía bắc chợ Động Trung, tức là điểm A trên bản đồ số 1 ».
Bản Đồ biên giới
Bản đồ từ hợp lưu sông Gia Long đến biên giới tỉnh Quảng Tây do Ủy ban Chiniac de Labastide thành lập năm 1890. Để ý điểm A ghi chú trong văn bản. (nguồn : CAOM)
Tôi cho rằng những điểm sai này sẽ quan trọng, vì không mô tả đúng đường biên giới như trong biên bản qui định. Để có kết luận, tôi nghĩ cần phải kiểm chứng lại tài liệu mà học giả Hồ Bạch Thảo trích dẫn, là « Tư liệu lịch sử biên giới Trung Việt, Ủy ban biên giới quốc gia, bộ Ngoại Giao xuất bản : Hà Nội, 2008, tập 3, trang 591 ».
Yêu cầu thứ hai của tôi, nếu có thể, xin học giả Hồ Bạch Thảo cho xem hình chụp các trang nguồn đã trích dẫn.
2/ Nghi án Mạc Đăng Dung :
Giải quyết nghi án này thực ra sẽ rất dễ dàng nếu xác định được vị trí tương đối các địa điểm sau đây :
Trấn Như Tích, núi Phân Mao và vị trí trụ đồng Mã Viện.
Nếu trấn Như Tích ở phía nam núi Phân Mao hay phía nam trụ đồng thì đất này thuộc Việt Nam. Ngược lại, ở phía bắc, đất này thuộc Trung Quốc.
Học giả Hồ Bạch Thảo viết trong phần nhập đề :
« Huyện Phòng Thành tại phía tây nam châu Khâm ; năm Vạn Lịch thứ 34 [1606] Phó tổng binh Dương Ứng Xuân lập trấn Phòng Thành để chế ngự lưu khấu cùng bọn cướp biển. Theo Thanh sử cảo trước kia đất này thuộc châu Khâm, năm Quang Tự thứ 14 [1888] lấy 2 ty Phòng Thành và Như Tích lập ra huyện Phòng Thành, vị trí tại phía tây nam châu Khâm 100 lý [58 km]. Phía tây bắc huyện giáp Thập vạn đại sơn ; phía tây nam từ núi Long Sơn sườn núi hiểm trở ra đến biển, trước đây đất này thuộc về Việt Nam, năm Quang Tự thứ 13 [1887] được nhập vào. Việc nhượng đất này do bởi hòa ước Thiên Tân, ký giữa thực dân Pháp và nhà Thanh, trong đó có điều khoản rằng nước Pháp trả lại những chỗ hải quân đã chiếm giữ tại mặt bể ; rồi để làm vừa lòng Trung Quốc, lúc bấy giờ người Pháp đã đem một vùng đất Việt Nam giáp biển nhượng cho họ. »
Có nhiều điểm cần làm sáng tỏ trong đoạn văn này.
Nói « trước đây đất này thuộc về Việt Nam » thì đất này là đất nào ? « Trước đây » là thời điểm nào ?
Theo nội dung đoạn trích dẫn thì « đất này » là đất Phòng Thành, được thành lập năm 1888, bao gồm hai ty Phòng Thành và Như Tích. « Năm Quang Tự thứ 13 [1887] được nhập vào ». Như thế « trước đây » là trước năm 1887.
Nếu ngừng ở đây thì nghi án đã giải quyết : đất Như Tích trước đây là của VN ; Mạc Đăng Dung nhượng đất này là đất của Việt Nam (chứ không phải đất chiếm của Trung Quốc trước đó rồi trả lại).
Trong khi đó « năm Vạn Lịch thứ 34 [1606] Phó tổng binh Dương Ứng Xuân lập trấn Phòng Thành » và « theo Thanh sử cảo trước kia đất này thuộc châu Khâm ».
Như thế có điều không ổn, đất này không thể vừa « thuộc về Việt Nam » vừa « thuộc châu Khâm ». Điều cần làm rõ là đất này thuộc về châm Khâm từ thời nào và thuộc về VN từ thời nào ? Có phải từ thuở Việt Nam lập quốc cho đến năm 1887 thì đất này (Phòng Thành) liên tục là của Việt Nam ? Nếu đúng vậy thì hư thực của việc « năm Vạn Lịch thứ 34 [1606] Phó tổng binh Dương Ứng Xuân lập trấn Phòng Thành » là như thế nào ? Lúc lấy đất lập huyện thì đất này là đất của Việt Nam hay đất của (châu Khâm) ?
Tất cả đều không có gì chắc chắn. Trong khi Thanh Sử cảo viết năm 1914 thì không đáng tin tưởng. Sẽ giải thích ở đoạn dưới.
Theo tài liệu đã dẫn từ bài của học giả Hồ Bạch Thảo thì vị trí núi Phân Mao, trụ đồng Mã Viện và trấn Như Tích được mô tả như sau :
« Phân Mao Lãnh : Đại Thanh nhất thống chí chép rằng Phân Mao Lãnh tại phía tây châu Khâm, Dư địa kỷ thắng chép chân núi Phân Mao Lãnh tiếp giáp An Nam… Trên đỉnh núi có một loài cỏ ngọn chia làm 2 hướng, đến nay còn như vậy. Thông chí chép vào năm Tuyên Ðức thứ 2 [1427] bị chiếm mất vào châu Tân An, Giao Chỉ ; đến năm Gia Tĩnh thứ 21 [1542] Mạc Ðăng Dung quy hàng trả lại.
Sự tích về Ðồng Trụ : Phủ chí chép rằng tại tây nam châu Khâm có động Cổ Sâm, Tiết độ sứ Mã Thông đời Ðường lập đồng trụ. Về cột đồng Mã viện, sách Dư địa kỷ thắng chép rằng dưới động Cổ Sâm châu Khâm là biên giới với An Nam, có cột đồng Mã Viện… Minh thống chí chép Mã Viện nhà Hán đánh Giao Chỉ lập cột đồng tại dưới núi (Phân Mao) để chia ranh giới. »
Trấn Như Tích : xưa gọi là trấn, Cửu vực chí chép huyện An Viễn có trấn Như Tích, Tống sử mục địa lý chí chép An Viễn có trại Như Tích, Dư địa kỷ thắng chép trại Như Tích nằm tại phía tây châu Khâm 160 lý [92 km], cách châu Vĩnh An Giao Chỉ 20 lý [11,6 km], chiếm một ngọn núi lớn thế rất hiểm, xưa đặt trại để coi 7 động. Thông chí chép phía tây châu Khâm có Như Tích, Liễu Cát, Thiếp Lãng, Tư Lẫm, Cổ Sâm, Thời La 7? động, đời nhà Tống lập Ðộng trưởng để trông coi, đầu đời Hồng Vũ [1368] đặt Tuần kiểm tại Như Tích để thống trị, đất này phía bắc giáp với 2 con sông tại đông và tây, phía nam giáp Giao Chỉ, vào năm Vĩnh Lạc thứ 14 [1416] tăng đặt Phật Ðào Tuần kiểm tại biên cảnh phía tây, vào năm Tuyên Ðức thứ 2 [1427] Lê Lợi tại Giao Chỉ làm loạn các động Tư Lẫm, Thời La, Cổ Sâm, Liễu Cát quy phụ họ Lê ; đến năm Gia Tĩnh thứ 19 [1540] Giao Chỉ thần phục đã nạp 4 động xâm chiếm ; vào năm Gia Tĩnh thứ 21 [1542] Tri châu Lâm Hy Nguyên định lại biên giới còn lại hai động Thiếp Lãng, Thời La mà thôi. Châu chí chép ty Như Tích xưa tại thôn Na Tô, phía tây nam châu 170 lý, nay dời đến thôn Lịch phía bắc sông Tây Giang. THANH SỬ CẢO chép Huyện thừa đóng tại Ðông Hưng, dưới quyền có 2 Tuần ty : Như Tích và Vĩnh Bình.
Ta thấy không có gì là rõ rệt cả. Không tài liệu nào xác định được Như Tích ở phía bắc hay ở phía nam núi Phân Mao (hay đồng trụ). Trong khi Thanh sử cảo thì không chính xác, vì khi chép rằng Huyện thừa đóng tại Ðông Hưng, dưới quyền có 2 Tuần ty : Như Tích và Vĩnh Bình là không phù hợp !
Thanh sử cảo, theo học giả Hồ Bạch Thảo, do Sử quán thời Dân Quốc biên soạn năm 1914.
Trong khi đó Đông Hưng, theo các tài liệu của các nhà truyền giáo Pháp tại Trúc Sơn hay theo bút ký của Dr Néis, vào thời kỳ phân định biên giới 1887, Đông Hưng chưa được thành lập, mà chỉ là một trại đóng quân của Trung Hoa (mà trại này cũng mới thành lập sau khi quân Pháp đánh Bắc Kỳ vào các năm 1880). Trên các bản đồ do Pháp thành lập thời đó, thấy ghi La Phù Động ở kế bên Đông Hưng. Ngày xưa hai bờ sông Bắc Luân, phía Móng Cái gọi là Mang Nhai (nhai tiếng Hán là bờ sông), phía Đông Hưng là Đông Hưng Nhai. Nơi sầm uất chợ búa đông đảo (người Hoa lẫn Việt) là Hòa Lạc, tức là Móng Cái ngày nay. Phía bên kia sông là huyện Giang Bình (hay Cương Bình, phía bắc Đông Hưng ngày nay), là đất của Việt Nam, do quan VN lãnh đạo, có ghi vào sổ bạ của nhà Nguyễn, trong đó có các đảo Vu Đầu, Sơn Tâm và Vạn Vĩ. Đến nay, hàng trăm năm đã qua, dân chúng ở đó vẫn giữ nguyên ngôn ngữ, văn hóa bản sắc Việt.
Đông Hưng chưa thành lập, phía bắc Đông Hưng là Giang Bình, huyện của người Việt. Không có người Hoa nào sinh sống ở vùng này thì sao gọi đó là đất của Tàu ? Vào năm 1887 Đông Hưng chưa thành lập thì việc đặt « huyện thừa » cho Như Tích và Vĩnh Bình chỉ có thể xảy ra sau khi Pháp nhượng Giang Bình (tức mũi Bạch Long – Pak Lung) cho Trung Hoa.
Vì thế, giải nghi án Mạc Đang Dung hay tìm vị trí trấn Như Tích thì không thể dựa vào Thanh sử cảo để suy luận.
Các chi tiết từ Minh sử, dẫn từ bài của học giả Hồ Bạch Thảo, viết bằng chữ nghiêng :
Ngày 20 tháng 12 năm Tuyên Đức thứ 9 [19/1/1435]
Châu Khâm, Quảng Đông tâu :
“ Hai đô Thiếp Lãng, Như Tích tiếp giáp với huyện Vạn Ninh, Giao Chỉ. Trước đây nhân Lê Lợi phản nghịch, bọn người trong đô là Hoàng Khoan bị cưỡng bách, trợ giúp man khấu cướp tài sản của dân. Mới đây được ân mệnh chiêu phủ, bọn Khoan cam tâm nghe lời giặc không tuân theo.”
Ngày 15 tháng 10 năm Chính Thống thứ 5 [9/11/1440]
Dân châu Khâm, Quảng Đông là bọn Hoàng Khoan từ năm đầu Tuyên Đức [1426] dụ dỗ cư dân hơn 290 hộ cùng ruộng đất, hiến cho An Nam. Trước đây đã sắc cho Tuần phủ, Án sát, Ngự sử cùng các quan tại Tam Ty mang sắc phủ dụ, nhưng bọn Khoan không tuân. Khảo xét chí thư về châu này, từ khi Hán Mã Viện bình định xong, lấy Đồng Trụ làm giới hạn phía tây nam, Phân Mao Lãnh giới hạn phía tây bắc; trong vòng giới hạn đó từ thời Hán Vũ đế đến nay đều lệ thuộc châu Khâm. Nay trong vòng Phân Mao Lãnh hơn hơn 300 dặm, trong vòng Đồng Trụ hơn 200 dặm đều do An Nam xâm lấn.
Ngày 17 tháng 4 năm Chính Thống thứ 14 [8/5/1449]
Người dân tên Ðặng Cung thuộc huyện Ðông Hoàn, Quảng Ðông tâu 7 điều :
- Khâm châu giáp giới Giao Chỉ, người dân tại đây ăn mặc và tiếng nói tương tự, khó mà phân biệt được rõ ràng. Xin sai quan đến nơi này thay đổi y phục theo Trung châu, lập trường học tại làng, thay đổi ngôn ngữ theo tiếng Trung Hoa. Như vậy đổi được phong tục, làm khác y phục, phát âm, để dễ biện biệt.
Về các chi tiết từ Minh sử cũng không thuyết phục. Phía Trung Hoa cho rằng các động Như Tích và Chiêm Lãng bị sát nhập vào Việt Nam sau khi Lê Lợi khởi nghĩa thành công, đại khái theo Minh sử là vào năm 1435. Không có chi tiết nào thuộc Minh sử chứng minh rằng các vùng đất này ở phía bắc núi Phân Mao (hay trụ đồng) để khẳng định đất này là của họ. Nhưng cũng từ Minh sử ta thấy lúc đó dân chúng tại hai vùng này hoàn toàn là dân Việt. Lẽ nào, từ lúc năm 1435 đến năm 1449, chỉ có vài năm mà dân vùng này, giả sử là dân Tàu, lại bỏ quên phong tục tập quán thậm chí đến ngôn ngữ để trở thành hoàn toàn là dân Việt ?
Không thể có sự thay đổi nhanh chóng đến như vậy, nhất là về ngôn ngữ. Lịch sử thế giới chưa bao giờ thấy có một giống dân nào thay đổi « căn cước » nhanh đến như vậy. Muốn thay đổi một ngôn ngữ của một sắc dân phải cần đến vài thế hệ. Việc này chỉ có thể thành công nếu có sự hưởng ứng từ những người dân. Ta thấy, các sắc dân trên vùng biên giới Việt Trung, cả trăm, nhiều trăm năm, thậm chí cả ngàn năm qua họ vẫn giữ nguyên ngôn ngữ và phong tục tập quán của tổ tiên họ, mặc dầu họ sống chung đụng hàng ngày với người Việt hay người Hoa.
Một thí dụ khác, dân Việt sống tại huyện Giang Bình, nay thuộc Trung Quốc, ngày xưa có thể là các động hay trấn Như Tích, Thiếp Lãng v.v… đến nay vẫn giữ được tiếng nói và phong tục của mình. Họ đã bảo vệ được căn cước của mình trong thời gian chinh biến 1887 là nhờ trốn sang các đảo nhỏ gần đó, không có đường bộ nối với đất liền, do đó tránh được sự càn quét của quân Trung Hoa.
« Một ngàn năm đô hộ giặc Tàu » nhưng người Việt vẫn là người Việt và đất đó cũng vẫn mãi là đất Việt.
Ngày xưa quan niệm về biên giới của Trung Quốc chưa có, chỉ có quan niệm về vùng biên giới và « thần dân ». Dân nơi nào « thần phục » thiên triều thì nơi đó người Hán cho là « chư hầu » hay « phiên bang ». Nhưng không vì vậy mà người Hán có thể xưng rằng đất đó là đất của mình.
Như thế người Việt ở đâu thì đất Việt ở đó. Đây là bằng chứng hùng hồn nhất cho thấy các vùng đất (các động Như Tích và các vùng đất phía nam núi Phân Mao…) là của người Việt. Phía Trung Quốc nói là của họ, thực ra không có gì chứng minh cụ thể. Trong khi sử sách của người Hán cũng công nhận rằng dân chúng các vùng đất đó là dân Việt.
Như thế theo tôi, Mạc Đăng Dung nhượng đất cho Trung Quốc là việc có thật. Đất đó là đất của Việt Nam, vì người Việt sinh sống ở đó (và vẫn còn ở một số vùng đến ngày hôm nay).
3/ Kết luận : Việc dành đất của Việt Nam này của người Hoa không phải là điều mới mẻ. Phần lớn các vụ này không phải do chủ mưu của « thiên tử » (vì thiên tử đôi khi không phải là người Hán) mà do lòng gian tham của quan lại địa phương. Nhiều lần trong quá khứ người Hoa đã thực hiện các âm mưu để chiếm đất của VN như đất Tụ Long (hai lần lập âm mưu), đất Đèo Luông, Đất Hải Ninh (các tổng Kiến Duyên và Bát Trang), đất Giang Bình (mũi Bạch Long) v.v… và hôm nay là Hoàng Sa và Trường Sa của VN. Vấn đề Hoàng Sa và Trường Sa là một âm mưu lớn của các thế hệ lãnh đạo Trung Quốc từ sau khi nhà Thanh sụp đổ đến hôm nay. Họ đã xây dựng chiến lược hàng trăm năm, tiếp nối chuyển từ thế hệ này sang thế hệ khác lập trường nhất quán không thay đổi. Họ có nhiều cơ may thành công, không phải vì chiến lược hay lòng quyết tâm, mà vì sự thờ ơ và nông cạn của trí thức cũng như quan lại trong « triều đại nhà Hồ » của Việt Nam. Các việc này tôi đã viết bài đăng tại đây : http://vn.360plus.yahoo.com/truongnhantuan/article?mid=1
Tôi trân trọng cám ơn học giả Hồ Bạch Thảo về các bài nghiên cứu đã công bố. Bài viết này, với những chi tiết dẫn từ Minh sử, là những tài liệu quí giá. Mỗi người hiểu và diễn giải mỗi cách, tôi có cách diễn giải của tôi. Theo đó tôi cho rằng nghi án Mạc Đăng Dung từ nay có thể khép lại.
Trương Nhân Tuấn
Phụ lục :
Délimitation de Tchouk-san à Chi-ma.
Procès-verbal du 29 mars 1887.
(version française faite sur la copie chinoise communiquée par le Tsong-li Ya-men à la légation de France à Pékin, en mai 1889).
Les membres de la commission franco-chinoise de délimitation ont reconnu que : à partir de Tchou-chan (Trúc-sơn 竹山), qui appartient au territoire chinois, la frontière suit la rivière, de l’est à l’ouest, jusqu’à Tong-hing (Ðông-Hưng 東興) et Mang-kiai (Móng-Cái). Dans cette section, le milieu de la rivière forme la limite frontière, séparant Lo-feou-t’ong (La-phù-đồng 羅浮峒), Tong-hing et autres lieux ; qui appartiennent à la Chine, de Wou-che (Ngũ-sĩ 伍仕), Monkaï et autres lieux qui appartiennent à l’Annam.
Depuis Tong-hing et Monkaï jusqu’à Pei-che (Bắc-thị, Pacsi 北市) et Kia-long (Gia-long 加隆), la frontière est assez sinueuse et se dirige de l’est au nord-nord-ouest ; suivant le milieu de la rivière depuis Tong-hing et Monkaï jusqu’à Pei-che et Kia-long et séparent ainsi Na-tche (Ná-chi 那芝), kia-long et autres localités, qui appartiennent à la Chine, de T’o-ling (Thác-lãnh 托嶺), Nan-li (Nam-lý 南里), Pei-che et autres localités, qui appartiennent à l’Annam.
Depuis Pei-che et Kia-long, la frontière suit le milieu de la rivière Kia-long, qui est un affluent occidental de la rivière de Pei-che (rivière de Pacsi 北 市 江). Le cours de cette rivière a une longueur de trente li environs [ Note : chaque li équivaut à 561 mètres ], et au-delà de ces trentes li, la ligne frontière se dirige directement jusqu’à trois li comptés juste au nord de l’ancien marché du village de T’ong-tchong 峝 中 村, c’est-à-dire jusqu’au point A 甲de la carte n° 1. Les localités de Ling-Houai (嶺 懷 Lãnh-hoài), de P’i-lao (Phi-lao 披 勞), de Pan-hing (Bản-hưng 板 興), la montagne située au sud-est de Pan-hing, touchant à la frontière et appelée Fen-mao-ling (Phân-mao-lãnh 分 茅 嶺) et autres lieux ; sont attribués à la Chine. Na-yang (Ná-duong 那 陽), Tong-tchong (Ðộng-trung 峝 中) et autres lieux sont attribués à l’Annam.
Depuis le point A, la frontière se dirige vers le défilé de Pei-kang-ngai (Bắc-cang-ải 北 崗 隘), de la montagne P’ai-tsien-chan (Phái-thiên-sơn 派 遷 山). Ce lieu est distant de trente li environ ; en ligne droite du village annamite de P’ing-leao-ts’ouen (Bình-liêu-thôn 平 寮 村). La frontière sépare ainsi Na-kouang-k’a (Ná-quang-ca 那 光 卡), Pan-t’ouen-k’a (Bản-thôn 板 吞) et autres lieux ; qui appartiennent à la Chine, de Na-yang (Ná-duong 那 陽), Tch’eng-siang-che (Trình-tường-xã 呈 祥 社) et autres lieux, qui appartiennent à l’Annam.
Depuis le défilé de Pei-kang-ngai, de la montagne P’ai-ts’ien-chan, jusqu’au défilé de Pan-pang (Bản-bang-ải-khẩu 板 邦 隘 口), la frontière se dirige vers l’ouest-nord-ouest, en passant par les défilésde Touei-nien-ngai (Ðối-niệm-ải 對 念 隘), de Kieon-ko-ngai (Khiêu-ca-ải 邱 歌 隘), de K’ouei-ma-ngai (Qui-ma-ải 癸 麻 隘) et par les sommets des montagnes Yong-pa-chan (Dong-ba-sơn 峒 巴 山), Kiao-Hao Chan (Khiêu Hiệu Sơn) et K’ou-houa-chan (Khô-hoa-sơn 枯 華 山 ). Elle sépare ainsi Kieou-t’o-k’a (Cửu-đặc 九 特 卡 ), Kiao-houang-ngai (Khiêu-hoang-ải 叫 荒 隘 ), Nong-ting k’a et autres lieux appartennant à la Chine, du territoire de T’ong-sin-che (Ðồng-tâm-xã 同 心 社 ), de K’ouen-tchong-tchan (Khôn-Trọng 坤 仲 ), de Kieu-mou-che (Kiên-mộc-xa 堅 木 社), de Pan-kou (Bản-gao板), et autres lieux appartenant à l’Annam.
Depuis le défilé de Pan-pang jusqu’au défilé de Ngai-tien (Ải-điếm-ải-khẩu 隘 店 隘 口), aussi appelé défilé de Tche-ma (Chí-mã-ai), la ligne frontière s’infléchit un peu vers le nord-ouest, passant par les défilés de Na-ma (Ná-mã-ải-khẩu那 馬 隘 口), de Na-ho (Ná-hà 那 河 隘 口), de Sinn-peng (Sầm-Bảng) et de Na-wo (Ná-oa 那 窩 隘 口 ), et séparant Na-ma-k’a (Ná-mã 那 馬 卡 ), Pai-yi-k’a (Phái-y 派 衣 卡 ), T’ien-k’i-k’a, et autres lieux qui appartiennent à la Chine, des territoires de Pan-long (Bản-long板 龍 ) , de Lin-ko (Lâm-ca 林 歌 ), de Kiu-k’i-che (Quich-khe-xa 橋 溪 社 ), de Pan-yang (Bản-dương 板 陽 ), de Pan-yu (Bản-dục 板 派), Pan-p’ai (Bản-phái 板 欲 ), de Pan-tchan (Bản-trạm 板 砧 ) et autres lieux appartenant à l’Annam.
Les commissaires chinois et français ont signé le présent procès-verbal, dressé en double expédition dans chacune des langues chinoises et française ; un exemplaire en chaque langue a été remis à chacune des deux délégations, ainsi qu’une carte ci-annexée, de la frontière reconnue.
Signé à Monkay, le 5e jour de la 3e lune de la XIIIe année Kouang-siu (le 29 mars 1887).
Signatures chinoises de :
Teng, commissaire impérial, chargé de la délimitation, directeur de la cour du cérémonial d’Etat ;
Wang, commissaire impérial, chargé auxiliairement de la délimitation, taotai des grains du Kouang-tong ;
Li, commissaire impérial, chargé auxiliairement de la délimitation taotai en expectative du Tche-li.
Signatures françaises de :
Ch. Dillon,
Dr Paul Néis.
Pour traduction conforme.
Le 1er interprète de la Légation à Pékin.
Signé : A. Vissière.
Ðất Trung Quốc giáp biên giới Việt Nam : HUYỆN PHÒNG THÀNH Hồ Bạch Thảo
Huyện Phòng Thành tại phía tây nam châu Khâm ; năm Vạn Lịch thứ 34 [1606] Phó tổng binh Dương Ứng Xuân lập trấn Phòng Thành để chế ngự lưu khấu cùng bọn cướp biển. Theo Thanh sử cảo trước kia đất này thuộc châu Khâm, năm Quang Tự thứ 14 [1888] lấy 2 ty Phòng Thành và Như Tích lập ra huyện Phòng Thành, vị trí tại phía tây nam châu Khâm 100 lý [58 km]. Phía tây bắc huyện giáp Thập vạn đại sơn ; phía tây nam từ núi Long Sơn sườn núi hiểm trở ra đến biển, trước đây đất này thuộc về Việt Nam, năm Quang Tự thứ 13 [1887] được nhập vào.
Việc nhượng đất này do bởi hòa ước Thiên Tân, ký giữa thực dân Pháp và nhà Thanh, trong đó có điều khoản rằng nước Pháp trả lại những chỗ hải quân đã chiếm giữ tại mặt bể ; rồi để làm vừa lòng Trung Quốc, lúc bấy giờ người Pháp đã đem một vùng đất Việt Nam giáp biển nhượng cho họ. Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim chép về hòa ước Thiên Tân như sau :Hòa ước Thiên Tân : Bên Pháp tiếp được điện tín của trung tướng Brière de l'Isle đánh về nói quân Pháp phải bỏ thành Lạng Sơn, thì lòng người náo động cả lên. Thủ tướng Jules Ferry phải từ chức. Chính phủ Pháp thấy sự chiến tranh không lợi bèn ký tờ giao ước đình chiến với nước Tàu. Rồi một mặt thì truyền lệnh cho sứ thần nước Pháp ở Bắc Kinh là ông Patenôtre lập tờ hòa ước với chính phủ Tàu ; một mặt thì cho quân sang tiếp ứng Bắc Kỳ và sai trung tướng Roussel de Courcy làm Thống đốc quân dân sự vụ, trung tướng Warnel làm tham mưu tổng trưởng, cùng với thiếu tướng Jamont và thiếu tướng Prudhomme đem hai sư đoàn sang Bắc Kỳ. Chính phủ Tàu thấy chiến tranh không có lợi, bèn thuận ký tờ hòa ước, và lập tức sai quan sang Hà Nội truyền lệnh cho quân Tàu phải rút về.
Ngày 27 tháng 4 năm Ất Dậu (1885) là năm Quang Tự thứ 11, ông Patenôtre và ông Lý Hồng Chương ký tờ hòa ước, đại lược nói rằng nước Tàu nhận cuộc bảo hộ của nước Pháp ở nước Việt Nam, và lại hòa thuận buôn bán như cũ. Nước Pháp thì trả lại các chỗ mà hải quân đã chiếm giữ ở mặt bể, và thuận bỏ cái khoản tiền binh phí không đòi nữa. Ngày hôm quan hai nước ký tờ hòa ước ở Thiên Tân, thì hải quân trung tướng Courbet phải bệnh mất ở gần đảo Đài Loan. Hải quân của Pháp cũng chiếu theo điều ước mà rút quân về.
Dưới thời Trung Hoa Nhân Dân Cộng Hòa Quốc huyện Phòng Thành được sáp nhập vào tỉnh Quảng Tây ; lãnh thổ huyện này hợp với huyện Thượng Tư tạo thành Phòng Thành cảng thị, diện tích 6.113 km2. Phòng Thành cảng thị được chia làm 4 đơn vị hành chánh :
Bản đồ vùng đất giáp Việt Nam : Phòng Thành Cảng Thị
Chú thích địa danh quan trọng :
Dongzhongzhen : Ðồng Trung trấn
Dongxing : Ðông Hưng thị
Fangcheng : Phòng Thành khu
Gangkou : khu Cảng Khẩu
Jangpingzhen : Giang Bình trấn
Maluzhen : Mã Lộ trấn
Nadongxiang : Na Ðồng Hương
Naliangzhen : Na Lương trấn
Dongxing : Ðông Hưng thị
Fangcheng : Phòng Thành khu
Gangkou : khu Cảng Khẩu
Jangpingzhen : Giang Bình trấn
Maluzhen : Mã Lộ trấn
Nadongxiang : Na Ðồng Hương
Naliangzhen : Na Lương trấn
Trong 4 đơn vị hành chánh nêu trên, ngoại trừ huyện Thượng Tư sẽ đề cập tại mục phủ Nam Ninh, 3 đơn vị còn lại liệt kê chi tiết như sau :
1. Khu Cảng Khẩu gồm các trấn như : Công Xa, Quang Ba, Xí Sa.
2. Khu Phòng Thành chia làm 6 trấn 8 hương :
* Trấn Phòng Thành có 8 xã khu, 14 thôn ủy hội :
- 8 xã khu : Châu Hà, Trấn Hạ Linh, Tam Quan, Hỏa Xa Trạm, Ðông Môn, Trung Sơn, Trúc Viên, Mộc Ðầu Than.
- 14 thôn ủy hội : Thành Ðông, Phật Ðường, Tam Ba, Thạch Lãnh, Xung Luân, Xung Nhẫm, Na Thiên Hoa, Ðan Trúc Giang, Lý Nhị Giang, Ðại Vương Giang, Hoàng Trúc Ðường, Thành Nam, Thủy Doanh, Sa Phụ.
* Trấn Ðại Lục gồm 1 xã khu Ðại Lục và 16 thôn ủy hội: Ðại Lục, Bách Lý, Thành Nhẫm, Na Dư, Na Bài, Sơn Trung, Mễ Phong, Hoành Lộ, Na Vi, Na Phê, Na Lôi, Na Mễ, Ðức Lan, Mễ Trung, Na Ðức, Vạn Ðức.
* Trấn Hoa Thạch gồm 7 thôn ủy hội: Hoa Thạch, Xung Mẫn, Hoàng Giang, Hạn Ðường, Na Loan, Na Ðông, Bát Bách.
* Trấn Na Lăng gồm 1 Na Lăng xã khu và 9 thôn ủy hội: Ðông Sơn, Na Ẩm, Bình Mộc, Nhẫm Ổn, Pháo Ðài, Na Lăng, Na Hạ, Na Phú, Than Lãng.
* Trấn Na Lương (1) giáp các xã Hải Sơn, Bắc Sơn, huyện Mông Cái, tỉnh Quảng Ninh nước ta. Trấn gồm Na Lương xã khu và 15 thôn ủy hội: Bắc Luân, Ngũ Liên, Hán Thành, Na Vụ, Ðại Hà, Phạm Hà, Dân Sinh, Nam Lý, Na Ngũ, Na Lâu, Ðại Thôn, Ðại Bình, Ðại Miễn, Bạch Lại, Na Vượng
* Trấn Ðồng Trung giáp huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh ; trấn gồm Ðồng Trung xã khu và 6 thôn ủy hội: Bản Ðiển, Ðồng Trung, Khôn Mẫn, Na Lệ, Bản Hưng, Trượng Nghĩa.
* 8 hương gồm : Mao Lãnh, Phù Long, Than Doanh, Bình Vượng, Na Ðồng, Giang Sơn.
3. Ðông Hưng thị cách biên giới Việt Nam bởi sông Bắc Luân, năm 2003 chia thành 3 trấn : Ðông Hưng, Giang Bình, Mã Lộ.
* Trấn Ðông Hưng cách thị trấn Mông Cái, tỉnh Quảng Ninh, bởi sông Bắc Luân, trấn chia thành 7 xã khu và 8 hành chánh thôn :
- Xã khu : Ðông Giao, Thâm Câu, Hoa Khê, Trung Sơn, Thất Tinh, Công Viên, Bắc Giao.
- Hành chánh thôn : Trúc Sơn, Tùng Bách, Nam Mộc Sơn, Trường Hồ, Ðại Ðiền, Giang Na, Hà Châu, Ngưu Ách Lãnh.
* Trấn Giang Bình tại phía đông cửa sông Bắc Luân, chia thành 2 xã khu và 15 hành chánh thôn :
- Xã khu : Thành Nam, Thành Bắc.
- Hành chánh thôn : Vạn Vĩ, Giang Long, Thác Tổ, Trường Sơn, Ðàm Cát, Hoành Ải, Ban Ai, Giao Ðông, Sơn Tâm, Hoàng Trúc, Dung Thụ Ðầu, Tư Lặc, Na Lậu, Quí Minh, Vu Ðầu.
* Trấn Mã Lộ giáp với các xã Hải Yên, Hải Ðông, huyện Mông Cái, trấn có 1 xã khu và 8 hành chánh thôn :
- Xã khu : Hưng Quế.
- Hành chánh thôn : Mã Lộ, Ðại Kiều, Bình Phong, Trúc Vi, Ðại Vượng, Xung Lãm, Ðiếu Ứng, Bắc Liên.
Theo biên bản hội đàm phân định biên giới làm tại Mông Cái ngày 29/3/1887 [ngày5 tháng 3 năm Quang Tự thứ 13] giữa đại diện chính phủ Pháp và triều Thanh (2), như sau :
Ủy ban phân giới cắm mốc đã xác nhận từ Trúc Sơn, Trung Quốc, biên giới xuôi theo con sông nhỏ từ Trúc Sơn, đến Mông Cái (3), Ðông Hưng (4), hướng từ đông sang tây, đường trung tuyến của sông [Bắc Luân] là biên giới. Ðường biên giới chia tách các nơi như La Phù, Ðông Hưng của Trung Quốc với các nơi như Mông Cái, Mautsay của Việt Nam.
Từ Mông Cái, Ðông Hưng đến Bắc Thị, Gia Long (5), đường biên giới hơi uốn cong, đầu tiên hướng từ đông lên bắc, rồi hướng tây bắc, xuôi theo sông chảy theo hướng đông qua hai nơi này : một bên sông biên giới là sông Na Chi, Gia Long của Trung Quốc ; một bên là Thác Lĩnh, Nam Tinh, Bắc Thị của Việt Nam.
Từ Bắc Thị, Gia Long, biên giới xuôi theo đường trung tuyến sông Gia Long, sông này là một nhánh nằm phía tây Bắc Thị. Ðường biên giới kéo dài 30 dặm (1 dặm = 561 m), chạy thẳng đến nơi cách chợ cũ thôn Ðộng Trung 3 dặm về phía bắc, từ điểm A trên mảnh bản đồ số 1. Lĩnh Hoài, Phi Lao, Bản Hưng và một quả núi có tên Phân Mao Lãnh nằm sát biên giới ở đông Nam Bản Hưng thuộc Trung Quốc; các nơi xa như Na Dương, Ðộng Trung thuộc Việt Nam.
Từ điểm A, biên giới chạy về ải Bắc Cương, núi Phái Thiên, nơi đây cách thôn Bình Liêu (6) của Việt Nam khoảng 30 dặm theo đường thẳng, các đồn trạm như Bản Thôn, Na Quang thuộc Trung Quốc ; các đồn trạm như Na Dương, Trình Tường thuộc Việt Nam.
Ðặc điểm núi sông và địa vực quan trọng :
Núi Chiêu Viễn : tại phía tây bắc châu Khâm 150 lý [87 km], vốn tên là núi Than Linh, vào năm Tuyên Ðức thứ 6 [1431] Ngự sử Chu Giám trèo lên núi chiêu hàng loạn dân Hoàng Kim Quảng, nên được đổi tên là Chiêu Viễn.
Núi Thập Vạn Sơn : tại phía bắc châu Khâm 200 lý [116 km] giáp với châu Thượng Tư, mạch núi từ Ba Dương lãnh thuộc châu Thượng Tư đến. Phía tây từ châu Tư Lăng, nhấp nhô có đến 400 ngọn, sông Na Lang phát nguyên dưới núi. Lại có núi Vương Quang tại phía tây bắc châu 170 lý [98 km], giăng ngang nối liền với Thập Vạn Sơn.
Sông Phòng Thành : tại phía tây nam châu Khâm 150 lý [87 km], nguồn từ núi Thập Vạn Ðại Sơn chảy theo hướng nam đến cảng Ngư Châu ra biển. Thanh sử cảo chép sông Phòng Thành phát nguyên từ núi Nẫm Tân phía tây bắc chảy về hướng đông phía bên phải sông Hoạt Thạch nhập vào, qua huyện lỵ và tấn Thạch Qui Ðầu thì đổ vào biển.
Sông Ðại Trực : Thanh sử cảo chép phía bắc huyện Phòng Thành có sông Ðại Trực, ra khỏi ải Hổ Báo chảy về phương nam hợp với sông Mại Trúc, hướng đông nam qua Sư Tử Lãnh, sông Na Lương từ phía đông bắc hợp vào, đến phía đông hợp với sông Phượng Hoàng, hướng đông nam hợp với sông Ngư Hồng, đến Khâm châu thì ra biển.
Sông Bắc Luân : theo Thanh sử cảo, thượng nguồn sông Bắc Luân gọi là sông Văn Nghĩa phát nguyên từ Khảo Bang lãnh, hướng đông bắc đến tấn Bắc Luân lượn xuống phía nam có sông Gia Long từ tây nam nhập vào, bờ phía nam là biên giới Việt Nam ; lại hướng đông cùng sông Na Lương hợp, qua phủ Hải Ninh Việt Nam thì ra biển (7). Theo Đại Nam nhất thống chí (8), dưới triều Nguyễn phủ Hải Ninh thuộc tỉnh Quảng Yên. Phủ có hai châu : Vạn Ninh và Tiên Yên ; vị trí châu Vạn Ninh tương đương với thị xã Mông Cái, huyện Bình Liêu, Ðầm Hà và Hải Hà ngày nay ; châu Tiên Yên tương đương với huyện Tiên Yên ngày nay. Đại Nam nhất thống chí chép về phủ Hải Ninh như sau :
“ Phủ ở cách tỉnh thành 244 dặm [130 km] về phía đông bắc, đông tây cách nhau 233 dặm [135 km], nam bắc cách nhau 21 dặm [12 km], phía đông đến núi Bạch Long Vĩ giáp địa giới châu Khâm nước Thanh 70 dặm [40 km], phía tây đến sông huyện Hoành Bồ phủ Sơn Ðịnh 163 dặm [94 km], phía nam đến cửa Tán 18 dặm [10 km], phía bắc đến địa giới châu Thượng Tư nước Thanh 3 dặm [1,74 km]. Ðời Hán là quận Giao Chỉ, đời Lương là quận Hải Ninh, đời Tùy là quận Ninh Việt, đời Ðường là Lục Châu ; đời Minh là phía bắc châu Tĩnh Yên ; đời Lê đặt thành phủ Hải Ðông lãnh 7 châu huyện. Năm Minh Mệnh thứ 17 [1836] đổi tên hiện nay, lại trích huyện Hoành Bồ và châu Tiên Yên đặt làm phủ Sơn Ðịnh, bỏ châu Vân Ðồn, đem tổng Vân Hải lệ vào huyện Hoa Phong, công việc phủ do viên huyện Hoa Phong kiêm thự, thống hạt 2 châu Vạn Ninh và Yên Hưng. Năm Tự Ðức thứ 3 [1850] đổi huyện Nghiêu Phong lệ phủ Sơn Ðịnh, đặt tri phủ Hải Ninh kiêm lý châu Vạn Ninh và thống hạt châu Tiên Yên. Nay quản lãnh 2 châu.”
Phân Mao Lãnh : Đại Thanh nhất thống chí chép rằng Phân Mao Lãnh tại phía tây châu Khâm, Dư địa kỷ thắng chép chân núi Phân Mao Lãnh tiếp giáp An Nam. Minh thống chí chép Mã Viện nhà Hán đánh Giao Chỉ lập cột đồng tại dưới núi để chia ranh giới. Trên đỉnh núi có một loài cỏ ngọn chia làm 2 hướng, đến nay còn như vậy. Thông chí chép vào năm Tuyên Ðức thứ 2 [1427] bị chiếm mất vào châu Tân An, Giao Chỉ ; đến năm Gia Tĩnh thứ 21 [1542] Mạc Ðăng Dung quy hàng trả lại.
Sự tích về Ðồng Trụ : Phủ chí chép rằng tại tây nam châu Khâm có động Cổ Sâm, Tiết độ sứ Mã Thông đời Ðường lập đồng trụ. Về cột đồng Mã viện, sách Dư địa kỷ thắng chép rằng dưới động Cổ Sâm châu Khâm là biên giới với An Nam, có cột đồng Mã Viện, người An Nam đi qua bèn lấy đá bồi đắp vào nên trở thành gò lăng. Thuyết này kể rằng khi xây cột đồng, Mã Viện có lời thề “ Ðồng trụ xuất, Giao Chỉ diệt ”, nên dân sợ cột đồng đổ xuống bèn lấy đá bồi đắp ! Thông chí chép vào năm Sùng Trinh thứ 9 [1636] thời Minh, Tham nghị Trương Quốc Quân hỏi đồng trụ tại xa hay gần ; một phụ lão tại Thiếp Lãng tên là Hoàng Triều Hội trả lời vào năm Vạn Lịch thứ 24 [1569] từng đến nơi đó thấy ngọn cỏ chia làm 2 hướng tại 2 bên đỉnh núi, nhưng tới đồng trụ thì còn xa. Con đường phải đi từ Thiếp Lãng, Phù Long đến Bản Mông mất 1 ngày, từ Bản Mông đến Na Mông Na Lai mất 1 ngày, từ Na Lai đến Quan Lang Ðộng La mất 1 ngày, từ Ðộng La đến Giang Na 1 ngày, từ Giang Na đến Bắc Lãm 1 ngày, từ Bắc Lãm đến Bắc Quí 1 ngày, từ Bắc Quí đến Tân An 1 ngày, từ Tân An đến Bát Xích, Thạch Kiều phải đi thuyền 8 ngày mới tới nơi.
Trấn Như Tích : xưa gọi là trấn, Cửu vực chí chép huyện An Viễn có trấn Như Tích, Tống sử mục địa lý chí chép An Viễn có trại Như Tích, Dư địa kỷ thắng chép trại Như Tích nằm tại phía tây châu Khâm 160 lý [92 km], cách châu Vĩnh An Giao Chỉ 20 lý [11,6 km], chiếm một ngọn núi lớn thế rất hiểm, xưa đặt trại để coi 7 động. Thông chí chép phía tây châu Khâm có Như Tích, Liễu Cát, Thiếp Lãng, Tư Lẫm, Cổ Sâm, Thời La 7? động, đời nhà Tống lập Ðộng trưởng để trông coi, đầu đời Hồng Vũ [1368] đặt Tuần kiểm tại Như Tích để thống trị, đất này phía bắc giáp với 2 con sông tại đông và tây, phía nam giáp Giao Chỉ, vào năm Vĩnh Lạc thứ 14 [1416] tăng đặt Phật Ðào Tuần kiểm tại biên cảnh phía tây, vào năm Tuyên Ðức thứ 2 [1427] Lê Lợi tại Giao Chỉ làm loạn các động Tư Lẫm, Thời La, Cổ Sâm, Liễu Cát quy phụ họ Lê ; đến năm Gia Tĩnh thứ 19 [1540] Giao Chỉ thần phục đã nạp 4 động xâm chiếm ; vào năm Gia Tĩnh thứ 21 [1542] Tri châu Lâm Hy Nguyên định lại biên giới còn lại hai động Thiếp Lãng, Thời La mà thôi. Châu chí chép ty Như Tích xưa tại thôn Na Tô, phía tây nam châu 170 lý, nay dời đến thôn Lịch phía bắc sông Tây Giang. THANH SỬ CẢO chép Huyện thừa đóng tại Ðông Hưng, dưới quyền có 2 Tuần ty : Như Tích và Vĩnh Bình.
Ải Na Tô : tại thôn Na Tô có ải Na Tô Thanh thống chí chép vị trí tại phía tây nam châu Khâm, thuộc đô Như Tích, vào thời Tuyên Ðức An Nam đặt Thiên hộ Kim Lặc tại nơi đây, lại đặt ải Nẫm Quân tại phía đông nam Na Tô 7 lý ; ải Na Quân tại phía đông Na Tô hơn 10 dặm, phía ngoài đó là biên giới Giao Chỉ.
Những nét lịch sử về huyện Phòng Thành có liên quan đến Việt Nam
1. Sau khi vua Lê Lợi giành được độc lập, các đô Như Tích, Thiếp Lãng tại biên giới, không chịu thần phục nhà Minh :
Ngày 20 tháng 12 năm Tuyên Đức thứ 9 [19/1/1435]
Châu Khâm, Quảng Đông tâu :
“ Hai đô Thiếp Lãng, Như Tích tiếp giáp với huyện Vạn Ninh, Giao Chỉ. Trước đây nhân Lê Lợi phản nghịch, bọn người trong đô là Hoàng Khoan bị cưỡng bách, trợ giúp man khấu cướp tài sản của dân. Mới đây được ân mệnh chiêu phủ, bọn Khoan cam tâm nghe lời giặc không tuân theo.”
Thiên tử mệnh hành tại bộ Binh gửi văn thư cho Tam ty, Tuần Án Ngự sử Quảng Đông thẩm xét ước lượng để tiện nghi xử lý. (Minh thực lục v. 21, tr.2591-2592 ; Tuyên Tông q. 115, tr. 8a-8b)
2. Tình trạng kéo dài đến đời Minh Anh Tông ; sự việc tâu lên, nhà vua chỉ khuyên thuộc cấp nên tìm cách chiêu dụ :
Ngày 29 tháng 2 năm Chính Thống thứ 5 [1/4/1440]
Tuần vũ Quảng Đông Giám sát Ngự sử Chu Giám tâu rằng :
“ Dân châu Khâm bọn Hoàng Khoan làm phản theo An Nam ; chiêu phủ năm này qua năm khác nhưng không phục. Xin sắc mệnh cho quan Đại thần tại triều đình bàn bạc gửi văn thư hứa miễn thuế lương thực nếu trở về với nghề nhiệp cũ ; ngoài ra xin cử một Đô Chỉ huy thanh liêm được việc đến trấn thủ tại châu Khâm.”
Thiên tử mệnh số thuế bọn Khoan thiếu, hãy ngưng lại không thu. Còn ra sắc dụ cho Tam Ty Quảng Đông rằng :
“ Con người ta không ai là không thích an lạc ghét khổ sở ; bọn Khoan đều do các quan lại quận huyện tham bạo ngược đãi, bất đắc dĩ phải tìm kế tự toàn. Trẫm từ khi lên ngôi đến nay, lấy sự dưỡng dân làm chính sách ; các ngươi là những người được tuyển chọn cẩn thận, hãy thể theo y trẫm, lấy lòng trung phủ dụ còn có thể cảm hóa được loài vật như cá, lợn huống gì là con ngươi ! Các ngươi mỗi người hãy cử quan cao cấp một viên, cùng với Tuần vũ, Án sát, Ngự sử thân đến chiêu dụ ; chỉ dùng những lời tử tế cảm hóa, bọn chúng nhớ ơn vui lòng khâm phục, khiến dân được yên. Lại ban một đạo sắc dụ bọn Khoan, giao các ngươi đưa đi. Khâm châu là nơi quan trọng, hãy bàn bạc chọn trong đám Đô Chỉ huy một tay lão thành thanh liêm, được việc đến trấn thủ ; không được phép sinh sự.”
(Minh thực lục v. 25, tr. 1235-1236 ; Anh Tông q. 64, tr. 11a )
3. Cuối cùng nhà vua và bộ Binh bàn định chờ khi Sứ thần nước ta đến, sẽ ra sắc dụ trả lại đất :
Ngày 15 tháng 10 năm Chính Thống thứ 5 [9/11/1440]
Dân châu Khâm, Quảng Đông là bọn Hoàng Khoan từ năm đầu Tuyên Đức [1426] dụ dỗ cư dân hơn 290 hộ cùng ruộng đất, hiến cho An Nam. Trước đây đã sắc cho Tuần phủ, Án sát, Ngự sử cùng các quan tại Tam Ty mang sắc phủ dụ, nhưng bọn Khoan không tuân. Khảo xét chí thư về châu này, từ khi Hán Mã Viện bình định xong, lấy Đồng Trụ làm giới hạn phía tây nam, Phân Mao Lãnh giới hạn phía tây bắc; trong vòng giới hạn đó từ thời Hán Vũ đế đến nay đều lệ thuộc châu Khâm. Nay trong vòng Phân Mao Lãnh hơn hơn 300 dặm, trong vòng Đồng Trụ hơn 200 dặm đều do An Nam xâm lấn. Nếu như ban sắc dụ Vương An Nam trả lại đất đã xâm lấn, thì không cần phải gọi dân về, vì đã được trả lại !
Bộ Binh bàn định như sau :
“ Nên đợi đến ngày nước An Nam sai sứ triều cống sẽ ban sắc cho Quốc vương nước này trả lại đất đã xâm lấn. Vẫn hiểu dụ bọn Khoan rằng nếu tình nguyện đem gia đình trở về sẽ được tha tội. Sắc cho lực lượng phòng thủ, không được xâm nhiễu gây hấn nơi biên giới.”
Được Thiên tử chấp thuận. (Minh thực lục v. 25, tr. 1397-1398 ; Anh Tông Q. 72, tr. 5a-5b)
4. Năm Chính Thống thứ 7 [1442], khi Sứ thần An Nam đến, vua Anh Tông gửi sắc dụ cho vua Lê Thái Tông như sau :
Ngày 8 tháng 3 năm Chính Thống thứ 7 [18/4/1442]
Sứ thần An Nam Lê Quyến từ giã bệ rồng. Mệnh ban cho Quốc vương Lê Lân sắc ; cùng ban mũ dạ, khăn đội đầu, y phục dệt kim. Sắc như sau :
“ Trẫm phụng mệnh trời, coi dân bốn cõi, hải nội hải ngoại đều là con đỏ của triều đình, muốn mọi nơi được an sinh lạc nghiệp, không trái với tính trời. Tiên Hoàng đế nước ta, thể theo bụng Hoàng thiên, dẹp bỏ việc binh, thương xót dân, muốn thiên hạ được nghỉ ngơi, nên đã mệnh cha ngươi quyền coi việc quốc sự, cai trị dân một phương. Ta theo chí của người đời trước, phong ngươi làm An Nam Quốc vương để kế thừa cha ngươi, đó cũng thể theo đạo trời, với lòng nhân thương người vậy.
Năm trước Hoàng Kim Quảng, người châu Khâm, phủ Liêm Châu, Quảng Ðông bị người nước ngươi dụ dỗ, ngu muội làm điều sai quấy xưng hai đô Thiếp Lãng, Như Tích xưa thuộc An Nam. Lấy lời sàm mê hoặc cha ngươi, nên cha ngươi cho lập vệ đặt quân tại thôn Nha Cát. Bắt ép 281 hộ phải theo, xâm chiếm cương vực, dụ hiếp nhân dân, việc này do người dưới tại nước ngươi làm, cha con ngươi không biết được.
Phàm 281 hộ, chẳng đáng gây thiệt hại nơi này để có ích nơi khác; nhưng trọng tín nghĩa không thể dối trời; sắc đến sai bọn Hoàng Khoan 281 hộ, giao cho châu Khâm quản lý. Tội trạng cũng tha không hỏi đến, vệ đã lập hãy bỏ đi như cũ, để thể hiện đạo kính trời thờ nước lớn, ngươi sẽ được hưởng phúc mãi mãi. Khâm thử ! ”
(Minh thực lục v. 26, tr. 1807-1808; Anh Tông q. 90, tr. 2a-2b)
5. Lúc bấy giờ tại vùng đất Trung Quốc giáp giới nước ta, có nhiều người Việt sống lẫn lộn, nên phong tục và tiếng nói bị ảnh hưởng. Có lời tâu xin thay đổi y phục, lập thêm trường học, cẩn thận việc phòng thủ; được vua Anh Tông chấp thuận :
Ngày 17 tháng 4 năm Chính Thống thứ 14 [8/5/1449]
Người dân tên Ðặng Cung thuộc huyện Ðông Hoàn, Quảng Ðông tâu 7 điều :
- Khâm châu giáp giới Giao Chỉ, người dân tại đây ăn mặc và tiếng nói tương tự, khó mà phân biệt được rõ ràng. Xin sai quan đến nơi này thay đổi y phục theo Trung châu, lập trường học tại làng, thay đổi ngôn ngữ theo tiếng Trung Hoa. Như vậy đổi được phong tục, làm khác y phục, phát âm, để dễ biện biệt.
- Các ty tại Quảng Ðông giam giữ trọng tù; xin miễn tội chết, đến sung quân tại các vệ, sở trọng yếu thuộc châu Khâm, Liêm để đề phòng xâm lăng từ bên ngoài.
- Cho dân Lưỡng Quảng đến châu Khâm khai thác muối, để quân đội có nhiều dự trữ.
- Di chuyển các kho nghĩa thương tại vùng duyên hải vào trong nội thành, để chấm dứt sự dòm ngó của bọn giặc cướp.
- Núi Ðại Dữu Lĩnh tại Nam Hùng cây cối hiểm trở, phía đông tiếp giáp Phúc Kiến, phía tây tiếp Quảng Tây, bắc đến Giang Tây, nam đến Quảng Ðông, là nơi trọng yếu. Các Thiên hộ sở tại Nam Hùng, Nam An phải trử lương cho đủ 10 năm để đề phòng chuyện không lành.
- Thanh Viễn, Thiều Châu có đường lộ quan trọng ; mấy năm thành trì hư khuyết, nên đắp cao dày, thận trọng trong việc phòng thủ.
- Ðất đai dọc sông tại Thiều Châu, Nam Hùng, thời Hồng Vũ nhân bỏ hoang nên giảm lương ngạch nhiều. Nay quân dân lục tục khẩn hoang thành ruộng ; xin sai quan ước lượng tăng thuế theo nguyên ngạch.
Thiên tử mệnh đình thần bàn và thi hành. (Minh thực lục v. 30, tr. 3418-3419; Anh Tông q. 177, tr. 6b-7a)
6. Ðến dưới thời Gia Tĩnh, để dọn đường cho Mạc Ðăng Dung quy hàng, viên Tri châu Khâm dâng biểu lên triều đình nhà Minh xin đòi hỏi Mạc Ðăng Dung những điều kiện tiên quyết về quy hàng, trong đó có việc hoàn trả lại 4 động :
Ngày 6 tháng 4 năm Gia Tĩnh thứ 19 [11/5/1540]
Tri châu châu Khâm, Lâm Hy Nguyên dâng biểu rằng :
…Thần nghĩ rằng muốn biết tình thật, bắt giao ước những điều sau đây : phải trả cho ta 4 động, lệnh để Lê Ninh (9) không mất ngôi vị, lệnh để cựu thần nhà Lê như Trịnh Duy Liêu, Vũ Văn Uyên không mất chức tước và đất, tuân theo lịch chính sóc. Theo những điều của ta là hàng, không theo là ngụy trá…(Minh thực lục v. 81, tr. 4815-4817 ; Thế Tông q.236, tr. 2a-3a)
7. Tuân theo yêu sách, trong tờ biểu xin hàng, Mạc Ðăng Dung đã chính thức dâng nạp 4 động Ti Lẫm, Kim Lặc, Cổ Sâm, Liễu Cát :
Ngày 4 tháng 4 năm Gia Tĩnh thứ 20 [29/4/1541]
...Mới đây thần nghe Tri châu châu Khâm tỉnh Quảng Đông Lâm Hy Nguyên xưng rằng các động Ti Lẫm, Kim Lặc, Cổ Sâm, Liễu Cát thuộc hai đô Như Tích, Thiếp Lãng là đất cũ của châu Khâm; nếu đúng như vậy thần xin vâng lời... (Minh thực lục, v. 82, tr. 4966-4973 ; Thế Tông q. 248, tr. 1b-5a)
8. Việc trả lại 4 động được chính thức thi hành vào năm sau, lúc này Mạc Ðăng Dung đã mất, người cháu là Phúc Hải lên thay. Viên Ðề đốc Lưỡng Quảng Thái Kinh sợ dân tại 4 động một lòng với nước cũ chống đối, nên xin lập đồn và đem ty tuần kiểm tại châu Khâm dời về đó để trấn áp :
Ngày 10 tháng 11 năm Gia Tĩnh thứ 21 [16/12/1542]
…Mạc Phúc Hải sai quan thuộc Tuyên vệ ty là bọn Nguyễn Điển Kính dâng phương vật, biểu văn, nạp cống, trả lại 4 động cho châu Khâm. Thái Kinh tâu rằng :
“ 4 động hấp nhiễm phong tục Di đã lâu, sợ chưa thuần nhất hướng theo sự giáo hóa, xin đặt đồn tại Hà Châu, đem ty tuần kiểm trước đây đặt tại châu Khâm dời đến đồn này, để khống chế các Di và dẹp tàn dư bọn ác ; khiến dân mới qui phụ có chỗ nương dựa, không còn lo sợ.”
Lời tâu đưa xuống bộ Binh, được bộ này đồng ý và phúc tâu rằng :
“ Người đầu tiên bàn xin lấy lại 4 động này là Thiêm sự Lâm Hy Nguyên, nay đã bãi chức, nhưng công không nên quên.”
Chiếu thư chấp nhận và thưởng cho Hy Nguyên tiền và lụa. (Minh thực lục, v.82, tr. 5295-5296 ; Thế Tông q.268, tr. 3a-3b)
HỒ BẠCH THẢO
Chú thích
(1) Nhắm lưu ý, những địa danh sát biên giới Việt Nam đều được gạch đít, ví dụ: trấn Na Lương.
(2) Tư liệu lịch sử biên giới Trung Việt, Ủy ban biên giới quốc gia, bộ Ngoai Giao xuất bản : Hà Nội, 2008, tập 3, trang 591.
(3) Phần lớn tên đất trong biên bản hội đàm phân định biên giới, so với tên hiện nay đã đổi khác. Riêng tên đất nào còn lưu lại sẽ chú thích ; như địa danh Mông Cái nằm trong khung A5 bản đồ số 25, Tập bản đồ hành chính 64 tỉnh, thành phố Việt Nam [viết tắt Bản đồ Việt Nam], nhà xuất bản Bản đồ : Hà Nội, 2005.
(4) Ðông Hưng thị : xem bản đồ đính kèm.
(5) Sông Gia Long : phụ lưu của sông Bắc Luân.
(6) Thôn Bình Liêu : xem Bản đồ Việt Nam, trang 25, khung A4.
(7) Thanh sử cảo do Sử quán thời Dân Quốc biên soạn năm 1914 xác nhận cửa sông Bắc Luân tại phủ Hải Ninh Việt Nam, nhưng theo bản đồ Google dưới đây thì cửa sông Bắc Luân nằm trong lãnh thổ Trung Quốc ; sự thay đổi xẩy ra trong vòng 100 năm nay cần được nghiên cứu kỹ.
Chú thích bản đồ :
a. Biên giới Trung Việt theo hướng từ Xiataling (Hạ Than Lãnh) đến Guanyinsi (Quan Âm tự)
b. Beilun river : sông Bắc Luân
c. Cửa sông Bắc Luân nằm dưới chữ Lulinchang (Lô Lâm Trường).
d. Dongxing Customs (Ðông Hưng hải quan)
(8) Đại Nam nhất thống chí, tập 4, trang 13-14.
(9) Lê Ninh tức vua Lê Trang Tông, do Nguyễn Kim tôn lên năm 1533.