-Nhập nhằng “kinh doanh” và “chính sách xã hội” (PL)-Ông Nguyễn Tôn, Chủ tịch Hiệp hội Cấp thoát nước Việt Nam, cho biết hiệp hội vừa mới có đề xuất gửi ba bộ: Xây dựng, Tài chính, NN&PTNT về việc thu tiền thuê bao đối với các hộ sử dụng nước sạch.
Phí thuê bao nước dự kiến từ 15.000 đến 20.000 đồng/tháng, áp dụng cho mọi hộ đã lắp đồng hồ.
Ông Tôn giải thích, áp dụng tính phí thuê bao như vậy cũng vì quyền lợi của người nghèo: Chính phủ quy định mức thu tối thiểu đối với một hộ dân là 4 m3 nước/tháng. Vậy hộ nghèo dùng chưa đến 4 m3 mà phải trả tiền cho 4 m3 là bất hợp lý.
Tuy thế, ta hãy thử tính xem: Căn cứ giá nước áp dụng mới từ 1-1-2011 thì từ nay, số tiền tối thiểu một hộ phải trả nếu dùng dưới 4 m3 nước/tháng là 4.400 x 4 = 17.600 đồng. Nếu làm theo đề xuất của chủ tịch Hiệp hội Cấp thoát nước thì người nghèo không phải đóng khoản này nhưng lại phải trả phí thuê bao nước cố định là 15.000-20.000 đồng, cộng thêm với chi phí cho lượng nước có sử dụng sẽ nhiều hơn hẳn. Chẳng lẽ như vậy lại là hợp lý và “vì người nghèo”?
Đem “chính sách xã hội” ra để che đỡ cho việc tăng thu tiền nghe ra không ổn. Là một hội nghề nghiệp, sẽ có lý hơn phần nào khi Hiệp hội Cấp thoát nước Việt Nam nói thẳng rằng vấn đề nằm ở chuyện kinh doanh của ngành. Lập luận của hiệp hội là giá nước hiện được bán ra là quá thấp, chỉ bằng 50% giá thành, không đủ bù chi phí sản xuất (cũng giống như ngành điện). Ngành nước cần tiền cho sửa chữa, thay đồng hồ, bảo dưỡng đường ống…
Tuy nhiên, lại cũng giống như ngành điện, nguồn tiền ấy có thể được huy động từ kiểm soát thất thoát, tăng hiệu quả hoạt động của ngành, hoặc từ việc tăng giá nước phục vụ kinh doanh, thương mại, dịch vụ; thay vì từ một khoản thuê bao áp lên mọi người dùng. Khi tăng giá nước phục vụ sản xuất kinh doanh một cách hợp lý, ít nhất cũng buộc được những đối tượng này (thường sử dụng nước rất nhiều) phải sử dụng nước tiết kiệm, phát huy sáng kiến giải pháp kỹ thuật để tiết giảm tối đa chi phí. Chứ còn đánh vào túi mọi hộ dân rồi lại khoác cái áo “chính sách xã hội” thì thật bất hợp lý.
Điều đáng nói là, nếu đã xác định có những doanh nghiệp hoạt động vì mục đích xã hội (như trong các ngành nước, điện) thì chi phí sửa chữa, thay đồng hồ, đường ống v.v… của những ngành này đương nhiên là một phần của dịch vụ mà doanh nghiệp cung cấp cho xã hội. Sao lại đổ cả chi phí lên đầu người tiêu dùng, nhất là khi người tiêu dùng ấy chẳng còn lựa chọn nào khác về nhà cung cấp?
HOÀNG THƯ
-Có thể sẽ phải trả “phí thuê bao” nước sạch (TT)-