Thứ Hai, 3 tháng 1, 2011

MỘT THẾ GIỚI HẬU HOA KỲ (THE POST-AMERICAN WORLD) 4- Kẻ thách thức

-MỘT THẾ GIỚI HẬU HOA KỲ (THE POST-AMERICAN WORLD)
Tác giả: Fareed Zakaria
Người dịch: Lê Quốc Tuấn


Kẻ thách thức
Kỳ 1

Người Mỹ có thể ca tụng cái đẹp nhưng thực ra họ thường bị chóa mắt bởi những gì đồ sộ. Hãy nghĩ đến Đại Vực (Grand Canyon), California redwoods, Nhà Ga Trung Tâm (Grand Central Terminal), Khu giải trí Disney (Disney World), xe SUV, Quân đội Hoa Kỳ, hãng General Electric, Double Quarter Ponder (với Cheese) và cà phê Venti Latte. Người Âu châu thích sự phức tạp, người Nhật tôn sùng sự gì cực nhỏ. Nhưng quả là người Mỹ ưa chuộng kích cỡ, họ thích cỡ cực đại.


Đấy là lý do vì sao Trung quốc đã làm người Mỹ nhức óc vô cùng. Đấy là một quốc gia đã khiến Hoa kỳ bị còi đi nhỏ lại. Với 1.3 tỉ người, đất nước này có dân số đông gấp bốn lần dân số Mỹ. Trong hơn một trăm năm, giới thương nhân và giáo sĩ Mỹ luôn mơ đến các khả năng - một tỉ linh hồn để cứu vớt, 2 tỉ cái nách hôi để mà khử mùi – nhưng họ chưa bao giờ từng đạt được các giấc mơ ấy. Trung quốc rất lớn, nhưng rất nghèo. Đất lành (The Good Earth), tác phẩm (và cũng là kịch bản, phim ảnh) bán chạy nhất của Pearl Buck, từng giới thiệu đến dung nhan lâu dài của Trung quốc: một xã hội trồng trọt với những nông dân đau khổ, các chủ đất tham lam, bệnh tật và lụt lội, các tai ương và nghèo đói.

Câu nói nổi tiếng và có lẽ đáng ngờ của Napoleon “Hãy để Trung Hoa ngủ, bởi vì khi Trung Hoa thức giấc, nàng sẽ lay chuyển cả thế giới”. Và trong hơn hai trăm năm, Trung quốc như đã theo lời hướng dẫn của ông ta, đã cứ nằm ngủ và đóng một vai trò bé nhỏ trong một vũ trường nơi các quyền lực lớn khác cứ phô diễn các tham vọng của mình. Trong thế kỷ thứ hai mươi, Nhật Bản, từng một thời là kẻ bắt chước theo Trung Hoa, đã giúp đất nước này trong chiến tranh và trong hòa bình.Trong thời Đệ Nhị thế chiến, Hoa Kỳ đồng minh với Trung Hoa và đã viện trợ cho đất nước này, và năm 1945, cho một vị trí trong Hội đồng Bảo An LHQ. Khi Bắc Kinh và Washing ton trở thành thù địch sau khi những người cộng sản chiếm đoạt vào năm 1949, Trung Quốc trượt hẳn tuốt về phía sau. Mao Trạch Đông đã kéo lê đất nước này qua một loạt những tai họa chấn động khiến hủy diệt kinh tế, khoa học và vốn trí thức. Thế rồi vào năm 1979, mọi thứ lại bắt đầu lung lay trở lại.

Sự thức giấc của Trung quốc đang tái định hình cảnh quan kinh tế chính trị, nhưng Trung quốc cũng bị định dạng bởi chính thế giới mà đất nước này đang nổi lên từ đó. Bắc Kinh đang thương thảo với cả hai sức mạnh vốn đang xác định một thế giới hậu Hoa Kỳ rộng rãi hơn - sự toàn cầu hóa và chủ nghĩa quốc gia. Một mặt, kinh tế và khoa học kỹ thuật đang đẩy Bắc Kinh đi vào sự hợp tác hội nhập vào thế giới. Nhưng những sức mạnh tương tự này đang đem lại sự chia rẽ và biến động xã hội trong đất nước và chế độ đang tìm kiếm các phương cách mới để kết hợp một xã hội không ngừng chia rẽ. Trong khi đó, sự phát triển cũng có nghĩa là Trung quốc trở nên có tính quyết đoán hơn, tỏa lên một bóng che lớn hơn trên khu vực và cả thế giới. Nền hòa bình và ổn định của thế giới Hậu Hoa Kỳ sẽ tùy thuộc phần lớn vào sự quân bình mà Trung quốc tác động giữa những lực lượng của sự hòa hợp và bất xứng.

Khi các sử gia nhìn lại những thập kỷ vừa qua của thế kỷ hai mươi, chắc họ sẽ xem năm 1979 như một nguồn nước đổ. Năm đó, Liên xô xâm lăng Afghanistan, tự đào mồ chôn vai trò siêu quyền lực mình. Và cũng năm đó, Trung quốc khởi sự cải cách kinh tế. Chỉ dấu của biến cố sau đã đến vào tháng mười hai 1978 (i) tại một cuộc họp không hẹn trước: Hội nghị toàn thể lần thứ Ba của Uỷ ban Trung Ương Đảng Cộng Sản Trung Quốc, một dịp đặc trưng cho các bài hùng biện rỗng tuếch và tư tưởng mục nát. Trước buổi họp chính thức, tại một phiên họp đã được chuẩn bị, Đặng Tiểu Bình, nhân vật vừa được trao quyền lãnh đạo đảng, đọc một bài phát biểu vốn trở thành một bài phát biểu quan trọng nhất trong lịch sử hiện đại của Trung Quốc. Ông đã thúc dục chế độ tập chú vào phát triển kinh tế và hãy để cho thực tế - chứ không phải tư tưởng- dẫn đạo lối đi. "Mèo trắng hay mèo đen không quan trọng" Đặng nói "miễn bắt được chuột là mèo giỏi". Kể từ đó, Trung quốc đã thực hiện đúng như thế, theo đuổi con đường hiện đại hóa thực tiễn một cách tàn nhẫn.

Kết quả thật đáng kinh ngạc. Trung quốc đã phát triển hơn mức 9 phần trăm hàng năm trong gần ba mươi năm, tốc độ nhanh nhất đối với một nền kinh tế lớn trong lịch sử từng được ghi lại. Trong cùng thời gian ấy, Trung quốc đã đưa hơn 400 triệu dân ra khỏi tình trạng nghèo đói, một sức suy giảm chưa từng xảy ra được ở bất cứ nơi đâu vào bất cứ thời điểm nào. Thu nhập của người Trung quốc trung bình đã tăng gần bảy lần. Bất chấp các mặt hạn chế và tụt hậu, Trung quốc đã đạt được - một thay đổi dứt khoát với nghèo đói - giấc mơ của tất cả các quốc gia trong thế giới thứ ba trong một bình diện cực lớn. Nhà kinh tế Jeffrey Sachs đã diễn tả rõ ràng : "Trung quốc là câu chuyện để mà kể lại về sự phát triển thành công nhất trong lịch sử thế giới".

Độ lớn của sự thay đổi ở Trung quốc là gần như không thể tưởng tượng được. Kích thước của nền kinh tế này đã nhân đôi mỗi tám năm trong suốt ba thập niên. Vào năm 1978, đất nước này sản xuất được 200 máy điều hòa không khí, năm 2005, sản xuất được 48 triệu. Ngày nay, mức xuất khẩu trong một ngày của Trung quốc nhiều hơn mức xuất khẩu trong cả năm 1978. Đối với những ai từng đến thăm Trung quốc trong thời gian này, sẽ có nhiều hình ảnh và minh chứng hơn về sự đổi thay mà một người nào có thể nhớ lại. Mười lăm năm trước, khi tôi đến Thượng Hải lần đầu tiên, vùng Pudong ở phía đông thành phố là một vùng quê chưa phát triển. Ngày nay đó chính là khu vực tài chính của thành phố, chật ních với những tòa nhà cao bằng kính và thép, hàng đêm sáng rực như thể những cây Giáng sinh. Khu vực này lớn gấp tám lần hơn Canary Wharf, khu tài chính mới của London và chỉ nhỏ hơn cả thành phố Chicago một chút. Trong khi đó, thành phố Trùng Khánh, bản thân là một kiểu mẫu của Chicago, vốn là thành phố phát triển nhanh nhất thế giới từ một trăm năm trước. Trùng Khánh đang tăng thêm 300 ngàn người mỗi năm, có lẽ ngày nay đã đạt được danh hiệu ấy. Và Trùng Khánh chỉ là cái đầu của một bộ sậu gồm hai mươi thành phố phát triển nhanh nhất thế giới đều thuộc về Trung quốc.

Bất chấp sự thu hút của Thượng Hải đối với người Tây phương, Bắc kinh vẫn là trung tâm của chính trị, văn hóa, nghệ thuật và ngay cả về kinh tế. Thành phố đã được tái tạo đến một giới hạn chưa từng thấy trong lịch sử (so sánh gần nhất có thể là cuộc sửa sang thành phố Paris của Haussmann trong thế kỷ thứ mười chín). Phần lớn nằm trong công cuộc chuẩn bị cho Olympics 2008, Bắc Kinh xây dựng 6 tuyến xe điện ngầm, một hệ thống đường sắt 43 km, một phi cảng mới (dĩ nhiên là lớn nhất thế giới), 25 triệu mét vuông dinh thự mới, 125 kilo mét "vùng cây xanh" và một công viên thi đấu Olympics 12 kilo mét vuông. Khi nhìn vào kiểu mẫu của thành phố Bắc Kinh mới, không khỏi nghĩ đến kế hoạch hùng vĩ của Albert Speer cho thành phố Bá Linh sau hậu chiến, đã được vẽ lên vào những năm 1940, chính là, Albert Speer con, người con trai, cũng là một kiến trúc sư đã thiết kế đại lộ dài 8 km chạy từ Cấm thành đến công viên Olympic. Ông không hề nhìn thấy được một sự so sánh có giá trị giữa sự chuyển hóa thành phố Bắc Kinh và các thiết kế của cha mình đã thực hiện cho Hitler. Công trình này "lớn hơn", "lớn hơn rất nhiều", ông nói (ii).

Mọi thương nhân ngày nay đều có những con số thống kê chóa mắt về Trung quốc, những con số có thể khiến người ta phải câm lặng sững sờ. Và đó thực là những con số đầy ấn tượng - hầu hết các số liệu đó đều sẽ bị vượt qua ngay khi ai đó vừa đọc xong. Trung quốc là nhà sản xuất lớn nhất thế giới về than đá, sắt và xi măng. Đất nước này là thị trường điện thoại di động lớn nhất thế giới. Có 28 tỉ bộ vuông diện tích đang được xây dựng từ năm 2005, nhiều gấp 5 lần hơn Hoa Kỳ. Xuất khẩu của TQ sang Hoa Kỳ đã tăng 1600 phần trăm trong mười lăm năm qua. Ở đỉnh cao của cuộc cách mạng kỹ nghệ, Anh quốc đã được gọi là "công xưởng của cả thế giới". Danh hiệu đó nay thuộc về Trung quốc. Đất nước này sản xuất 2 phần 3 số lượng máy photocopy, lò nướng viba, đầu phát DVD và giày dép của cả thế giới.

Để có được một ý niệm về việc Trung quốc đã hoàn toàn thống lĩnh nền sản xuất giá hạ như thế nào, hãy nhìn vào Wal-Mart. Wal-Mart là một trong những đại công ty lớn nhất thế giới. Doanh thu của công ty này nhiều hơn số doanh thu của Microsoft tám lần và có giá trị đến 2 phần trăm GDp của Mỹ. Công ty này thuê mướn 1.4 triệu công nhân viên, nhiều hơn tổng số công nhân viên của các công ty GM, Ford, GE và IBM gộp chung lại. Huyền thoại của họ về tính hiệu quả - có người muốn cho là tàn nhẫn – chính là nỗ lực để đưa đến cho khách hàng của mình cái giá rẻ nhất. Để đạt được như thế, công ty đã lão luyện về kỹ thuật, vận dụng đưọc sáng kiến và có lẽ, điều có hiệu quả nhất, chính là sản xuất giá thấp. Wal-Mart nhập vào khoảng 1.8 tỉ giá trị hàng hóa từ Trung quốc hàng năm. Tuyệt đại đa số nguồn nguyên liệu ngoại nhập của Wal-Mart là ở đó. Hệ thống cung cấp toàn cầu của Wal-Mart chính là đường cung cấp của Trung quốc.

Trung quốc cũng theo đuổi một chính sách đầu tư và giao thương thông thoáng đặc biệt. Đối với điều này, trong nhiều rất nguyên nhân, đất nước này không phải là một loại Nhật Bản mới. Bắc Kinh đã không hề đi theo lộ phát triển của Nhật (hay Nam Triều Tiên), nghĩa là một chiến lược dẫn đạo bởi xuất khẩu khiến đóng cửa xã hội và thị trường nội địa. (Trung quốc hành động như thế này bởi vì họ không có chọn lựa nào khác do bởi họ thiếu thốn nguồn dành dụm như của Nhật hay Nam Triều Tiên). Hiện nay, tỉ lệ giao thương đối với GDP của Trung quốc là 70 phần trăm, khiến tạo cho đất nước trở nên một trong những nền kinh tế rộng mở nhất trên thế giới. Trong mười lăm năm qua, nhập khầu từ Hoa Kỳ đã tăng gấp bảy lần. Procter & Gamble hiện kiếm được 2.5 tỉ hàng năm từ Trung Quốc, và các mặt hàng quen thuộc như dầu gội Head & Shoulders cũng như tã lót Pampers hết sức là quen thuộc với giới tiêu thụ ở đó. Starbucks tiên đoán rằng đến năm 2010 họ sẽ có nhiều tiệm cafe ở Trung quốc hơn là ở Hoa Kỳ. Trung quốc cũng mở rất rộng cửa với các thương hiệu quốc tế, dù là hàng hóa hay con người. Các kiến trúc sư nước ngoài đã từng xây dựng hầu hết các tòa nhà đẹp đẽ và các công trình phát triển lớn khiến làm nên nước Trung quốc mới. Và khi đi tìm nhân vật chỉ đạo các ngày hội khai mạc Olympics, chương trình biểu diễn của Trung quốc trước quốc tế, họ đã chọn Steven Spielberg, một người Mỹ. Thật khó có thể thuyết phục được là Nhật hay Nam Triều Tiên có thể giao cho một vai trò như thế một người ngoại quốc.

Trung quốc cũng là nước nắm giữ lượng tiền lớn nhất thế giới. Lượng tiền trao đổi ngoại tệ dự trữ của họ là 1.5 trillion, 50 phần trăm nhiều hơn lượng tiền tương tự của đất nước đứng sau đó (Nhật) và nhiều gấp ba lần lượng tiền của cả Liên hiệp Âu châu. Giữ một lượng tiền khủng khiếp như thế có thể là một chính sách khôn ngoan và có thể không, nhưng đấy chính là chỉ dấu của tính co dãn ghê gớm của Trung quốc trước bất cứ cơn chấn động hay khủng hoảng nào. Cuối cùng, chính những kết hợp này đã khiến Trung quốc trở thành độc đáo. Đấy là một đất nước lớn nhất thế giới, một nền kinh tế phát triển mạnh nhất, hãng xưởng lớn nhất, giới tiêu thụ lớn thứ nhì thế giới, người tiết kiệm nhất thế giới và (chắc chắn) đó là nước chi phí đứng hàng nhì thế giới về quân sự. Trung quốc sẽ không thay thế Hoa Kỳ như thể một siêu quyền lực của thế giới. Trung quốc gần như tự mình vượt qua mọi phương diện - quân sự, chính trị hay kinh tế - trong nhiều thập niên, không kể đến sự thống lĩnh trong tất cả các lãnh vực. Nhưng từ nội dung này đến nội dung khác, họ đã trở nên một đất nước quan trọng thứ nhì trên thế giới, đóng góp một phần tố mới tinh nguyên vào hệ thống quốc tế.

(Còn tiếp)
_______________________

i. Theo Robyn Meredith, The Elephant and the Dragon: The rise of India and China and What it means for All of Us (New York: W.W. Norton & Company, 2007) tr. 16

ii. Theo Melinda Liu, “Beijing Reborn”, Newsweek International, Aug. 13, 2007



--Kế hoạch Trung ương có thể hữu hiệu được chăng?

Có những người nghi ngờ thành tích kinh tế của Trung quốc. Một số học giả, ký giả báo chí lập luận rằng các con số có thể là bá láp, quá đáng hoặc bị mua chuộc, các ngân hàng đang nhấp nhổm bên bờ vực, các căng thẳng trong khu vực đang chồng chất, bất công đang gia tăng một cách nguy hiểm - và tình hình đang đi đến nguy kịch. Tuy nhiên, thật cũng công bằng để vạch ra rằng rất nhiều người đã từng phát biểu như thế từ cả hai thập niên qua, và cho đến nay, tối thiểu là tiên đoán trọng tâm của họ - chế độ xụp đổ - vẫn chưa xảy ra. Trung quốc có rất nhiều khó khăn, nhưng họ vẫn có một điều mà tất cả các quốc gia đang phát triển khác thèm chết được - đó là sức phát triển khủng khiếp. Một cái bánh phình to ra sẽ tạo thêm nhiều vấn đề khác, dù có ghê gớm đến đâu, cũng tương đối giải quyết được. Học giả Minxin Pei, một trong những nhà phê bình thông minh nhất của chế độ, đã dễ dàng nhìn nhận rằng "so với các nước đang phát triển khác, câu chuyện của Trung quốc là một sự thành công hơn rất nhiều với những gì chúng ta có thể nghĩ ra".

Đối với một chế độ có vỏ bọc là Cộng sản, Bắc Kinh thẳng thừng một cách lạ lùng trong sự chấp nhận chủ nghĩa tư bản của mình. Có lần tôi hỏi một viên chức Trung quốc giải pháp tốt nhất cho vùng đồng quê nghèo đói là gì. Câu trả lời của ông: "Chúng tôi phải để cho các thị trường làm việc. Các thị trường sẽ lôi người dân ta khỏi mảnh đất để đi vào kỹ nghệ, rời khỏi nông trại để đi vào đô thị. Đó là câu trả lời tốt nhất theo lịch sử về nạn nghèo đói ở nông thôn. Chúng tôi cần phải duy trì kỹ nghệ hóa". Khi tôi hỏi những câu tương tự với người Ấn hay người châu Mỹ Latin, họ sẽ đi vào các giải thích phức tạp về nhu cầu thịnh vượng thôn quê, trợ giúp cho các nông dân nghèo và các chương trình như thế, tất cả được đưa ra để làm chậm các lực thị trường và trì trệ - đôi khi còn làm đau đớn- tiến trình kỹ nghệ hóa thúc đẩy bằng thị trường- lịch sử.

Nhưng lối tiếp cận của Bắc Kinh cũng từng là một sự khác biệt từ những gì vốn được ủng hộ bởi nhiều nhà kinh tế về thị trường tự do - một chương trình về những cải cách đồng loạt trên tất cả mọi mặt đôi khi còn được gọi là "Đồng thuận Washington". Đặc biệt nhất, lối tiếp cận này cũng khác với lối chữa trị xáo động của Nga từng được xử dụng dưới thời Boris Yeltsin, mà các nhà lãnh đạo Trung quốc đã nghiên cứu kỹ lưỡng và thường xem là một thí dụ tiêu cực, có lẽ đồng ý với diễn đạt mạnh mẽ của Strobe Talbot là "quá nhiều xáo động nhưng quá ít chữa trị". Thay vì một hiện tượng big bang, Bắc Kinh đã chọn lối tiếp cận tiệm tiến, lối tiếp cận mà tôi sẽ gọi là một chiến lược phát triển-từng-mẫu-thức. Thay vì lập tức đóng cửa tất cả các xí nghiệp không có hiệu quả, cắt đứt các món nợ xấu và ban hành tư nhân hoá trên một bình diện lớn, họ đã xây dựng một chiến lược nhằm phát triển kinh tế quanh những khu vực thua lỗ này, để qua thời gian những khu vực xấu này sẽ trở nên phần nhỏ dần đi của cả nền kinh tế tổng thể (mẫu thức). Bằng cách làm như thế này, Bắc Kinh kéo dài được thời gian để giải quyết các khó khăn từng bước. Chỉ đến hiện nay, họ mới bắt đầu dọn dẹp khu vực tài chính và các ngân hàng tồi của họ. Mười năm sau khi hầu hết các giới chuyên môn đã từng thúc dục, và họ đang thực hiện điều ấy trong một tốc độ chậm hơn là các nhà chuyên môn mong muốn. Ngày nay, họ có thể thực hiện những cải cách như thế trong bối cảnh của một nền kinh tế đã tăng trưởng gấp đôi về kích cỡ và hết sức đa dạng. Đó là chủ nghĩa tư bản với các đặc tính của Trung quốc.

Kế hoạch tập trung về trung ương thường không hữu hiệu. Và đã thực không hữu hiệu trong một số ý nghĩa, ngay cả tại Trung quốc. Bắc Kinh có quá ít hiểu biết và sự kiểm soát được phần còn lại của Trung quốc hơn là họ muốn và những người ngoại cuộc nhận biết. Một khía cạnh có thể cho thấy được câu chuyện. Phần chia về hoá đơn thuế của chính phủ trung ương Trung quốc là vào khoảng 50 phần trăm ; con số đó của chính phủ liên bang Mỹ (một chính phủ yếu kém -dựa trên chuẩn mực quốc tế) là vào khoảng 70 phần trăm. Nói một cách khác, phát triển phân quyền hiện nay là thực tế quyết định của kinh tế và đời sống chính trị ở Trung quốc. Đến một giới hạn, sự mất khả năng kiểm soát này được nhìn thấy trước. Chính phủ đã khuyến khích sự nở rộ của thị trường tự do thực sự trong nhiều lãnh vực, mở cửa nền kinh tế cho giao thương và đầu tư ngoại quốc, và sử dụng vai trò thành viên của mình trong Tổ chức Thương mại Quốc tế để đẩy mạnh thông qua các cải cách trong kinh tế và xã hội của mình. Nhiều sự thành công (tài năng doanh thương tăng trưởng) và thất bại (chăm sóc y tế xuống dốc) của họ là kết quả của sự thiếu phối hợp giữa trung ương và các khu vực. Khó khăn này của lối tản quyền xoáy trôn ốc, sẽ là thử thách lớn nhất của Trung quốc và sẽ là chủ đề mà chúng ta sẽ quay trở lại.

Thật là phiền hà, nhưng không thể tránh được, để chỉ ra rằng "việc không phải đáp trả lại cho công chúng đã từng giúp Bắc Kinh thực hiện được chiến lược của mình. Chính phủ các nước khác nhìn theo ghi nhận với lòng ghen tỵ. Các giới chức Ấn Độ thường nhận xét rằng đối tác Trung quốc của họ không phải lo lắng gì về những người đi bầu. "Chúng tôi phải làm đủ thứ việc có tính cách chính trị phổ thông nhưng thực chất là ngu ngốc" một viên chức cao cấp của chính phủ Ấn Độ đã phát biểu như thế. "Những lo lắng ấy đè nặng lên tiềm năng kinh tế dài hạn của chúng tôi. Nhưng về ngắn hạn thì các chính khách lại cần phiếu cử tri. Trung quốc có thể nhìn xa. và dù cho không làm đúng được mọi thứ, họ vẫn tạo được những quyết định dài hơi và khôn ngoan". Điều này có bằng chứng trong những thúc đẩy hiện tại của Trung quốc và một nền giáo dục cao hơn. Nhận thức được đất nước cần đến một lực lượng sản xuất được đào tạo tốt hơn để có thể nâng cao giá trị kinh tế, chính phủ trung ương đã cương quyết tăng cường các học bổng và các trợ giúp khác trong năm 2008 lên đến 2.7 tỉ, so với 240 triệu của năm 2006. Các viên chức đã có kế hoạch tăng chi tiêu tổng thể năm 2006 của chính phủ đến 4 phần trăm vào năm 2010, phần lớn số tăng này sẽ dành cho một số nhỏ của các trung tâm ưu tú cạnh tranh được với toàn cầu. Một tập chú như thế sẽ là bất khả ở nền dân chủ Ấn Độ, chẳng hạn như, khi một nguồn dự trữ khổng lồ mang chi dùng trong những trợ cấp ngắn hạn để làm hài lòng cử tri. (Ngược lại, các viện giáo dục ưu tú của Ấn Độ còn bị áp lực phải giới hạn căn bản chất lượng thu nhận và phải chấp nhận một nửa số sinh viên dựa vào định mức cho phép).

Thật là một sự không bình thường cho một chính phủ phi dân chủ có thể quản lý được một sự tăng trưởng có hiệu quả như thế quá lâu. Hầu hết các chính phủ chuyên quyền đã nhanh chóng trở nên bị cô lập, lũng đoạn và ngu xuẩn - và sẽ nghiêng đến việc ăn cướp về kinh tế và đình trệ. Những kỷ lục của Macros, Mobutu và Mugabe là điển hình quá đầy đủ (và để tránh cho ai đó khỏi loay hoay với các giải thích về văn hóa, hãy nhớ rằng thành tích của chính phủ Trung quốc dưới thời Mao là một sự tàn bạo). Nhưng ngày nay ở Trung quốc, chính phủ, dù với tất cả những lỗi lầm của mình, họ vẫn duy trì được năng lực và một yếu tố mạnh mẽ của chủ nghĩa thực dụng căn bản. "Tôi đã từng làm ăn với các chính phủ trên khắp thế giới", một viên chức cao cấp về ngân hàng đã nói "và chính phủ Trung quốc có lẽ là ấn tượng nhất". Cái nhìn này là biểu trưng rộng rãi của giới lãnh đạo giao thương từng đến Trung quốc. "Con người cần phải... tự có được những đánh giá có giá trị về những gì mình thấy là lúc nào cũng tốt đẹp hơn", Bill Gates đã nói với tạp chí Fortune vào năm 2007 "cá nhân tôi thấy rằng các nhà lãnh đạo Trung quốc khá là có suy nghĩ về những điều này".

Tuy nhiên, điều này không phải là một bức tranh đầy đủ. Trong khi Trung quốc đang phát triển nhanh và các cơ hội nhan nhản trên mọi giai tầng, nhà nước - nhờ tiếp cận lối cải cách tiệm tiến - vẫn chỉ huy được rất nhiều đỉnh cao của nền kinh tế. Ngay hiện nay, các doanh nghiệp nhà nước sở hữu đã tạo được một nửa GDP. Ba mươi bốn công ty lớn nhất trên tổng số ba mươi lăm công ty trên thị trường chứng khoán là những công ty sở hữu bán phần hoặc toàn phần của nhà nước. Và sự kiểm soát của nhà nước thường xung khắc với sự rộng mở, thành thật và tính hiệu quả. Các ngân hàng Trung quốc, vốn vẫn còn là các thực thể hầu như của chính phủ, phân phối hàng chục tỉ dollar một năm để chống đỡ các công ty bệnh hoạn và đổ tuôn tiền vào các khu vực, các tập thể và người dân cho những nguyên nhân không phải vì kinh tế. Tham nhũng có vẻ đang gia tăng, và phần nhũng lạm liên quan đến các cấp cao đang tăng nhanh vô cùng, từ 1.7 phần trăm trong năm 1990 đến 6.1 phần trăm trong năm 2002[ii]. Các khác biệt khu vực cũng nở rộng, bất công tăng nhanh như pháo thăng thiên gây ra các căng thẳng về xã hội. Một con số thống kê được nhiều người viện dẫn - từ chính nhà cầm quyền - cho thấy một chiều hướng quan trọng. Vào năm 2004, có vào khoảng 74.000 cuộc biểu tình ở Trung quốc, mười năm trước chỉ có 10.000 vụ như thế.

Hai bức tranh này có thể hòa hợp được. Các khó khăn của Trung quốc trong nhiều phương diện chính là hậu quả của sự thành công. Tăng trưởng kinh tế chưa từng thấy đã mang lại những thay đổi xã hội chưa từng thấy. Trung quốc đã nén hai trăm năm kỹ nghệ hóa của Châu Âu lại thành ba mươi năm. Mỗi ngày, hàng chục ngàn người di chuyển từ làng quê đến thành thị, từ nông trại đến xưởng máy, từ đông sang tây ở một tốc độ chưa từng thấy trong lịch sử. Họ không chỉ di chuyển theo địa lý; họ bỏ lại gia đình, giai cấp và lịch sử ở đàng sau. Thật khó mà có thể ngạc nhiên rằng chính quyền Trung quốc đang đấu tranh để theo kịp với biến động của xã hội. Trong sự mô tả đến sự suy giảm năng lực của chính phủ Trung quốc, Minxin Pei đã cho thấy rằng các giới hữu trách không thể điều hành được những chuyện đơn giản như thể chuyện an toàn trên các lộ giao thông nữa: tỉ lệ tử vong là 26 phần trăm đối với mỗi 10.000 chiếc xe (so sánh với 20 phần trăm ở Ấn Độ và 8 phần trăm ở Indonesia)[iii] . Nhưng đồng thời cũng cần yếu để ghi nhận rằng con số xe hơi ở Trung quốc đã tăng 26 phần trăm một năm so với 17 phần trăm ở Ấn Độ và 6 phần trăm ở Indonesia. Khi Ấn Độ đuổi kịp phát triển của Trung quốc, như đất nước này quyết thực hiện như thế, tôi dám cuộc rằng đất nước này cũng sẽ nhìn thấy một sự gia tăng đáng chú ý trong tỉ lệ tai nạn của mình, dù là chính phủ có dân chủ hay không dân chủ.

Hãy nhìn xem các hậu quả về sinh thái vì tăng trưởng của Trung quốc - chỉ đến bản thân Trung quốc chứ chưa phải đến cả hành tinh. Vào khoảng 26 phần trăm lượng nước trong hệ thống sông ngòi lớn nhất Trung quốc bị quá ô nhiễm đến mức "mất đi khả năng về chức năng sinh thái"[iv]. Chỉ riêng hai bên bờ sông Dương Tử, có đến chín ngàn cơ xưởng hóa học. Bắc Kinh đã là thủ đô của thế giới căn cứ vào một tiêu chuẩn: nạn ô nhiễm không khí. Trong 560 triệu cư dân ở nông thôn, chỉ có 1 phần trăm hít thở được không khí được xem như sạch sẽ theo tiêu chuẩn của Liên hiệp Âu châu. Và cũng đáng để chỉ rõ rằng hầu hết các số liệu và đánh giá này là từ chính phủ Trung quốc. Bắc Kinh đã đặt vấn đề môi trường ở hàng ưu tiên hơn trong chương trình làm việc của mình so với tất cả các quốc gia đang phát triển. Các giới chức cao cấp ở Trung quốc thảo luận về nhu cầu GDP xanh và sự phát triển trong cân bằng, và các quan tâm đến môi trường được hình dung rõ ràng trong kế hoạch của Chủ tịch Hồ Cẩm Đào cho một "xã hội hài hòa". Một công ty tham vấn Tây phương đã xem xét các luật lệ mới của Trung quốc liên quan đến môi trường và đã tính được rằng các yêu cầu về sản phẩm nhằm tháo gỡ những chất phóng xạ khỏi không khí sẽ tăng 20 phần trăm một năm trong một tương lai tiên đoán được, tạo nên một thị trường trị giá 10 tỉ. Bắc Kinh đang cố gắng giải quyết một tình huống tiến thoái lưỡng nan: giảm bớt nghèo đói cần đến sức phát triển phi mã, nhưng phát triển lại có nghĩa là gây nhiều ô nhiễm và suy giảm môi trường hơn.

Vấn nạn lớn nhất mà Trung quốc đương đầu trong phát triển không phải vì chính phủ của họ là loài quỷ hết thuốc chữa. Mà chính là sự hiểm nguy từ việc chính phủ của họ sẽ mất đi cái khả năng nắm giữ tất cả lại với nhau - một vấn nạn không chỉ vây quanh mà còn vượt xa khỏi công cuộc tản quyền hoá xoáy trôn ốc. Tốc độ thay đổi của Trung quốc đang phô ra những nhược điểm của Đảng Cộng sản và chính phủ quan liêu của họ. Trong một số năm, sự độc quyền về quyền lực của chính phủ đã cho phép họ thực hiện được các cải cách vĩ đại một cách nhanh chóng. Họ có thể điều động dân chúng và tài nguyên vào những chỗ cần. Nhưng có một sản phẩm từ những quyết định của họ là sự rối loạn kinh tế, xã hội và chính trị, cơ chế thứ bậc tôn ti và cô lập của đảng khiến họ trở nên thiếu năng lực vượt qua được những con nước này. Đảng Cộng sản Trung quốc - đảng của Công nhân và Nông dân - đúng là một tổ chức ưu tú nhất trên thế giới. Tổ chức này hình thành bởi ba triệu người đàn ông và đàn bà, đa số là thành phần thành thị có học, một tập hợp hoàn toàn không đại diện đại đa số xã hội nông dân mà họ lãnh đạo. Một số nhà lãnh đạo cao cấp của họ có khả năng vận động chính trị (retail politics) thực sự. Những người được tiến cử thường là những nhà kỹ trị cũng tài giỏi trong nghệ thuật thủ đoạn nội bộ và sự đỡ đầu che chắn. Vẫn còn phải chờ xem những nhà lãnh đạo này có được cái duyên dáng hoặc khả năng để tham dự vào cuộc chính trường vĩ đại - các kỹ năng mà họ sẽ cần đến để cai trị được một dân số 1.3 tỉ người không ngừng trở nên có tính quả quyết.

(Còn tiếp)


i. Theo Jun Ma & John Norreggard, China's Fiscal Decentralzation (International Monetary Fund, Oct. 1998

ii. Theo Minxi Pei, China's Trapped Transition: The Limits of Development Autocracy (Cambridge: Havard University Press, 2006)Sđd

iii. Pan Yue, Thủ trưởng Cơ quan Bảo vệ Môi trường Quốc gia Trung quốc, trích dẫn theo Jamil Aderlini và Mure Dickie trong "Taking the Waters", Financial Times, July 24, 2007

iv. Theo Joseph Kahn và Jim Yardley "As Chima Roarss, Pollution Reaches Deadly Extremes" New York Times, Aug. 26, 2007




Kẻ Thách Thức
(Tiếp theo) - Kỳ 3

Nhiều người cầm bút ở Mỹ đã vội vàng khẳng định là Trung quốc bác bỏ nhận định rằng thay đổi kinh tế sẽ dẫn đến thay đổi về chính trị - chủ nghĩa tư bản sẽ dẫn đến dân chủ. Tuy Trung quốc có thể chứng tỏ là một ngoại lệ nhưng còn quá sớm để nói như thế. Quy luật ấy đã đúng ở mọi nơi từ Tây Ban Nha đến Hy Lạp, từ Nam Triều Tiên đến Mễ Tây Cơ: những quốc gia mà công cuộc thị trường hóa và hiện đại hóa đã bắt đầu thay đổi chính trị vào thời điểm họ đạt được tình trạng thu nhập trung bình (phân loại một cách chung chung là vào khoảng giữa $5000 và $10.000). Do bởi mức thu nhập của Trung quốc vẫn còn thấp hơn mức ấy, không thể lập luận rằng đất nước này đã có thể xác định được khuynh hướng này. Và một khi các chuẩn mực của Trung quốc về đời sống, cải cách chính trị tăng lên sẽ trở thành một vấn đề không ngừng khẩn thiết. Chế độ này hầu như sẽ phải đối diện với những thử thách nghiêm trọng trong vòng mười lăm năm tới, ngay cả nếu như điều này không có nghĩa là Trung quốc sẽ xoay chuyển thành một kiểu dân chủ tự do Tây phương nhanh chóng. Nhiều khả năng là trước tiên họ sẽ chuyển hóa vào một thứ chế độ "pha trộn", đa phần giống như nhiều quốc gia phương Tây trong thế kỷ mười chín và các quốc gia miền đông Á châu trong những năm 1970, 1980, vốn phối hợp được sự tham dự phổ biến của một số kiểm soát của cả giới ưu tú và thành phần tôn ti thứ tự. Hãy nhớ rằng Nhật Bản là một quốc gia trưởng thành nhất về dân chủ ở Á châu, và quốc gia này có một đảng cầm quyền chưa từng mất thế lực trong vòng sáu mươi năm qua.

Vào cuối năm 2006, trong cuộc gặp gỡ với một phái đoàn Hoa Kỳ đến viếng thăm, thủ tướng Trung quốc Ôn (Gia Bảo) đã được hỏi rằng các nhà lãnh đạo Trung quốc muốn nói đến ý nghĩa gì với từ "dân chủ" khi họ nói rằng đất nước này đang đi đến tình trạng ấy. Họ Ôn đã giải thích rằng đối với họ từ ngữ này mang ba thành phần quan trọng: "bầu cử, độc lập phán xét và sự giám sát căn cứ vào kiểm tra và cân đối". John Thornton, vị giám đốc của Goldman Sachs quay sang các học giả Trung quốc dẫn đạo phái đoàn, nghiên cứu các lãnh vực này kỹ lưỡng để tìm ra rằng quả đã có một số di chuyển (nhỏ) đến việc bầu cử ở cấp tỉnh, nhắm đến việc ngăn ngừa tham nhũng nhiều hơn và ngay cả cũng có một số chuyển động đi đến một hệ thống pháp luật tốt hơn. Vào năm 1980, các toà án Trung quốc nhận 800.000 vụ xử kiện, năm 2006 họ nhận một số lượng mười lần nhiều hơn thế. Trong một bài luận thuyết cân đối trong tờ Foreign Affairs, Thorton vẽ nên bức tranh về một chế độ di chuyển lưỡng tự và chậm chạp đến sự mở rộng và có trách nhiệm hơn".

Những bước tiệm tiến ấy có lẽ chưa đủ. Những người cộng sản lãnh đạo Trung quốc nên đọc, và đọc lại Marx của họ. Karl Marx là một nhà tư tưởng và kinh tế lắm điều, nhưng ông là một thiên tài về khoa học xã hội. Một trong những thấu hiểu quan trọng của ông là, khi một xã hội thay đổi nền tảng kinh tế, hệ thống chính trị dựa trên đó cũng thay đổi một cách không tránh khỏi. Khi các xã hội hướng đến thị trường hóa nhiều hơn, Marx lập luận, họ có khuynh hướng trở thành dân chủ. Các ghi chép lịch sử đã khẳng định sự liên hệ giữa kinh tế thị trường và dân chủ này qua quá trình tự nhiên với một số thời gian trì trệ. Ngoại trừ những quốc gia có sẵn nền thịnh vượng từ dầu hỏa, ngày nay trên cả thế giới chỉ có một quốc gia từng đạt đến hạng mục của Tây phương về phát triển kinh tế tuy chưa phải là một quốc gia hoàn toàn thực sự dân chủ - đó là Singapore. Nhưng Singapore, một đất nước nhỏ như một thành phố với một giới cai trị ưu tú có năng lực khá khác thường, vẫn còn là một ngoại lệ bất thường. Nhiều giới lãnh đạo đã từng thử lặp lại luật cân bằng của Lý Quang Diệu, thực hiện hiện đại hóa và thịnh vượng trong khi vẫn duy trì thống trị về chính trị. Không một quốc gia nào từng thành công về lâu dài. Và ngay cả Singapore cũng đang thay đổi nhanh chóng để trở thành một xã hội cởi mở hơn - ngay cả trong một số vấn đề (đặc biệt là các vấn đề có tính xã hội và văn hóa như đồng tính luyến ái) còn cởi mở hơn so với các xã hội miền Đông Á châu khác. Hãy nhìn vào hàng chục quốc gia từng phát triển trong thập niiên qua, từ nam Triều tiên đến Argentina hay Turkey, ta tìm thấy một khuôn thức rất rõ: một nền kinh tế có căn bản thị trường sẽ khiến đạt đến được tình trạng thu nhập trung bình, qua đường dài, tiến đến một nền dân chủ tự do. Điều này có thể, như nhiều học giả từng ghi nhận, là sự tổng quát hóa duy nhất và quan trọng nhất từng được ghi chép rõ ràng nhất trong ngành khoa học chính trị.

Nhiều nhà lãnh đạo thuộc thế hệ trẻ hơn của Trung quốc am hìểu được tình trạng tiến thoái lưỡng nan mà đất nước mình đang đối diện và kín đáo thảo luận về nhu cầu nới lỏng hệ thống chính trị của họ. "Người khôn ngoan nhất trong Đảng không cần nghiên cứu học hỏi về cải cách kinh tế", một nhà báo vốn có các liên hệ gần gũi với thành phần lãnh đạo ở Bắc kinh đã nói với tôi "Họ học hỏi về cải cách chính trị". Hàng bộ trưởng ở Singapore xác nhận rằng các viên chức Trung quốc đã bỏ ra rất nhiều công sức để nghiên cứu hệ thống từng được xây dựng bởi Lý Quang Diệu, và đảng Cộng sản cũng gởi các phái đoàn đến Nhật Bản và Thụy Điển để tìm hiểu làm thế nào các quốc gia này tạo được một nền chính trị dân chủ bằng một đảng duy nhất. Họ nhìn vào hệ thống chính trị, các luật lệ bầu cử, các lợi điểm hoặc bất lợi về bản chất và những chướng ngại bên ngoài phải vượt qua. Dù đây là những nghiên cứu giả tạo hay những nỗ lực thực sự để tìm kiếm các phương cách mới nhằm duy trì kiểm soát, những điều này cũng cho thấy rằng đảng Cộng sản này hiểu được mình phải thay đổi. Nhưng thử thách đối với Trung quốc không phải là vấn đề của kỹ trị mà là chính trị. Đó không phải là vấn đề của tái phối trí lại quyền lực mà là buông bỏ quyền lực ra - đập vỡ những quyền lợi được ban bố, phá bỏ mạng lưới bảo trợ ban phát và từ bỏ những đặc quyền đã được định chế hóa. Không một điều nào như thế này có nghĩa là phải từ bỏ kiểm soát của chính phủ tuy rằng tối thiểu là sẽ đưa đến được sự thu hẹp vai trò, giới hạn và thẩm quyền của chính phủ. Và với tất cả những huấn luyện về nền quản trị mới, phải chăng Đảng Cộng sản Trung quốc đang sẵn sàng cho bước nhảy vĩ đại?

Hầu hết các chế độ chuyên quyền vốn đã hiện đại hóa nền kinh tế của mình - như Đài Loan, Nam Triều Tiên, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha - đã từng vượt qua những thay đổi chính trị để tiếp tục nổi lên được tính cách chính thống và sự ổn định hơn. Trước đây Bắc Kinh từng đối diện với các thử thách và đã thích ứng được. Và ngay cả nếu như chế độ này vụng về thu vén chuyển biến này, các rối loạn và biến động chính trị cũng sẽ không ngăn cản Trung quốc phát triển. Bất kể tương lai chính trị của họ ra sao, sự xuất hiện của Trung quốc trên sấn khấu thế giới sẽ không bị đảo ngược. Các lực lượng tiếp liệu cho sự nổi dậy của họ sẽ không biến mất đi ngay cả nếu như chế độ hiện hành xụp đổ - hay đa phần có thể là - chia nhỏ ra thành những phe cánh. Nước Pháp, sau cuộc cách mạng của mình, đã trải qua hai thế kỷ với những khủng hoảng chính trị, đi qua hai đế chế, một nền độc tài gần như kiểu phát xít và bốn nền cộng hòa. Tuy nhiên sau những xáo động chính trị này, Pháp đã cực thịnh về kinh tế và vẫn còn là một trong những quốc gia giàu có nhất thế giới.

Trung quốc khao khát cho sự thành công và điều này rất có thể sẽ là một nguyên nhân chính yếu cho sự nổi dậy lâu dài của họ. Vào thế kỷ hai mươi, sau hàng trăm năm nghèo khổ, đất nước này đã đi qua sự xụp đổ của vương triều, nội chiến và cách mạng để chỉ tự tìm được phiên bản địa ngục về chủ nghĩa cộng sản của Mao. Họ đã mất đi 38 triệu người trong cú nhảy vĩ đại, một thử nghiệm dã man trong công cuộc tập thể hóa. Rồi họ đã tự mình đào bới sâu hơn trong cô lập và huỷ diệt toàn bộ giai cấp khoa bảng có chuyên môn trong cuộc cách mạng Văn hóa. Không như Ấn độ, vốn có thể tự hào về nền dân chủ của họ dù kinh tế phát triển chậm, Trung quốc vào những năm 1970 đã mất đi bao nhiêu cơ hội để có thể ngửng cao đầu. Rồi đến cải cách của họ Đặng. Ngày nay, các nhà lãnh đạo Trung quốc, các thương nhân và dân chúng nói chung cùng có một khao khát như nhau: họ đều muốn tiếp tục tiến về phía trước. Họ sẽ không vô tình ném bỏ phí ba thập niên tương đối ổn định và sung túc.

Che dấu ánh sáng của mình

Bất cứ điều gì xảy ra với nội bộ của Trung quốc gần như sẽ khiến phức tạp đời sống về mặt quốc tế. Phạm vi sức mạnh của họ - kinh tế, chính trị, quân sự - bảo đảm cho ảnh hưởng của mình vượt xa khỏi biên giới. Những quốc gia có khả năng như thế này không phải lúc nào cũng có. Trải qua gần hai trăm năm, danh sách những quốc gia tương tự như thế hiện nay - Hoa Kỳ, Anh quốc, Pháp, Đức, Nga - đã không hề thay đổi. Các quyền lực vĩ đại cũng giống như các nữ danh ca: họ xuất hiện và rời khỏi sân khấu quốc tế với xao động hết sức lớn. Hãy nghĩ đến sự nổi dậy của Đức và Nhật trong đầu thế kỷ mười tám, hay sự tụt dốc của đế chế Hapsburg và Ottoman trong cùng thời gian ấy, khiến đã đem lại các khủng hoảng không kể xiết trong vùng Balkans và vùng Trung đông hiện đại rối rắm.

Trong những năm gần đây, khuôn mẫu ấy không còn vững lắm. Đất nước Nhật Bản và Đức hiện đại đã trở nên những nền kinh tế đứng thứ nhì và thứ ba thế giới nhưng vẫn thụ động một cách đáng chú ý về quân sự và chính trị. Và cho đến nay, Trung quốc đã đến với vị trí của mình với không nhiều gián đoạn. Trong thập niên đầu tiên của công cuộc phát triển, những năm 1980, Trung quốc thực chẳng hề có một chính sách đối ngoại. Hay nói cho đúng hơn, chiến lược phát triển của họ chính là chiến lược xuất chúng của chính họ. Bắc kinh nhìn thấy mối quan hệ tốt với Hoa Kỳ như chìa khóa cho phát triển của mình, một phần bởi vì họ đã muốn lui tới nền công nghệ tân tiến nhất và thị trường lớn nhất thế giới. Trong Hội đồng Bảo An LHQ, Trung quốc thường ủng hộ hoặc tối thiểu là tránh không phủ quyết các giải pháp gì mà Hoa Kỳ đỡ đầu. Nói rộng hơn, họ đã cố gắng giữ đầu mình cúi xuống, như họ Đặng đã nói, để nhằm "che dấu ánh sáng của mình trong giạ lúa". Chính sách không can thiệp, không đương đầu này hầu như vẫn duy trì. Với ngoại lệ của bất cứ điều gì liên quan đến Đài Loan. Bắc Kinh có khuynh hướng không khiêu khích với các chính phủ khác. Trọng tâm vẫn duy trì vào sự phát triển. Trong huấn thị dài hai tiếng rưỡi tại Hội nghị trung ương Đảng năm 2007, chủ tịch Hồ Cẩm Đào đã nhắc đến các nội dung về kinh tế, tài chính, kỹ nghệ, xã hội và môi trường trong từng chi tiết nhỏ - nhưng đã hầu như lờ đi chính sách về đối ngoại.

(Còn tiếp)


i. Theo John Thornton "Longtine Coming: The Prospects for Democracy in China" Foreign Affairs 87, số 1 (Jan./Feb. 2008) tr. 2-22.



Kẻ Thách Thức - (Tiếp theo) - Kỳ 4
Nhiều quan chức ngoại giao Trung quốc kỳ cựu đã phấn khích khi bàn về công cuộc vươn đến sức mạnh của Trung quốc. "Chuyện ấy làm tôi kinh sợ", Wu Jianmin, viện trưởng Viện Đại học Đối ngoại của Trung quốc đồng thời là cựu đại sứ Trung quốc tại LHQ đã nói như thế. "Chúng tôi vẫn còn là một nước nghèo, đang phát triển. Tôi không muốn thiên hạ nghĩ đến chúng tôi trong... các ý nghĩa cường điệu". Xinghai Fang, phó giám đốc điều hành Thị trường Chứng khoán Thượng Hải đã phát biểu trong luận điệu tương tự: "Xin nhớ rằng, GDP cá nhân của Hoa Kỳ là hai mươi lăm lần hơn chúng tôi. Chúng tôi còn một con đường rất dài để đi tới". Mối lo ngại đó đã tự biểu lộ trong cuộc tranh cãi thú vị trong nội bộ Trung quốc qua việc Bắc Kinh nên bày tỏ học thuyết về chính sách đối ngoại của mình như thế nào. Vào năm 2002, Zheng Bijian, nguyên là giám đốc trường Đảng trung ương, sáng tạo ra ý nghĩa "vươn dậy trong hòa bình" để chuyên chở ý định di chuyển lặng lẽ của Trung quốc lên các nấc thang toàn cầu. Khi Zheng phát biểu, người dân lắng nghe, bởi vì thủ trưởng cũ của ông là chủ tịch Hồ Cẩm Đào. Chủ tịch họ Hồ và thủ tướng Ôn Gia Bảo thường sử dụng đến câu chữ này, tạo cho nó một sự chấp nhận chính thức. Nhưng sau đó nhóm chữ này cũng không còn được ưa thích nữa.

Nhiều nhà phân tích Tây phương từng nghĩ rằng vấn đề của nhóm chữ nằm ở hai chữ "hòa bình" khiến có thể giới hạn các lựa chọn của Trung quốc về vấn đề đối với Đài Loan. Thực ra, không hề có sự chia rẽ nội bộ nhiều lắm về vấn đề đó. Trung quốc vốn xem Đài Loan như một vấn đề nội bộ và tin rằng mình có đủ tất cả quyền lực để dùng đến sức mạnh - như một giải pháp cuối cùng - khi cần đến. Như Zheng đã giải thích với tôi, "Lincoln đã từng đánh nhau trong một cuộc chiến tranh để giữ gìn thống nhất, và quý vị vẫn có thể nói rằng Hoa Kỳ đã từng vươn dậy trong hòa bình". Một số nhà lãnh đạo chính của Trung quốc lo ngại về chữ thứ hai của câu chữ này, "vươn dậy" (dịch chuẩn hơn sẽ phải là "đẩy mạnh" hay "xốc tới"). Các nhà ngoại giao cao cấp chùn bước trước ý tưởng đi vòng quanh thế giới để mà bàn thảo về sự vươn dậy của Trung quốc. Đặc biệt, họ lo ngại về các phê bình ở Hoa Kỳ vốn xem sự vươn dậy của Trung quốc như một mối đe dọa. Lý Quang Diệu đề nghị Trung quốc nên nói về một cuộc "phục hưng" thay vì một sự vươn dậy và các lãnh đạo Đảng đã tranh luận về nhóm từ trong thời gian nghỉ tại Beidaihe mùa hè năm 2003. Kể từ đó, họ nói về "sự phát triển trong hòa bình". Zheng nói "các ý niệm thì như nhau, chỉ khác nhau ở các từ chữ". Đúng thế, nhưng sự thay đổi trong từ chữ phản ánh mối lo của Trung quốc với việc không làm rối một cọng lông nào khi họ nỗ lực đi về phía trước.

Chế độ đang làm việc để bảo đảm là người dân Trung quốc cũng hiểu được chiến lược của mình. Vào năm 2006 và 2007, truyền hình Trung quốc trình chiếu Sự Vươn dậy của một Đất nước Vĩ đại, một bộ phim mười hai tập, rõ ràng được dựng lên như là một hành động thể hiện sự giáo dục công chúng. Cứ nhìn vào bản chất chính trị cô đọng về nội dung chủ đề, người ta có thể chắc chắn rằng bộ phim đã được hiệu đính cẩn thận để trình bày quan điểm mà chính phủ muốn được phát hình. Bộ phim rất thông minh và thâm thúy, sản xuất theo lối của BBC hay PBS, chuyên chở sự nổi dậy của chín quyền lực vĩ đại, từ Bồ Đào Nha đến Tây Ban Nha, Liên Xô và Hoa Kỳ, với đầy đủ các phỏng vấn những nhà học giả trên khắp thế giới. Các phần nói về từng quốc gia riêng biệt hầu như cân đối và xác thực. Sự vươn dậy của Nhật bản, một đề tài nhạy cảm ở Trung quốc được thực hiện công bằng với một chút nỗ lực nhằm thúc dậy niềm cuồng say có tính chủ nghĩa quốc gia về những cuộc tấn công của Nhật Bản vào Trung quốc; sự vươn dậy của Nhật sau chiến tranh được ca ngợi nhiều lần lập đi lập lại. Một số điểm nhấn mạnh có hiệu quả. Chẳng hạn như, các phân đoạn về Hoa Kỳ tập trình bày rộng rãi về các chương trình của Theodore và Franklin Roosvelt nhằm điều chỉnh và sửa chữa chủ nghĩa tư bản, nêu bật vai trò của nhà nước trong chủ nghĩa tư bản. Đồng thời cũng có một số câm lặng có thể đoán hiểu được nhưng thật đáng xấu hổ như việc hoàn toàn bỏ qua về những kinh hoàng, thanh trừng hoặc trại tù Gulag trong chương trình dài một giờ đồng hồ về Liên Xô. Tuy nhiên cũng có những thú nhận đáng giật mình, gồm những ngợi ca đáng kể về hệ thống chính phủ đại nghị của Hoa Kỳ và Anh quốc về khả năng mang lại tự do, tính hợp pháp và ổn định chính trị cho quốc gia của họ.

Thông điệp căn bản của loạt phim truyền hình là con đường dẫn đến sự vĩ đại của một đất nước nằm trong năng lực kinh tế của đất nước và chủ nghĩa quân phiệt, còn đế chế và sự gây hấn chỉ dẫn đến ngõ cụt. Quan điểm đó được thực hiện lập đi lập lại. Phần cuối – rõ ràng là về “những bài học” của bộ phim – trình bày những bí quyết đưa đến quyền lực vĩ đại: liên kết quốc gia, thành công về kinh tế và kỹ thuật, ổn định chính trị, sức mạnh quân sự, sáng tạo văn hóa và sức thu hút. Phần cuối được giải thích như là sự hấp dẫn về các tư tưởng của một đất nước, tương thích với khái niệm về một “sức mạnh mềm mỏng” được khai triển bởi Joseph Nye, một trong những học giả được phỏng vấn trong bộ phim. Phần này kết thúc bằng một khẳng định rằng, trong một thế giới mới, một quốc gia chỉ có thể giữ được độ sắc bén cạnh tranh của mình nếu có được khả năng kỹ thuật và kiến thức để duy trì được những cái mới. Nói tóm lại, con đường đến sức mạnh đi quả ngả thị trường chứ không đi qua ngả đế chế.

Chính sách đối ngoại và Thượng đế

Có phải cách nghĩ của Trung quốc, người Tàu, về thế giới thì khác biệt ? Trong nhiều ý nghĩa thì không phải. Các bài học rút ra từ lịch sử của những quyền lực vĩ đại là những bài học mà nhiều người Tây phương cũng rút ra được – và thực ra, nhiều người được phỏng vấn là các học giả phương Tây. Điều này phản ánh một hiểu biết tương tự đã từng đưa dắt Đức và Nhật trong những năm gần đây. Ứng xử với thế giới của Trung quốc là thực tiễn phản ánh bối cảnh, đặc lợi và sự tự nhận biết mình như một quốc gia đang phát triển. Bất chấp cái bóng che vĩ đại bao trùm lên thế gian của mình, Trung quốc vẫn tự biết mình là một quốc gia với hàng trăm triệu dân cực nghèo khổ. Các quan tâm bên ngoài của họ, do đó phải là các quan tâm nhiều đến sự phát triển. Khi được hỏi về những vấn đề như nhân quyền, một số viên chức trẻ tuổi của Trung quốc thú nhận rằng đấy đơn giản không phải là mối quan tâm của họ - như thể họ nhìn đến những thứ xa hoa mà mình không kham nổi. Thảo nào ý nghĩa này được nâng cao bởi thứ hiện thực hóa nhạy bén rằng nhân quyền ở hải ngoại gắn liền với những gì ở hải ngoại. Bởi vì, nếu Trung quốc phê phán chế độ độc tài ở Burmese thì họ sẽ nói gì về chính những người bất đồng chính kiến của mình?

Tuy nhiên cũng có những yếu tố văn hóa rộng hơn trong lối nghĩ về thế giới của Trung quốc. Điều có thể dễ dàng phóng đại tầm quan trọng của văn hóa, dùng văn hóa như một vỏ ngoài cho các chính sách bám vào lợi quyền. Tuy nhiên, có những khác biệt thực sự giữa thế giới quan của Trung quốc và phương Tây (nhất là đôi với Hoa Kỳ) đáng để tìm hiểu. Các khác biệt này bắt đầu với Thượng đế. Trong một khảo sát của PEW, khi được hỏi phải chăng một người phải tin vào Thượng đế mới được xem là có đạo đức, một đa số khá thoải mái người Mỹ (57 phần trăm) trả lời phải. Tuy nhiên ở Nhật và Trung quốc, một đa số lớn hơn nhiều trả lời không phải - tại Trung quốc là con số 72 phần trăm khổng lồ. Đây là một sai biệt khác thường và khá ấn tượng ngay từ nguyên tắc, dù ngay cả đối với châu Á. Vấn đề ở chỗ không phải đất nước ấy là vô đạo đức - thực ra tất cả các bằng chứng mạnh mẽ đã mang đến sự trái ngược hẳn – nhưng ở chỗ là cả đất nước ấy và dân tộc ấy đều không tin vào Thượng đế.

Điều này có thể gây kinh hoảng nhiều người ở phương Tây, nhưng đối với các học giả về nội dung này thì đây là một thực tế được nhiều người biết đến. Những người miền đông Á châu không tin rằng thế gian có một Đấng tạo hóa, đấng đã thiết lập một hệ thống các luật lệ đạo đức rắc rối mà mọi người phải tuân theo. Đây là khái niệm về Thượng đế của các con cháu Abraham hay Do thái, được chia xẻ bởi Do Thái giáo, Ki tô giáo và Hồi giáo, nhưng khá là xa lạ đối với văn minh Trung quốc. Ngưòi ta thường diễn tả tôn giáo của Trung quốc là Khổng giáo. Nhưng Joseph Needham, một thức giả xuất sắc về Khổng giáo, nhận xét rằng nếu ta nghĩ rằng tôn giáo là một lý thuyết về một bậc thần-tạo hóa siêu việt, thì Khổng giáo đơn giản không phải là một tôn giáo. Khổng tử chỉ là một người thầy dạy học, không phải một nhà tiên tri hay một con người thiêng liêng trong bất cứ ý nghĩa nào. Các thư tịch của ông, hoặc các chương đoạn còn sót lại, là những gì phi tôn giáo một cách rõ rệt. Ông đặc biệt cảnh cáo các suy nghĩ về thần thánh, thay vào đó, ông đặt ra các lề luật cho sự thủ đắc kiến thức, cư xử đạo đức, duy trì ổn định xã hội và tạo nên một nền văn minh có trật tự tốt. Công trình của ông đa phần giống như các sách vở của các triết nhân thời Khai sáng hơn là với các kinh sách tôn giáo.

Thực ra, Khổng tử rất được ưa chuộng trong thời Khai sáng. Các kinh điển của Khổng tử, Needham thuật lại: "đã được đọc một cách khao khát bởi tất cả các bậc tiền bối của Cách mạng Pháp, từ Voltaire, Russeau, d'Alembert, Diderot v.v... Giữa những năm 1600 và 1649, 30 đến 50 tựa sách có liên quan đến Trung Hoa xuất hiện ở Âu châu mỗi thập niên, giữa những năm 1700 và 1709, có 599 công trình về Trung Hoa đã được xuất bản. Cơn điên cuồng xuất bản sách về Trung Hoa trùng khớp với hậu quả của cuộc Chiến tranh Ba mươi năm (1618-1848), khi tôn giáo đã đưa đẩy đến cuộc tắm máu lố bịch. Nhiều người Âu châu tự do đã lý tưởng hóa Khổng học vì những căn bản của triết lý này về tự nhiên, đối chọi với luật lệ, thần thánh. Voltaire đã diển tả đơn giản trong Tự điển triết học của ông: "Không mê tín, không huyền thoại ngu xuẩn, không một điều gì của học thuyết này xúc phạm đến tự nhiên và lẽ phải". Sau này Samuel Kant đã gọi Khổng tử là "Socrates người Trung Quốc" Leibniz, bậc triết gia từng dạng chân trên đường ranh giữa tôn giáo và chủ thuyết thế tục, đã khá cực đoan khi lập luận rằng "Chúng ta cần những phái đoàn truyền giáo từ người Trung quốc, những người có thể dạy chúng ta sử dụng và thực tập một tôn giáo tự nhiên..."

Những nhà tư tưởng ban đầu của thời Khai sáng đã ca tụng Khổng học vì triết thuyết này dựa vào lẽ phải hơn là thần thánh như một hướng đạo cho công việc của con người. Một luận đề đã khai triển rằng: Trong khi châu Âu có thể đi xa hơn trong những tiến bộ về khoa học kỹ thuật, Trung quốc đã có "nhiều tiến bộ hơn về luân lý", một “tổ chức dân sự siêu đẳng" (căn cứ trên giá trị chứ không căn cứ vào sự ban phát) và là "một triết lý thực tiễn", tất cả đã "sản xuất thành công được một xã hội hòa bình và một hệ thống thứ bậc xã hội chặt chẽ". Essai sur les moeurs của Voltaire vào năm 1759 là "cao điểm" của sự thân Trung quốc trong thời đại Khai sáng, theo học giả Đức Thomas Fuchs, ông đã "chuyển hóa được Trung Hoa trở thành một nền chính trị không tưởng và một nhà nước lý tưởng của chủ nghĩa tuyệt đối được giác ngộ; ông đã giương cao tấm gương của Trung Hoa để khiêu gợi phản ứng tự phê bình trong những vương quốc Âu châu. Trong những năm sau, vương quyền thức tỉnh nhất, Đại đế Frederick, đã viết Report of Phihiru, một loạt những lá thư giả tạo từ một viên sứ thần Trung Hoa ở Âu châu gởi cho hoàng đế Trung hoa. Mục đích của Frederick là để cho thấy sự tương phản giữa lòng tin mù quáng của giáo hội Công giáo với tính hợp lý của người Trung Hoa.

Người Tây phương thường khó có thể hiểu được khác biệt giữa những nơi chốn tôn giáo ở Trung quốc và những nơi ở đất nước mình. Hãy thử xem những kinh nghiệm của Matteo Ricci, nhà truyền đạo Bồ Đào Nha trong vùng Viễn Đông, như đã được viết lại bởi sử gia vĩ đại Jonathan Spence của trường ĐH. Yale. Vào những ngày đầu tiên của ông ở Trung Hoa vào những năm 1550, trong một nỗ lực để thể hiện cá nhân mình dưới một hình ảnh tôn kính, ông đã cạo râu tóc và quấn mình trong một loại cà sa của Phật giáo. Chỉ đến mấy năm sau ông mới hiểu được lối hoá trang như thế này đã có ảnh hưởng ra sao. Giới sư sãi và những bậc tu hành không được tôn trọng lắm ở Trung Hoa. Ông lại đã khởi sự du hành trên kiệu hoặc thuê mướn nhân lực cõng ông trên vai như những người có quyền chức thường làm như thế. Sau đó, Ricci đã viết cho Claudio Acquavia, ở dòng Jesuit vào năm 1592, "Danh xưng của người ngoại quốc và những người tu hành bị coi như đáng khinh ở Trung Hoa do đó chúng tôi cần những thứ này và các công cụ khác để tỏ cho họ thấy rằng chúng tôi không phải là những tu sĩ đáng khinh như các tu sĩ của họ". Đến năm 1595, Ricci đã vứt bỏ những trang phục khổ hạnh của một vị sư, vốn đã cản trở công việc truyền đạo của mình, để thay vào đó trang phục của một thức giả Khổng học. Thoạt đầu Ricci đã từng khinh miệt những người theo Khổng học vì không tin vào Thiên chúa, thiên đàng và sự bất tử của các linh hồn. Ricci đã viết đến một người bạn rằng "Trường dạy Khổng học' là "đền thờ thực sự của giới trí thức". Nhưng cuối cùng ông lại nhìn thấy rằng dù cho Khổng học duy trì một "lập trường trung dung nghiêm khắc" về các vấn đề Thiên chúa và đời sống sau khi chết, Khổng học đã có một ý thức mạnh mẽ về luân lý, đạo đức và công lý. Tương tự như các nhân vật khác của thời Khai sáng, ông đã trở nên tin rằng Phương Tây phải nên học hỏi từ Khổng Học.

(Còn tiếp)


_____________________
i. Tôi biết ơn ông Lý quang Diệu về việc đã nói với tôi về loạt phim này và đã thu xếp gởi đến cho tôi xem. Một đài truyền hình Singapore đã chiếu tòn bộ phim này với phu đề Anh ngữ cho nên tôi đã được xem tất cả chương trình.

ii. Theo Joseph Needham, Within The Four Seas: The Dialogue of East and West (London: Allen and Unwin, 1969) tr. 43

iii. Sđd. Tr. 90

iii. Theo Thomas Fuchs :"The European China:Receptions from Leibniz to Kant" Journal of Chinese Philosophy 33, số 1 (2006), tr 43.



Kỳ 5 (Tiếp theo)

Thượng đế có liên quan gì đến chính sách ngoại giao? Theo lịch sử, những đất nước chịu ảnh hưởng của Kitô giáo và Hồi giáo đã phát triển một sức đẩy để phát tán quan điểm của họ đồng thời cải hóa thiên hạ theo đức tin của mình. Tinh thần truyền đạo ấy rõ ràng trong chính sách ngoại giao của những quốc gia khác nhau như Anh quốc, Hoa Kỳ, Pháp, Saudi Arabia và Iran. Trong trường hợp của Hoa Kỳ và Anh quốc, có lẽ bởi vì họ quá mạnh cho nên chiều hướng có mục đích của Phản Thệ giáo nằm ngay trọng tâm chính sách ngoại giao của họ đã tạo thành một dấu hằn sâu trong các quan hệ quốc tế. Ngược lại, Trung quốc chẳng bao giờ đòi hỏi đến một ý hướng tương tự về định mạng. Chỉ đơn giản là một nước Trung quốc, trở nên một sức mạnh tầm thế giới, trong ý nghĩa của việc hoàn thành được mục đích lịch sử của mình. Họ chẳng cần phải phát tán bất cứ điều gì cho bất cứ ai để minh chứng chính mình. Do đó, khi Bắc kinh có vẻ như không hề chảy máu trưóc những vấn đề như nhân quyền, không chỉ có nghĩa giản đơn là chế độ ấy áp bức hay cầm giữ một quan điểm chính trị thô bạo về các quyền lợi của mình - dù rằng những điều ấy quả có một vai trò nào đó. Người Trung quốc nhìn những vấn đề này khác, không phải với một tập hợp những điều sai/đúng khó hiểu, mà với một ý nghĩa của tính thực tiễn vốn đã phục vụ như một triết lý dẫn đường .


Các thương nhân Tây phương thường nhận thấy rằng các đối tác Trung quốc của mình có vẻ ít chú ý đến lề luật, pháp lý và hợp đồng khế ước. Ý thức của họ về đạo đức có tính hoàn cảnh hơn. Nếu một thương gia hoặc một viên chức Trung quốc nghĩ luật pháp là một thứ bá láp (theo lời kiểu diễn đạt của người Anh), ông ta sẽ lờ đi, tránh né đi hoặc đơn giản đề nghị soạn thảo một hợp đồng mới. Tôn kính một tư tưởng không thực tế là một cái gì đó xa lạ đối với suy nghĩ của Trung quốc. Các mối liên hệ xã hội và lòng tin quan trọng hơn nhiều so với các hứa hẹn trên giấy tờ. Microsoft không thể khiến Bắc kinh tăng sức ép lên luật bản quyền trí tuệ của mình trong bao nhiêu năm trời – cho đến khi công ty này bỏ thời gian và nỗ lực ra để phát triển quan hệ với chính phủ và nói rõ rằng họ thực sự muốn giúp phát triển hệ thống kinh tế và giáo dục của Trung quốc. Một khi Microsoft đã thuyết phục được chính phủ Trung quốc về ý định vô hại của mình, chính những lề luật ấy mới được đưa vào áp dụng. Một số người Trung quốc thực sự tiếp nhận quan niệm rằng những hợp đồng, pháp lệ, lề luật khó hiểu thực ra quan trọng hơn một lý giải có tính tùy hoàn cảnh tiện tay của mình, có nghĩa là phát triển chính trị và pháp lý của người Trung quốc có thể sẽ phải đi một còn đường lòng vòng phức tạp hơn là như một ai đó đã từng tiên liệu.

Truyền thống văn hóa của Trung quốc cũng ảnh hưởng lối tiếp cận đến thương thảo của họ. Robert Weller thuộc trường ĐH Boston đã lập luận, “Người Trung quốc đặt căn bản hiểu biết của họ chung quanh ý tưởng về khí lực (qienergy). Khí là chất liệu của phong thủy, là những phần tử trong cơ thể vốn được vận dụng bằng cách điểm huyệt hay bằng các dược thảo của Trung quốc. Đó là một phần phương cách rộng rãi của sự am hiểu về cấu trúc thế giới như là một tập hợp của các lực giao tiếp, quan hệ với nhau một cách phức tạp hơn là giải quyết bằng một nguyên nhân và kết quả giản đơn thẳng thướm”. Weller cho rằng “Điều này cũng có ảnh hưởng trong chính sách ngoại giao”i. Suy xét như thế đôi khi có thể quá đáng và rồ dại. Nhưng qua việc đàm đạo với người Trung quốc về những phương cách suy nghĩ của họ, người ta có thể nhanh chóng nhận ra rằng những khái niệm như khí lực là trọng tâm suy nghĩ của họ cũng như tự do ý chí hay Đấng tạo hóa đạo hạnh đối với người Tây phương vậy. Chính sách ngoại giao bị tác động bởi nhiều sức mạnh chung, nhưng không còn nghi ngờ gì rằng một thế giới quan căn bản sẽ tổ chức cách thức con người nhận biết, hành động, phản ứng, đặc biệt khi ở trong những cơn khủng hoảng.

Tuy nhiên, văn hóa không hiện diện trong chân không. Quá khứ của Trung quốc và phân tử di truyền DNA của họ đang được định dạng bởi lịch sử hiện đại của họ - tác động của phương Tây, cuộc sát hại truyền thống của chủ nghĩa cộng sản, hậu quả trống rỗng trong chủ thuyết duy linh của người Trung quốc, và có lẽ quan trọng hơn cả là những nỗ lực gần đây của họ để hóa giải truyền thống và hiện đại. Khi chúng ta nói chuyện với một kinh tế gia Trung quốc, họ không để lộ ra một kiểu cách Khổng tử để tạo nên phát triển kinh tế hay hạn chế lạm phát. Ngân hàng trung ương Trung quốc có lẽ rất là hiện đại và (trong ý nghĩa đó) rất Tây phương trong lối tiếp cận của họ. Nghĩa là khi họ không nhảy dựng lên khi Hoa Kỳ yêu cầu họ phải tái định giá lại tiền tệ của họ có thể cho chúng ta biết nhiều hơn về chủ nghĩa dân tộc hơn là về văn hóa. (Nói cho cùng, lần cuối cùng mà Hoa Kỳ phải thay đổi chính sách kinh tế của mình bởi vì một chính phủ ngoại quốc đã la lối ầm ĩ là khi nào?). Người Trung quốc đã áp dụng chủ nghĩa duy lý Tây phương trong nhiều lãnh vực. Một số nhà phân tích chính sách ngoại giao của Trung quốc tự gọi mình là những “nhà Khổng học Kitô giáo” – có nghĩa là không phải họ đã đổi đạo mà là người Trung quốc mang một quan điểm phương Tây, tìm cách để nhuộm các chính sách Trung quốc với ý nghĩa vĩ đại hơn về mục tiêu và giá trị. Tương tự như các nước Không-tây phương, Trung quốc sẽ tự pha chế ly rượu cocktail văn hóa của riêng mình - một số phần Đông phương, một số phần Tây phương - để phát triển nhanh trong thế kỷ hai mươi mốt.

Quá lớn để mà Che giấu

Vấn nạn lớn nhất của Trung quốc phải giải quyết không phải là những đặc thù của văn hóa mà là những cái phổ biến của sức mạnh. Trung quốc tự nhìn mình như một đất nước mang ý định vươn lên một cách hòa bình, tính cách của họ được ghi nhận bởi sự khiêm tốn, không can thiệp và các mối giao hảo tốt đẹp với mọi người. Nhưng nhiều quốc gia từng vươn dậy trong quá khứ cũng có những niềm tin tương tự vào những động cơ hiền lành của mình – mà cuối cùng vẫn đi đến chỗ làm đảo lộn cả hệ thống. Nhà khoa học chính trị Robert Gilpin ghi nhận rằng, khi sức mạnh của một quốc gia tăng lên, họ “sẽ bị cám dỗ phải cố gắng để tăng ảnh hưởng của mình lên môi trường chung quanh. Để tăng cường an ninh của mình, họ sẽ phát tán các kiểm soát về chính trị, kinh tế và lãnh thổ, họ sẽ cố gắng thay đổi cơ chế quốc tế để phù hợp với các tập hợp quyền lợi riêng của mình”ii. Điểm quan yếu ở đây chính là, thông qua lịch sử, các quyền lực vĩ đại đã nhìn mình như có được các ý định tốt đẹp nhất nhưng bị bắt buộc bởi nhu cầu phải hành động để bảo vệ các quyền lợi không ngừng tăng trưởng của mình. Và trong vị trí là nước đứng thứ nhì trên thế giới, Trung quốc thực chất sẽ phải bành trướng quyền lợi của mình.

Sau cùng, các ý định của Trung quốc có thể không thích hợp.Trong thế giới rối rắm của chính trị quốc tế, ý định và kết quả thường không dính dáng trực tiếp với nhau. (Không đất nước nào muốn có một cuộc chiến tranh thế giới như năm 1914). Tựa như trong một thị trường mà tất cả các công ty đều muốn tối đa hóa lợi nhuận của mình bằng cách tăng giá cao lên: kết quả phổ biến sẽ đúng là điều ngược lại – giá cả sẽ tụt xuống. Tương tự, trong chính trị quốc tế, một hệ thống khác không có thẩm quyền tối thượng ngoại lệ nào, các ý định của mọi quốc gia thường không đoán được kết quả chính xác. Do đó mới có câu cách ngôn La Mã “Nếu ta muốn hòa bình, phải chuẩn bị chiến tranh”.

Riêng việc Trung quốc có thể vươn dậy an bình bằng cách nào có thể quyết đoán được từ sự phối hợp của các hành động từ Trung quốc với các phản ứng từ những quốc gia khác, và các hậu quả có tính cơ chế mà sự giao tiếp này đem lại. Vì kích cỡ hiện tại của mình, Trung quốc không thể hy vọng bò trườn nhẹ nhàng vào sân khấu thế giới mà không một ai biết. Thí dụ như, công cuộc tìm kiếm vật liệu, năng lượng của họ là hoàn toàn có thể hiểu được. Trung quốc đã phát triển nhanh, tiêu thụ năng lượng, tất cả các loại hàng hóa và cần phải tìm nguồn bổ xung vững vàng cho những thứ ấy. Các quốc gia khác mua dầu hỏa, sao Trung quốc lại không thể mua những thứ tương tự? Nhưng vấn nạn là ở kích cỡ. Trung quốc hoạt động trên một bình diện quá rộng lớn khiến không tránh khỏi việc thay đổi về bản chất của cuộc chơi.

Nhận thức của Trung quốc về quyền lợi của họ đang thay đổi. Những con người như Wu Jianmin xuất thân từ các thế hệ xưa cũ hơn của ngành ngoại giao, còn các thế hệ trẻ hơn đều hiểu rõ sức mạnh mới của Trung quốc. Một số giới theo dõi Trung quốc lo lắng rằng, đến lúc, sức mạnh sẽ ăn sâu vào suy nghĩ của người Trung quốc. Trong một loạt các câu chữ cảnh báo tế nhị gửi đến Trung quốc từ năm 2005, Lý Quang Diệu đã diễn tả mối quan tâm của ông không phải về tầng lớp lãnh đạo hiện nay, hay tầng lớp lãnh đạo thế hệ kế tiếp mà về thế hệ sau đó nữa, thế hệ sẽ được sinh ra trong một thời đại ổn định, thịnh vượng và ảnh hưởng Trung quốc đã tăng cao. “Giới trẻ của Trung quốc phải được tạo cho ý thức về nhu cầu bảo đảm với thế giới rằng cuộc vươn dậy của Trung quốc sẽ không đi đến việc trở thành một sức mạnh bị gãy đổ”, ông đã phát biểu như thế trong một bài diễn văn đọc tại trường Đại học Fudan. Ông Lý đã ám chỉ đến những điều từng giữ cho các nhà lãnh đạo Trung quốc khiêm tốn từ thời Đặng Tiểu Bình bởi vì những quá khứ cay đắng về những lỗi lầm của Mao – Xúi dục các cuộc cách mạng ở ngoại quốc, Bước Nhảy vọt Vĩ đại và cuộc cách mạng văn hóa, tất cả dẫn đến kết quả tử vong của bốn mươi triệu người Trung quốc. “Đó là điều có tính sống còn” Ông Lý nói tiếp, “rằng thế hệ trẻ hơn của người Trung quốc, sẽ từng chỉ được sống qua những thời gian của an bình và thịnh vượng và không có một chút kinh nghiệm gì về quá khứ huyên náo của Trung quốc và không được giáo dục để ý thức các lỗi lầm mà Trung quốc đã phạm phải khiến dẫn đến kết quả của những sự ngạo mạn và quá đáng trong tư tưởng”.

Cho đến nay, chính sách đối ngoại của Trung quốc vẫn còn đặt trọng tâm hoàn toàn vào thương mại, ngay cả điều này, Trung quốc cũng vẫn bao phủ bóng mình vào chung quanh. Chẳng hạn như ở Phi châu, Trung quốc đang nỗ lực xây dựng mối liên hệ kinh tế. Lục địa này có các trữ lượng thiên nhiên, đặc biệt là dầu hỏa và khí thiên nhiên mà Trung quốc cần đến cho sự phát triển của mình. Cả chính phủ Trung quốc và các chính phủ Phi Châu đều hoan nghênh các mối quan hệ giao thương mới - một phần bởi vì không có quá khứ thực dân hay lịch sử phức tạp làm rối thêm vấn đề - và doanh thương phát triển mạnh. Giao thương lên đến khoảng 50 phần trăm một năm, các đầu tư của Trung quốc còn nhanh hơn thế. Trong nhiều quốc gia ở châu Phi, phát triển kinh tế đạt mức kỷ lục, một thực tế nhờ vào mối quan hệ mới mẻ của họ với Trung quốc. Nhưng một số quốc gia trong lục địa này lại nhìn mối liên hệ này như một sự bóc lột và oán hận sức mạnh mới của Trung quốc, do đó Bắc kinh phải chịu đau khổ mà minh chứng các thiện ý của mình. Vào tháng Mười một năm 2006, chủ tịch Hồ Cẩm Đào tổ chức một cuộc họp thượng đỉnh về mối quan hệ Trung-Phi. Tất cả bốn mươi tám quốc gia Phi châu vốn có mối quan hệ tốt đẹp với Trung quốc đều tham dự, hầu hết đều được đại diện bởi các tổng thống hoặc thủ tướng của họ. Đó là một cuộc hội nghị lớn nhất từng được tổ chức bên ngoài lục địa này. Trong hội nghị, Trung quốc đã hứa hẹn tăng gấp đôi số tiền viện trợ cho Phi châu trong 2 năm, mang đến 5 tỉ mỹ kim tiền cho vay và tín dụng, thiết lập một quỹ tài trợ trị giá 5 tỉ để khuyến khích thêm các đầu tư của người Trung quốc vào Phi châu, hủy bỏ hầu hết các món nợ của các nước này đối với Trung quốc, cung cấp các phương tiện tốt hơn cho sự tham dự vào thị trường Trung quốc, huấn luyện mười lăm ngàn chuyên viên Phi châu và xây các bệnh viện mới cùng trường học khắp lục địa. Thủ tướng Ethiopia, ông Meles Zenawi, đã thốt lên rằng "Trung quốc là một niềm cảm hứng cho tất cả chúng tôi"iii.

Xây dựng mối quan hệ như thế có gì là sai? Không có gì sai cả - ngoại trừ việc Trung quốc di chuyển vào Phi châu đã choán mất các khu vực về kinh tế, chính trị và quân sự vốn đã từng được nắm giữ bởi Anh, Pháp và Hoa Kỳ. Điều này chắc chắn sẽ có ý nghĩa của sự va chạm khi mỗi quyền lực lớn đấu tranh để bảo vệ quyền lợi của mình và quan niệm của riêng họ về việc thực hiện những điều đúng đắn ở Phi châu. Diễn giải của Trung quốc về hành động của mình là họ không can thiệp vào nội bộ các nước này - nghĩa là, trong một ý nghĩa nào đó, có giá trị trung dung. Nhưng có phải thế không? Moisé Naím, bỉnh bút của tờ Foreign Policy, kể một câu chuyện về việc chính phủ Nigeria mặc cả một món nợ 5 triệu cho hệ thống hoả xa với Ngân hàng thế giới vào năm 2007. Ngân hàng này khăng khăng là chính phủ phải dọn sạch các vụ nhũng lạm nổi tiếng trong quan liêu ngành hỏa xa trước khi họ có thể phê chuẩn món nợ. Vụ thương thảo gần như sắp xong thì chính phủ Trung quốc nhảy vào hứa hẹn cho chính phủ này vay 9 tỉ để tái xây dựng toàn bộ hệ thống hỏa xa - không lằng nhằng dây nhợ, không đòi hỏi gì, không cần bất kỳ thay đổi nào. Thế là Ngân Hàng quốc tế bị gửi trả về chỉ trong một vài ngày. Chẳng cần phải nói thêm, chắc chắn đa số khoản tiền ấy sẽ đi thẳng vào các trương mục của những viên chức cao cấp trong chính phủ hơn là đi vào hệ thống hỏa xa tốt đẹp hơn cho người dân Nigeria.

Bắc kinh đã tự thấy mình hữu dụng khi giao hảo trực tiếp với các chính phủ, bởi vì họ hầu như luôn luôn duy trì gìn giữ được chủ quyền của nguồn sản lượng mà Trung quốc cần đến. Các thương vụ trở nên dễ dàng hơn nhiều khi giao tiếp với một thẩm quyền tập trung, đặc biệt nếu như đấy là một kẻ bị ruồng bỏ không thể trông vào ai ngoài Trung quốc. Do đó Trung quốc mua được platinum và quặng sắt từ Zimbabue để đổi lại việc bán vũ khí cho Robert Mugabe cùng các thiết bị phá sóng phát thanh - bất chấp ngăn cấm của Hoa Kỳ và Liên hiệp Âu châu - để ông ta sử dụng trong những vụ đe dọa, bắt giữ và giết hại các thành phần chống đối trong nước. Bắc kinh là người ủng hộ quan trọng nhất của Mugabe trong Hội đồng Bảo an LHQ.

(Còn tiếp)

________________________
i. Điện thu gửi đến tác giả.

ii. Theo Robert Gilpin, War and Changes in World Politics (Cambridge:Cambridge University Press, 1981) tr. 94-95.
iii. Theo Ernesh Harsch "Big Leap in China-Africa Ties" Africa Renewal 20, số 4 (Jan. 2007) tr. 3




Kẻ Thách Thức
Kỳ 6 (Tiếp theo)

Ở Sudan, can dự của Trung quốc còn sâu hơn. Trung quốc đã đầu tư 3 tỉ vào các mỏ dầu ở đấy từ năm 1999. Các công ty Trung quốc là những cổ phần chính trong hai Tổ hợp doanh nghiệp lớn nhất trong quốc gia này, và Trung quốc đã mua đến 65 phần trăm số lượng dầu xuất khẩu của Sudan. Trung quốc duy trì một liên minh quân sự với Sudan bất chấp các hạn chế của LHQ. Trung quốc còn cung cấp vũ khí để cuối cùng lọt vào tay của các lực lượng vũ trang ủng hộ chính phủ ở Darfur. Các giới chức Trung quốc thường xác nhận là họ có ý định cứ giữ phương cách ấy. Khi giải thích về vai trò của đất nước mình, thứ trưởng ngoại giao Trung quốc thẳng thừng nói: "Làm ăn là làm ăn. Chúng tôi cố gắng tách bạch chuyện làm ăn và chính trị. Thứ nữa, tôi nghĩ rằng tình hình bên trong Sudan là những công việc có tính nội bộ và chúng tôi không có vai trò áp đặt điều gì cả".


Nếu Trung quốc là một đấu thủ không quan trọng trên sân khấu quốc tế, sẽ chả có gì phải ầm ĩ về việc họ làm gì ở Zimbabue hay Sudan. Cuba, như tất cả chúng ta đều biết, đã từng có các quan hệ rất sâu sắc với cả hai chính phủ này nhưng chẳng ai thèm đề ý đến. Trái lại, Bắc kinh không thể che giấu khôn ngoan của mình trong bồ lúa được nữa. Lối giải quyết của Trung quốc với những quốc gia này mang đến cho họ một sợi dây an toàn, một tiến triển đến sau, và về lâu dài, sẽ làm sống mãi chu kỳ của những chế độ xấu xa và các mối căng thẳng xã hội gây họa cho lục địa châu Phi. Loại quan hệ này cũng đảm bảo rằng trong khi các chính phủ châu Phi có thể nghĩ tốt về Trung quốc, nhưng dân chúng của họ sẽ có những cái nhìn pha trộn hơn - khi họ đã từng nhìn về các chính phủ Tây phương qua nhiều năm tháng trước.

Bắc kinh đã từng chậm nhận biết được trách nhiệm rộng hơn của mình trong khu vực này, vì lập luận rằng họ không cần phải để ý đến chuyện người khác. Nhưng thực ra, họ đã không thật sự hành động như thế. Bắc kinh thường tự cho thấy mình ý thức khá rõ về sức mạnh của họ. Một nguyên nhân khiến họ chú tâm vào Phi châu là vì lục địa này từng có một danh sách dài gồm những quốc gia từng thân thiện với Đài Loan. Mặc dù bảy trong số hai mươi sáu chính phủ trên thế giới có quan hệ với Đài loan hiện nay là ở Phi châu, sáu quốc gia - gồm South Africa - đã từng chuyển sự công nhận của họ từ Đài Loan sang Bắc Kinh trong thập niên qua nhờ vào các khoản viện trợ sáng suốt.

Trung quốc đã từng khôn ngoan hơn, sử dụng ngoại giao tốt hơn và mềm mỏng hơn ở Á châu, khu vực mà Bắc Kinh đã tận hiến hầu hết công sức, thời gian và chú tâm. Thông qua ngoại giao khôn khéo, họ đã giúp phối soạn một cuộc cách mạng về quan điểm trong suốt hai thập niên qua. Vào những năm 1980, Trung quốc đã ngay cả không có quan hệ với đa số miền Đông Á, kể cả Nam Triều tiên, Indonesia và Singapore. Đến mùa hè năm 2007, họ đã tổ chức cuộc tập trận phối hợp với Hiệp hội ASEAN. Khi được hỏi trong cuộc thăm dò vào năm 2007 ai được tín nhiệm để nắm giữ sức mạnh toàn cầu, những người trả lời trong các quốc gia như Thái Lan và Indonesia, có truyền thống là đồng minh của Hoa Kỳ đã chọn Trung quốc thay vì Hoa Kỳ. Ngay cả ở Úc, quan điểm ưa chuộng Trung quốc cũng ngang ngửa với Hoa Kỳ.

Mãi cho đến gần đây, các ký ức về chính sách ngoại giao cách mạng của Trung quốc - chính sách của những phương kế dùng cộng đồng tỵ nạn Trung quốc để kích động chia rẽ - vẫn kéo dài. Cuộc xâm lăng vào Việt Nam của Trung quốc, phần lãnh thổ họ khẳng định là của mình trong vùng biển phiá Nam Trung quốc, và phần biên giới tranh chấp với Nga và Ấn Độ đã mang đến cho Trung quốc hình ảnh của một người láng giềng gai góc và rắc rối. Tuy nhiên vào cuối những năm 1990, Trung quốc đã theo đuổi một chính sách khu vực rất khác nhau, vốn trở nên đặc biệt rõ ràng từ vai trò có tính xây dựng của họ trong khu vực sau cuộc khủng hoảng Á châu năm 1997. Kể từ đó, Bắc kinh đã trở thành lão luyện trong việc sử dụng sức mạnh kinh tế và chính trị trong một tính cách kiên nhẫn, không gây sôi nổi và có hiệu quả cao. Nền ngoại giao của họ hiện nay chú trọng vào bối cảnh lâu dài, không có tính dạy đời và quyết định chiến lược khiến chính sách này không bị sa lầy bởi các đối kháng trong nội bộ hay sự tê liệt của quan liêu. Họ đã sử dụng đường lối chính trị phù hợp hơn, đã cung cấp các chương trình viện trợ hào phóng (thường là vượt xa những viện trợ mang lại bởi Hoa Kỳ) và di chuyển gia tốc trên những thương vụ giao thương tự do với khối ASEAN. Đã lâu từng tránh né những mối liên hệ đa phương, gần đây họ đã tham dự càng nhiều hơn- ngay cả còn tạo nên những quan hệ đa phương của chính mình, Hội nghị thượng đỉnh Đông Á châu, vốn chủ tâm loại trừ Hoa Kỳ. Trung quốc hiện nay cũng được hoan nghênh chào đón ở các nước Đông Nam Á. Vị tổng thống có vẻ thân Mỹ của Phi Luật Tân, bà Gloria Arroyo ca tụng công khai "Chúng ta sung sướng có Trung quốc như một người anh em lớn".

Thay đổi này phản ánh trong các mối quan hệ của Bắc Kinh với các chính phủ khắp các nước láng giềng của mình. Chẳng hạn như người Việt Nam, không hề có tình cảm yêu thương đặc biệt gì với Trung quốc. Như một viên chức ở quốc gia này nói với tôi, "Chúng tôi nhìn rõ. Trung quốc đã xâm chiếm Việt Nam trong cả nghìn năm. Họ đã xâm lăng chúng tôi mười ba lần kể từ đó". Nhưng ông cũng nhìn nhận, "Họ là một hiện diện quá lớn lao, là nhà xuất khẩu lớn nhất của chúng tôi" - nghĩa là các chính phủ và nhân dân của họ phải tiếp cận mối liên hệ thực tiễn. Các tiệm sách tôi từng đến ở Việt Nam trưng bày các tuyển tập diễn văn của giới lãnh tụ Trung quốc như Đặng Tiểu Bình, Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào một cách nổi bật.

Trước khi đến Việt Nam, tôi đã ở Tokyo trong chuyến viếng thăm cấp nhà nước năm 2007 của Thủ tướng Trung quốc Ôn Gia Bảo, và tôi đã nghe các điệp khúc tương tự. Họ Ôn đã vận dụng xảo thuật đối với nhiều trọng điểm căng thẳng giữa hai quốc gia và thay vào đó đã nhấn mạnh đến mặt tích cực - sự phát triển liên hệ về kinh tế. Tuy nhiên, sự khôn khéo này mỏng manh và đưa đến mối nguy hiểm chính trong chính sách đối ngoại của Bắc kinh – các nỗ lực của họ để hợp tác với chủ nghĩa dân tộc cho các mục đích của chính mình.

Trong quá khứ, Bắc kinh đã kiên trì trong việc giữ quan hệ với người Nhật Bản. Các thảm họa chiến tranh và sự do dự nhận lỗi của Nhật Bản là phần lớn của vấn đề. Nhưng Bắc kinh có lẽ cũng đã nuôi dưỡng mối căng thẳng – luôn mang vấn đề cư xử của Nhật trong thời chiến tranh ra ở bất cứ lúc nào thuận tiện, khước từ lời xin lỗi của người Nhật đồng thời đã còn giảng dạy những phiên bản chống Nhật độc ác trong lịch sử tại các trường học của mình. Vào tháng Tư năm 2005, chính phủ Trung quốc có vẻ đã khuyến khích các cuộc biểu dương chống Nhật qua các sách học lịch sử, để chỉ dẫn đến chuyện nở bung thành những cuộc biểu tình cướp bóc, phá hoại, liệng đá vào tòa đại sứ Nhật và kêu gọi rộng rãi tẩy chay hàng hóa của Nhật.

Trong các ý nghĩa về chiến lược, chuyển sang một chính sách “vươn dậy trong hòa bình”, sẽ không có ý nghĩa gì nếu Bắc Kinh cứ không thỏa hiệp với Tokyo như trong quá khứ. Hành động như thế chắc chắn sẽ mang đến cho Trung quốc một láng giềng thù địch, một láng giềng đã có một quân đội đáng thương nhưng một nền kinh tế lớn gấp ba lần Trung quốc. Một chiến lược khôn ngoan hơn sẽ là tiếp tục bẫy Nhật bằng những liên hệ kinh tế và sự hợp tác lớn hơn, tìm cách vươn đến thị trường, đầu tư và công nghệ của họ - đồng thời sẽ đạt đến sự thống trị qua thời gian. Có cả một sự cãi cọ về sự hòa hợp chân chính. Nhật Bản đã không cư xử một cách hoàn thiện nhưng họ đã vài lần xin lỗi về sự xâm lược trong thời chiến và đền bù Trung quốc hơn 34 tỉ trong các quỹ viện trợ (các bồi thường, có hiệu quả) - những điều chưa bao giờ được nhắc nhở từ người Trung quốc. Và rõ ràng, một khao khát cho sự hòa giải được biểu hiện khi thủ tướng họ Ôn đến Nhật vào năm 2007. Nhưng điều này có thể không còn nữa. Đối với Trung quốc, các khó khăn nội bộ đang xảy đến. Từ bỏ chủ nghĩa cộng sản, Đảng cộng sản đang dùng chủ nghĩa dân tộc như một lớp keo dính để giữ Trung quốc liền lạc được với nhau, và chủ nghĩa dân tộc hiện đại của Trung quốc được minh định phần lớn trong mối thù nghịch với Nhật Bản. Bất chấp vô số chính sách tai ương của mình, Mao vẫn là một vị anh hùng ở Trung quốc bởi vì ông đã đánh Nhật và thống nhất Trung quốc.

Chính phủ Trung quốc thường cho rằng mình có thể chế ngự cảm tính chung phổ biến, nhưng họ đang mất đi niềm tự tin đó. Không phải là một nền dân chủ, họ không có đủ kinh nghiệm để làm như thế. Họ đối xử với xúc cảm và cơn giận của công chúng một cách không cởi mở,không chắc là nên khuyến khích hay đè nén xuống, vì sợ không biết sẽ dẫn đưa đến đâu. Họ hoàn toàn không biết phải làm gì với một nhóm như Hội Ái quốc, một nhóm chủ nghĩa dân tộc cực đoan trên internet đã tổ chức cuộc biểu dương chống Mỹ sau sự cố máy bay EP3 vào năm 2001 và cuộc biểu dương chống Nhật vào năm 2005. Cả hai hành động được khuyến khích lúc ban đầu cho đến khi đã trở nên quá căng thẳng hơn mức dự liệu của chế độ. Những dịp tình cờ đó như đã khuyến khích cho một số sự suy nghĩ lại, và Bắc Kinh gần đây đã dịu giọng hơn trong những ủng hộ chủ nghĩa dân tộc, theo đuổi một lối tiếp cận êm dịu hơn đến chính trị và ngoại giao.

Mối nguy hiểm của cơn khủng hoảng ở bên ngoài cộng với chủ nghĩa dân tộc trong nội bộ đang phủ một bóng mờ cực lớn lên Đài Loan. Bắc Kinh, bị ám ảnh lâu dài về Đài Loan, đã từng không thỏa hiệp, như một số chính trị gia Đài Loan - một hỗn hợp đôi lúc bùng cháy, như khi Tổng thống Trần Thuỷ Biển của Đài Loan kích động một cơn giận dữ từ việc đề nghị một hội nghị quốc gia về nền độc lập của Đài Loan vào năm 2002. Đối với hầu hết mọi phương diện, Bắc Kinh đã theo đuổi kế hoạch lâu dài của mình về việc "bình thường hóa" các quan hệ với đảng đối lập chính của đảo quốc và làm dịu đi với sự hòa giải. Nhưng không phải lúc nào cũng thế. Vào tháng ba năm 2005, Bắc kinh đã thông qua một luật định “chống tách rời”, đe dọa Đài Loan bằng sức mạnh quân sự nếu họ dám chọc giận Trung Hoa bằng bất cứ cách nào. Kết quả là, giữa nhiều biện pháp, Liên hiệp Âu châu đã hoãn lại việc bãi bỏ lệnh cấm vận đến Trung quốc.

Đài Loan mang lại một thí dụ sinh động và quan trọng về việc làm thế nào để khích lệ kinh tế cho sự hội nhập và thúc đẩy chính trị cho những phân rẽ về chủ nghĩa dân tộc nhưng vẫn điều chỉnh được. Quyết định hợp lý khiến tạo nên được hướng dẫn cho chính sách kinh tế không dễ áp dụng trong không gian chính trị, khi danh dự, lịch sử, lòng tự hào và căm giận tất cả đều đóng vai trò rộng rãi. Trong những năm gần đây, nhận thức được thời gian ở về phía mình, Bắc Kinh đã chuyển đến một tiến trình ít gây hấn hơn, khôn ngoan hơn đối với Đài Loan (và ngay cả với Nhật Bản). Do đó họ đã thực hiện một số chuyển động thông minh là tăng thêm sự lệ thuộc của Đài Loan trên lục địa – rõ rệt nhất là việc giảm thuế quan các nông phẩm đến từ những phần có tư tưởng độc lập nhất của Đài Loan. Dĩ nhiên suốt thời gian ấy, nền quân sự của Trung quốc phát triển rất nhanh, mục tiêu chiến lược của họ là nhanh chóng thắng thế trên tất cả các mối xung khắc với Đài Loan. Nói một cách khác, phát triển kinh tế và toàn cầu hóa đã tạo nên kế hoạch cho sự hội nhập của Bắc Kinh, cho họ sức mạnh quân sự tuy nhiên lại đem đến đối đầu về chính trị.

Rồng và Chim Đại Bàng

Tầm quan trọng của các mối quan hệ với các nước của Trung quốc trên thế giới bị còi cọc lại bởi mối quan hệ của họ với một nước - Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ, hay nói một cách khác hơn, không một khó khăn có thể xảy ra nào đối diện mà Trung Hoa cho là quan trọng trừ khi chúng gây nên sự can dự của Hoa Kỳ. Không có can dự của Hoa Kỳ, một cuộc chiến tranh xảy ra với Đài Loan sẽ chỉ là bi kịch và máu me, nhưng chỉ khi cuộc chiến tranh đó trở nên một sự đối đầu giữa Trung quốc và Hoa Kỳ ắt sẽ đưa đến những hậu quả vượt xa đến toàn cầu. Thử thách của Trung quốc cũng mật thiết đối với Hoa Kỳ hơn là đối với các quốc gia khác. Theo lịch sử, khi quyền lực mạnh nhất thế giới bị thách thức bởi một quyền lực khác vươn lên, hai quyền lực ấy cùng có những quan hệ khó khăn với nhau. Và dù không bên nào thú nhận công khai, cả Trung quốc và Hoa Kỳ đều đang lo lắng và chuẩn bị những khó khăn. Trong ba thập niên, chính sách đối ngoại của Trung quốc đã từng là một sự tạo thỏa mãn lớn hơn dành cho Hoa Kỳ vì một số những nguyên nhân thực tiễn khác nhau. Trước tiên đó là một nguyên nhân vì chiến lược chống lại Xô Viết, sau đó là khao khát về thị trường và sự cải cách, rồi đến việc khôi phục đất nước sau vụ Thiên An Môn, trở thành thành viên Tổ chức Thương Mại Quốc tế và cuối cùng là tổ chức Thế Vận hội Olympics tại Bắc Kinh. Nhưng giới ưu tú trẻ hơn của Trung quốc ngày càng tin rằng bản thân đất nước họ cần phải tự tin rằng mình là một đối thủ của Hoa Kỳ trong một số ý nghĩa. Ở Washington đã từng có những người nhìn Trung quốc như mối đe dọa toàn diện mới đến quyền lợi và lý tưởng của Hoa Kỳ. Nói như thế này không có nghĩa là nói đến chiến tranh hay ngay cả sự xung khắc, nhưng chỉ là để ghi nhận rằng hầu như có sự căng thẳng. Sự việc hai nước này giải quyết như thế nào sẽ quyết định đến quan hệ tương lai của mình - và hòa bình của cả thế giới.

Đối với hiện tại, các sức mạnh về hợp nhất đã thắng thế, ở cả Bắc Kinh và Washington. Mối quan hệ kinh tế Trung-Mỹ là một quan hệ nương tựa song phương. Trung quốc cần thị trường của Hoa Kỳ để bán hàng hoá của mình; Hoa Kỳ cần Trung quốc để trợ cấp tiền nợ - đó là mối tương đương của nền toàn cầu hoá trong khả năng Chắc chắn Hủy diệt Lẫn nhau của thời đại Nguyên tử (và để tăng thêm cho các sức mạnh ổn định, các kho chứa vũ khí nguyên tử của Hoa Kỳ và Trung quốc cũng hành động như những chướng ngại). Cái thực tế của các lực lượng thế giới được toàn cầu hóa Trung quốc và Hoa Kỳ trở nên một đồng minh khiến khoa địa lý chính trị thuần túy có thể không bao giờ được ủng hộ. Hậu quả là, chính quyền Bush đã từng hòa giải một cách đáng chú ý với Bắc Kinh về vấn đề Đài Loan. George W. Bush có lẽ là vị tổng thống thù địch nhất về mặt ý thức hệ từng thu xếp mối quan hệ Trung-Mỹ. Ông đã dành hầu như cả nhiệm kỳ của mình để ca ngợi dân chủ, đả phá độc tài và hứa hẹn sẽ dùng sức mạnh của Hoa Kỳ để khai triển các mục tiêu của mình. Nhưng dù với tất cả những điều này, Bush đã liên tục đứng về phía Bắc Kinh và cảnh cáo Đài Loan chớ có cố gắng tách rời, một khẳng định có tính chống lại người Đài Loan hơn mà chưa một vị tổng thống nào từng thực hiện. Đó là lý do vì sao, bất chấp những bài diễn văn của Bush về tự do và cuộc gặp gỡ của ông với Dalai Lama, Bắc Kinh vẫn hài lòng với chính quyền này. Bởi vì trong vấn đề mà họ quan tâm, Bush đã là đồng minh của họ.

Bắc Kinh và Washington rất khôn ngoan để cố gắng hợp tác với nhau. Xung đột giữa các quyền lực lớn là điều mà thế giới không được thấy kể từ thời Chiến tranh lạnh. Nếu các xung đột ấy trở lại, tất cả những vấn nạn mà chúng ta hiện đang lo lắng - khủng bố, Iran, Bắc Triều Tiên - đem so sánh sẽ bị mờ nhạt đi. Điều đó có nghĩa là cả những chạy đua vũ trang, tranh chấp biên giới, cạnh tranh giữa đồng minh và các nước khách hàng, xung đột địa phương và có lẽ nhiều hơn nữa. Bước tiến của phong trào hiện đại hóa về chính trị và kinh tế sẽ chậm đi nếu không muốn nói là sẽ tan biến. Ngay cả như nếu không có những hoàn cảnh khốc liệt ấy, Trung quốc sẽ làm phức tạp các mối quan hệ quyền lực sẵn có. Chẳng hạn như, nếu Hoa Kỳ và Liên hiệp Âu châu có theo đuổi những giải pháp khác nhau tự căn bản về sự vươn dậy của Trung quốc, sẽ tạo lên mối căng thẳng thường trực trên các đồng minh Tây phương khiến tạo cho mối căng thẳng với Iraq trông như chuyện vặt không đáng kể. Tuy nhiên một mối kình chống Trung-Mỹ nghiêm trọng sẽ xác định một thời đại mới và chuyển hướng ra khỏi sự hợp tác, giao thương và toàn cầu hóa.

Có một nhóm người Mỹ, chủ yếu gồm các viên chức Ngũ Giác Đài và những người tân bảo thủ đã từng gióng lên lời cảnh báo về mối đe dọa Trung quốc, phần lớn ở trong các ý nghĩa về quân sự. Nhưng thực tại vẫn chưa ủng hộ trường hợp cảnh báo ấy của họ. Chắc chắn Trung quốc sẽ bành trướng quân sự của mình, với một ngân quỹ quốc phòng đã từng tăng mười phần trăm hoặc hơn một năm. Nhưng họ vẫn còn chỉ bằng một phần chi tiêu của Hoa Kỳ - tối đa là 10 phần trăm chi phí thường niên của Ngũ Giác Đài. Hoa Kỳ có mười hai chiếc hàng không mẫu hạm năng lực nguyên tử, mỗi chiếc mang theo một đội tám mươi lăm chiếc phản lực cơ tấn công; các kỹ sư hàng hải Trung quốc vẫn còn đang làm việc cho chiếc hàng không mẫu hạm đầu tiên của họ. Trung quốc có hai mươi đầu đạn nguyên tử có tầm xa đến được lục địa Hoa Kỳ, theo như tính toán của Ngũ Giác Đài, nhưng những vũ khí "nhỏ và cồng kềnh" này chỉ "có thể tổn thương trong một cuộc tấn công phủ đầu trước". So sánh với Hoa Kỳ, có vào khoảng chín ngàn đầu đạn nguyên tử còn mới nguyên và khoảng năm ngàn đầu đạn chiến lược.

Người Trung quốc hiểu được nền quân sự của họ bất cân xứng đến đâu. Do đó, thách thức của Trung quốc, sẽ không giống như một Xô Viết khác với một Bắc Kinh mệt mỏi giữ nhịp độ trong các ý nghĩa về quân sự. Trung quốc có vẻ giữ mình như một "siêu quyền lực bất đối xứng". Họ đã tìm kiếm và khai triển những phương cách nhằm làm phức tạp và xói mòn năng lực siêu đẳng quân sự của Hoa Kỳ, như trong công nghệ không gian và internet. Quan trọng hơn cả thế, họ sẽ sử dụng sức mạnh kinh tế và khôn ngoan về chính trị để đạt mục tiêu mà không cần phải dựa vào sức mạnh quân sự. Trung quốc không hề muốn xâm lăng và chiếm lấy Đài Loan; họ gần như vẫn đánh giá thấp phong trào đòi độc lập của người dân Đài Loan, họ cứ chậm rãi tích lũy các lợi thế và ăn mòn dần đối thủ.

Trong các tài liệu mang tên "Đồng thuận Bắc kinh" phần lớn rút ra từ những cuộc phỏng vấn các viên chức cao cấp Trung quốc và các nhà trí thức. Joshua Cooper Ramo cung cấp một hình ảnh quyến rũ về chính sách đối ngoại mới của Trung quốc. "Thay vì xây dựng một sức mạnh kiểu Hoa Kỳ, xù xì tua tủa với những vũ trang và cố chấp với những thế giới quan của kẻ khác", ông viết "Sức mạnh đang nổi lên của Trung quốc có căn bản trên mẫu thức của chính họ, sức mạnh của hệ thống kinh tế và sự bảo vệ kiên quyết về... chủ quyền quốc gia của họ". Ramos mô tả một tầng lớp ưu tú am hiểu được sức mạnh đang lên của đất nước mình và cung cách ít can thiệp khiến tạo mình thành một loại đối tác có sức thu hút, đặc biệt trong một thế giới mà Hoa Kỳ đang được xem như một ông bá chủ hống hách. "Mục tiêu của Trung quốc không phải là đối kháng mà là tránh đối kháng", ông viết "Thành công thực sự trong những vấn đề chiến lược liên quan đến sự vận dụng tình thế vô cùng hiệu quả đã mang lại kết quả không tránh khỏi, thiên về các quyền lợi của Trung quốc. Những điều này nổi lên từ Tôn Tử, nhà tư tưởng chiến lược cổ xưa nhất của Trung quốc, người đã lập luận rằng "Trận chiến nào cũng sẽ thắng hoặc sẽ thua trước khi thực sự giao chiến".

Hoa Kỳ hiểu được cách xử lý một lợi thế chính trị quân sự có tính truyền thống. Nói cho cùng, đấy chính là bản chất của mối đe dọa Xô viết và Quốc xã Đức nổi lên. Hoa Kỳ có một cơ cấu nhận thức cũng như các phương tiện – vũ khí, viện trợ, đồng minh – cùng những gì phải đối đầu như một lợi thế. Giả như Trung quốc thúc đẩy sức nặng của họ, gây oán giận nơi các láng giềng và làm thế giới kinh hãi, Washington sẽ có thể đáp trả bằng một loạt những chính sách có hiệu quả có thể lợi dụng được tiến trình cân bằng tự nhiên của Nhật Bản, Ấn Độ, Úc, Việt Nam – và có lẽ các nước khác – sẽ cùng chung sức để giới hạn sức mạnh của Trung quốc. Chuyện gì sẽ xảy ra nếu như họ từng bước bành trướng các mối liên hệ kinh tế, hành động một cách lặng lẽ, ôn hòa, và từ từ phát triển không gian ảnh hưởng của mình để mưu tìm ảnh hưởng, đồng bọn có trọng lượng hơn trên thế giới? Cái gì sẽ xảy ra nếu như họ cứ từ từ dồn ép Washington ra bên lề ở Á châu trong một nỗ lực làm xói mòn kiên nhẫn và sức chịu đựng của Hoa Kỳ? Sẽ ra sao nếu họ lặng lẽ tự định vị trí của mình như một sự thay thế cho Hoa Kỳ kiêu căng và hống hách? Hoa Kỳ sẽ đương đầu với một loại kịch bản - tựa như Chiến tranh lạnh nhưng lần này là với một thị trường sống động, một dân số đông nhất thế giới, một đất nước không trưng bày kiểu mẫu tuyệt vọng của loại đất nước xã hội chủ nghĩa hay vung vãi sức mạnh của mình vào những can thiệp quân sự vô nghĩa? Đây là một thách thức mới đối với Hoa Kỳ, một thử thách mà Hoa Kỳ chưa từng giải quyết trước đây do đó họ chưa từng được chuẩn bị.

Trong suy tính làm thế nào để tiếp cận với Trung quốc, giới chính khách ưu tú đã sửa chữa cái nhìn của họ đến một quyền lực mới đang lên, gần giống và đang theo sát Trung quốc: Ấn Độ.

(Còn tiếp)

___________________________
i. Theo Carlos H. Conde "Asean and china Sign Trade and Services Accord" International Herald Tribune, Jan. 14, 2007
ii. “Out of their Silos;China and America" Economist, June 10, 2006. Theo Joshua Cooper Ramo "
iii. The Beijing Consensus" (Foreign Policy Centre, London, 2004)

Tổng số lượt xem trang