Nguyễn Xuân Nghĩa - Việt Báo 100330
Bài thứ năm trong loạt bài về quan hệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc
Khi Bắc Kinh ra chiều đấu dịu...
Đúng 40 năm trước, một Tổng thống nổi tiếng chống cộng của Mỹ đã gần như làm lệch mất cái trục của địa cầu khi nghĩ tới việc bắt tay Trung Cộng. Ông Richard Nixon tiến hành việc đó trong chuyến Hoa du năm 1972 rồi làm đảo lộn tình hình thế giới với việc kéo Trung Quốc ra khỏi tình trạng cô lập để trở thành cường quốc kinh tế.
Bốn chục năm sau, một Tổng thống chỉ muốn vái tứ phương để xin chữ bình an hầu tiến hành kế hoạch cải tạo xã hội ở nhà lại cũng có thể đẩy ngược cái trục địa cầu với một quyết định mà Bắc Kinh đánh giá là gây hấn và có ác ý. Đó là ông Barack Obama với sáng kiến xuất cảng nhằm nâng mức xuất cảng của Mỹ lên gấp đôi trong năm năm tới. Quyết định này của Obama khiến cho bệnh tự kỷ ám thị của Bắc Kinh bỗng thành nguy kịch.
Nói cho ngắn gọn thì ngược với chiều hướng truyền thống của Mỹ là khuyến khích các nước bán hàng cho Mỹ hầu kết bạn trong một liên minh chiến lược, Chính quyền Obama sẽ huy động bộ máy công quyền đẩy mạnh xuất cảng của Mỹ. Với các quốc gia khác thì đây là chuyện thường tình vì đảng Dân Chủ của Obama vốn dĩ vẫn có xu hướng bảo hộ mậu dịch "protectionist" - để bảo vệ công ăn việc làm của dân Mỹ và làm đẹp lòng các nghiệp đoàn chi tiền tramh cử. Huống hồ Hoa Kỳ đang bị nhập siêu, mắc nợ và thất nghiệp cao. Cho nên gia tăng xuất cảng sẽ phần nào giải quyết được vấn đề, càng sớm thì càng hay, căn cứ trên tấm lịch bầu cử năm 2010, và 2012, là khi ông Obama phải ra tái tranh cử.
Với các quốc gia khác thì như vậy.
Nhưng Trung Quốc là một quốc gia không giống ai vì coi xuất cảng là chuyện sinh tử và việc đẩy mạnh xuất cảng và hạn chế nhập cảng của Mỹ sẽ đẩy Bắc Kinh vào vách tường, hay bờ vực, khi lãnh đạo Trung Quốc cũng phải nhìn vào tấm lịch 2012 là khi có Đại hội đảng. Huống hồ Bắc Kinh còn nghi ngờ dã tâm của Mỹ vì rất nhiều vấn đề khác.
Nào là bán khí giới cho Đài Loan, nào là gây mâu thuẫn với việc Google rút khỏi Hoa Lục, nào là việc Tổng thống Obama hội kiến với đức Đạt Lai Lạt Ma, chưa nói tới những vụ điều trần tới tấp của Quốc hội Hoa Kỳ về mối nguy Trung Quốc. Hoặc về nỗ lực của Mỹ nhằm xây dựng một vòng đai đối tác kinh tế trong khu vực Thái bình dương... Một vòng đai có biểu hiện của chiến lược be bờ, bao vây.
Vì vậy mà một trận chiến Mỹ-Hoa có thể bùng nổ. Trong đó xuất cảng chỉ là một diện của nhiều hồ sơ phức tạp khác.
Vì vậy, người viết mới có loạt bài "Mỹ-Hoa Dàn Trận" trên cột báo này từ tuần trước.
***
Dù có mơ ngủ hay tự mê đến độ khôi hài, chúng ta cũng không tin rằng lãnh đạo Bắc Kinh đã... đọc Việt Báo!
Nhưng, sau khi Bắc Kinh chỉ định thêm ba học giả về kinh tế vào Ủy ban Chính sách Tiền tệ của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc vào ngày 29 vừa qua, hai trong ba kinh tế gia ấy đã múa võ và khuyến cáo lãnh đạo là... nên cài số de.
David Lý Đạo Quỳ là thành phần chuyên gia trẻ và có uy tín, Giáo sư Đại học Thanh Hoa đã tốt nghiệp Tiến sĩ Kinh tế tại Harvard. Vừa được đưa vào vai trò tư vấn về chính sách tiền tệ cho Ngân hàng Trung ương Trung Quốc, hôm sau ông đã khuyên là Trung Quốc nên chủ động tự ý điều chỉnh lại hối suất đồng Nhân dân tệ và tìm cách đối thoại với giới dân cử và lãnh đạo các tiểu bang của Mỹ hầu tránh sức ép chính trị từ phía Hoa Kỳ khi càng cận ngày bầu cử vào tháng 11 này tại Mỹ. Nghĩa là trong "tam thập lục kế" thì dùng kế "phủ để trừu tân" - rút củi dưới nồi Nhằm hạ hỏa khi Mỹ sẽ có bầu cử.
Người kia là kinh tế gia Hạ Bình trong Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Kinh tế của Quốc vụ viện (Hội đồng Chính phủ). Vừa bước vào Ủy ban Tiền tệ, ông khuyên là Trung Quốc nên trở lại chế độ hối đoái có điều chỉnh tiệm tiến (như Bắc Kinh đã áp dụng từ tháng Bảy năm 2005 tới tháng Bảy năm 2008).
Chúng ta chưa biết rằng đây là đòn hư hay thực.
Hay là Bắc Kinh đang chứng minh với dư luận... Mỹ rằng mình cũng biết điều và có thiện chí, trước khi Bộ Tài chánh Mỹ ra phán quyết vào ngày 15 tới đây về việc Trung Quốc có lũng đoạn thị trường hối đoái hay không. Nếu Bắc Kinh không lùi thì Quốc hội Mỹ đang lo tranh cử sẽ tháo bung như tháo nước hàng loạt biện pháp mậu dịch nhắm vào Trung Quốc. Các nước xuất cảng khác thì còn tha được, chứ đệ nhất cường quốc xuất cảng đang làm chủ 2.400 tỷ Mỹ kim trong dự trữ ngoại tệ như Trung Quốc thì phải được biệt nhãn, lọt vào mắt xanh của Mỹ!
Chi bằng cứ lùi một bước đã!
***
Sau Thế chiến II, Hoa Kỳ đã dung dị chấp nhận cho các quốc gia cựu thù cũ có thể xây dựng lại kinh tế và phát triển xứ sở theo chế độ dân chủ bằng cách xuất cảng hàng hóa vào Mỹ. Toàn bộ hệ thống kinh tế tài chánh mà Mỹ đã xây dựng từ năm 1945 nhắm vào mục tiêu ấy.
Nhật Bản đã triệt để khai thác lợi thế này với chiến lược xuất cảng ra ngoài - chủ yếu vào Mỹ - và bảo hộ mậu dịch ở trong để có ổn định xã hội. Nhìn trong ngắn hạn thì Nhật lời Mỹ lỗ, nhưng đó là cái giá Hoa Kỳ sẵn sàng trả để giàng một đồng minh chiến lược vào phe mình trong suốt mất chục năm của Chiến tranh lạnh.
Thật ra, lãnh đạo Hoa Kỳ cũng biết rõ thực chất bất công của chiến lược đó.
Và biết rõ hậu quả tai hại về dài... cho Nhật Bản. Xứ này đã thành siêu cường kinh tế, chủ nợ và chủ đầu tư của Mỹ, và cứ thế mà hỳ hục bơm bóng lên trời. Khi Liên Xô tan rã và Chiến tranh lạnh kết thúc thì cũng là lúc bóng bể tại Nhật và kinh tế Nhật bị khủng hoảng. Từ năm 1990 đến nay vẫn chưa ra khỏi đáy vực. Và những gì Nhật Bản làm chủ tại Hoa Kỳ thì vẫn còn nằm trên đất Mỹ. Với giá bèo.
Sau khi cải cách ba chục năm trước, Trung Quốc cũng theo đúng chiến lược kinh tế của Nhật.
Là thắt lưng buộc bụng để xuất cảng tối đa rồi đạt xuất siêu với Mỹ. Thay vì đầu tư tài sản đó cho dân nhờ, Bắc Kinh nhờ... Mỹ kiếm lời cho an toàn, nên làm chủ những khoản nợ vĩ đại của Mỹ. Rồi nay cũng đang thổi bóng lên trời. Cần nói thêm là Việt Nam Cộng sản láu vặt cũng học bài bản ấy, nhưng với bong bóng chỉ bằng trứng ếch! Kinh tế Trung Quốc là nền kinh tế đi xe đạp, xe không lăn bánh là đổ. Như trong một gánh xiệc, lãnh đạo Hà Nội là chú khỉ ngồi trên vai người lái xe đạp và khoe khoang là ta chạy ngang tầm Trung Quốc để dẫn đầu Châu Á.
Là thắt lưng buộc bụng để xuất cảng tối đa rồi đạt xuất siêu với Mỹ. Thay vì đầu tư tài sản đó cho dân nhờ, Bắc Kinh nhờ... Mỹ kiếm lời cho an toàn, nên làm chủ những khoản nợ vĩ đại của Mỹ. Rồi nay cũng đang thổi bóng lên trời. Cần nói thêm là Việt Nam Cộng sản láu vặt cũng học bài bản ấy, nhưng với bong bóng chỉ bằng trứng ếch! Kinh tế Trung Quốc là nền kinh tế đi xe đạp, xe không lăn bánh là đổ. Như trong một gánh xiệc, lãnh đạo Hà Nội là chú khỉ ngồi trên vai người lái xe đạp và khoe khoang là ta chạy ngang tầm Trung Quốc để dẫn đầu Châu Á.
Khốn cho Bắc Kinh, với Hoa Kỳ thì Trung Quốc là đại gia, chứ không phải đối tác kinh tế hạng cóc nhái như Việt Nam. Trung Quốc lại là đối thủ của Mỹ chứ không phải đồng minh chiến lược như Nhật Bản. Và bên trong, Trung Quốc chỉ có sự ổn định của... thống kê. Chứ cơ cấu kinh tế, xã hội và chính trị là sự bất trắc thường trực của một quốc gia không có dân chủ và đầy dẫy bất công. Địa dư hình thể bị chia ba với tốc độ tăng trưởng đầy dị biệt còn là một nguy cơ khủng hoảng khác mà trung ương cố tránh nhưng không nổi vì sự cuỡng chống của các đảng bộ địa phương.
Trong hoàn cảnh ấy, xuất cảng không tăng là xứ này vất vả.
Người viết không tin là ông Obama sẽ đạt chỉ tiêu nâng mức xuất cảng gấp đôi trong vòng năm năm, là mỗi năm trung bình phải bán thêm 15 tỷ Mỹ kim hàng hoá và dịch vụ nữa. Nhưng, nhu cầu khoa trương và tranh cử khiến ông đòi làm một cuộc cách mạng là sửa lại luật chơi kinh tế từ sau Thế chiến. Ấn Độ, Brazil hay Indonesia, v.v... có thể gặp khó khăn chút đỉnh do mũi công về mậu dịch của Mỹ, chứ Bắc Kinh thì cho đây là mũi dao thấu phổi.
Với Trung Quốc, thị trường Mỹ lớn bằng tất cả các thị trường khác gộp lại. Bị hạn chế tại đó là lãnh đạo Bắc Kinh nạn thất nghiệp và động loạn ở nhà. Vẫn biết rằng phân nửa tài sản bằng ngoại tệ của Trung Quốc có thể là đang được đầu tư vào Mỹ và Bắc Kinh là chủ nợ đáng kể của Hoa Kỳ. Nhưng, bán tháo tài sàn Mỹ để trả đũa thì cũng tựa như đâm qua ruột mình để trúng bụng Mỹ đế. Một đòn công phu ngoạn mục trên màn ảnh Hong Kong mà bất khả trong thực tế.
Vì vừa bán là tài sản của mình mất giá, và càng bán càng mất giá.
Và bán rồi thì đầu tư vào đâu để kiếm lời cho an toàn?
Vì vậy, Bắc Kinh đang ở vào cảnh lưỡng nan, do quyết định của một tay mơ là Barack Obama. Có phải là đệ nhất gian hùng Richard Nixon đâu!
Sau cuộc bầu cử tại Mỹ, có khi Trung Quốc sẽ thoát nạn, tạm thời thoát nạn trong trận chiến Mỹ-Hoa kỳ ảo này.
Nhưng, vẫn chưa thoát khỏi nguy cơ khủng hoảng vì những nguyên nhân nội tại. Khi ấy, trận chiến sẽ là Hoa-Hoa: là mâu thuẫn giữa các địa phương với nhau, và giữa trung ương với các địa phương. Bắc Kinh chỉ mong rằng khi đó Hoa Kỳ đừng xía vào. Mà không tin lắm, vì cũng biết sợ những đòn quỷ quái của một Đế quốc họ cứ gọi là con buôn!
Một màn đấu trí hấp dẫn còn hơn đấu cờ vi.
-Mỹ-Hoa Dàn Trận - Đàm cũng là Đánh
Nguyễn Xuân Nghĩa - Việt Báo ngày 100417
Đàm Cũng Là Đánh!
Trong hai ngày qua - tức là sau khi Chủ tịch Hồ Cẩm Đào đã gặp Tổng thống Barack Obama bên lề Thượng đỉnh Hạch tâm ở thủ đô Hoa Kỳ - tin tức kinh doanh có cho thấy một chuyện rất lạ: Trung Quốc gia tăng xuất cảng xăng dầu qua Iran.
Iran là quốc gia sản xuất dầu thô nhưng không có đủ hạ tầng chế biến nên phải nhập cảng xăng và dầu, tới 40% cho nhu cầu tiêu thụ. Ở bên kia, Trung Quốc phải nhập cảng tới 51% lượng dầu thô, 20,5% của số nhập cảng là từ Saudi Arabia, 15,8% từ Angola và 11,4% từ Iran. Khi bán xăng dầu cho Iran, Trung Quốc muốn đảm bảo nguồn cung cấp dầu thô của mình. Lý do an toàn về năng lượng khiến Bắc Kinh đầu tư rất mạnh vào khu vực năng lượng của mình. Nếu Trung Đông có xung đột, thí dụ như Iran bị tấn công và trả đũa bằng cách phong tỏa eo bển Hormuz, dầu thô từ Trung Đông (Saudi Arabia hay Oman) có thể bị nghẽn mà vọt lên giá, và kinh tế lẫn xã hội Trung Quốc sẽ bị họa.
Đó là bài toán của Trung Quốc. Bây giờ, ta nhảy qua chuyện Hoa Kỳ.
Từ một năm nay, Chính quyền Obama muốn gây sức ép với Iran để lãnh đạo Tehran từ bỏ kế hoạch chế tạo võ khí hạch tâm - từ hoả tiễn đến bom. Muốn giành lấy chính nghĩa quốc tế, Hoa Kỳ cần huy động sự yểm trợ của nhóm P5+1. Đó là năm nước hội viên thường trực - có phiếu phủ quyết - của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc (Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Liên bang Nga và Trung Quốc). Nước kia là Cộng hoà Liên bang Đức. Nếu nhóm P5 này thông qua một nghị quyết trừng phạt Iran, Hội đồng Bảo an mới biểu quyết và Nghị quyết của Liên hiệp quốc mới có giá trị cưỡng hành.
Trở ngại của Mỹ là Nga và Trung Quốc vẫn thoái thác và tìm giải pháp ngoại giao khác để khỏi dùng lá phiếu phủ quyết. Liên bang Nga thì còn có thể ủng hộ việc gay sức ép với Tehran, chứ Trung Quốc thì muốn chống vì lý do an toàn năng lượng của mình.
Nhưng, nếu ngần ấy quốc gia đều đồng ý can gián Iran mà Bắc Kinh vẫn đỡ đòn cho Tehran thì cũng bị mang tiếng trước thế giới là làm cho Liên hiệp quốc bị tê liệt. Vì vậy, lãnh đạo Trung Quốc phải nói nước đôi....
Gần một năm sau khi ra tối hậu thư cho Tehran mà chưa hiệu quả, ông Obama thực tế đã làm một trò rất... Bush: đơn phương phong toả xăng dầu Iran, một cách giántiếp. Bộ Ngân khố Hoa Kỳ lấy quyết định đơn phương trừng phạt doanh nghiệp nào làm ăn với Tehran. Nhất là trong nghiệp vụ cung cấp, chuyên chở hay bảo hiểm xăng dầu cho Iran. Nếu xé lưới của Mỹ mà tiếp tế xăng dầu cho Iran thì doanh nghiệp sẽ khó kinh doanh với Hoa Kỳ. Quyết định ấy đã có ảnh hưởng.
Hôm 15, tổ hợp quốc doanh về dầu khí Petronas của Malaysia, một xứ Hồi giáo kinh doanh rất mạnh về tài chánh và năng lượng tại Trung Đông, quyết định ngưng cung cấp xăng dầu cho Iran. Trước đó có LUKoil của Nga, có Shell, BP, Glencore, Vitol, Trafigura, Daimler và Reliance.... Các doanh nghiệp này không muốn bị bộ Ngân khố Hoa Kỳ liệt vào sổ đen.
Đấy là lúc Trung Quốc nhảy vào bắt cá hai tay. Hãng Reuters loan tin Công ty phân phối ChinaOil của Tổng công ty quốc doanh China National Petroleum Corp. đưa hai tầu hàng chở 600 ngàn thùng xăng cho Iran, thu về 55 triệu đô la. Song song, công ty phân phối Unipec của Tổng công ty Sinopec (China Petroleum and Chemical Corp.) đồng ý bán 250 ngàn thùng cho Iran qua sự dàn xếp của một đệ tam nhân tại Singapore. Ngày 15 vừa qua, lượng xăng này đã lên đường. Nhìn vào quan hệ giữa Iran và Trung Quốc thì đôi bên đều có lợi. Iran cần xăng mà Trung Quốc đang muốn bán, và lại có sẵn tầu chuyên chở.
Nhưng quyết định bán xăng cũng là để trả lời Chính quyền Obama khi Quốc hội Mỹ muốn gây áp lực về hối suất quá thấp của đồng Nguyên - là quyết định mà Hồ Cẩm Đào cho là thuộc thẩm quyền của Trung Quốc. Song song, Bắc Kinh cũng bày tỏ thiện chí là đồng ý tham gia việc soạn thảo một nghị quyết của Liên hiệp quốc có nội dung trừng phạt... nhẹ - không nhắm vào khu vực năng lượng sinh tử của Iran và béo bở của Trung Quốc. Với dư luận quốc tế thì Bắc Kinh có vẻ biết điều vì không cản trở một quyết định của Liên hiệp quốc. Nhưng thực tế thì vẫn tránh một đòn phong tỏa quá nặng cho Iran mà vẫn mở cửa đàm phán với Mỹ.
Trong khi ấy, Bắc Kinh cũng khéo thủ thế, là giảm bớt lượng dầu thô nhập cảnh từ Iran - giảm 40% trong hai tháng đầu năm nay - để khỏi bị ảnh hưởng nếu Hoa Kỳ nhất quyết phong tỏa Iran.
Xưa nay, Trung Quốc mới chỉ một lần dùng quyền phủ quyết tại Hội đồng Bảo an - để bênh vực xứ Zimbabwe. Bây giờ mà lại dùng quyền đó để bênh Iran thì rõ ràng là đối đầu với Hoa Kỳ và sẽ lãnh họa một mình. Với đòn cung cấp xăng dầu cho Iran, Bắc Kinh chỉ dấn tới một bước rất nhỏ, mà ra tiền, nhưng cũng tạo điều kiện mặc cả với Hoa Kỳ vào tháng tới, khi đại diện hai nướv sẽ vào hội nghị của diễn đàn đối thoại Mỹ-Hoa về Chiến lược và Kinh tế.
Nói cách khác, Trung Quốc vừa đi nước cờ đầu trong việc đàm phán với Hoa Kỳ. Đây là kết luận từ một bản tin về kinh tế, từ việc Bắc Kinh bán xăng cho Iran. Rõ là rắc rối!
***
Chúng ta trở lại chuyện quan hệ Mỹ-Hoa. Nhân đây, xin nói lại rằng chỉ có Trung Quốc - và con em của họ ở Hà Nội hay các hệ thống truyền thông loan tin về Việt Nam - mới gọi xứ này là "Trung". Ta không nên dùng chữ đó mà vẫn giữ chữ "Hoa" đã quen thuộc (chẳng lẽ dịch thông tấn xã nhà nước New China Agency hay Agence Chine Nouvelle ra "Tân Trung xã" và người Trung Quốc ở hải ngoại là "Trung kiều", người Việt gốc Hoa thành "người Việt gốc... Trung"?)
Quan hệ Mỹ-Hoa bắt đầu suy đồi từ khi kinh tế Mỹ bị suy trầm cuối năm 2007 rồi bị khủng hoảng tài chánh hồi háng Chín năm sau, và lan thành suy trầm toàn cầu (global recession) trong giai đoạn 2008-2009.
Hoa Kỳ là khách hàng lớn nhất của Trung Quốc - hơn 220 tỷ Mỹ kim trong năm 2009 - tương đương với 18% tổng số xuất cảng của Hoa lục. Ngược lại, Trung Quốc chỉ là khách hàng thứ ba của Mỹ - sau Canada và Mexico - và nhập cảng gần 78 tỷ đô la nên đạt xuất siêu - bán nhiều hơn mua với Hoa Kỳ. Trong cả chục năm qua, Trung Quốc đã tích lũy được một lượng dự trữ ngoải tệ tương đương với 2.400 tỷ Mỹ kim và... muốn kiếm lời - hoặc khỏi bị mất giá - bằng cách đầu tư ra ngoài.
Một nơi đầu tư an toàn hơn là chính là thị trường tài chánh Mỹ. Trung Quốc dành một phần ba khối dự trữ ngoại tệ ấy dưới dạng Công khố phiếu Hoa Kỳ - khoảng 755 tỷ đô la vào đầu năm nay. Tức là cho Mỹ vay để lấy lời, và làm chủ chừng 6% tổng số quốc trái của nước Mỹ. Bắc Kinh có lời trong cách xử tri ấy vì càng mua nhiều Công khố phiếu Mỹ, khí cụ đầu tư có mức lưu hoạt cao nhất, nghĩa là an toàn nhất, thì lãi suất tại Mỹ càng thấp, dân Mỹ càng dễ tiêu xài và nhập cảng (Chuyện này có được trình bày trong bài thứ nhì của loạt bài Mỹ-Hoa)
Một nơi đầu tư an toàn hơn là chính là thị trường tài chánh Mỹ. Trung Quốc dành một phần ba khối dự trữ ngoại tệ ấy dưới dạng Công khố phiếu Hoa Kỳ - khoảng 755 tỷ đô la vào đầu năm nay. Tức là cho Mỹ vay để lấy lời, và làm chủ chừng 6% tổng số quốc trái của nước Mỹ. Bắc Kinh có lời trong cách xử tri ấy vì càng mua nhiều Công khố phiếu Mỹ, khí cụ đầu tư có mức lưu hoạt cao nhất, nghĩa là an toàn nhất, thì lãi suất tại Mỹ càng thấp, dân Mỹ càng dễ tiêu xài và nhập cảng (Chuyện này có được trình bày trong bài thứ nhì của loạt bài Mỹ-Hoa)
Khi kinh tế còn phát đạt thì mọi việc đều trôi chảy bình hòa, dù đôi bên có những kiện cáo khác về mậu dịch. Nhưng khi kinh tế toàn cầu bị suy trầm, và nặng nhất tại Hoa Kỳ cùng các nước công nghiệp hóa, thì khả năng nhập cảng của Mỹ bị giới hạn. Khả năng xuất cảng của Trung Quốc cũng vậy. Rốt cuộc, đôi bên đều muốn bán nhiều hơn mua, nhất là khi kinh tế Mỹ hồi phục trong thất nghiệp cao và Chính quyền Obama lại ưu tiên tiến hành cải tạo xã hội hơn là giải quyết nạn thất nghiệp ấy.
Vì thế, tranh chấp về ngoại thương mới xảy ra.
Tháng Chín năm ngoái, dưới áp lực của các nghiệp đoàn, Chính quyền Obama tung ra biện pháp hạn chế vỏ bánh xe hơi loại rẻ tiền của Trung Quốc bán vào Mỹ bằng rào cản quan thuế và đưa ra nhiều khiếu nại trước Tổ chức Thương mại Thế giới WTO. Bắc Kinh thì lo ngại vì xuất cảng sa sút và lại còn bị nhập siêu, nhập nhiều hơn xuất, nên cố ghìm giá đồng bạc cho thấp để bán hàng cho rẻ.
Ngoài tranh chấp về mua bán, quan hệ đôi bên còn căng thẳng vì các lý do chính trị, an ninh: Mỹ bán võ khí cho Đài Loan, Tổng thống Mỹ tiếp đức Đạt Lai Lạt Ma, Google đòi rút khỏi Hoa Lục vì bị kiểm duyệt, ông Obama phát động kế hoạch khuếch trương xuất cảng với sự yểm trợ của guồng máy chính quyền.... Trong khi ấy, Bắc Kinh càng có cảm tưởng như mình bị Mỹ bao vây qua liên minh với các xứ láng giềng như Nhật Bản, Nam Hàn hay Đài Loan và Ngoại trưởng Hillary Clinton còn tuyên bố là Hoa Kỳ đang trở lại Đông Nam Á, tham gia hội nghị của khối Mekong, đòi cải thiện quan hệ với Miến Điện, v.v...
Mâu thuẫn lên tới cao điểm là khi Bắc Kinh từ chối trừng phạt Iran và kiềm chế Bắc Hàn.
***
Thật ra, nếu nhìn cho kỹ thì lãnh đạo Trung Quốc không có nhiều quyền hạn hay lợi thế như họ vẫn muốn dư luận tưởng. Trung Quốc có thể bớt mua chứng phiếu Mỹ thì lại mất cơ hội kiếm lời, vì đầu tư vào nơi nào khác bây giờ khi thị trường trái phiếu Nhật thì quá bất an, thị trường Âu Châu bị rủi ro về hối đoái rất cao và các thị trường kia thì quá nhỏ? Bắc Kinh cũng khó bán tháo hơn 700 tỷ đô la Công khố phiếu Mỹ vì bán ra là mất giá và bị lỗ. Vả lại, cho tới nay Bắc Kinh chỉ làm chủ có 6% tổng số quốc trái của Mỹ mà thôi, nhiều lắm, nhưng vẫn chưa nghĩa lý gì!
Trong khi ấy - võ công tuyệt vời của tư bản đế quốc - Hoa Kỳ đã cho Trung Quốc gia nhập tổ chức WTO năm 2001 với một điều kiện gọi là Section 421: Nếu Trung Quốc xuất cảng quá nhiều vào Mỹ mà làm doanh nghiệp Mỹ bị thiệt thì Hoa Kỳ sẽ có quyền áp dụng điều khoàn này để hạn chế. Mà WTO không thể cản trở được! Khi xưa, chính WTO đã làm chứng cho điều ấy! Nói cách khác, Hoa Kỳ vẫn nắm dao đằng chuôi và chủ nợ Trung Quốc mà thử vuốt thì sẽ đứt tay.
Nhìn trong trường kỳ, lãnh đạo Bắc Kinh chỉ có lối thoát là cải tổ toàn bộ cơ chế kinh tế để bớt lệ thuộc vào quốc tế - là chuyện họ biết rất rõ từ năm năm nay mà làm không được.
Kết luận là trong trận đấu Mỹ-Hoa này, Bắc Kinh có nhiều đòn rất huê dạng - cho người thiểu hiểu biết hoặc mắc bệnh phục Tầu - nhưng không là đòn sinh tử. Nước cờ bán xăng cho Iran thuộc loại đó. Khi ấy chuyện "đàm" thì có vẻ giống như là "đánh". Mà "đánh" kiểu đó cũng chỉ là "đàm", để truyền thông và các chiến lược gia kiểu Lỗ Túc sẽ hốt hoảng nhảy vào can Hoa Kỳ.
Trong một dịp khác, ta sẽ tìm hiểu thêm về thuật đánh và đàm của Trung Quốc.
-Mỹ-Hoa Dàn Trận - Lỗ Túc và Trọng Thủy
Nguyễn Xuân Nghĩa - Việt Báo ngày 010403
Bài thứ sáu trong loạt bài về quan hệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc
Những Lỗ Túc và Trọng Thủy...
Ngày 15 tháng Tư này, bộ Ngân Khố Hoa Kỳ (tương đương với bộ Tài Chánh xứ khác) sẽ phải nộp Quốc hội phúc trình về vị trí đồng "Nhân dân tệ" (đồng Nguyên, hay Yuan) của Trung Quốc.
Sau khi đồng ý cho Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới WTO năm 2000, Chính quyền của Tổng thống Bill Clinton phải trấn an giới Lập pháp bằng cách cho thành lập một cơ chế có nhiệm vụ giám sát quan hệ Mỹ-Hoa, để xem Hoa Kỳ có thể bị ảnh hưởng những gì từ Trung Quốc về kinh tế và an ninh hầu đề nghị Quốc hội và Hành pháp biện pháp ngăn ngừa. Cơ chế độc lập ấy là Hội đồng "U.S. - China Economic and Security Review Commission", quy tụ các nhân vật có thẩm quyền chuyên môn do các Dân biểu Nghị sĩ thuộc cả hai đảng cùng bổ nhiệm. Họ thường xuyên mời thêm các chuyên gia độc lập tới điều trần kết quả nghiên cứu và đệ nạp khuyến cáo nếu thấy cần thiết.
Quốc hội cũng đòi hỏi bộ Ngân khố phải điều tra và sáu tháng một lần trình bày báo cáo về ảnh hưởng của chánh sách kinh tế Trung Quôc đối với quyền lợi Hoa Kỳ.
Tháng trước, Thượng viện Hoa Kỳ đệ nạp một dự luật do năm Nghị sĩ lưỡng đảng bảo trợ, với sự ủng hộ của sáu nghị sĩ khác, nhằm trả đũa việc Bắc Kinh giàng giá đồng Nguyên vào tiền Mỹ với hối suất quá thấp để chiếm lợi thế bán hàng vào Mỹ với giá quá rẻ. Hạ viện cũng nhảy vào cuộc với một dự luật khác nhằm lập hàng rào quan thuế để chặn hàng Trung Quốc. Vì vậy, bộ Ngân Khố Mỹ phải đưa ra kết luận là Bắc Kinh có lũng đoạn hay thao túng thị trường hối đoái hay không. Bộ này đang nghiên cứu và nghe ngóng để có khi xin trì hoãn. Người viết thì đoán là sẽ lại trì hoãn.
Xin có vài chữ chuyên môn ở đây. "Currency manipulation" là việc an thiệp vào thị trường hối đoái với dụng ý dùng hối suất ngoại tệ để thao túng hay lũng đoạn thị trường thay vì để thị trường quyết định về tỷ giá đồng bạc theo quy luật cung cầu. Theo luật Mỹ, đây là việc phi pháp. Chữ "manipulation" rất khó dịch, nhưng khi có người dịch là "thao tác" thì ta... bật cười! "Thao tác" là một từ của Trung Quốc mà Việt Nam ngày nay học lại, với nội dụng là dùng cử động tay chân để làm một việc gì đó. Dùng trong nghĩa rộng thì "thao tác" có thể hiểu là "kỹ thuật", nhưng không có ý nghĩa tiêu cực của chữ "manipulation" mà Quốc hội Mỹ đang nêu ra về chánh sách hối đoái của Trung Quốc. Chữ với nghĩa! Viết như vậy mà đòi "cận tiếp" - cũng lại là một... thao tác khác của tác giả - về trận chiến Mỹ-Hoa! Có khi tác giả muốn dùng chữ thao túng mà quên mất chăng?
Đầu năm ngoái, khi ra điều trần trước Thượng viện để được phê chuẩn làm Tổng trưởng Ngân Khố, ông Timothy Geithner có phát biểu rằng Trung Quốc có lũng đoạn thị trường hối đoái. Sau đó, ông cố tránh dùng chữ "currency manipulation" này nhưng Quốc hội ngày nay đều nghĩ như vậy và chờ đợi phúc trình của Tổng trưởng Geithner. Trước kỳ bầu cử, họ phải chứng tỏ là mình quan tâm tới quyền lợi và việc làm của dân Mỹ.
Cả thế giới cũng chờ đợi chuyện ấy vì nếu Bắc Kinh có can thiệp với chủ đích cạnh tranh bất chính thì Hoa Kỳ sẽ phải trả đũa. Nghĩa là một trận chiến mậu dịch sẽ bùng nổ giữa hai quốc gia.
Đấy là lúc mà giới chuyên gia và các nhà bình luận nhảy vào cuộc.
Từ phía Trung Quốc, ngay sau khi kết thúc kỳ họp thứ ba của Quốc hội khóa 11 vào ngày 14 tháng trước, Thủ tướng Ôn Gia Bảo cùng nhiều viên chức khác của Chính quyền Bắc Kinh phủ nhận chuyện thao túng và coi rằng việc ấn định hối suất đồng bạc thuộc về chủ quyền quốc gia. Nhưng sau đó hai tuần, tuần trước, hai học giả đã tốt nghiệp các Đại học Tây phương vừa được mời làm cố vấn cho Hội đồng Chính sách Tiền tệ của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã lập tức nói giọng nhỏ nhẹ (xin xem bài thứ năm trong loạt bài "Mỹ-Hoa Dàn Trận" trên cột báo này trong số ra ngày 31 vừa qua): 1) Trung Quốc nên chủ động tự ý điều chỉnh lại hối suất đồng Nguyên trước Tháng Chín này để khỏi bị kẹt vào cuộc tranh luận trong mùa tranh cử sắp tới của Mỹ, và 2) Trung Quốc nên trở lại chế độ điều chỉnh tiệm tiến đã từng áp dụng từ tháng Bảy năm 2005 đến tháng Bảy năm 2008.
Khách quan mà nói và vì quyền lợi của Trung Quốc - và cả quyền lợi của lãnh đạo Bắc Kinh - việc tiệm tiến điều chỉnh ấy là cần thiết và có lợi.
Nói chung, trong hoàn cảnh thất quân bình hiện nay của kinh tế thế giới, với người dân các nước đang phát triển cứ thắt lưng buộc bụng để xuất cảng qua các nước kỹ nghệ hóa, thì việc điều chỉnh này là cần thiết ở cả hai vế. Các nước công nghiệp hoá sẽ phải tiêu thụ ít đi, tiết kiệm nhiều hơn, nhập cảng ít đi và xuất cảng nhiều hơn; trong khi các nước kia nên đi theo chiều hướng ngược là cho dân được tiêu thụ nhiều hơn, nhập cảng nhiều hơn và ít lệ thuộc hơn vào xuất cảng như trước đây...
Phần mình, Bắc Kinh cũng cần nâng hối suất để nâng mức sống người dân khi họ đem về một đồng đô la - trao cho nhà nước đưa vào kho dự trữ ngoại tệ - thì sẽ được một đối giá cao hơn. Nhờ đó mà cho dân thở và về jkinh tế thì nâng cao khả năng tiêu thụ của thị trường nội địa, hầu bớt lệ thuộc vào thị trường xuất cảng vẫn èo uột do khả năng tiêu thụ và nhập cảng còn giới hạn của Hoa Kỳ và Âu Châu. Và việc ấy cũng phần nào san bằng dị biệt quá lớn về lợi tức của người dân, là mục tiêu mà thế hệ lãnh đạo thứ tư là những người như Hồ Cầm Đào hay Ôn Gia Bảo đã theo đuổi từ năm 2003 nhưng chưa thấy kết quả.
Nhưng, cho dù nguyên tắc lý tưởng thì như vậy, việc Bắc Kinh nâng hối suất đồng Nguyên là chuyện không dễ.
Thứ nhất là phải tiệm tiến, chậm rãi từng bước để khỏi gây chấn động trong một xã hội đã đầy nguy cơ động loạn và bong bóng đầu tư sắp bể. Thứ hai, quan trọng hơn vậy, phải làm ra vẻ lãnh đạo chủ động tiến hành chứ không do áp lực của bọn tư bản quốc tế!
Chúng ta trở lại chuyện nhận thức và thực tại rất cổ điển của Trung Quốc và nét văn hoá đầy mặc cảm của giới lãnh đạo! Ta nên hiểu đề nghị của Tiến sỹ Lý Đạo Quỳ trong Hội đồng Chánh sách Tiền tệ của Ngân hàng Trung ương Bắc Kinh theo hướng đó: hãy làm như ta chủ động quyết định để khỏi bị kẹt vào cuộc tranh cử tại Hoa Kỳ. Vấn đề là thể diện của Thiên triều.
Trong khi chờ đợi, Tổng thống Barack Obama cũng có hướng hòa dịu khi nói với tân Đại sứ Bắc Kinh về những bước tích cực trong quan hệ giữa hai nước. Nhưng, ông không thể quên được tâm tư của dân Mỹ, với thất nghiệp chưa tuột khỏi mức 9,7% theo thống kê hàng tháng vừa được công bố sáng Thứ Sáu. Dân thất nghiệp là nhiều vị dân cử của đảng Dân Chủ của ông có thể thất nghiệp sau ngày mùng hai tháng 11 này. Và bản thân ông cũng vậy, sau cuộc bầu cử năm 2012.
Mà không chỉ có Hoa Kỳ, các nước Âu Châu và cả Nhật Bản đều than phiền về chế độ hối đoái của Bắc Kinh mà nhiều người cho là định giá quá thấp, từ 20% tới 40%.
Nếu điều chỉnh lại cho cao hơn, may ra các nước khác sẽ xuất cảng được nhiều hơn và tạo thêm được công ăn việc làm ở nhà. Và lãnh đạo sẽ không thất cử. Nhưng hơn được chừng nào là từ dự phóng của giới chuyên gia kinh tế, tức là từ những phỏng đoán thật ra còn mơ hồ... "Kinh tế gia là người đoán ra chín trong sáu trận suy trầm đã xảy ra", ở trong nghề, họ thường tự châm biếm như vậy!
Nhưng sự mơ hồ ấy càng gây nhiễu âm và hỏa mù cho cuộc tranh luận về đồng Nguyên. Và đây là nơi mà nghệ thuật thao túng nhận thức của thiên hạ - perception management hay perception manipulation - là đòn sở trường của các đấng con trời đỏ. (Xin xem bài thứ ba trong loạt "Mỹ-Hoa Dàn Trận" về yếu tố nhận thức trong trận đấu trên cột báo này trong số ra ngày 26 tuần trước).
Chúng ta hãy cùng lùi về một chút để nhớ lại chuyện xưa và nay.
***
Khi phải thương thuyết với Trung Quốc, những người am hiểu đều nói đến một số tập quán quen thuộc.
Thứ nhất, xuất phát từ quan niệm "vương hoá" mà thực chất là "trong bá ngoài vương" để phát huy đức tính vương đạo của Thiên triều nhằm che giấu những trò ma đạo, giới chức Trung Quốc thường thao thao bất tuyệt về quan điểm đầy chính nghĩa dân tộc của mình. Truớc khi ra trận thì phải mắng kẻ thù là không có chính nghĩa, trước khi vào hội nghị để thương thuyết thì phải xiển dương chính nghĩa của mình!
Vì vậy, họ tự cào mặt nói về chuyện "Bát quốc Liên quân" đã từng tấn công và khống chế Trung nguyên, rồi than vãn triền miên về nạn ngoại xâm, về chiến tranh, về sự tàn phá, v.v... Vì vậy, lãnh đạo thời nay phải tái lập công bằng về đạo lý. Nghĩa là họ dùng chính nghĩa gây mặc cảm phạm tội trong hàng ngũ đối phương. Họ kể lể dài dòng về những biến cố lịch sử khiến đối tác ngồi trong hội nghị phải buồn ngủ, hoặc phát điên về nào Loạn quyền phỉ, chuyện tô giới, về Hong Kong, Ma Cao và Đài Loan, về Chiến tranh Nha phiến, vụ tàn sát Nam Kinh, về tội xâm lăng của Phát xít Nhật hay chánh sách thù nghịch của các Đế quốc! May là có Cách mạng của Mao Chủ tịch...
Từ xa đi tới họp trong vài ngày và ngất ngư vì lệch múi giờ mà phải mất cả buổi học lại lịch sử theo cách diễn giải của Bắc Kinh thì ai cũng muốn sớm bước qua phần chính. Là nói về những vấn đề chuyên môn cụ thể.
Khi ấy, sự kiên nhẫn của họ lại bị thách thức.
Giới chức Bắc Kinh có thể biết, hoặc không hiểu - về các vấn đề chuyên môn ấy, nhưng lại chẳng nói ra, khiến người ta phải đoán. Và nếu đoán ra mà nói không khéo là gây vấn đề vì xúc phạm vào thể diện Thiên triều, có thái độ thiếu hữu nghị. Nhưng sau khi mất rất nhiều thời giờ viện dẫn các hồ sơ chuyên môn với đầy đủ dữ kiện và số liệu làm bằng, những người phải thương thuyết mới chưng hửng phát giác rằng đối tác ở bên kia chỉ là "giới chức vô thẩm quyền". Quý vị cán bộ này cần trình lên thượng cấp - trong đảng - để xin chỉ thị. Nghĩa là lại câu giờ để thoái thác.
Nhưng tối đó lại có liên hoan khoản đãi. Người Trung Hoa vốn rất hiếu khách mà!
Đấy là lúc Bắc Kinh biểu dương nét văn hoá ẩm thực và nghệ thuật hồng nhan. Họ sử dụng các nàng Tây Thi hay Tề Khương làm khách mềm môi và mềm lòng. Trong dạ tiệc, giới chức Bắc Kinh tiếp tục tranh thủ nhận thức và tình cảm của khách. Và trì hoãn những câu trả lời cụ thể về chuyên môn, về pháp lý, kinh tế, v.v... trong khi vẫn tìm hiểu tối đa về khách. Thích gì, ghét gì, có nhược điểm ra sao, v.v... Nếu được thì gài khách quý vào những chuyện khó đưa lên mặt báo.
Siêu hạng hơn cả là trong nghệ thuật thương thảo, giới chức Trung Quốc đều có... đọc Tam Quốc.
Họ thấm nhuần kỹ thuật sử dụng "tay trong", những nhân vật như Lỗ Túc trong bàn tay thần sầu của Khổng Minh theo cách thêu dệt của La Quán Trung!
Thuần về lịch sử, Lỗ Túc là đại công thần của nhà Đông Ngô và là nhân vật sáng suốt. Qua ngòi bút La Quán Trung trong Tam Quốc Chí diễn nghĩa, Lỗ Túc là ông ruột ngựa. Vì ngay tình mà bị Khổng Minh vận dụng để tranh thủ quan điểm - đầy chính nghĩa - của Lưu Bị trong triều Ngô Tôn Quyền, và để cung cấp tin tức về nội tình Đông Ngô cho Gia Cát Khổng Minh cứ theo đó mà tương kế tựu kế... Truyện này, dân gian ai cũng biết, nhưng ít để ý là vẫn đang được tận dụng.
Nôm na là trong nghệ thuật thương thuyết với các quốc gia dân chủ và cởi mở, Bắc Kinh dùng những người của đối như Lỗ Túc để nêu lên những quan điểm có lợi cho Trung Quốc và gây phân hoá hay phân vân trong phe địch. Nhiều doanh nghiệp đầu tư của Mỹ vào Hoa Lục, nhiều lò nghiên cứu think tank hoặc bình luận gia Mỹ đều đang sốt sắng đảm nhiệm vai trò này, ngay trong dư luận Hoa Kỳ. Nhiều bình luận gia của ta thì hồn nhiên phiên dịch mấy tác phẩm có dụng ý đó cho cộng đồng chúng ta! Mà không biết.... Bảo Henry Kissinger là một Lỗ Túc thì ai tin được!
Lý luận chính của họ là trong trận chiến mậu dịch Mỹ-Hoa lồng vào thế hợp tác kinh tế toàn cầu, Hoa Kỳ cũng có lỗi và dù sao Trung Quôc vẫn chỉ là một nước đang phát triển với rất nhiều khó khăn và đang làm chủ nợ của Mỹ. Vả lại, đừng nên xúc phạm tự ái của lãnh đạo Bắc Kinh mà gây sức ép vì có thể gặp phản đòn bất lợi cho quyền lợi của Mỹ. Chi bằng nên ăn nói ôn tồn và tìm cách hoà giải, v.v...
Từ mấy tháng nay, chúng ta thấy ào ạt xuất hiện loại lý luận đó, y hệt như tình hình năm 2005, khi Mỹ gây sức ép với Bắc Kinh về hối suất đồng Nguyên.
Bắc Kinh nói giọng nhỏ nhẹ, trong khi chờ đợi các Lỗ Túc của họ tác động vào dư luận và chính giới Mỹ để dùng ngay quy tắc dân chủ mà hóa giải sức ép của Hoa Kỳ trong chính trường Mỹ. Vì vậy, trận chiến mậu dịch Mỹ-Hoa đang được tiến hành trên mặt báo hay màn ảnh truyền hình Mỹ, với sự tham gia tích cực của các ông bà Lỗ Túc thời nay.
Nhưng trong việc thương thuyết và tác động vào dư luận, Trung Quốc không chỉ cấy vào ruột gan và nhận thức của đối phương những quân cờ như Lỗ Túc.
Họ còn có một đạo quân toàn những Trọng Thủy!
***
Cộng đồng Hoa kiều hải ngoại có nhiều nhân vật "ở rể" như nhân vật Trọng Thủy tại nước ta. Họ lấy vợ đẻ con tại xứ khác với nhiệm vụ vừa thu thập tin tức, vừa yểm trợ các ông Lỗ Túc ngây ngô, thậm chí vào tới những cơ quan có trách nhiệm về tình báo và hoạch định chính sách, khi hữu sự thì lũng đoạn xã hội và chính trường của địch. Lâu lâu ta mới thấy một vụ bị phanh phui, chứ chuyện ấy là thường xuyên và thường trực. Ngay trong cuộc tranh cử Tổng thống Mỹ năm 1996, nhiều doanh gia người Mỹ gốc Hoa đã bị điều tra và truy tố vì tội dùng tiền yểm trợ liên danh Clinton-Gore bên Dân Chủ hầu thao túng việc bẩu cử tại Hoa Kỳ. Đôi khi chúng ta đã quên mất chuyện ấy.
Giới chức hữu trách của Hoa Kỳ không thể không biết về hiện tượng này và tất nhiên là có theo dõi, đôi khi còn kín đáo vận dụng ngược. Chúng ta không nói tới những chuyện đó ở đây. Hoa Kỳ là siêu cường có khả năng bảo vệ quyền lợi và cũng có nhiều phép biến hoá tinh vi. Vả lại, lãnh đạo mà sai lầm trong đối sách để gây bất lợi cho nước Mỹ thì đã có lá phiếu của cử tri giải quyết.
Vấn đề là... người Việt chúng ta. Loạt bài này chính là để cho chúng ta cùng suy ngẫm.
Sở dĩ như vậy vì những Lỗ Túc thời nay có khi đã nằm trong Bộ Chính trị tại Hà Nội. Họ đang cho làn sóng Trọng Thủy tràn vào bên trong, qua các dự án nào bauxite, nào cho thuê rừng, nào xây dựng "tô giới" Trung Quốc ngay trong lãnh thổ Việt Nam, v.v... Và biết đâu chừng, Trọng Thủy đang ở rể trong gia đình các đồng chí Ủy viên Trung ương đảng!
Khi ấy, nghĩa là bây giờ, ta phải làm gì? Trận chiến Mỹ-Hoa có khi là cơ hội cho chúng ta tìm hiểu, và thao dượt cách ứng phó! Nhưng trước tiên là đừng làm thông ngôn cho Lỗ Túc nữa!-Mỹ-Hoa Dàn Trận - Ba Tháng Hưu Chiến
Nguyễn Xuân Nghĩa - Việt Báo 010410
Bài thứ bảy trong loạt bài về quan hệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc
Tạm Hưu Chiến Trong Ba Tháng...
Suốt tháng Ba vừa qua, cả lưỡng viện Quốc hội Hoa Kỳ lẫn Chính quyền Barack Obama đồng thanh lên tiếng về vấn đề ngoại thương trong mối quan hệ với Trung Quốc.
Ngày 11 tháng Ba, ông Obama công bố sáng kiến khuếch trương xuất cảng. Nhân dịp này, ông còn nói thẳng đến quy chế hối đoái của đồng Nhân dân tệ, là nên dựa vào quy luật của thị trường. Tức là phải ấn định cho linh động hơn. Thượng viện và Hạ viện thì đệ nạp dự luật nhằm trả đũa Trung Quốc nếu bộ Ngân Khố xác định là Bắc Kinh can tội thao túng hối suất đồng bạc - định giá quá thấp để chiếm lợi thế cạnh tranh khi bán hàng rẻ hơn vào thị trường Hoa Kỳ. Quốc hội Mỹ cũng yêu cầu bộ Ngân khố phải điều tra và xác nhận việc đó trong phúc trình định kỳ, sẽ phải công bố ngày 15 tháng này.
Hôm mùng ba, Tổng trưởng Ngân khố thông báo việc đình hoãn phúc trình, với lý do là "đôi bên sẽ có hàng loạt những phiên họp rất quan trọng ở cấp cao trong vòng ba tháng tới nhằm xây dựng một cơ chế kinh tế toàn cầu vững mạnh, quân bình và bền vững hơn". Vài ngày sau, hôm mùng bảy, bộ Ngân khố bất ngờ cho biết rằng Tổng trưởng Geithner sẽ qua Bắc Kinh hội kiến với Phó Thủ tướng Vương Kỳ Sơn vào mùng tám. Nghị trình của phiên họp mật không được công bố nhưng tất nhiên phải có cả việc Hoa Kỳ muốn Bắc Kinh điều chỉnh hối suất đồng bạc trong nỗ lực "xây dựng một cơ chế kinh tế toàn cầu quân bình hơn". Tức là các nước công nghiệp hóa phải tiêu thụ ít đi và xuất cảng nhiều hơn, các nước đang phát triển phải nhập cảng nhiều hơn.
Việc bộ Ngân khố - Chính quyền Obama - muốn tránh một cuộc đụng độ trực tiếp do quyết định của Quốc hội có thể được giải thích ở ba kỳ hội kiến sắp tới giữa lãnh đạo hai nước. Ông Obama sẽ gặp riêng Chủ tịch Hồ Cẩm Đào tại Thượng đỉnh về An ninh Chiến lược ở thủ đô Mỹ trong hai ngày 12-13 tới. Sau đó, cuối tháng Năm, đại diện hai nước sẽ có kỳ họp bán niên - sáu tháng một lần - trong khuôn khổ đối thoại của diễn đàn SED, "U.S.-China Strategic and Economic Dialogue", mà Chính quyền Bush thành lập trước đây. Cuối tháng Sáu còn có Thượng đỉnh của nhóm G-20 tại Toronto để lãnh tụ hai chục quốc gia giàu mạnh nhất nói chuyện về tái quân bình cơ cấu kinh tế toàn cầu. Và việc Bắc Kinh cần điều chỉnh đồng Nguyên tất nhiên sẽ lại được nêu ra....
Ngẫu nhiên sao, Bộ trưởng Thương mại Trần Đức Minh của Bắc Kinh loan báo đúng hôm mùng tám, khi ông Geithner vừa từ Hong Kong tới Bắc Kinh, rằng trong tháng Ba vừa qua Trung Quốc có thể bị nhập siêu - mua nhiều hơn bán. Lần đầu tiên từ sáu năm nay mà kinh tế xứ này không đạt thặng dư mậu dịch, điều ấy cho thấy Trung Quốc có nhập cảng nhiều hơn xuất cảng và vấn đề vì vậy không thuộc về lợi thế bất chính của đồng Nhân dân tệ! Trên các diễn đàn quốc tế, các nhân vật thuộc loại Lỗ Túc của Bắc Kinh sẽ không lỡ dịp luận bàn như vậy để biện hộ cho Trung Quốc (về trò "Lỗ Túc", xin xem bài "Mỹ-Hoa Dần Trận - Lỗ Túc và Trọng Thủy..." trên cột báo này trong số ra ngày ba tháng Tư tuần trước).
Như vậy, ta thấy Chính quyền Obama tỏ chiện chí đơn phương hưu chiến để Bắc Kinh có thể biện bạch linh tinh hầu khỏi mất thể diện mà chủ động nâng hối suất đồng bạc. Khả thi nhất là mở rộng biên độ giao dịch rồi tăng tỷ giá đồng Nhân dân tệ thêm vài phần trăm rất tượng trưng trước khi có các cuộc họp kể trên.
Nhưng, thật ra việc hưu chiến chỉ kéo dài ba tháng. Trong ba tháng đó Trung Quốc chưa thể điều chỉnh được cơ chế kinh tế của mình như Mỹ trông đợi và mâu thuẫn với Hoa Kỳ sẽ chỉ tăng chứ không giảm. Rồi lan rộng thành mâu thuẫn với nhiều xứ khác.
Chúng ta cần tìm hiểu chuyện này.
Chúng ta cần tìm hiểu chuyện này.
Hoa Kỳ thời Richard Nixon đã kéo Trung Quốc ra khỏi tình trạng cô lập và khi Đặng Tiểu Bình tiến hành cải cách kinh tế thì Mỹ đã tạo điều kiện cho xứ này bước vào thời kỳ công nghiệp hoá. Trong ba chục năm liền, từ 1979 đến năm ngoái, thị trường tiêu thụ tại Hoa Kỳ được rộng mở cho hàng hóa Trung Quốc giúp xứ này thực sự làm một cuộc cách mạng kinh tế với khu vực chế biến và xuất cảng trở thành đầu máy tăng trưởng. So với các nước cùng bán hàng cho Mỹ, Trung Quốc có lợi thế là đông dân, lương rẻ và nhất là đồng Nguyên được giàng giá vào Mỹ kim. Cái gọi là "phép lạ kinh tế Trung Quốc" xuất phát từ đó.
Nhìn từ Hoa Kỳ, việc mở rộng thị trường nhập cảng cho các nước dễ dàng bán hàng vào Mỹ nằm trong mục tiêu chiến lược là "kết bạn qua mậu dịch", là tạo ra một liên minh với các nước nhờ quyền lợi ngoại thương. Cái giá phải trả cho việc mua chuộc bằng nhập cảng là tình trạng nhập siêu, đã từng có với các đồng minh chiến lược trước đây, rồi với Trung Quốc, hay Việt Nam sau này. Sau này, khi các quốc gia đó đã phát triển - Nhật Bản, Đài Loan hay Nam Hàn là thí dụ dễ thấy nhất - thì mức nhập siêu của Mỹ giảm dần và chuyển sang thành nhập siêu với các nước đang lên nhờ chuyển hướng.
Lợi thế cạnh tranh của Trung Quốc - đông dân, lương thấp và tiền rẻ - tất nhiên gây thiệt hại cho nhiều nhà sản xuất khác, của các nước vẫn bán hàng cho Mỹ và của cả doanh nghiệp Mỹ. Đấy là yếu tố gây mâu thuẫn về quyền lợi. Từ cả chục năm nay, mâu thuẫn giữa Trung Quốc và (doanh nghiệp) Hoa Kỳ được đôi bên giải quyết theo cách tương nhượng, trong một thế quân bình bất ổn vì cả hai đều cần nhau. Trung Quốc cần thị trường Mỹ để bán hàng và tái đầu tư tài sản của mình vào Mỹ. Hoa Kỳ cần Trung Quốc được ổn định và tiếp tục vay tiền Trung Quốc để duy trì mức chi tiêu quá cao của mình.
Nạn tổng suy trầm toàn cầu năm 2008-2009 chấm dứt khả năng tương nhượng đó.
***
Kinh tế Trung Quốc có những mâu thuẫn và nhược điểm nội tại nên phải duy trì đà tăng trưởng cao để tránh bị động loạn bên trong (khái niệm "kinh tế xe đạp" mà người viết thường nhắc tới, lăn bánh chậm là dễ đổ). Khi thế giới bị suy trầm, xứ này ráo riết bơm tiền kích thích kinh tế và trở lại chánh sách hối đoái có can thiệp là định hối suất rất thấp để đẩy mạnh xuất cảng. Một Mỹ kim trước đây "ăn" khoảng 8,27 đồng Nguyên nay chỉ còn 6,83 đồng, tức là món hàng bán cho Mỹ cũng rẻ hơn theo tỷ lệ tương tự. Dù biết rằng mình phải cải sửa cơ chế kinh tế để ít lệ thuộc hơn vào thị trường xuất cảng, lãnh đạo Bắc Kinh chưa thể làm khác được, nếu không là sẽ bị loạn.
Chánh sách thật ra tuyệt vọng ấy trực tiếp gây họa cho một Hoa Kỳ còn tuyệt vọng hơn.
Nước Mỹ mắc nợ quá nhiều, gần 14 ngàn tỷ đô la, bị thất nghiệp tới gần 10% trong một nền kinh tế chưa thể tăng tưởng mạnh sau vụ tổng suy trầm. Hãy làm một con tính nhẩm: nếu mỗi ba tháng mà mức thất nghiệp mới giảm được 0,50% - một kịch bản lạc quan - thì 30 tháng nữa, tỷ lệ thất nghiệp mới trở lại mức "chịu đựng được" là gần 5%. Một thời gian đằng đẵng trên tấm lịch bầu cử! Trong khi ấy, Chính quyền Barack Obama lại muốn vay tiền để cải tạo xã hội và biết là sẽ thất cử nếu không giảm mức thất nghiệp và kích thích sản xuất. Tình trạng tuyệt vọng ấy về chính trị khiến ông đảo ngược chiến lược mở cửa mua hàng để kết bạn mà Hoa Kỳ đã từng theo đuổi.
Xuất cảng trở thành ưu tiên chiến lược, từ nay được các cơ quan của chính quyền trực tiếp yểm trợ.
Xuất cảng trở thành ưu tiên chiến lược, từ nay được các cơ quan của chính quyền trực tiếp yểm trợ.
Lãnh đạo Hoa Kỳ vì vậy mới làm áp lực với Bắc Kinh để Trung Quốc phải mở thị trường nội địa của mình và chấm dứt chế độ hối suất cố định. Bắc Kinh trả lời rằng Trung Quốc đạt xuất siêu cao là nhờ lý do khác hơn là nhờ hối suất đồng bạc. Vả lại, với tỷ lệ sanh lời của xuất cảng thật ra quá thấp - 1,7% như họ thông báo tuần trước - nếu nâng hối suất thì khu vực xuất cảng sẽ phá sản! Và kinh tế thế giới sẽ loạn to.
Trong ba tháng tới đây, hai bên sẽ đôi co tranh cãi như vậy về chuyện áo cơm gạo củi. Lồng trong đó còn nhiều vấn đề về an ninh - chuyện Iran hay Đài Loan, hoặc tình hình Trung Á là nơi Liên bang Nga vừa đạt thêm một thắng lợi với vụ biến động tại Kyrgyzstan mà Hoa Kỳ và Trung Quốc đều ngồi chầu rìa, các cơ sở của Hoa kiều bị tấn công, v.v...
Đây là lúc Bắc Kinh thi thố khả năng gây dựng ấn tượng bằng cách tác động vào dư luận Mỹ qua những diễn đàn thân hữu của mình (những ông Lỗ Túc của Bắc Kinh).
Nhưng dư luận đa số người Mỹ thì chú ý đến công ăn việc làm và không hài lòng với hai thế lực họ cho là có ảnh hưởng: Trung Quốc và lãnh đạo Mỹ. Nỗi thất vọng ấy sẽ được thể hiện bằng lá phiếu vào mùng hai tháng 11 tới đây.
Nhưng dư luận đa số người Mỹ thì chú ý đến công ăn việc làm và không hài lòng với hai thế lực họ cho là có ảnh hưởng: Trung Quốc và lãnh đạo Mỹ. Nỗi thất vọng ấy sẽ được thể hiện bằng lá phiếu vào mùng hai tháng 11 tới đây.
Vì vậy, lãnh đạo Mỹ không hưu chiến được lâu.
***
Sau ba bốn cuộc đàm đạo, Chính quyền Obama cần chứng minh với dân Mỹ rằng mình không suy nhược, dám nói mạnh, làm mạnh. Quốc hội Mỹ thì phát biểu và ra luật bày tỏ ý chí triệt để bảo vệ quyền lợi dân Mỹ. Cho nên Bắc Kinh còn bị áp lực về nhiều mặt và mâu thuẫn Mỹ-Hoa càng có nguy cơ bùng nổ vì mọi nhượng bộ của Trung Quốc đều được coi là chưa đủ.
Trong khi ấy, các khối kinh tế khác như Nhật Bản hay Âu Châu cũng gặp khó khăn và cần giảm đà tiêu thụ, tăng mức xuất cảng y như Hoa Kỳ. Riêng tình hình Liên hiệp Âu châu còn bất trắc hơn vì khủng hoảng của bốn nước miền Nam trong khối Euro - Hy Lạp, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và Ý Đại Lợi. Phản ứng bảo hộ mậu dịch - protectionism - đang lại thắng thế và nhiều chính quyền tại chức bị nguy cơ thất cử. Vì vậy, Âu Châu theo dõi kỹ chuyện Mỹ-Hoa dàn trận và sẽ ủng hộ quan điểm của Mỹ về vị trí đồng Nguyên trên các diễn đàn quốc tế, như Thượng đỉnh G-20 vào tháng Sáu. Như thông lệ, Âu Châu anh dũng núp đằng sau Hoa Kỳ khi phải nêu vấn đề với Bắc Kinh vì sợ mất hoà khí - và thị trường. Tình nghĩa đồng minh là như vậy.
Sau nhiều thất bại với Liên Âu và NATO về đối sách với Nga hay về chiến trường Afghanistan, lần đầu tiên mà Tổng thống Obama có cơ hội cho thấy là ông không mềm yếu lại còn liên kết được với các đồng minh chiến lược bên kia Đại Tây dương. Nên ông sẽ không bỏ lỡ. Cũng như sẽ không bỏ lỡ khi liên kết được với các đồng minh chiến lược bên kia Thái bình dương để giữ thế mạnh với Trung Quốc, về an ninh tại Á châu Thái bình dương.
Chúng ta đang chứng kiến một vụ đụng độ xuất phát từ hai dự án cách mạng xã hội, của Trung Quốc và Hoa Kỳ. Ly kỳ!