Chủ Nhật, 16 tháng 1, 2011

Sẽ không có bầu cử trực tiếp Tổng bí thư

-Ban lãnh đạo mới của đảng Cộng sản sẽ không có bất ngờ
Ngày mai, theo dự kiến các đại biểu dự Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ 11 sẽ bầu Ban Chấp hành Trung ương khóa mới, gồm 175 ủy viên chính thức và 25 ủy viên dự khuyết. Từ Ban chấp hành mới này sẽ bầu Tổng bí thư. Tuy nhiên, các nhà quan sát ngoại quốc cũng như Việt Nam đều không trông chờ một bất ngờ nào từ Đại hội, vì mọi quyết định đã được thông qua từ trước.
Hãng tin AFP trích lời một nhà ngoại giao ngoại quốc nhấn mạnh : « Kịch bản đã sẳn sàng ». Nhà ngoại giao này không chờ đợi có thay đổi gì về mặt nhân sự lãnh đạo, cũng như về mặt ý thức hệ từ một đảng cho tới nay vẫn quen cải tổ theo kiểu nhỏ giọt.

Dường như Đại hội lần này sẽ không bầu trực tiếp Tổng bí thư. Nhân vật được coi là rất bảo thủ, vừa thân Trung Quốc, vừa không có mâu thuẩn gì lớn với bất cứ phe phái nào trong đảng, ông Nguyễn Phú Trọng, 66 tuổi, trên nguyên tắc sẽ lên làm tổng bí thư thay thế ông Nông Đức Mạnh. Còn ông Nguyễn Tấn Dũng, 61 tuổi, sống sót sau khi bị các đối thủ tấn công kịch liệt, dường như sẽ nắm quyền thủ tướng thêm một nhiệm kỳ, nhờ có quan hệ chặt chẽ với giới báo chí trong nước, giới doanh nghiệp và các nước phương Tây. Cũng trên nguyên tắc, bộ ba lãnh đạo sẽ bao gồm ông Trương Tấn Sang, 61 tuổi, Thường trực Ban bí thư, sẽ là chủ tịch Nước, một chức vụ không có thực quyền.
Tuy vậy, theo nhận định của AFP, Đảng Cộng sản lần này cho các đại biểu một khuôn khổ hành động rộng rãi hơn bình thường. Cụ thể là ba ứng cử viên vào Bộ Chính trị đã bị Ban Chấp hành gạt bỏ không thương tiếc, kết quả của cái gọi là « dân chủ nội bộ ». Một nguồn tin thân cận với đảng, xin được miễn nêu tên, nói với AFP rằng  « Chính vì vậy mà các ủy viên trung ương rất phấn khởi. Họ nói đây đúng là một kỳ họp dân chủ. Tôi nghĩ rằng xu hướng này sẽ tiếp diễn».
Theo lời ông Carlyle Thayer, chuyên gia về Việt Nam thuộc Học viện Quốc phòng Úc, qua việc này, Đảng Cộng Sản Việt Nam chứng tỏ khả năng « tự điều chỉnh và tự thích ứng », một cách nhẹ nhàng và nhất là dưới sự kiểm soát. Vị chuyên gia này nhận định : « Điều đó không làm thay đổi bản chất độc đoán của chế độ, nhưng có những người trong đảng muốn thúc đẩy thay đổi ».

Ban lãnh đạo mới của đảng cũng sẽ không khoan nhượng đối với các nhà đối lập. Năm ngoái, khi các phe nhóm trong đảng đấu đá tranh giành quyền lực với nhau, nhiều nhà hoạt động dân chủ và blogger đã bị bắt. Các tổ chức bảo vệ nhân quyền và một số nước phương Tây đã phản đối.

Trong một xã hội mà ảnh hưởng của Internet ngày càng lớn, Đảng Cộng Sản Việt Nam vẫn kiên quyết chống lại cái mà họ gọi là « những thế lực thù địch » vẫn có âm mưu « gây diễn biến hòa bình ».
 

- Đại hội XI bàn về nhân sự

Đại hội XI
Đại hội XI Đảng Cộng sản Việt Nam bắt đầu bàn về công tác nhân sự trong các phiên họp kín, bắt đầu từ thứ Bảy 15/01.
Vào thứ Hai 17/01, các đại biểu sẽ bầu Ban Chấp hành Trung ương để sau đó tiến tới bầu chọn vị trí Tổng Bí thư.
Tin cho hay nhân sự Tổng bí thư sẽ do các Ủy viên Trung ương khóa mới giới thiệu, và sẽ không có bầu cử trực tiếp.

Hôm thứ Bảy, dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, các đại biểu đã nghe trưởng Ban Tổ chức Trung ương Hồ Đức Việt đọc báo cáo của Ban chấp hành Trung ương khóa X về công tác nhân sự Ban chấp hành Trung ương khóa XI.
Các đại biểu đã thảo luận tại hội trường về số lượng ủy viên Ban chấp hành Trung ương khóa XI và đi đến thống nhất hai con số 175 ủy viên chính thức và 25 ủy viên dự khuyết.
Họ cũng thảo luận về cơ cấu và chính sách nhân sự, nhằm chuẩn bị sẵn sàng cho việc bầu Ban Chấp hành Trung ương.
Ứng viên phải đạt ít nhất 50% phiếu bầu của các đại biểu mới có thể trúng cử Ban Chấp hành Trung ương.
Sau đó, Ban Chấp hành mới sẽ giới thiệu Bộ Chính trị khóa XI.
Các đại biểu Đại hội XI khi phát biểu với báo giới phần lớn đều bày tỏ nguyện vọng ban lãnh đạo mới phải có tâm, có tầm, và có tinh thần đổi mới.
Chánh văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương Phòng chống tham nhũng Vũ Tiến Chiến thì đề đạt coi trọng tiêu chuẩn không tham nhũng, không bầu cho những người "giàu nhanh", "lên chức nhanh" bằng tiêu cực tham nhũng .
Độ tuổi trung bình của Đại hội XI là 53, Ban Chấp hành Trung ương mới cũng sẽ có độ tuổi tương ứng.

Vị trí chủ chốt

Cựu Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An nói với báo VietnamNet ông mong muốn các vị trí chủ chốt đều "có số dư hợp lý" trong ứng viên, để đại hội rộng đường lựa chọn.
Ông nói: "Cách lựa chọn lâu nay của chúng ta ... thường không có tranh cử, không có cạnh tranh công khai minh bạch, mỗi chức danh thường chỉ giới thiệu duy nhất một người, người khác có được giới thiệu cũng xin rút vì nhiều lý do, cho nên chưa có điều kiện lựa chọn thật sự trong Bộ Chính trị, Ban chấp hành Trung ương, trong Đại hội và trong Quốc hội".
Ông nói việc có số dư hợp lý sẽ là mốc mới trong công tác nhân sự.
Trong khi đó giới quan sát đã tổng hợp lại một danh sách các nhân vật mà họ cho rằng sau Đại hội XI sẽ lãnh đạo đất nước Việt Nam đối phó với các thách thức ngày càng lớn về kinh tế.
Ông Nguyễn Phú Trọng, 66 tuổi, vẫn dẫn đầu trong cương vị Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam.
Ông Trọng được cho là nhân vật ôn hòa, nhưng có thiên hướng bảo thủ. Việc ông đi thăm Trung Quốc ngay sau khi được bầu làm Chủ tịch Quốc hội năm 2007 cũng bị đánh giá là "thân Trung Quốc".
Đại hội XI
Đại hội XI kiên định con đường CNXH
Tân Tổng Bí thư sẽ ra mắt vào thứ Tư 19/01.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, 61 tuổi, được nhận định là sẽ tại vị, cho dù gần đây thông tin lọt ra ngoài nói có các đấu tranh nội bộ nhằm vào ông.
Hãng AFP nói Bộ Chính trị Đảng Cộng sản được tin sẽ lên con số 17 người.
Hãng này cũng dự đoán ông Trương Tấn Sang, cũng 61 tuổi và là đối thủ của ông Dũng, sẽ trở thành Chủ tịch nước.
Giới ngoại giao thì nói họ không trông đợi một sự thay đổi mạnh về đường lối, và Đại hội XI sẽ tái khẳng định sự kiên định theo con đường xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.
Tin rò rỉ ra ngoài nói trước khi Đại hội XI khai mạc, ba đề cử của Bộ Chính trị là các ông bà Nguyễn Bá Thanh, Nguyễn Thiện Nhân và Nguyễn Thị Kim Ngân nhằm thay thế các ủy viên sắp về hưu đã bị Ban Chấp hành Trung ương bác.
Một số dịch chuyển khác là ông Tô Huy Rứa có thể trở thành Thường trực Ban Bí thư, thay ông Trương Tấn Sang; ông Ngô Văn Dụ trở thành trưởng Ban Tổ chức Trung ương, thay ông Hồ Đức Việt.
Tuy nhiên những thông tin không chính thống trên có thể còn thay đổi.


"Không chọn lãnh đạo bảo thủ, nói hay làm dở" (VietNamNet) - 
- Ủy viên TƯ khóa XI phải là người có tư tưởng đổi mới, có khát vọng và bản lĩnh dấn thân cho sự nghiệp chung. Kiên quyết không chọn những người tham nhũng hay bảo thủ, trì trệ, nói nhiều làm ít hoặc nói hay làm dở. Đó là tâm nguyện của nhiều đại biểu tham dự Đại hội Đảng khóa XI.
Hôm nay (15/1), Đại hội bắt đầu phần thảo luận về nhân sự Ban chấp hành Trung ương khóa mới gồm 175 ủy viên chính thức và 25 ủy viên dự khuyết. Các đại biểu sẽ trao đổi, biểu quyết về số lượng, cơ cấu, danh sách giới thiệu ứng cử viên Ban chấp hành Trung ương. Đại biểu có thể ứng cử, đề cử hoặc xin rút khỏi danh sách này.
Hai ngày đầu tuần tới, Đại hội sẽ bầu Ban chấp hành Trung ương khóa mới và lấy ý kiến giới thiệu nhân sự Tổng bí thư trong số các ủy viên Trung ương chính thức khóa XI mới được bầu.
Trước phiên thảo luận nhân sự được chờ đợi này, VietNamNet ghi nhanh ý kiến các đại biểu và nhà lãnh đạo lão thành.
Ông Nguyễn Chí Dũng, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Thuận:
Nếu chín muồi, nên bầu trực tiếp Tổng bí thư
Có rất nhiều vấn đề liên quan công tác cán bộ, bản thân đoàn đại biểu Ninh Thuận cũng như cá nhân tôi suy nghĩ rất nhiều.

Hiện nay, những con người dám hi sinh bản thân mình cho đất nước giống như hồi chiến tranh còn ít quá.
Chúng tôi rất mong muốn có những người mang khát vọng vươn lên tầm cao mới, khát vọng được đổi mới, vì lợi ích chung.
Vì vậy, chúng tôi mong muốn các đồng chí ủy viên Trung ương khóa tới ngoài yếu tố “có tâm, có tầm”, thì cần có trái tim sáng, trái tim lửa, ý chí mãnh liệt vì mục tiêu chung.
Khi không có khát vọng, ước mơ thì con người không có ý nghĩa. Nhưng có rồi mà không hiện thực hóa được, không có khát khao cháy bỏng, biến nó thành hiện thực thì cũng không có ý nghĩa.
Tôi hy vọng sẽ bầu ra được những con người mạnh dạn đổi mới, sẵn sàng hy sinh, cống hiến trí tuệ, sức lực cho cái chung, cho đất nước, cho dân tộc.
Ở địa phương chúng tôi, qua theo dõi, đánh giá hoạt động thực tiễn, đã mạnh dạn tìm những đồng chí trẻ, được đào tạo bài bản, có khát vọng, dám hi sinh, cống hiến để giao trọng trách lớn.
Còn những đồng chí bảo thủ trì trệ hoặc nói hay, nói nhiều nhưng làm ít, làm dở, chúng tôi đề nghị đứng ra một bên để những đồng chí khác có cơ hội.
Vấn đề cán bộ không phải câu chuyện ngày một ngày hai nhưng tốt nhất là nên bắt đầu còn hơn là chưa làm.
Việc bầu trực tiếp Tổng bí thư thì tùy Đại hội, còn theo tôi, khi thấy chín muồi rồi thì cũng nên làm vì đó là dân chủ cao nhất.
Sáng qua, thảo luận tại hội trường, ông Vũ Tiến Chiến đề nghị nên bầu ủy viên TƯ khóa mới phải là những người không tham nhũng và kiên quyết chống tham nhũng. Tôi quá ủng hộ và đồng tình. Thế nhưng, bây giờ tìm được con người nào mà gọi là sạch sẽ một tí cũng hiếm, cũng khó. Và để đánh giá được “sạch” cũng không đơn giản.
Chánh văn phòng Ban Chỉ đạo TƯ Phòng chống tham nhũng Vũ Tiến Chiến:
Coi trọng tiêu chuẩn không tham nhũng
Tôi đề nghị Đại hội trong lựa chọn các ủy viên Trung ương kỳ này ngoài tiêu chuẩn chung cần coi trọng tiêu chuẩn: không tham nhũng, lãng phí và kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí. Cần nhìn thẳng vào sự thật những biểu hiện “giàu nhanh”, “lên chức nhanh".
Nếu giàu nhanh do làm giàu chính đáng, lên chức nhanh do tài năng là rất đáng trân trọng học tập; nhưng những biểu hiện giàu nhanh là do tiêu cực, tham nhũng, lên chức nhanh là do dùng tiền để “chạy chức”, “chạy quyền” thì phải làm rõ, lên án và nghiêm trị.
Ngoài ra, không thể nói là kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí khi ngay trong cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương của mình không triển khai nghiêm túc các giải pháp phòng ngừa tham nhũng và không kiên quyết phát hiện và xử lý các vụ việc vụ án tham nhũng.
Ông Huỳnh Văn Tới, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đồng Nai:
Bầu ra bộ máy tài, đức, trẻ

Nguyện vọng của chúng tôi là bầu ra bộ máy đủ tài, đủ đức, có sức khỏe, sức trẻ, có sức chiến đấu để định hướng dân tộc theo mục tiêu độc lập dân tộc, ấm no, tự do, hạnh phúc.
Về quy trình bầu cử, theo tôi, bầu trực tiếp hay không trực tiếp không phải là điều quan trọng nhất. Quan trọng là người được bầu có đủ uy tín, tín nhiệm, đủ đức, tài hay không.
Nếu số đông đại biểu yêu cầu bầu trực tiếp thì tôi cũng tán thành, nhưng phải thông qua Ban chấp hành theo truyền thống.
Tôi chưa có nhiều kinh nghiệm để bầu Tổng bí thư, nhưng kinh nghiệm ở cơ sở thì thấy, khi nào đã chuẩn bị sẵn, đầy đủ, có nhiều người tiêu chuẩn ngang nhau thì bầu cử theo số dư sẽ thành công. Còn khi chuẩn bị chưa đầy đủ, dựa vào yếu tố may rủi thì chưa an tâm.
Nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An:
Các vị trí chủ chốt cần có số dư hợp lý
Cách lựa chọn lâu nay của chúng ta vẫn còn làm theo cách cũ, thường không có tranh cử, không có cạnh tranh công khai minh bạch, mỗi chức danh thường chỉ giới thiệu duy nhất một người, người khác có được giới thiệu cũng xin rút vì nhiều lý do, cho nên chưa có điều kiện lựa chọn thật sự trong Bộ Chính trị, Ban chấp hành TƯ, trong Đại hội và trong Quốc hội.
Nếu lần này, mỗi chức danh chủ chốt trong danh sách bầu có số dư hợp lý để có điều kiện lựa chọn khi bầu, thì Ban chấp hành TƯ và Đại hội XI sẽ đánh dấu một mốc đổi mới về cách làm nhân sự.
Đây sẽ là một sự đổi mới quan trọng, một bước tiến bộ đáng mừng trong công tác xây dựng Đảng, từ đổi mới trong Đảng sẽ dẫn tới đổi mới trong Nhà nước và ngoài xã hội.
Về tiêu chí lựa chọn, có lần tôi đã trả lời phỏng vấn là chỉ giao trọng trách cho người có tư tưởng đổi mới vì lúc đó tôi chỉ muốn nhấn mạnh đến tiêu chí đổi mới tư duy, còn bây giờ phải nói cả hai tiêu chí kép thì mới đầy đủ, mới toàn diện.
Đó là Đổi mới và Hành động, Cầm quân và phát triển. Cần chọn người theo hai tiêu chí kép này, tất nhiên là tương đối, chọn cột cờ trong bó đũa.
Chỉ có người đổi mới tư duy, dám nói và dám làm thì mới biến nghị quyết thành hiện thực, mới thúc đẩy xã hội phát triển, ưu điểm cũng như khuyết điểm của người đó chúng ta thường dễ thấy.
Khi lựa chọn, không ít trường hợp những người này bị phê phán gay gắt và được số phiếu tín nhiệm thấp.
Ngược lại, có người không nói gì, cũng không làm gì, lúc nào cũng tỏ ra hăng hái, quan tâm tới mọi chốn, mọi nơi, có vẻ chịu khó lắng nghe, song không bày tỏ quan điểm riêng của mình, cũng không dám chịu trách nhiệm giải quyết một việc gì mắc mớ cả. Có người, lúc nào cũng nói tròn vo như sách vở, làm theo sách vở, gọt chân theo giầy. Ưu điểm và khuyết điểm của những người này chúng ta thường khó thấy. Khi lựa chọn, không ít trường hợp những người này lại được phiếu cao vì không có khuyết điểm gì.
Đổi mới và hành động, nói và làm, làm là khâu quyết định. Đó là hai tiêu chí để xem xét khi lựa chọn nhân sự cho sự phát triển của xã hội, để không bị tụt hậu, đặc biệt là trong công cuộc đổi mới ngày nay.
Người cầm quân là người phải chăm lo công tác quốc phòng, an ninh và đối ngoại. Còn tiêu chí “phát triển” là lo việc phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, là lo việc ăn, ở, học hành, chữa bệnh, đi lại, vui chơi giải trí, tức là lo việc yên dân về mặt đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.
Ai cũng có ưu có khuyết, nhân vô thập toàn, vấn đề là lựa chọn được người tương đối hơn, khả dĩ hơn so với tiêu chuẩn, tiêu chí đã nêu.
Cuộc sống luôn cần sự lựa chọn sáng suốt, đúng đắn. Lựa chọn đúng là phát triển mạnh và bền vững, lựa chọn sai là tụt hậu và lủng củng. Sự lựa chọn đồng nghĩa với trách nhiệm.
Hạ Anh - Thu Hà

Tổng số lượt xem trang