Thứ Năm, 6 tháng 1, 2011

"Nhiều người suy nghĩ như tôi, nhưng có thể vướng víu nhiều chuyện..."


Phản biện tại Quốc hội vẫn là một khái niệm dường như chỉ của một số ít, rất ít đại biểu nhân dân.
Không ngại đụng chạm, không ngại phiền phức, họ dám đi thẳng vào những vấn đề, vụ việc nhạy cảm nhất. Một trong số đó là ĐBQH Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn), người từng đăng đàn về Vinashin tại kì họp lần thứ 8, Quốc hội khóa XII yêu cầu xem xét trách nhiệm của Thủ tướng và các thành viên Chính phủ. Ông nhận trả lời phỏng vấn Báo Người cao tuổi ngay sau khi vừa kết thúc một chuyến đi tiếp xúc cử tri…
PV: - Về gặp cử tri ông được bà con đón tiếp thế nào, thưa ông?
Ông Nguyễn Minh Thuyết: - Nhìn chung, nhiều cử tri rất hào hứng với kì họp Quốc hội vừa qua, bà con cũng rất tán thành với những ý kiến mà chúng tôi phát biểu hoặc chất vấn.
PV: - Những ý kiến ông đã đăng đàn tại Quốc hội về vấn đề Vinashin hay yêu cầu xem xét trách nhiệm của thành viên Chính phủ theo như ông nói, là truyền đạt ý kiến của cử tri. Lần tiếp xúc cử tri này ông có gặp lại họ không? Họ bày tỏ thái độ thế nào?
Ông Nguyễn Minh Thuyết: - Lạng Sơn có 226 xã, phường, một thành phố và 10 huyện. Đoàn muốn chúng tôi đi hết được khắp địa phương nên thường lúc đi mình lấy ý kiến ở chỗ này, nhưng khi quay trở về báo cáo cử tri thì lại ở chỗ khác.
PV: - Trực tiếp hay gián tiếp, người ta có phản hồi lại cho ông về thái độ cũng như quan điểm của họ về cách mà Quốc hội xử lí những thông tin, những ý kiến đăng đàn của ông không?
Ông Nguyễn Minh Thuyết: - Cũng có ý kiến tỏ ra thất vọng khi Quốc hội không chấp nhận ý kiến
ĐBQH Nguyễn Minh Thuyết.
tôi đề nghị thành lập Ủy ban lâm thời của Quốc hội theo điều 23 của Luật Tổ chức Quốc hội để điều tra trách nhiệm của các thành viên Chính phủ trong vụ Vinashin, trên cơ sở đó đề nghị bỏ phiếu tín nhiệm. Có ý kiến trông đợi vào sự chỉ đạo giải quyết của Trung ương trong thời gian tới. Có ý kiến động viên tôi đừng có nản... Tôi có nản đâu (cười). Tôi nghĩ những kiến nghị của tôi không phải rơi vào thinh không, cũng có tác dụng nhất định.

PV: - Khi phát biểu về vấn đề Vinashin, ông có dẫn ra số liệu Vinashin nợ không dưới 100 nghìn tỉ đồng và làm ăn thua lỗ. Ông có thể cho biết nó được lấy từ nguồn nào ?
Ông Nguyễn Minh Thuyết: - Số liệu này tôi đều lấy từ báo cáo của Chính phủ, Ủy ban Kiểm tra Trung ương rồi qua phân tích, tính toán mà ra chứ không lấy từ bên ngoài.
PV: - Ông nghĩ sao về những ý kiến phản bác lại ông ?
Ông Nguyễn Minh Thuyết: - Thực ra những ý kiến này không nhiều và không có lí, không thuyết phục. Ví dụ như nói rằng Vinashin vay rồi sẽ trả được nợ. Hay là Vinashin hiện đang đóng rất nhiều tầu mới và sắp tới sẽ "bán" trả được nợ. Số vốn trên sổ sách tài sản còn đến 104 nghìn tỉ đồng... thì tôi cho là lí luận này không đúng. Thứ nhất, nếu vay nợ bình thường thì không nói làm gì. Nhật Bản người ta hiện nay có số nợ gần 200% GDP. Nhưng làm ăn có hiệu quả thì người ta trả được ngay. Còn ở đây, đã phải nói đến mức ở bên bờ vực phá sản thì ngay cả gốc đã không có khả năng trả nợ rồi. Dù có "chia đàn xẻ nghé" gạt một số tài sản và nợ cho Vinaline thì có thể nói đó là một sự thất bại trong điều hành. Điều này đã được Ủy ban kiểm tra Trung ương và trong báo cáo của Thủ tướng Chính phủ nêu rõ, kết luận. Trong Báo cáo của Thủ tướng nêu một trong những nguyên nhân gây nên tình trạng này là Vinashin luôn luôn báo cáo không trung thực, lỗ lớn vẫn báo cáo lãi. Chưa qua kiểm toán lại dựa vào HĐQT của Vinashin mà dám nói còn 104 nghìn tỉ đồng tiền vốn thì không thể tin được. Vả lại, nếu đó là con số đúng thì nó gồm những gì ? Nếu nó gồm đất đai của Nhà nước như bên Phà Rừng mà Phần Lan người ta xây cho mình một cái cảng rất tốt ở đấy thì Chính phủ giao là giao không, có thể tính là tài sản chứ sao lại coi là vốn. Bây giờ bán làm sao được để trả nợ? Còn về chuyện làm ăn của Vinashin liệu có gỡ được nợ không thì tôi chỉ xin nhắc lại ý kiến của đại biểu Phạm Thị Loan, nếu tính lãi ngân hàng thì hằng năm Vinashin phải trả tối thiểu là 15 nghìn tỉ đồng. Thế còn đơn vị này làm ra được bao nhiêu thì Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng đã nói, năm nay Vinashin có thể làm ra được 13-14 nghìn tỉ đồng (không đủ trả lãi ngân hàng). Như vậy, thì không thể nào cân đối được nợ.
PV: - Theo ông, nguyên nhân chính của thực trạng này ở Vinashin là gì ?
Ông Nguyễn Minh Thuyết: - Thứ nhất, là do Nhà nước ưu ái cho Vinashin quá mức cần thiết, từ đó tạo ra chủ quan, hoạt động không đúng các nguyên tắc quản lí kinh tế. Đồng thời quản lí bị buông lỏng. Bao nhiêu lần kiểm tra, thanh tra không phát hiện được gì, hoặc có phát hiện, có đề xuất, nhưng vẫn không được cấp nào quan tâm. Thứ hai, là về tổ chức, quyền lực tập trung vào Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Phạm Thanh Bình, lại kiêm Bí thư Đảng ủy nữa. Mà Luật thì không cho phép làm như vậy. Cái đó lại không một ai can gián. Thứ ba, cách kinh doanh ở Vinashin có sự bốc đồng tùy tiện. Sau khi có thương hiệu thì kết nạp thêm quá nhiều các công ty con, công ty cháu vào, tăng thêm những gánh nặng mới. Vay vốn đi mua những con tầu cũ, hi vọng về nó sẽ làm được cái nọ, cái kia… thực chất không làm được gì cả. Đặc biệt, phương hướng kinh doanh sai lầm như đóng con tầu kéo xà - lan con đã không bán được cho ai còn đóng tiếp con tàu kéo xà-lan khác khổng lồ, vốn hàng trăm tỉ đồng, phi kinh tế. Thứ tư, không ngoại trừ có tham nhũng. Chỉ riêng những con tầu mà Vinashin mua đều với giá quá cao so với thực tế. Điểm này chắc cơ quan điều tra người ta phải làm rõ.
PV: - Theo ông, người được phép lựa chọn ông Phạm Thanh Bình rồi để ông ta giữ chừng ấy chức vụ một lúc là ai ?
Ông Nguyễn Minh Thuyết: - Chắc chắn đó là Chính phủ rồi !
PV: - Cụ thể là ai?
Ông Nguyễn Minh Thuyết: - Theo như báo cáo của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là cũng đã qua nhiều đời Thủ tướng. Đầu tiên là Thủ tướng Võ Văn Kiệt…
PV: - Xin cắt ngang lời ông để giới hạn khoảng thời gian lựa chọn ông này từ khi bắt đầu gây ra sự khủng hoảng của Vinashin ?
Ông Nguyễn Minh Thuyết: - Tôi chỉ biết từ năm 2006, năm Vinashin trở thành tập đoàn, đến nay là do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chịu trách nhiệm bổ nhiệm ông Phạm Thanh Bình làm Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Vinashin. Thế còn thời điểm làm ăn theo kiểu bốc đồng của Vinashin là từ khi Nhà nước bắt đầu bảo lãnh cho Vinashin phát hành trái phiếu ở Niu Oóc và bắt đầu cho tập đoàn này vay 700 triệu đô-la.
PV: - Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy chưa cần thiết chấp thuận đề nghị thành lập Ủy ban lâm thời như đã nói ở trên, ông có cho là thỏa đáng không ?
Ông Nguyễn Minh Thuyết: - Tôi thấy mình cũng có thể thống nhất được phần lớn lí do không thành lập Ủy ban này mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội đưa ra. Bởi vì sau ý kiến của tôi, theo các báo cáo của Thủ tướng và Phó Phủ tướng, Bộ Chính trị đã ủy quyền cho UBKT Trung ương mở rộng điều tra về trách nhiệm của các thành viên Chính phủ. Chỉ có điều vướng về luật. Tức là, Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất về mặt Nhà nước, là cơ quan bầu ra Thủ tướng, Phó Thủ tướng, phê chuẩn các Bộ trưởng. Chính phủ nếu có khuyết điểm thì phải kiểm điểm trước Quốc hội và nhận kỉ luật trước Quốc hội. Đó là về lí, đúng không? Nhưng mà ta cũng biết Điều 4 của Hiến pháp năm 1992 có quy định Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo xã hội.
PV: - Ông có nghĩ rằng trong việc này, cơ chế Đảng lãnh đạo có vẻ không hợp lí?
Ông Nguyễn Minh Thuyết: - Tôi không nghĩ như vậy. Nhưng tôi cho rằng Đảng cần nhạy cảm hơn. Một người dân bình thường hay một Đại biểu Quốc hội mà đặt ra những vấn đề như thế này tôi cũng phải suy nghĩ lắm chứ. Đây là trách nhiệm của đại biểu trước nhân dân. Quốc hội mà cho qua những vấn đề như thế này thì chắc chắn người dân không thể bằng lòng.
PV: - Ông có đề cập đến Điều 4 của Hiến pháp thì… Hình như Đảng lãnh đạo, nhưng không có nghĩa là làm thay Nhà nước ?
Ông Nguyễn Minh Thuyết: - (cười). Đúng rồi !
PV: - Và trong việc này hình như Đảng đã làm thay Nhà nước ?
Ông Nguyễn Minh Thuyết: - Ở nước ta, công tác tổ chức cán bộ luôn luôn là công việc của cấp ủy Đảng. Đảng phải xem xét trước rồi mới có thể đưa ra Quốc hội bàn được. Trong việc này lẽ ra Đảng phải xem xét trước rồi mới đưa ra Quốc hội bàn hoặc Đảng ủy quyền cho Quốc hội quyết. Vụ biểu quyết thông qua đề án xây dựng đường cao tốc Bắc-Nam, Bộ Chính trị không thông qua mà giao cho Đảng đoàn Quốc hội lãnh đạo Quốc hội để đi đến kết luận.
PV: - Mà những đại biểu dám nói thẳng, nói thật như ông trong Quốc hội hình như vẫn còn hiếm. Ông có hiểu vì sao không?
Ông Nguyễn Minh Thuyết: - Vâng ! Có thể rất nhiều người cùng suy nghĩ như tôi, nhưng nói được lên thì đúng là còn hiếm. Ra ngoài hội trường nói chuyện thì có rất nhiều đồng chí, kể cả một số đồng chí lãnh đạo cấp cao cũng tán thành ý kiến của tôi. Chỉ có điều là các vị vướng víu nhiều chuyện mà không tiện nói hoặc chờ khi không còn là đại biểu nữa mới nói. Cuối cùng chỉ còn mấy ông đại biểu chuyên trách ở trung ương dám nói một cách mạnh mẽ…
PV: - Nếu ông không là đại biểu chuyên trách thì...
Ông Nguyễn Minh Thuyết: - Tôi nghĩ nhận thức thì không khác, vì tôi vẫn chỉ là một con người, nhưng hành động có khi sẽ khác...
PV: - Từ chuyện này ông suy nghĩ cần thay đổi gì về lựa chọn Đại biểu Quốc hội ?
Ông Nguyễn Minh Thuyết: - Đây đúng là có vấn đề. Trước hết, nên hạn chế đến mức thấp nhất những Đại biểu Quốc hội là những người tham gia bộ máy chính quyền. Thứ hai, cơ cấu đại biểu cũng phải tính toán làm sao họ phải đại diện cho các tầng lớp dân cư khác nhau, nhưng họ phải dám đảm nhận nhiệm vụ mà các cử tri giao cho.
PV: - Hiện nay không có điều luật nào quy định không cho phép Thủ tướng hay Bộ trưởng nào được làm đại biểu Quốc hội..., phải không, thưa ông ?
Ông Nguyễn Minh Thuyết: - Đúng vậy ! Đó cũng là điều cần phải xem xét. Nhưng khi hiệp thương thì UBMTTQ đã có hạn chế. Và cũng cần phải luật hóa sự lãnh đạo của Đảng.
PV: Cảm ơn ông !
Trần Ngọc Kha (Thực hiện)

-Nhân vật 2010: Bản lĩnh của ông nghị Nguyễn Minh Thuyết
Trong những gương mặt đại biểu quốc hội nổi bật tại kỳ họp sôi động chưa từng có tiền lệ năm qua, nếu được hỏi "ông nghị" nào gây ấn tượng nhất, hẳn nhiều người sẽ bình chọn cho ông Nguyễn Minh Thuyết, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh thiếu niên nhi đồng.
>> Thủ tướng - Nhân vật của năm 2010
>> Nhân vật 2010: Tướng Nguyên và những trăn trở thời cuộc
>> Nhân vật 2010: Ngô Bảo Châu - hạn hán và cơn mưa
Một trong những lý do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng được bình chọn là Nhân vật năm 2010 là vì sự thẳng thắn, không né tránh, khi trả lời những câu hỏi gai góc nhất. Như giới truyền thông thường nói, một bài phỏng vấn hay là bài phỏng vấn trong đó cả người hỏi và người trả lời đều phải thẳng thắn, sắc sảo.
Trong số những người đưa ra những câu hỏi thẳng thắn và sắc sảo đó nổi bật nhất là Đại biểu Nguyễn Minh Thuyết, Phó Chủ nhiệm UB Văn hóa - Giáo dục - Thanh thiếu niên nhi đồng.
Cũng nhờ những người như đại biểu Nguyễn Minh Thuyết mà năm 2010 có thể được coi là năm nghị trường "bùng nổ" với các phát biểu, chất vấn, thậm chí tranh luận trực diện, mạnh mẽ của nhiều đại biểu Quốc hội đối với các vấn đề, các quyết sách quan trọng của đất nước.
Từ đó, người ta thấy sự lộ diện của một Quốc hội ngày càng dân chủ hơn, đảm bảo cho sự hoạt động ngày càng hiệu quả hơn của Chính phủ.
Cuộc trò chuyện dưới đây với ông Nguyễn Minh Thuyết, hi vọng phần nào nói lên tính cách và bản lĩnh của vị đại biểu để lại nhiều dấu ấn nơi nghị trường này.
Đằng sau tôi chỉ có các cử tri
Trong một bối cảnh chung là ít đại biểu quốc hội dám phát biểu công khai về những vấn đề có khả năng động chạm đến vị lãnh đạo nọ, lãnh đạo kia, vịêc ông dám hỏi rất thẳng, và hỏi đến cùng tại các phiên họp truyền hình trực tiếp ở nghị trường khiến nhiều người có cảm giác dường như ông có một sự hậu thuẫn nào đó. Có đúng không?
- Tôi là một nhà giáo được bầu vào QH nên không phải là nhà chính trị chuyên nghiệp và cũng không có nguyện vọng làm nhà chính trị chuyên nghiệp.
Ông Nguyễn MInh Thuyết trong vòng vây báo chí tại kì họp Quốc hội.
Tôi chỉ nghĩ đơn giản là trước những yếu kém, sai lầm trong điều hành việc nước, nếu Quốc hội (QH) nể nang, xuê xoa thì yếu kém, sai lầm sẽ không bao giờ khắc phục được.
Đất nước và nhân dân sẽ thiệt thòi và người dân sẽ giảm niềm tin vào lãnh đạo, vào tính nghiêm minh của pháp luật, như vậy thì rất tai hại. Tóm lại, chỉ có trách nhiệm của một đại biểu dân cử trước nhân dân và đất nước mới có thể thúc đẩy tôi lên tiếng.
Kiến nghị tôi nêu tuy chưa được thực hiện nhưng nó góp phần làm cho sinh hoạt của QH thẳng thắn, dân chủ hơn. Dân chủ có được tăng cường thì QH thực hiện được chức năng giám sát mà nhân dân giao phó.
Sau những chất vấn được coi là trực diện và gai góc đó, ông có bị ai "nhắc nhở khéo" gì không?
- Cho đến nay thì chưa. Tôi cho rằng đại biểu phải nói đúng lúc, đúng chỗ, đúng pháp luật và tôi đã thực hiện đúng điều đó. Còn phát ngôn tuỳ tiện ngoài đường hay nói sau lưng thì mới phải nhắc nhở chứ!
Ông có mất nhiều thời gian chuẩn bị những phát biểu tại nghị trường và có phải tham vấn ai không?
- Bắt đầu kỳ họp, mẹ tôi nhập viện cấp cứu và ở trong tình trạng thập tử nhất sinh suốt 2 tháng trời (Bà mới mất giữa tháng 12 vừa qua. PV).
Họp được một tuần, bố vợ tôi mất. Ở tuổi tôi, việc các bậc sinh thành ra đi là chuyện khó tránh. Nhưng dồn dập mấy chuyện lớn trong một thời gian thì cũng căng thẳng. Cho nên phải nói là kỳ họp này tôi bận hơn những kỳ trước nhiều.
Lần này, tôi không phải hỏi chuyên gia nào vì mọi việc đều rõ ràng. Nhưng nếu cần thì chắc các chuyên gia cũng sẵn sàng thôi. Lần chuẩn bị ý kiến về khai thác bô-xít ở Tây Nguyên, có chỗ cần hỏi, tôi gọi điện xin gặp một chuyên gia đầu ngành, nhưng ông sẵn sàng trả lời qua điện thoại để tiết kiệm thời gian cho tôi.
Hôm chất vấn Thủ tướng thì tôi phải chuẩn bị câu hỏi tại chỗ vì ngay trước lúc Thủ tướng lên diễn đàn tôi mới nhận được bài phát biểu của ông.
Để được chất vấn Thủ tướng, ông có cần đến hội trường sớm không? Vì nhiều ĐB phàn nàn là họ bấm nút mà vẫn không đến lượt. Mà ông thì phiên chất vấn Thủ tướng nào cũng đều được hỏi. Vậy liệu có sự ưu ái, hay tín nhiệm của chủ tọa đối với riêng đại biểu Nguyễn Minh Thuyết không?
- Các phiên họp, nếu cần phát biểu, tôi đều đi sớm một chút để đăng ký hoặc bấm nút đăng ký tại chỗ. Riêng các phiên chất vấn, tôi chủ yếu đến nghe thôi, nghe mà chưa thông thì mới hỏi.
Trường hợp cần phát biểu mà có khả năng nhiều ĐB cũng sẽ đăng ký tôi mới nhờ anh em chuyên viên trong Đoàn ĐBQH của tỉnh đi sớm bấm nút đăng ký hộ.
Phiên chất vấn Thủ tướng hôm 24/11 vừa rồi, tôi đăng ký trong nhóm đầu tiên nên được chất vấn sớm. Sau phiên chất vấn, một số anh em nói, chỉ sợ chủ toạ không cho ông phát biểu. Tôi bảo: "tôi đăng ký thứ 3 thì phải được phát biểu chứ!".
Đèn xanh không bật, ai có thể đi được?
Trên thực tế, việc một số ĐB tỏ ra mạnh dạn vào cuối nhiệm kỳ đã khiến người ta có cảm giác, họ chỉ dám nói, khi không có gì để mất. Ông nghĩ sao?

- Dĩ nhiên càng nhiều thời gian hoạt động, các ĐBQH càng có kĩ năng thuần thục hơn, do đó phát biểu càng sâu sắc hơn, thể hiện bản lĩnh vững vàng hơn.
Nhưng theo sát hoạt động 9 năm nay, tôi thấy những ĐB được người dân đánh giá cao như Dương Trung Quốc, Nguyễn Lân Dũng, Lê Văn Cuông, Nguyễn Đình Xuân v.v... ngay từ khóa XI cũng luôn thể hiện là những người có chính kiến và thẳng thắn, không ngại đụng chạm.
Còn ở khoá XII này, ngay từ kỳ họp đầu tiên, dư luận đã đánh giá cao ý kiến xây dựng thẳng thắn, sâu sắc của các ĐB mới tham gia như Vũ Hoàng Hà (Bình Định), Danh Út (Kiên Giang), Ngô Văn Minh (Quảng Nam), Phạm Thị Loan (TP. Hà Nội), Vũ Quang Hải (Hưng Yên) v.v...
Xét bản thân mình, tôi tự thấy kể từ ngày đầu làm ĐBQH mình cũng chưa hề né tránh những vấn đề gai góc. Nếu hiểu rằng người dân bầu và trả lương cho ĐBQH là để giám sát hoạt động của các cơ quan nhà nước thì việc ĐB có ý kiến thẳng thắn là bình thường, là làm đúng bổn phận.
Như vậy, có thể nói sinh hoạt dân chủ trong Quốc hội phần lớn được tạo ra từ bản lĩnh của các đại biểu QH?
- Trước hết, sinh hoạt QH ngày càng dân chủ là do đường lối Đổi mới của Đảng. Cũng giống như ta tham gia giao thông trên đường, đèn xanh không bật thì ai có thể đi được?
Nghe nói ở một số khóa QH trước Đổi mới, đại biểu phát biểu ý kiến phải bằng văn bản, mà văn bản phải được cấp có thẩm quyền thông qua mới được đọc.
Nhưng từ Đổi mới đến nay thì không có việc đó. ĐB có thể phát biểu bằng văn bản chuẩn bị trước hay "nói vo" và chuyển tải ý kiến của người dân đến diễn đàn Quốc hội một cách độc lập hơn.
Từ ngày Đổi mới, đã xuất hiện những ĐB rất bản lĩnh, mạnh mẽ, được cử tri nhớ mãi như Trung tướng Nguyễn Quốc Thước.
Việc tổ chức truyền hình trực tiếp các phiên thảo luận về kinh tế - xã hội và chất vấn từ năm 1994 đã tạo ra bước ngoặt, làm cho hoạt động QH minh bạch, công khai hơn.
Qua đó, người dân đánh giá được ĐB của mình và các chính khách khác. Đồng thời, ĐB và các chính khách nói chung cũng cảm nhận được sức ép của cử tri, sức ép của trách nhiệm rõ rệt hơn.
Ở nhà thì bà xã ông có lo lắng không, sau mỗi lần nghe ông nói mạnh trên hội trường?
- Bà xã tôi, giống như nhiều phụ nữ khác, ít quan tâm đến chính trị nhưng từ khi tôi làm ĐBQH thì quan tâm nhiều hơn. Là một trí thức, nhà tôi luôn chia sẻ với chồng. Tôi nghĩ, nếu mình hành xử theo cách khác thì đã không nhận được sự tôn trọng của vợ.
Phản hồi của người dân sau kỳ họp khi ông đi tiếp xúc cử tri thế nào?
- Sau mỗi lần phát biểu trên diễn đàn QH, tôi đều nhận được điện thoại, tin nhắn, thư hoặc email của bạn bè, cử tri quen biết và chưa quen biết tỏ ý hoan nghênh, ủng hộ. Những cuộc hội ngộ trên đường phố cũng khá nhiều.
Tôi chỉ kể một chuyện diễn ra gần đây: Cuối tháng 12 vừa rồi, tôi đi công tác Đà Nẵng. Một hôm, đang đi bộ qua đường, thấy một người đàn ông tuổi chừng 30, 35 vòng xe máy, ghé sát tôi, hỏi: "Bác có phải bác Thuyết không?".
Nghe tôi bảo phải, anh xuống xe, nắm tay tôi nói: "Em là một người dân. Em chỉ muốn nói với bác là dân Đà Nẵng rất quý mến bác".
Bốn mươi mốt năm lao động, tôi chưa được Nhà nước tặng thưởng tấm huân chương nào. Nhưng tôi đã được những người lao động bình thường tặng cho tấm chân tình như vậy. Đó là phần thưởng vô giá đối với một ĐBQH như tôi.

Tổng số lượt xem trang