Thứ Hai, 17 tháng 1, 2011

Sài Gòn sụp đổ - vì đập phá xây dựng

-Sài Gòn sụp đổ - vì đập phá xây dựng
Khu nhà Eden do Pháp xây dựng từ những năm 1930, toạ lạc trên một trong những khu vực đắt giá nhất thành phố, đã trở thành nạn nhân mới nhất trong hàng loạt các ngôi nhà lịch sử bị đập phá và thay thế bởi những khu xây dựng mới hào nhoánh theo ý muốn của chính quyền Việt Nam.
Nguồn: Helen Clark, The Independent

Lê Quốc Tuấn, X-Cafe chuyển ngữ
15.01.2011
Thành phố thuộc địa từng quyến rũ Grahma Greene đang dần biến mất khi giới xây dựng phá bỏ những ngôi nhà lịch sử dưới danh nghĩa hiện đại hoá
Ngồi trên chiếc xe ôm của mình dựng ngoài nhà hát thành phố, Nguyễn Văn Dũng nhìn vào ngôi nhà trống rỗng bị bao vây bởi những hàng rào bảo vệ cao. Nhiều thập niên qua, góc phố này được chiếm lĩnh bởi toà nhà Eden lịch sử, nhưng giờ đây nó đang bị phá huỷ dưới danh nghĩa của sự tiến triển.
"Việt Nam không nên so sánh với Singapore hoặc Nhật Bản về lĩnh vực cao ốc hay khách sạn năm sao. Chúng ta cần bảo quản những gì mình có trước," người đàn ông 62 tuổi nói, ông đã làm việc tại địa điểm này trong trung tâm thành phố Hồ Chí Minh (trước là Sài Gòn) 20 năm qua. "Việt Nam chỉ thấy cái lợi trước mắt. Về lâu về dài chúng ta sẽ mất đi một số truyền thống lịch sử."
Trong những ngày cuối của mình, khu Eden trông tàn tạ. Nó trở nên xám xịt, mốc meo và đã qua thời hoàng kim của mình từ lâu. Nhưng lịch sử đã bám chặt vào những cư dân sau sống sau những bức màn xanh trong khu này, và một số đang đấu tranh để giữ gìn khu nhà từng chứa tiệm Cà phê Givral, nơi gặp gỡ của những điệp viên trong thời chiến tranh Việt Nam.
Trong sự phản đối về việc mà các cư dân khu này cho là đền bù không thoả đáng, ngôi nhà nằm đối diện với Khách sạn Continental cũng mang tính lịch sử tương đương - nơi Graham Greene từng uống rượu và viết lách - cuối cùng cũng đã bị phá huỷ vào tháng trước. Khu nhà do Pháp xây dựng từ những năm 1930, toạ lạc trên một trong những khu vực đắt giá nhất thành phố, đã trở thành nạn nhân mới nhất trong hàng loạt các ngôi nhà lịch sử bị đập phá và thay thế bởi những khu xây dựng mới hào nhoánh theo ý muốn của chính quyền Việt Nam. Một khu vực phức hợp gồm trung tâm mua bán, khách sạn và và văn phòng đang được xây bởi nhà phát triển địa ốc Vincom sẽ nằm trên khu đất mà khu Eden từng toạ lạc.
Trong số những người đã tìm cách cứu khu Eden là Nguyễn Trang, từng lớn lên trong một căn hộ nằm trong khu này với tiệm Cà phê Givral bên dưới. Những khách hàng của tiệm này bao gồm Phạm Xuân Ẩn, từng là phóng viên của Reuters và tuần báo Time đồng thời là tình báo viên của Bắc Việt Nam. Sau này ông trở thành người đứng đầu cơ quan an ninh mật và từng đùa rằng ông nên được hưởng danh hiệu Tướng Givral vì khoảng thời gian ông thường lui tới.
"Phạm Xuân Ẩn từng ngồi đây và ngắm cảnh, hằng ngày. Đây từng là điểm nóng trong chiến tranh," cô Trang, người đã dựng một trang web và trang Facebook như là một phần của cuộc đấu tranh bảo vệ ngôi nhà với những căn hộ mang phong cách Art Deco. "Nó là ngôi nhà đẹp và tràn đầy ý nghĩa," cô nói.
Những cư dân của khu Eden từng chứng kiến những cảnh từ cuốn phim năm 2002 dựng từ tiểu thuyết của Greene, Người Mỹ Thầm Lặng, được quay ở dưới quảng trường, họ là những nạn nhân mới nhất của công cuộc phát triển với tốc độ cao đang xảy ra trong thời điểm thành phố đã vượt qua một thập niên với mức tăng trưởng cao. Toà nhà cao nhất Việt Nam, cao ốc 68 tầng Bitextco, vừa hoàn tất gần đây nhưng một số người cho là nó không khả thi. Bụi bặm từ những công trường xây dựng là một trong những yếu tố ô nhiễm không khí trong nhiều thành phố.
Nhiều ngôi nhà cổ bị quên lãng trong thành phố giờ đây là những nhà hàng và quán rượu chuyên phục vụ cho giới trung lưu ngày càng đông của thành phố cũng như giới Việt kiều. Nhà hàng Pháp hạng nhất Camargue và Vasco, một quán rượu nổi tiếng, đã mở cửa tại mội ngôi nhà lớn với sân vườn khoảng 10 năm trước. Nhưng cả hai đã phải dời đi trước viễn cảnh chắc chắn bị đập phá ba năm trước. Vasco đã chuyển đến một ngôi nhà cổ khác từng được dùng như nhà máy chế biến thuốc phiện trong thời kỳ Pháp thuộc.
Khu Chợ Lớn của Quận 5 cũng đã mất đi nhiều khu vực buôn bán cũ trong những năm gần đây và chỉ còn lại một khu phố giờ đây được xem như là "phố cổ". Nhiều nhà cửa được xây bởi các thương gia người Hoa cũng chịu chung số phận của các ngôi nhà thời thuộc địa.
Mark Bowyer, chủ một công ty du lịch người Úc làm việc ở Việt Nam trong những năm đầu 1990 khi nền kinh tế vừa mở cửa sau nhiều năm trì trệ bởi sự quản lý của nhà nước, vừa qua đã hoàn thành một nhà triển lãm ảnh chụp một số căn nhà lịch sử của thành phố đang bị đe doạ bởi cơn sóng xây dựng.
"Những năm gần đây Sài Gòn đã trở nên đặc biệt tuyệt vọng," ông nói. "Khu văn phòng lớn đầu tiên được xây giữa những năm 1990. Trong năm năm qua đã có một động thái thật sự nhằm quét sạch kiến trúc thuộc địa với những ngôi nhà vốn đã tạo ra tính khác biệt và hấp dẫn của thành phố."
Ý kiến của người dân Thành phố Hồ Chí Minh thì khác nhau. Nhiều người cũng dè dặt khi lên tiếng chống lại chính quyền vốn nổi tiếng là không khuyến khích tự do ngôn luận. Người dân nói chung không muốn nói đến chính trị, nhưng đa số thừa nhận rằng khi có những nỗ lực nhằm chống lại chính quyền, chính quyền hầu như luôn luôn thắng. "Anh không thể chống lại chính quyền, thế thôi," cô Trang nói, cô đã cùng mẹ mình chuyển đến một căn hộ mới vào năm 2003, mặc dù gia đình cô vẫn giữ căn hộ ở khu Eden để cho thuê.
Những người khác, đặc biệt là giới trẻ, có vẻ thoải mái hơn. Lê Thị Mỹ Uyên, 22 tuổi, được tôi phỏng vấn trên đường Nguyễn Huệ gần khu Eden nói: "Chúng ta không thể sống thiếu lịch sử." Nhưng cô cũng thú nhận rằng địa điểm ưa chuộng của cô là trung tâm mua sắm được xây bởi Vincom đã thay chỗ cho khu nhà thuộc địa cũ: "Tôi thích cùng bạn bè ngắm nghía các cửa hàng. Tôi cũng đến đó để uống cà phê hoặc chơi bowling."

Tổng số lượt xem trang