Siêu Cường Chân Đất
Trung Quốc Giữa Danh và Thực...
Tết nhất đến nơi rồi, nếu cứ viết chuyện nhức đầu mãi thì hơi ác với độc giả. Vì vậy, xin có một bản tin vui trước đã.... Ngày 19 tháng Giêng, khi Chủ tịch Hồ Cẩm Đào chuẩn bị vào dự quốc yến do Tổng thống Barack Obama khoản đãi thì cảnh sát tại Florida lại loan một tin lạ, cứ như truyện ngụ ngôn.
Có năm tên trộm kia, thuộc loại choai choai, đã đột nhập vào một nhà nọ ở thị xã ven hồ Silver Springs Shores và đánh cắp được một cái hũ bạc. Về nhà, các cậu hít lấy hít để vì tưởng là bạch phiến hay á phiện. Sau mới biết là lầm nên quăng hũ xuống hồ để phi tang. Nào ngờ cảnh sát vẫn tìm ra và tóm trọn ổ cả năm thiếu nhi với tang vật của nhiều vụ ăn trộm trước đó.
Chi tiết lạ là hũ bạc này không đựng bạch phiến mà giữ tro cốt của ông chủ cùng hai con chó vĩ đại, giống Great Dane. Truyện ngụ ngôn là "trầm hương mà cứ tưởng củi mục".
Người viết thì tai ngược nghĩ đến thời sự mà cho rằng có khi cảnh sát muốn gửi tới Hồ Chủ tịch một lời nhắn. Đám ngũ tinh kia - với lá cờ năm sao - đánh cắp tư bản chủ nghĩa mà tưởng là phê vì sớm dẫn chúng lên cõi Xuân Tuyền, cuối cùng thì đành trút cả xuống hồ Động Đình...
Cứ suy như vậy mà xem.
***
Bây giờ đến chuyện nhức đầu...
Nhân thượng đỉnh Mỹ-Hoa, một số lý thuyết gia vội kết luận về sự lớn mạnh của Trung Quốc.
Thật ra, Tổng thống Barack Obama cũng không nói khác, theo ngôn ngữ ngoại giao của ông tại cuộc họp báo hơn một tiếng đồng hồ ngày 19 bên cạnh Hồ Cẩm Đào. Hoa Kỳ là siêu hạng về kỹ thuật nhưng cuộc họp báo lại có nhiều trục trặc máy móc về việc phiên dịch, dịch lệch, dịch sai hoặc im lặng vô tuyến, v.v... Nhờ đó ông Hồ Cẩm Đào có thể lăng ba vi bộ để khỏi trả lời mấy câu nhạy cảm và ông Obama chứng tỏ sự nhanh trí đầy duyên dáng. Nhưng đấy là tiểu tiết.
Chuyện lớn là các nhà lý luận Mỹ lại nhân dịp này ngợi ca Trung Quốc.
Nổi bật là Giáo sư Francis Fukuyama trong bài viết hôm 17 trên nhật báo Financial Times ("U.S. Democracy Has Little to Teach China"), được một bình luận gia của tuần báo lá cải Time xào lại. Gọi tờ Time là báo lá cải thì hơi kỳ, nhưng xin cứ đọc vài ba số thì quý độc giả sẽ biết.
Ông Fukuyama nổi tiếng là nhà tư tưởng đã ngợi ca "sự cáo chung của lịch sử" khi Liên bang Xô viết tan rã hai chục năm trước. Ông lạc quan tin rằng từ nay cả thế giới sẽ theo đuổi kinh tế thị trường và chính trị dân chủ. Thiên hạ sẽ đồng quy vào một mối - mọi chuyện đều nhàm - trong bàn tay dìu dắt của Hoa Kỳ sau khi tư bản cả thắng chủ nghĩa phát xít và chủ nghĩa cộng sản ... Bây giờ, cũng Fukuyama thì lại có vẻ xét lại. Trung Quốc mới nắm bí quyết thần diệu vì đối phó rất nhanh với nạn tổng suy trầm, trong khi nền dân chủ Hoa Kỳ lại đắn đo chậm lụt.
Nhiều nhà bình luận trên các tờ New York Times (NYT) hay Washington Post cũng hoà điệu với lập luận đó, khiến Chủ tịch Hồ Cẩm Đào, báo chí tạiTrung Quốc và thậm chí ở cả Việt Nam, đều thấy sướng rêm mé đìu hiu. Chuyến Mỹ du thành công mỹ mãn và mô thức phát triển của Trung Quốc trở thành khuôn vàng thước ngọc.
Lũ trẻ vừa vồ được cái hũ bạc....
***
Nhân đây, phải công bằng nói thêm rằng bình luận gia Paul Krugman của tờ NYT lại là tiếng cú - mượn chữ của Võ Phiến - hoàn toàn lạc điệu vì báo hiệu nhiều chuyện không hay cho Trung Quốc.
Giáo sư Krugman là kinh tế gia xuất sắc nhưng từ mươi năm nay lại thành nhà bình luận quá thiên tả và thiên lệch sau khi rời tờ báo điện tử Slate mà viết cho tờ NYT. Khâm phục ông từ hai chục năm trước, khi Krugman còn rất trẻ, ngày xưa người viết không bỏ qua cuốn sách hay bài viết nào của ông trên mặt báo. Sau này thì dội và chẳng muốn đọc nữa. Nhiều người bạn Mỹ, trong đảng Dân Chủ, cũng thấy như người viết.
Nhưng tuần qua, Krugman nói ngược với đa số cánh tả và trình bày rất đơn giản, nôm na những lý do kinh tế khiến Trung Quốc không đáng phục. Một vụ khủng hoảng vẫn có thể bùng nổ vào thời điểm này thì thật đáng tiếc. Hơn hai chục năm trước, Krugman cũng nói như vậy về phép lạ kinh tế của các rồng cọp Đông Á: chả có gì là kỳ diệu mà sẽ bị khủng hoảng. Quả nhiên là Đông Á bị vụ khủng hoảng 1997-1998...
Quý độc giả tò mò thì có thể tìm đọc bài "China Goes to Nixon" của Paul Krugman trên tờ NYT số ra ngày 20 tháng Giêng. Với giới trẻ tại Việt Nam, có lẽ Giáo sư Krugman là thần tượng - ông đã tới Việt Nam nói chuyện với họ - bây giờ, họ nên đọc thêm để thấy ra... Hà Nội cũng dùng những liều thuốc đổ bệnh về kinh tế như Trung Quốc.
***
Bây giờ nói chuyện tương lai...
Là người nghiên cứu kinh tế ưa nói ra mặt trái lịch sử, văn hoá và chính trị Trung Quốc trong mối quan hệ với Việt Nam, người viết tiếp tục trình bày những lý do kinh tế giải thích nguy cơ khủng hoảng của xứ này. Sau khi Hồ Cẩm Đào được một số người thổi lên mây xanh thì càng nên viết vì e rằng - sự đã rồi - lãnh đạo Hà Nội vẫn coi mô thức và chiến lược phát triển của Trung Quốc mà mẫu mực.
Trước hết là một bài học thường thức về tương quan kinh tế.
Người ta quá đơn giản hóa mọi chuyện mà so sánh thành tích kinh tế của Trung Quốc và Hoa Kỳ để ngợi ca lãnh đạo Bắc Kinh.
Lấy thời điểm gốc là từ khi Trung Quốc bắt đầu cải cách năm 1979 cho tới 2010, trong ba chục năm qua, trung bình hàng năm thì một người dân Mỹ sản xuất thêm hàng hóa và dịch vụ trị giá từ 25.000 Mỹ kim lên tới 42.000. Bước nhảy vọt là từ năm 1992 đến 2008. Trong cùng giai đoạn ấy, sức sản xuất một người dân Hoa lục đã từ gần số không lên tới hơn 2.800 Mỹ kim. Từ ngang mặt cỏ mà lên tới gần ba ngàn đô thì quả là kỳ diệu - cho lịch sử Trung Hoa. Nhưng khó là mẫu mực cho mọi quốc gia, nhất là các quốc gia đã bước qua một hình thái kinh tế khác, kể cả Nhật Bản, Nam Hàn hay Đài Loan là những nền kinh tế đã đạt những thành tựu đó từ mấy chục năm về trước.
Nói theo người Mỹ, sự sai lầm là khi so sánh quả cam với quả táo.
Thật ra, với mọi hoạn nạn trong mấy năm qua Hoa Kỳ vẫn có sản lượng kinh tế lớn hơn kết số của Trung Quốc và Nhật Bản, là hai nước hạng nhì và hạng ba. Và nói về mức độ tự do kinh tế thì Trung Quốc đứng hạng 135 trong 179 nước vừa được khảo sát năm qua.
Một khía cạnh thứ hai cần nhắc tới, nền dân chủ Mỹ đã xoay trở rất nhanh. Sau khi dồn phiếu cho đảng Dân Chủ qua hai kỳ bầu cử 2006 và 2008 mà thấy là không được việc, dân Mỹ lập tức đổi ý và bỏ phiếu cho đảng Cộng Hoà. Nếu đảng này làm không nên chuyện thì sẽ lại thất cử vào kỳ tới. Trong bốn năm, chính trường Mỹ đổi thay tới chóng mặt, rồi sau khi áp dụng giải pháp bao cấp cực tả, dân Mỹ cho lãnh đạo cơ hội thử nghiệm giải pháp khác. Trong giai đoạn xoay vần ấy, tất cả đều công khai hóa và được ghi nhận để kiểm chứng, phê phán.
Hệ thống chính trị Trung Quốc thì không thể có khả năng biến báo trong minh bạch như vậy. Tất cả chỉ là sự đồng thuận mờ ảo và mờ ám, và Chủ tịch Hồ Cẩm Đào chỉ là phát ngôn viên của nhiều phe nhóm kinh tế hay thế lực chính trị trong đảng Cộng sản. Bảo rằng xứ này đã xoay trở và đối phó nhậm lẹ hơn Hoa Kỳ thì chỉ chứng minh là mình không nhìn ra cái mặt tối bị che khuất bên trong.
***
Sang đến chuyện nay mai, khi Chủ tịch Hồ Cẩm Đào nâng ly đáp lễ Tổng thống Hoa Kỳ tại toà Bạch Cung thì Cục Thống kê Quốc gia ở nhà công bố những dữ kiện kinh tế của Trung Quốc trong năm 2010 vừa kết thúc.
Vô cùng bức xúc.
Trong năm 2010, kinh tế Trung Quốc đạt mức tăng trưởng huy hoàng là 10,3%, cao nhất kể từ năm 2007 là khi tốc độ gia tăng sản lượng lên tới gần 12%. Nghĩa là sau ba năm vất vả, Trung Quốc có thể trở lại thời vàng son trước vụ tổng suy trầm 2008-2009. Nhưng năm nay có còn được như vậy hay không? Nhiều phần là không.
Chuyện đáng chú ý là sức đẩy của xuất cảng, năm qua tăng hơn 31% và lên tới một ngàn gần 600 tỷ đô la. Nhưng trong năm tới, đà gia tăng chỉ còn là 10%: các nền kinh tế tiên tiến đã tiếp nhận hàng xuất cảng của Trung Quốc đều đang tiết kiệm nhiều hơn và tiêu xài ít hơn. Đó là về chu kỳ, những biến chuyển thăng giáng định kỳ.
Về cơ cấu sản xuất, hệ thống Trung Quốc đang ở vào khúc quanh. Tỷ trọng của xuất cảng đã giảm, lượng nhập cảng vẫn tăng, và trong sản xuất, các ngành chế biến lại suy giảm dần trước sự bành trướng của dịch vụ và tài chánh ngân hàng. Từ năm nay trở đi, Trung Quốc sẽ càng lệ thuộc vào việc nhập cảng nguyên nhiên vật liệu để duy trì sản xuất, trong khi lại gây mâu thuẫn với các đối tác kinh tế về chuyện xuất cảng.
Thứ hai, Trung Quốc đối phó với nguy cơ suy trầm là qua tín dụng và đầu tư, chủ yếu là đầu tư trong khu vực nhà nước bằng bội chi ngân sách. Đa số tín dụng thì trút vào khu vực gia cư và thổi lên bong bóng đầu cơ mà Trung ương tại Bắc Kinh khó đỡ được. Họ lấy những quyết định khiến lạm phát gia tăng mà quốc tế và quốc gia chưa thể ngăn ngừa nổi.
Thứ ba, nội bộ Trung Quốc đã có sự bất nhất về chiến lược kinh tế giữa các tỉnh duyên hải hay đảng bộ địa phương vẫn đòi tăng trưởng tối đa với nhu cầu đối nghịch là phải kềm hãm vật giá để tránh lạm phát. Mà cái thước đo lường mức lạm phát lại là khí cụ không đáng tin nên sức ép về giá cả thực tế lại còn trầm trọng hơn thế.
Nói lại cho gọn, Trung Quốc lâm thế kẹt giữa hai yêu cầu trái ngược là phải tăng trưởng mà lại cần ổn định vật giá, trong một mớ bòng bong về quyền lợi kinh tế và quyền lực chính trị. Xin nói lại cho rõ: lãnh đạo Bắc Kinh chết kẹt giữa yêu cầu mâu thuẫn của doanh nghiệp nhà nước và các đảng bộ địa phương nên càng khó ổn định vật giá và đẩy lui nhiều bất trắc muôn mặt.
Vì vậy, năm 2011 này Trung Quốc sẽ gặp nhiều biến động mà lãnh đạo không thể ngăn nổi. Siêu cường kinh tế này là một anh khổng lồ có đôi chân bằng đất sét. Mềm oặt và dễ sụt. So sánh với kinh tế Hoa Kỳ thì chẳng có gì là đáng tự hào để mơ hồ nói tới thế lực của Trung Quốc. Còn chán cơ hội trở lại chuyện bật đồng giữa danh và thực...