Thứ Bảy, 1 tháng 1, 2011

Tình hình chính trị Việt Nam : dầu sôi lửa bỏng


 NHẬN ĐỊNH TỔNG QUÁT TÌNH HÌNH ĐẤT NƯỚC

Sau khi thống nhất đất nước năm 1975, Việt Nam mở đầu trang sử mới bằng một giai đoạn lịch sử khó khăn và đau thương. Từ khi đổi mới kinh tế và bãi bỏ chế độ bao cấp đến nay, tình hình đất nước đã cải thiện với nền kinh tế tăng trưởng đáng kể. Tuy nhiên, với sự phát triển thiếu đồng bộ, thực trạng Việt Nam vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề cơ bản mà đáng lẽ đã phải được giải quyết. Vấn đề cơ bản đó chính là “lỗi hệ thống” hay cơ chế chính trị bất cập mà người dân, trí thức và cả giới chức đã nhận diện và lên tiếng yêu cầu cải tổ. Việt Nam cần tháo gỡ lỗi hệ thống đó để mở đường cho các cải cách cần thiết và giải quyết các vấn đề chính trị, xã hội còn tồn tại dai dẳng. Nhưng để các cải cách đó thành công, quyết tâm chính trị thúc đẩy bởi lòng yêu nước với tinh thần dân chủ là điều kiện không thể thiếu.

Các vấn đề chính trị xã hội còn tồn tại
Các vấn đề chính trị xã hội ở Việt Nam trong một phần tư thế kỷ qua có thể được gọi vắn tắt là các vấn đề của một cơ chế lạm quyền, tham nhũng, bất công. Những vấn đề ấy bắt nguồn từ căn nguyên là một cơ chế chuyên quyền, vi phạm nhân quyền có hệ thống. Và cơ chế đó vẫn còn tồn tại dai dẳng dù đã bị phê phán là bất cập, sai phạm, trục lợi cho một thiểu số bất kể tai hại cho xã hội.
Về kinh tế, định hướng lấy kinh tế quốc doanh làm chủ đạo đã tạo ra lạm quyền trục lợi, bẻ cong sự phát triển của nền kinh tế thị trường, gây ảnh hưởng nặng nề đến quản lý kinh tế vĩ mô. Doanh nghiệp nhà nước đóng góp ít vào tăng trưởng kinh tế nhưng lại nhận nhiều đặc quyền đặc lợi, gây bất công, đình trệ kinh tế quốc gia, kìm hãm sự phát triển của khối doanh nghiệp tư nhân, và là một nguyên nhân dẫn đến tình trạng cách biệt giàu nghèo nghiêm trọng. Nợ nước ngoài và thâm thủng mậu dịch đã và đang gia tăng không ngừng, khiến nền kinh tế bị suy yếu. Lạm phát gia tăng bất thường làm tăng đói nghèo, gây khó khăn hơn cho cuộc sống của người dân và cả các doanh nghiệp. Đình công tiếp tục leo thang chứng tỏ quyền lợi của công nhân chưa được bảo vệ thỏa đáng.
Nhiều vấn đề quan trọng của quốc gia cho đến nay vẫn chưa được giải quyết đúng đắn. Tham nhũng và thiếu minh bạch về tài chính nhà nước gây thất thoát tài sản quốc gia nghiêm trọng. Quốc nạn tham nhũng không những không được đẩy lùi mà còn được bao che. Nhiều chủ trương không hợp lòng dân mà vẫn được nhà nước tiến hành như vụ khai thác bauxite Tây Nguyên hoặc dự án xây nhà máy điện hạt nhân ở tỉnh Ninh Thuận. Thái độ lập lờ, thiếu nhất quán trước đây của lãnh đạo nhà nước trong vấn đề phân định lãnh thổ vùng biên giới và bảo vệ chủ quyền ở biển Đông gây bất bình trong dư luận. Vấn đề giao hảo trong ý thức hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc là lợi thế cho Trung Quốc lấn chiếm biển Đông. Lãnh đạo Việt Nam cần nhanh chóng dứt khoát đứng về phía nhân dân, cùng với nhân dân bảo vệ đất nước và chủ quyền dân tộc.
Hệ thống giáo dục – đào tạo ở Việt Nam đã và đang lâm vào khủng hoảng, cần cải tổ sâu rộng. Cơ chế nhà nước bất cập và bất công đã không thu hút được người tài và cũng không cải tổ cho phù hợp với đòi hỏi của xã hội. Còn nhiều những vấn nạn khác do lạm quyền đã diễn ra lâu nay mà dường như chỉ trở nên thêm trầm trọng, như vấn đề thu hồi đất đai không bồi thường đúng mức, hay nhiều vụ công an đánh bắt người trái phép mà người dân không biết dựa vào đâu để tìm công lý.
Bất công xã hội vẫn đang là một vấn đề nhức nhối. Cuộc sống giữa thành thị và thôn quê, giữa người giàu và người nghèo chênh lệch khá lớn. Dù nền kinh tế đã phát triển khá hơn nhưng đại đa số người dân chỉ được hưởng một phần nhỏ trong tổng tài sản của cả nước, trong khi đó phần lớn tài sản quốc gia thuộc về thiểu số giàu có và quyền thế. Cho đến nay, chiều hướng gia tăng khoảng cách giàu nghèo trong xã hội vẫn chưa có dấu hiệu thuyên giảm.
Biểu hiện của xã hội bất công còn là sự can thiệp và điều khiển của nhà nước đối với các sinh hoạt tôn giáo, là sự áp đặt của nhà nước về quan điểm và cách sống trong xã hội, là phân biệt đối xử trong chính sách công giữa người trong và ngoài đảng cầm quyền, giữa những cá nhân làm việc cho nhà nước và những doanh nhân và người lao động tự do, giữa người dân thành thị và người nhập cư ngoại tỉnh.
Mục tiêu xây dựng xã hội công bằng, dân chủ vẫn chỉ là những hô hào, quy định trên giấy, dù đất nước đã thống nhất gần bốn thập kỷ. Trong thể chế một đảng, hiển nhiên, nói tạo dựng xã hội công bằng đã là mâu thuẫn, không thực tế và không thể thực hiện được.
Muốn có xã hội công bằng, trước hết phải tạo dựng xã hội dân chủ. Việt Nam ngày nay chưa thể được coi là nhà nước dân chủ pháp quyền, khi nhân quyền chưa được tôn trọng; khi hiến pháp vẫn chỉ là pháp lý áp đặt của một đảng; khi tòa án, báo chí, các lực lượng vũ trang và các tổ chức xã hội vẫn là những cơ quan của đảng cầm quyền.
Đất nước không thể có công bằng dân chủ khi bầu cử áp đặt và chiếu lệ vẫn diễn ra, khi các chính đảng khác với đảng cầm quyền còn bị cấm đoán và đàn áp, khi những người yêu nước đã và đang tiếp tục bị tù đày hay trù dập trong hệ thống nhà nước chỉ vì quan điểm chính trị khác biệt.
Tháo gỡ lỗi hệ thống: thực thi bầu cử công bằng và thông qua Hiến pháp của toàn dân
Những vấn đề còn tồn đọng dai dẳng như đã nêu trên không phải không được biết đến. Từ người dân bình thường đến các trí thức và cả giới chức lãnh đạo đều đã thấy và lên tiếng từ lâu nay. Nhưng tại sao các vấn đề đó vẫn chưa được giải quyết? Đó là vì lãnh đạo nhà nước thiếu tinh thần dân chủ, vẫn né tránh công bằng xã hội, không thẳng thắn giải quyết tận gốc một nguyên nhân cốt lõi: vấn đề cơ chế, “lỗi hệ thống” của cơ chế chính trị lâu nay tại Việt Nam. Cần nhấn mạnh rằng “lỗi hệ thống” đó chính là cơ chế chính trị không hợp cách, không chịu trách nhiệm trước nhân dân!
Hiến pháp và Quốc hội là những trụ cột của xã hội công bằng và quốc gia vững mạnh. Thế nhưng tại Việt Nam, các trụ cột này vẫn chưa được nhân dân đồng thuận thông qua hoặc bầu ra qua thủ tục bầu cử tự do và công bằng, mặc cho nhân dân khắp nơi lên tiếng chỉ trích những sai phạm có hệ thống đó. Đây là nguồn gốc cơ bản của những vấn đề lớn tại Việt Nam từ lâu nay mà các giới chức gọi là “lỗi hệ thống”.
Với “lỗi hệ thống” tồn tại đã quá lâu, Việt Nam cần phải làm gì? Hiển nhiên, không có lý do chính đáng nào để trì hoãn lâu hơn được nữa và những vấn đề khó khăn hiện nay chỉ có thể được giải quyết bằng cách tháo gỡ lỗi hệ thống. Việt Nam cần mạnh dạn và nhanh chóng ra khỏi cơ chế bất cập đó trước khi có thể nói đến việc xây dựng nhà nước pháp quyền hay cơ chế nhà nước minh bạch, điều mà cả xã hội đang mong đợi. Nên tin rằng hai vấn đề căn bản nhất thiết phải được đáp ứng: thực hiện bầu cử tự do, công bằng, minh bạch để Quốc hội được hợp thức; và phúc quyết thông qua một bản Hiến pháp của toàn dân để bắt đầu xây dựng cơ chế nhà nước minh bạch hầu đáp ứng mục tiêu xã hội công bằng.
Thực tế tại Việt Nam, đến nay đã gần 4 thập kỷ từ khi thống nhất đất nước nhưng cả nước vẫn chưa có tổ chức bầu cử công bằng. Bất cứ nhà nước nào cũng cần phải có uy tín đối với người dân trong và ngoài nước, nên điều rất quan trọng là Việt Nam phải có một Quốc hội và Chính phủ hợp thức của dân, được bầu lên thông qua thủ tục bầu cử tự do, công bằng, minh bạch.
Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất trong cơ chế Nhà nước, đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân. Thế nhưng ở Việt Nam từ lâu nay các đại biểu Quốc hội chưa hề đắc cử thông qua thủ tục bầu cử tự do, công bằng mà chỉ do đảng cầm quyền đề cử và hợp thức hóa bằng hình thức bỏ phiếu áp đặt, chiếu lệ. Chế độ “đảng cử dân bầu” trong cơ chế nhà nước một đảng không phản ánh bầu cử trung thực hay nguyện vọng của người dân. Đó là lý do vì sao chính quyền tại Việt Nam lâu nay không được người dân cả trong và ngoài nước tôn trọng hay tuyệt đối tôn trọng. Đó là thực trạng một chính quyền cầm quyền mà không được lòng dân, không thực sự của dân.
Tương tự, Việt Nam cần sớm thông qua một Hiến pháp chính danh để bắt đầu xây dựng nhà nước pháp quyền và cơ chế nhà nước minh bạch. Hiến pháp chính danh là Hiến pháp được nhân dân phúc quyết thông qua, như đã quy định trong Hiến pháp đầu tiên năm 1946. Các Hiến pháp 1959, 1980 và 1992 không chính danh vì tất cả đều không được nhân dân phúc quyết. Đất nước cần có một Hiến pháp chuẩn mực trước khi nói đến chuyện xây dựng nhà nước pháp quyền hay cơ chế nhà nước minh bạch. Hiến pháp là đạo luật cơ bản của quốc gia, chế định những nguyên tắc về thể chế chính trị, những quyền cơ bản của công dân, làm nền tảng thiết yếu cho việc xây dựng các thiết chế đó.
Quyết tâm chính trị, lòng yêu nước và tư duy dân chủ
Xét rằng toàn dân tộc đang tha thiết mong muốn cho đất nước có một nhà nước pháp quyền và xã hội công bằng. Thế nhưng, dù lãnh đạo là những người yêu nước nhưng thiếu tinh thần dân chủ và thiếu cả tinh thần dân tộc thì mong muốn đó sẽ không bao giờ thành hiện thực.
Nước Việt Nam không của riêng ai, mà của tất cả người Việt Nam. Cho nên không một lực lượng chính trị nào có quyền áp đặt cách yêu nước, hoặc quy định yêu nước là phải yêu xã hội chủ nghĩa hay bất cứ thứ chủ nghĩa nào khác. Yêu nước là bao dung đối với các khác biệt trong cùng một đất nước và đoàn kết trên tinh thần bao dung đó. Trong khi Việt Nam đã hòa giải và bang giao với tất cả các nước cựu thù dù xa hay gần, nhưng giữa người Việt với người Việt vẫn còn phân hóa, bất hòa vì các lãnh đạo lâu nay chưa thực sự muốn hòa hợp dân tộc. Hòa hợp dân tộc chỉ có thể thực hiện trên nguyên tắc bình đẳng, khi các lãnh đạo thành tâm xin lỗi, thừa nhận những sai lầm trong chính sách phân biệt và ngược đãi khiến hàng triệu người dân phải khốn khổ.
Với nguyện vọng đoàn kết dân tộc, đã đến lúc Việt Nam cần đối xử bình đẳng với những người đã hy sinh trong cuộc chiến ở cả hai miền Nam Bắc, không nên tiếp tục phân biệt các nghĩa trang quân đội, những gia đình liệt sĩ, thương binh và cựu chiến binh. Các lãnh đạo cần thể hiện trách nhiệm với đồng bào trong nước cũng như đáp ứng nguyện vọng của đồng bào ở hải ngoại. Lãnh đạo nói yêu nước mà không hòa hợp dân tộc thì lòng yêu nước chưa đủ lớn và đất nước sẽ còn mãi những bất hòa, chia rẽ. Lãnh đạo mà có tinh thần dân tộc thì xã hội sẽ không rơi vào tình trạng phân hóa, bất hòa đến ngày hôm nay.
Về tư duy dân chủ, lãnh đạo có tinh thần dân chủ thì xã hội mới có thể tiến đến bầu cử công bằng và xây dựng hiến pháp dân chủ. Các thiết chế dân chủ chỉ là điều kiện cần, tinh thần dân chủ mới là điều kiện đủ để thực tâm thực thi các thiết chế đó nhằm kiến tạo một xã hội hài hòa và phát triển. Biểu hiện của lãnh đạo thiếu tinh thần dân chủ là không đáp ứng nguyện vọng của nhân dân, thiếu tinh thần trách nhiệm, phân hóa thay vì hòa hợp hay đoàn kết dân tộc.
Xét rằng yêu nước là truyền thống, là bản sắc của dân tộc Việt Nam. Dân chủ thực sự là cần thiết để có xã hội công bằng, cho sự phát triển bền vững và ngăn chặn lạm dụng, chuyên quyền. Tiếp tục hô hào xây dựng xã hội công bằng, dân chủ mà không sửa lỗi hệ thống thì cũng chỉ là nói suông. Cho nên, kết hợp lòng yêu nước với tinh thần dân chủ, Việt Nam sẽ thoát khỏi tình trạng độc tôn, hận thù và xóa bỏ phân hóa, bất hòa. Có như vậy, đất nước mới có thể phát triển toàn diện và người Việt Nam sẽ hãnh diện có một chính phủ đúng nghĩa của dân, do dân, vì dân.

------------

Mời tham khảo thêm:
ĐỊA VỊ PHÁP LÝ CỦA KHÁI NIỆM BIỂU TÌNH TRONG PHÁP LUẬT VIỆT NAM
Luật gia Trần Đình Thu
Khái niệm “biểu tình” đã được các nhà làm luật Việt Nam đưa vào Hiến pháp từ rất lâu. Hiến pháp năm 1959, 1980, 1992, đều có đưa ra khái niệm biểu tình và Quốc hội đều thông qua:

Hiến pháp 1959:
Điều 25
Công dân nước Việt Nam dân chủ cộng hòa có các quyền tự do ngôn luận, báo chí, hội họp, lập hội và biểu tình. Nhà nước bảo đảm những điều kiện vật chất cần thiết để công dân được hưởng các quyền đó.

Hiến pháp năm 1980:
Điều 67
Công dân có các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do hội họp, tự do lập hội, tự do biểu tình, phù hợp với lợi ích của chủ nghĩa xã hội và của nhân dân.
Nhà nước tạo điều kiện vật chất cần thiết để công dân sử dụng các quyền đó.
Không ai được lợi dụng các quyền tự do dân chủ để xâm phạm lợi ích của Nhà nước và của nhân dân.

Hiến pháp năm 1992: 

Điều 69
Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí; có quyền được thông tin; có quyền hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật.
Hiến pháp là cái vòng tròn lớn nhất khoanh vùng giới hạn tối đa về pháp lý. Trong vòng tròn lớn này, sẽ có những vòng tròn nhỏ khoanh vùng cụ thể. Lấy thí dụ vấn đề biểu tình, khi Hiến pháp công nhận công dân có quyền đó, thì các văn bản dưới Hiến pháp như Luật, Nghị định, Thông tư… sẽ cụ thể hóa việc thực thi thế nào. Chẳng hạn sẽ quy định về thời gian tối đa cho một cuộc biểu tình, địa điểm biểu tình, thủ tục xin phép biểu tình… Nếu công dân làm việc gì vượt ra ngoài các vòng tròn nhỏ nhưng vẫn ở bên trong “vòng tròn lớn” – “vòng tròn hiến pháp” thì sẽ bị coi là làm không đúng quy định chứ không phải là phạm pháp. Khi đó công dân chỉ có thể bị xử phạt, bị tạm đình chỉ, đình chỉ hành vi… để điều chỉnh cho đúng quy định chứ không thể bị bắt giam, bị truy tố. Chỉ khi nào vượt ra ngoài “vòng tròn hiến pháp” thì mới bị coi là phạm pháp. Chẳng hạn như Hiến pháp 1946 không công nhận quyền biểu tình cho công dân, thì hành vi biểu tình khi đó là phạm pháp.
Tuy vậy, từ khi Hiến pháp công nhận quyền biểu tình của công dân vào thời điểm tháng 12 năm 1959 cho đến nay, chúng ta chưa hề có một văn bản dưới Hiến pháp nào về biểu tình được ban hành. Như vậy thì chỉ mới có cái “vòng tròn lớn”. Vậy thì quyền biểu tình của công dân sẽ như thế nào đây?
Thực ra thì các quy định pháp luật cụ thể bao giờ cũng phải chạy theo sau đời sống xã hội, chứ không thể quy định trước cho công dân làm theo. Thí dụ quyền tự do cư trú của công dân có từ Hiến pháp 1946 nhưng mãi đến 2006 chúng ta mới ban hành Luật cư trú. Trong suốt quá trình đó, vấn đề tự do cư trú của công dân vẫn được tôn trọng, dù chưa rõ ràng minh bạch như sau khi có Luật cư trú. Vì một số lý do mà trong đó căn bản là cuộc sống chưa đòi hỏi một cách thật cấp bách, thì các văn bản dưới Hiến pháp chưa được ban hành nhưng quyền mặc định trong Hiến pháp vẫn có thể được thực thi một cách căn bản nhất mà không bị coi là phạm pháp.
Trở lại với quyền biểu tình. Thực sự thì nhu cầu chỉ mới xuất hiện một cách cấp thiết kể từ khi nảy sinh vấn đề Hoàng Sa – Trường Sa. Dù khái niệm có từ rất lâu, nhưng không hiện diện trong đời sống nên nó đâm ra xa lạ, thậm chí “nhạy cảm”. Thật buồn cười khi mà quốc hội đã gật đầu thông qua nhẹ nhàng (dường như không có tranh cãi về vấn đề này trong nghị trường) thì trong đời sống lại coi nó như “người ngoài hành tinh”. Thậm chỉ người ta còn đi tìm những từ đồng nghĩa (tụ tập) để thay thế cho từ “biểu tình”. Tuy nhiên có lẽ đó chỉ là những “cú sốc pháp lý” ban đầu mà thôi. Tôi nghĩ chừng một thời gian rất ngắn nữa, báo chí chính thống sẽ chính thức dùng nó. Tại sao lại có thể không dùng từ “biểu tình”, khi mà nó được ghi sờ sờ trong 3 văn bản Hiến pháp liên tục từ mấy chục năm nay?
Biểu tình chắc chắn sẽ trở thành một hiện tượng bình thường trong đời sống của xã hội chúng ta đang ngày càng văn minh hơn.
T.Đ.T

Tổng số lượt xem trang