Thứ Sáu, 7 tháng 1, 2011

Trung Quốc nhiệt tình cứu châu Âu: Động cơ?

Trung Quốc nhiệt tình cứu châu Âu: Động cơ? (kỳ 1) (Đất Việt)-Trong chuyến công du Liên minh châu Âu (EU) đang diễn ra, Phó thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tuyên bố sẽ giúp EU giải quyết các khó khăn kinh tế. Tuy nhiên, Bắc Kinh không vô tư hỗ trợ nên cái giá mà EU phải trả sẽ không hề rẻ.
>>  Trung Quốc vươn tay tới châu Âu

Ông Lý tuyên bố, Bắc Kinh sẽ hỗ trợ EU xử lý cuộc khủng hoảng nợ công bằng cách tăng mạnh đầu tư  vào ngành ngân hàng, năng lượng, giao thông và viễn thông châu Âu... Đổi lại, “Trung Quốc hy vọng EU sẽ nới lỏng việc xuất khẩu hàng hóa công nghệ cao sang Trung Quốc và phát triển quan hệ thương mại cân bằng, bền vững”, ông Lý khẳng định.
Tuyên bố khi đúc kết lại thì ngắn gọn như trên nhưng mục đích của Trung Quốc thì không đơn giản như vậy.
Trung Quốc sẽ tích cực hỗ trợ tài chính các nước thuộc khu vực đồng euro gặp khó khăn như Hy Lạp và Tây Ban Nha, Ireland ..
Cứu người là tự cứu mình
Trong nền kinh tế toàn cầu hóa hiện nay, hầu như không một nước nào có thể sống tự lập, tách biệt với thế giới còn lại. Tình trạng tương tự cũng xảy ra trong quan hệ EU – Trung Quốc.
Đồng euro đang suy yếu trầm trọng, kinh tế hàng loạt thành viên EU thì tụt dốc thê thảm, đứng bên bờ vực vỡ nợ…nên EU rất cần tiền. Mà hiện tại thì chẳng ai “giàu” như Trung Quốc với kho dự trữ 2,600 tỷ USD.
Hiện EU gặp khó khăn kinh tế, sức mua giảm dần nên hậu quả tất yếu là họ cũng mua ít hàng hóa từ Trung Quốc, khiến xuất khẩu - nền tảng kinh tế của Bắc Kinh - bị ảnh hưởng. Vấn nạn này càng nghiêm trọng khi biết rằng, EU hiện là bạn hàng lớn nhất của Trung Quốc, hơn cả Mỹ, với kim ngạch thương mại song phương vượt 450 tỷ USD. Do đó, EU gặp khó khăn thì sớm hay muộn, Trung Quốc cũng bị ảnh hưởng, thậm chí là rất lớn.
"Euro mà chết thì nhân dân tệ cũng băng hà". Ảnh minh họa.
Hơn nữa, sự phụ thuộc hữu cơ giữa EU và Trung Quốc sẽ tiếp tục kéo dài trong thời gian tới chứ chưa thể thay chấm dứt trong thời gian ngắn. Nguyên nhân là dù Bắc Kinh đang nỗ lực chuyển nền kinh tế từ phụ thuộc vào xuất khẩu sang tiêu thụ nội địa là chủ yếu thì đó vẫn là kế hoạch lâu dài của Bắc Kinh chứ không phải cứ muốn là làm được ngay.

Trước khi tung tiền "cứu" EU, Trung Quốc nhiều năm qua phải cho Mỹ “vay” hàng trăm tỷ USD để Washington tiếp tục mua hàng từ Bắc Kinh, qua đó nuôi sống hàng loạt nhà máy ở Quảng Đông, Thượng Hải...
Do đó, trong lúc điều chỉnh nền kinh tế về dài hạn thì trong ngắn hạn, xuất khẩu vẫn tiếp tục là động cơ chính cho tăng trưởng kinh tế Trung Quốc và EU - điểm đến hấp dẫn nhất của hàng hóa Trung Quốc - là nhân tố không thể bỏ qua.

Chưa dừng lại, dưới “vỏ bọc” là giải cứu EU, Trung Quốc còn thu lợi về mặt chính trị và ngoại giao. Đơn cử như với việc biến EU thành “con nợ”, chắc chắn là Brussels sẽ không thể tiếp tục gây sức ép mạnh mẽ như trước, hoặc chí ít là bớt cao giọng với Bắc Kinh trong việc gây sức ép nhằm tăng giá đồng nhân dân tệ.
Bên cạnh đó, Trung Quốc sẽ tận dụng cơ hội EU gặp hoạn nạn, tung tiền ra để tăng cường thâu tóm nhiều doanh nghiệp, thậm chí là cả nhiều lĩnh vực kinh tế ở châu Âu. Hiện có vô số bằng chứng cho thấy kế hoạch lớn này, như vụ Trung Quốc muốn biến cảng lớn nhất Hy Lạp là Piraeus thành cửa ngõ để họ trung chuyển hàng hóa giá rẻ vào châu Âu; hay như gần đây công ty Xinmao mon men thôn tính công ty dây cáp viễn thông Hà Lan Draka, Geely nhắm Volvo Thụy Điển…
Trung Quốc muốn biến cảng Piraeus thành điểm trung chuyển hàng vào EU.
Một mục tiêu khác của Trung Quốc khi cứu EU là đa dạng hóa kho dữ trữ trị giá 2.600 tỷ USD, một việc giống như san sẻ trứng vào nhiều rổ. Cụ thể, với việc không cho tất cả trứng (ở đây là kho dự trữ 2,600 tỷ USD) vào một rổ (trái phiếu Mỹ...), Trung Quốc có thể đa dạng hóa đầu tư tài chính, giảm sự phụ thuộc vào đồng USD, qua đó tăng tính an toàn cho kho dự trữ cũng như giảm sự phụ thuộc vào con nợ Mỹ.
Đã vậy, tranh thủ lúc EU bí tiền, Trung Quốc sẽ không cho các nước thành viên vay với lãi xuất thấp mà chắc chắn sẽ ép EU chấp nhận vay với lãi xuất cao, không “bèo bọt” như khoản vay khoảng 1.000 tỷ USD công trái Mỹ; hoặc chí ít là buộc EU phải nhượng bộ trong các vấn đề khác.
Gã khổng lồ trong ngành sản xuất ô tô Volvo giờ là của Trung Quốc.

Tạm gác chuyện “cơm áo gạo tiền” sang một bên, Bắc Kinh còn tranh thủ tìm kiếm ở châu Âu những hàng hóa giá trị hơn kinh tế đơn thuần rất nhiều. Trước hết, đó là vũ khí, mặt hàng bị EU cấm xuất sang Trung Quốc từ sau vụ Thiên An Môn năm 1989.
Mục tiêu này bắt nguồn từ việc Trung Quốc đang đầu tư rất mạnh cho quân đội để họ đủ sức bảo vệ an ninh quốc gia cũng như đạt nhiều mục tiêu khác. Hiện tiền với Bắc Kinh không phải vấn đề lớn, thậm chí là họ có nhiều; nhưng tiền không phải lúc nào cũng đi đôi với nhân lực, khoa học kỹ thuật cao.
Trong bối cảnh đó, Trung Quốc muốn biến sự tiền thành áp lực, buộc EU bãi bỏ lệnh cấm vận xuất khẩu vũ khí để đi tắt đón đầu, tiếp nhận công nghệ cao, giảm thời gian nghiên cứu hàng chục năm.
Nhìn xa hơn nữa, Trung Quốc còn muốn đẩy mạnh tiến trình mua, trao đổi, tiếp nhận công nghệ cao ngoài lĩnh vực quốc phòng từ châu Âu. Đây hiện là chủ trương lớn của Trung Quốc bởi dù là nước giàu thứ 2 thế giới nhưng trình độ khoa học, công nghệ của Bắc Kinh còn nhiều hạn chế, trong khi "kho tri thức" Mỹ từ lâu gần như ngừng chuyển giao công nghệ cho Trung Quốc vì lo sợ Bắc Kinh làm nhái, học tập rồi vượt mình và đồng minh.
Trung Quốc rất giàu nhưng còn thua xa Mỹ, EU trong nhiều lĩnh vực khoa học, công nghệ. Ảnh minh họa.
Tóm lại, tăng cường đầu tư vào châu Âu hiện là bước đi chiến lược để Trung Quốc tự tăng cường sức mạnh trong nước, mở rộng ảnh hưởng hơn nữa ra toàn thế giới, mà mục tiêu cuối cùng là tạo nền móng cho vị thế của một siêu cường đang trỗi dậy.

Vấn đề là EU đối phó thế nào với kế hoạch của Trung Quốc. Họ có thuận lợi và khó khăn gì khi "chơi" với con rồng châu Á?

>> Trung Quốc nhiệt tình cứu châu Âu: Hợp tác trong thận trọng (kỳ 2)
Trần Lâm

Tổng số lượt xem trang