-Vụ ‘OK Corral’ về kinh tế (Nguyễn Xuân Nghĩa) Nguoi-Viet OnlineKinh Tế Cũng Là Chính Trị
Sau khi dư âm của vụ nổ súng tại Tucson tuần trước đã tạm lắng, chính trường Hoa Kỳ trở lại chuyện áo cơm của quốc dân khi hai đảng Dân Chủ và Cộng Hòa cùng dàn trận trong Quốc Hội - với tầm bắn xuyên thấu cuộc bầu cử 2012.
Trận đấu Dân Chủ-Cộng Hòa về định mức công trái...
Sau khi dư âm của vụ nổ súng tại Tucson tuần trước đã tạm lắng, chính trường Hoa Kỳ trở lại chuyện áo cơm của quốc dân khi hai đảng Dân Chủ và Cộng Hòa cùng dàn trận trong Quốc Hội - với tầm bắn xuyên thấu cuộc bầu cử 2012. Lần này, hai bên nhập trận mà không quên bài học của vụ thư hùng tương tự vào năm 1995-1996, khi đảng Cộng Hòa chuyển thắng thành bại, và còn giúp Tổng Thống Bill Clinton tái đắc cử năm 1996.
Bài viết này cố trình bày nội dung kinh tế và tính toán chính trị của đôi bên để độc giả theo dõi đấu pháp của hai đảng và những hậu quả kinh tế chìm sâu bên dưới. Những chuyện khác, kể cả việc điều tra hay truy tố tội nhũng lạm về luật lệ trong hai năm vừa qua, hay việc doanh lợi nào có lợi từ đạo luật cải tổ y tế nhờ liên hệ ra sao với những người bỏ phiếu, thì xin nhường cho phần bình luận khác.
***
Theo thông lệ, trước hết xin nói về bối cảnh.
Từ năm 1917 rồi, Quốc Hội Mỹ có luật lệ hẳn hoi về khả năng đi vay của chính quyền liên bang. Xin tạm gọi là “định mức công trái.” Nợ nần của khu vực công - sẽ định nghĩa sau - phải có giới hạn do Quốc Hội quy định, hoặc điều chỉnh theo yêu cầu thực tế. Từ năm 1940 đến nay, 71 năm qua đã có 80 lần điều chỉnh. Ðịnh mức đó hiện là 14 ngàn 294 tỷ đô la - xấp xỉ Tổng Sản Lượng Nội Ðịa của nước Mỹ. Nghĩa là nhiều vô kể.
Về định nghĩa thì đại lược khoản “công trái” đó gồm ba loại: từ 1) Công khố phiếu do chính quyền liên bang phát hành tới 2) các chứng phiếu không giao dịch trên thị trường, như trái phiếu tiết kiệm và giấy nợ của các chính quyền tiểu bang hay địa phương, gọi tắt là SLGS, lẫn 3) khoản nợ của cơ quan chính phủ với nhau - dễ hiểu là các quỹ tín thác, hưu bổng, Medicare hay An Sinh Xã Hội. Khoản thứ ba này - nhà nước vay nhà nước - chiếm cỡ một phần ba của tổng số công trái, dù dư luận chỉ để ý đến lượng công khố phiếu do Ngân Khố phát hành để vay tiền công chúng. Xét vậy, ta thấy ngay là nước Mỹ hào phóng này thật ra có luật lệ kỹ càng về chuyện vay mượn. Vinashin ơi!
Bây giờ, vì yêu cầu chi thu, Quốc Hội Mỹ cần quyết định cho nâng số công trái lên khỏi mức 14.294 tỷ. Nếu không cho phép, chính quyền liên bang không được vay tiền thêm và ngân sách liên bang hết tiền thanh toán các chi phí điều hành guồng máy liên bang. Nếu cho phép thì gánh nợ lại tăng, sau khi đã tăng quá mạnh trong hai năm qua.
Cũng về đại thể thì thời hạn phải quyết định là đến tháng 3 này. Hai bên Cộng Hòa và Dân Chủ đang dàn trận cho quyết định ấy. Và đảng Dân Chủ thì đã thấm đòn công chi phứa phựa vì bị cử tri trừng phạt nặng trong cuộc bầu cử năm ngoái nên đành lùi để đảng Cộng Hòa chủ quan sẽ lại sa hố. Nhưng vẫn sợ phe cực tả trong đảng sẽ lại ngựa quen đường cũ mà đòi tăng chi.
Nhớ lại thì năm 1994, Cộng Hòa đại thắng sau 40 năm ngồi ghế đối lập trong Quốc Hội rồi dàn trận với Hành pháp Dân Chủ của Tổng Thống Clinton. Chủ Tịch Hạ Viện Newt Gingrich khi ấy đã oai phong chủ chiến từ cuối 1995 đến đầu năm 1996: nhất quyết không nâng định mức đi vay khiến việc phát hành trái phiếu bị cản trở, chính quyền liên bang kẹt mấy tuần vì hết ngân sách.
Kết quả? Kết quả là dư luận bực mình vì thái độ ngang ngược của đảng Cộng Hòa! Ðó là một trong nhiều lý do giúp Tổng Thống Clinton tái đắc cử vào tháng 11 năm 1996.
Lần này, Chủ Tịch Hạ Viện John Boehner bên Cộng Hòa phát biểu rằng giới dân cử phải hành xử như “người lớn” - cú hích về Newt nay lăm le ra tranh cử tổng thống năm 2012, mà cũng là một nhắc nhở cho nhiều dân biểu bảo thủ trong đảng. Họ là những người chủ trương tôn trọng kỷ luật ngân sách và chỉ nâng định mức công trái nếu Hạ Viện có biện pháp cải tổ ngân sách hẳn hoi để giảm chi. Ít ra phải giảm từ 50 đến trăm tỷ.
Một số còn quyết liệt hơn: nữ dân biểu của Minnesota, Michelle Bachmann, với mắt mèo rất lẳng thì vận động dư luận từ chối mọi quyết định nâng mức đi vay. Tức là sẽ đánh tới cùng để đòi quân bình ngân sách. Nàng mà rơi vào cái hố của Newt thì có khi Obama lại tái đắc cử!
Ðấy là trên đại thể.
***
Trong chi tiết phức tạp về luật lệ công quyền và về quy luật kinh tế liên hệ đến sự vận hành của thị trường trái phiếu, đến việc doanh nghiệp và công chúng trả thuế hoặc nhận tiền thuế bồi hoàn, v.v... thì suốt tháng 3 này, đấu pháp đôi bên sẽ khởi sự và trực tiếp ảnh hưởng đến thị trường bên ngoài và đến ngân sách quốc gia bên trong. Qua tháng 4, ngân sách còn có thể cầm hơi được nhờ đợt thuế thu vào, nhưng chỉ cầm cự tới cuối tháng 5 là sẽ gặp vấn đề.
Tức là đôi bên có thể gờm súng dọa nạt, nếu hết đất lùi thì vào tháng 5 sẽ... nhả đạn. Có khi nã đạn vào nhau - và bị trọng thương khi tới cuộc hẹn 2012.
Chúng ta đang chứng kiến một sinh hoạt dân chủ ly kỳ rắc rối và đòi hỏi sự am hiểu của người dân. Có lẽ vì vậy mà nhiều người lười biếng thì không ưa những đòi hỏi của nền dân chủ. Thà là để chính quyền quyết định mọi chuyện cho mình yên phận... con sâu cái kiến!
***
Thế trận thì như vậy, chiến pháp đôi bên sẽ xoay chuyển ra sao?
Năm 1995-1996, phe Cộng Hòa lý luận rằng dù ngân sách liên bang bị vỡ nợ thí còn ít tệ hơn là cứ kéo dài bội chi mà không tiến tới quân bình chi thu ngân sách. Lý luận ấy có thể đúng về kinh tế, nhưng dân chúng không tin. Chính quyền mà hết tiền trả lương, Vì sao vậy? Mà dân vô tín thì sẽ lật! Lần này, đảng Cộng Hòa biết vậy nên tránh chơi dại.
Ðiều ấy có nghĩa là một vụ nổ súng làm lủng ngân sách và chính quyền liên bang bó tay mất vài tuần sẽ có xác suất rất thấp. Thấp chứ không là bất khả. Vì lần này bội chi đã vượt kỷ lục, và vì mức vay mượn thì cũng làm cử tri chóng mặt nên họ mới trao súng cho đảng Cộng Hòa.
Ăn thua là cách trình bày sự việc cho dư luận hiểu về từng lý do đúng/sai, được/mất. Khi đề cao tinh thần trưởng thành chính trị, Dân Biểu Boehner có thể cũng nhắm vào chuyện đó - với hàm ý là đối phương thiếu trưởng thành nên mới chi tiêu một cách vô trách nhiệm. Ðôi bên vì vậy đều biết luật chơi.
Họ sẽ vào cuộc như thế nào?
Trước hết, cơ quan liên bang có nhiệm vụ quản lý tài sản là Bộ Ngân Khố nay đứng giữa hai lằn đạn và cố tránh nạn nổ súng vào công khố. Như một viên sheriff giữa hai thế lực thời Viễn Tây.
Ðầu tháng 3 này, Ngân Khố có thể bắt đầu chấm dứt chương trình Tài trợ Bổ sung SFP để có thể vay thêm 200 tỷ. Chưa êm thì áp dụng luật lệ và thủ thuật kế toán để lách khỏi định mức công trái bằng cách tuyên bố “tạm ngưng vay mượn” và du di một số trương mục trong các quỹ đầu tư và nhiều khoản chi khác của chính phủ, nhằm gạn ra chừng 250 tỷ cho ngân sách liên bang vay. Ðây là loại biện pháp nhất thời, ngắn hạn, để đẩy lui nguy cơ nổ súng. Và để trình bày cho công chúng thấy tinh thần trách nhiệm của công quyền - bên đảng Dân Chủ.
Lạc quan nhất là đẩy lui tới tháng 8. Ðến lễ Lao Ðộng vào đầu tháng 9 thì hết đất lùi.
Trong quá khứ, Quốc Hội đã từng chấp nhận nâng mức vay mượn ngắn hạn như thế để mua được vài ngày hay vài tuần, cho tới khi Quốc Hội bỏ phiếu về định mức công trái cho kỳ hạn lâu dài hơn. Lần này, nếu Quốc Hội từ chối giải pháp trì hoãn chiến đó thì Bộ Ngân Khố hết cách!
Ngoài biện pháp trì hoãn của bộ Ngân Khố, dàn phòng thủ thứ nhì là thủ tục “Chuẩn chi Lâm thời” - tạm dịch chữ “Continuing Resolution” hay CR.
Hàng năm, vào ngày đầu của tài khóa ngân sách, mùng một tháng 10, Quốc Hội có thể biểu quyết để tổng thống ban hành 13 đạo luật chuẩn chi hầu thanh toán các khoản chi bắt buộc và thuộc thầm quyền của chính phủ. Từ mấy năm nay, thủ tục ấy bị kẹt vì một số đạo luật chuẩn chi bị chặn. Trong trường hợp đó, đôi bên phải đồng ý về thủ tục “Chuẩn chi Lâm thời” - CR - là trường hợp hiện nay.
Thủ tục đó sẽ hết hạn vào mùng 4 tháng 3 tới. Nếu đến kỳ hạn mà Hành pháp và Lập pháp không tìm ra đồng thuận - như Hành pháp chịu giảm chi, Lập pháp cho phép vay thêm - thì ngân sách bị lủng. Không toàn diện trầm trọng như vụ 1995-1996 vì chỉ bị kẹt trong các khoản chi nhất định, nhưng cũng đủ gây tranh luận trước sự ngơ ngác của nhiều người.
Chúng ta nên chú ý đến chi tiết ấy vì kinh tế cũng là chính trị.
Tuy nhiên, trận đấu không chỉ có hai phe hờm súng trên màn ảnh mà còn có công chúng - là thị trường, là những người cho vay tiền khi mua trái phiếu.
Năm 1993, khi được ban tham mưu kinh tế thông báo là nếu áp dụng chương trình cải tạo xã hội mà ông ôm ấp từ khi làm thống đốc Arkansas, thì thị trường trái phiếu sẽ có phản ứng bất lợi, Tổng Thống Clinton đã văng tục: “Tổng thống Mỹ mà phải sợ bọn - (tự ý đục bỏ) buôn bán trái phiếu?” Trong ban tham mưu đó có Gene Sperling, nay sẽ là cố vấn kinh tế cho Obama.
Họ đều biết là chính trường không thể duy ý chí bắn loạn vào nhau vì viên trọng tài là thị trường vẫn có quyền lên tiếng, làm đồng bạc mất giá hay phân lời tăng vọt. Vì vậy, ngầy ấy đòn phép giữa đôi bên có thể làm thị trường chấn động và lại dội ngược vào chính trường.
Lần trước, đòn cải tạo của Clinton khiến thị trường dội ngược làm đảng Dân Chủ thất cử năm 1994. Rồi đòn độc của Chủ Tịch Hạ Viện Newt Gingrich vừa thắng lớn lại làm thị trường phật ý. Câu nói của ông: “Tôi bất cần tới cái giá phải trả, miễn là tổng thống phải thỏa mãn đòi hỏi của đảng Cộng Hòa” đã lại cứu nguy ông Clinton!
Lần này, đảng Cộng Hòa muốn nhân thế mạnh mà đòi cải tổ hệ thống công chi - thuế khóa và ngân sách - trong đó, việc tăng chi hay tăng mức đi vay chỉ là phần nổi. Quốc Hội Cộng Hòa muốn giảm công chi - ngoài quân phí - về mức cũ của năm 2008 thì giỏi lắm chỉ giảm được 50 tỷ và ngay trước mắt thì việc nâng định mức đi vay vẫn là điều không tránh được.
Khó tránh khỏi nhưng vẫn có thể là cơ hội cho phe Cộng Hòa yêu cầu cải cách chế độ ngân sách.
Do ông Obama bổ nhiệm năm ngoái để nghiên cứu và đề nghị việc tiết giảm bội chi và công trái, Ủy ban Lưỡng đảng Bowles-Simpson cũng không nói khác. Với đa số áp đảo là 11-7, ủy ban khuyến cáo là trong trường kỳ thì Hoa Kỳ phải kềm hãm bội chi. Nhưng vào tới Quốc Hội thì cũng chính một số thành viên của ủy ban lại bỏ phiếu chống quan điểm trên theo tỷ lệ tứ-lục! Sáu người trong 10 người chống lại đề nghị của Ủy Ban Bowles-Simpson. Làm chính trị mà!
Ðâm ra, chính trường lại đùa với lửa và làm thị trường giật mình. Sự giật mình thể hiện ở bản tin tài chánh đáng ngại tuần qua về phân lời trái phiếu. Sau này, khi đọc loại tin như vậy, chúng ta nên hiểu rằng đấy là sự phê phán của thị trường, trước khi cử tri lên tiếng vào năm 2012.
Kết luận thì bài viết rắc rối này cố trình bày cho đơn giản trận thư hùng sắp tới trên chính trường Hoa Kỳ. Như thường lệ thì cũng phải có lời dự báo.
Người viết dự đoán là chính trường khó thay đổi: chưa thể làm cách mạng về công chi thu. Thị trường tài chánh sẽ bị nhiều biến động trong thời gian tới và việc giới hạn công chi sẽ là đề mục lớn của cuộc tranh cử 2012. Nếu chưa gây ra một trận khủng hoảng tài chánh ngay trong năm tới.
Cách ngôn: Ách tắc chính trị sẽ khiến thị trường chóng mặt - và chúng ta bị vạ lây!
Ghi chú: Mỗi Thứ Ba, bình luận gia Nguyễn Xuân Nghĩa có một bài trên cột báo này của Người Việt, xen kẽ giữa hai chủ điểm: về quốc tế là “Hoa Kỳ Nhìn Từ Bên Ngoài” và về kinh tế là “Kinh Tế Cũng Là Chính Trị.” Từ năm 2011, tác giả Nguyễn Xuân Nghĩa cũng thực hiện một blog riêng: www.dainamax.org để trình bày các bài viết từ nhiều nguồn gốc cho quý độc giả gần xa cùng tham khảo, và phê bình.