(VEF) - “Mỗi người mua xăng, phải đóng 300 đồng/lít cho vào quĩ, đó là tiền thật. Chính vì doanh nghiệp đã lấy hơn 1.200 tỷ đồng, mang đi bù lỗ kinh doanh, khiến cho Quĩ bình ổn hết sạch, nên thành ra mới là ảo”, Cục trưởng Cục quản lý Giá, Bộ Tài chính bức xúc.
TIN LIÊN QUAN
Thông tin Tổng công ty xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), đơn vị chiếm tới 60% thị phần xăng dầu đem hơn 1.200 tỷ đồng tiền Quĩ bình ổn giá xăng dầu để bù lỗ kinh doanh, khiến cho dư luận không khỏi ngỡ ngàng. Chiều 14/1, ông Nguyễn Tiến Thỏa, Cục trưởng Cục quản lý giá, Bộ Tài chính đã chia sẻ với Diễn đàn kinh tế Việt Nam xung quanh câu chuyện này.
Yêu cầu Petrolimex trả lại 1.242 tỷ đồng về quĩ bình ổn
- Thưa ông, khi bị phát hiện dùng sai Quĩ bình ổn xăng dầu, Petrolimex cho rằng, nguyên nhân là do Bộ Tài chính hướng dẫn dùng Quĩ không rõ ràng. Ông nói gì về điều này?
Ông Nguyễn Tiến Thỏa: Không có gì là không rõ ràng ở đây cả. Về nguyên tắc, Nghị định 84 và thông tư 234 đã qui định, mỗi lần giá cơ sở xăng dầu tăng cao hơn giá bán lẻ hiện hành, Bộ Tài chính đều nói rất rõ sử dụng Quĩ này bao nhiêu tiền để bù đắp phần chênh lệch đó. Theo đó, có giai đoạn, chúng tôi qui định là mỗi doanh nghiệp được sử dụng 500 đồng để bù chênh lệch giá một lít xăng, thế mà Petrolimex lại dùng tới 1.000 đồng.
|
Ông Nguyễn Tiến Thỏa, Cục trưởng Cục Quản lý giá, bộ Tài chính (ảnh: Phạm Huyền) |
Trong khi, các đơn vị đều thực hiện đúng việc trích, sử dụng Quĩ bình ổn giá thì riêng có Petrolimex, lại lấy 1.242 tỷ đồng tiền Quĩ để bù lỗ cho kinh doanh. Như thế là sai, là không thực hiện đúng mục tiêu của Quĩ bình ổn giá.
10 đầu mối doanh nghiệp xăng dầu khác làm đúng, chứng tỏ các đơn vị đã hiểu đúng hướng dẫn của Bộ và Bộ đã hướng dẫn rõ ràng. Tại sao chỉ có Petrolimex nói Bộ Tài chính hướng dẫn không rõ?
- Thưa ông, Petrolimex nói rằng đây là quĩ ảo. Ông có ý kiến gì?
Petrolimex nói như thế là không được. Sao lại gọi Quĩ bình ổn là quĩ ảo? Nói thế, dân cười, dân mắng cho. Mỗi người chúng ta mua xăng, phải đóng 300 đồng/lít cho vào quĩ, đó là tiền thật. Chính là vì doanh nghiệp đã lấy hơn 1.200 tỷ đồng, mang đi bù lỗ kinh doanh, khiến cho Quĩ bình ổn hết sạch, nên thành ra mới là ảo.
Vừa rồi, đến Quốc hội cũng lại bảo là Quĩ ảo. Tôi vừa buồn, vừa bực, vừa rất vất vả để báo cáo lên lãnh đạo Bộ, giải thích với xã hội về việc quĩ bình ổn giá xăng dầu có phải là ảo hay không?
Tôi cho rằng, Petrolimex cần thận trọng trong các phát ngôn.
- Thưa ông, khi giá xăng dầu thế giới lên cao, các doanh nghiệp nhỏ co sản lượng bán hàng lại, khiến cho Petrolimex đã phải tăng sản lượng bán để đảm bảo cung ứng cho thị trường, càng bán, càng lỗ. Ông có giải thích thế nào về việc này?
Ngày hôm trước (13/1), khi họp chung với các doanh nghiệp, Petrolimex có nói điều ấy đâu. Lúc tôi chủ trì cuộc họp, Petrolimex có dám nói rằng, PVoil, xăng dầu quân đội vì giảm sản lượng bán hàng ở địa bàn nên Petrolimex phải tăng sản lượng bán hàng ở đó không? Hay là, doanh nghiệp chỉ nói với báo chí như thế?
11 doanh nghiệp đầu mối đều là doanh nghiệp nhà nước cả, đều là Đảng viên cả. Petrolimex hãy chứng minh, doanh nghiệp nào giảm sản lượng và Petrolimex tăng lượng bán lên bao nhiêu để bù vào? Petrolimex hãy báo cáo trung thực việc đó, không thể nói chung chung như vậy, rồi đổ oan cho các doanh nghiệp khác.
Doanh nghiệp nói với dư luận thì phải nói đúng. Sai thì hãy nhận là sai, và nói rằng, chúng tôi vì mục tiêu bình ổn, chúng tôi hạch toán sai nên giờ, chúng tôi sẽ trả lại tài khoản Quĩ. Như thế, có phải là cách ứng xử hợp tình hợp lý nhất không?
- Vậy, Petrolimex sẽ bị xử phạt như thế nào, thưa ông?
Theo Thông tư 234, có mấy cấp độ xử lý khi doanh nghiệp sử dụng sai Quĩ bình ổn, trong đó, cấp độ 1 là yêu cầu hạch toán đúng trở lại tài khỏan Quĩ. Giờ, chúng tôi xử lý theo cấp độ 1. Vì tiền vẫn nằm ở doanh nghiệp đó thôi, chứ chưa thất thoát đi đâu, không đến mức tiền đó bị mang đi kinh doanh bất động sản, chứng khoán.
Còn nếu sau đó, doanh nghiệp vẫn không thực hiện, chúng tôi sẽ có thêm các cấp chế tài khác như vừa yêu cầu trả lại đúng tài khoản Quĩ bình ổn, vừa xử phạt hành chính. Mạnh hơn nữa, Bộ Tài chính có thể yêu cầu trích từ các khoản lãi mà doanh nghiệp đang có trong năm để trả vào Quĩ.
Tôi nghĩ rằng, mới có 1 doanh nghiệp chưa làm đúng và cơ quan quản lý sẽ uốn nắn thôi. Tất nhiên, nếu doanh nghiệp tái phạm, mức xử phạt sẽ cao hơn.
Giảm thuế 0%, chỉ đủ sức giữ giá xăng dầu đến Tết
- Ông có thể nói gì về khả năng giữ giá xăng dầu năm nay?
Nếu chỉ dựa vào tiền Quĩ bình ổn thì không đủ sức để bù chênh lệch, bình ổn thị trường được. Phải cộng với chính sách thuế, phí của Nhà nước, chúng ta mới được hưởng một mức giá không biến động hiện nay.
| |
| Giá xăng dầu ít biến động nhờ có Quỹ bình ổn (ảnh: Phạm Huyền) |
Quĩ bình ổn năm 2010 có tổng thu là 4.400 tỷ đồng và đã sử dụng 3.505 tỷ đồng. Mức hụt tiền từ việc giảm thuế nhập khẩu xăng dầu so với barem thuế cho phép, là khoảng 7.000 tỷ đồng. Như vậy, tổng giá trị tiền dùng để bình ổn giá xăng dầu năm 2010 lên tới khoảng 10.000 tỷ đồng.
Giờ, Quỹ cộng thêm việc chuyển khoản trả lại Quĩ của Petrolimex do hạch toán sai, nhưng phải kết hợp với việc giảm thuế nhập khẩu xuống 0%, áp dụng từ 15/1/2011, tương ứng mức hụt so với barem thuế lên đến 8.000-9.000 tỷ đồng, thì mới có thể giữ được giá xăng dầu từ nay tới dịp Tết nguyên đán.
Nếu không có các biện pháp trên thì giờ, giá xăng dầu trong nước đã phải tăng lên 2.000-3.000 đồng/lít rồi.
- Thưa ông, vậy năm 2010, doanh nghiệp xăng dầu lời lãi thế nào?
Năm 2010, những doanh nghiệp nào kinh doanh tổng hòa các mặt hàng khác với mặt hàng xăng dầu, hoặc có chế biến xăng dầu, hoặc có thêm tạm nhập tái xuất thì hòa vốn, hoặc có chút lãi.
Còn doanh nghiệp nào chỉ đơn thuần kinh doanh xăng dầu thôi thì có thể khó khăn. Vì mục tiêu bình ổn thị trường, doanh nghiệp bị lỗ, đó là một thực tế. Chính sách Nhà nước sẽ phải chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp. Tuy nhiên, đến nay, các công cụ thuế, phí… do Bộ Tài chính, bộ Công Thương nắm đều đã được sử dụng hết rồi.
Giờ, chỉ còn vấn đề tỷ giá, nguồn cung ngoại tệ, liên quan phía Ngân hàng. Ngân hàng có đảm bảo được việc doanh nghiệp xăng dầu mua ngoại tệ với tỷ giá 19.500 đồng/USD hay không? Ngân hàng cứ hứa, nhưng bản thân có doanh nghiệp không đủ ngoại tệ và đã phải mua bên ngoài với giá cao hơn nên đã bị lỗ.
Tuy vậy, chúng ta phải lưu ý rằng, mặc dù giá cơ sở dựa theo mốc giá xăng dầu thành phẩm bình quân 30 ngày có sự chênh lệch lớn với giá bán lẻ, nhưng đó không phải là căn cứ cho biết cụ thể lỗ lãi của từng doanh nghiệp. Đó là căn cứ chung để Bộ định hướng điều hành thị trường trong nước thôi.
Muốn biết con số chính xác lỗ, hay lãi thì phải căn cứ thực tế điều hành doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp có phương án kinh doanh tốt, lợi dụng được cơ hội bên ngoài mà nhập giá thấp hơn giá bình quân, cộng với tổ chức tốt hệ thống thị truờng trong nước thì doanh nghiệp kinh doanh vẫn lợi.
- Xin cảm ơn ông!
Bạn nghĩ gì về việc Petrolimex tự ý trích hơn 1.200 tỷ đồng từ Quĩ bình ổn giá xăng dầu để bù lỗ kinh doanh? Theo bạn, với những ngành trọng yếu như điện, xăng dầu, Nhà nước nên kiềm giá hay buông? Mời bạn gửi ý kiến tham gia thảo luận hoặc về hộp :vef@vietnamnet.vn.