Triết gia Trần Đức Thảo Tranh chân dung của Bùi Quang Ngọc |
Bao giờ ta ý thức được rằng sự tồn tại lâu dài của tất cả chúng ta gắn với những người có khả năng đưa họ và chúng ta vào ký ức lịch sử, những người có được lòng tôn kính và có thể sống trong trí nhớ của người khác mà không cần đến một bàn thờ nào - TS Nguyễn Thị Từ Huy
Bàn thờ là một trong những nét đẹp truyền thống của văn hóa Việt Nam, là nơi để biểu thị lòng tôn kính của thế hệ sau đối với các thế hệ trước trong gia đình.
Hơn thế, bàn thờ còn thể hiện một khát khao sâu thẳm của người sống: mình tôn kính, nhớ tới tổ tiên để sau này con cháu sẽ tôn kính, nhớ tới mình.
Cái bàn thờ sẽ trở nên quan trọng hơn khi người ta không có gì để lại ngoài con cái: không có phát minh nào, không có sáng tạo nào, không có tác phẩm nào, không có công trình xây dựng nào, không có công thức toán lý hóa nào… Nghĩa là không có gì để ghi dấu sự tồn tại của họ sau khi chết.
Còn một người như Aristote có cần đến bàn thờ không? Không. Dù không có bàn thờ thì cả thiên hạ vẫn phải nhớ đến ông. Ông vẫn luôn hiện diện trong ký ức của tập thể, qua suốt cả chiều dài hàng ngàn năm. Chúng ta cần những con người có thể sống cùng trí nhớ tập thể như vậy.
Người ta sẽ không nói về Hy Lạp cổ đại nhiều đến thế nếu ở thời kỳ đó chỉ có những con người biết săn bắn, chăn nuôi và trồng trọt. Chính những Socrate, Aristote, Platon, Pithagor… đã đưa cả Hy Lạp cổ đại vào ký ức chung của nhân loại.
Sở dĩ văn học Việt Nam giai đoạn 30-45 được yêu mến và được nhắc tới nhiều như vậy là nhờ những người như Vũ Trọng Phụng, Nam Cao, Hàn Mặc Tử… Nhưng chúng ta cũng phải trung thực mà nói rằng họ cũng chưa đủ sức để giúp chúng ta thực sự có một chỗ vững chắc trong ký ức chung của lịch sử văn học thế giới, dù rằng họ đã làm hết khả năng, đã đốt cháy hết mình. Trong khi đó thì chúng ta đã để lãng phí những Trần Đức Thảo, Nguyễn Mạnh Tường…
Vậy cần phải có những con người có khả năng sáng tạo, có khả năng kiến thiết, có ý tưởng, nghĩa là có khả năng giữ cho họ và cho chúng ta một chỗ trong ký ức của các thế hệ mai sau. Những người như thế sẽ ở đâu đây quanh ta, ở trong số con cái của những nông dân, những công nhân, những viên chức, những doanh nhân, những trí thức… Nếu không cho họ cơ hội, không để cho họ có quyền bình đẳng về cơ hội, thì ta sẽ mất năng lực của họ; con người họ vẫn còn nhưng năng lực thì sẽ mất. Sẽ mất ngay cả khi chưa có dịp bộc lộ, sẽ mất khi không được sử dụng.
Bao giờ ta ý thức được rằng sự tồn tại lâu dài của tất cả chúng ta gắn với những người có khả năng đưa họ và chúng ta vào ký ức lịch sử, những người có được lòng tôn kính và có thể sống trong trí nhớ của người khác mà không cần đến một bàn thờ nào, lúc đó ta sẽ hiểu cần phải làm gì:
Phải cho tất cả mọi người cơ hội phát triển như nhau. Phải tạo cơ hội cho họ làm việc. Phải bỏ thói quen kìm hãm họ, phải bỏ cả cái thói quen đố kỵ, nghi ngờ và chèn ép họ. Phải bỏ cả nỗi sợ hãi rằng họ sẽ gây nguy hiểm, xóa bỏ được nỗi sợ hãi đó mới có thể mạnh dạn sử dụng các ý tưởng của họ. Hình dung xem những Copernic, Bruno, Gallilé đã nguy hiểm như thế nào dưới mắt giáo hội đến mức phải bị kết tội lên giàn thiêu? Nhưng nếu họ không “nguy hiểm” như vậy, thì cũng không có những thành tựu của khoa học thế giới ngày hôm nay.
Làm được như vậy thì chúng ta mới có thể mong một chỗ trong ký ức của các thế hệ tương lai, nơi đó mới là cái bàn thờ đích thực.
Nguyễn Thị Từ Huy (Bài đăng trên Tạp chí Tia sáng điện tử ngày 8/2/2011)