Thứ Năm, 10 tháng 2, 2011

Lợi nhuận ngân hàng: Đá tảng ném giữa mặt nước tĩnh lặng

Lợi nhuận ngân hàng: Đá tảng ném giữa mặt nước tĩnh lặng (Bee)-
- Những công bố từ các ngân hàng (NH) về kết quả kinh doanh; lương, thưởng được tung ra gần đây như "những viên đá tảng ném giữa mặt nước tĩnh lặng” của những người lao động trong các ngành nghề kinh tế khác.Nhiều người đặt vấn đề, năm 2010, sở dĩ các NH thắng lớn là vì cơ chế "độc quyền", "nhóm lợi ích", chẳng giống quy luật thị trường...

TIN LIÊN QUAN
Năm 2010, hầu hết các NH đều đạt lợi nhuận vượt dự kiến: ACB 3.100 tỷ đồng, tăng 9%; Techcombank 2.750 tỷ đồng, tăng 21%; Maritime Bank 1.706 tỷ đồng, tăng 151%; An Bình 638 tỷ đồng, tăng 55% và VPBank 700 tỷ đồng, tăng 100%...
Hai NH quốc doanh vừa cổ phần hóa là Vietcombank và VietinBank cũng vẫn đạt lợi nhuận cao: Vietcombank 5.425 tỷ đồng, tăng 21% và VietinBank 4.500 tỷ đồng, tăng 26% so với năm trước đó.
Minh họa (IE)
Minh họa (IE)
Trong khi người lao động các ngành kinh tế khác như cơ khí, dệt may, kể cả những người nông dân, bằng sản phẩm nông nghiệp và nuôi trồng thủy hải sản, đã tạo ra nguồn thu ngọai tệ ròng cho quốc gia cũng mới chỉ bằng lòng với mức thu nhập vừa đủ trang trải cuộc sống thì nhân viên các NH lĩnh tháng lương đến thứ 17, cán bộ có chức danh quản lý được thưởng từ hàng chục triệu đến hàng tỷ đồng vào dịp cuối năm là phổ biến.
Không ít doanh nghiệp sản xuất gặp khó khăn không đủ điều kiện thưởng tháng lương thứ 13 cho công nhân, tiền thưởng Tết cũng chỉ vài trăm nghìn đồng…Hàng nghìn công nhân trong các khu công nghiệp làm hàng xuất khẩu không đủ tiền về quê sum họp do thu nhập thấp vì một phần lợi nhuận phải trả lãi vay cho NH.
Chế độ lương thưởng của ngành NH trong nhiều năm trở lại đây đã vượt mức “khủng” của nhiều ngành nghề thời thượng trước đây như hàng không; viễn thông; năng lượng…
Nhận định về cơ cấu nguồn lợi nhuận của các NH trong năm qua, các chuyên gia và lãnh đạo các NH đều cho rằng có một phần không nhỏ từ hoạt động thế chấp giấy tờ có giá cho NHNN để lấy vốn cho vay trên thị trường liên NH và đưa ra kinh doanh. Lãnh đạo một NH có trụ sở ở Hà Nội cho biết: bình thường, hoạt động trên chỉ chiếm 15% trong cơ cấu lợi nhuận nhưng năm 2010 thì mảng kinh doanh này đóng góp đến 30% lợi nhuận.
Bên cạnh đó, các NH còn kiếm lợi nhờ độc quyền “đón bắt trước thông tin”, kinh doanh ngoại tệ qua cơ chế chênh lệch tỷ giá trong ngòai, cầm cố tài sản và các chứng chỉ có giá và một số ít nhờ tăng tổng tài sản….
Đáng chú ý là tỷ lệ tăng trưởng lợi nhuận của các NH cổ phần ngoài quốc doanh ở mức thấp khá xa so với tốc độ tăng trưởng của khối các NH quốc doanh hoặc vẫn do Nhà nước chiếm tỷ trọng chi phối.
Dĩ nhiên, số lãi ấy có được từ nhiều khoản kinh doanh. Nhưng chắc chắn phần lớn từ hoạt động tín dụng. Vậy là trong suốt một thời gian dài, hầu như cả nền kinh tế gồng mình chống chọi với khủng hoảng, nhiều đơn vị cũng chỉ ước ao làm sao không lỗ, không phá sản là may mắn, thì các NH vẫn ung dung… đạt lợi nhuận ngất ngưởng.
Mới đây, trong cuộc trao đổi bàn tròn Tất niên 2010 trên kênh truyền hình VITV, ông Lê Xuân Nghĩa, Phó chủ tịch Ủy ban giám sát tài chính quốc gia cho rằng năm 2010, chính sách tiền tệ đã bị động; lúng túng và được can thiệp bằng biện pháp hành chính quá nhiều, tạo môi trường cho các hành vi lách luật và “tăng rủi ro kỳ hạn” trong họat động kinh doanh tiền tệ .
Các diễn giả khác cũng đồng tình nhận định rằng NHNN đã không chủ động điều tiết thị trường bằng những giải pháp kinh tế; Hiệp hội NH đã vô tình bị lợi dụng thành diễn đàn và hợp pháp hóa những đòi hỏi mang tính “nhóm lợi ích” cho các NH thương mại.
Nhiều người cũng đặt vấn đề, sở dĩ các NH thắng lớn là vì cơ chế "độc quyền", chẳng giống quy luật thị trường, khi giá “mua” - lãi suất huy động tiền gửi thì bị khống chế, còn giá “bán” - lãi suất cho vay thỏa thuận thì thả nổi, NH mặc sức mà tăng. Hơn thế, mức tăng lãi suất cho vay cũng không hề khác biệt, biểu hiện hình thái của thị trường cạnh tranh, giữa các NH có quy mô; khả năng tài chính và nguồn huy động vốn kinh doanh khác nhau…Tất cả các NH dàn hàng ngang về lãi suất “đầu ra – đầu vào”  theo kiểu độc quyền nhóm.
Với phương thức kinh doanh và nguồn thu lợi nhuận trên đây, ngân hàng – với chức năng là định chế tài chính điều phối nguồn vốn cho nền kinh tế - đã không hoàn thành chức năng của mình với xã hội nói chung và nền kinh tế nói riêng.
Vậy mà và lẽ ra, lợi nhuận và lương thưởng của các nhân viên, cán bộ quản lý ở đây phải là và từ hiệu quả của nền kinh tế, từ mức nâng cao phúc lợi chung của toàn xã hội.
Thuận Hải

Tổng số lượt xem trang