Điều chỉnh tỷ giá sẽ tăng lạm phát trong ngắn hạn, và nếu Việt Nam không giữ được giá không tăng thêm bằng các chính sách tín dụng, tiền tệ, tài chính công phù hợp sẽ biến nó thành lạm phát dài hạn và đòi hỏi điều chỉnh tiếp, tạo thành một vòng xoáy lạm phát
1. Quyết định điều chỉnh tỷ giá là điều không thể không làm. Vì hai lý do. Thứ nhất, có sự cách biệt lớn giữa giá Ngân hàng Nhà nước quyết định và giá trên thị trường do đó không ai dại gì, kể cả doanh nghiệp nhà nước có đô la do xuất khẩu, lại đem tiền vào ngân hàng đổi.
Vì vậy, đưa đến lý do thứ hai là dự trữ ngoại tệ đang giảm xuống thấp tới mức báo động, có thể làm mất khả năng nhập khẩu và trả nợ, làm đình đốn sản xuất. Như thế, không điều chỉnh tỷ giá thì không được, mà điều chỉnh thì phải có biện pháp đối phó ngay với lạm phát. Biện pháp đòi hỏi hy sinh, kể cả làm giảm sút tốc độ tăng GDP.
2. Đúng là khi đồng tiền Việt bị định giá thấp, hàng nhập theo giá đồng Việt tăng lên ngay, nhưng hàng xuất (tính theo giá đồng đô) cũng tăng lên khi chuyển thành tiền Việt. Người xuất khẩu không thiệt gì, mà còn có lợi, nếu như việc làm hàng xuất tạo ra giá trị gia tăng. Và việc tăng giá này là điều "có thể" chỉ xảy ra một lần.
Nó "có thể" như thế nếu như Chính phủ có các biện pháp khác để lạm phát không tiếp tục và do đó không đòi hỏi tiếp tục phá giá tiếp. Nếu Chính phủ vẫn làm như đã từng làm cho đến ngày hôm nay thì lạm phát sẽ trở nên ngày càng khó kiểm soát. Đó là tình trạng từ năm 2007 đến nay.
3. Khi điều chỉnh tỷ giá tăng lên, người nhập khẩu để làm hàng tiêu dùng trong nước, phải trả bằng đồng Việt Nam nhiều hơn trước, do đó phải tìm cách giảm chi phí sản xuất như dùng vật tư hàng nội thay thế vật tư phải nhập hoặc phải phá sản, chuyển đổi sản xuất. Người tiêu dùng phải trả giá hàng nhập cao hơn do đó phải giảm chi tiêu cho hàng nhập, mua hàng làm ở trong nước.
3. Khi điều chỉnh tỷ giá tăng lên, người nhập khẩu để làm hàng tiêu dùng trong nước, phải trả bằng đồng Việt Nam nhiều hơn trước, do đó phải tìm cách giảm chi phí sản xuất như dùng vật tư hàng nội thay thế vật tư phải nhập hoặc phải phá sản, chuyển đổi sản xuất. Người tiêu dùng phải trả giá hàng nhập cao hơn do đó phải giảm chi tiêu cho hàng nhập, mua hàng làm ở trong nước.
Không phải nhập khẩu chủ yếu là phục vụ sản xuất trong nước khi nhìn thấy chỉ có 10 % hàng là trực tiếp được vào tiêu dùng ngay không qua chế biến. Cần thấy rằng nhập vật tư làm xe hơi, xe máy và sắt thép, cũng như các vật liệu xây nhà ở cao cấp là nhằm phục vụ tiêu dùng chứ đâu nhằm làm hàng xuất khẩu. Do đó nhập khẩu để làm những hàng này là để phục vụ tiêu dùng trong nước. Tăng giá là nhằm giảm chi tiêu, chuyển đổi sản xuất, kể cả đóng cửa các hoạt động không cần thiết nhằm làm lành mạnh hóa nền kinh tế. Các nhà kinh tế Việt Nam có thể dễ dàng tính xem nhập khẩu nhằm phục vụ tiêu dùng trong nhiều năm qua như thế nào. Nhưng chưa thấy ai làm.
4. Cũng thế, giá điện và xăng quá thấp cho nên Việt Nam dùng điện và xăng để sản xuất 1 giá trị sản phẩm nhiều hơn Trung Quốc (hơn 50 %), còn Trung Quốc thì dùng gấp 2 lần Mỹ. Trung Quốc cũng dùng gấp 3 lần hơn Mỹ các nguyên liệu nói chung, tức là họ đào thiên nhiên ra để phục vụ xuất khẩu. Nhưng Trung Quốc làm ra tiền có ngoại tệ để dành, còn Việt Nam thì dựa vào kiều hối và vay mượn nước ngoài. Đây cũng là lý do có nhiều công ty muốn sang Việt Nam sản xuất thép vì giá điện, xăng rẻ, và khá tự do trong việc thải các chất ô nhiễm. Cho nên việc tăng giá điện, xăng là điều phải làm.
5. Tuy nhiên, với những câu hô "quyết liệt" trong việc nâng giá vừa qua, tôi hy vọng là việc điều chỉnh tỷ giá lần này được làm một cách tổng thể bài bản, đặc biệt là đã có kế hoạch sẵn sàng ngăn chặn, cắt bỏ chi tiêu đầu tư mạnh tay của Nhà nước và doanh nghiệp quốc doanh. Nếu không, lạm phát sẽ nhanh chóng bùng nổ và nền kinh tế sẽ có nguy cơ rơi vào khủng hoảng.
Lãi suất tất phải cao, điều này tất nhiên ảnh hưởng ngay đến hoạt động của doanh nghiệp tư nhân, sản xuất nhỏ, khu vực tạo ra công ăn việc làm. Để làm giảm ảnh hưởng đến họ thì tín dụng cấp cho quốc doanh phải giảm mạnh như vậy mới có nguồn tín dụng cung cấp cho doanh nghiệp tư nhân nhỏ và vừa. Muốn giảm mạnh tín dụng cho quốc doanh thì chỉ có cách cắt bỏ các kế hoạch đầu tư chưa cần thiết, với mục đích chính là đạt tốc độ tăng GDP cao.
Đối với quốc doanh thì lãi suất cao cũng chẳng có tác dụng đáng kể đến quyết định đầu tư của họ, ngân hàng quốc doanh và ngân sách vẫn nhận được lệnh cung cấp, họ cũng không sợ mất vốn hay lỗ vì có Nhà nước "chống lưng". Lạm phát có ở mức cao hơn 20 % mà tỷ lệ lãi 2 % vẫn được coi là làm ăn có lãi.
Lãi suất cao là biện pháp hữu hiệu nhằm chống lạm phát và điều hành việc phân phối tín dụng. Khi nào lạm phát xuống, lãi suất sẽ giảm. Điều này đã được thực hiện trong giải pháp chống lạm phát đầu những năm 90.
Để điều chỉnh lãi suất xảy ra nhanh chóng và chống việc ngân hàng lạm dụng tình thế để làm lời, Ngân hàng Nhà nước có thể ra lệnh cho ngân hàng quốc doanh tính lãi suất cho vay cao hơn lãi suất ký gửi, là 2 % chẳng hạn. Ngân hàng quốc doanh thuộc Nhà nước, do đó, Nhà nước hoàn toàn có thể điều hành theo ý muốn. Không cần ra lệnh cho ngân hàng tư doanh, nhưng ngân hàng tư doanh sẽ phải chạy theo vì phải cạnh tranh nhằm bảo vệ thị phần. Tín dụng từ ngân hàng quốc doanh chiếm tuyệt đại số lượng tín dụng cho nên việc điều hành như thế là khả thi. Chỉ sợ quy định không được tuân thủ.
6. Dựa vào những phát biểu như hiện nay của nhà quản lý, tôi nghi ngờ việc Việt Nam đã có trong tay một kế hoạch bài bản nhằm đối phó với tình hình hiện nay. Tôi nghĩ các nhà chức trách nên trình bày rõ ràng trước dư luận bài bản sẽ được thực hiện.
7. Điều chỉnh tỷ giá sẽ tăng lạm phát trong ngắn hạn và lạm phát trong ngắn hạn này nếu không được điều chỉnh nhằm giữ cho giá không tăng thêm bằng các chính sách tín dụng, tiền tệ, và tài chính công phù hợp sẽ biến nó thành lạm phát dài hạn và đòi hỏi phá giá tiếp, tạo thành một vòng xoáy lạm phát. Lúc đó tốc độ tăng GDP có thể giảm hoặc âm mà lạm phát lại ở mức phi mã.
VŨ QUANG VIỆT
bài này đã được đăng trên mạng VEF của Vietnamnet nhưng rất khó truy nạp
giờ chót : đã được chuyển sang trang chính của Vietnamnet.