Thứ Ba, 15 tháng 2, 2011

Nghịch lý văn hóa

Nghịch lý văn hóa

Cần cân bằng giữa tất cả các mục tiêu, vì xét cho cùng thì văn hóa mới là nền tảng vững chắc nhất của sự phát triển. Mọi sự phát triển về vật chất sẽ không còn ý nghĩa khi chúng ta đánh mất những giá trị tinh thần, những giá trị chân- thiện- mỹ.
Lúc nào cũng vậy, trong một xã hội luôn luôn tồn tại những nghịch lý. Có những nghịch lý nhỏ nhặt, vụn vặt đời thường, hoặc ngược lại. Có những nghịch lý mà bản thân nó là động lực cho sự phát triển của con người, của xã hội, nhưng cũng có những nghịch lý không giúp ích cho con người bao nhiêu, còn làm cho xã hội không phát triển được, làm cho đất nước mãi không bao giờ ngẩng cao đầu vươn mình ra thế giới. Như vậy có những nghịch lý cần tồn tại và có những nghịch lý cần loại bỏ. Trong vô vàn những nghịch lý đang diễn ra hàng ngày thì nghịch lý về thực tế văn hóa trong xã hội Việt Nam hiện nay là đáng quan tâm nhất. Ai cũng đã từng được nghe, hay đọc ở đâu đó rằng: Văn hóa là nền tảng tinh thần, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội. Như vậy văn hóa có vai trò quyết định cho sự tồn vong của một đất nước, một dân tộc.
Một dân tộc mà văn hóa bị băng hoại, bị lai căng một cách nhố nhăng hay không có những nhà văn hóa kiệt xuất, có đủ tầm, đủ bản lĩnh để góp phần dẫn dắt con người, dẫn dắt xã hội phát triển một cách có chất lượng thì dân tộc đó không sớm thì muộn cũng dẫn đến chỗ bị đồng hóa, suy vong.


Từng có lúc, hơn 90% các hộ gia đình ở quận Hà Đông được gắn biển GĐVH (Ảnh: Báo Đất Việt)
Nghịch lý đến từ sự "cào bằng"
Một trong những nghịch lý về văn hóa hiện nay là đi đâu cũng thấy "văn hóa" nhưng lại thực sự đang thiếu văn hóa.
Trong một bài viết được một số báo đăng tải của tác giả Trần Hữu Dũng có nêu ra thực tế đáng suy ngẫm là hiện nay Việt Nam đang thiếu những nhà văn hóa lớn. Mới đây, nhà sử học Dương Trung Quốc cũng phát biểu rằng: Thế hệ chúng ta mất gốc hoàn toàn. Cái gốc mà ông Dương Trung Quốc nêu ra ở đây là văn hóa, văn hóa Việt Nam và kể cả sự tiếp thu văn hóa của thế giới.
Trước khi phân tích những nhận xét trên đây, chúng ta hãy cùng xem lại một thực tế trong xã hội ta:
Lâu nay, bất kỳ ai khi bước ra đường đều không khó để nhận ra nhan nhản những tấm bảng hiệu "khu phố văn hóa", "gia đình văn hóa".... Nói tóm lại ở Việt Nam, chỉ cần bước ra khỏi nhà là gặp "văn hóa", tức là "văn hóa" len lỏi vào từng ngóc ngách, đến tận hang cùng ngõ hẻm và "văn hóa" cũng xuất hiện từ miền ngược đến miền xuôi. Có lẽ không quá lời khi nói rằng hiện nay nhà nhà đều có "văn hóa". Và nếu như đà này thì trong tương lai không xa thì hầu như toàn xã hội đều đạt chuẩn "văn hóa".

Tại sao một xã hội được gắn cái mác "văn hóa" mọi lúc, mọi nơi, chạy dọc theo chiều dài của đất nước lại bị cho là thiếu nhà văn hóa lớn hay văn hóa bị mất gốc?
Không biết người ta đã dựa trên những tiêu chí gì để khẳng định nhà nào, xóm nào, khu phố nào, tỉnh thành nào ... có "văn hóa" hay đủ "văn hóa"? Những tấm bảng hiệu này phải chăng chỉ là "mốt" thời thượng, một cách xây dựng nền văn hóa kiểu phong trào, trong khi thực chất văn hóa là mưa dầm thấm lâu. Thậm chí có người còn hoài nghi giá của chúng là bao nhiêu? Nhưng chỉ biết rằng càng nhiều "văn hóa" kiểu đó thì những giá trị văn hóa càng bị xâm hại. Mối quan hệ người đối với người, con người đối với thiên nhiên càng ngày càng thiếu văn hóa hơn.

Tại sao một xã hội được gắn cái mác "văn hóa" mọi lúc, mọi nơi, chạy dọc theo chiều dài của đất nước lại bị cho là thiếu nhà văn hóa lớn hay văn hóa bị mất gốc? Không biết người ta đã dựa trên những tiêu chí gì để khẳng định nhà nào, xóm nào, khu phố nào, tỉnh thành nào... có "văn hóa" hay đủ "văn hóa"? Những tấm bảng hiệu này phải chăng chỉ là "mốt" thời thượng, một cách xây dựng nền văn hóa kiểu phong trào, trong khi thực chất văn hóa là mưa dầm thấm lâu. Thậm chí có người còn hoài nghi giá của chúng là bao nhiêu? Nhưng chỉ biết rằng càng nhiều "văn hóa" kiểu đó thì những giá trị văn hóa càng bị xâm hại. Mối quan hệ người đối với người, con người đối với thiên nhiên càng ngày càng thiếu văn hóa hơn.
Theo tác giả Trần Hữu Dũng thì sự thiếu vắng những nhà văn hóa lớn có nguyên nhân từ sự xuống cấp về đạo đức trong xã hội, tình trạng chạy theo những giá trị vật chất, những nhà trí thức thiếu tầm nhìn xa trông rộng và đặc biệt là thiếu sự tranh luận về văn hóa công khai và bình đẳng.
Tuy nhiên thực tế quá nhiều thứ "văn hóa" đang được ban phát một cách dễ dãi như đã nói ở trên thực sự là hành động "cào bằng" về văn hóa, khiến các chuẩn mực văn hóa bị hạ thấp đến mức không còn là văn hóa, những giá trị văn hóa đang bị xem nhẹ và bị coi thường.
Sự hụt hẫng về văn hóa nêu trên có nguyên nhân từ giáo dục. Cũng như các loại tri thức khác, sự hiểu biết về văn hóa, sự yêu quý, trân trọng và biết phát huy những gá trị của văn hóa không phải có được một cách tự nhiên mà ngược lại cần phải được đào tạo, được giáo dục từ trong gia đình, từ nhà trường và từ xã hội.
Chúng ta không thể dạy cho trẻ con biết bảo vệ môi trường khi chúng ta vứt rác thải xuống kênh rạch, ao hồ trước mặt chúng. Chúng ta càng không thể rao giảng và bắt buộc đứa trẻ hay một ai đó phải tôn trọng những giá trị văn hóa trong khi chúng ta lại đang xâm hại, thậm chí phá nát những di tích có tuổi đời hằng trăm năm nhân danh bảo tồn di sản kiến trúc văn hóa.
Một nhà văn hóa lớn đúng nghĩa sẽ xuất hiện khi nào văn hóa thực sự nhận được sự tôn trọng, có nền tảng vững chãi và là chính nó.
Nghịch lý đến từ sự phát triển
Một nghịch lý khác của văn hóa tại Việt Nam được tạo nên từ sự phát triển.
Những năm gần đây, một trong những mục tiêu hàng đầu trong các văn kiện, nghị quyết các cấp là phát triển. Chúng ta đang cố gắng làm tất cả vì mục tiêu đó. Tuy nhiên đã có rất nhiều thực tế chỉ ra rằng chúng ta đang phát triển một cách thiếu bền vững, chỉ chăm lo phát triển kinh tế mà lãng quên văn hóa.
Trong một lần trả lời phỏng vấn trên Vietnamnet, GS. Stephen Walt đã từng phát biểu: "Sức cạnh tranh của một số quốc gia không chỉ là kinh tế, quân sự mà đó là văn hóa". Ông dẫn chứng: "Nước Mỹ đã làm được, họ tạo ra những thứ như phim ảnh, những thứ văn hóa phổ biến trên thế giới". Và ông kết luận rằng: "Như vậy nếu nước nào tạo ra được những sản phẩm văn hóa cho nước đó, họ là cường quốc".
Với bề dày lịch sử hơn 4.000 năm, nhưng cho đến nay Việt Nam chưa có giá trị văn hóa nào phổ biến cho thế giới. Việt Nam đang được đánh giá là nước có tỉ lệ phát triển kinh tế hàng năm vào loại cao trên thế giới, nhưng những giá trị văn hóa thì ngày càng xuống thấp. Có thể chúng ta đã mải chạy theo những giá trị vật chất mà quên đi việc gìn giữ giá trị tinh thần.
Một đặc điểm rất quan trọng của văn hóa là nó không mất đi một cách đột ngột, mà văn hóa mất đi một cách thầm lặng rất khó nhận ra.
Trên thế giới cũng đã từng có những trường hợp như thế. Hòn đảo Bali của Indonesia từng là thiên đường du lịch của du khách khắp nơi trên thế giới, tuy nhiên gần đây nó đã mất dần sự ưu ái của du khách. Nguyên nhân của vấn đề này, theo GS-TS Leo Kenneth Jago, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu du lịch và khách sạn Trường ĐH Tổng hợp Victoria (Úc) là vì nó đã đánh mất hết bản sắc văn hóa của địa phương, văn hóa phương Tây đang ngự trị hoàn toàn ở đây.
Nên chăng cần cân bằng giữa tất cả các mục tiêu, vì xét cho cùng thì văn hóa mới là nền tảng vững chắc nhất của sự phát triển. Mọi sự phát triển về vật chất sẽ không còn ý nghĩa khi chúng ta đánh mất những giá trị tinh thần, những giá trị chân- thiện- mỹ
Có một quy luật đời thường mà có lẽ ai cũng hiểu, đó là "xây" thì khó mà "phá" đi thì rất dễ. Văn hóa Việt Nam hiện nay cũng đang trong tình trạng bị "phá" tan tành, muốn "xây" lại cần phải có nhiều thời gian và tâm huyết thực sự.
Trần Minh Quân

Tổng số lượt xem trang