Thứ Tư, 2 tháng 2, 2011

Chước Lớn và Mưu Vặt....

-Chước Lớn và Mưu Vặt.... 
Kinh Tế Cũng Là Chính Trị   
Nguyễn Xuân Nghĩa - Người Việt ngày 110201

Bắc Kinh cứ linh tinh mà tưởng là tinh ma...


Hàng tuần, trên cột báo này, người viết được yêu cầu nêu ra nhận xét của mình về hai lãnh vực khác biệt.

Mục "Hoa Kỳ Nhìn Từ Bên Ngoài" thì đề cập tới các vấn đề của Hoa Kỳ trong quan hệ quốc tế, phần nào để bổ sung cho một đặc tính của truyền thông Mỹ là ít quan tâm hay loan tải tin tức thế giới nếu không liên hệ đến nước Mỹ nên dân Mỹ cũng khó hiểu là vì sao thiên hạ ghét Mỹ.

Mục "Kinh Tế Cũng Là Chính Trị" thì tập trung vào đề mục kinh tế, với tham vọng giải thích được những động lực chính trị bên trong các quyết định kinh tế ở mọi nơi. Chứ thật ra, độc giả không chờ đợi tìm thấy trong loại bài này những chỉ dẫn để mình... chơi stock!

Tuần này thì người viết bị... tréo giò khi Ai Cập có biến vì đề mục tuần này là về kinh tế.

Đây là sự kiện đáng trình bày trong mục "Hoa Kỳ Nhìn Từ Bên Ngoài", để xem Hoa Kỳ xử trí ra sao vì có khi một đồng minh chiến lược trong khu vực then chốt nhất lại tuột tay... Lại trong dịp tất niên, bà con chuẩn bị ăn Tết mà lại nói chuyện nhức đầu. Vì vậy, xin quý độc giả tìm hiểu chuyện Ai Cập ở nơi khác, người viết trở lại nhiệm vụ trong tuần, với nụ cười cho tiết mục định kỳ này bớt phần khô khan trong dịp tết nhất.

Và nhân đây, xin gửi lời chúc an lạc và thành công tới quý độc giả gần xa trong năm Tân Mão....



***


Bây giờ, đến chuyện mua vui. Không vui sao được!

Tuần qua, Tổng thống Barack Obama có bài diễn văn quan trọng nhất năm, về Tình hình Liên bang, đọc trước Lưỡng viện Quốc hội vào tối Thứ Ba 25. Người viết không phân tách bài diễn văn vì thừa: chẳng có gì đáng phân tách về nội dung nhàm, nhạt và gây thất vọng ngay trong một số dư luận Dân Chủ.

Chỉ vì bài diễn văn gần 7.000 chữ, gần 400 câu, trình bày trong một giờ, được xen kẽ với 80 lần vỗ tay, mà không nêu bật được chủ trương đường hướng rõ rệt về những gì phải thực hiện trong phân nửa cuối của nhiệm kỳ đầu, từ nay đến 2012. Đáng chú ý nhất, "con trâu trắng mất mùa" của Mỹ lại vắng mặt: toàn bài diễn văn không hề có một chữ "thất nghiệp" (unemployment) hay "nhân dụng" (employment). Từ một ông tổng thống nổi tiếng hùng biện thì đây là chuyện lạ.

Dàn thợ viết của ông Obama mải chuần bị ăn Tết?

Thế rồi để đánh thức dân Mỹ, khi dùng ẩn dụ "Sputnik" - vệ tinh đầu tiên của Liên bang Xô viết làm nước Mỹ bừng tỉnh thành quốc gia đầu tiên đặt chân lên địa cầu - ông Obama cũng chọn sai thí dụ, với hàm ý là Hoa Kỳ đang bị các nền kinh tế Trung Quốc hay Ấn Độ bắt kịp. Ngay sau đó lại ca tụng các nền kinh tế này đã tạo ra 250 ngàn việc làm cho dân Mỹ! Quái lạ.

Hoàn tất nhiệm vụ, xin nói về chuyện vui. Nó ở bên lề, là cách đón tiếp Chủ tịch Hồ Cẩm Đào vào đêm 19 tháng Giêng.


***


Trong khi dư luận Mỹ còn chú ý đến bài diễn văn và những gì vừa xảy ra tại Ai Cập thì có người tri hô chuyện động trời trong tiếng nhạc du dương của buổi tiệc khoản đãi quốc khách hôm 19. Như tờ báo Hoa ngữ "The Epoch Times" (Đại kỷ nguyên Thời báo) xuất bản tại Los Angeles, tờ Los Angeles Times và một số blogs thuộc khuynh hướng bảo thủ.

Số là trong sinh hoạt nghệ thuật chào mừng tinh thần hợp tác với sự tương kính, Hoa Kỳ mời danh thủ dương cầm Trung Quốc từ Hong Kong qua trình tấu một nhạc khúc Trung Hoa. Danh thủ là Lang Lang. Chẳng hiểu sao, tay diệu thủ lại tấu bài "Tổ quốc tôi". Có dịch ra Anh ngữ thành "My Motherland" thì chẳng ai thấy phiền hà.

Nhưng nếu hiểu bối cảnh xuất hiện của tác phẩm thì giật mình.

Năm 1956, Trung Quốc thực hiện cuốn phim tuyên truyền về tinh thần anh dũng bất khuất của... "Chí nguyện quân" trong chiến tranh Cao Ly, chống quân... Mỹ. Đó là phim "Thượng Cam lĩnh" hay "trận đánh trên núi Thượng Cam" mà truyền thông Mỹ dịch thành "Tam giác lĩnh" - núi tam giác. Nhạc phim có bài ca "Ngã đích Tổ quốc" - Tổ quốc tôi" - ca khúc hực lửa chống Mỹ sau trở thành bài ca tuyên truyền phổ biến trong dân gian! 

Nhạc thuật của ca khúc không có gì đáng cho diệu thủ Lang Lang phô diễn tài nghệ, nhất là trong một buổi quốc yến! Kho tàng âm nhạc Trung Hoa thiếu gì tác phẩm có thể hiển dương văn hoá Thiên triều? Vì sao Lang Lang, hay ai đó ở nhà, chọn bài ấy? Chẳng khác chi là tát vào mặt chủ nhà với một bài ca chống Mỹ.

Ngày 21 tháng Giêng, nhà đấu tranh cho dân chủ Ngụy Kinh Sinh gửi điện thư (email) lên lãnh đạo Quốc hội và Ngoại trưởng Hillary Clinton về sự kiện đó. Ông viết là thấy xấu hổ nên mới phải viết thư. Và chỉ cho lãnh đạo Hoa Kỳ những youtube để nghe và biết rõ hơn về tác phẩm được trình tấu trong bữa quốc yến thắm thiết tình hữu nghị! 

Ngụy Kinh Sinh còn chân thật nói rằng ông không ngạc nhiên khi tay độc tài của một chế độ chuyên chính lớn nhất lại muốn nhục mạ dân Mỹ.

Ông ngạc nhiên là điều ấy không xảy ra tại một dạ tiệc bên Trung Quốc mà ở trong Toà Bạch Cung của Hoa Kỳ. Hình như Hoa Kỳ muốn tự nhục mạ! Nhất là sau đó, Tổng thống Obama còn khen ngợi người nghệ sĩ và ca tụng những năm tháng hợp tác sau này với Trung Quốc.

Ngụy Kinh Sinh viết ra như vậy mà truyền thông dòng chính của Mỹ thì vẫn lờ!

Nếu được tham khảo ý kiến - mừng Xuân ta có quyền hoang tưởng - người viết đề nghị Phủ Tổng thống cho trình diễn một tác phẩm xuất hiện từ 1939. Bài "Hà nhật quân tái lai?" Ngày nao chàng về? Bài này viết trong cuộc chiến... kháng Nhật của Trung Hoa, nhưng ông Obama có dịp ra chiều luyến tiếc Hồ Chủ tịch mà mong ngày tái ngộ, nên mới hỏi bằng nhạc: "Ngày nào ông trở lại?" Trữ tình chừng nào, mà lại không tỏ vẻ bênh vực Nhật Bản! Nếu lại là hồn ma của nàng Đặng Lệ Quân của Đài Loan hỏi câu ấy sau tiếng nhạc Lang Lang... thì mới tuyệt. Không phải ư?

Vì nào chỉ có kinh tế mà... "âm nhạc cũng là chính trị"!


***

Văn hoá cũng thế.

Lại nhắc chuyện xưa cho vui cảnh đầu năm: đầu năm 1972, trong cơn sốt chưa nguôi của "Đại văn cách" - Cách mạng Văn hóa Vĩ đại - và giữa chiến dịch "Phi Lâm Phi Khổng" tấn công Thống chế Lâm Bưu và đức Khổng Phu tử, Thủ tướng Chu Ân Lai đại diện Chủ tịch Mao Trạch Đông mở dạ tiệc khoản đãi Tổng thống Richard Nixon và phái đoàn Mỹ.

Khai mạc dạ tiệc, họ Chu nâng ly chúc mừng Tổng thống Mỹ với câu trích dẫn từ "Luận ngữ", một trong "Tứ thư" của nền văn hoá Trung Hoa mà chế độ cách mạng cho là phong kiến. Đó là câu "hữu bằng tự viễn phương lai"... có bạn đến từ phương xa.

"Luận ngữ" là cuốn sách ghi lại những đối đáp của Khổng tử với các môn đệ, mà cũng là lời dạy của bậc thầy muôn thuở. Chương đầu cuốn sách mở ra với câu "Học nhi thời tập chi, bất diệc duyệt hồ..." - Học mà cũng tập, không giỏi sao được! Cho nên "Học nhi" trở thành tên của chương đầu. À, cái chữ "học tập" hiền lành có lẽ từ đó mà ra...

Sang câu thứ hai: "Hữu bằng tự viễn phương lai, bất diệc lạc hồ!" Có bạn từ phương xa đến, không vui sao được! Nếu dịch như vậy thì ai cũng thấy Chu Tổng lý uyên bác, không hẹp hòi cực đoan mà dẫn lời Thánh Khổng để chào mừng thượng khách khi mà tư tưởng hay sách vở gì của thầy Khổng cũng bị Vệ binh đỏ thủ tiêu vì là phong kiến, phản động!

Chu Ân Lai có thể muốn dân Mỹ và truyền thông Hoa Kỳ hiểu như vậy và tường thuật như vậy.

Trong khi ấy, người am hiểu văn hoá và văn học Trung Hoa ở nhà thì biết rằng Chu Tổng lý vừa nhục mạ tay Mỹ đế đầu sỏ! Nguyên ủy là các môn đồ cửa Khổng hỏi thầy rằng nếu có Rợ phương Tây đến học ta chữ Lễ thì ta có dậy không? Thầy Khổng mới ban cho câu nói để đời: "Có bạn từ phương xa tới..."

Diễn nôm thì Chu Ân Lai muốn trấn an thần dân của mình, rằng Rợ phương Tây đến đây là để học tập về nền văn minh Trung Hoa. Và tên chúa rợ đã hồn nhiên cạn chén!

Người viết cứ phải kể lại bối cảnh chuyện này vì sự thể ngày nay coi bộ vẫn không khác!

Ở bên cạnh Trung Quốc, nền văn hoá của dân ta có một nhánh nhỏ là "Thơ đi sứ" và nhiều giai thoại về việc các quan của ta phải đi sứ bên Tầu. Làm sứ thần hay sứ giả tới một triều đình kênh kiệu khinh người mà không gây nhục quốc thể là điều không dễ cho các cụ. Rồi dân ta cũng có một khả năng sắc bén về nghệ thuật xiển xo xỏ xiên, nói cạnh nói khoé. Nói thẳng thì có khi mất đầu.

Nên hiểu ra dụng ý khá đểu mà thực ra cũng ấu trĩ và đầy mặc cảm của Chu Ân Lai!

Nhưng, lần này Phủ Tổng thống Mỹ lại để xảy ra chuyện ly kỳ thì cũng lạ!

Lần trước, vào năm 2006, khi đón tiếp Chủ tịch Hồ Cẩm Đào, Toà Bạch cung của George W. Bush để xảy ra "sự cố" là tấu lên quốc thiều của Trung Hoa Dân Quốc (Đài Loan) thay vì của Cộng hoà Nhân dân Trung Quốc (Bắc Kinh). Sau đó, giữa đám đông tụ tập trong khuôn viên của Phủ Tổng thống lại có người hô khẩu hiệu đả kích chế độ là chà đạp quyền tự do tôn giáo!

Quyền tự do ngôn luận là điều mà chính quyền Mỹ không cấm được, nhưng việc sơ xuất lầm nhạc thì quả là lạ! Đã thế, năm đó, ông Bush hội họp xong mà chẳng thèm mời khách ăn trưa hay dự quốc yến ban tối! Chúng ta có thể kết luận là Chính quyền Bush ẩu.. hoặc xấc!

Không đáng ngạc nhiên lắm về ông Tổng thống cao bồi này. Nhưng có khi cái xấc cũng là dụng ý - mà trực diện. Bây giờ, chơi nhạc khúc có nội dung mạt sát Hoa Kỳ ngay trong quốc yến thì ban tham mưu của Chính quyền Obama có thể ẩu mà... - chữ gì đây để không quá nặng - khờ?

Đến đây, bài viết đã đạt... "mục đích yêu cầu" là giúp vui độc giả trong mấy ngày mừng Xuân đón Tết. Còn lại?



***


Còn lại là nỗi phân vân của Hoa Kỳ về những gì phải thực hiện trên mặt trận kinh tế? Không, kinh hãi hơn vậy là những mâu thuẫn của lãnh đạo Bắc Kinh về cái gân gà kinh tế của họ. Xin có vài lời về chuyện này để chúng ta ăn Tết bình an.

Sau sáu lần đổi nhịp trong năm 2010, tháng Giêng vừa qua, Trung Quốc lại một lần nữa tăng mức dự trữ pháp định của các ngân hàng. Mục tiêu là để kềm hãm nạn lạm phát. Cùng với việc nâng lãi suất và giới hạn việc cho vay, lãnh đạo Bắc Kinh đang cần hạ nhiệt kinh tế. Và còn ra lệnh là trong các khoản tín dụng mới, cấp phát năm nay, các ngân hàng phải tính luôn cả những khoản vay ngoại ngạch, không được bút toán trong kết số tài sản năm ngoái.

Loại tin tức như thế này, ai mà để ý?

Nhưng chúng phản ảnh vài ba sự kiện: các ngân hàng cho vay quá nhiều vì theo diện chính sách, và gây áp lực tiền tệ khiến vật giá sẽ tăng. Họ lại còn có thủ thuật kế toán là cho vay ngoài biên chế, không ghi trong kết toán tài sản. Người lạc quan thì cho là Trung Quốc đang thấy sợ và cũng đã biết kiềm chế lạm phát bằng những khí cụ tinh vi hơn. Lạc quan vì năm năm trước, lãnh đạo chỉ khơi khơi ra lệnh: cấm cho vay thêm trong mấy tháng tới, cho đến khi có lệnh mới, bất chấp là nhiều công trình sẽ bị dang dở.

Nhưng, như vậy thì vẫn lạc quan tếu, vì tin tức tài chánh tuần qua lại có sự lạ.

Từ đầu năm nay, các trái phiếu của doanh nghiệp - thuật ngữ kinh tế tài chánh gọi là "corporate bonds" - bỗng đắt như tôm tươi. Nói cho dễ hiểu: các doanh nghiệp không vay tiền ngân hàng được thì... phát hành trái phiếu. Thế thôi.

Nhưng kinh tế cũng là chính trị.

Một thí dụ là trong hệ thống công quyền Trung Quốc, Ngân hàng Nhà nước và Hội đồng Giám đốc Quản lý Ngân hàng (thuộc Quốc vụ viện - Hội đồng Chính phủ) có nhiệm vụ điều tiết lượng tín dụng ngân hàng. Nhưng, Hội đồng Giám đốc Quản lý Chứng khoán - cơ quan ngang bộ thuộc Hội đồng Chính phủ - và Hội đồng Quốc gia Phát triển và Cải cách, cũng trong Hội đồng Chính phủ, lại quyết định về việc phát hành trái phiếu. Tức là cùng từ chính phủ xuống, có hai cơ quan ra lệnh hạn chế cho vay và hai cơ quan cho phép đi vay! Song thủ hổ bác!

Bên trong hệ thống chính trị, có phe nhắm vào 300 triệu người trung lưu - và 60 triệu tay triệu tỷ phú, đa số ở miền duyên hải - có phe lại lo rằng cả tỷ người đói khổ còn lại sẽ nổi loạn. Mà chẳng phe nào đạt nhất trí. Ở dưới là cái bình thông đáy, nước nghẽn chỗ này thì chảy qua chỗ kia - và vẫn làm úng thủy khiến dân nghèo chết đuối.

Tổng thống Obama có thể dùng hình ảnh Sputnik để làm nức lòng quốc dân. Chứ Liên Xô thì biết là hố sau màn biểu diễn vô vị đó. Bây giờ đến lượt Trung Quốc. Cũng hung hăng đe dọa thế giới mà lãnh đạo bên trong không bảo được nhau. Và không ban hành được chỉ thị nhất quán về một vấn đề kinh tế hệ trọng. Họ đang bị loạn chiêu, thành những Triệu Loan!

Suy ra thì ta phải đoán rằng những gấu ó về chánh sách bên trong Bắc Kinh sẽ kéo dài tới khi Quốc hội nhóm họp vào tháng Ba này, và cho đến Đại hội 18 vào năm tới! Trong khi ấy, vì là đa nguyên nền dân chủ của Mỹ cãi nhau ỏm tỏi và choảng nhau nặng về chính trị. Nhưng chánh sách kinh tế tài chánh bên dưới vẫn nhất quán mạnh lạc. Nhất là minh bạch hơn.

Chuyện ấy thì có gì vui?

Thưa rằng, nếu ông Obama tỉnh giấc cách mạng và tuần tới gặp doanh gia với giọng thân hữu hơn là coi họ như kẻ thù, các doanh nghiệp Hoa Kỳ có thể buông ra hai ngàn tỷ đô la tiền tươi họ giấu dưới gối. Để đầu tư và tạo ra việc làm. Khi ấy, Obama sẽ tràn trề hy vọng với cuộc hẹn 2012. Đời vui như ong bay, khi thấy Xuân về!

Có phải kinh tế cũng là chính trị không nào?

___________________________________________________


Ghi chú: Mỗi Thứ Ba, bình luận gia Nguyễn Xuân Nghĩa có một bài trên cột báo này của Người Việt, xen kẽ giữa hai chủ điểm: về quốc tế là "Hoa Kỳ Nhìn Từ Bên Ngoài" và về kinh tế là "Kinh Tế Cũng Là Chính Trị". Từ năm 2011, tác giả Nguyễn Xuân Nghĩa thực hiện một blog riêng: www.dainamax.org để giới thiệu các bài viết từ nhiều nguồn gốc tới quý độc giả gần xa cùng tham khảo, và phê bình.




Tổng số lượt xem trang