“… Duy trì quan hệ hữu hảo với các nhà độc tài là một phần việc vạn bất đắc dĩ nhưng cần thiết trong những hành động cân bằng quyền lực tinh tế làm nên chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ …”
Những đồng minh khó xử nhất của Hoa Kỳ
Joshua E. Keating
Duy trì quan hệ hữu hảo với các nhà độc tài là một phần việc vạn bất đác dĩ nhưng cần thiết trong những hành động cân bằng quyền lực tinh tế làm nên chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ. Nhưng điều mà Washington lại vừa học được trong tuần này là chính việc ủng hộ một chế độ thiên về bạo lực chính trị, vì mục đích ổn định, có thể cũng bộc lộ những rủi ro. Sau đây là danh sách 8 nước đồng minh có thể làm cho Mỹ phải khó xử.
Tổng Thống Bush với vua Abdullah |
Lãnh đạo: Vua Abdullah
Thành tích:
Vị vua này đã cai trị Ả-rập Xê-út từ năm 2005. Làm lãnh đạo ở một nước không có bầu cử, quốc hội hay đảng phái chính trị nào, Abdullah và gia đình của ông áp đặt quyền lực không hạn chế trên khắp vương quốc, và – do Ả-rập Xê-út sở hữu một phần năm sản lượng dầu thô thế giới và hai mảnh đất thiêng của người Hồi giáo – họ có nhiều ảnh hưởng ở cả bên ngoài biên giới nước mình nữa. Abdullah đã làm nhiều người kinh ngạc khi tiến hành một số cải cách nho nhỏ trong hệ thống tăng lữ của đất nước kể từ năm 2009, dù rằng điều này có thể liên quan tới mộng ước củng cố quyền lực của ông ta hơn là vì một động lực mang tính đa nguyên và khai sáng nào. Vị vua 86 tuổi đã ốm yếu suốt mấy năm qua, đưa đến nhiều suy đoán về việc ai trong các thân nhân sẽ kế vị ông ta.
Vương quốc này vẫn là một trong những nước đàn áp nhân quyền nhất thế giới, đặc biệt đối với 9 triệu nữ công dân của họ, những người bị cấm làm nhiều việc, cấm lái xe, và về mặt pháp lý, bị coi là phải phụ thuộc chồng. Ngoài đạo Hồi, tất cả các tôn giáo khác đều bị cấm. Bắt giữ, tra tấn người không qua xét xử là chuyện thường xảy ra. Riêng trong năm 2009 đã có khoảng 2.000 người bị bắt vì lý do chính trị.
Vai trò hỗ trợ của Mỹ:
Cho dù hôn, bắt tay hay cúi đầu, thì các Tổng thống Mỹ thuộc cả hai đảng đều luôn được dự đoán sẽ thể hiện tình cảm của họ đối với Hoàng gia Ả-rập Xê-út, một truyền thống có từ thời chính quyền Franklin Roosevelt. Ả-rập Xê-út vốn là nước duy nhất trên thế giới có “thừa khả năng sản xuất” – đủ lượng dầu dự trữ để có thể tác động tới giá năng lượng toàn cầu nếu muốn – nên hợp tác với họ là việc quan trọng sống còn để nền kinh tế Mỹ có thể vận hành mạnh mẽ được.
Kể từ sau vụ 11/09, chính quyền Ả-rập Xê-út còn hỗ trợ tiền và tình báo cho cuộc chiến chống khủng bố của Mỹ, triệt hạ những nhân vật cực đoan bạo lực trong và ngoài nước, ở Yemen. Tuy nhiên vẫn còn tồn tại thắc mắc về mức độ viện trợ mà các thành viên trong Hoàng gia Ả-rập Xê-út dành cho Al Qaeda. Mỹ cũng phải trông cậy vào ảnh hưởng ổn định của Ả-rập Xê-út ở vùng Trung Đông để làm đối trọng với Iran và làm trung gian giữa họ với chính quyền Palestine. Năm 2010, mối quan hệ được thắt chặt thêm nhờ một hợp đồng mua bán vũ khí trị giá 60 tỷ USD, trong đó có cả các hạng mục máy bay chiến đấu, trực thăng, tên lửa.
Tổng Thống Bush với Ali Abdullah Saleh |
Lãnh đạo: Ali Abdullah Saleh
Thành tích:
Saleh nắm quyền lần đầu tiên ở phần phía bắc Yemen trong một cuộc đảo chính quân sự năm 1978, và đã cai trị toàn thể đất nước kể từ ngày thống nhất quốc gia, năm 1991. Các đảng đối lập bị cách ly khỏi xã hội, bầu cử quốc hội bị hoãn vô thời hạn, và người dân thường xuyên bị kẹt trong những cuộc tấn công của quân đội vào khu vực miền nam vô luật pháp.
Yemen vừa là một trong những quốc gia ít ổn định nhất thế giới, với việc những phiến quân Hồi giáo Shiite nổi dậy không ngớt ở miền Nam đất nước, vừa là một trong những quốc gia mất nhân quyền nhất: Nạn bắt giữ và tra tấn người tùy tiện diễn ra lan tràn và hành động “giết người vì danh dự” của đàn ông nhằm vào phụ nữ trong gia đình thường xuyên được chấp nhận, không bị trừng phạt. Phấn khích trước các sự kiện xảy ra ở Tunisia và Ai Cập, những người biểu tình đã đổ ra đường phố thủ đô Sana’a trong những cuộc phản đối gần như là hàng ngày, suốt từ giữa tháng 01/2011 tới nay, đòi Saleh thoái vị.
Vai trò hỗ trợ của Mỹ:
Saleh có lẽ là đồng minh ít ngờ tới nhất của Mỹ. Ngoài phong cách lãnh đạo độc đoán và thái độ dung túng cho nạn tham nhũng trong giới quan chức, ông ta còn là một đồng minh thân cận của Saddam Hussein, và là người ủng hộ cuộc xâm lược của Iraq vào Kuwait năm 1990. Nhưng cuộc chiến chống khủng bố đã kéo những kẻ vốn là đồng minh xa lại gần với nhau: Những nhóm cực đoan ở Yemen là một nguồn đưa đến vô số cuộc tấn công khủng bố nhằm vào quân Mỹ, từ vụ đánh bom chiến hạm Mỹ USS Cole năm 2000 đến âm mưu đánh bom ngày Giáng Sinh, đến một nỗ lực cài bom vào máy in cuối năm 2010. Nghe đồn khu vực bán đảo Ả-rập còn là nơi ở của tên khủng bố khét tiếng Anwar Al-Awlaki và băng đảng Al Qaeda.
Trước những hiểm họa phát xuất từ Yemen, các nhà hoạch định chính sách Mỹ quyết định rằng các nỗ lực của Saleh nhằm vãn hồi trật tự trong nước là giải pháp tốt nhất để ngăn chặn những cuộc tấn công sau này, và (vì thế) viện trợ quân sự cho Yemen đã tăng hơn hai lần kể từ âm mưu đánh bom Giáng Sinh năm 2000. Viện trợ quân sự của Mỹ cho Yemen chắc sẽ đạt 250 triệu USD vào năm 2011, bên cạnh những khoản gia tăng đáng kể trong viện trợ phát triển.
Tổng thống Obama với vua Abdullah II |
Lãnh đạo: Vua Abdullah II
Thành tích:
Khi Abdullah, nhân vật từng du học ở phương Tây, lên ngôi vào năm 1993, ai cũng hy vọng rằng cải cách chính trị sẽ diễn ra sau đó. Năm 1989, chính phủ đã dỡ bỏ thiết quân luật áp dụng suốt 20 năm, và tái lập quốc hội. Nhưng nền dân chủ đã không đến: Hệ thống bầu cử của Jordan vẫn ở trong tình trạng tồi tệ, gian lận thiên vị những ứng cử viên trung thành với chính phủ. Đảng đối lập lớn nhất nước, Mặt trận Hành động Hồi giáo, một nhánh của phong trào Những người anh em Hồi giáo, đã tẩy chay hai cuộc bầu cử Quốc Hội gần đây nhất, vạch ra những hành vi gian lận và mua phiếu. Chính phủ lấy thành công của phe Hamas trong cuộc bầu cử ở lãnh thổ Palestine gần đó để biện minh cho tốc độ cải cách chính trị chậm chạp ở nước mình.
Cải cách kinh tế của Abdullah tạo ra được mức tăng trưởng ổn định, nhưng cũng giống như Ai Cập, điều này không được chuyển biến thành chất lượng sống cao hơn cho những công dân nghèo nhất nước. Thất nghiệp có thể lên tới 30%, và tỷ lệ nghèo đói ở vào khoảng 25%. Hàng nghìn người đã phản đối các chính sách kinh tế của chính phủ bằng việc biểu tình ngồi trước cổng Quốc hội hôm 16/1.
Vai trò hỗ trợ của Mỹ:
Mỹ dựa vào Jordan để được sự trợ giúp trong công cuộc chống khủng bố cũng như cần một vai trò xây dựng trong tiến trình hòa bình Israel-Palestine. Dưới triều đại Hoàng gia Hashemite, Jordan đã theo đuổi một chính sách đối ngoại thân Mỹ nhất quán nhất trong các nước Trung Đông. Họ được tưởng thưởng hơn 6 tỷ USD viện trợ phát triển kể từ năm 1952; họ là nước nhận viện trợ (tính bình quân đầu người) nhiều thứ hai trong danh sách nhận viện trợ nước ngoài của Mỹ. Năm 2010, Mỹ và Jordan ký một hiệp định phát triển trị giá 360 triệu USD. Mỹ cũng đã cung cấp đáng kể viện trợ quân sự cho Jordan, trong đó có cả một hạm đội máy bay F-16 mới (năm 2007).
Tổng Thống Bush với ông Meles Zenawi |
Lãnh đạo: Meles Zenawi
Thành tích:
Cuộc bầu cử năm 2010, trong đó đảng của Thủ tướng Meles Zenawi giành tỷ lệ ấn tượng 99,6% số phiếu, là đỉnh cao của cái mà Human Rights Watch gọi là “chiến lược 5 năm của chính phủ nhằm xóa bỏ một cách có hệ thống không gian dành cho những nhà bất đồng chính kiến và phản biện độc lập”. Chiến lược này bao gồm các cuộc tấn công và bắt giữ những nhân vật bất đồng chính kiến nổi bật, đóng cửa báo chí và hành hung những nhà báo phê phán chính quyền, và cấp phát nhỏ giọt viện trợ lương thực của quốc tế như một chiêu khích lệ dân nghèo gia nhập đảng cầm quyền.
Bên cạnh việc tấn công vào báo chí trong nước và các tổ chức NGO, thời gian trước bầu cử, chính phủ còn phá sóng Đài Tiếng nói Hoa Kỳ và Đài Deutsche Welle. Tổ chức NGO của Mỹ, Freedom House (Ngôi nhà Tự do), đã lần đầu tiên đánh tụt hạng Ethiopia xuống hàng “không tự do” trong bản khảo sát thường niên “Freedom in the World” (Tự do trên Thế giới) của họ năm nay.
Vai trò hỗ trợ của Mỹ: Nằm giáp biên giới với Sudan và Somalia, Ethiopia được lợi từ việc có một chính quyền thân Mỹ – ít nhất cũng trên danh nghĩa – tại một khu vực rất nguy hiểm. Năm 1998, Tổng thống Mỹ Bill Clinton từng tả Zenawi là nhà lãnh đạo của một “châu Phi phục hưng”. Sự ủng hộ lớn mạnh nhất mà Washington dành cho Addis Ababa được tiếp tục dưới thời George W. Bush, người coi chính quyền với thành phần chủ yếu là Công giáo của Zenawi là một bức tường thành chống chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan ở Đông Phi, và đã đổ vào đây hàng triệu USD viện trợ quân sự. Bush phản đối những điều luật gắn việc viện trợ quân sự cho Ethiopia với vấn đề nhân quyền, và đã ngấm ngầm hỗ trợ cho cuộc xâm lược năm 2007 của Ethiopia vào Somalia.
Những bài diễn văn dẫu sao cũng ít nồng nhiệt hơn dưới thời Obama – chẳng hạn, Bộ Ngoại Giao Mỹ đã kịch liệt phê phán cuộc bầu cử ở Ethiopia năm 2010 – nhưng Mỹ sẽ tiếp tục tài trợ cho Ethiopia với số tiền 583,5 triệu USD trong năm nay, bất chấp những bằng chứng cho thấy chính phủ nước này đang dùng tiền viện trợ đó để trực tiếp đàn áp những người bất đồng chính kiến.
Tổng thống Bush với ông Yoweri Museveni |
Lãnh đạo: Yoweri Museveni
Thành tích:
Museveni ba hoa nhiều về dân chủ, phát triển kinh tế, và các nỗ lực chống tham nhũng, và công bằng mà nói thì ông ta đã tiến hành một số cuộc cải cách đầy hứa hẹn từ đầu nhiệm kỳ tổng thống, khuyến khích tự do báo chí và bầu cử, sau nhiều thập kỷ đất nước chịu ách cai trị thiên về bạo lực. Nhưng gần đây tổng thống cũng đã bắt đầu theo gương những người tiền nhiệm, hủy bỏ các điều khoản hạn chế quyền lực của mình, sau gần ba thập niên tại nhiệm; tiến hành những vụ tấn công (được luật pháp cho phép) vào các nhà báo độc lập; quấy phá các đảng đối lập; và sử dụng một máy bay riêng trị giá 50 triệu USD trong khi một phần ba dân chúng sống dưới mức thu nhập 1 đôla/ngày; còn trước đó thì ông ta đã phê phán những nhà lãnh đạo châu Phi khác sống phè phỡn tương tự. Các tổ chức phi chính phủ cũng ghi lại vô số vụ bắt giữ và tra tấn người trái pháp luật, do lực lượng Đặc nhiệm Chống Khủng bố Chung của quốc gia này tiến hành.
Năm 2010, Uganda bị cộng đồng quốc tế phê phán vì một dự thảo luật, hiện vẫn còn “treo”, nhằm trừng phạt người đồng tính với những hình thức rất tàn ác, kể cả tử hình. Ban đầu Museveni ủng hộ luật này, nhưng rồi đã xuống nước sau khi bị vài nước châu Âu đe dọa rút viện trợ. Nhà hoạt động vì quyền của người đồng tính, nổi tiếng nhất Uganda, David Kato, đã bị đánh chết vào ngày 27/01, chỉ vài tuần sau khi một tờ báo lá cải nổi tiếng in ảnh ông cùng với chú thích: “Hãy treo cổ chúng”.
Vai trò hỗ trợ của Mỹ:
Chính phủ ổn định, tăng trưởng kinh tế, và phản ứng hiệu quả của Uganda với dịch HIV/AIDS đã khiến nước này giống như một “đứa trẻ đáng thương tiêu biểu” (poster child) trong công cuộc phát triển Phi châu, và Uganda là một trong những nước nhận nhiều viện trợ Mỹ nhất ở châu Phi. Thêm vào đó, Museveni đã giúp các bạn mình ở Washington bằng cách góp gần 3000 lính gìn giữ hòa bình vào nhiệm vụ quốc tế ở Somalia, cũng như tiến hành một cuộc tấn công quân sự cực lớn vào lực lượng “Quân Nổi dậy của Chúa”, một trong những nhóm phiến loạn khét tiếng nhất châu Phi.
Lúc đầu, Obama tỏ ra miễn cưỡng phải thân thiện với Museveni, và đã từ chối vài đề nghị của nhà lãnh đạo Uganda xin tới một cuộc gặp ở Nhà Trắng, cũng như đã công khai phê phán đạo luật chống người đồng tính. Nhưng chính quyền Mỹ gần như im tiếng sau khi Museveni sử dụng vụ đánh bom Kampala nhân dịp World Cup 2010 của các chiến binh al Shabaab của Somalia như cái cớ để hạn chế nhiều hơn nữa báo chí và các đảng đối lập, dàn hòa mối lo ngại về dân chủ với nhu cầu được Uganda tiếp tục ủng hộ ở Somalia. Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về các vấn đề châu Phi, Johnnie Carson, thậm chí còn nói với báo chí rằng Uganda đã thực hiện “bầu cử công bằng và tự do trong năm 2006”, ngược với các báo cáo của chính Bộ Ngoại Giao trước đó, hé lộ vô số sự bất thường.
Tổng thống Clinton với ông Islam Karimov |
Lãnh đạo: Islam Karimov
Thành tích:
Karimov, tổng thống đầu tiên và duy nhất của Uzbekistan thời hậu độc lập, đã thường xuyên dập tắt bất đồng chính kiến ở Uzbekistan, cấm đoán các nhóm đối lập – đặc biệt những tổ chức Hồi giáo – trấn áp báo chí và bỏ tù hàng nghìn người. Đất nước của ông ta thường xuyên nằm trong số những nước tồi tệ nhất thế giới về vấn nạn tra tấn công dân, với các hình phạt như đánh đập, cưỡng hiếp, thậm chí dội nước sôi, trong những nhà giam luôn chật ních người. Uzbekistan đối diện với sự lên án của cộng đồng quốc tế vào năm 2005 sau vụ lực lượng an ninh của họ nổ súng bắn hàng trăm người biểu tình không vũ khí ở thành phố Andjian – những người này biểu tình ủng hộ một nhóm doanh nhân sở tại bị bắt. Karimov đã liên tục kéo dài thời gian tại vị của ông ta vượt ra khỏi giới hạn hai nhiệm kỳ theo hiến pháp quy định, và các nhà quan sát quốc tế đã bác bỏ cuộc bầu cử của Uzbekistan, coi đó là giả mạo.
Vai trò hỗ trợ của Mỹ: Uzbekistan đóng cửa một căn cứ không quân Mỹ ở nước họ năm 2005, sau khi Mỹ phê phán sự biến ở Andjian. Căn cứ đó hiện vẫn đóng, nhưng quan hệ hai nước thì đang được cải thiện. Tướng David Petraeus tiến hành một chuyến thăm cấp cao sang Uzbekistan vào năm 2009 để thảo luận về vai trò Uzbekistan có thể có trong cuộc chiến của Mỹ ở Afghanistan. Tháng 4 năm đó, hai nước ký hiệp định cho phép hàng viện trợ cho NATO được vận chuyển thông qua đường Uzbekistan. Tháng 11/2010, tư lệnh của CENTCOM, Tướng James Mattis, thăm Uzbekistan để ký một hiệp ước hợp tác về an ninh, bao gồm cả hoạt động đào tạo, huấn luyện quân sự.
Chính quyền Mỹ tiếp tục thúc ép Uzbekistan phải cải thiện tình hình nhân quyền, nhưng khối lượng bất động sản thực sự của Uzbekistan – và sự tương cận của nước này với cuộc chiến ở Afghanistan – rõ ràng là quá có giá trị để có thể chấm dứt sử dụng.
Tổng thống Obama với ông Nursultan Nazarbayev |
Lãnh đạo: Nursultan Nazarbayev
Thành tích:
Nazarbayev, cựu lãnh đạo Đảng Cộng Sản Kazakhstan, đã cai trị đất nước mà không gặp phải đối thủ về chính trị thật sự nào suốt từ thời độc lập, năm 1991. Luật bầu cử hạn chế khiến các đảng đối lập gần như không thể hoạt động, các tờ báo chống chính phủ thường xuyên bị quấy nhiễu và đóng cửa, và tham nhũng – đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng của quốc gia – lan tràn khắp trong nước.
Vào tháng 1, Quốc Hội Kazakhstan – cơ quan luôn biết vâng lời – đề nghị Nazarbayev tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý có thể kéo dài nhiệm kỳ của ông ta tới năm 2020, bỏ qua hai cuộc bầu cử mà theo kế hoạch sẽ diễn ra vào năm 2012 và 2017. Cảnh sát đàn áp thẳng tay phong trào chống đối nhằm vào động thái này. Sau khi bị cộng đồng quốc tế lên án, Nazarbayev bãi bỏ ý định cũ và kêu gọi tổ chức bầu cử tổng thống đột xuất, gần hai năm trước thời hạn đã định.
Vai trò hỗ trợ của Mỹ: Kazakhstan và Mỹ hợp tác thân thiết với nhau kể từ năm 1996 trong một dự án phát hiện và tháo dỡ nguyên liệu hạt nhân của Kazakhstan thời hậu Xô Viết. Kazakhstan cũng đã tạo những tuyến đường quá cảnh cho các chiến dịch quân sự của Mỹ ở Afghanistan. Lượng khí đốt ước đoán khoảng 84 nghìn tỷ feet khối của đất nước này cũng khiến cho họ trở thành một đối tác khu vực có giá trị đối với Mỹ.
Công bằng mà nói, Kazakhstan không vi phạm nhân quyền tới mức như các láng giềng Trung Á của họ, Kazakhstan cũng đã tăng trưởng kinh tế một cách hiệu quả hơn nhiều, và – cùng với Ukraine – là một trong những câu chuyện thành công to lớn và hiếm thấy nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh. Nhưng sự khen ngợi mà Mỹ dành cho chế độ hiện thời ở Kazakhstan, chế độ mà chưa bao giờ tiến hành một cuộc bầu cử thật sự có cạnh tranh, đôi khi nồng nhiệt một cách lố bịch. Tại một cuộc gặp hồi năm 2006 giữa Bush và Nazarbayev, Tổng thống Mỹ gọi Kazakhstan là một “quốc gia tự do” với một “cam kết thực hiện những thể chế khiến cho tự do nảy nở”.
Ngoại trưởng Hillary Clinton với ông Nguyễn Tấn Dũng |
Lãnh đạo: Nguyễn Tấn Dũng
Thành tích:
Đảng Cộng Sản Việt Nam là đảng duy nhất hợp pháp, và họ bổ nhiệm người của họ vào các vị trí lãnh đạo đất nước – Nguyễn Tấn Dũng vừa tái đắc cử nhiệm kỳ hai hôm 26/01. Theo tổ chức Human Rights Watch, trong năm qua, Việt Nam đã tăng cường đàn áp nhân quyền, bỏ tù những người đấu tranh bảo vệ nhân quyền, blogger và các cá nhân vận động chống tham nhũng. Những nhóm tôn giáo, cả đạo Thiên Chúa lẫn đạo Phật, đều phải đương đầu với tình trạng bị quấy phá liên tục. Việc cảnh sát hành hung và đánh chết người bị giam giữ trở thành chuyện bình thường.
Giống như Trung Quốc, Việt Nam tiến hành “gạn lọc” mạng internet trong nước, chặn tất cả các website làm họ gai mắt, đồng thời yêu cầu tất cả các nhà cung cấp dịch vụ internet cũng như tất cả các quán internet café phải cài đặt phần mềm kiểm soát để theo dõi người sử dụng.
Vai trò hỗ trợ của Mỹ:
35 năm sau ngày kết thúc chiến tranh Việt Nam, 15 năm sau ngày tái thiết quan hệ ngoại giao, mối bang giao Mỹ-Việt chưa bao giờ gần gũi hơn. Hai nước đã ký hiệp định thương mại tự do vào năm 2006, đưa Việt Nam tới gần với cương vị thành viên WTO thêm một bước. Cùng phải để mắt dõi theo một nước Trung Quốc đang vươn mình đứng dậy, hai nước cũng đã thắt chặt quan hệ hợp tác về quốc phòng, bao gồm cả việc tiến hành những cuộc thao dượt quân sự và ký một thỏa thuận về hạt nhân phục vụ mục đích dân sự. Năm 2010, Ngoại trưởng Hillary Clinton nói rằng, bất chấp những “khác biệt sâu sắc” về vấn đề nhân quyền, đã đến lúc hai nước phải đưa quan hệ của họ lên một “tầm vóc mới”.
Ngược với hy vọng của bà Clinton, sự cố sau đây có lẽ khó xoa dịu: Tháng 1/2011, Mỹ ra kháng nghị phản đối chính phủ Việt Nam, sau chuyện một nhà ngoại giao Mỹ bị công an Việt Nam vật ngã và rồi bị bắt, trong lúc ông ta đang cố gắng đến thăm nhà một người bất đồng chính kiến Việt Nam.
© Thông Luận 2011
-VN là đồng minh 'đáng xấu hổ' của Mỹ
Tạp chí có tiếng Foreign Policy - Chính sách Ngoại giao - đã đưa Việt Nam vào danh sách "các đồng minh đáng xấu hổ nhất" của Hoa Kỳ nhân các diễn biến ở Ai Cập nơi Tổng thống Hosni Mubarak là người được Hoa Kỳ hậu thuẫn.
Trong phần nêu danh Việt Nam, tạp chí nói 'lãnh đạo' Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng, thủ tướng chính phủ mới vừa được bổ nhiệm thêm nhiệm kỳ thứ hai bởi Đảng Cộng sản Việt Nam, đảng duy nhất được pháp luật cho phép bổ nhiệm các nhà lãnh đạo từ hàng ngũ của chính đảng này.Bấm Foreign Policy trích báo cáo của Human Rights Watch nói "Việt Nam đã tăng cường trấn áp nhân quyền trong năm qua, bỏ tù những người bảo vệ quyền con người, blogger và những người vận động chống tham nhũng".
Bên cạnh đó, tạp chí cũng nói các nhóm tôn giáo bị sách nhiễu nhiều lần trong khi sự tàn bạo của cảnh sát và các trường hợp tử vong khi bị cảnh sát giam xảy ra thường xuyên.
Về kiểm soát internet, Chính sách Ngoại giao nhận định:
"Cũng giống Trung Quốc, Việt Nam dựng tường lửa internet, chặn các trang web mà họ phản đối và đòi các nhà cung cấp dịch vụ và các quán cafe internet cài đặt phần mềm theo dõi người dùng".
'Hỗ trợ của Hoa Kỳ'
Foreign Policy nói "Ba mươi lăm năm sau cuộc chiến Việt Nam và 15 năm sau ngày quan hệ ngoại giao được tái lập, quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ chưa bao giờ gần gũi hơn hiện nay."
"Ý thức được sự trỗi dậy của Trung Quốc, hai nước đã tăng cường quan hệ quốc phòng bao gồm tập trận quân sự và một hợp đồng hạt nhân dân sự tiềm năng."
Ý thức được sự trỗi dậy của Trung Quốc, hai nước đã tăng cường quan hệ quốc phòng bao gồm tập trận quân sự và một hợp đồng hạt nhân dân sự tiềm năng.
Tạp chí Foreign Policy
Những nước khác có tên trong danh sách tám "đồng minh đáng xấu hổ nhất" khác nữa của Hoa Kỳ ngoài Ai Cập còn có Kazakhstan, Jordan, Ethiopia, Saudi Arabia, Uganda, Uzbekistan và Yemen.
Tại Kazakhstan, Tổng thống Nursultan Nazarbayev, cựu lãnh tụ Đảng Cộng sản, đã cai trị đất nước này từ năm 1991 mà không có cải tổ chính trị.
Ở Jordan, Vua Abdullah II lên ngôi từ năm 1993 và hệ thống bầu cử ở nước này được cho là "có lỗ hổng nghiêm trọng".
Foreign Policy nói chương trình cải cách kinh tế của Vua Abdullah đã dẫn tới mức tăng GDP ổn định nhưng cũng giống như ở Ai Cập, phát triển kinh tế đã không giúp người nghèo bớt khổ và thất nghiệp có thể cao tới 30%.
Vị Vua Jordan đã vừa phải bổ nhiệm thủ tướng mới hôm thứ Ba và ra lệnh "cải tổ chính trị thực sự" sau khi phe Hồi giáo đối lập biểu tình trong nhiều tuần đòi chính phủ từ chức.
Các nước còn lại trong danh sách đều bị tố cáo có chính sách bóp ngẹt không gian cho bất đồng chính trị và những chỉ trích độc lập, áp dụng các hình thức tra tấn và tham nhũng tràn lan.
Tại Saudi Arabia, chỉ riêng trong năm 2009 đã có tới 2000 người bị bắt về các cáo buộc chính trị trong khi chín triệu phụ nữ bị cấm làm một số việc nhất định, không được lái xe và cũng có luật buộc họ phải phục tùng chồng.
Yếu tố Ai Cập
Tờ Washington Post nói Hoa Kỳ từ lâu đã không coi cải tổ chính trị là ưu tiên hàng đầu trong quan hệ với Ai Cập.
Lý do là họ cần sự hỗ trợ của nước này để đạt được hòa bình giữa Israel và Palestine.
Họ cũng ngần ngại kêu gọi thay đổi chính trị ở Cairo sau khi phe Hồi giáo Hamas thắng cử tại Palestine trong năm 2006.
Washington Post nói về cuối nhiệm kỳ của Tổng thống George Bush, Ai Cập tự tin tới độ họ nói với Ngoại trưởng khi đó, bà Condoleezza Rice rằng bà không thể sang thăm Ai Cập nếu bà không bỏ hạn chế mà quốc hội đưa ra đối với khoản viện trợ quân sự 100 triệu đô la Mỹ.
Cuối cùng bà Rice đã phải thực hiện điều này.
Trong quan hệ với Việt Nam, các chuyên gia cũng nói Hoa Kỳ đã giảm nhẹ ưu tiên cho nhân quyền khi quan hệ kinh tế và quân sự phát triển.
Washington cũng muốn lôi kéo Việt Nam ngả về phía họ trong lúc Trung Quốc đang ngày càng tỏ ra mạnh dạn hơn.