“…vụ án Cù Huy Hà Vũ, một vụ án chính trị quan trọng, cơ quan có quyền quyết định có truy tố hay không truy tố và nếu truy tố sẽ tuyên hình phạt như thế nào, đó là BBTTƯĐ chứ không phải Bộ Công An hay Thủ Tướng Chính Phủ …”
Ngày 6/2/2011 nhiều báo trong nước đã đăng tin “Việt Nam tham gia cuộc tập trận lớn nhất thế giới”. Đây là cuộc tập trận chung thường niên mang tên "Hổ Mang Vàng" (Cobra Gold) đã bắt đầu ngày 7/2/2011 với sự tham gia của Thái Lan, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Indonesia, Singapore và nước lần đầu tiên có sự góp mặt là Malaysia. Việt Nam có cử 3 đại diện đến “tham gia”. Trước đó, ngày 23/1/2011 một bản tin khác của AP cho biết ngày 20/1/2010 Đô đốc Patrick M. Walsh, Tư Lệnh Hạm Đội Thái Bình Dương của Mỹ nói rằng Mỹ sẵn sàng mời Việt Nam tham gia cuộc tập trận “Cooperation Afloat Readiness and Training" (CARAT) của Hải Quân Mỹ. Ông hy vọng Việt Nam sẽ đồng ý. Nhưng cho đến nay Việt Nam vẫn làm thinh.
Thái độ dè dặt này cho thấy Hà Nội “rét” Anh Hai Bá Quyền và chỉ “tham gia” lấy lệ để khỏi mất lòng Mỹ và cho Trung Quốc thấy Hà Nội còn có chỗ dựa khác. Với thái độ này, chúng ta có thể nhận ra hướng đi của Đảng CSVN, nhất là trong 5 nắm tới.
Cũng chỉ là kiểu nói mò
Đài RFI ngày 30/1/2011 đã phổ biến bài “Nguyễn Tấn Dũng: Người cầm lái Việt Nam”, nói về vai trò nỗi bật của Nguyễn Tấn Dũng hiện nay. Bài báo đã trích dẫn nhiều đoạn trên tuần báo Le Courrier International trích dịch bài viết trên tờ báo Le Temps của Thụy Sĩ có tựa đề: «Nguyễn Tấn Dũng: Người cầm lái con tàu Việt Nam».
Bài viết cho rằng Nguyễn Tấn Dũng là người «nghiêm khắc», thậm chí «độc đoán», vẫn ngồi tiếp ghế thủ tướng cho thấy vai trò của tổng bí thư đã giảm sút.
Theo bài báo, hai tháng trước, tương lai của Nguyễn Tấn Dũng còn có vẻ mờ mịt. Ông bị kiểm điểm trước Quốc hội về vụ Vinashin đang ở trên bờ vực phá sản. Dũng còn bị liên lụy qua việc khai thác bauxite do Trung Quốc đầu tư, mà ông Dũng đã phê duyệt. Theo ông Benoỵt de Tréglodé, thì «Lần này xem chừng ông Dũng đã thương lượng việc tiếp tục ngồi ghế thủ tướng, để đổi lấy việc ông Trương Tấn Sang làm chủ tịch nước».
Cũng theo bài báo, trong nhiệm kỳ hai này, Nguyễn Tấn Dũng sẽ phải theo đuổi mục tiêu tỉ lệ tăng trưởng từ 7% đến 8%, và tăng tốc phát triển kinh tế. Việt Nam có tham vọng trở thành nước phát triển vào năm 2020. Nhưng Nguyễn Tấn Dũng sẽ gặp nhiều khó khăn, như trong lãnh vực quốc doanh vốn nhiều nợ nần và thường bị khuấy động bởi các xì-căng-đan tham nhũng.
Một số khác lại tin rằng Nguyễn Phú Trọng là người thân Trung Quốc, nên khi làm Tổng Bí Thư sẽ đặt Việt Nam vào sự lệ thuộc Trung Quốc.
Những nhận định trên cho thấy nhiều chuyên gia ngoại quốc và đa số các chính khứa của ta biết rất ít về Đảng CSVN.
1.- Nguyên tắc “tập thể chỉ huy, cá nhân phụ trách”
Nhìn 15 khuôn mặt trong Bộ Chính Trị kỳ này, chúng ta thấy từ Trương Tấn Sang đứng đầu đến Nguyễn Xuân Phúc đứng cuối, không có nhân vật nào sáng gía cả. Thế thì tại sao trong 57 năm qua, từ 1954 đến 2011, Đảng CSVN vẫn cầm quyền được mặc dầu qua nhiều sóng gió? Tại vì họ tuân hành triệt để nguyên tắc “Tập thể chỉ huy, cá nhân phụ trách” Nguyên tắc này được áp dụng một cách chặt chẽ từ cấp cao nhất đến cấp thấp nhất.
Miền Nam VN trước đây không thể tồn tại được vì từ 1964 đến 1975, người Mỹ đã giành quyền lãnh đạo miền Nam, các nhà lãnh đạo miền Nam được Mỹ đưa lên chỉ “ăn theo”, nên khi Mỹ buông ra, họ không biết phải làm gì.
Vì chỉ đóng vai trò phụ thuộc, Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu lúc đó không biết chuyện gì đang xẩy ra cho miền Nam, mặc dầu ngoài phố đã đoán biết. Ngay cả khi Mỹ quyết định loại bỏ ông và đưa Tướng Dương Văn Minh lên để đầu hàng, ông còn cự nự và hỏi: “Nếu tôi từ chức thì liệu viện trợ Mỹ có đến không?” Ông khuyến cáo chớ có trao quyền cho Tướng Minh vì “Ông Minh rất nguy hiểm”!
Nói tóm lại, miền Nam lúc đó đã được lãnh đạo theo cảm tính và những suy nghĩ nông cạn của cá nhân ông Thiệu, nên sụp đổ là chuyện phải xẩy ra.
Những người trong Bộ Chính Trị và trong Ban Bí Thư Trung Ương Đảng không đủ khả năng để lãnh đạo đất nước, nhưng họ làm việc theo những nguyên tắc chỉ đạo rõ rệt, có kỷ luật chặt chẽ và có một đội ngũ chuyên viên giỏi về nhiều lãnh vực của quốc gia. Các chuyên viên đã nghiên cứu và đưa ra những đề nghị để Ban Chấp Hành Trung Ương Đảng (BCHTƯĐ) và Bộ Chính Trị lựa chọn. Khi tập thể đã quyết định, mọi người phải tuân hành, không ai được làm khác. Nếu khi thi hành mà thấy có gì sai sót, phải làm tờ trình lên và chờ tập thể quyết định. Trong lúc chờ đợi vẫn phải triệt để thi hành.
Như vậy, không thể có chuyện Nguyễn Phú Trọng thân Trung Quốc hay Nguyễn Tấn Dũng thân Mỹ như một số người đã nói mò. Tất cả đều phải theo quyết định chung. Ai làm khác sẽ bị loại hay thanh toán. Trường hợp của Hoàng Văn Hoan và Võ Nguyên Giáp là những thí dụ điển hình.
2.- Cơ quan nắm quyền lực thật sự
Trên nguyên tắc, BCHTƯĐ là cơ quan quyền lực tối cao. Nhưng nhiều người không biết đến một cơ quan đã nắm quyền lực thật sự trong thực tế, đó là Ban Bí Thư Trung Ương Đảng (BBTTƯĐ).
Điều Lệ của Đảng CSVN quy định nhiệm vụ của BBTTƯĐ là lãnh đạo công việc hàng ngày của Đảng, thực hiện các nhiệm vụ sau:
- Chỉ đạo công tác xây dựng đảng và công tác quần chúng.
- Kiểm tra việc thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Đảng CSVN về kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại.
- Chỉ đạo sự phối hợp hoạt động của giữa các tổ chức trong hệ thống chính trị.
- Quyết định một số vấn đề tổ chức, cán bộ và một số vấn đề khác theo sự phân công của BCHTƯĐ.
- Chỉ đạo hoặc kiểm tra việc chuẩn bị các vấn đề đưa ra Bộ Chính Trị thảo luận và quyết định.
Thành phần BBTTƯĐ gồm một số do BCHTƯĐ cử và một số do Bộ Chính Trị cử.
BBTTƯD khoá X gồm 11 thành phần sau đây: Nông Đức Mạnh (Tổng Bí thư). Trương Tấn Sang (Thường trực Ban Bí thư), Nguyễn Văn Chi (Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra TƯ), Tô Huy Rứa (Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương) Hồ Đức Việt (Trưởng Ban Tổ chức TƯ), Trương Vĩnh Trọng (Phó thủ tướng), Lê Văn Dũng (Chủ nhiệm Tổng cục chính trị, Bộ Quốc phòng), Tòng Thị Phóng (Phó Chủ tịch Quốc hội), Ngô Văn Dụ (Chánh Văn phòng Trung ương Đảng) và Hà Thị Khiết (Trưởng ban Dân vận TƯ).
Về BCHTƯĐ khoá XI, chúng ta mới chỉ biết được 4 người do BCHTƯĐ cử là Ngô Xuân Lịch (Trung tướng, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị), Trương Hoà Bình (Chánh án Toà án nhân dân tối cao), Hà Thị Khiết (Trưởng Ban Dân vận Trung ương) và Nguyễn Thị Kim Ngân (UVTƯĐ). Không có Nguyễn Tấn Dũng.
Những thành phần do Bộ Chính Trị cử chưa được công bố, nhưng chắc chắn có Nguyễn Phú Trọng và Trương Tấn Sang.
Trong BBTTƯĐ, người nắm vai trò quan trọng hơn cả là Thường Trực Ban Bí Thư Trung Ương Đảng. Trong cả khoá X và XI, Trương Tấn Sang đều nắm chức vụ này. Điều này cho thấy người có quyền lực nhất hiện nay là Trương Tấn Sang chứ không phải Nguyễn Tấn Dũng.
Người quyền lực nhất hiện nay là Trương Tấn Sang chứ không phải Nguyễn Tấn Dũng |
Trong 15 thành viên Bộ Chính Trị, Trương Tấn Sang đứng đầu, Nguyễn Tấn Dũng đứng thứ 3, Nguyển Phú Trọng đứng thứ 8. Nguyễn Phú Trọng đã 67 tuổi, quá tuổi ấn định. Đáng lẽ ra Trương Tấn Sang phải làm Tổng Bí Thư, nhưng Trương Tấn Sang không phải là khuôn mặt sáng sủa và quen biết đối với quốc nội cũng như quốc tế, nên Nguyễn Phú Trọng, nguyên Chủ Tịch Quốc Hội, được lưu lại và đưa lên làm Tổng Bí Thư bù nhìn, còn Trương Tấn Sang, người có nhiều mưu lược nắm quyền. Có thể so sánh Nguyễn Phú Trọng với Nguyễn Bá Lương hay Nguyễn Bá Cẩn trong quốc hội VNCH trước đây, ông có tính tình ôn hoà, không mưu lược, chỉ làm đúng theo chỉ thị.
Đối với các vụ quan trọng, phải xin chỉ thị của BBTTƯĐ trước khi hành động. Một thí dụ cụ thể: Trong vụ án Cù Huy Hà Vũ, một vụ án chính trị quan trọng, cơ quan có quyền quyết định có truy tố hay không truy tố và nếu truy tố sẽ tuyên hình phạt như thế nào, đó là BBTTƯĐ chứ không phải Bộ Công An hay Thủ Tướng Chính Phủ. Do đó, khi ra trước toà, bị cáo cũng như luật sư chỉ cãi với những người điếc. “Quan tòa” chỉ đợi cho màn kịch diễn xong là đọc bản án đã định sẵn.
Vụ Toà Khâm Sứ và đất của giáo xứ Thái Hà ở Hà Nội cũng vậy, BBTTƯĐ đã ra quyết định, UBND thành phố Hà Nội chỉ đọc. Đức TGM Ngô Quang Kiệt và và các linh mục DCCT Thái Hà không biết điều đó, thay vì cho thư ký đi họp, đã đến tranh luận vung vít với những người điếc, nên những chuyện đáng tiếc đã xẩy ra.
Những vụ lớn hơn như vụ Vinashin, vụ khai thác bauxít, vụ đường xe lửa cao tốc, v.v., đều do BBTTƯĐ quyết định, nên dù Võ Văn Kiệt, Phan Văn Khải hay Nguyễn Tấn Dũng làm thủ tướng, đều cũng hành động như nhau. Quy trách cá nhân Nguyễn Tấn Dũng là đánh sai mục tiêu, mặc dầu Nguyễn Tấn Dũng có thể bị biến thành con bài thí.
Hướng đi cho năm tới
Sau 32 năm cải cách (từ 1978 đến 2010), Trung Quốc đã trở thành cường quốc kinh tế đứng thứ hai thế giới, chỉ sau Mỹ. Năm đặc khu kinh tế do Đặng Tiểu Bình chủ xuớng đã góp một phần quan trọng vào thành tích này: Thâm Quyến, Sán Đầu, Hạ Môn, Chu Hải và Hải Nam. Các đặc khu kinh tế đó được đặt gần các lãnh thổ hoặc thành phố lân cận Trung Quốc như Hồng Kông, Ma Cao, Đài Loan, và phát triển theo mô hình tư bản chủ nghĩa với nhiều ưu đãi. Thâm Quyến được coi là đầu tàu. Đến năm 2009, Thâm Quyến đã đạt mức GDP là 820,123 tỷ NDT, gấp 979 lần so với năm 1979, còn GDP tính theo đầu người đạt tới 13.600 USD/người, trở thành khu vực đứng đầu Trung Quốc.
Sau 23 năm cải cách, Việt Nam chỉ mới phát triển nữa với, chưa thể “cất cánh” được như Đài Loan, Nam Hàn, Hồng Kông Singapore hay Trung Quốc. Tại sao?
Việt Nam không theo nổi mô thức đặc khu kinh tế của Trung Quốc mà chỉ mô phỏng theo đường lối cải cách của những nước khác.
Việt Nam đã cho nghiên cứu mô thức “Chaebol” của Nam Hàn để hình thành những tập đoàn kinh tế lớn đóng vai trò mũi nhọn trong nền kinh tế Việt Nam. Vinashin là một thí dụ điển hình. “Chaebol” có nghĩa là hiệp hội kinh doanh (business association) lớn được đặt duới quyền kiểm soát của tập thể gia đình. “Chaebol” đã đẩy nền kinh tế Nam Hàn lên cao với 4 công ty mẹ là Samsung, Hyundai, Daewoo và LG. Bắt chước Nam Hàn, Vinashin đã hình thành công ty mẹ là Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam với 24 công ty con, 6 công ty liên kết và 10 liên doanh, nhưng thất bại thê thảm vì quản lý kém và lấy quyền lợi cá nhân và phe nhóm làm mục tiêu chính.
Nay Việt Nam đang thử nghiệm mô thức đặc khu kinh tế của Trung Quốc dựa theo chủ trương mới của Trung Quốc là mở một hành lang từ Quảng Tây xuống tới Singapore đi dọc theo duyên hải Việt Nam để cạnh tranh thị trường với Hoa Kỳ, Nhật và các quốc gia Tây phương.
Đến nay, Việt Nam đã cho hình thành 15 đặc khu kinh tế sau đây: Khu kinh tế Vân Đồn (Quảng Ninh), Khu kinh tế Đình Vũ – Cát Hải (Hải Phòng), Khu kinh tế Nghi Sơn (Thanh Hóa), Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An (Nghệ An), Khu kinh tế Vũng Áng (Hà Tĩnh); Khu kinh tế Hòn La (Quảng Bình), Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô (Thừa Thiên Huế), Khu kinh tế mở Chu Lai (Quảng Nam), Khu kinh tế Dung Quất (Quảng Ngãi), Khu kinh tế Nhơn Hội (Bình Định), Khu kinh tế Nam Phú Yên (Phú Yên), Khu kinh tế Vân Phong (Khánh Hòa), Khu kinh tế Phú Quốc (Kiên Giang), Khu kinh tế Định An (Trà Vinh) và Khu kinh tế Năm Căn (Cà Mau).
Việt Nam đang cho hình thành thêm hai đặc khu kinh tế nữa là Lao Cai và Côn Sơn.
Theo mô thức này, Việt Nam đã đi sau Trung Quốc đến 32 năm, nhưng Việt Nam khó thu hút được các đầu tư lớn của ngoại quốc vì thiếu hạ tầng cơ sở (như điện, hệ thống giao thông, cơ chế luật pháp, v.v.) và có thị trường nhỏ. Hiện nay hãng Dell, một hảng sản xuất về máy điện điện toán của Hoa Kỳ, đang bỏ ra 100 tỷ USD để đầu tư về điện toán ở Trung Quốc với hy vọng bán tại Trung Quốc khoảng 300 triệu máy tính. Việt Nam không có một thị trường lớn như vậy.
Khó khăn chính vẫn là cơ chế
Website của đài RFI của Pháp ngày 19.1.2011 đã phổ biến bài “Nghịch lý của Việt Nam: ngoài thẻ đảng, trong tư bản”, tóm lược bài của Florence Compain, đặc phái viên từ Hà Nội, đăng trên nhật báo Le Figaro của Pháp, nhìn lại quá trình phát triển của Việt Nam sau 25 năm đổi mới.
Bài báo nói rằng sự nghịch lý của Việt Nam hiện giờ vẫn là: một chế độ cộng sản nhưng với bản chất tư bản. Đảng CSVN hiện có khoảng 3,6 triệu đảng viên, tương đương với 10% số dân ở độ tuổi lao động. Nhưng đa số người dân chỉ nghĩ tới chuyện kinh doanh làm ăn. Trong mắt họ, sự thành đạt được đo với 3 tiêu chuẩn: tậu nhà mới, mua xe hơi và cho con đi du học ở nước ngoài.
Theo Le Figaro, tại Việt Nam, việc chạy theo đồng tiền đã trở thành một môn thể thao, nếu không nói là một ‘‘nỗi ám ảnh quốc gia’’. Đối với các nhà tư bản đỏ, có thẻ đảng viên ở trong túi là một cách để làm giàu dễ dàng hơn. Theo ông Benoit de Tréglodé, chuyên gia thuộc Viện nghiên cứu Đông Nam Á, các cuộc đấu đá giữa các phe phái trong nội bộ đảng chủ yếu là để giành lấy quyền kiểm soát các hoạt động kinh tế.
Về phía người dân Việt Nam, Le Figaro cho biết hầu hết chỉ nghĩ đến chuyện làm ăn kiếm tiền và tuyệt đối không đụng tới chuyện chính trị. Họ hầu như không bao giờ bày tỏ chính kiến miễn là chính quyền duy trì một sự tăng trưởng đều đặn, giúp cho đời sống kinh tế đi lên. Theo Le Figaro, làm giàu nhưng phải giữ im lặng dường như là chuyện thường tình ở Việt Nam, nơi mà người dân thuộc vào hàng lạc quan nhất thế giới, nơi mà thăm dò dư lụân cho thấy, giới trẻ thích nhà tỷ phú Bill Gates nhiều hơn là Bác Hồ.
Bài báo đã không đề cập đến một yếu tố quan trọng đang chi phối nền kinh tế Việt Nam, đó là “Nền kinh tế ngầm”, vượt ra ngoài tầm kiểm soát của chính quyền, trong đó có cả những hoạt động hợp pháp và bất hợp pháp. Đây là những hoạt động đã giúp nhiều người làm giàu một cách nhanh chóng. Họ thường hợp tác hay đút lót cho các cán bộ để việc làm ăn được dễ dàng.
Phải công nhận rằng trong những năm qua. Việt Nam đã đặt được những mức phát triển kinh tế ngoạn mục, nhưng Việt Nam đã không thể "cất cánh" để bay cao lên được, theo chúng tôi, vì hai lý do chính sau đây:
Thứ nhất: người Việt ở trong nước cũng như hải ngoại thường chỉ lo mưu lợi cá nhân và thiếu chữ tín nên không thể hợp tác kinh doanh để có vốn lớn và đầu tư lớn. Hai người Việt, kể cả hai anh em, góp vốn với nhau làm ăn thì chỉ một thời gian sau là rả đám. Vì thế, chúng ta thấy các cơ sở lớn trên đường Bolsa đều do người Tàu làm chủ. Ở Việt Nam cũng như thế thôi.
Thứ hai: nền giáo dục từ chương do cha ông để lại đã đào tạo ra những con người thiếu sáng kiến và phát minh lớn. Nền giáo dục đó chỉ đào tạo ra những quan lại và những người cung cấp dịch vụ như bác sĩ, nha sĩ, dược sĩ, luật sư, giáo sư, v.v. Lúc ở trường, học sinh và sinh viên Việt Nam có điểm rất cao nhưng khi ra đời thường biến mất. Đó là một nền giáo dục kềm hãm, nhưng nhiều người muốn đem áp dụng tại Mỹ!
Vẫn là “cái bóng Trung Quốc”
Một yếu tố quan trọng khác mà nhiều người đã thấy, đó là sự kềm kẹp của nước bá quyền Trung Quốc. Trong lịch sử Việt Nam, chỉ có thời Pháp thuộc là nước Việt thoát ra khỏi ảnh hưởng của Trung Quốc. Nhờ Pháp, Việt Nam mới có biên giới trên bộ và trên biển với Trung Quốc. Trong những thời kỳ khác, Việt Nam luôn phải tùy cơ ứng biến, không phải lúc nào cũng đem Bình Ngô Đại Cáo và Hịch Tướng Sĩ ra đọc như nhiều người đã tưởng.
Trong các cuộc gặp gỡ giữa hai bên, lúc nào phương châm 16 chữ vàng và 4 tốt cũng được đem ra đọc.
16 chữ vàng là:
"LÁNG GIỀNG HỮU NGHỊ, HỢP TÁC TOÀN DIỆN, ỔN ĐỊNH LÂU DÀI, HƯỚNG TỚI TƯƠNG LAI".
Còn 4 tốt là:
"LÁNG GIỀNG TỐT, BẠN BÈ TỐT, ĐỒNG CHÍ TỐT, ĐỐI TÁC TỐT"
Nhưng thực tế không phải vậy. Ngoài những tranh chấp trên Biển Đông và biên giới trên bộ, trên các lãnh vực khác, Trung Quốc đều có thể áp đảo Việt Nam. Một thì dụ cụ thể là cán cân mậu dịch giữa đôi bên. Tổng cục Hải quan VN cho hay kim ngạch nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc năm 2010 là 20,01 tỷ USD, trong khi Việt Nam chỉ bán cho Trung Quốc khoảng 6,5 tỷ USD, cán cân mậu dịch của Việt Nam được ước lượng thâm thủng khoảng 12 tỷ USD.
Trong khi đó, làm ăn với Mỹ, Việt Nam đã đạt “thắng lợi vẽ vang”: Việt Nam đã bán cho Mỹ 13,6 tỷ USD và chỉ mua của Mỹ 3,2 tỷ USD. Cán cân mậu dịch của Mỹ bị thâm hụt đến 10,3 tỷ USD.
Ngày 30/11/2009, bà Susan Schwab, cựu đại diện thương mại Hoa Kỳ đã khuyến cáo Việt Nam phải chọn một đường lối phát triển kinh tế riêng để thoát khỏi “cái bóng Trung Quốc”.
Bà nhấn mạnh:
“Việt Nam phải có con đường phát triển riêng, không được rập khuôn để trở thành một Trung Quốc thứ hai. Cách tốt nhất là Việt Nam hãy nỗ lực để trở thành điểm đến thứ hai của giới đầu tư, ngoài Trung Quốc, trong bối cảnh việc đầu tư vào Trung Quốc tuy được ưa chuộng nhưng giới đầu tư không muốn hoàn toàn lệ thuộc vào thị trường đó”.
Hiện nay Trung Quốc, Mỹ, Nhật và một số quốc gia Tây phương đã muốn biến Việt Nam thành cái hành lang để phát triển kinh tế ở Đông Nam Á, nhưng Việt Nam thiếu hạ tầng cơ sở. Trong khi Mỹ bước những bước chậm chạp, Trung Quốc sẵn sàng xây hạ tầng cơ sở cho Việt Nam, Lào, Cam-bốt và Miến Điện, và làm ngay con đường sắt cao tốc xuyên Á từ Quảng Đông đến Singapore xuyên qua Việt Nam. Việt Nam phải tùy cơ ứng biến.
Lưu Văn Sơn, Thường Trực BBTTƯĐ của Trung Quốc đã đến thăm Việt Nam vào tháng 9 năm 2010 vừa qua. Ông nhấn mạnh: Lãnh đạo Đảng, Chính phủ và nhân dân Trung Quốc luôn coi trọng phát triển quan hệ láng giềng hữu nghị truyền thống với Việt Nam; sẽ làm hết sức mình để mối quan hệ "đối tác hợp tác chiến lược toàn diện" Trung Quốc - Việt Nam không ngừng được củng cố và phát triển.
Trong chiến tranh Việt Nam, Hà Nội luôn là “cái bóng của Trung Quốc”. Trong thời bình, Hà Nội cũng rất khó thoát khỏi “cái bóng” đó.
Lữ Giang
© Thông Luận 2011