Thứ Hai, 21 tháng 2, 2011

Làn sóng dân chủ (Trần Khải)

-Làn sóng dân chủ (Trần Khải)
“… có một mồi lửa nào từ chính sách hỗ trợ dân chủ của các đời Tổng Thống Mỹ đã được ném vào Việt Nam chưa, và ngọn đuốc dân chủ VN có thể bén lửa hay không, và sẽ khởi phát từ nơi nào? …”
Điều chúng ta suy nghĩ và quan tâm, rằng làn sóng dân chủ có thể tràn vào Việt Nam hay không? Có vẻ như trong khi nhà nước Trung Quốc quan ngại trước các cuộc biểu tình ở Ai Cập và ra sức ngăn các bản tin liên hệ trên mạng Internet, phía báo chí quốc nội Việt Nam vẫn loan tin về Ai Cập, tuy không xem ở tầm quan trọng. Có phải Việt Nam đã có độc chiêu ngăn cản biểu tình đòi dân chủ?

Trong khi đó, các thông tấn Việt ngữ hải ngoại bày tỏ chú tâm về tình hình có thể xảy ra những cuộc biểu tình tại Việt Nam. Hay là một mồi lửa cho dân chủ. Bởi vì Ai Cập tuy là một nước độc tài, nhưng sự sụp đổ rất là bất ngờ, ngoài tầm tiên đoán của lãnh đạo Ai Cập và ngay sau đó cơ quan CIA đã nhìn nhận là không thấy trước, và bị chỉ trích nặng nề.

Mức độ quan sát về làn sóng dân chủ này tới mức Đàì VOA hôm 10-2-2011 đã có ngay một bài viết nhan đề “Lính Việt Nam sẽ theo gương Ai Cập hay Trung Quốc?” Nghĩa là, khi đối diện với làn sóng biểu tình, dù vì lý do dân chủ hay đòi cải thiện dân sinh, bộ đội Việt Nam sẽ không bắn vào dân (như lính Ai Cập) hay sẽ bắn xối xả vào dân (như lính Trung Quốc ở Thiên An Môn).

Bản tin VOA viết về quan tâm này:
“Những biến động ở Ai Cập hồi gần đây đã khiến nhiều người, đặc biệt là những người quan tâm tới triển vọng phát triển dân chủ ở Việt Nam, nêu lên câu hỏi “Khi nào Việt Nam sẽ có một phong trào xuống đường đòi dân chủ như vậy?” Một câu hỏi khác cũng không kém phần quan trọng là "Trong trường hợp xảy ra một cuộc biểu tình như cuộc biểu tình ở Cairo, liệu những người lính Việt Nam sẽ theo gương binh lính Ai Cập để không nổ súng vào người biểu tình hay họ sẽ bước theo vết xe đổ của quân đội Trung Quốc năm 1989 để dùng xe tăng súng máy bắn giết thường dân vô tội?"...”
Không phải là nhìn vô căn cứ. Bởi vì làn sóng dân chủ đã lan từ Tunisia sang Ai Cập, lật đổ 2 chế độ hung hãn ở vùng này, rồi các cuộc biểu tình tràn sang Yemen, Syria, Lybia, Jordan, Bahrain, Algeria... Nghĩa là, dân chủ là ước mơ lớn của nhân loại, chỉ cần một mồi lửa là sẽ bùng lên.

Nhà báo Bùi Tín trên blog riêng ở Đaì VOA, hôm Thứ Năm 17/2/2011 đã viết bài nhan đề “Khi Ai Cập bước vào thời đại dân chủ” ghi nhận:
“Ai Cập đã chuyển mình và đang vươn dậy. Do bề thế của một nước Hồi giáo đông dân - 83 triệu - do vị trí trung tâm giao lưu ở châu Phi và Trung Đông, do bề dày lịch sử từ cổ đại với nền văn minh Ai Cập đặc sắc, sự chuyển biến của Ai Cập từ độc đoán sang dân chủ đang được toàn thế giới theo dõi chặt chẽ và bình luận sôi nổi.

Lãnh đạo Israel nhận định «một cuộc động đất đang xảy ra trong thế giới A Rập».

Một hiện tượng chấn động dây chuyền đang diễn ra rộng khắp. Nhân dân Syria rục rịch xuống đường. Đường phố Yemen bắt đầu sôi động với sinh viên, thanh niên hoan nghênh cuộc thắng lợi lịch sử ở Tunisia và Ai Cập. Algeria loan báo sắp xóa bỏ «tình trạng khẩn cấp», hạn chế quyền tự do của công dân. Vua Bahrain vội mở kho nhà nước, phát cho công dân mỗi người một ngàn đôla. Cả thế giới A-rập không còn như trước nữa.

Trước đây luận điệu thịnh hành là: thế giới Hồi giáo và thế giới phương Tây là xung khắc, không chung sống hòa bình được với nhau, dân chủ đa nguyên đa đảng với bầu cử tự do bình đẳng và minh bạch là xa lạ với nền văn minh truyền thống Hồi giáo.

Cuộc sống thực tế đã và đang trả lời. Tự do dân chủ là giá trị phổ cập toàn nhân loại, bầu cử tự do đa nguyên đa đảng theo pháp luật là nguyện vọng sâu xa của quần chúng đông đảo mọi nước, không có trường hợp ngoại lệ, không trừ một nước nào. Hạnh phúc, niềm vui sướng của nhân dân được tự do ứng cử, bầu cử, tự do lựa chọn thật sự người đại diện cho mình là một niềm hạnh phúc, niềm vui sướng luôn có tính hấp dẫn và lan tỏa không sức gì cưỡng được...”
Việt Nam có thể bén mồi lửa dân chủ tương tự hay không?

Một diễn biến đáng chú ý ở Đà Nẵng hôm Thứ Năm cho thấy có vẻ như sự bất mãn chế độ đã lên tới cao độ.

Trang blog Dân Làm Báo viết bài nhan đề “Tai nạn hay “tự thiêu” trước trụ sở UBND TP Đà Nẵng ?” hôm 18-2-2011, có ghi hình ảnh và một băng video cảnh được suy đoán là tự thiêu ngay trước cổng trụ sở quan quyền Đà Nẵng. Thực tế, trông băng hình video, khó nghĩ rằng đó là tai nạn. Bản tin Dân Làm Báo viết:

KS Phạm Thành Sơn tự thiêu
trước trụ sở Ủy Ban Nhân Dân Đà Nẵng

“Khoảng 12h30”, trưa ngày 17/02, trước trụ sở UBND TP Đà Nẵng (trên đường Bạch Đằng) bất ngờ xuất hiện một chiếc xe máy bốc cháy dữ dội, bên cạnh là thi thể nạn nhân đã cháy đen. Ngay lập tức, lực lượng công an, cơ động… được huy động nhằm phong tỏa hiện trường. Nạn nhân được xác định là anh Phàm Thành Sơn, 31 tuổi, nhà ở đường Ngô Quyền – Quận Sơn Trà, hiện là kỹ sư CNTT tại công ty cao su Đà Nẵng.

Theo ghi nhận tại hiện trường, đám cháy khiến chiếc xe chỉ còn trơ lại khung sắt, nạn nhân chết ngay tại chỗ trên vỉa hè cách chiếc xe 2m. Công tác cứu hộ và dập lửa diễn ra rất chậm chạp, lực lượng công an được huy động chủ yếu để phong tỏa hiện trường.

Tại bệnh viện và nhà riêng của nạn nhân trên đường Ngô Quyền, ít nhất có trên 20 công an mặc sắc phục túc trực xung quanh...

Nguồn tin từ bạn đọc danlambao tại Đà Nẵng cho biết, hiện dư luận tại phường An Hải Đông – nơi nạn nhân cư ngụ – đang bàn tán xôn xao về việc có khả năng đây là một vụ “tự thiêu” để phản đối việc giải phóng mặt bằng. Được biết, gia đình anh Phạm Thành Sơn đang có bất đồng với chính quyền TP xung quanh việc giải tỏa, đền bù khu đất tại Cầu Rồng.
Cũng theo nguồn tin này, trước những lời bàn tán như trên, chính quyền địa phương đã phản ứng lại bằng cách cho rằng nạn nhân Phạm Thành Sơn là người mắc bệnh tâm thần...”

Báo nhà nước lúc đầu nói là tai nạn, sau lại nghe chính quyền nói là tâm thần... Và tại sao xảy ra ngay trước cổng trụ sở Ủy Ban Nhân Dân Đà Nẵng, mà không công an nào ra dập tắt, và cứ cố ý để cho thiêu rụi?

Điều chúng ta còn quan tâm là: làn sóng dân chủ nên bùng phát ở đâu trước? Thí dụ, hai trung tâm biểu tình lớn ở Ai Cập là thủ đô Cairo và thành phố Alexandria. Nhưng quyết định cho chế độ Mubarak sụp đổ đã thấy là Cairo, nơi tập trung các công sở, dinh Tổng Thống, dinh Thủ Tướng, và là nơi thông tấn quốc tế dày đặc.

Trường hợp Việt Nam, có lẽ cũng tương tự, nếu làn sóng biểu tình dân chủ bùng phát. Đà Nẵng tất nhiên không thể là chủ điểm. Nếu tại Sài Gòn, cũng chưa chắc đã thành công, thậm chí ngay cả trường hợp bộ đội và công an Sài Gòn đứng về phía biểu tình, cũng có thể bị bao vây, cắt điện, cắt nước, cắt giao thông... liên tục vài tuần mà không lây lan ra Hà Nội thì cũng bế tắc. Như thế, phải là Hà Nội, nơi gia đình nào cũng có chiến binh chết trận thời nội chiến, nơi đại đa số các gia đình thuộc thành phần có công xây dựng chế độ CSVN.

Nhưng đa số tuổi trẻ Hà Nội lại có vẻ như đang lạnh nhạt, và chỉ quan tâm về kiếm tiền, hay vào xem tin về đám cưới các tài tử, diễn viên.
Thực ra,dân chủ cũng cần huấn luyện.

Một bản tin trên tờ Boston Globe ngày 13/2/2011 cho thấy tình hình Ai Cập thực ra là do một mồi lửa bất ngờ do Tổng Thống George W. Bush quăng từ hồi xa xưa, và bây giờ mới ngún cháy. Chắc chắn, ông Bush cũng không ngờ rằng ông đã làm sụp đổ bạn vàng Mubarak mau chóng như thế, trong khi Bush và tất cả các quan chức Mỹ chỉ muốn diễn biến hòa bình để thúc đẩy bạn vàng dân chủ hóa - kiểu như Đại Sứ Michael Michalak nói rằng, ưu tiên của Mỹ là giaó dục thế hệ trẻ tại VN.

Bản tin nhan đề “Bush program helped lay the groundwork in Egypt” (Chương trình của Bush đã giúp đặt nền móng tại Ai Cập). Bản tin nói, một nỗ lực thời Tổng Thống Bush để tài trợ và huấn luyện các quan sát viên bầu cử tại Ai Cập đã đóng vai chính trong phong trào lật đổ chế độ Tổng Thống Hosni Mubarak.

Chương trình này bơm nhiều triệu đôla trực tiếp cho các nhóm dân chủ, giúp đưa 13,000 thiện nguyện viên đi quan sát các cuộc bầu cử quốc hội Ai Cập hồi tháng 12-2010. Nghĩa là, chương trình từ thời Bush, nhưng nỗ lực dân chủ hóa là thời TT Barack Obama. Chính nhiều ngàn thiện nguyện viên này đã nổi giận vì nhìn thấy gian lận bầu cử, một số trở thành lãnh đaọ các cuộc biểu tình, những người khác sử dụng khả năng truyền thông và nối mạng từ chương trình huấn luyện này để tổ chức phối hợp biểu tình liên tục 18 ngày.

Nhìn cho kỹ, nếu không có nỗ lực này của Bush, các cuộc biểu tình vẫn bùng nổ, nhưng sẽ thiếu phối hợp, một khả năng do nhóm thiện nguyện viên này thực hiện.

Stephen McInerney, giám đốc điều hành Project on Middle East Democracy, một tổ chức nghiên cứu bản doanh ở Washington, nói những người biểu tình sẽ vẫn xuống đường tích cực mà không cần Mỹ hỗ trợ, nhưng họ sẽ không phối hợp tổ chức khéo được.

Nói là Mỹ hỗ trợ, nhưng Mỹ là một nước đa nguyên. Trong khi CIA bắt tay chặt chẽ với Mubarak, thì các tổ chức bất vụ lợi ủng hộ dân chủ luôn luôn quan tâm lật đổ các chế độ độc tài toàn cầu.

Tình hình này cũng tương tự tại VN. Trong khi Mỹ muốn kết thân kinh tế, quân sự với VN... thì một số hội bất vụ lợi tại Mỹ, và cả các dân cử như DB Ed Royce, DB Loretta Sanchez... liên tục đòi dân chủ hóa VN, thậm chí đòi bầu cử đa đảng, có nghĩa là phảỉ xóa bỏ chế độ độc đảng CSVN.

Chỉ có sống ở Mỹ nhiều năm mới hiểu được các vận hành đa nguyên ở Mỹ. Do vậy, mồi lửa của Bush phựt cháy ngoài tiên đoán và ngoài mong muốn của CIA tại Ai Cập cũng là dễ hiểu.

Điều để quan sát bây giờ là, có một mồi lửa nào từ chính sách hỗ trợ dân chủ của các đời Tổng Thống Mỹ đã được ném vào Việt Nam chưa, và ngọn đuốc dân chủ VN có thể bén lửa hay không, và sẽ khởi phát từ nơi nào?

Phải thấy, mồi lửa dân chủ tại Việt Nam đã được đưa vào âm ỉ tại Sài Gòn qua nhiều hình thức, như Hội Việt Mỹ, Trung Tâm Văn Hóa Lincoln... từ hơn nửa thế kỷ trước. Và từ sau này mới gài được mồi lửa vào Hà Nội, qua các học bổng do Hoa Kỳ ban cấp. Và gần đây là Internet, một cánh cửa tuyệt vời.

Vấn đề chỉ còn là, mồi lửa có sẽ bị tắt ngấm, hay là người mang mồi lửa sẽ bị bắt giam, hay là khi nào sẽ lan thành trận cháy rừng...
Tràn Khải
© Thông Luận 2011

Tổng số lượt xem trang