Thứ Sáu, 4 tháng 2, 2011

Lữ Giang- Đòn dằn mặt của anh Hai

-Đòn dằn mặt của anh Hai
Tướng Vang Pao
Hôm 6.1.2011, Tướng Vang Pao, lãnh tụ của nhóm Hmong qua đời. Hôm 10.1.2011, Văn Phòng Công Tố Viện ở Sacramento đã đưa ra một lệnh trạng yêu cầu hủy bỏ vụ án nhóm Vang Pao “vì lợi ích của công lý” (in the interest of justice). Lệnh trạng này đã được thẩm phán Frank C. Damrell Jr thuộc tòa án liên bang khu vực chấp thuận.

Xin nhắc lại, vào tháng 11 năm 2006, nhóm kháng chiến Vang Pao đã bị FBI gài cho đặt mua 500 súng AK-47 tự động và đã bị truy tố về tội chuẩn bị chiến tranh chống lại chính phủ Lào, vi phạm Đạo Luật Trung Lập (Neutrality Act) của Hoa Kỳ.
Đây là một bài học mà “người Việt chống cộng” không thể không biết đến.
CUỘC CHIẾN VẪN PHẢI TIẾP TỤC
Người Lào hợp tác với Mỹ chậm hơn VNCH khoảng 5 năm. Phải đến năm 1960 người Lào mới thật sự dính líu tới Mỹ. Nhưng với người Hmong, cuộc chiến Việt Nam lại chấm dứt chậm hơn đối với Mỹ và VNCH.
Với người Mỹ, cuộc chiến được coi như chấm dứt ngày 27.1.1973, ngày ký Hiệp Định Paris. Với người Việt, cuộc chiến đã chấm dứt vào ngày 30.4.1975, khi Tổng Thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng. Nhưng những người Hmong còn lại trên đất Lào vẫn phải tiếp tục chiến đầu để sống còn cho đến ngày hôm nay.
Khi hầu hết lực lượng phe hữu hay phái trung lập Lào đầu hàng, người Hmong vẫn không chịu buông vũ khí. Mặc dù không còn sự hỗ trợ của Mỹ. các lực lượng của Hmong đã chuyển xuống vùng đồng bằng để lập các căn cứ, tiếp tục cuộc chiến. Họ tập trung lại trong dãy núi Phu Bia, trong một tổ chức được gọi là Chao Fa và mở các cuộc tấn công vào quân cộng sản Lào dọc theo đường 13 nối liền thủ đô Vạn Tượng với cổ thành Luang Prabang ở phía Bắc, thậm chí còn tấn công các cứ điểm của Lào cách Viên Chăn chỉ có 60 cây số.
Quân đội Lào với khoảng 40.000 bộ đội CSVN đã mở nhiều chiến dịch tấn công kháng chiến quân Hmong mà họ gọi là “Phỉ Mẽo”. Đầu năm 1977, nhiều căn cứ của Hmong trên đồi bị bộ đội CSVN bao vây với sự hỗ trợ của pháo 130mm. Không quân CSVN đã sử dụng một số máy bay F-5A/E oanh tạc các căn cứ của quân Hmong. Các loại bom napal và bom bi đã được sử dụng. Sau các đợt oanh kích dữ dội, vào ngày 3.12.1978 bộ đội CSVN đã chiếm được căn cứ chính trong dãy núi Phu Bia, do khoảng 3000 quân Hmong phòng thủ.
Theo ước lượng của tổ chức Lao Human Right Council, từ 1975 đến 1992, Pathet Lào đã giết khoảng 300.000 người, trong đó có khoảng 46.000 là viên chức của chính quyền cũ, các công chức, quân nhân và gia đình của họ.
Trong hai năm 2002 và 2003, chiến dịch càn quét quân Hmong đã được đưa lên cao điểm với mục đích tiêu diệt những toán quân còn lại. Thế nhưng quân Hmong vẫn tiếp tục cuộc chiến. Ngày 6.2.2003, khoảng 30 tay súng nhảy từ cánh rừng bắn vào xe buýt bằng súng M-16 và súng phóng lựu. Những người sống sót cho biết nhóm tấn công có vẻ như người Hmong và nói tiếng Hmong. Tạp chí Time Asia ở Thái Lan cho biết một sĩ quan tại hiện trường đã kể rằng có 1 tấm thẻ phone để lên xác một phụ nữ Thụy Sĩ với dòng chữ: “Chúng tôi mất nước và đang chiến đấu giành lại.”
 Vào tháng 5 năm 2003, báo Asia Times cho biết một nhóm tìm hiểu sự thật, có bản doanh ở Mỹ, đã đưa ra một bản tường trình rằng có 2 sư đoàn bộ đội CSVN đã vào bắc Lào. Từ tháng 2 đến tháng 5, đã có 739 người Hmong bị chết, 615 bị thương và 414 bị bắt.
Báo này kể lại rằng ông Moua và những người khác trong làng của ông coi năm vừa qua là tồi tệ nhất. Họ nói trong tháng 10, có khoảng 500 bộ đội đã tấn công họ từ bốn hướng ở Xaysomboune trong khi một trực thăng chiến đấu oanh tạc họ từ phía trên. Tổng cộng có 216 người Hmong đã bị giết. Các cuộc tấn công như vậy có thể xảy đến bất cứ lúc nào. Tháng 8 năm ngoái, một quả đạn súng cối bay vòng rồi rơi xuống cách bàn ăn của gia đình cậu bé 9 tuổi Yeng Houa không đầy 1 mét, giết chết cả cha và mẹ em. Yeng sống sót nhưng có thể đếm được đến 18 vết sẹo do mảnh đạn gây ra trên đôi chân của em, hàm của em bị bể và có một vết thương do nhiễm trùng bên trong đùi em. Kể từ sau vụ tấn công đó em không hề nói.
Cuộc chiến của người Hmong chỉ mới được coi như chấm dứt vào đầu tháng 3 năm 2004. Bản tin bằng tiếng Lào của đài RFA hôm 3.3.2004 cho hay khoảng 300 người Hmong đã ra đầu thú tại Luang Prabang, trong đó có ba người mang cấp bậc cao. Khoảng từ 300 đến 400 ngừơi Hmong khác đã ra đầu thú tại tỉnh Xieng Khouang, trong đó có 5 cấp tướng.
Hôm 4.3.2004, trong một cuộc phỏng vấn của hảng thông tấn AP qua điện thoại, ông Sivone Yayongyia, tỉnh trưởng Xieng Khouang, cho biết khoảng 200 gia đình người Hmong cư ngụ trong tỉnh đã chấp thuận tham gia các chương trình định cư do chính phủ đề ra. Họ sẽ không trồng cây thẩu ở các vùng cao nữa, mà chịu sự quản lý của chính phủ. Ông nói rằng những gia đình đó không liên quan gì với các nhóm nổi lọan chống chính phủ cả.
Nhưng, một thủ lãnh Hmong không muốn tiết lộ danh tánh, hiện đang ở vùng biên giới bắc Thái và có liên lạc thường xuyên với các nhóm nổi dậy bên trong lãnh thổ Lào, đã cho biết trong số những người về quy thuận, có nhiều du kích quân từng chiến đấu từ mấy chục năm qua. Tuy nhiên, cũng có nhiều kháng chiến quân Hmong vẫn không chịu ra đầu hàng. Trong bài “Old U.S. allies still hiding in Laos” (Những đồng minh cũ của Mỹ vẫn còn ẩn trốn ở Lào) đăng trên tờ New York Times ngày 17.12.2007, ký giả Thomas Fuller đã kể lại rằng ông Xang Yang, một người đàn ông 58 tuổi, vẫn còn dẻo dai và có thể nhanh nhẹn bò qua bụi tre, đã nói với ông như sau:
“Nếu tôi đầu hàng, tôi sẽ bị trừng trị. Họ sẽ không bao giờ tha thứ chúng tôi. Tôi không thể sống ngoài khu rừng vì tôi là cựu chiến binh Mỹ”.
KHI GIÓ ĐỔI CHIỀU
Trong thời kỳ chiến tranh lạnh, Hoa Kỳ đã cố tình để cho các tổ chức chống cộng của người Việt và người Hmong hải ngoại xâm nhập để quậy phá ở Lào và Việt Nam, làm cho hai nước đó luôn ở trong tình trạng bất ổn.
Sau khi di tản ra ngoại quốc, cộng đồng người Việt tỵ nạn đã hình thành ba tổ chức chính để “giải phóng quê hương”, đó là (1) Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất Giải Phóng Việt Nam do Đề Đốc Hoàng Cơ Minh lãnh đạo, (2) Mặt Trận Thống Nhất các Lực Lượng Yêu Nước Giải Phóng Việt Nam của Lê Quốc Túy và (3) Chí Nguyện Đoàn Hải Ngoại Phục Quốc của Võ Đại Tôn.
Riêng Mặt Trận Hoàng Cơ Minh đã lập chiến khu tại Thái Lan và mở ba cuộc hành quân để xâm nhập vào Việt Nam, đó là Đông Tiến I (5/1986), Đông Tiến II (11/86) và Đông Tiến II (7/1989).
Tại Hoa Kỳ, Tướng Vang Pao cũng đã thành lập và lãnh đạo Mặt Trận Thống Nhất Giải Phóng Lào (United Lao Liberation Front – ULLF) để yểm trợ kháng chiến quân Hmong ở trong nước.
Lúc đó một số binh sĩ Hmong trốn qua Thái Lan vẫn được cơ quan tình báo Mỹ và Thái Lan xử dụng. Chính lính của Vang Pao đã làm hướng đạo cho tổ chức Mặt Trận Hoàng Cơ Minh xâm nhập vào Việt Nam qua ngã Lào. Lúc đó CSVN đã phải cho khoảng 2 trung đoàn bộ độ đóng thường trực ở biên giới Lào – Thái, từ Savannakhet đến vùng tam biên, để ngăn chận các lực lượng hải ngoại xâm nhập vào Việt Nam qua ngã Lào.
Tuy nhiên, sau khi các chế độ cộng sản Nga và Đông Âu bị sụp đổ, Hoa Kỳ và các cường quốc Tây phương đã quyết định chấm dứt chiến tranh lạnh và dùng “diễn biến hòa bình” để biến các nước cộng sản còn lại thành công cụ phục vụ cho quyền lợi của họ. Hoa Kỳ đã áp dụng nhiều hình thức cưởng chế để buộc các tổ chức chống cộng của người Việt và người Hmong phải từ bỏ các cuộc đối kháng bằng quân sự và chuyễn qua “đấu tranh chính trị”.
Năm 1991, ba nhân vật chính của Mặt Trận Hoàng Cơ Minh là Hoàng Cơ Định, Nguyễn Kim Hườn và Nguyễn Tấn Bình (em vợ của ông Hoàng Cơ Định) đã bị bắt và bị truy tố trước tòa án San José về 39 tội, trong đó có tội trốn thuế và tội buôn bán thuốc phiện lậu. Các nghi can phải đóng tiền thế chân để được tại ngoại. Tuy nhiên, sau khi các lãnh đạo của Mặt Trận  Hoàng Cơ Minh cam kết từ bỏ các cuộc đối kháng bằng quân sự, toà đã hủy bỏ (dismiss) vụ án này.
KHÔNG CẦN BIẾT ANH HAI MUỐN GÌ
Người Hmong chống cộng ở Mỹ cũng đã được Hoa Kỳ khuyến cáo như đã khuyến cáo người Việt chống cộng. Tuy nhiên, người Hmong vẫn tiếp tục đối kháng với cộng sản Lào bằng quân sự. Họ không quan tâm gì đến “chiến tranh lạnh” và “diễn biến hoà bình” mà Hoa Kỳ áp dụng cho từng giai đoạn. Điều này dễ hiểu, vì họ ít am tường về chính trị và trong nội địa Lào vẫn còn nhiều chiến hữu của họ đang tiếp tục chiến đầu để sống còn và giải phóng quê hương. Vì thế, Hoa Kỳ phải quyết định “xuống chưởng” nặng hơn.
Sáng thứ hai 4.6.2007, cơ quan kiểm soát Rượu, Thuốc Lá, Vũ Khí và Chất Nổ (Bureau of Alcohol, Tobacco, Firearms and Explosives, viết tắt là ATF) đã bắt 9 người đưa ra truy tố trước Tòa Án Liên Bang ở Placerville, Sacramento. Biện Lý McGregor W. Scott cho biết những người này đã “thành lập một ủy ban để lượng giá về khả năng có thể hướng dẫn một toán viễn chinh hay một tổ chức quân sự nhằm thực hiên một cuộc lật đổ chính phủ hiện tại ở Lào bằng các phương thức bạo động, kể cả hạ sát, tấn công các viên chức quân sự lẫn dân sự của Lào và phá hoại các cao ốc cũng như tài sản của Lào.”
Ông nói thêm: Họ đã gây quỹ và thương lượng để mua các vũ khí gồm có súng AK-47 và súng trường tự động M-16, các hỏa tiển Stinger, các hỏa tiển chống tăng, mìn và đạn dược. Nhóm này đã quyên góp được 9.800.000 USD để mua vũ khí và các trang bị quân sự.
Âm mưu của nhóm Vang Pao đã bị lộ ngay từ lúc mới manh nha. Một người buôn súng ở vùng Phoenix, Arizona, đã báo cho một thám tử của ATF biết khi cựu Trung Tá Harrison Ulrich Jack đến gặp đương sự để mua 500 khẩu súng AK-47.
Cơ quan ATF đã mở một cuộc hành quân được mệnh danh là “Operation Tarnished Eagle” (tạm dịch là Cuộc Hành Quân Đại Bàng Xỉn) kéo dài trong 6 tháng để gài bẩy và bắt những người liên hệ. Một thám tử giả làm người môi giới bán võ khí, đã đến gặp Tướng Vang Pao, ông Harrison Ulrich Jack, và 10 người cộng sự khác tại một nhà hàng Thái ở Sacramento hôm 7.2.2007. Sau bữa ăn, nhóm này đã cùng đi trên chiếc xe RV của người thám tử đến một nơi để xem súng đại liên, súng phóng lựu, hỏa tiễn chống tăng, mìn (chất nổ C-4) và nhiều võ khí khác.
Một tuần sau đó, ngày 15.2.2007, ông Harrison Jack điện thoại cho người thám tử và cho biết nhóm đồng ý xúc tiến việc mua vũ khí. Số vũ khí đồng ý mua trị giá lên đến 9,8 triệu USD. Cuộc điện đàm này đã bị thâu âm.
Ngày 13.4.2007, điệp viên của ATF đã gặp cựu Trung Tá Harrison Ulrich Jack và Lo Cha Thao, đại diện của Tướng Vang Pao trong vòng 25 phút ở bãi đậu xe của siêu thị Kmart gần Highway 99 và đường Farmington ở Stockton, bắc California. Các cuộc gặp gỡ khác đã diễn ra ở khách sạn Doubletree, khách sạn Hilton, các quán rượu và các nhà hàng ở Sacramento.
Ông Robert Twiss, Phó Biện Lý phụ trách khu vực đông California cho biết trong đợt đầu các đại diện của Vang Pao đã mua 125 súng AK-47, 20.000 đạn và các lựu đạn khói với giá 100.000 USD. Họ đã tìm được tàu để chuyên chở các vũ khí này đến Thái Lan trong hai chuyến vào ngày 12 và 19.6.2007 rồi chuyển vào Lào để làm nổ 7 hay 8 cao ốc của chính phủ Lào gióng như vụ 911 ở New York vậy. Nhưng khi vừa trao tiền và nhận hàng thì bị cơ quan ATF bắt. Sau đây là những người đã bị bắt:
Vàng Pao, 77 tuổi, thủ lãnh của phong trào giài phóng Lào mang tên Neo Hom Movement, được thành lập vào thập niên 80 để hỗ trợ các lực lượng chống chính phủ cộng sản Lào.
Harrison Ulrich Jack, 60 tuổi, ở Woodland, Yolo County.
Lo Cha Thao, 34 tuổi, ở Clovis, Fresno County. Ông giúp việc cho một cựu Nghị Sĩ của bang Wisconsin.
Lo Thao, 53 tuồi, ở Sacramento, Chủ Tịch Hội Hmong Quốc Tế Thống Nhất (United Hmong International), còn được gọi là Hội Đồng Tối Cao 18 Thị Tộc Hmong (Supreme Council of the Hmong 18 Clans).
Youa True Vang, 60 tuổi, ở Fresno, người sáng lập Hội Tết Hmong Quốc Tế ở Fresno (Hmong International New Year).
Hue Vang, 39 tuổi, ở Fresno, cựu viên chức cảnh sát thành phố Clovis, Giám Đốc Hội Đồng Thống Nhất Lào vì Hòa Bình, Tự Do và Tái Thiết (Director of United Lao Council for Peace, Freedom, and Reconstruction).
Chong Yang Thao, 53 tuổi, một bác sĩ chỉnh hình (chiropractor) ở Fresno.
Seng Vue, 68 tuổi, ở Fresno, thành viên Hội Hmong Quốc Tế Thống Nhất.
Chue Lo, 59 tuổi, ở Stockton, thành viên Hội Hmong Quốc Tế Thống Nhất.
Người thứ 10 cũng đã bị bắt nhưng chưa bị truy tố, đó là Nhia Kao Vang ở Rancho Cordova, California.
Tất cả những người bị bắt đều bị truy tố về tội vi phạm Đạo Luật Trung Lập (Neutrality Act) của liên bang cấm các công dân Mỹ không được tham gia vào các hoạt động chống lại bất cứ quốc gia nào không đang lâm chiến với Hoa Kỳ. Ngoài ra, các bị cáo còn bị truy tố về các tội sau đây: Âm mưu hạ át, bắt cóc, gây thương tật và thương tích cho những người ở ngoại quốc; âm mưu gây thiệt hại cho các cao ốc và tài sản của chính phủ ở ngoại quốc; và âm mưu nhận và sở hữu các súng tự động và các thiết bị chất nổ.
Trong một bản tin phổ biến cho báo chí hôm 4.6.2007, ông Kenneth L. Wainstein, Phụ Tá Bộ Trưởng Tư Pháp đặc trách về An Ninh Quốc Gia, đã nói:
“Chúng tôi không thể dung tha việc xử dụng đất nước chúng ta như là nơi để sắp xếp những cuộc âm mưu đảo chánh ở ngoại quốc.” (trừ khi chính CIA chủ mưu!).
Ủy ban giáo dục thành phố Madison đã bỏ tên Vang Pao ra khỏi tên một trường tiểu học được đặt theo tên ông, vì những người bất đồng cho rằng trường học không nên mang tên một người từng có lịch sử bạo động như thế.
Mặc dầu tòa liên bang đã truy tố nhóm lãnh tụ Hmong như đã nói trên, cộng đồng Hmong vẫn coi Tướng Vang Pao là một anh hùng. Tại các lễ hội của người Hmong mừng năm mới ở St. Paul và Fresno, ông ta đã được chào đón như một người khách danh dự khi ông đến tham dự bằng xe Limousine. Trước các phiên tòa xử Tướng Vang Pao và các nhà lãnh đạo khác của cộng đồng Hmong, những cuộc biểu tình lớn của người Hmong đã bùng nổ nhằm bảo vệ và bênh vực các lãnh tụ của họ.
Nhiều cuộc thương lượng giữa các viên chức FBI với Tướng Vang Pao và nhóm lãnh tụ Hmong ở Mỹ để họ chịu từ bỏ đối kháng với Cộng Sản Lào bằng võ lực. Và “sau khi các nhà điều tra đã hoàn thành việc dịch thuật 30 ngàn trang tài liệu…”, trong một phiên xử kéo dài vào tháng 9/2009, tòa tuyên bố hủy bỏ tội âm mưu lật đổ chính quyền Lào cho các bị cáo và đưa ra một bản cáo trạng mới, chỉ buộc 12 bị cáo về các tội âm mưu cung cấp tiền, vũ khí và các hỗ trợ khác cho phiến quân ở Lào. Đến hôm 10.1.2011, sau khi Tướng Vang Pao qua đời, tòa mới tuyên bố hủy bỏ toàn vụ án.
TIỂN ĐƯA TƯỚNG VANG PAO
Số tiền 9.800.000 USD mà người Hmong ở hải ngoại đã đóng góp cho Phong Trào New Hom do Tướng Vang Pao lãnh đạo cho thấy người Hmong có tinh thần đoàn kết và đấu tranh rất cao.
Ông Lar Yang, người biên soạn cuốn niên giám thương mại của cộng đồng Hmong hàng năm, đã nói về Tướng Vang Pao như sau:
“Tướng Vang Pao là một loại keo dính gắn chặt mọi người lại với nhau. Ông ta là người luôn luôn giải quyết mọi chuyện. Tôi không tin rằng vào thời điểm này không có một người nào có thể thay thế ông ta. Sẽ có thể có một cuộc đi tìm một người như thế. Và sẽ có nhiều hỗn loạn (chaos) trong một thời gian nào đó, trước khi mọi chuyện được dàn xếp.”

Ngày 11.1.2011, một số nhà lập pháp California đã yêu cầu Bộ Trưởng Cựu Chiến Binh Eric Shinseki và Bộ Trưởng Quốc Phòng Robert Gates, cho phép chôn cất Tường Vang Pao tại nghĩa trang quốc gia Arlington, vì ông là một đồng minh then chốt của Mỹ trong chiến tranh Việt Nam. Nhưng chính quyền Hoa Kỳ đã im lặng.
Theo phong tục của người Hmong, tang lễ thường kéo dài trong 4 ngày và 3 đêm. Nhưng vì Tướng Vang Pao được coi là một người đáng kính, một người cha và một lãnh tụ của cộng đồng Hmong, nên tang lễ sẽ được kéo dài trong 6 ngày, từ 4 đến 9.2.2011 tại Fresno Convention Center, bắc California. Người Hmong đã bùi ngùi luyến tiếc ông và xưng tụng ông bằng những danh xưng như sau:
- Hmong Legendary Leader (Nhà lãnh đạo Hmong huyền thoại)
- Laotian Hero (Vị anh hùng Lào)
- American Savior (Vị cứu tinh Hoa Kỳ)
- Human Rights Advocate (Người ủng hộ nhân quyền)
- Loving Father (Người cha thân yêu)
- Dear Friend to the world (Người bạn thân ái của thế giới).
 Ngày 25.1.2011
© Lữ Giang
© Đàn Chim Việt

Tổng số lượt xem trang