Luật Sư Đào Tăng Dực: Chính trị bao dung (inclusive politics) và Chính trị lọai trừ (exclusive politics)
Trong quá khứ cũng như ngay trong hiện tại, chúng ta thấy có nhiều hiện tượng chia rẽ hoặc ly khai, không những trong vài tập thể nhỏ như những đòan thể mang tính tương trợ, thân hữu như Hội Ái Hữu Cựu Nữ Sinh Gia Long tại New South Wales, Hội Cựu Sinh Viên Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức tại New South Wales, hoặc nhiều cộng đồng người Việt hải ngọai cạnh tranh trong một thành phố hoặc tiểu bang tại Hoa Kỳ, hoặc vài tổ chức chính trị tự phân chia làm nhiều nhóm độc lập, hoặc một quốc gia như Ấn Độ phân chia làm 2 quốc gia (Ấn Độ và Hồi Quốc), và sau đó Hồi Quốc Miền Đông tách rời trở thành Bangladesh. Tích Lan vừa qua một cuộc nội chiến khốc liệt vì nhóm sắc tộc Tamil Tigers muốn ly khai và thành lập một quốc gia mới tại miền Bắc của đảo quốc này. Hiện giờ tại Phi Châu, quốc gia Sudan cũng đang có khuynh hướng chia làm 2 nước vì Bắc Sudan đa số theo Hồi Giáo và gốc Á Rập- Nubians, Nam Sudan đa số theo Thiên Chúa Giáo và các tôn giáo truyền thống với đa số dân gốc da đen.
Trừ những trường hợp bị ảnh hưởng của các siêu cường sắp xếp, chia cắt đất nước như Nam và Bắc Việt Nam, Nam và Bắc Hàn, Đông và Tây Đức, cũng như Trung Hoa Lục Địa và Đài Loan, thì nguyên nhân của những sự chia rẽ phát xuất từ một quan điểm chính trị sai lầm của quá khứ.
Đó là một quan điểm mà tác giả tạm gọi là quan điểm chính trị lọai trừ (exclusive politics).
Trước khi tìm hiểu thêm về những nét chính của quan điểm chính trị này, cần phải nhắc nhở rằng một nền dân chủ chân chính và hiện đại bao gồm 3 yếu tố nền tảng:
Hiến định, Pháp trị và Đa nguyên (Xem cuốn “Dự Thảo Hiến Pháp Việt Nam Trên Quan Điểm Dân Chủ Hiến Định, Pháp Trị và Đa Nguyên”, cùng tác gỉa, Việt Luận Xuất Bản 2001).
Trên nguyên tắc, tầm mức quan trọng của 3 yếu tố bằng nhau. Tuy nhiên khi phân tích kỹ thì yếu tố đa nguyên thể hiện đậm nét nhất tinh thần của thiên niên kỷ mới.
Lý do là vì yếu tố đa nguyên mới trực tiếp đưa tới một nền chính trị bao dung (inclusive politics) trong đó mọi khuynh hướng đều có chỗ đứng hợp hiến và hợp pháp trên chính trường.
Trong quá khứ, nền chính trị có tính cách lọai trừ (exclusive politics), trong đó phe nắm được chính quyền, sau khi đã cướp được chính quyền, tuyệt đối không bao giờ cho phép các phe nhóm khác hiện hữu hoặc sinh tồn trong vòng luật pháp và hiến pháp.
Trong khi đó, một nền chính trị bao dung đương đại, trên nguyên tắc lẫn trên thực tế, không cho phép bất cứ một lãnh đạo chính trị, chính đảng hoặc cá nhân hay phe nhóm nào, lọai trừ và gia hại cho đối thủ của mình.
Chính vì thế, trong nền chính trị của tương lai, những người dấn thân làm việc cho đất nước, trong bản chất, phải là những người đã mất đi khả năng hãm hại đối thủ của họ. Lý do đơn giản là vì không phải họ không có bản lãnh, mà chính vì trong khung cảnh của một nền chính trị bao dung, không có nhu cầu hãm hại đối thủ.
Một chính đảng nghiêm chỉnh, khi nắm được chính quyền, sẽ phải ra sức đem lại phúc lợi cho tòan dân, bao gồm mọi cá thể và tập thể, kể cả những đối thủ của họ.
Chúng ta có thể kết luận một cách chính xác rằng, trong tình huống đó, một chính quyền chỉ thật sự mạnh, khi có đối lập chính trị mạnh, và ngược lại. Hậu quả là các lực lượng chính quyền và đối lập phải củng cố cho nhau như mặt trời cần mặt trăng, ngày cần đêm và dương cần âm trong cuộc sống nhân sinh.
Thật vậy, trong quá khứ lịch sử u-mê của nhân lọai, quyền lực chính trị thông thường nằm trong tay một tù trưởng (giai đọan bộ lạc sơ khai), một lãnh chúa với những giai cấp xã hội (giai đọan xã hội phong kiến), một quân vương chuyên chế (giai đọan quân chủ chuyên chế), hoặc một đảng phái chuyên chính (giai đọan độc tài đảng trị).
Trong hiện tại và tương lai thì khuynh hướng dân chủ đa nguyên (pluralist) và bao dung (inclusive) ngày càng nổi bật và sẽ đậm nét hơn trong thế kỷ 21.
Như đã nêu trên, yếu tính đa nguyên đưa đến một nền chính trị bao dung của tương lai. Đều đó gỉa định là quyền lực chính trị sẽ phát xuất từ nhiều tụ điểm khác nhau trong môi trường chính trị (body politic) của một quốc gia, mà không còn phát xuất từ một tụ điểm duy nhất như một chính đảng, một cá nhân hoặc một tập thể xã hội (như quân đội).
Tuy nhiên, giả định trên tự nó chưa đủ. Quyền lực chính trị còn phải được phân chia cho nhiều định chế (institutions), độc lập với nhau, để hành xử và kiểm sóat lẫn nhau. Quan điểm trọng yếu này đã được triết gia người Pháp Montesquieu đưa ra trong cuốn sách lừng danh Esprit des Lois (Vạn Lý Tinh Pháp). Quan điểm phân quyền (separation of powers) của ông theo kiểu Tam Quyền Phân Lập (Hành Pháp, Lập Pháp và Tư Pháp) đã được các cha đẻ của hiến pháp Hoa Kỳ long trọng hiến định hóa trong bản hiến pháp thành văn đầu tiên của nhân lọai: Bản Hiến Pháp Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ.
Ngay cả tam quyền phân lập, tự nó, cũng chưa biểu hiện trọn vẹn tính bao dung của của nền chính trị mới. Tam quyền phân lập trên thực tế chỉ là phân quyền hàng ngang (horizontal separation of powers). Thực tế chính trị đòi hỏi nhiều hơn tại Hoa Kỳ (vì các tiểu bang hiện hữu trước khi Liên Bang hiện hữu), tại Âu Châu (vì chế độ phong kiến lưu lại những nét đặc thù tại các địa phương), tại Ấn Độ (vì các tiểu quốc hiện hữu trước khi Ấn Độ ra đời) và nhiều quốc gia theo thể chế liên bang với những điều kiện lịch sử tương tự.
Thật vậy, tại các quốc gia này, khởi xướng một nhu cầu phân quyền mới làm đậm nét thêm yếu tố bao dung của chính trị. Đó là quan điểm phân quyền hàng dọc (vertical separation of powers), còn có thể gọi là địa phương phân quyền (decentralization of powers).
Ngòai Tam Quyền Phân Lập ra, chúng ta cần phân biệt nhiều lọai “phân tán quyền lực khác nhau”. Tuy nhiên có hai lọai chính yếu:
a. Địa phương phân quyền (Decentralization of powers)
b. Tản quyền (deconcentration of powers) với nhiều hình thức khác nhau, và dưới nhiều dạng khác nhau như devolution (trao quyền cho các cơ quan dưới), delegation (trao quyền cho thuộc cấp) hoặc deregulation (giảm bớt những quy luật trói buộc từ trung ương)…
Khác biệt chính yếu giữa địa phương phân quyền chính thống (orthodox) và tản quyền là: trong hệ thống địa phương phân quyền thì quyền quyết định những chính sách (policy-decision-making), trên một số những phương diện (areas of jurisdiction) minh thị nêu ra, được luật hóa (legalized) hoặc hiến định hóa (enshrined in the constitution). Chẳng hạn trong trường hợp của Hoa Kỳ và Úc Đại Lợi, các quyền lực của chính quyền tiểu bang được minh thị nêu ra và hiến định hóa trong hiến pháp.
Đi xa hơn nữa, các quyền lực của các thành phố và chính quyền địa phương khác được luật hóa minh thị trong các sắc luật của quốc hội các tiểu bang tại Úc. Như thế, khi một quốc hội tiểu bang, hoặc một tòa đô chánh địa phương, hoặc thành phố, quyết định một chính sách, hoặc một sắc luật, thì quyền lực của họ phát xuất từ ngay địa phương liên hệ, không phải do sự chỉ định của cấp cao hơn.
Nước Pháp trước năm 1982 là tiêu biểu cho quan điểm tản quyền. Trên phương diện hành chánh, nước Pháp là một quốc gia đơn quyền (unitary system) khác với chế độ liên bang (federal system). Dưới chính quyền trung ương là các tỉnh (departments) và dưới các tỉnh là các quận (arrondissements). Chính phủ trung ương bổ nhiệm các tỉnh trưởng giống như dưới nền đệ nhất và đệ nhị cộng hòa tại Nam Việt Nam trước 1975. Dĩ nhiên, trong tình huống này, các viên chức địa phương phần lớn sẽ thi hành các chính sách do trung ương quyết định, và ngay cả khi họ được trao rộng quyền để quyết định một vấn đề gì, thì quyền lực đó vẫn phát xuất từ trung ương và do trung ương hành xử trên nguyên tắc.
Sự hiện hữu của các viên chức tại địa phương chỉ là một hình thức tản quyền để lắng nghe rõ hơn nguyện vọng địa phương mà thôi. Quyền quyết định vẫn lưu trữ tại trung ương.
Trong kỷ nguyên mới, nước Pháp đã áp dụng quan điểm địa phương phân quyền từ 1982. Trên thế giới, chỉ còn những quốc gia hoặc độc tài, hoặc đang chuyển tiếp từ độc tài sang dân chủ, mới còn sử dụng quan điểm tản quyền mà thôi. Chính vì thế một nền chính trị bao dung chân chính sẽ áp dụng quan điểm địa phương phân quyền triệt để.
Kết quả là một chính đảng có thể thất cử trong cuộc bầu cử chính quyền trung ương, nhưng vẫn có thể đắc cử và nắm quyền hành pháp (như tỉnh trưởng), hoăc lập pháp, tại một hay nhiều tỉnh hoặc thành phố. Điều này thực tế củng cố cho quan điểm chính trị bao dung và đa nguyên thực sự.
Trong tình trạng của đất nước chúng ta, các tôn giáo dấn thân như Cao Đài và Hòa Hảo có những đảng phái chính trị, tuy không có ảnh hưởng mạnh trên tòan quốc, nhưng trong một số tỉnh miền nam và trung phần, sẽ có thể nắm quyền hành pháp và lập pháp địa phương, hoặc có tiếng nói quan trọng, làm đậm nét đa nguyên cho nền chính trị nước nhà.
Những điều trên vẫn còn chưa đủ. Điều kiện kế tiếp để củng cố cho yếu tố bao dung của chính trị là quan điểm “bầu cử đại diện theo tỷ lệ” (proportional representation). Một các vắn tắc, phương thức bầu cử này sẽ đưa đến tình trạng số đại diện trong Hạ Viện, chẳng hạn, luôn tương xứng với số phiếu một chính đảng đạt được trong cuộc bầu cử, tránh tình trạng một chánh đảng chỉ đạt được thiểu số phiếu mà có đa số trong Hạ Viện, cũng như tránh tình trạng một chính đảng có một số phiếu không nhỏ nhưng bị hòan tòan gạt bỏ ra khỏi cơ quan quyền lực.
Lập luận phương thức bầu cử đại diện theo tỷ lệ có khuynh hướng dung túng trong quốc hội quá nhiều phe nhóm và đảng phái nhỏ, gây bất ổn chính trị, chỉ có giá trị tương đối trong một quốc gia theo quốc hội chế (parliamentary democracy) còn gọi là đại nghị chế (Westminster democracy) hoặc nội các chế (cabinet system). Tình trạng này hòan tòan không xảy ra trong trường hợp một quốc gia theo tổng thống chế (presidential democracy), vì tính tam quyền phân lập của chế độ này sẽ đem lại độc lập và ổn định cho hành pháp.
Những biến động, nếu có, về liên minh quyền lực trong quốc hội, nhất là Hạ Viện, chỉ giới hạn trong lập pháp mà thôi, không ảnh hưởng đến quyền điều hành quốc gia của hành pháp và sẽ không tạo ra bất ổn chính trị. Thêm vào đó, ngay cả trong trường hợp quốc hội chế, kinh nghiệm tại Do Thái và Ý Đại Lợi cho thấy, tính bất ổn tại các quốc gia này, phần lớn phát xuất từ yếu tố quy định túc số phiếu tối thiểu để có đại diện trong quốc hội (threshold percentage of votes) quá thấp (2%).
Nếu nâng lên khỏang 5% thì những đảng phái quá nhỏ sẽ bị lọai trừ và những liên minh trong quốc hội, để tạo thành liên minh nắm quyền, sẽ ổn định hơn. Tuy nhiên tình huống này giảm đi yếu tính bao dung cần thiết của một nền dân chủ bao dung chính thống.
Kinh nghiệm cũng cho thấy, phương thức bầu cử đại diện theo tỷ lệ thuần túy, tuyển chọn dân biểu từ một danh sách của các đảng chính trị, mà không có đại diện từng đơn vị địa phương, không phù hợp với một quốc gia đông dân và có những sắc thái địa phương đậm nét như Việt Nam. Chính vì thế, trong trường hợp bầu cử quốc hội tại Việt nam, nhất là Hạ Viện (trong một quốc hội lưỡng viện), chúng ta cần có một phương thức bầu cử hỗn hợp giữa những dân biểu tuyển chọn từ danh sách đảng phái (part lists) và những dân biểu ứng cử tại mỗi địa phương, miễn là số dân biểu tổng hợp (combining party lists and local electorates) đắc cử khi chung quyết, vẫn tương xứng với tỷ lệ số phiếu một chính đảng đạt được trong cuộc bầu cử Hạ Viện.
Biện pháp lưỡng tòan cho đất nước Việt Nam trong tương lai là, một mặt, áp dụng mô hình tổng thống chế để tách rời hành pháp ra khỏi lập pháp, đồng thời áp dụng triệt để nguyên tắc dân chủ đa nguyên, bao dung cho những khuynh hướng chính trị thiểu số nhất, dù là 1% hoặc 2 %, để mọi khuynh hướng chính trị đều có vị trí hợp hiến trong quốc hội. Như thế chúng ta sẽ có một nền chính trị ổn định qua một hành pháp độc lập, đồng thời tính bao dung của dân chủ đương đại được áp dụng triệt để qua một lập pháp đa diện.
Muốn giải quyết tệ nạn chia rẽ, gây bất ổn, ở cấp tổ chức thân hữu, hoặc cấp cộng đồng, hoặc tổ chức chính trị, hoặc cấp quốc gia, khi một thành phần lớn của dân tộc tách rời tổ quốc và thành lập một quốc gia khác như Hồi Quốc và Bangladesh, hoặc có thể Nam Sudan trong tương lai gần, thì giải pháp duy nhất là định chế hóa (institutionalise) và triệt để áp dụng quan điểm chính trị bao dung.
Trên bình diện chính trị học, có hai mức độ định chế hóa quan điểm chính tri bao dung.
Cấp thấp hơn là luật hóa (legalize) thức là quốc hội thông qua những sắc luật quy định nguyên tắc chính trị bao dung.
Cấp cao hơn là hiến định hóa (enshrine in the constitution) nguyên tắc chính trị bao dung để quan điểm này trở thành nền tảng của mọi luật pháp liên hệ. Tất cả những luật bình thường khác của quốc hội, trong tương lai, nếu đi ngược với nguyên tắc này, đều trở nên vi hiến và vô hiệu lực.
Chúng ta phải khẳng định rằng, vì tầm tác hại của quan điểm chính trị lọai trừ, vì tầm quan trọng chiến lược của quan điểm chính trị bao dung, nguyên tắc chính trị bao dung này cần phải được hiến định hóa và trở thành luật nền tảng, tránh tình trạng một chính đảng nào đó, sau khi nắm quyền, muốn thao túng quyền lực chính trị và thay đổi định chế chính trị bao dung, bằng cách chỉ cần thông qua những sắc luật bình thường trong quốc hội.
Dĩ nhiên, hiến định hóa không đồng nghĩa với việc biến một định chế trở nên một nền tảng trường củu bất di bất dịch. Hiến định hóa một nguyên tắc chính trị chỉ tạo nên sự bền vững tương đối mà thôi. Một khi ý dân thay đổi tòan diện thì bất cứ quan điểm chính trị nào, dù là chính trị bao dung, cũng phải thay đổi theo lòng dân và hiến pháp lúc đó sẽ phải tu chính. Dĩ nhiên tu chính một các hợp pháp và hợp hiến.
Như thế thì những yếu tố nào cần phải hiến định hóa trong trường hợp Việt Nam để thực thi quan điểm chính trị bao dung?
Câu trả lời là các yếu tố sau đây cần được minh thị hiến định hóa:
a. Yếu tố đa nguyên tuyệt đối trong đó quyền lực chính trị sẽ phát xuất từ nhiều tụ điểm khác nhau
b. Yếu tố tam quyền phân lập (gồm hành pháp, tư pháp và lưỡng viện lập pháp) cùng với tổng thống chế, sẽ thực thi phân quyền hàng ngang và bảo đảm ổn định chính trị qua tính ổn định của hành pháp.
c. Yếu tố địa phương phân quyền triệt để bảo đảm tối đa (optimize) khả năng tham chính của nhiều đảng phái khác nhau ở nhiều cấp chính quyền, không nhất thiết là chính quyền trung ương
d. Phương thức bầu cử “đại diện theo tỷ lệ” (proportional representation) dung hợp với nhu cầu đại diện từng địa phương (local electorates) để bảo đảm khả năng đóng góp vào chính trường của các cá nhân và tổ chức, dù là những tổ chức đại diện cho những thiểu số khiêm nhượng và tiếng nói của các địa phương đặc thù. Tuy nhiên khi chung quyết, tổng số dân biểu đắc của một chính đảng, trong cơ quan dân cử liên hệ, phải luôn tỷ lệ thuận với số phiếu số phiếu chính đảng đó đạt được.
Nếu những yếu tố trên được hiến định hóa, thì nhu cầu của những thành phần dân tộc muốn ly khai, vì bị lọai bỏ khỏi môi trường chính trị, một khi một phe đa số nắm quyền, dưới quan điểm chính trị lọai trừ (exclusive politics) nêu trên, sẽ không còn nữa. Ấn Độ và Pakistan lẫn Bangladesh không biết chừng còn là một quốc gia, Sudan sẽ không trên đà phân hóa và đã không có cuộc nội chiến tương tàn tại Tích Lan.
Ngay cả trong phạm vi nhỏ hẹp của những đòan thể ái hữu, những tổ chức chính trị, những tổ chức cộng đồng, thì xác xuất chia rẽ cũng sẽ giảm đi. Có thể các tập thể này không phức tạp đến mức độ phải “hiến định hóa” những nguyên tắc rừơm rà. Tuy nhiên những điều căn bản như một nội quy trong đó, một hội đồng điều hành (executive council) được bầu lên, theo nguyên tắc đại diện theo tỷ lệ. Liên danh hoặc phe nhóm nào có tỷ lệ phiếu cao thì được nhiều đại diện hơn. Liên danh hoặc phe nhóm nào có tỷ lệ thấp thì có ít đại diện hơn. Liên danh nào nắm được đa số đại diện sẽ thành lập ban chấp hành và người thụ ủy liên danh sẽ là chủ tịch ban chấp hành. Dĩ nhiên BCH phải làm việc nghiêm chỉnh và bị sự theo dõi cũng như kiểm sóat thường xuyên của phe thiểu số, như là một đối lập suốt nhiệm kỳ. Sự họat động của hội đồng điều hành này không khác sự họat động của một hội đồng tòa đô chánh địa phương (local government council) tại Úc Đại Lợi, Tân Tây Lan, Hoa Kỳ v..v.. Điều này dĩ nhiên không dễ chịu cho liên danh đắc cử nhưng đây chính là dân chủ.
Có như thế chúng ta mới tránh được tình trạng “winner takes all”, thắng làm vua, mặc dù đôi khi chỉ thắng với một đa số rất khiêm nhượng. Sau đó hòan tòan lọai bỏ những phe nhóm khác. Các phe nhóm này bất mãn, đưa đến tình trạng hoặc chỉ trích và phê phán tiêu cực bên trong, hoặc ly khai và thành lập những tổ chức, cộng đồng khác, gây them nhiều chia rẽ và mất niềm tin trong quần chúng.
Phương thức một hội đồng điều hành bao dung như trên chỉ là một ví dụ điểm hình và không phải là phương thức duy nhất hoặc hữu hiệu nhất. Tùy theo hòan cảnh đặc thù chúng ta có những biện pháp khác nhau. Tuy nhiên tinh thần chính trị bao dung thay vì chính trị lọai bỏ phải luôn luôn chủ đạo.
Dĩ nhiên nguyên tắc này cũng phải được minh thị định chế hóa trong một bản nội quy nghiêm chỉnh và thi hành triệt để.
Câu hỏi tiếp theo đặt ra đây là: một khi sự chia rẽ và phân hóa đã xảy ra, thì quan điểm chính trị bao dung có thể hàn gắn được hay không?
Câu trả lời là có thể, vì chính trị bao dung có tác động hai chiều: một là ngăn chận những chia rẽ và đổ vỡ có thể xảy ra, hai là một khi đã chia rẽ và đổ vỡ, thì chính trị bao dung có khả năng hàn gắn.
Dĩ nhiên điều này khó khăn và cần một số điều kiện như sau:
1. Hai bên phải chấp nhận nhìn về tương lai và không chấp nhất quá khứ. Nam Phi (South Africa) sau khi thực thi dân chủ thực sự, gỉai phóng cho người da đen, vẫn giữ được sự phồn thịnh tương đối về kinh tế, thay vì rơi vào độc tài và nghèo khổ như tại Zimbabwe vì biết nhìn về tương lai và quên những hận thù quá khứ. Bài học của Truth and Reconciliation Commission tại Nam Phi là một bài học có thể áp dụng nhiều nơi, kể cả Việt Nam. Yếu tố bất khả hồi tố của các sắc luật bình thường của quốc hội cũng phải được minh thị hiến định hóa để tránh tình trạng dùng luật pháp để trả thù những việc xảy ra trong quá khứ không cần thiết.
2. Phải biết tương kính lẫn nhau vì luôn luôn có xác xuất là những phe nhóm đối lập đều có thiện chí đóng góp cho tập thể, nhưng chỉ vì thiếu sự trao đổi nên thiếu thông cảm và dần dần trở nên thù nghịch lẫn nhau. Cũng có xác xuất là mọi thành phần đều bị một thế lực đệ tam nào đó lường gạt và xúi dục.
3. Không nên quá khích phân biệt giữa thiện và ác, phải và trái, đồng thời đồng hóa phe mình với thiện-phải và đồng hóa đối thủ với ác-trái. Thật sự chưa biết ai thiện ai ác và kẻ thiện vẫn có khả năng ác và kẻ ác vẫn có khả năng thiện. Phải và trái cũng như thế. Không có quy luật nào tuyệt đối cả.
4. Phải chấp nhận sự minh bạch (openness) và tính trong suốt (transparency) tuyệt đối trong tiến trình bầu cử. Nhiều chính quyền quốc gia độc tài trong quá khứ khẳng khái chấp nhận một thực thể đệ tam nhân nổi bật như Liên Hiệp Quốc hoặc Liên Hiệp Âu Châu kiểm sóat (monitor) về kết quả bầu cử. Sau đó họ trở thành những nước dân chủ thực sự. Không nhất thiết phải vì “danh dự quốc gia” hão mà không dám hoặc thèm nhờ đến “người ngòai”. Can đảm nhờ đến LHQ mới thật sự bảo đảm sự công minh và công bằng của tiến trình bầu cử. Một hội đòan nhỏ cũng nên hành xử tương tự, và nhờ một thực thể có uy tín bên ngòai hội đòan mình, kiểm sóat (monitor) tiến trình bầu cử. Không cần “đóng cữa dạy bảo nhau”.
Trên nguyên tắc, nếu các điều kiện trên hội đủ, thì Trung Hoa Cộng Sản có thể hàn gắn với Đài Loan, Nam Hàn với Bắc Hàn, đảng CSVN với các lực lượng chính trị phi cộng sản của dân tộc, Do thái với Palestine, Quân Phiệt Miến Điện với bà Aung San Suu Kyi, người Sinhalese với người Tamil tại Tích Lan, hội Ái Hữu Cựu Học Sinh Gia Long này với hội Ái Hữu Cựu Nữ Sinh Gia Long kia và Hội Cựu SVSQTB Thủ Đức này với Hội Cựu SVSQTB Thủ Đức kia.
Quan điểm chính trị lọai trừ đã là quan điểm chính trị của quá khứ. Quan điểm chính trị bao dung mới là quan điểm chính trị của tương lai và sẽ góp phần xây dựng một nền dân chủ hiến định, pháp trị và đa nguyên cho đất nước Việt Nam trong thiên niên kỷ mới.
Sydney ngày 2 tháng 1 năm 2011
Luật Sư Đào Tăng Dực
Nguồn: DaoTangDuc.com