Thứ Bảy, 5 tháng 2, 2011

Yếu tố Anh Hai ở Việt Nam (Lữ Giang)

-Yếu tố Anh Hai ở Việt Nam (Lữ Giang)

“… Điều khiến nhiều người lo ngại là trong khi Trung Quốc đang “đổ quân” xuống Đông Nam Á một cách ồ ạt, chiến thuật “diễn biến hoà bình” của Mỹ đi quá chậm. Liệu rồi Mỹ có nắm được khối ASEAN để chận đứng sự lộng hành của Trung Quốc không?…”
Website RFI ngày 31.1.2011 có đăng một bài dưới đề tựa “Trung Quốc lo ngại tác động của tình hình Ai Cập”. Bài báo viết:

“Theo giới phân tích, có nhiều dấu hiệu cho thấy Trung Quốc tỏ ra lo ngại và khó chịu trước những rối loạn đang làm chao đảo chính quyền tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak. Bởi vì hiện nay, chính quyền Bắc Kinh đang phải đối mặt với những bất bình trong xã hội trước tệ nạn tham nhũng tràn lan, cưỡng bức trưng thu đất đai của người dân, môi trường bị hủy hoại, tàn phá, lạm phát tăng cao, nạn thất nghiệp v.v... Đảng Cộng sản Trung Quốc luôn luôn dè chừng những gì đang xẩy ra tại thủ đô Cairo lan sang Trung Quốc, bởi vì phong trào phản kháng tại Ai Cập đã bùng phát dưới ảnh hưởng của cuộc nổi dậy tại Tunisia, buộc tổng thống độc tài Ben Ali phải bỏ chạy ra nước ngoài”.

Cũng theo bài báo, Trung Quốc đang tìm cách khống chế các tin tức liên hệ đến cuộc nỗi dậy tại Ai Cập.

Tinh trạng ở Việt Nam hiện nay không khác gì ở Trung Quốc bao nhiêu, nhưng chúng ta chưa thấy nhà cầm quyền Việt Nam tỏ ra lo lắng hay có các biện pháp gióng Trung Quốc mà RFI đã mô tả. Liệu rồi các biến cố ở Bắc Phi và khối A Rập có lan tới Việt Nam hay không?

Sau Tunisia đến Việt Nam?

Sau khi biến cố lật đổ Tổng Thống Zine el-Abidine Ben Ali của Tunisia bằng những cuộc xuống đường thành công, dưới dầu đề “Bài học Việt Nam”, đài BBC ngày 20.1.2011 đã trích dẫn những nhận xét chính của Jacques Attali, một kinh tế gia và một nhà nghiên cứu nổi tiếng của Pháp, nói về cuộc chính biến này mà ông gọi là "cuộc cách mạng hoa nhài". Theo ông, lý do đưa đến chính biến ở Tunisia không phải vì các diễn biến chính trị, mà chính vì nền kinh tế thị trường. Sau Tunisia sẽ là các trường hợp của Ai Cập, Việt Nam, Trung Quốc, các nước hạ Sahara ở châu Phi; và sau nữa có thể tới Algeria rồi Syria.

Thật ra, đây chỉ là bài tường thuật dưới đầu đề “Tunisia, and after?” của ký giả Joel Bomane sau khi nói chuyện với ông Jacques Attali. Bản tiếng Anh đăng trên một số website ghi đầy đủ nhận định của Jacques Attali như sau:

“Tunisia đã trở thành một nền kinh tế thị trường chỉ có thể trở thành một nền dân chủ. Và sau đó, đây sẽ là trường hợp của Ai Cập, Việt Nam, Trung Quốc, Châu Phi, tiểu vùng Sahara châu Phi và sau nữa (vì kinh tế thị trường vẫn đang trong giai đoạn phôi thai), Algeria và Syria”.

Nhận xét này chẳng được nhiều người chú ý, nhưng đã làm cho một số người Việt chống cộng thích thú. Sau đó, website của Asia Times ở Thái Lan ngày 29.1.2011, lại đăng bài “Vietnam as Tunisia in waiting” (Việt Nam sẽ là Tunisia trong thời gian tới) của Adam Boutzan. Bài này hình như đã phỏng theo ý kiến của bài “Tunisia, and after?” nói trên, nhưng viết vòng vo Tam Quốc và hướng sự kiện đi theo sự ước muốn của mình, giống hệt như kiểu viết của các bình luận gia “ta”, nên nhiều người tin rằng Adam Boutzan là một người Việt. Tác giả nhận định:

“Nếu những tiến bộ kinh tế suốt một phần tư thế kỷ qua của Việt Nam bị gián đoạn hoặc ngừng lại, chắc chắn hỗn loạn sẽ xảy ra theo đó”.

Những bài viết về Trung Quốc và Việt Nam nói trên có thể được coi là thuộc loại chiến tranh tâm lý hơn là sự tiên đoán một biến cố có thể xảy ra dựa theo tình hình đang diễn biến. Tình hình hiện nay của Trung Quốc và Việt Nam khác với tình hình của Tunisia và khối A Rập rất nhiều.

Yếu tố các Anh Hai

Các nhà phân tích nói trên đã quên đi một yếu tố rất quan trọng đối với Việt Nam, đó là “yếu tố các Anh Hai”. Từ năm 1945 đến nay, các Anh Hai luôn quyết định vận mệnh của Việt Nam, đó là Anh Hai Bá Quyền (Trung Quốc) và Anh Hai Chống Cộng (Hoa Kỳ). Nếu năm 1950, Mao Trạch Đông không thắng Tưởng Giới Thạch ở Trung Quốc, Đảng CSVN đã đi đời nhà ma từ khuya rồi.

Tài liệu của Trung Quốc được tiết lộ trong những năm gần đây cho thấy nếu không có Anh Hai Bá Quyền thì đã không có Điện Biên Phủ, không có Hiệp Định Genève 1954, không có Hiệp Định Paris năm 1973 và không có ngày 30.4.1975. Tài liệu nói rõ Trung Quốc muốn dùng Đảng CSVN như một công cụ để tiến xuống vùng Đông Nam Á.

Để được Anh Hai Bá Quyền giúp đỡ, Đảng CSVN cũng đã phải chịu nhiều nhục nhã. Sự nhục nhã đầu tiên là phải “tiến lên xã hội chủ nghĩa” theo định hướng của Trung Quốc, trong đó mô thức “Cải Cách Ruộng Đất” của Trung Quốc đã đưa đất nước vào những ngày đen tối nhất. Để có phương tiện đánh chiếm miền Nam Việt Nam, Đảng CSVN đã phải chấp nhận một sự nhục nhã nặng nề hơn là “gán nợ” hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cho Trung Quốc.

Do sự sắp xếp trước giữa hai chính phủ, ngày 4.9.1958, Chu Ân Lai, Thủ Tướng CHNDTQ công bố quyết nghị ngày 4.9.1958 của Đại Hội Uỷ Viên Thường Vụ Đại Biểu Nhân Dân Trung Quốc về lãnh hải của Trung Quốc. Quyết nghị nói: Lãnh hải của nước CHNDTQ rộng 12 hải ly, bao gồm cả quần đảo Tây Sa (Hoàng Sa), quần đảo Trung Sa, quần đảo Nam Sa (Trường Sa) và những gì thuộc về những hải đảo của Trung Quốc.

Tiếp theo ngay sau đó, ngày 14.9.1958 Thủ Tướng Phạm Văn Đồng đã gởi cho Thủ Tướng Châu Ân Lai một công hàm tuyên bố:

“Chính phủ nước VNDCCH ghi nhận và tán thành bản tuyên bố ngày 4.9.1958 của Chính phủ nước CHNDTQ quyết định về hải phận của Trung-quốc”.

Được hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, Trung Quốc hứa sẽ cung cấp đầy đủ phương tiện cho Hà Nội đánh chiếm miền Nam. Vì thế, vào tháng 1-1959 Hội nghị lần thứ 15 cuả Trung Ương Đảng CSVN đã bí mật ra quyết định “giải phóng miền Nam”.

Sau này khi nhà cầm quyền Hà Nội cãi chày cãi cối về Hoàng Sa và Trường Sa, Trung Quốc đã trả lời rằng thư ngày 14.9.1958 của Thủ tướng Phạm Văn Đồng gửi Thủ Tướng Chu Ân Lai viết là: “Việt Nam công nhận và ủng hộ Tuyên bố của Chính phủ Cộng hoà Nhân dân Trung Quốc về lãnh hải” là công nhận Tây Sa (Hoàng Sa) và Nam Sa (Trường Sa) thuộc Trung Quốc! (China’s Ministry of Foreign Affairs, The Issue of South China Sea, June 2000).

Có lẽ năm 1958 nhà cầm quyền Hà Nội đã nghĩ rằng bán Hoàng Sa và Trường Sa để có phương tiện chiếm miền Nam là việc phải làm, vì không lấy được miền Nam, nền kinh tế miền Bắc và chế độ miền Bắc sẽ sụp đổ. Sự tính toán đó được coi là thượng sách đối với Đảng CSVN, nhưng Việt Nam đã bị mất Hoàng Sa và Trường Sa.

Về phía miền Nam, khi ông Ngô Đình Diệm mới về chấp chánh ngày 7.7.1954 thì ngày 20.8.1954, Hội Đồng An Ninh Quốc Gia Hoa Kỳ đã họp và đưa ra Quyết Nghị số NSC 5429/2 ấn định chính sách mới của Hoa Kỳ: Truất phế Bảo Đại một cách hợp pháp và thành lập một chính phủ nội địa mạnh (a strong indigenous government) để chống cộng sản.

Sau khi lật đổ Bảo Đại, Hoa Kỳ đã hướng dẫn chính phủ Ngô Đình Diệm tiến tới một chế độ độc đảng giống Trung Hoa Quốc Dân Đảng ở Đài Loan.

Tuy nhiên, năm 1961 khi Hoa Kỳ đề nghị đưa quân vào miền Nam để trực tiếp điều khiển cuộc chiến, ông Diệm từ chối, Hoa Kỳ liền trở giọng, đòi chính phủ Ngô Đình Diệm phải “thực thi dân chủ để được lòng dân và thắng cộng sản”! Tiếp theo Hoa Kỳ lên án chính phủ Ngô Đình Diệm tham nhũng và độc tài rồi lật đổ. Từ việc Hoà Thượng Quảng Đức tự thiêu đến việc giết ông Diệm đều do Hoa Kỳ đạo diễn.

Sau khi sử dụng nhóm tay chân bộ hạ để mở rộng cuộc chiến không thành công, Hoa Kỳ quyết định giao miền Nam cho Trung Quốc để đổi lấy sự hợp tác kinh tế với Trung Quốc. Đây cũng là một hình thức bán đứng miền Nam, nhưng dầu sao miền Nam vẫn thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Rõ ràng là trong cuộc chiến tranh Việt Nam, Anh Hai Bá Quyền và Anh Hai Chống Cộng đã quyết định số phận của Việt Nam.

Hoa Kỳ trở lại Việt Nam

Ngày 15.7.2008, đài Tiếng Nói Hoa Kỳ trích thuật tin của thông tấn xã AFP cho hay Hoa Kỳ đang củng cố các quan hệ quân sự với Cộng sản Việt Nam, Lào và Cam Bốt như một phần của một quan hệ sâu đậm với vùng Đông Nam Á giữa cuộc tranh giành ảnh hưởng với Trung Quốc. Phó Phụ Tá Ngoại Trưởng Hoa Kỳ Scot Marciel xác định Hoa Kỳ khởi sự phát triển những quan hệ tương tự với Cộng sản Việt Nam, Lào và Cam Bốt. Sau đó, Hoa Kỳ đã thực hiện các cuộc tiếp xúc để tiến hành các kế hoạch đã được đưa ra.

Sau một cuộc họp tại Hà Nội, ngày 6.10.2008, Trợ Lý Ngoại Trưởng Hoa Kỳ Mark Kimmitt và Thứ trưởng Bộ Ngoại Giao VN Phạm Bình Minh đã mở cuộc họp báo cho biết Việt Nam và Hoa Kỳ đã mở cuộc đối thoại chiến lược đầu tiên về các vấn đề chính trị, an ninh và quốc phòng. Ngày 13.12.2007 Đô đốc Timothy Keating, Tư lệnh Thái Bình Dương của Hoa Kỳ đến thăm Việt Nam. Tháng 8/2008, khi tàu bệnh viện Mỹ đến Sài Gòn, Phó Đô Đốc Doug Crowder đã đã gặp Phó Đô đốc Nguyễn Văn Hiến, Tư lệnh Hải Quân Việt Nam, và cho biết như sau:

“Tôi đã đưa ra nhiều đề nghị trong đó có các cuộc diễn tập chung. Chúng tôi đã mời năm sĩ quan của phía Việt Nam tới chứng kiến một trong các cuộc diễn tập hải quân với Singapore tuần này”.

Trong tháng qua, sau khi diễn tập chung với Hải Quân Nhật Bản và Hải Quân Nam Hàn, Hoa Kỳ tuyên bố sẵn sàng diễn tập chung với Hải Quân Việt Nam, nhưng phía Việt Nam im lặng.

Về phương diện kinh tế, hôm 11.6.2010, Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ-Asean đã đến Sài Gòn họp với các nhà lãnh đạo một số tỉnh thành phía Nam và các doanh nghiệp và tuyên bố Hoa Kỳ muốn giúp các công ty Việt Nam vay tín dụng để dùng vào dự án có giá trị cao như viễn thông, đường lộ, đường sắt, năng lượng tái tạo, và năng lượng thông thường.

Về khai thác bauxít tại Tây nguyên, khi thấy Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam (TĐTKSVN) ký với công ty Chalieco của Trung Quốc hợp đồng xây nhà máy biến chế bauxít tại Lâm Đồng, Hoa Kỳ đã phải nhảy vào ngay. Ngày 24.4.2006 công ty Alcoa World Alumina của Hoa Kỳ đã liên kết với TĐTKSVN để phát triển một mỏ bauxite và nhà máy lọc nhôm ở tỉnh Dak Nông. Mặc dầu các cuộc tranh luận đang diễn ra, ngày 12.4.2010, Citybank của Hoa Kỳ quyết định tài trợ cho TĐTKSVN 200 triệu USD để phát triển dự án tổ hợp bauxite Tân Rai, Lâm Đồng.

Phản ứng của Trung Quốc

Thấy Hoa Kỳ và một số cường quốc có “ý đồ” biến Việt Nam thành một “tiền đồn” ngăn chận sự bành trướng của Trung Quốc xuống Đông Nam Á về cả phương diện quân sự lẫn kinh tế, Trung Quốc đã phản ứng khá mạnh.

Tháng 4/2010 vừa qua, Trung Quốc đã thông báo với hai viên chức của Hoa Kỳ là ông Jeffrey A. Bader và ông James B. Steinberg rằng Biển Đông là “lợi ích cốt lõi” của Trung Quốc ngang bằng với Tây Tạng hay Đài Loan. “Lợi ích cốt lõi” có nghĩa là không thể nhượng bộ, đàm phán và trao đổi. Khi nói như vậy, Bắc Kinh xem Biển Đông là vùng biển của riêng họ và vấn đề Biển Đông phải được giải quyết theo phương thức của Trung Quốc, các nước khác không có quyền tham gia.

Lời tuyên bố này đã gây phản ứng rất mạnh trong các nước ASEAN và Hoa Kỳ. Tại Diễn đàn Khu vực ASEAN ở Hà Nội hôm 23.7.2010, Ngoại trưởng Hillary Clinton tuyên bố rằng Hoa Kỳ xem việc giúp giải quyết các tuyên bố về chủ quyền lãnh hải tại khu vực Biển Đông là một mối quan tâm của quốc gia Hoa Kỳ. Hoa Kỳ phản đối việc dùng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực để giải quyết tranh chấp.

Sau đó, Trung Quốc đã dịu giọng. Báo The Straits Times của Singapore ngày 25.1,2011 đã đăng lời lên tiếng của bà Đồng Hiểu Linh, đại sứ Trung Quốc: "Làm lớn chuyện này không có lợi cho ai cả”. Tiếp theo, Trung Quốc lại bắt đầu tiến hành nói chuyện với các nước ASEAN về Biển Đông.

Về kinh tế, Trung Quốc tìm cách chiếm vùng Đông Nam Á trước Mỹ và các cường quốc khác. Trung Quốc đã hoàn tất các thỏa thuận thương mại với toàn thể 10 quốc gia Đông Nam Á, trong khi Mỹ chỉ mới bước những bước sơ khai.

Tại Cam Bốt, Trung Quốc đang xây dựng 8 đập thủy điện, bao gồm đập thủy điện khổng lồ trên sông Tatay ở Koh Kong với công suất 246 megawatt, và cam kết xây dựng tuyến đường sắt trị giá 600 triệu đô la giữa Phnom Penh và Việt Nam.

Tại Lào, trong tháng 4/2010, Lào và Trung Quốc đã thỏa thuận xây dựng một tuyến đường sắt cao tốc nối liền từ Côn Minh của Trung Quốc đến Thủ đô Viêng Chăn của Lào. Tuyến đường dài 412 km, phí tổn khoảng 7 tỷ USD.

Tại Thái Lan, tờ China Daily ngày 6.1.2011 cho biết sẽ có hơn 70.000 cơ sở kinh doanh Trung Quốc hoạt động trong Tổ hợp Khu Phố Tàu (China City Complex) tại Bangkok để không phải trả thuế đối với các sản phẩm được xuất cảng trực tiếp từ Trung Quốc.

Tại Miến Điện, theo Tân Hoa Xã cho biết Trung Quốc bắt đầu triển khai các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng trong khu vực, mở đầu bằng dự án xây dựng tuyến đường sắt cao tốc dài 1.920 km, tốc độ 200 km/giờ, nối liền Côn Minh, thủ phủ tỉnh Vân Nam, với thành phố Yangon, Miến Điện, và dự kiến hoàn thành trong năm 2015.

Tại Việt Nam, tờ China Daily cho biết Trung Quốc sẽ xây dựng một tuyến đường sắt cao tốc nối liền Khu tự trị dân tộc Choang ở tỉnh Quảng Tây, miền Nam Trung Quốc, với Singapore băng ngang qua lãnh thổ Việt Nam. Tổng chi phí xây tuyến đường này cộng với dự án đường sắt đi từ Côn Minh đến Viên Chăn (Lào) được ước lượng khoảng 45 tỷ USD. Trong khi đó, Nhật đấu thầu xây cất tuyến đường sắt cao tốc từ Hà Nội đến Sài Gòn với giá 45 tỷ!

Theo bản tin của Reuters, Trung Quốc đã có kế hoạch xây dựng 13.000km đường sắt cao tốc vào năm 2012, nhiều hơn tổng số chiều dài tuyến đường của các nước trên thế giới cộng lại. Ngày 7.12.2010. Công ty cổ phần Nam Sa của Trung Quốc cũng đã ký với công ty General Electric của Mỹ hiệp định hợp tác để thành lập công ty liên doanh phát triển đường sắt cao tốc Trung Quốc tại thị trường Mỹ, cụ thể là cung cấp công nghệ đường sắt cao tốc cho hai dự án của bang Florida và California.

Chuyện gì sẽ xảy ra?

Bắc Hàn là một chế độ có tình trạng kinh tế, y tế và nhân quyền tệ nhất thế giới, sống còn nhờ đi ăn xin, nhưng chế độ Bắc Hàn vẫn tồn tại vì cả Anh Hai Bá Quyền lẫn Anh Hai Chống Cộng không muốn Bắc Hàn sụp đổ. Anh Hai Bá Quyền muốn dùng Bắc Hàn làm vùng trái độn và rất sợ làn sóng di dân sẽ tràn qua Trung Quốc khi chế độ Bắc Hàn sụp đổ. Anh Hai Chống Cộng cũng không muốn Bắc Hàn sụp đổ, vì nếu Bắc Hàn sụp đổ căn cứ quân sự của Mỹ ở Nam Hàn không còn lý do tồn tại. Nam Hàn không dám “giải phóng” Bắc Hàn ngay vì Nam Hàn không đủ khả năng bao dàn Bắc Hàn như Tây Đức đã bao dàn Đông Đức. Nam Hàn chỉ muốn “diễn biến hoà bình”. Thắng bé Bắc Hàn tha hồ quậy phá để đòi kẹo.

Việt Nam được xếp vào loại cao hơn Bắc Hàn, nhưng Việt Nam cũng là nơi có sự tranh chấp lớn giữa Anh Hai Bá Quyền và Anh Hai Chống Cộng. Trung Quốc muốn biến Việt Nam thành một trong những cửa ngõ đi xuống Đông Nam Á, còn Mỹ muốn dùng Việt Nam như một nút chặn sự bành trướng của Trung Quốc về cả quân sự lẫn kinh tế.

Mặc dầu đã có nhiều sự ve vãn, Việt Nam xem ra không muốn đứng hẳn về phía Mỹ vì biết Trung Quốc sẽ có những phản ứng bất lợi. Việt Nam chỉ đi họp bàn với Mỹ và quan sát các cuộc thao diễn của Mỹ để cho Trung Quốc thấy Việt Nam không đơn độc. Mỹ đang làm áp lực để thúc đẩy Việt Nam tiến lại sát Mỹ hơn. Dự luật đưa Việt Nam vào CPC một lần nữa đang được tái sử dụng. Nhưng vụ công an CSVN quật ngã ông Christian Marchant, tùy viên Sứ quán Mỹ ở Hà Nội, rồi bỏ lên xe chở đi khi ông này đến thăm LM Nguyễn Văn Lý ngày 5.1.2011, là một thông điệp Hà Nội gởi cho Hoa Thịnh Đốn, nhắn rằng chính sách “cây gậy và củ cà rốt” đã lỗi thời.

Biến cố đang xảy ra tại Bắc Phi và Trung Đông là một đòn tâm lý tốt để kích động sự đứng lên của dân chúng ở Trung Quốc và Việt Nam, nhưng thực tế cho thấy biến cố này đã thúc đẩy nhà cầm quyền hai nước này siết chặt hơn nữa hệ thống truyền thông và các nhà đối lập ở trong nước. Biến cố này cũng cho thấy Hoa Kỳ đã thất bại trong việc lèo lái con gà Mubarak của mình. Bây giờ Hoa Kỳ đang xào bài để cho ra lá bài khác.

Điều khiến nhiều người lo ngại là trong khi Trung Quốc đang “đổ quân” xuống Đông Nam Á một cách ồ ạt, chiến thuật “diễn biến hoà bình” của Mỹ đi quá chậm. Liệu rồi Mỹ có nắm được khối ASEAN để chận đứng sự lộng hành của Trung Quốc không?
Ngày 1.2.2011
Lữ Giang
© Thông Luận 2011

-Ai Cập - Đói Tin và Đói Ăn
Nguyễn Xuân Nghĩa - Việt Tribune ngày 20110204

Những kịch bản rợn người...


Xứ Ai Cập đang ở trong cảnh đổi đời, nhưng đổi đến đâu, từ loạn sang trị hay chìm vào đại loạn thì chưa ai biết. Kể cả những người ở trong cuộc.

Từ nhiều năm nay, sức khoẻ của Tổng thống Hosni Mubarak suy yếu dần và vì ông không đề cử một Phó Tổng thống như các vị tiền nhiệm là Gamal Nasser và Anwar Sadate, việc kế nhiệm đã được đặt ra. Trước tiên đặt ra từ bên trong, giữa những người nghĩ rằng mình có nhiều hy vọng nhất. Có thể là vì Mubarak muốn giành chỗ cho con trai là Gamal Mubarak, nhưng ông để cả tương lai chế độ trên vai các bác sĩ đang chăm sóc sức khoẻ cho mình! Nội chi tiết ấy cũng đủ nói lên tình trạng sức khoẻ hay sự thiếu minh mẫn của ông. Tương tự như trường hợp của Quốc vương Thái Lan hiện nay.... ông Bhumibol Adulyadej hơn Mubarak một tuổi.

Mà chế độ chính trị Ai Cập thì đã lung lay sau ba chục năm toàn quyền của Mubarak.

Giống như Thái Lan, dân Ai Cập cũng chịu ảnh hưởng của tôn giáo. Nhưng khác với Thái Lan, yếu tố tôn giáo từ đạo Hồi trong khu vực nhiễu nhương này lại không giống Phật giáo tại Thái. Đó là yếu tổ dễ gây loạn trong làn sóng Hồi giáo cực đoan đang hoành hành ở nhiều nơi, kể cả ở Ai Cập. Khi quân khủng bố Hồi giáo tấn công các nhà thờ Thiên chúa giáo theo hệ phái Coptic tại Ai Cập vào cuối năm ngoái, người ta nên lo sợ.

Các Chính quyền Hoa Kỳ và Israel của dân Do Thái đều sợ chuyện đó và từ vài năm nay thì đã có thể chuẩn bị đối phó. Họ tính toán ra sao, ta chưa thể biết. Chế độ Hồi giáo cực đoan tại Iran, của sắc dân Ba Tư theo hệ phái Shia, tính toán như thế nào về tương lai của một nước Á Rạp Hồi giáo lớn nhất khu vực Trung Đông thì chúng ta cũng chưa biết.

Chỉ đoán là Hoa Kỳ có kín đáo gây áp lực để Mubarak và đảng cầm quyền (Quốc gia Dân chủ - NDP) phải thay đổi. Chầm chậm thay đổi nếu không thì sẽ sụp, nhưng thay đổi không khéo thì sụp đổ còn nhanh hơn nữa. Chiếc xe đạp đang vào một khúc quanh dễ đổ.

Khi mọi chuyện bắt đầu chuyển thì như thông lệ, chính trường và dư luận Mỹ bắt đầu cãi nhau, xem ai là kẻ có lỗi... để "mất Ai Cập". Đó là sự chủ quan kiêu mạn truyền thống của các nhà tạo ra dư luận tại Hoa Kỳ. Suốt tuần qua, cuộc tranh luận ấy khiến dư luận Mỹ phân vân không rõ thực hư và bấy giờ mới lật đật tìm hiểu về một đồng minh chiến lược của Hoa Kỳ trong một vùng đất sinh tử cho quyền lợi của Mỹ.

Sau một tuần đầy biến động - thật ra vẫn còn nhỏ cho một quốc gia có 80 triệu dân trên một lãnh thổ gấp ba Việt Nam, bằng hai tiểu bang California và Texas cộng lại - với những vụ biểu tình đập phá quy tụ từ vài ngàn đến vài chục ngàn người là nhiều, biến cố hôm Thứ Ba mùng một tháng Giêng cho thấy tình hình đã qua bước ngoặt.: số người biểu tình đã lên tới hàng triệu! Nói đến con số hai triệu là sự phóng đại, ta không quên rằng quảng trường Tahrir ở trung tâm thành phố chỉ có sức chứa cho 250 ngàn người.

Khi thấy "động lượng" - momentum - lên tới triệu người thì ta biết là xong. Sau một tuần xoay trở, Hosni Mubarak tuyên bố sẽ không tái tranh cử. Khi ấy, Phó Tổng thống Omar Suleiman, được Mubarak bổ nhiệm vào giờ thứ 25, có thể làm được gì?

Và các diễn viên hay đạo diễn khác tính sao?

Chúng ta biết "quân đội" - tức là các tướng lãnh - muốn cứu chế độ khỏi sự ù lì ngoan cố của Mubarak và dân Ai Cập kính trọng quân đội chứ không thù ghét bằng lực lượng công an cảnh sát có quân số cũng lớn như quân đội. Nhưng áp lực quá nhẹ của quân đội và việc Mubarak xoay quá trễ đã để xảy ra một nguy cơ khét lẹt là có lúc lính đứng cùng dân và đương đầu với an ninh mật vụ và cảnh sát võ trang!

Bây giờ thì tình hình đã quá nát, trên đà thắng lợi, người dân hay các phù thủy giấu mặt bên trong cũng chẳng muốn đối lập nói chuyện với Phó Tổng thống nữa. Mà đối lập là những ai? Ông Suleiman có thể là người khôn ngoan cả quyết, nhưng sẽ bị làn sóng quần chúng quét vào bờ chứ không thể lèo lái được nữa.

Chưa kể là trong quân đội, giữa các tướng lãnh, nhiều người cũng nghĩ tới sự nghiệp riêng vào giờ phút lịch sử này. Các kịch bản và màn diễn xuất được thay đổi hàng ngày, rồi hàng giờ....

Suốt tuần qua, Hoa Kỳ có thể đã kín đáo bố trí một số giải pháp cứu nguy trù tính từ nhiều  năm trước. Việc Tham mưu trưởng Sami Annan qua dự hội nghị với bộ Quốc phòng Mỹ từ 24 đến 29 là cơ hội chót cho giải pháp quân đội. Nhưng có khi cũng là quá trễ khiến chính lãnh đạo Hoa Kỳ lụp chụp và tuột tay làm sảng.

Một giải pháp khác là Luật gia Mohamed ElBaradei - nguyên Tổng giám đốc Nguyên tử lực cuộc IAEA của Liên hiệp quốc - được thả lúc chót vào ổ kiến lửa có khi cũng không thành. Dù lấy tên theo cách viết La tinh thay vì Á Rập (El hay Al Baradei), ông ta có thiện cảm với xu hướng Hồi giáo và nhiều lần đi ngược quan điểm của Hoa Kỳ trong vụ Iran muốn chế tạo võ khí hạch tâm. Nhưng thà như vậy còn hơn! Truyền thông Mỹ lập tức vẽ lại dung mạo của nhân vật này.

Nhưng ElBaradei xa xứ quá lâu, không là lãnh tụ chính đảng, cũng chẳng có cán bộ hoạt động ở bên trong. Khi hữu sự, ông chỉ có thể trông cậy vào cảm tình của quốc tế, vào tinh thần "chống Mỹ", vào thiện chí người dân và sức vận động của các cán bộ trong phong trào Hồi giáo Muslim Brotherhood (MB).

Tổ chức "Huynh đệ Hồi giáo này là lực lượng rất mạnh tại Ai Cập, đang có mặt ở hầu hết các nước Trung Đông. Và còn hợp tác với chế độ Hồi giáo Iran thuộc hệ phái Shia hoặc yểm trợ lực lượng Hamas quá khích trên Dải Gaza của Israel. Thực tế thì ElBaradei đã từ chối kết án lực lượng Hamas!

Chúng ta thấy ra chuyện âm binh và phù thủy! Trong đó, phù thủy Mỹ có khi lại bị âm binh qua mặt như đã từng thấy khá nhiều lần trong các quốc gia gọi là đồng minh của Hoa Kỳ.


***

Về lý tưởng, ai cũng mong muốn xã hội cởi mở về văn hoá để không thể có chân lý độc quyền của nhà nước và có một chế độ dân chủ để đa số được tham gia vào tiến trình quyết định chính trị hầu giảm thiểu những sai lầm của một thiểu số cầm quyền không bị ai giám sát. Ai Cập có thể đã phần nào có sự cởi mở về văn hoá nhưng chưa có dân chủ chính trị. Sự chuyển hoá về chính trị như ta đang thấy ngày nay có thể dẫn tới đó.

Nhưng đây là lúc nguy hiểm nhất vì sự chuyển hóa có thể dẫn tới hỗn loạn, với hậu quả là sự thắng thế bất ngờ của những lực lượng không chấp nhận văn hoá đa nguyên và cởi mở về tư tưởng.

Mà nếu Ai Cập trôi vào đại loạn thì toàn vùng Trung Đông sẽ thành biển máu. Hoa Kỳ không chỉ mất một cái neo ổn định trong khu vực từ Cận Động kéo tới Trung Á mà còn gặp nhiều khó khăn tại Iraq, Afghanistan và sẽ phải xử trí với Iran trong thế yếu.

Biến cố tại Ai Cập đang làm ung chuyển các chế độ từ Bắc Phi hay Yemen tới Syria, Saudi Arabia, Jordan, Kazahkstan khiến lãnh đạo... Bắc Kinh cũng giật mình! Dù được Hoa Kỳ khuyến khích từ nhiều năm nay, từ thời ông Bush, Mubarak là một đạo diễn không biết kéo màn và sân khấu đang bị tràn ngập với hai phe sẽ đánh nhau chí chạp trước ống kính truyền hình quốc tế.

Bây giờ, nói chuyện năm mới: những gì có thể xảy ra trong thời gian tới?


***


Quần chúng biểu tình và đánh lộn về tới nhà bỗng thấy đói meo!

Ai Cập là một sa mạc sống nhờ sông Nil mà hệ thống thủy lợi cho việc canh tác là một mạng lưới các ống dẫn nước có thể bung nếu bị phá hoại. Ai Cập sản xuất không đủ lương thực và phải nhập cảng, khi giá lương thực trên thế giới đang tăng. Cửa khẩu chính cho việc nhập cảng là hải cảng Alexandria là một mục tiêu "mềm", dễ bị phá hoại, hoặc bị tê liệt vì đình công. Và tồn kho lúa gạo của xứ này thực ra chỉ còn đủ cho hơn một tháng tiêu thụ mà thôi.

Những kẻ có ác tâm đều có thể đánh vào cái bao tử của dân Ai Cập. Khi đói lả người ta càng dễ làm loạn. Lạc quan tếu nhất là sau một cuộc bầu cử chớp nhoáng mà chẳng phe nào chiếm nổi đa số, chính phủ "lâm thời" sẽ bị thách đố đầu tiên là kinh tế - không, là miếng ăn! Lạnh mình....

Chuyện lạnh mình thứ hai là chính quyền lâm thời hay xử lý này chưa chắc đã thành hình và bầu cử có khi lại bị đẩy lui. Vì có quá nhiều người đang chờ đợi - và tác động vào lộ trình hay kịch bản - để trở thành giải pháp cứu nguy. 

Cũng có người chẳng muốn cứu nguy mà còn tính đến việc tiêu diệt chế độ và tê liệt hoá cả quốc gia.

Quần chúng biểu tình thì chỉ muốn một điều là đuổi Hosni Mubarak ra khỏi chính quyền, chứ lại có đầy mâu thuẫn với nhau về những gì sẽ làm sau đó và ai sẽ lãnh đạo. Ở đằng sau thì có rất nhiều toan tính hiểm hóc quái quỷ, trong khi truyền thông Tây phương vội ngợi ca một trào lưu dân chủ! Cũng dại dột như trong vụ tàn sát Thiên an môn năm 1989.

Sau rất nhiều chật vật, đắn đo và mặc cả, chính quyền dân chủ có thể lâm thời thành hình, nhưng sẽ lại bị giật xập trong đà hỗn loạn. Của một trận đói chẳng hạn! Khi nào thấy "nhiệt tình cách mạng" của dân chúng dẫn tới việc giải phóng kho gạo thì ta biết là các phù thủy đã ra tay. Mohamed ElBaradei có khi chỉ là một Kerensky của Nga  năm 1917 hay Bani Sadr của Iran năm 1979: dọn cỗ hay lót đường cho những thế lực ma quỷ hơn! 

Kịch bản hãi hùng.

Chuyện thứ ba là trong mấy ngày loạn lạc, lực lượng Huynh đệ Hồi giáo MB đã rất kín đáo và kiểm soát được các cơ sở để cho thấy khả năng "xây dựng dân chủ" của họ. Lực lượng này có mặt dương - văn minh hiền hoà - với 88 Dân biểu trong Hạ viện có 454 ghế, đảng đối lập lớn nhất. Chứ không là nguy cơ biến cả xứ Ai Cập thành Dải Gaza tại Palestine. Nhưng có chắc không?

Họ bình tĩnh theo dõi - và còn "yểm trợ" - người biểu tình đòi hỏi dân chủ theo kiểu Tây phương. Đòi hỏi ấy dẫn tới việc thay đổi tài công để hướng con tầu ra khỏi giông bão. Đấy là lúc tài công thật của Huynh đệ có khi xuất hiện, với thủy thủ đoàn được trang bị đầy đủ hải đồ, võ khí, tiền bạc để đưa con tầu vào bến lạ.

Biết đâu chừng, cái bến đó là một chế độ thần quyền theo lỗi diễn giải cực đoan và một xứ Ai Cập xa dần chánh sách liên minh với Mỹ, chống lại việc hợp tác với Israel và thành đồng minh của Iran. Khi ấy, các thanh niên thiếu nữ từng hò hét cho dân chủ sẽ là nạn nhân đầu tiên: trong mọi cuộc cách mạng sắt máu, phe cải lương thường bị hy sinh trước.

Chuyện ấy dẫn ta đến một kịch bản lạnh mình khác: bi kịch Ai Cập có thể là thảm kịch cho toàn vùng.

Không phải là nhóm khủng bố Al Qaeda đầu não đã bị tê liệt hay các nhóm Al Qaeda nội hóa, tự phát mà ngày nay lãnh đạo Iran mới giật lá cờ tiên phong trong thế giới Hồi giáo.

Về ý thức hệ, lãnh đạo xứ này muốn thành quán quân vô địch của tư tưởng Hồi giáo "trọng căn" - integrist, fundamentalist, nguyên thủy, tinh khiết và cực đoan. Về chiến lược, họ muốn Iran mới là quốc gia lãnh đạo khối Hồi giáo. Nếu Ai Cập "chuyển trục", Israel sẽ lãnh họa và hàng loạt quốc gia Á Rập Hồi giáo cũng từ giấc mơ dân chủ hóa rơi vào cơn ác mộng đại loạn. Bên trong, Huynh đệ Hồi giáo, Hamas hay Hezbollah sẽ có cơ hội tung hoành! Thay vì thấy làn sóng dân chủ cũng tràn vào thế giới Hồi giáo, người ta lại bị làn sóng dữ.

Nhiều xu hướng bảo thủ và thực tiễn của Hoa Kỳ đang lo sợ kịch bản đó, khi họ nhắc tới mối nguy của Huynh đệ Hồi giáo.


***


Chúng ta chưa biết là những gì có thể xảy ra, và trong một số báo đầu Xuân thì chẳng ai muốn nói đến chuyện sát phạt. Nhưng lịch sử có cho thấy rằng nhiều khi mừng Xuân đón Tết hoặc hồ hởi lạc quan với những hy vọng màu hồng, ta thấy màu đào còn thắm hơn xác pháo. Sau bài "Ai Cập và Ai Run Lập Cập" trên cột báo này vào tuần trước, người viết vẫn phải nhìn vào mặt trái của sân khấu khi viết bài này vào ngày mùng một Tháng Giêng 2011,

Với lời chúc là những kịch bản lạnh mình sẽ chẳng xảy ra - và chữ Thái Hoà mới là sự thật!

Tổng số lượt xem trang