-Trung Quốc xem xét tác động của những cuộc nổi dậy ở Trung Đông
Tất cả các báo chí chính ở Trung Quốc đều đăng tải những câu chuyện trên trang nhất về các cuộc biểu tình, bao gồm cả hình ảnh nhưng phần lớn đều không có bất kỳ bình luận, phân tích hay biên tập nào. Đa số các tin tường thuật gần đây đã tập trung vào những vụ cướp bóc và rối loạn trật tự ở các thành phố ở Ai Cập và không giải thích gì nhiều về nguyên nhân gốc rễ của tình trạng bất ổn này.
Nguồn: Andrew Higgins và Keith B. Richburg,The Washington Post
Lê Quốc Tuấn, X-Cafe chuyển ngữ
31.01.2011
HONG KONG - Những cuộc nổi dậy chống lại các chế độ độc tài nổi tiếng ở Trung Đông có thể lan tới Trung Quốc, quốc gia đông dân nhất thế giới hay không ? Và nếu có thể thì Hoa Kỳ có chính sách gì để đối phó với sự việc ấy?
Câu hỏi tế nhị này từng lảng vảng trong bối cảnh kể từ khi những vụ nổi dậy trên đường phố của cuộc "Cách mạng Hoa Nhài" đã lật đổ vị tổng thống Tunisia hai tuần trước đây. Và sự việc trở nên cấp bách khi các cuộc biểu tình lan rộng đến Yemen, Jordan và Ai Cập - đe dọa đến gần 30 năm nắm quyền lực của Tổng thống Hosni Mubarak.
Trước tiên, một blogger Trung Quốc đã đặt câu hỏi đến chuyên gia Châu Á của Tổng thống Obama trong một hội nghị qua truyền hình với tám blogger ở đại lục (TQ) từ Phòng Tình hình Tòa Bạch Ốc.
"Theo quan điểm của tôi, nhiều cư dân mạng và trí thức Trung Quốc tin tưởng rằng tương lai của Trung Quốc là một quá trình Tunisia-hóa" 2Keqi người blogger tại Bắc Kinh đã nhận xét trong các trang web trò chuyện với Jeffrey Bader, giám đốc cao cấp của Hội đồng An ninh Quốc gia cho vấn đề châu Á. "Liệu các chính phủ Mỹ có đánh giá tương tự và liệu họ sẽ có một kế hoạch chính sách" trong trường hợp Trung Quốc xảy ra một lộ trình sóng gió như thế ?
Bader và Ben Rhodes, một viên chức khác, phó cố vấn Hội đồng An Ninh Quốc gia (NSC) về truyền thông chiến lược, đã từ chối không trả lời trực tiếp, thay vào đó đã lặp lại vị trí từng được khẳng định nhiều lần của chính quyền về tầm quan trọng của quyền con người và sự cần thiết để cho mọi người "nhận thức được những nguyện vọng riêng của mình".
Hôm thứ Sáu, câu hỏi này đã trở lại tại cuộc họp báo chí tại Tòa Bạch Ốc, đặt ra với Robert Gibbs, viên bí thư về báo chí - người cũng đã từ chối không trả lời.
Nhưng ở một thời điểm khi nhiều người Mỹ đã đi đến việc nhìn Trung Quốc - với mức tăng trưởng kinh tế hai con số cùng những đầu tư rất lớn trong cơ sở hạ tầng công nghệ và năng lượng - trong ý nghĩa của những thách thức đặt ra trước vị trí là một sức mạnh ưu việt về kinh tế thế giới của Hoa Kỳ, nhiều người ở đây nhìn thấy hệ thống chính trị bảo thủ của đất nước là không bền vững và dễ bị tổn thương khiến hạn chế đến tham vọng lớn của giới lãnh đạo.
"Hiểu biết của người Mỹ về Trung Quốc là rất hạn chế" blogger 2Keqi nói với Bader và Rhodes. Nhiều người Trung Quốc, ông nói thêm, nhận thấy là "hết sức khó khăn để chấp nhận ý tưởng rằng thế kỷ 21 là thế kỷ của Trung Quốc".
"Tôi không mong đợi họ trả lời. Họ là các nhà ngoại giao chuyên nghiệp". Hôm thứ Hai, người blogger tại Bắc Kinh đã nói trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại. Ông đã nói với điều kiện tên thật của mình không được công bố, vì ông đã từng là mục tiêu bị chú ý trong quá khứ từ những người không đồng ý với quan điểm của ông.
"Tôi chỉ muốn truyền tải thông điệp rằng có rất nhiều cư dân mạng Trung Quốc đã quan tâm đến vấn đề này" người blogger cho biết.
Đó là một vấn đề mà chính quyền Trung Quốc cũng rõ ràng rất quan tâm đến. Những người sử dụng Internet Trung Quốc phần lớn đã bị cấm bình phẩm về các cuộc nổi dậy nổi tiếng đang diễn ra ở Ai Cập, khi các nhà lãnh đạo Công sản ở Bắc Kinh đã hình thành một đường ranh mỏng manh giữa việc cho phép những tường thuật tin tức chung chung không bị sàng lọc về các cuộc biểu tình trong khi cũng không khuyến khích những ý tưởng rằng các cuộc nổi dậy có thể mang lại dân chủ cho đất nước lớn nhất của thế giới Ả Rập.
Những trang tin tức trực tuyến thường cho phép người đọc có ý kiến và hình thành các nhóm thảo luận sau khi bài báo được đăng tải, nhưng các dịch vụ đó đã bị vô hiệu hóa kể từ khi những cuộc biểu tình ở Ai Cập bắt đầu.
Ngoài ra, các công cụ tìm kiếm trên một số trang web micro-blogging phổ biến nhất không đưa ra được kết quả gì với những từ như "Ai Cập", "Cairo", "Tunisia," và "Cách mạng Hoa Nhài". Thay vào đó, người xử dụng sẽ nhận được một thông báo nói rằng các kết quả tìm kiếm có thể không được hiển thị vì "có liên quan đến luật định và chính sách". Ngay cả các tìm kiếm cho từ "hoa nhài" cũng không có kết quả gì.
Tất cả các báo chí chính ở Trung Quốc đều đăng tải những câu chuyện trên trang nhất về các cuộc biểu tình, bao gồm cả hình ảnh nhưng phần lớn đều không có bất kỳ bình luận, phân tích hay biên tập nào. Đa số các tin tường thuật gần đây đã tập trung vào những vụ cướp bóc và rối loạn trật tự ở các thành phố ở Ai Cập và không giải thích gì nhiều về nguyên nhân gốc rễ của tình trạng bất ổn này.
Trong lời bình luận chính thức duy nhất về cuộc nổi dậy, hôm chủ nhật, Hong Lei, người phát ngôn của bộ trưởng ngoại giao Trung Quốc cho biết, "Ai Cập là một người bạn của Trung Quốc và chúng tôi hy vọng Ai Cập sẽ ổn định xã hội, trật tự bình thường trở lại càng sớm càng tốt".
Một biên tập viên của một trang mạng tin tức trực tuyến cho biết, Bộ Tuyên truyền của Đảng, cơ quan kiểm duyệt chính của Trung Quốc đã yêu cầu cơ quan của ông chỉ sử dụng thông tin từ Ai Cập được cung cấp bởi Tân Hoa Xã, cơ quan thông tin chính thức của chính phủ.
Tờ báo duy nhất đã mang lại được lời bình luận là tờ Global Times, một tờ nhật báo lá cải thuộc sở hữu của Nhân dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận tuyên truyền chính thức của Đảng Cộng sản. Trong một bài xã luận hôm Chủ Nhật, với tựa đề "Cuộc cách mạng màu sẽ không mang lại được một nền dân chủ thật", tờ Global Times cho biết các cuộc nổi dậy đang bao phủ vùng Trung Đông là đáng "gây tranh cãi nhiều hơn so với những gì đã xảy ra ở Đông Âu sau cuộc Chiến tranh Lạnh".
Tờ báo cho biết: "mối quan tâm thực sự là về tiềm năng gia tăng của chủ nghĩa Hồi giáo Cực đoan nếu xảy ra một khoảng trống về quyền lực ở Trung Đông".
Hôm thứ Hai, tờ Global Times đã đi xa hơn nữa với một bài biên tập trong hôm nay, nói rằng các cuộc nổi dậy ở Trung Đông phần nhiều là về việc người Ả Rập và Bắc Phi đang từ chối sự can thiệp của phương Tây hơn là đi theo dân chủ.
"Va chạm giữa sự rối rắm của phương Tây và bản sắc địa phương đã gây ra các cuộc biểu tình ở Ai Cập và Tunisia" bài báo này đã bình luận như thế.
Tuy nhiên, một số micro-blogging trên các trang web địa phương - tương đương với Twitter của Trung Quốc - thường tìm được cách tránh né sự kiểm soát chính thức, đã theo sát chặt chẽ các sự kiện tại Ai Cập. "Các cư dân mạng khá phấn khích bởi những gì đang xảy ra ở Ai Cập", ông Zhang Lifan, một sử gia, người đã nghiên cứu lịch sử Đảng Cộng sản Trung Quốc cho biết.
Zhang cho biết ông đã có thể lướt xem được những ảnh chụp từ Ai Cập và nhận ra "quang cảnh rất giống với những gì đã xảy ra tại Bắc Kinh 20 năm trước đây" - một nhắc nhớ đến vụ quân đội Trung Quốc đàn áp những cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ của sinh viên tại Thiên An Môn.
Ông nói rằng ông đặc biệt ấn tượng bởi hình ảnh một thanh niên Ai Cập phản kháng đứng ngăn một chiếc xe bọc thép trên đường phố, một tư thế tương tự như Wang Weilin, một người phản kháng Trung Quốc đã có tư thế xúc động trước một chiếc xe tăng, từng trở thành một trong những hình ảnh mang tính biểu tượng từ vụ đàn áp Thiên An Môn.
"Nước từ dòng Nile sẽ chảy vào Hoàng Hà" ông Zang nói.
Tuy nhiên, dù một số người đã rút ra được những so sáng tương đương giữa chính phủ độc tài Trung Quốc ở đây và ở Trung Đông, vẫn còn còn có những khác biệt rõ ràng. Quan trọng nhất chính là, các nước Trung Đông hiện đang đối diện với tình trạng bất ổn phổ biến đều cùng chia sẻ sự pha trộn bất định của một dân số sưng tấy giới thanh niên giận dữ, thất nghiệp tràn lan và các chính phủ thiếu lòng tin khi phải đối diện với nỗi tuyệt vọng về kinh tế.
Ngược lại, lãnh đạo Trung Quốc đã đóng cọc tính hợp pháp của họ vào sự tăng trưởng kinh tế đến hai con số của đất nước và ba thập kỷ cải thiện đời sống. Kinh tế Trung Quốc gần đây đã vượt qua mặt Nhật Bản như một nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới sau Hoa Kỳ. Và các lãnh đạo Bắc Kinh cố gắng đem lại niềm tự hào yêu nước cùng các hỗ trợ phổ biến thông qua các dự án quốc gia hoành tráng, như việc đăng cai Thế vận hội năm 2008, hội chợ triển lãm Thượng Hải năm 2010, xây dựng đoàn tàu cao tốc, dựng những tòa nhà chọc trời cao ngất và gửi các phi hành gia Trung Quốc vào không gian.
Trong cuộc phỏng vấn qua điện thoại, blogger 2Keqi, đã được hỏi rằng ông có tin Trung Quốc sẽ có nguy cơ của một vụ bùng nổ kiểu Tunisia. "Tôi sẽ trả lời câu hỏi này từ một góc độ khác", ông nói "Tunisia và Ai Cập đã trở thành những từ ngữ nhạy cảm" tại Trung Quốc. "Phải chăng điều này không nói lên được ý nghĩa gì hay sao?"