Thứ Sáu, 25 tháng 2, 2011

Mong cuộc bầu cử Quốc hội lần này được tiến hành thật sự dân chủ

-Mong cuộc bầu cử Quốc hội lần này được tiến hành thật sự dân chủ

imageĐọc bài phát biểu của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội hôm 11/2/2011 có đoạn nói: "Đây là dịp để nhân dân cả nước phát huy quyền làm chủ, sáng suốt lựa chọn, giới thiệu bầu ra những người tiêu biểu đủ đức đủ tài, xứng đáng cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân trong Quốc hội và HĐND các cấp…" và chỉ thị của Bộ Chính trị có đoạn nêu: "… bảo đảm cuộc bầu cử được tiến hành dân chủ, bình đẳng, đúng pháp luật"… tôi rất mừng và mong quá trình chuẩn bị và diễn ra cuộc bầu cử đúng tinh thần như vậy.

Nhưng khi đọc bài phát biểu của ông Phạm Minh Tuyên, Tổng thư ký HĐBC và ông Nguuyễn Văn Quynh, Phó Ban tổ chức TƯ lại thấy không giống với bài nói của Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng và chỉ thị của Bộ Chính trị, ngược lại nó phản ảnh một tinh thần rất hạn chế dân chủ và không thực tế.

- Định tỷ lệ người ngoài Đảng chỉ từ 15 đến 20% trong Quốc hội. Đó là trái với Hiến pháp và pháp luật. Mọi công dân đều bình đẳng (đảng viên và người ngoài đảng đều là công dân). Hơn nữa Đảng chỉ có 3 triệu đảng viên mà số công dân ngoài đảng đến tuổi từ 21 tuổi trở lên có đến 40 triệu mà ông Tuyên định cho có 15% đến 20% thì bình đẳng ở đâu?! Tất nhiên, Đảng có quyền giới thiệu đảng viên ứng cử Quốc hội, đáng ra Đảng cũng chỉ nên giới thiệu 50%, còn 50% dành cho người ngoài Đảng. Như vậy mới đúng với tính chất nhân dân, mới đúng Đảng là Cơ quan đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân. Nếu 80, 90% trong Quốc hội là Đảng viên thì thực chất là Đảng hội chứ còn đúng nghĩa là Quốc hội sao được nữa? Đành rằng đảng viên cũng là dân, nhưng đảng viên vẫn có tính chất khác và chịu sự chi phối khác. Luật nào và quyền lực nào cho phép ông Tuyên định ra tỷ lệ trên?
- Hạn chế người sinh trước năm 1956 không được ứng cử Quốc hội. Ông Tuyên nói người ứng cử phải sinh từ 1956 trở đi, nếu có trường hợp sinh trước 1956 thì phải báo Bộ Chính trị. Điều 54 trong Hiến pháp và điều 2 trong Luật bầu cử Quốc hội đều quy định: "Công dân nước CHXHCN Việt Nam không phân biệt dân tộc, nam nữ, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo, trình độ văn hóa, nghề nghiệp, thời hạn cư trú đủ 18 tuổi trở lên đều có quyền bầu cử, đủ 21 tuổi trở lên đều có quyền ứng cử vào Quốc hội…". Ông Tuyên lấy quyền gì mà tước quyền ứng cử của công dân sinh trước năm 1956, lại đổ cho Bộ Chính trị quyết định từng trường hợp cụ thể vê tuổi tác?Đại biểu Quốc hội là dân cử không phải công chức trong biên chế nhà nước, không hạn chế tuổi, hơn nữa người có đức có tài, nhất định là được nhân dân tin tưởng, đó mới là điều quan trọng, tuổi không quan trọng. Cần nhớ rằng Quốc hội năm 1946 có đại biểu 90 tuổi.
- Tôi nghĩ rằng người đương nắm chức quyền, các thành viên Chính phủ nên ít ứng cử đại biểu Quốc hội. Người không phải đại biểu Quốc hội vẫn có thể là Bộ trưởng, nếu tất cả thành viên Chính phủ đều đồng thời là đại biểu QH thì người dân cho rằng những cuộc chất vấn hoặc nhận xét về công tác của Chính phủ sẽ không còn được thật khách quan "vừa đá bóng vừa thổi còi", "hành pháp cũng là anh, lập pháp cũng là anh", điều hành cũng là những vị ấy, giám sát lại cũng là những vị ấy!
Những đồng chí là người chủ chốt lãnh đạo và điều hành ở địa phương mà tham gia Quốc hội thì mỗi kỳ họp vắng địa phương độ 1 tháng. Một năm mất 2 tháng thì còn mấy thời gian suy nghĩ, bám sát công việc của địa phương để làm tốt nhất chức trách của mình?-
- Vấn đề Ủy ban Mặt trận hiệp thương về nhân sự ứng cử đại biểu Quốc hội, tuy trong luật có quy định, tôi vẫn ngại có thể phát sinh mất dân chủ. UBMT các cấp không phải do dân bầu mà lại có quyền "hiệp thương" để người này gạt người kia dẫn đến có người tự nhiên mất quyền công dân, mất quyền tự do ứng cử. Có đại biểu khóa trước hay nói thẳng hay chất vấn phê bình, lần này có ứng cử nữa cũng sẽ bị gạt đi, người hay phản biện cũng có thể bị gạt tên, vô hình trung "Mặt trận" có quyền cao hơn Hiến pháp và là Mặt trận chọn người hộ cử tri. Không phải cử tri được bầu tự do theo ý mình.
- Ông Tổng Thư ký HĐBC còn định là sẽ có 40% tái cử và sắp xếp số nào sẽ là đại biểu được 2 nhiệm kỳ. Tại sao lại có sự sắp đặt trước như thế nhỉ? Bầu ai tái cử không bầu ai tái cử, sẽ làm được mấy nhiệm kỳ hay chỉ 1 nhiệm kỳ là quyền của cử tri không bị áp đặt. Trước cuộc bỏ phiếu không ai được chỉ thị cho cử tri ở địa bàn mình là bầu cho ông X. Không bầu cho bà Y.
Mong rằng cuộc bầu cử Quốc hội sắp tới được diễn ra thật sự dân chủ công bằng như các vị lãnh đạo đã phát biểu để cuộc bầu cử QH đúng là ngày hội của toàn dân.
TN
Trung Ngôn là bút danh của một vị lão thành cách mạng đáng kính. Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.

Tổng số lượt xem trang