Thứ Sáu, 25 tháng 2, 2011

Những con đẻ của chủ nghĩa tư bản

 ...Điều "bất ngờ" : bản thân chủ nghĩa cộng sản hiện thực trong thế kỷ 20 tại các nhà nước tự khoác áo xã hội chủ nghĩa cũng là con đẻ chân chính của chủ nghĩa tư bản, trong những hình thái kinh hoàng nhất của nó...
 Những con đẻ của chủ nghĩa tư bản Phan Huy Đường

Chủ nghĩa đế quốc, chủ nghĩa thực dân, cũ và mới, là máu thịt của chủ nghĩa tư bản, nhiều người đã nghiệm sinh, đã biết, miễn bàn.
Điều "bất ngờ" : bản thân chủ nghĩa cộng sản hiện thực trong thế kỷ 20 tại các nhà nước tự khoác áo xã hội chủ nghĩa cũng là con đẻ chân chính của chủ nghĩa tư bản, trong những hình thái kinh hoàng nhất của nó. Biện chứng hình thức của Hegel không thể giải thích được. Biện chứng duy vật của Marx có thể giải thích.

Về mặt tư tưởng, ý thức hệ, Marx đã mô tả chủ nghĩa cộng sản ấy trong những "văn tự 1845"1 còn được gọi là Marx trẻ2. Đại khái : đó là chủ nghĩa cộng sản của những người kém kiến thức, thiếu văn hoá, chưa hề đạt trình độ của văn hoá tư hữu, nghĩa là không có khả năng vượt nó theo nghĩa vượt của Hegel ; do đó họ không có khả năng sáng tạo một hình thái kinh tế xã hội tốt hơn hình thái tư bản và họ muốn máy móc lật ngược chủ nghĩa tư bản một cách tuyệt đối theo nghĩa này : biến tư hữu tư bản trên phương tiện sản xuất thành công hữu trên tất cả, kể cả năng khiếu sáng tạo văn hoá nghệ thuật của cá nhân ; biến cả nhân loại thành "công nhân" như nhau, đúng hơn thành lao động làm thuê cho một ông chủ tư bản tập thể vô danh vô diện y như chủ tư bản trong những Sociétés anonymes ngày nay, nhưng tuyết đối hơn : một ông chủ vô danh vô diện duy nhất của tất cả ! một định nghĩa được được cho khái niệm toàn trị đó. Mọi người, dưới quyền lực vô danh vô diện ấy, sẽ như nhau, bất kể tài năng riêng của từng người, khiến mọi người "hưởng" sự bình đẳng phổ biến (universel) nhưng phi cá tính (personnel). Công hữu ở đây có nghĩa : quyền làm chủ trên tất cả. Của ai ? Không biết. Không được biết và không cần biết ! Thế thì ông chủ tập thể kia chỉ có thể là một loại siêu nhân, một loại Thượng Đế, một loại Ý Tưởng Tuyệt Đối3 : nó là chủ tư bản duy nhất và tuyệt đối của mọi người, nó quản lý mọi người nhưng bản thân nó chẳng là ai cụ thể cả. Chủ nghĩa cộng sản hiện thực ở thế kỷ 20 là một loại tôn giáo kiểu Bible ở đó. Không phải tình cờ mà kẻ thù số một của nó, chính là các tôn giáo có tổ chức… Sự bình đẳng triệt để mà nó chủ trương chỉ là sự bình đẳng trong một bầy cừu chưa hề đạt trình độ của văn hoá tư hữu. Sự bình đẳng ấy nhất quán với sự bình đẳng giữa hàng vạn hay trăm vạn chủ cổ phiếu trong những công ty tư bản lớn đời nay, Sociétés anonymes, "Xã hội" vô danh. Kinh thật ! Bình đẳng làm tôi mọi của không biết ai. Có lúc lời mà không biết vì đã "giết" ai. Có lúc lỗ mà không biết ai đã "giết" mình.
Bàn về ý thức hệ, tuy quan trọng, bàn đến chết cũng không hết chuyện.
Vậy bàn một tí về kinh tế, một cách rất bình dân, vì nó rất thiết thực, rất cụ thể, tiền mà !
Ở Pháp, hôm nay, trong một lĩnh vực cơ bản của kinh tế, giá một lít xăng cho phép người PhuLăngXa tồn tại và lao động hàng ngày, chúng ta đang sống trong hình thái kinh tế nào ? Tự do cạnh tranh trong thị trường tự do hay trong kinh tế có kế hoạch và lãnh đạo tập trung ?
Nào em yêu, em với anh lái xe ngang dọc nước Pháp. Trên xa lộ, em thấy có bao nhiêu hãng bán xăng đủ loại ? Hai ba thì phải. Vì chủ của Elf Aquitaine là… Total. Chúng nó cạnh tranh như thế nào, bán đắt rẻ bao nhiêu ? Cười ra nước mắt : nói chung, so le vài xu / một lít, cạnh tranh như thế nào đi nữa, mỗi năm, tất cả, thêm đắt một cách tương đương. Quy luật "khoa học" đấy.
Ai tò mò, cứ lái xe ngang dọc nước PhuLăngXa, sẽ thấy : giá một lít xăng do ba bốn thằng quyết định. Chúng nó đi chơi với nhau nửa ngày, nhậu Beaujolais Nouveau tồi của PhuLăngXa ở Dubai, cũng đủ để quyết định cho sáu tháng hay cả năm tới giá một lít xăng trung bình là bao nhiêu trên lãnh thổ PhuLangXa. Cho mỗi đứa, mỗi lúc. Pháp còn truyền thống này nữa : mỗi năm, bước vào mùa hè, giá xăng tăng đồng loạt, với một tỉ lệ nhất định, bất kể do anh nào bán. Chẳng dính dáng gì hết với tự do cạnh tranh trong thị trường tự do !
Từ thăm dò xuyên qua khai thác, vận chuyển, lọc, chế biến, tới lít xăng mua ở trạm xăng, và một trăm thứ sản phẩm khác gắn liền với dầu hoả, tất cả, ở Pháp, do một anh quyết định hết cho mọi người và cho hàng chục năm sau (thăm dò) hay cả năm sau (giá lít xăng) : Total.
Trong nhiều lĩnh vực kinh tế khác cũng vậy.
Kinh tế có kế hoạch và quản lý tập trung theo kiểu tư bản là thế đấy. Chẳng ý thức hệ thôi, còn là đời sống thường ngày của bàn dân tứ xứ.
Hiện nay, ở Pháp chẳng hạn, ai đang thiết thực thực hiện một nền kinh tế có kế hoạch và quản lý tập trung ? Chính là các hãng tư bản trong CAC 40, 40 hãng tư bản lớn nhất "của Pháp". Và các chính trị gia phục vụ chúng. Tả cũng như hữu !
Suốt thế kỷ 20, nhiều trí giả, vì lười tìm hiểu cụ thể ? quen đối lập hai hình thái kinh tế này : kinh tế thị trường tự do cạnh tranhkinh tế có kế hoạch, quản lý tập trung :
1/ gán kinh tế thị trường cho chủ nghĩa tư bản,
Đúng gần một nửa, sai quá nửa. Đúng : chủ nghĩa tư bản chủ trương tự do cạnh tranh trong thị trường tự do.
Sai quá nửa : thị trường tự do có trước kinh tế tư bản vài thiên niên kỷ ; khi cần, anh chủ tư bản rất ghét tự do cạnh tranh trong thị trường tự do : cứ coi anh ấy đẫm máu âu yếm độc quyền khai thác thuộc địa xưa và nay như thế nào thì biết.
2/ gán kinh tế có kế hoạch, quản lý tập trung cho chủ nghĩa cộng sản.
Đúng gần một nửa, sai quá nửa.
Đúng : các nước "xã hội chủ nghĩa" trong thế kỷ 20 đã thực hiện tổ chức kinh tế có kế hoạch và quản lý tập trung đến mức buồn cười : Nhà nước, xuyên qua đủ thứ hình thức, tổ chức và quản lý… anh thợ cắt tóc trên vỉa hè, anh thợ đan giỏ trong nhà !
Sai quá nửa : khi cần, anh tư bản cũng biết dùng kinh tế có kế hoạch và quản lý tập trung ; coi kinh tế tư bản ở Châu Âu thời 45-75 thì thấy. Tuy đó là một loại kế hoạch "không bắt buộc" đối với tư nhân, chỉ bắt buộc đối với công ty của Nhà nước.
Sai quá nửa : hôm nay, anh tư bản càng ngày càng thạo món kinh tế có kế hoạch và quản lý tập trung. Trong lĩnh vực này, các nhà tư tưởng cộng sản ngày nay, nếu còn ! nên khiêm tốn học hỏi họ.
Đề tài đích thực của bài này
Quản lý kinh tế một cách có kế hoạch và quản lý tập trung là tương lai tự nhiên của kinh tế tư bản. Đó cũng là cách quản lý khoa học nhất khi ta có đủ điều kiện để thực hiện nó. Cơ bản có mấy điều kiện sau :
1/ Có phương tiện kỹ thuật cần thiết để biết được tới mức tương đối đầy đủ và kịp thời những yếu tố chi phối hoạt động sản xuất và tiêu thụ của một xã hội nào đó, thậm chí của cả nhân loại. Điều này, ngày nay, bắt đầu khả thi ở một mức nhất định.
2/ Có quyền lực tập trung. Điều này đã hiện thực trong nhiều lĩnh vực kinh tế ở mức từng quốc gia tư bản. Ở mức toàn cầu thì vẫn còn tự do cạnh tranh, tuy giữa rất ít đối thủ trong từng lĩnh vực cơ bản. Ở đây, chiều kích chính trị rất rõ nét.
3/ Có quyền lực siêu quốc gia. Điều này đang ngày càng hiện thực qua anh tư bản tài chính.
Thế thì vì sao kinh tế có kế hoạch và quản lý tập trung kiểu xã hội chủ nghĩa hiện thực trong thế kỷ 20 đã sập xuồng ? Kiểu quản lý ấy khác kiểu quản lý của các anh tư bản lớn trên thế giới ngày nay như thế này :
a/ Phục vụ lợi ích của ai ? Một bên : một số ít anh tư bản sở hữu lớn, một số ít anh tư bản chức năng và vô vàn anh tư bản sở hữu bé tí xíu. Bên kia : một guồng máy quyền lực khổng lồ tồn tại nhờ buôn bán quyền lực, nhờ tham nhũng.
b/ Thuở ấy, các nước "xã hội chủ nghĩa" chưa có phương tiên để thực hiện điều 1 trên, lấy quyết định tuỳ tiện, dựa vào cảm tính và ý chí suông của một vài người, chẳng "duy vật biện chứng" tí nào, hè hè…
c/ Quyền lực tập trung thì có. Nhưng nó nằm trong tay những kẻ kém kiến thức khoa học và văn hoá, không có khả năng tư duy và hành động một cách khoa học, không có khả năng sáng tạo, ứng phó với những hoàn cảnh mới, những hiện tượng mới.
Quản lý có một kích thước ý thức hệ cơ bản : quản lý vì lợi ích của ai ?
Ngoài ra, nó là một kỹ thuật đòi hỏi nhiều kiến thức trong nhiều lĩnh vực rất bấp bênh, rất ý thức hệ : người đời đang chờ đợi gì ? muốn gì ? với giá nào ? có khả năng thực hiện không ? e tutti quanti...
Hai công cụ cơ bản của nó là thống kê và kế toán.
Tính chất "khoa học" của thống kê, khỏi nói. Công cụ xử lý thì khoa học, là toán. Câu hỏi thì... không. Bản chất của nó : lấy quá khứ phỏng đoán tương lai. Tiếc thay, con người thật thỉnh thoảng mắc bệnh vượt quá khứ của mình, chủ động sáng tạo tương lai. Người ta gọi điều ấy là cơn sóng ngầm của xã hội, hay là cách mạng, chẳng khoa học nào tiên đoán được. Như mùa xuân 68 ở Pháp. Như cuộc bùng nổ ở Tunisie và Ai Cập những ngày qua. Như... Ai mà biết được...
Kế toán, đơn thuần là kỹ thuật. Nhưng cách vận dụng nó lại lệ thuộc luật pháp từng nước, lệ thuộc thượng tầng kiến trúc ý thức hệ. Nhưng cơ bản nhất : đơn vị đo lường của nó, $, €, Yen, Nhân dân tệ, e tutti quanti, đều không có định nghĩa khoa học.
Đành vậy ? Không. Vẫn còn một chân trời tự do cho con người, cho phép nó sử dụng những kiến thức và kỹ thuật trên để tạo một nhân giới cho ra hồn người.

P.H.Đ.

2011-02-14

1 Ecrits de 1845, một lối nói phổ biên về những văn bản của Marx thời đó, chỉ được đăng lại hết lâu sau khi chàng đã chết. Có người dùng nó để chống lại tư tưởng của Marx ở tuổi chín muồi.
2 Bình luận của tôi trong bài Đố vui về chủ nghĩa cộng sản.
http://amvc.free.fr/PHD/MotHanhTrinhTuDuy/DOVUI.htm
3 Idée absolue của Hegel.

Tổng số lượt xem trang