Thứ Bảy, 19 tháng 2, 2011

TT Ngô Đình Diệm (Nguyễn Văn Lục)

TT Ngô Đình Diệm (I)Quá khứ có thể không bao giờ là cũ


Nguyễn Văn Lục

Tổng Thống Ngô Đình Diệm và nền đệ nhất Cộng Hòa miền Nam Việt Nam

Một di sản cay đắng và đầy thử thách

Tin Điện Biên Phủ mất vào ngày 7 tháng năm, 1954, chẳng những làm thất vọng nhiều người Pháp mà còn tạo một bầu không khí tuyệt vọng nơi một số người Việt – trong đó có Bảo Đại, những người quốc gia, và cả người Mỹ.

Để nhắc lại cái sai lầm quá khứ Điện Biên Phủ, TT. Nixon trong cuốn sách quan trọng của ông: No More Viet Nam, cho rằng cái sai lầm quan trọng đầu tiên của người Mỹ tại Việt Nam là đã không can thiệp trực tiếp vào trận Điện Biên Phủ.

Lúc ấy, Pháp chỉ có không quá 100 máy bay oanh tạc để điều hành cuộc chiến. Thật quả là không đủ. Giả như Hoa Kỳ gửi đến một hàng không mẫu hạm với các máy bay B-29, ngày đêm thả bom xuống lòng chảo ĐBP, hỗ trợ ở thời điểm chiến lược thì cuộc chiến có thể kết thúc trong một tuần lễ! ( Richard Nixon, No more Viet Nam, trang 31).

Đỡ tốn kém biết là bao về người và tiền của! Tránh được một di sản cay đắng với bao nhiêu thử thách!
Nhất là đã tránh được một cuộc chiến tranh kéo dài suốt 20 năm chỉ vì một chữ Nếu.

Nếu như đề nghị của hải quân đề đốc Arthur Radford, chủ tịch hội đồng trung ương đưa ra kế hoạch xử dụng 60 máy bay B-29 từ Phi Luật Tân thực hiện những chuyến bay đêm để tiêu diệt Việt Minh. Hoặc đề nghị của ngoại trưởng Dulles cho Pháp “mượn vài quả bom nguyên tử cở nhỏ thả xuống lòng chảo BBP để vô hiệu hoá Việt Minh.”

Sau bài diễn văn thăm dò của Phó tổng thống Nixon về những biện pháp mạnh cần làm như việc can thiệp trực tiếp của quân đội Mỹ vào chiến tranh Đông Dương, 68% dân chúng Mỹ không đồng ý Mỹ can thiệp vào Đông Dương:


“In a notorious episode, Dulles apparently offered to ‘lend’ the French tactical nuclear weapons that might neutralize the Viet Minh (…) On April 15, Vice presiden Richard Nixon made a speech widely interpreted as a trial balloon for US intervention, saying that it might be time to seize the moment and act to save Asia.”
(Trích Viet Nam, John Prados, trang 29).

“Tiếc là đề nghị của vị đề đốc này khi sang Anh quốc đã bị thủ tướng W. Churchill bác bỏ. Churchill cho rằng Anh quốc đã không chiến đấu cho quyền lợi nước Anh tại Ấn Độ thì không vì lý do gì họ lại tham dự vào cuộc chiến tranh Đông Dương giúp người Pháp.” (Trích tóm lược No more Viet Nam, Richard Nixon, trang 30).

Hơn ai hết, Churchill hiểu rằng chiến tranh Đông Dương ở giai đoạn1950 đã mang màu sắc “quốc tế” rồi. Churchill cũng chính là một chiến lược gia đầu tiên cảnh cáo thế giới về hiểm họa cộng sản ngay khi mà chiến tranh thế giới thứ hai còn chưa kết thúc.

Nếu quyết định dứt khoát với biện pháp mạnh về quân sự ngay từ đầu thì sẽ không có một ĐBP!

Sau này Mỹ sẽ không phải tốn kém hàng tỉ tỉ Mỹ kim, một cường quốc mà sản lượng quốc gia là 500 tỉ Mỹ kim với dân số 180 triệu mà phải đối đầu và rút lui chiến thuật với một nước nhỏ mà sản lượng quốc gia dưới 2 tỉ Mỹ kim. (Đây là so sánh trị giá tiền tệ ở vào thời điểm 1954).

Cuối cùng thì Hoa Kỳ đã khoanh tay đứng nhìn để người Pháp chiến đấu một mình và nhận lấy một kết quả thảm bại. Đó là để mất một cơ hội ngăn chặn sự bành trướng của chủ nghĩa cộng sản.

Sự lúng túng của Hoa Kỳ và sự thiếu quyết tâm của họ đã dẫn đôi bên Pháp-Việt Minh tới bàn hội nghị và một hiệp định đã thành hình nhằm chia đôi nước Việt Nam làm hai mảnh.

Về phía người Pháp, số quân của họ ở Điện Biên Phủ chỉ bằng 5% tổng số quân lính Pháp ở Việt Nam, chưa kể quân đội quốc gia. Đã thế, sự tổn thất của bên phía Việt Minh gấp 3 lần con số tổn thất của Pháp trong trận ĐBP.

Vậy mà Pháp đã thua.

Pháp thua trận ĐBP vì ý chí chiến đấu không còn nữa. Như Nixon nhận xét, “The batlle of Dien Bien Phu dealt a death blow to French morale.” ( Richard Nixon, No more Viet Nam, trang 28).
Sau khi Hiệp định Geneva kết thúc thì mối quan tâm thực sự của Hoa Kỳ là làm thế nào để ngăn chặn vết dầu loang của cộng sản qua chủ thuyết Domino vào năm 1952 dưới thời TT Truman.

Vì thế sau này hơn ai hết, tổng thống Kennedy chào đón nồng nhiệt chế độ Diệm bằng thứ ngôn ngữ đầy hứng khởi như “the keystone to the arch, the finger in the dike”" hay Việt Nam là một bài học thử nghiệm khả năng trách nhiệm và lòng quyết tâm của Hoa Kỳ “test of American responsibility and determination” là một “cornerstone of the Free world in Southeast Asia”.

Một thuật ngữ khác trở thành thứ ngôn ngữ tuyên truyền như Việt Nam “thành trì của thế giới tự do".
Nhưng người ta mới kịp nhận ra rằng đó chỉ là những hoa từ của những bài diễn văn đọc cho êm tai dân chúng Hoa Kỳ.

Marilyn Young trong The Viet Nam wars 1945-1990 trang 29, cũng nhận xét tương tự:
“Viet Nam was a domino whose ‘fall’ would turn the Pacific into a Soviet lake, denying vital raw materials to the United States and its ally.”

Chủ thuyết này đã là hướng chỉ đường cho sự can thiệp bằng viện trợ của Mỹ vào Việt Nam giúp Pháp trước 1954 và trực tiếp giúp chính phủ Diệm sau Hiệp định Geneva.

Nhưng đã đến lúc thuyết này tỏ ra lỗi thời vì quá tốn kém để theo đuổi.

Bởi vì, thay vì be bờ, ngăn chặn, lập các liên minh quân sự như một thứ cảnh sát quốc tế. Người Mỹ có thể thoả hiệp, bắt tay với kẻ thù như cú bắt tay của Nixon với cộng sản Tàu và lúc đó vai trò “thành trì của thế giới tự do” của Việt Nam sẽ không còn cần thiết nữa.

Trước đây, người ta cho rằng nếu để mất Nam Việt Nam thì số phận của Thái Lan, Lào, Campuchia, Mã Lai và ngay cả Nhật Bản, Đại Hàn, Phi Luật Tân sẽ có nguy cơ bị nhuộm đỏ.

Vì nghĩ như thế nên người Mỹ đã sẵn sàng trực tiếp vào cuộc chiến ở Việt Nam sau hiệp định Geneva.
Thất bại của giải pháp Bảo Đại

Sau Hiệp Định Élysée được ký kết vào ngày 8 tháng 3, 1949 mà sau này người ta quen gọi là “giải pháp Bảo Đại”.

Chính phủ lâm thời của Nguyễn Văn Xuân từ chức nhường chỗ cho thủ tướng Trần Văn Hữu. Không mấy ai kỳ vọng vào hiệp định đã được ký kết cũng như tin tưởng vào thiện chí của người Pháp. Bảo Đại thì tự an ủi coi đây như bước khởi đầu cho tiến trình dành độc lập. Hồ Chí Minh dĩ nhiên chỉ coi Bảo Đại như một chính phủ bù nhìn của Pháp.

Riêng ông Ngô Đình Diệm coi việc ký kết hiệp định Élysée như một sự đầu hàng của Bảo Đại trước người Pháp và ông đã công khai cắt đứt mối liên hệ với Bảo Đại.

Sau chính phủ Trần Văn Hữu lần lượt đến chính phủ Nguyễn Văn Tâm và cuối cùng là Hoàng thân Bửu Lộc. Đặc biệt thủ tướng Nguyễn Văn Tâm được coi như kẻ thừa hành, thứ tay sai đắc lực “sắt máu và chuyên quyền” của người Pháp.

Dân chúng như không đủ kiên nhẫn được nữa.Trước áp lực của dân chúng và trí thức, đặc biệt áp lực của nhóm trí thức quốc gia trong phong trào “lực lượng quốc gia thống nhất” do Ngô Đình Nhu lãnh đạo, trí thức trong cũng như ngoài nước, Bảo Đại phải cách chức thủ tướng Nguyễn Văn Tâm và đưa hoàng thân Bửu Lộc lên thay thế.

Cuộc khủng hoảng nội các trên làm uy tín chính trị của ông Bảo Đại xuống thấp.

Thủ tướng Bửu Lộc lên nắm quyền chưa được bao lâu thì tình hình quân sự ngày một đen tối trước viễn ảnh thua cuộc. Nay vị thủ tướng thuộc giới hoàng tộc Sài Gòn xem ra ra không phải là “người của tình thế” khi Pháp-Việt Minh sắp sửa ký kết hiệp định đình chiến.

Ông Bửu Lộc là người thân Pháp. Thế của Pháp không còn nữa bắt buộc Bảo Đại phải nghĩ đến giải pháp thay thế ông.

Bởi vì Bảo Đại nay đã mất tin tưởng vào người Pháp trong cuộc hội đàm ở Geneva. Trước khi có Hiệp định Geneva, ông Georges Bidault, bộ trưởng ngoại giao đã trấn an và bảo đảm với Bảo Đại rằng: Chính phủ Pháp không tìm cách lập ra hai quốc gia Việt Nam.

Lời hứa ấy chưa được bao lâu thì đến lượt Mendès France lên làm thủ tướng. Ông này đã đi trái với người tiền nhiệm khi ông tuyên bố sẽ bảo đảm thương lượng dẫn đến hòa bình trong vòng một tháng. Nếu không thực hiện được một thoả hiệp đình chiến thì ông sẽ từ chức.

Và giải pháp của ông ta là đề nghị cắt Việt Nam làm hai mảnh.

Bảo Đại nằm ở Cannes, nơi có những sòng bài nổi tiếng mà ông là khách mời quen thuộc cảm thấy hụt hẫng và thất vọng về vai trò của người Pháp ở Đông Dương.

Thật sự khi nghe tin De Lattre de Tassigny chết, ngày 12 tháng giêng, 1950, Bảo Đại mất hết mọi hy vọng cho một nền hòa bình trong vinh dự cho Việt Nam. Ông Viết trong hồi ký, “Aprè la mort du général de Lattre, J’ai le sentiment que la paix devient un fol espoir.” (Trích Bao Đai, như trên, trang 293)
Sau cái chết của đại tướng De Lattre, tôi có cảm tưởng khát vọng hòa bình chỉ là một hy vọng điên rồ.
Nhưng khi thế chính trị và quân sự của người Pháp mất thì thế chính trị của ông Bảo Đại còn gì?

Chức danh Quốc trưởng vốn chỉ có cái tiếng mà chưa hề bao giờ Bảo Đại trực tiếp điều khiển đất nước liệu có còn giữ được không?

Ông quay sang phía Mỹ và đi tìm một người có tầm vóc, có uy tín chính trị và nhờ đó tăng thêm uy tín cho chính ông. Nhưng người này ít ra phải được chính giới Mỹ biết và ủng hộ.
Người ấy là Ngô Đình Diệm.

Người mà vào năm1933 đã từng được Bảo Đại trọng dụng trong vai trò Thượng thư Bộ Lại khi ông Diệm mới 32 tuổi. Theo sách Le Dragon d'Annam, Bảo Đại, trang 59, tác giả nhận xét “ông Diệm là người có cá tính, nổi tiếng thông minh và liêm khiết, là một người quốc gia bảo thủ.” Và Diệm chỉ nhận chức với điều kiện được cải tổ xã hội Việt Nam. Nhưng chỉ được bốn tháng sau, ông đã xin từ chức vì Pháp không bày tỏ thiện chí cảI tổ như ông mong muốn.

Ông Ngô Đình Diệm đã từ chức để phản đối người Pháp không chấp nhận những đề nghị cải cách của ông Diệm. Ông nản lòng và tuyên bố, ông không thể hành động “đi ngược lại quyền lợi của đất nước”.

Việc từ chức đã tạo cho uy tín của NĐD lên cao và được coi là một người quốc gia chân chính. Nó cũng khẳng định ông như một chính trị gia có lập trường cứng rắn biết từ chối danh vọng, nhưng không có nghĩa là ông không có nhiều tham vọng.

Bước đường lưu vong của ông Diệm

Vào năm 1949-1950, sinh mạng ông Ngô Đình Diệm bị Việt Minh đe doạ. Về mặt chính trị, ông chống đối cả Bảo Đại, tức chống người Pháp, đồng thời chống cả Việt Minh. Vì thế, ông Diệm bị Việt Minh kết án tử hình khiếm diện diện vào mùa xuân 1950.

Tác giả Minh Võ có nói rõ hơn vì lý do nào ông Diệm phải sang Mỹ. Ông Diệm đã nhờ người Pháp giúp bảo vệ an ninh. Nhưng người Pháp từ chối lấy lý do không đủ cảnh sát để làm việc đó.

Ông Diệm tìm con đường sống, phải rời Việt Nam hay chịu chết ở trong nước. Đến tháng 8, ông xin được phép đi Rome dự bế mạc “năm thánh” cùng với anh là giám mục Ngô Đình Thục. (Trích sách Ngô Đình Diệm và chính nghĩa dân tộc Minh Võ, trang 42.)

Theo tài liệu khác của Pháp, họ đã dò tìm được lệnh ám sát này và đã kịp thông báo cho ông Diệm, nhưng cho biết không thể bảo vệ ông được. (Trích tài liệu Heath gửi Acheson, 28 tháng 7, 1950. Trích lại trong Vision, Power and Agency: the ascent of Ngo Đình Diệm 1945-1954, của Ed. Miller, Journal of southeast Asian Studies, trang 433-458, trích lại trong Cuộc cách mạng nhân vị.)

Liệu ông Diệm có may mắn thoát chết khỏi tay Việt Minh như lần trước đã được Hồ Chí Minh thả ra không giết chăng?

Trong một tình thế phải đối đầu với nhiều thế lực chính trị ông Diệm phải cân nhắc chọn lựa những cơ hội khác cũng như đi tìm một sự ủng không phải là người Pháp nữa.

Nhưng dù sao, chuyến đi này cũng chỉ là bước thăm dò, dự đinh trong vài tháng mà không ngờ đã trở thành chuyến đi dài hạn kéo dài hơn 4 năm.


Gs Fishel và TT Diệm
Nguồn: Wikipedia

Trạm dừng chân đầu tiên là ở Nhật. Ở Tokyo, ông Diệm có may mắn gặp lại một người đồng chí hướng là hoàng thân Cường Để. Đây cũng là cơ hội để hai người bàn đến giải pháp đưa Cường Để về nước làm “nhiếp chính” cùng với bà Nam Phương cho vị hoàng tử trẻ là Bảo Long? Sự thực có thể không chắc là như vậy. Nhưng dù sao thì đây cũng là buổi gặp gỡ thú vị đối với cả hai người.

Nhưng có lẽ sự kiện xảy ra quan trọng nhất đối với tương lai chính trị của ông Diệm trong thời gian ở Nhật - hay ít ra nó mở đường cho ông Diệm vào nước Mỹ - là việc gặp gỡ một giáo sư trẻ tuổi, ông Wesley R. Fishel (Gs Khoa học Chính trị, Michigan State University, East Lansing). Fishel, 31 tuổi, được coi là một chuyên gia, người đầy tài năng và có khả năng tiếp cận và quan hệ đối với những nhân vật ở Châu Á có khả năng lãnh đạo trong tương lai.

Chắc hẳn, ông ta đã nhận thấy nơi ông Diệm một con người có “tiềm năng chính trị sâu sắc” khả dĩ có thế giá trong tương lai? Phải chăng Fishel nhìn thấy rằng ông Diệm là người có đầy đủ điều kiện và khả năng nhất trong hiện tình bấy giờ?

Và sau đó, họ đã liền lạc thư từ nhiều lần, ông Fishel đã hết lòng hỗ trợ ông Diệm cũng như đại tá Edward Lansdales sau này. Cả hai đều làm việc cho cơ quan CIA của Mỹ. (Ngoài người thân trong gia đìng, cả hai Fishel và Landsdale đều là cố vấn cho TT Diệm. DCVOnline. Nguồn: Thư Mary McCarthy trả lời Out of Limbo, June 29, 1967 của Wesley R. Fishel.)

Xem thêm The CIA, Victor Marchetti và John D. Mark, trang 171.

Cũng xem thêm Vision, Power and Agency: The Ascent of Ngô Dinh Diem, Journal of Southeast Asian Studies, 35, pp433, october, 2004, Edward Miller.

Fishel giảng dạy tại Michigan State University và nhờ đó đã có thể đưa ông Diệm vào làm việc như một cố vấn. (DCVONline: ICA, International Cooperation Administration, thuộc bộ Ngoại Giao Mỹ, có hợp đồng với Đại học Michigan trị giá 25 triệu đô-la; nhân viên gồm 54 giáo sư, 200 phụ tá Việt Nạm Nguồn: Thư Mary McCarthy trả lời Out of Limbo, June 29, 1967 của Wesley R. Fishel.)

Sau này, Fishel còn giúp đỡ ông Diệm trong các chương trình tài trợ kỹ thuật về nhiều mặt như về cố vấn về vấn đề ngoại thương, nghiên cứu chọn lựa các thể chế dân chủ, v.v...

Nhưng điều chính yếu là Fishel ở trong một cương vị thích hợp có thể giúp ông Diệm có cơ hội gặp gỡ và tiếp xúc với một số yếu nhân chính trị của nước Mỹ.

Khả năng ông Diệm dành được cảm tình và sự hậu thuẫn của chính giới Mỹ là do những “chuẩn bị” và tiếp xúc, gây được ấn tượng tốt trong những dịp này như trường hợp Thượng nghị Sĩ Mansfireld.

Cũng theo linh mục Cao Văn Luận, trong hồi ký Bên giòng lịch sử, ông có nhắc đến một linh mục người Bỉ, Lm Emmanuel Jacques Houssa, từng sống ở Phát Diệm những năm từ 1939-1945. Ông cũng là người giúp đỡ và gửi đi nhiều tu sinh du học các nước Âu Châu mà sau này trở thành số đông đảo linh mục trí thức du học từ ngoại quốc trở về.

Những sinh viên ưu tú ở Huế như Âu Ngọc Hồ, Nguyễn Văn Mừng, Võ Thị Hồng Phúc, Phạm Đăng Tài, Phùng Viết Xuân cũng được Lm Luận gửi sang Mỹ để gặp Lm Jacques Houssa và nhờ đó trở về nước hoạt động.

Cũng theo Lm Luận, Lm Emmanuel Jacques Houssa là người đã tìm chỗ ăn ở cho ông Diệm tại chủng viện Mary Knoll tại Lakewood, New Jersey khi ông Diệm sang Mỹ dự năm thánh tại La Mã (The Holy year celebration at the Vatican), năm1950 cùng với giám mục Ngô Đình Thục.

Theo Karnow, sách như trên trang, 217, ông Diệm ở chủng viện phải làm công việc rửa chén lau sàn nhà và cầu nguyện như bất cứ một tập sinh nào khác.

Cũng nhân dịp này, ông được gặp gỡ Hồng y Spellman vốn là bạn học cũ với giám mục Ngô Đình Thục ở La Mã. Đã hẳn là trong chủ đích của giám mục Ngô Đình Thục, ông không thể nào không giới thiệu người em mà ông từng bảo bọc với giáo chủ Spellman. Nhưng xem ra không có gì chứng tỏ rằng vị Hồng Y này “mặn mà” với ông Diệm.
Theo tác giả Daniel Lyons vốn cũng ở tu viện này thì người ta đã dành cho ông Diệm một phòng ở tầng lầu 2. Thời gian ở đây ông Diệm trau dồi thêm tiếng anh, lịch sử và chính quyền Hoa Kỳ. Vì ông không có quy chế ngoại giao nên các cuộc tiếp xúc đều có tính cách cá nhân.

Ngoài những nhân vật mà theo thói quen người ta thường nhắc đến, Ông Diệm còn có tiếp xúc với Hồng y Cushing, thượng nghị sĩ F. Knowland và John W. Mc Cormack và Walter Judd.


Lm Raymond de Jaegher
Nguồn: weihsien-paintings.org

Nhưng một người sau này trở thành người bạn chí thân và cố vấn cho ông Diệm từ 1955 cho đến 1963 là linh mục Jaegher, tác giả cuốn sách The Enemy Within, New York, 1952 - đồng thời là người sang lập và giám đốc Hội Thái Bình Dương Tự do ở Sài Gòn - một người rất am hiểu nước Tàu và Việt Nam. (Trích Viet Nam crisis, Stephan Pam và Daniel Lyons, trang 83.)

Cũng nhờ những mối giao hảo ấy mà sau này ông Diệm đã có cơ hội gặp gỡ một số chính khách có tiếng tăm khác của Mỹ. Ông cũng nhận được sự giúp đỡ của các ông Bùi Công Văn, làm ở đài VOA, ông Đỗ Vạn Lý, làm ở Bộ Quốc Phòng Mỹ trong việc giao thiệp với người Mỹ sau này.

Trong ba năm ở bên Mỹ, ông Diệm lại có dịp quen biết ông tòa William O’Douglas. Nhất là những người có uy tín chính trị và tôn giáo như thượng nghị sĩ Mike Mansfield, các ông Joseph Kennedy và người con trai là John F. Kennedy và ông Hubert Humphrey.

Những người này ít hay nhiều cũng có ảnh hưởng xa gần đến tương lai chính trị của ông Diệm một cách gián tiếp.

Trong số những người ấy, phải kể đến vai trò của ngoại trưởng Foster Dulles và người em là là trùm mật vụ CIA ông Allen Dulles.

Phải chăng việc gửi đại tá Edward Lansdale sang Việt Nam vào tháng sáu, 1954, gần một tháng trước khi ông Diệm về nước chấp chính là nằm trong kế hoạch chuẩn bị cho việc ông Diệm về làm thủ tướng, tạo một bãi đáp “an toàn” cho vị tân thủ tướng?

Thật vậy, theo nguồn tin của một viên chức Hoa Kỳ, ông Chester Cooper cho rằng CIA đã ủng hộ ông Diệm ngay từ mùa xuân năm 1953. (Xem The lost crusade: America in Viet Nam, New York: Dod Mead, 1970, trang 120.)

Đại tá tình báo Edward Lansdale còn có tham vọng muốn tạo cơ hội để ông Diệm có thể trở thành như một Ramon Magsaysay của Việt Nam.

Người ta còn nhớ là khi ông Diệm về nước ngày 25 tháng 6, 1954 thì Edward Lansdale đã ở vị trí sẵn sàng rồi. (Xem The Viet Nam wars, Marilyn Young, trang 43-44.)

Chú thích  Mặc dù tạo được một mối liên hệ tốt với những người như Foster-Dulles. Nhiều người cho rằng việc chọn lựa ông Diệm làm thủ tướng là một lá bài của Mỹ.

Có thể nhận xét trên chỉ đúng một phần.

Vì thực sự, ông Diệm không phải là người của Mỹ, hay “lá bài của Mỹ” trong việc được chỉ định làm thủ tướng.

Thứ nhất, theo nhận định của Karnow, trong Vietnam, a History, phần biên tập cho bộ phim vô tuyến truyền hình, Karnow đã đưa ra một khẳng định trái với những tin đồn cho rằng ông Diệm là con bài của những người Mỹ như Hồng Y Spellman, Dulles dựng lên.

Rất nhiều những chi tiết có tính cách “tiểu thuyết” của một vài tác giả người Mỹ và Việt Nam đã xây dựng chung quanh huyền thoại Spellman này! Người ta đinh ninh rằng, ông Diệm được sự ủng hộ của Mỹ là do sự vận động của một vị hồng y có quyền thế là Francis Spellman ở Nữu Ước. Robert Scheer, trong How the United States got involved in Viet Nam, 1965 cũng viết trong ý hướng đó.

Nhưng Edward Miller có thể là người đã phản bác quan điểm nhìn phóng đại đó khi ông đưa ra nhận xét:
“Những quan niệm cho rằng công giáo là yếu tố chủ chốt giải thích cho khả năng giành được sự ủng hộ của người Mỹ của Ngô Đình Diệm giỏi lắm cũng chỉ phóng đại.” (Trích Cuộc cách mạng nhân vị, trang 78.)
Thật sự không có một bằng chứng cụ thể nào để nói tới một “liên minh công giáo” giữa Hoa Kỳ và Việt Nam. Người ta cần hiểu rằng, nếu có một sự ủng hộ nào của chính giới Mỹ dành cho ông Diệm thì sự ủng hộ đó dựa trên chính sách, đường lối chính trị của Mỹ.

Vì vậy, việc gán ghép tôn giáo vào trong mối quan hệ cá nhân giữa Spellmann-Diệm tỏ ra thiếu cơ sở thực tế.

Người Mỹ có quan niệm về vấn đề tôn giáo-chính trị khác với người Việt ở chỗ họ biết tách biệt hai lãnh vực ấy.

Nếu giả dụ Hồng y Spellmann có thể có ý định tiến cử ông Diệm thì chắc hẳn ông Diệm phải là người quốc gia, một người chống đối cộng sản hơn là tư cách một người Thiên Chúa giáo.

Dựa trên những lời tuyên bố cũng như các bài diễn văn của ông Diệm sau này, ít khi nào người ta nghe ông đề cập đến vấn đề tôn giáo, ngoại trừ những câu kết thúc các bài diễn văn như Thượng Đế, ơn trên phù hộ cho chúng ta.

Những câu như thế phải được coi là một thủ tục, một ước lệ hơn là một đường lối!

Đúng ra người Mỹ lúc bấy giờ chưa biết rõ ông Diệm và thực sự chưa coi NĐD là người của họ. Nhưng nhất là họ chưa có một chính sách, đường lối rõ rệt để thấy “lá bài” Ngô Đình Diệm là cần thiết.

Ông Diệm không nhận được bất cứ tín hiệu nào của chính phủ Truman cũng như chính giới Mỹ.

Giáo sư, tác giả David L. Anderson cho thấy các viên chức Mỹ cao cấp trong chính quyền Eisenhower biết rất ít về Ngô Đình Diệm.

Về đường lối của Mỹ, trước 1954 họ còn bênh vực chính sách của người Pháp tại Đông Dương cũng như chấp nhận cái mà ta thường gọi “giải pháp Bảo Đại". (La solution de Bao Đai, hiệp định Élysee, 30-12-1949 công nhận nền độc lập cho Việt Nam trong khối Liên Hiệp Pháp).

Trong khi đó ông Diệm chống đối cả Pháp lẫn Hồ Chí Minh. Và nếu nói đến chọn lựa thì có thể ông Diệm ủng hộ chủ trương tinh thần của nhóm Ad Lucem, “groupe nationaliste neuter” nhóm thanh niên trí thức trẻ không theo Pháp cũng không theo Việt Minh.

Trong cuốn Bạch hóa tài liệu mật của Hoa Kỳ về Việt Nam Cộng Hòa, tác giả Lâm Vĩnh Thế đã trích dẫn nhiều công điện mật của đại tướng Collins, đại diện tổng thống Eisenhower tại Việt Nam gửi cho bộ trưởng ngoại giao Dulles. Đặc biệt các công điện mang số 4382, gởi ngày 7-4-1955 mà nội dung công điện tin rằng Diệm đã bị cô lập không còn được ai ủng hộ, ngoài gia đình ông và một số nhỏ không tới 10 người. Quân đội bỏ rơi ông, trí thức chống ông, quần chúng không ủng hộ ông. Ngày 28-4 ký công điện về sự thay đổi chính sách của Hoa Kỳ đối với lãnh đạo Việt Nam.

30 tháng tư, chính phủ Diệm đã hoàn toàn làm chủ được tình thế. Bộ ngoại giao cấp tốc điện sang Sài gòn ra lệnh tiêu hủy bức công điện đã gửi ngày 28-4 (Trích như trên, trang 38-42.)

Những trình bày trên là bằng chứng cho thấy không có sự ủng hộ minh nhiên về việc chọn ông Diệm làm thủ tướng Việt Nam.

Chính vì thế sau ba năm sống ẩn nhẫn nơi một số cơ sở dòng tu ở Mỹ “nửa tu, nửa đời” nửa lo học tiếng Mỹ, nữa rửa chén, quét nhà không một đồng xu dính túi.

Ông Diệm đã quyết định rời khỏi Mỹ vì không tìm thấy một cơ hội có tính quyết định tương lai chính trị cho Việt Nam nơi những người Mỹ đã gặp.

Trong một bữa ăn từ giã nước Mỹ do thẩm phán tối cao William J. Douglas chủ trì vào ngày 8 tháng 5 năm 1953 đã có nhã ý tổ chức. Ông Diệm đã có một bữa tiệc chia tay và nhân tiện để giới thiệu ông với một vài khách mời.

Hai người khách quan trọng nhất là hai thượng nghị sĩ, Mike Mansfield và John F. Kennedy.

Trong bữa ăn này, một lần nữa ông có dịp lên án Bảo Đại tìm kiếm một giải pháp chính trị ảo vọng bằng cách tựa vào thế Liên Hiệp Pháp.

Sau này Mike Mansfield nhớ lại bữa tiệc khoản đãi, ông Diệm cho người ta có cảm tưởng rằng, “nếu có người nào có thể nắm được miền Nam thì người đó không ai khác phải là Ngô Đình Diem.” (Trích Ed. Miller trong Cuộc Cách mạng nhân vị, trang 80-81.)

Ngoài ra Trong bữa ăn trưa này còn có mặt giám mục Hoàng Văn Đoàn, giám mục Bắc Ninh, phóng viên Bill Costello đài truyền hình CBS, Ray Newton và Edmund S. Gullion, hai viên chức chính phủ, ông Gene Gregory, cựu nhân viên toà đại sứ Mỹ ở Sài Gòn.

Những người bạn Mỹ trong bữa tiệc là tiêu biểu cho chính giới Mỹ hay chỉ là những nhân vật đặc biệt có cảm tình với ông Diệm và có mặt trong bữa tiệc ấy như môt lời khích lệ!
Trong bữa tiệc, ông Diệm tuyên bố sang Pháp và rồi sẽ quay về Việt Nam để tìm những phương tiện khác để đạt được các mục tiêu của ông.

Xem thêm Minh Võ, Ngô Đình Diệm và chính nghĩa dân tộc, trang 43.

Tháng năm, 1953, ông rời khỏi Mỹ và đến ở trong tu viện Benedictine, St. Andrew in Bruce ở Bỉ.

Việc rời khỏi Mỹ là một dấu hiệu cho thấy Ông Diệm chưa tìm ra một lối ra chính trị cho Việt nam ra khỏi quỹ đạo người Pháp, đồng thời một giải pháp chống cộng sản quyết liệt nơi chính giới Mỹ.

Nơi tu viện này là điểm nối, chỗ đi về mà ông đã có nhiều dịp về Paris tiếp xúc với các yếu nhân chính trị.
Rõ ràng là con đường chính trị của ông Diệm sau 1954 là Paris chứ không phái Hoa Thịnh Đốn.

(Còn nữa)

© DCVOnline


- TT Ngô Đình Diệm (II) Nguyễn Văn Lục-Việc chọn ông Ngô Đình Diệm làm thủ tướng là quyết định từ Quốc Trưởng Bảo Đại mà không do bất cứ áp lực từ phía người Pháp, nhất là người Mỹ.

Ông Diệm và Bảo Đại trong việc chọn lựa một thủ tướng


Nguyễn Văn Lục


Nếu tìm hiểu mối tương quan giữa Bảo Đại và thủ tướng Ngô Đình Diệm thì thấy khó có điểm tương hợp. Họ khác nhau cả về đường lối chính trị, về lý tưởng, về địa vị chính trị, về tính tình và cả hệ số bản thân. Nhưng số phận đã bắt buộc họ phải liên hợp với nhau nhiều lần- dù là miễn cưỡng- dù là một chọn lựa vì không có chọn lựa nào khác.

Như nhận xét của Karnow cho rằng có thể ông Diệm thấy rằng, một lần nữa Bảo Đại là người mở đường cho tương lai chính trị của ông. Ông cũng đã tiếp xúc với Bảo Đại (Diem perceived Bao Dai to be his path to power.)

Phần Bảo Đại thì dứt khoát không tìm thấy một lá bài cho Việt Nam qua người Pháp. Đối với Bảo Đại, việc thất trận của người Pháp ở trận Điện Biên Phủ là một sự phá sản. Sự phá sản ấy làm cho tư thế của Bảo Đại cũng không còn được như trước nữa.

Và ông thực sự chỉ còn tin vào người Mỹ qua vị đại diện của họ tại Geneva là ông Bedell-Smith và Bonsai.

Bảo Đại viết trong hồi ký như sau:


“Nous ne pouvions plus compter sur la France. A Geneva, les Américains demeurent nos seuls allies. Devant l’évolution de la situation, ils veulent bâtir un nouveau systèm de défense dans le Sud-Est asiatique. Ils peuvent nous aider à poursuivre la lutte contre le communisme.”

(Bao Đai, Le Dragon D’Annam, trang 328.)


L”
Nguồn: Plon

Bảo Đại đã không tin vào người Pháp nữa. Ông cho rằng trước sự tiến triển của tình thế, ông hy vọng người Mỹ có đủ khả năng giúp ông chống lại chủ nghĩa cộng sản. Nhưng ai là người có đủ tư cách để thay thế hoàng thân Bửu Lộc trong lúc này?

Đã có nhiều dư luận khác nhau về việc ai đã quyết định chọn lựa ông Ngô Đình Diệm làm thủ tướng? Nhưng nếu căn cứ vào những người trực tiếp trong cuộc như Bảo Đại thì việc chọn lựa ông Diệm là do quyết định riêng của Bảo Đại với sự tham khảo chính giới Mỹ như Bedell- Smith và Bonsai. Khi đã quyết định chọn ông Ngô Đình Diệm trong vai trò thủ tướng, ông Bảo Đại có tiếp xúc với ngoại trưởng Foster-Dulles để cho biết quyết định của mình, sau đó, Bảo Đại đã triệu hồi ông Ngô Đình Diệm lúc bấy giờ đang ở dòng tu ở Bỉ đến gặp ông.

Từ Cannes, Bảo Đại đã tham khảo ý kiến với nhiều người trong chính giới chính trị cũng như tôn giáo Việt Nam hiện có mặt ở Pháp. Và theo ông, tất cả mọi người đều vui mừng và đồng ý về sự chọn lựa của ông. Trong việc chọn lựa này, đặc biệt không thể quên vai trò của ông Ngô Đình Luyện vừa là em út của ông Ngô Đình Diệm và cũng vốn là bạn học với Bảo Đại từ hồi còn nhỏ.

Arthur J. Dommen đã phân tích rất rõ về vai trò của ông Ngô Đình Luyện trong phần The Choice of Diem, trong sách The Indochinese Experience, trang 237, trong đó ghi lại cuộc nói chuyện giữa Bedell Smith và Ngô Đình Luyện vào tháng năm, 1954 như sau:


4 ngày trước khi đến Paris, Bảo Đại đã triệu Ngô Đình Diệm từ tu viện St Andrew Bruges để đến gặp ông ta. Một chủ đích rõ ràng muốn giao trọng trách cho Ngô Đình Diệm bất kể sự chống đối của người Pháp. Trong đó dù không trực tiếp nói ra cũng muốn có sự đồng tình ủng hộ về phía người Mỹ. Trong dịp này Bedell Smith khuyến cáo nên thiết lập quan hệ trực tiếp với Mỹ từ Paris.

Trong một cuộc phỏng vấn truyền hình của chương trình Viet Nam, a history, Stanley Karnow một lần nữa cũng đã hỏi ông Luyện về lý do nào Bảo Đại đã chọn Ngô Đình Diệm trong vai trò thủ tướng:


“Mr. Luyên, the first question is the issue of why Bao Dai choose your brother and how he choose him.

Ngo Đinh Luyen:

“Yes, to answer, there are several.. One must remember several events in order to make the answer intelligible. Good, You have to know that Bao Dai needded someone with authority, Bao Đại ni longer conferred authority, right. What Viet Nam in that era needed, right, was someone with authority over Viet Nam, over the Vietnamese people”.

(Phỏng vấn của Karnow nhan đề: Bao Dai‘s selection of Ngo Đinh Diem as Prime Minister.)

Qua ba tài liệu trích dẫn trên đây, việc chọn ông Ngô Đình Diệm làm thủ tướng là quyết định từ Quốc Trưởng Bảo Đại mà không do bất cứ áp lực từ phía người Pháp, nhất là người Mỹ. Nói một cách minh bạch, chỉ có tham khảo ý kiến và ưng thuận đồng ý mà không có áp lực chỉ định. Cũng không có tài liệu nào chứng minh Mỹ đã làm áp lực trên Bảo Đại.

Một lẽ giản dị vì từ trước tới nay, Bảo Đại chỉ giao tiếp trực tiếp với người Pháp. Chỉ có một người Mỹ mà Bảo Đại quen biết và tin tưởng là ông Bedell Smith, một đại diện của Mỹ trong phái đoàn Mỹ ở hiệp định Geneva. Nhưng Bedell Smith không có thế giá chính trị nào ở Hoa Thịnh Đốn để có thể quyệt định chính sách của Mỹ ở Việt Nam.

Mặc dù Bảo Đại chọn ông Diệm làm thủ tướng, ông Bảo Đại chắc cũng chẳng bao giờ quên được “sự bướng bỉnh, đối đầu” của ông Diệm vào năm 1949 trong việc thực thi cái được gọi là “giải pháp Bảo Đại”. Ông Diệm đã từng quyết liệt công khai phản đối Bảo Đại.

Theo Edward Miller trong bài “Viễn kiến, quyền lực và tính chủ động: Con đường lên nắm quyền của Ngô Đình Diệm”, do Hoài Phi và Vi Huyền dịch, “Ông NĐD đã tỏ ra cực kỳ thất vọng, ông NĐD phẫn nộ trước cái mà ông gọi là sự đầu hàng của Bảo Đại trước những đòi hỏi của Pháp.”

Biết rõ cá tính con người Ngô Đình Diệm mà Bảo Đại vẫn phải chọn Ngô Đình Diệm làm thủ tướng, bởi vì trong thời điểm lúc này, hơn ai hết ông Ngô Đình Diệm là con người của tình thế mà Bảo Đại cần, như nhận xét của Ngô Đình Luyện khi trả lời phỏng vấn của Karnow.

Ông Diệm nhậm chức Thủ tướng

Theo linh mục Cao Văn Luận thuật lại trong “Bên giòng lịch sử” cho thấy rằng: khi hai người gặp nhau ở Paris, ông Diệm cho hay Bảo Đại không mặn mà gì việc chọn ông Diệm làm thủ tướng

Nhưng dư luận giới trí thức Việt Nam bên Mỹ cũng như bên Pháp đều cho rằng đây là thời điểm thuận lợi để ông Diệm về nước. Phần Bảo Đại sau này khi đã tham khảo các chính giới Việt Nam cũng như người Pháp, người Mỹ, ông thay đổi ý kiến và đã mời NĐD đến lâu đài Thorenc ở Cannes và nói với Ngô Đình Diệm:

“Cứ mỗi lần mà tôi cần thay đổi chính phủ, tôi lại phải gọi đến ông. Ông thì lúc nào cũng từ chối (..) Nay tôi kêu gọi đến lòng ái quốc của ông. Ông không có quyền từ chối trách nhiệm của mình, vì sự tồn vong của Việt Nam buộc ông như vậy.” (Le Dragon D’annam, Bảo Đại, trang 328.)

Qua nội dung ghi lại trên, hầu như Bảo Đại phải thuyết phục, nài ép để ông Diệm phải nhận chức. Và cũng vì thế, ông Diệm đã ra điều kiện trả giá là ông phải được toàn quyền trong lãnh vực quân sự cũng như chính trị.

Một đòi hỏi xem ra "quá đáng" ở điạ vị người khác nếu được mời làm thủ tướng.

Trong hồi ký của Bảo Đại đã không nói rõ về các lần tiếp kiến với Ngô Đình Diệm. Nhưng dựa theo bài viết của Edward Miller dẫn ở trên thì ít lắm trước khi quyết định chọn ông Diệm làm thủ tướng. Hai người đã có dịp gặp nhau hai lần. Lần thứ nhất diễn ra vào ngày 12 tháng 10, 1953 và trong cuộc gặp gỡ này ông Diệm tin rằng giữa Bảo Đại và ông đang sắp có hoà giải. Lần thứ hai diễn ra không lâu sau đó, vào ngày 28 tháng 10, 1953 trong đó Bảo Đại thăm dò và chất vấn xem Diệm có sẵn sàng phục vụ không?

Và khi tình hình đã chín mùi không còn chần chờ được nữa thì Bảo Đại đã quyết định chọn Diệm làm thủ tướng vào tháng 6/1954.

PhảI mất gần một năm cho việc quyết định chọn lựa này.

Diễn tiến và nội dung các cuộc tiếp kiến này cho thấy việc chọn lựa ông Diệm làm thủ tướng là quyết định từ phía Bao Đại.

Xin được trích dẫn đầy đủ nội dung buổi nhận chức này để tránh tình trạng có một số tác giả Việt Nam cũng như Bernard Fall một tác giả viết với nhiều thành kiến- trong “The Two Viet-Nams: A Political and Military Analysis “ đã cố tình viết sai sự thật. Đây là nguyên văn lời của Bảo Đại.


“Bảo Đại đã cầm tay Ngô Đình Diệm và dẫn ông ta vào một phòng bên cạnh, trong có treo một tượng Thánh giá. Trước tượng thánh giá, tôi đã nói với ông ta:
“Đây là Chúa của ông, ông sẽ thề trước thánh giá là bảo vệ đất nước. Ông sẽ chống lại cộng sản và nếu cần chống lại cả người Pháp".

Ông đứng im lặng một lúc, rồi nhìn tôi, rồi quay ra nhìn tượng Thánh giá, ông thì thầm với một giọng nghẹn ngào:
- Tôi thề".
(…)
48 giờ sau khi đã tuyên thệ, tôi đã giới thiệu NĐD với tướng Ély. Sau đó ông đã bay về Sài Gòn cùng với hoàng thân Bửu Lộc để trao lại quyền hành cho ông Diem.

Trước khi về Việt Nam, tôi đã trao toàn quyền về dân sự và quân sự cho NĐD».

(Le Dragon d’Annam, Bao Đai, trang 328-329.)
Buổi lễ trao quyền diễn ra đơn giản, nhưng trang nghiêm và đượm màu tôn giáo.

Nó chỉ diễn ra giữa hai người- người trao và người nhận-

Và cùng lắm có một nhân chứng là cây thánh giá.

Vậy mà có tác giả viết sử kể lại như nhân chứng có mặt trong buổi lễ đó kể ra từng cử chỉ, từng câu nói của Bảo Đại!

Ông Bảo Đại đã đánh trúng vào cái điểm yếu của ông Diệm là lòng sùng đạo.

Qua câu nói thẳng của Bảo Đai, người ta có cảm tưởng trao toàn quyền cho ông Diệm, ông Bảo Đại trút được một gánh nợ!

Tác giả Arthur J. Dommen trong cuốn “The Indochinese experience of the French and the American” cũng trích dẫn lại nguyên văn nội dung các câu nói của Bảo Đại, trang 238.

Tác giả Karnow trong Viet Nam, a history cũng trích lại lời của Bảo Đại đúng như vậy, trang 218.

Có một chi tiết nhỏ cần điều chỉnh về trí nhớ của Bảo Đại. Ông mời NĐD đến gặp ngày 18 tháng sáu. Sau đó ông Diệm còn có buổi ra mắt, họp báo tại Hotel Palais d’Orsay.

Nhưng phần mình, ông Diệm lại đi thuê một phòng ngủ tồi tàn, không có buồng tắm ở Hotel de la Gare, ở gần khu phố nghèo nàn gần nhà ga xe lửa Austerlitz. Đây cũng là bằng chứng về con người, về nhân cách của ông Ngô Đình Diệm.

Đến ngày 26 tháng 6, ông Diệm mới bay về Sài gòn.

Phần Bảo Đại cũng phải nhìn nhận trách nhiệm làm thủ tướng của ông Ngô Đình Diệm lúc này quả thực là không dễ dàng gì. Theo linh mục Cao Văn Luận thì việc chọn Ngô Đình Diệm làm thủ tướng trong lúc này là đẩy Ngô Đình Diệm vào chỗ chết.

Tại sân bay Tân Sơn Nhất khi ông Diệm xuống máy bay- mặc dù có sự chuẩn bị chu đáo của những người ủng hộ ông Diệm- chỉ có khoảng 500 người đón tiếp ông mà phần đông thuộc giới Thiên Chúa giáo.

Một dấu hiệu không mấy tốt cho vị thủ tướng trong hoàn cảnh này. Trong hoàn cảnh cực kỳ bấp bênh và rối loạn bên bờ vực thẳm về chính trị, quân sự, kinh tế, xã hội. Lúc bấy giờ chỉ cần ổn định được tình thế thì đã là một cứu tinh rồi.

Cuộc đối đầu giữa Bình Xuyên và thủ tướng Diệm

Nhìn lại thành phần nội các “chia ghế” cho các giáo phái của thủ tướng Ngô Đình Diệm ngày 24-9-1954 nào đã giải quyết được gì? Có đem lại được ổn định chính trị không?

Trong thành phần nội các này có Trần Văn Soái, Hòa Hảo; Lương Trọng Tường, Hòa Hảo; Nguyễn Công Hậu, Hòa Hảo; Phạm Xuân Thái, Cao Đài; Nguyễn Mạnh Bảo, Cao Đài; Huỳnh Văn Nhiệm, Hòa Hảo; Nguyễn Văn Cát, Cao Đài. ( Đệ Nhất cộng hòa miền Nam Việt Nam, Phạm Văn Lưu, trang 43.)

Nhiệm vụ hàng đầu của thủ tướng Diệm là ỏn định

Theo TT Nixon, nhiệm vụ hàng đầu của ông Diệm khi về nước là lấy lại ổn định và trật tự. Và những hành động của ông Diệm đối đầu bằng quân sự với một số thành phần giáo phái không chịu về hợp tác với chính quyền là chính đáng.

Tuy nhiên nó không thể không có giá phải trả. Vài ngàn người của nhiều phía đã là nạn nhân của cuộc tranh chấp nội bộ này từ năm 1954-1959. Nhưng nếu giả dụ không phải ông Diệm mà một đối thủ nào hay cộng sản nắm chính quyền thì cái giá phải trả phải cao hơn thế nhiều.


“ Diem understood that the first task of government is to establish order. Without a strong ruler, South Viet Nam‘s inherent anarchy and factionalim would have shattered the country‘s fragile stability. Diem‘s actions were all legitimate acts of government. But they were not without costs. Several thousand South Vienamese were killed on all sides of the many internecine conflicts between 1954 and 1959. That toll was regrettable, but almost certainly would have been higher if the communists or another of Diem‘s rivals had been in power”.

(No more Viet Nam, Richard Nixon, trang 38-39.)

Sau này, năm 1956, khi Nixon có dịp gặp ông Diệm. Ông Diệm trả lời Nixon là chúng tôi đang ở trong hoàn cảnh chiến tranh, We are at war. Giữa những đòi hỏi thực thi dân chủ còn ở tình trạng sơ khởi và những đòi hỏi an ninh xứ sở Đó là những chọn lựa tìm cách cân bằng giữa hai thái cực thật sự không dễ gì cho chế độ đệ nhất và đệ nhị cộng hòa.

Tình trạng ở miền Nam trước khi ông Diệm về nước là tình trạng sứ quân mà mỗi giáo phái có phần lãnh thổ riêng (respective territories) trong đó có khu vực vựa lúa đồng bằng sông Cửu Long là huyết mạch của miền Nam do Hoà Hảo “quản lý”.

Ngoài quân đội chính quy của Pháp khoảng hơn 60.000 ngàn người đã hồi hương một phần, còn có binh đội Thiên Chúa giáo của đại tá Jean Leroy có liên kết với Bảy Viễn. Bảy Viễn nắm công an ở Sài gòn như một thứ băng đảng Maifia Việt Nam. Ngoài ra còn có đội quân của Cao Đài, Hoà Hảo ở các tỉnh.

Ông Diệm được coi như “democratic one man rule” lấy gì để đối đầu? Cái tình trạng sứ quân ấy mà tính chất băng đảng tội phạm (criminal gangs) là nổi bật đã kéo dài từ nhiều năm dưới thời thực dân Pháp cai trị. Dĩ nhiên cũng phải nhìn nhận trong số đó Cao Đài, Hoà Hảo có gốc rễ văn hoá, tôn giáo và chính trị mà không dễ gì dùng những biện pháp quân sự để xử lý được. Người Pháp đã nhiều phen mua chuộc, nhiều lúc tìm cách truy diệt cũng không xong !

Liệu ông Diệm có thể làm được điều gì hơn người Pháp?

Bên cạnh đó, giám mục Lê Hữu Từ cũng ủng hộ quan điểm có nhiều giáo phái với quân đội riêng - một hình thức gián tiếp yêu cầu chính phủ nhìn nhận đám tự vệ Phát Diệm như một thứ quy chế tự trị - Điều mà khó có thể được chính quyền Ngô Đình Diệm chấp thuận.

Ông Diệm đã có chủ trương tìm cách thống nhất quân đội và tìm phương cách để thương lượng, vô hiệu hoá họ (neutraliser) trong đó có việc mua chuộc bằng tiền bạc.

Cái người đáng lý có trách nhiệm hỗ trợ ông Diệm thì lại là người tỏ ra thất vọng nhất về ông Diệm. Ông đặc sứ Collins của tổng thống Eisenhower cho rằng ông Diệm không có khả năng ngăn ngừa một sự sụp đổ miền Nam vào tay cộng sản. Mặc dù nhìn nhận rằng con người ông Diệm có tinh thần bất khuất, liêm khiết và là một người quốc gia tận tuỵ, hết lòng. Nhưng ý định của ông Diệm muốn tiêu diệt Bình Xuyên bằng quân sự sẽ tạo ra một cuộc nội chiến không tránh được cho Việt Nam!

Cho dù thua, Bình Xuyên sẽ rút vào bưng biền và tiếp tục chiến tranh phá hoại.(destruction in guerrilla-type).

Nhận xét trên của Collins cũng được sự đồng tình của tướng Pháp Ély.

Có hai bức công điện của Bảo Đại gửi về liên tiếp, ngày 28-4 và 30-4-1955, triệu hồi thủ tướng Diệm qua Pháp để “tham khảo ý kiến” tạo thêm áp lực và khó khăn cho ông Diệm. Đọc lại bức công điện của Bảo Đại gửi ông Diệm để thấy rằng ông Diệm đang ở thế chân tường:


Ông được tôi chọn để điều khiển một chính phủ đoàn kết dân tộc. Mặc dầu đã có chỉ thị của tôi, ông đã góp phần gây phương hại đến quan hệ thân hữu với nước Pháp và đẩy nhân dân vào tình trạng nội chiến. Tham vọng của ông đã làm đổ máu nhân dân vô tội. Lẽ ra phải hành động như một nhà chính khách, ông đã đem lại tai hoạ cho đất nước. Vậy ông phải rời ngay Sài Gòn trong chuyến bay sắp tới, sang bá cáo với tôi về tình hình hiện tại ".

(Trịnh Đình Khải, la Décolonisation du Viet nam, un avocat témoigne, 1994. Trích lại trong Daniel Grand Clément, Bảo Đại hay là những ngày cuối cùng của Vương Quốc An nam, chương 29.)

Để quyết định đi hay ở, theo lời ông Nhị Lang trong Phong trào kháng chiến Trịnh Minh Thế kể lại:


Đúng 10 giờ sáng ngày ghi trên, thủ tướng Diệm tiến vào phòng họp với vẻ mặt ưu tư, tuyên bố vắn tắt lý do, xong kiếu từ ngay, để quý ngài được tự do thảo luận. Hội nghị bầu Nguyễn Bảo Toàn vào ghế chủ toạ, Phạm Việt Tuyền vào ghế Tổng thư ký.

Như đã bàn với nhau trước, Nhị Lang, Nguyễn Bảo Toàn đề nghị truất phế Bảo Đại, khỏi bàn đến chuyện gì khác.

Sau phiên họp kéo dài 7 tiếng, chủ tịch Nguyễn Bảo Toàn mời thủ tướng Diệm xuống phòng họp nghe kết quả.

Cũng theo lời Nhị Lang:


Khi thủ tướng nghe xong, tôi thấy mặt ông tái hẳn đi. Tôi chắc ông không ngờ Hội nghị này lại quay sang một chiều hướng khác và lôi kéo ông đi một bước quá xa như vậy.. Thủ tướng Diệm lộ vẻ đăm chiêu và nói bằng một giọng trầm mặc: " Xin quý ngài cho tôi được có thời giờ suy nghĩ kỹ về vấn đề trọng đại này".

(Phong trào kháng chiến Trịnh Minh Thế, Nhị Lang, trang 310.)

Lansdale là người có công cứu vớt tình trạng vô vọng của chính quyền Ngô Đình Diệm lúc bấy giờ. Ông cho hay do mua chuộc và thương lượng đã có khoảng 40.000 người của các giáo phái đã tình nguyện gia nhập quân đội quốc gia. Trong đó đại tá Huệ có 3500 người, thiếu tá Nguyễn Đày, 1500 người.

Chính quyền quốc gia ước lượng phải chi ra 5 triệu đồng/mỗi tháng để trả lương cho các binh lính này, chưa kể tiền chi cho các lãnh đạo chỉ huy.

Về phía giáo phái, họ cũng đã lợi dụng tình thế thúc ép chính phủ về tiền bạc trả giá cho việc gia nhập quân đội quốc gia.

Một điều cần nói thêm là chính phủ ông Diệm còn phải chi trả 5 triệu đồng mỗi tháng cho Bảo Đại. Một năm ngân quỹ quốc gia tốn 60 triệu đồng so với đồng lương của một người lính là 1500 đồng/tháng.

(Memo from the special Assistant at the Embassy in Viet Nam (Emmet J. McCarthy) to the Special Rep in Viet Nam (Genral Collins), Saigon, 2-12-55, Top Secret. AWL. Trích lại trong Trinh Minh The va Ngô Đình Diệm. Sergei Blagov.)

Trước đó, để “vô hiệu hoá” tướng Hinh, Lansdale đã mua chuộc được hai phụ tá đắc lực của tướng Hinh là Phạm Xuân Giai và Lan trong một chuyến công du chính thức đi Phi Luật Tân. Mất những phụ tá đắc lực ấy, Hinh đành bó tay trước ông Diệm.

Ngay cả tướng Trịnh Minh Thế, không phải ông có thái độ dứt khoát ngả về phía chính quyền ông Diệm. Có do dự và tính toán. Trong cuộc đời binh nghiệp của ông đã có lúc bắt tay với Nhật trong cuộc đảo chánh Pháp ngày 9 tháng 3, 1945. Đã có lúc bắt tay với Pháp rồi chống Pháp. Có lúc đi với Việt Minh rồi chống Việt Minh.
Từ 1945-1954 có 40 ngàn chức sắc và dân chúng Cao Đài bị Việt Minh sát hại. Đó một cuộc thanh trừng tôn giáo (religious cleansing) mà người theo đạo Cao Đài không bao giờ quên được. Đã có lúc ông Trịnh Minh Thế hợp tác với Bình Xuyên, Ba Cụt.

Đi tìm những thế liên minh, lúc theo, lúc chống, là điều hiểu được trong bối cảnh chính trị lúc bấy giờ!

Chính tướng Trịnh Minh Thế đã có lúc ly khai với Cao Đài và lập đảng Hắc y và quân đội liên minh cho riêng mình.

Lansdale đã đặt một biệt danh cho tướng Trịnh Minh Thế là Robin Hood Việt Nam vì có lúc ông đi theo Lê Thanh Tắc hay Sáu Tắc mà người Pháp coi họ như những tên cướp.


Thiếu Tướng Nguyễn Giác Ngộ (nguyên Tư Lệnh Bộ Đội Nguyễn Trung Trực của Phật Giáo Hòa Hảo).
Nguồn: LIFE

Theo Bernard Fall, trong The two Viet-Nams, trang 245-246, toà đại sứ Hoa Kỳ có quỹ tài trợ bí mật ước tinh vào khoảng 2 triệu đô la dùng để thuyết phục tướng Trịnh Minh Thế gia nhập chính quyền quốc gia. Nguyễn Thành Phương (Cao Đài), tốn 3 triệu đô la, tướng Trần Văn Soái, 3 triệu đô la.

Chưa kể những số tiền hàng tháng đài thọ cho 3000 lính của Liên Minh và 3000 lính của Hoà Hảo.

Những số tiền thù lao lớn lao lấy ở đâu ra để mua một sự hoà giải nếu không có quỹ của CIA tài trợ.

Linh mục Cao Văn Luận, trong chương Bên giòng lịch sử 1940, đã diễn tả khá trung thực thời kỳ dưới quyền kiểm soát của lực lượng công an Bình Xuyên như sau:


Vào khoảng tháng 10, năm 1955, Bà Ngô Đình Nhu đã tổ chức một buổi mít tinh nhằm ủng hộ ông Diệm và đả đảo người Pháp. Đoàn biểu tình đã bị công an Bình Xuyên chặn ngay tại Bùng Bình chợ Bến Thành bắn giết và làm bị thương hằng chục người.


Trước cảnh hỗn loạn trong thành phố và sự lộng hành quá quắt của Bình Xuyên mà hầu như ông Diệm phải bó tay.Thủ tướng Diệm chán nản và có ý định bỏ nước ra đi. Cũng theo lời linh mục Cao Văn Luận, ông vội vào dinh Norodom khoảng 6 giờ chiều có sự có mặt của giám mục Ngô Đình Thục, ông Ngô Đình Nhu và quý ông Trần Chánh Thành, Trần Trung Dung. Nét mặt ông Diệm thật như một người hết sinh lực, mất chí phấn đấu".

Thiện chí của chính phủ hầu như không được đếm xỉa tới.

Josepn Alsop, nhà bình luận thời sự nổi tiếng của tờ New york Herald Tribune viết một loạt bài trong đó gọi ông Diệm là “virtually impotent” đối với các giáo phái. Phần lớn các nhà báo cho rằng khó tránh khỏi một cuộc nội chiến và báo hiệu sự chiến thắng của cộng sản.

Graham Greene, tác giả cuốn tiểu thuyết The quiet American (lấy từ nhân vật huyền thoại Edward Lansdale), tiên đoán miền Nam Việt Nam sẽ rơi vào bức màn sắt.

29 tháng 3, 1955 dư luận cho thấy khó tránh khỏi một cuộc đối đầu giữa thủ tướng Diệm và quân đội Bình Xuyên. Quân đội Quốc gia ở trong tình trạng báo động thường trực chờ đợi một cuộc tấn công của phía Bình Xuyên.


Thủ tướng Diệm
Nguồn: LIFE

Thủ tướng Diệm thường có thói quen thức khuya, đi bộ trong dinh Norodom một mình. Vào nửa đêm, một cuộc pháo kích mở màn cho điều mà mọi người đều chờ đợi đã xảy ra. Quân đội quốc gia chỉ có 4 tiểu đoàn, khoảng 1600 người, trong khi quân phiến loạn Bình Xuyên được cho biết là khoảng 6000 người.

Binh đội Pháp thì tìm cách ngăn cản 2500 binh lính của tướng Trịnh Minh Thế tiến về Sài Gòn.

Cuộc đụng độ đã xảy ra và có khoảng 500 người vừa quân lính Bình Xuyên và người dân Saigon bị thiệt mạng và 2000 người bị thương trong cuộc tấn công này.

Thủ tướng Diệm bị dồn vào chân tường và không còn có gì để mất, ra lệnh cho quân đội tức khắc phản công.

Cuộc phản kích của thủ tướng Diệm thành công làm ngạc nhiên nhiều người, nhất là đối với người Mỹ và Pháp.

Tiếp tục chiến thắng đẩy lui quân Bình Xuyên về phía bên kia cầu chữ Y và cuối cùng họ phải đào thoát về phía Rừng sát. Bảy Viễn cùng với một vài bộ hạ chạy sang Pháp.

(Còn tiếp)

© DCVOnline


- TT Ngô Đình Diệm (Kết) Nguyễn Văn Lục-“Sau kinh nghiệm thất bại của người Pháp, một kinh nghiệm của Hoa Kỳ như hiện nay chỉ đưa đến một thất bại mới khốn khổ và tàn bạo hơn cho người Việt Nam,” Bảo Đại.
Cuộc trưng cầu dân ý và việc truất phế Bảo Đại tháng 10-1955

Khi dẹp xong Bình Xuyên thì thế cờ đã lật ngược. Phó vương Bảy Viễn đã về cái chỗ mà ông phải về: Paris nơi trú ẩn của nhiều thứ thành phần trong đó có những người như Bảy Viễn, Nguyễn Văn Hinh và Bảo Đại.
Ngoại trưởng Dulles vội vã hoãn tất cả những chỉ thị thay thế thủ tướng Diệm và toà đại sứ đã đốt cái điện tín mới nhận được. Và như cách nói của ngoại trưởng Dulles, nay thì cùng chung một xuồng với Diệm.”On plonge” avec Diem.

Nhưng cũng kể từ ngày này, Dulles nói thêm rằng, giữa Pháp và Hoa Kỳ không còn nằm trong tinh thần thoả hiệp chung đã được ký kết tháng 9 năm 1954 và trong tương lai Hoa Kỳ sẽ hành động độc lập với Pháp về vấn đề Việt nam.

Ông Diệm nay đã tạm “rảnh tay” với Bình Xuyên để nghĩ đến chuyện “hợp thức hoá” chế độ và mời người Pháp ra đi.

Việc Bảo Đại đứng đằng sau tướng Hinh và phó vương Bảy Viễn, thân Tây cho thấy thế chính trị của Bảo Đại không vững nữa.

Trong những tình thế cực đoan không còn lựa chọn thì sẽ đưa đến những giải pháp cực đoan: Hoặc ông Bảo Đại, hoặc ông Diệm phảI ra đi!

Khi nhận về làm thủ tướng, Ông Diệm không về tay không, ông yêu cầu được trao toàn quyền hành động. Và như thế, một cách nào đó gián tiếp phủ nhận tước vị Quốc Trưởng của Bảo Đại.

Bảo Đại tự truất phế khi trao toàn quyền cho ông Ngô Đình Diệm như nhận xét của Bernard Fall trong The two Viet Nam, 244:


Yet, Diem did not step into the fight unarmed. He demanded from Bao Dai something the latter had thus far always been wise enough to refuse to his Premiers: full and complete civilian and military powers. After three days of hesitation, Bao Dai yielded. Diem received abolute dictatorial powers on june 19. Fully realizing that he was throwing his throne away.

Ông Bảo Đại đã trao trọn quyền về hành chánh và quân sự cho thủ tướng Ngô Đình Diệm khi về nước mà theo ông Đoàn Thêm: ông cho tay này mà tay kia còn muốn giữ lại.

Vả lại, việc quyết định trưng cầu dân ý chẳng phải do ý của ông Diệm - một người còn giữ chút chí khí một nhà nho.

Theo Vĩnh Phúc, trong Huyền thoại & sự thật về chế độ Ngô Đình Diệm viết:

Sau khi ông Nhu đưa ra quyết định làm cuộc truất phế, tối hôm đó, ông Hoàng Bá Vinh triệu tập một phiên họp của nhóm thân hữu Ngô Đình Diệm, gồm những người như Đỗ La Lam[vừa mới qua đời, thọ 90 tuổi], Cao Xuân Vỹ, Trần Kim Tuyến, Nhị Lang và một vài người nữa. Thế là một bản tuyên ngôn ra đời, đòi truất phế “hôn quân", uỷ nhiệm cho ông Ngô Đình Diệm lập chính phủ mới, dẹp phiến loạn, thu hồi chủ quyền, triệu tập quốc hội”.

(Trang 75-77)

Tiếp theo là việc tuyên truyền xách động bằng loá phóng thanh chạy khắp các đường phố hô hào dân chúng truất phế Bảo Đại.

Cũng theo Vĩnh Phúc, đoàn kịch Kim Chung mới từ Bắc di cư vào Nam, ông Trần Viết Long, chủ bầu đã cho diễn một vở liên quan đến Bảo Đại với đầy đủ các tính xấu của một ông vua bù nhìn.

Các khung ảnh của Bảo Đại treo trong các công sở cũng được gỡ xuống.

Trong Việt Nam nhân chứng, trang 133, Trần Văn Đôn viết ông Nhu kể lại là ông Diệm có viết một thư cho ông Bảo Đại và mời ông về nước lãnh đạo nhưng Bảo Đại không chịu.

Trong Le Dragon d'Annam, trang 342, Bảo Đại đã viết:
Mais je ne crois pas à une nouvelle aventure dans l'état actuel du pay. Après l'échec de l'expérience francaise, une expérience américiaine telle qu'elel parait engagéee ne pourrait aboutir qu'à un nouvel échec encore plus pénible, plus cruel pour le peuple Vietnamien".

Tạm dịch: Tôi không tin tưởng vào một cuộc phiêu lưu mới trong tình trạng hiện nay của xứ sở. Sau kinh nghiệm thất bại của người Pháp, một kinh nghiệm của Hoa Kỳ như hiện nay chỉ đưa đến một thất bại mới khốn khổ và tàn bạo hơn cho người Việt Nam.

Và không một ai đặt ra một câu hỏi giả định sau đây: Giả dụ ông Diệm tuân theo lệnh triệu hồi của Bảo Đại sang Cannes thì ai sẽ là người có thể thay thế thủ tướng Ngô Đình Diệm và tình hình chính trị Việt Nam sẽ như thế nào?

Trong bài phỏng vấn của tác giả Minh Võ, phỏng vấn ông Cao Xuân Vỹ, đăng tren DCVOnline .net, ngày 25-09-2007, ông Cao Xuân Vỹ cũng nhắc lại như sau:

Nhưng chính nhóm liên khu tư chúng tôi chúng tôi đã thuyết phục ông, gần như làm áp lực với ông, để ông bỏ ý định sang Cannes (…) Rồi nhiều đoàn thể họp nhau lại đặt ông Diệm trước sự việc đã rồi là tự ý hạ bệ ông Bảo Đại. Cuộc trưng câu dân ý của chính phủ Ngô Đình Diệm tổ chức sau đó chỉ là để hợp pháp hoá hành động của chúng tôi.


Landsdale to Diem: "While I'm away I don't want to suddenly read that you have won by 99.99%."
Nguồn: Wikipadia
Thế rồi cuộc “diễn tập dân chủ” lần đầu tiên ở Việt Nam đã diễn ra một cách vụng về đã thành công tốt đẹp như lòng mong muốn của một số người ủng hộ ông Diệm.

Để đạt được kết quả trọn vẹn thăm dò trưng cầu dân ý, “phù thuỷ” Lansdale - người đã được Neil Sheeham gọi là con người đã có thể thay đổi dòng lịch sử và người có công xây dựng lên đệ nhất cộng hoà miền Nam - đã đề nghị màu của hai lá phiếu: Màu xanh tiêu biểu cho điều xấu dành cho lá phiếu của Bảo Đại. Màu đỏ tượng trưng cho điều tốt đẹp được dành cho lá phiếu của ông Diệm. Nhưng vì màu đỏ có thể nhầm với mầu đỏ của cộng sản nên sau đã đổi lá phiếu của ông Diệm ra màu đen. (Trích lại phần phỏng vấn Lansdale của Karnow trong phần the 1955 Sout Vietnam referendum.)

Những ý kiến của Lansdale về màu của các lá phiếu trên thực tế không được áp dụng và trí nhớ của Lansdale có thể lầm lẫn chăng?

Sự thật chỉ có một màu đen cho cả hai lá phiếu.

[DCVOnline: Theo Wikipedia và tác giả Đào Văn Bình, Lời giới thiệu Cuộc Trưng Cầu Dân Ý Truất Phế Vua Bảo Đại Năm 1955, thì Lansdale nhớ không sai. Đào Văn Bình viết:

… “Ve vẻ vè ve, nghe vè Bảo Đại, là quân ăn hại…” (Điều này tôi đã ghi lại trong cuốn hồi ký tù, hồi ký lịch sử Những Sự Thực Không Thể Chối Bỏ xuất bản năm 1987). Sau cuộc xuống đường chửi bới Quốc Trưởng Bảo Đại, chiều hôm đó chúng tôi được các thầy/cô phát cho mỗi đứa 5 đồng gọi là tiền “Cụ” thưởng cho học sinh. Số tiền 5 đồng lúc đó quá lớn và quá sướng để tha hồ ăn thịt bò khô, đậu đỏ bánh lọc và coi Ciné ở Rạp Moderne cũng nằm sát Chợ Tân Định. Cùng với những chiến dịch như vậy, đài phát thanh ra rả truyền đi những lời hướng dẫn đồng bào đi bỏ phiếu “Xanh bỏ vào giỏ, Đỏ bỏ vào thùng” tức lá phiếu màu xanh in hình Ô. Bảo Đại thì bỏ vào giỏ rác, lá phiếu màu đỏ in hình Ô. Diệm thì bỏ vào thùng phiếu. Đầu óc thơ dại của trẻ nhỏ dễ bị tiêm nhiễm. Tôi bắt đầu có thiện cảm với “Cụ Ngô” và căm ghét “Bảo Đại bán nước” mà không cần tìm hiểu và cũng không biết tìm hiểu lịch sử xem thực hư thế nào.]
Ngay cả ngày tổ chức cuộc trưng cầu dân ý Lansdale cũng nhớ sai. Đúng ra là ngày 23 tháng 10, 1955 thay vì là tháng 6 như Lansdale ghi nhận. (Quốc trưởng Bảo Đại bãi nhiệm Thủ tướng Ngô Đình Diệm ngày 18/10/1955 – DCVOnline).

Nội dung hai câu hỏi trong lá phiếu rõ ràng có dụng ý và tỏ ra bất lợi cho ông Bảo Đại như sau:

1- Tôi truất phế Bảo Đại và chọn ông Ngô Đình Diệm như tổng thống để thành lập chế độ cộng hoà.

2- Tôi không truất phế Bảo Đại và không công nhận Ngô Đình Diệm như tổng thống để thành lập thể chế cộng hoà.

Ông Bảo Đại đã nhận xét một cách mỉa mai:

“ La présentation est habile, le choix de l'électeur est clairement orienté.”

Sự trình bày thật khéo léo, và sự chọn lựa của cử tri đã được hướng dẫn.

Trích dẫn như trên, trang 343.


Hội đồng Cách Mạng quăng hình Bảo Đại trước Toà Đô Chính (4/1955)
Nguồn: LIFE
Kết quả cuộc trưng cầu dân ý là hơn 98% dành cho ông Diệm.

(DCVOnline: Sài Gòn có khoảng 450.000 tên trên danh sách cử tri, TT Diệm được 600.000 phiếu. Nguồn: Karnow, Vietnam, Vietnam A History, p. 239 & Tucker, Spencer C. (2000). Encyclopedia of the Vietnam War. ABC-CLIO. p. 366.)

Sau này, nhiều người chống đối Đệ nhất Cộng hoà miền Nam đã coi đây là cuộc trưng cầu dân ý gian lận và không dân chủ.

Về lý thuyết thì lời phê phán trên không sai.

Nhưng về thực tế thì người dân “chưa đủ trình độ” để thực thi quyền dân chủ của mình. Phần đông, dân chúng ít học không biết ông Diệm là ai, cũng chẳng biết Bảo Đại là người thế nào.

Ngay như một ông nhà báo, ông Công Tử Hà Đông, hồi đó là phóng viên cho báo Saigòn mới của bà Bút Trà cũng viết rằng, ông không biết ông Diệm là ai cho đến lúc ông Diệm về nước.

Nói một cách công bằng, cứ để dân chúng đi bầu một cách tự do thoải mái, theo nhận xét của Lansdale, ông Diệm cũng sẽ thu được khoảng 90% số phiếu ủng hộ!

Cũng theo Lansdale khi trả lời câu phỏng vấn của Karnow:

- Karnow: So you're. are you satisfied that it was an honest election?

-Lansdale: I think it was honest enough in its overall decision by the people. I Thinhk it reflected the popular will.

Tổng thống Nixon cũng đồng quan điểm với Lansdale khi cho rằng, cử bỏ phiếu một cách công bình, ông Diệm cũng thắng cuộc trưng cầu dân ý ít lắm la 65%.

But even against a strong opponent, Diem undoubtedly would have won a properly conducted election- probably with no less than 65 percent of the vote-because his popularity had reached a high level by that time.

( No More Viet Nam, R. Nixon, trang 40.)

Nhưng theo tôi, đây chỉ là một cuộc trưng cầu dân ý, tức hỏi ý dân. Không hẳn là một cuộc đi bầu.

Nó không mang ý nghĩa của một “trắc nghiệm dân chủ” bằng lá phiếu.

Lá phiếu chỉ là thể hiện ý dân. Cho nên nó là một lá phiếu tín nhiệm (vote de confiance) có tính cách thăm dò, hỏi ý hơn là phiếu bầu tranh nhau từng lá phiếu cử tri.

Dù sao đây cũng là bước đầu thực tập bài học dân chủ ở Việt Nam lần đầu tiên.

Mộ cựu hoàng Bảo Đại (Pháp) và cự TT Diệm (Việt Nam)
Nguồn: DCVOnline phối hợp


© DCVOnline

Tổng số lượt xem trang