Tài liệu tham khảo đặc biệt
Thứ Sáu, ngày 11/02/2011
TTXVN (Bắc Kinh 7/2)
Chu Phong, Giáo sư thuộc Học viện quan hệ quốc tế Đại học Bắc Kinh, Phó Chủ nhiệm Trung tâm nghiên cứu chiến lược quốc tế Đại học Bắc Kinh luận bàn với “Quốc tế tiên khu đạo báo” về vấn đề “lợi ích cốt lõi” vẫn được dư luận quan tâm rộng rãi thời gian gần đây. Nội dung bàn luận đăng trên báo cùng tên số ra gần đây.
“Quốc tế tiên khu đạo báo” (Q): Bắt đầu từ nửa cuối năm 2010, báo chí nước ngoài đưa tin ầm ĩ việc Trung Quốc sử dụng cách nói “lợi ích cốt lõi” khi đề cập vấn đề Nam Hải (Biển Đông). Có phải giáo sư nghi ngờ cách đề cập của báo chí như vậy về chính sách đã định của Trung Quốc?
Chu Phong (A): Đúng vậy. Báo chí phương Tây và quan chức Mỹ nói Trung Quốc tuyên bố Nam Hải là “lợi ích cốt lõi” của Trung Quốc, từ giữa năm 2010 cách nói này được đưa tin rộng rãi, nhưng trên thực tế không có căn cứ gì xác thực. Theo điều tra nghiên cứu của cá nhân, tôi không cho rằng quan chức Trung Quốc đã chính thức nêu rõ “Nam Hải là lợi ích cốt lõi của Trung Quốc” trong khi đối thoại, nhiều lắm cũng chỉ nói “Nam Hải liên quan đến lợi ích cốt lõi của Trung Quốc” trong một lần gặp kín giữa quan chức cao cấp Trung Quốc với quan chức Mỹ. Trong ngữ nghĩa của tiếng Hán, Nam Hải “là lợi ích cốt lõi của Trung Quốc” hoàn toàn khác với nói “Nam Hải liên quan đến lợi ích cốt lõi của Trung Quốc”.
Cho dù như thế đi chăng nữa, cách nói Nam Hải liên quan đến lợi ích cốt lõi kỳ thực cũng là cách hiểu lầm cần phải được làm rõ, không hẳn đã đại diện cho chính sách chính thức của Trung Quốc. Cho dù tranh chấp chủ quyền đối với quần đảo Nam Sa (Trường Sa) chưa có cách nào giải quyết được, Trung Quốc và các nước ASEAN muốn tiếp tục thúc đẩy “Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông” khi chính sách của các bên liên quan chưa có gì thay đổi lớn, vẫn phải tiếp tục giữ đối thoại để giải quyết tranh chấp. Trung Quốc cũng không thể làm thay đổi trạng thái tự do hàng hải quốc tế ở khu vực này, vậy tại sao lại phải nâng biển Nam Trung Hoa (Biển Đông) lên thành “lợi ích cốt lõi”?
Q: Vì sao sau khi được báo chí đưa tin, “thuyết lợi ích cốt lõi ở Nam Hải” lại gây tác động lớn như vậy trên trường quốc tế?
A: “Thuyết lợi ích cốt lõi ở Nam Hải” có ý nghĩa đặc biệt trong ngôn ngữ ngoại giao. Vấn đề Trung Quốc tuyên bố thành “lợi ích cốt lõi” là nhấn mạnh tất cả mọi chính sách lựa chọn của phía Trung Quốc, trong đó bao gồm cả vũ lực để giải quyết vấn đề. Nếu có người suy diễn quần đảo Nam Sa (Trường Sa) là lợi ích chủ quyền của Trung Quốc, chủ quyền là lợi ích hạt nhân của Trung Quốc thì quần đảo Nam Sa là ở Nam Hải, nên Nam Hải là lợi ích cốt lõi của Trung Quốc. Suy luận như vậy còn có thể hiểu được, nhưng cũng không thực tế. Vùng biển Nam Hải không chỉ bao gồm quần đảo Nam Sa, mà cũng đồng thời là tuyến đường thủy thương mại nhộn nhịp nhất của châu Á, là vùng biển quốc tế gồm lãnh hải, khu đặc quyền kinh tế và vùng biển quốc tế của 7 quốc gia. Tuyên bố Nam Hải là lợi ích cốt lõi kỳ thực không hề sáng suốt, không chỉ dẫn đến sự lo ngại của các nước Đông Nam Á, làm cho các nước khác có lợi ích thương mại, vận tải đường biển và an ninh ở vùng biển này phải cảnh giác hơn, mà sẽ còn bị hiểu thành tín hiệu cho thấy Trung Quốc muốn hoạch định phạm vi thế lực trên biển của mình ở Đông Á, vì như vậy có nghĩa phương thức giải quyết tình hình Nam Hải tới đây sẽ hoàn toàn phải xử lý theo cách của Trung Quốc, các nước khác không có quyền can thiệp.
Cách nói “Nam Hải là lợi ích cốt lõi của Trung Quốc” mà báo chí nước ngoài đưa tin, tôi nghi đó không phải là lập trường chính thức của Trung Quốc. Điều đáng phải cảnh giác là Mỹ đã tiết lộ thông tin tại một hội nghị khép kín đối với báo chí, rồi lại mượn cớ đó gây khó khăn cho chiến lược Biển Đông của Trung Quốc. Đối với việc Mỹ can thiệp vào công việc ở Biển Đông, Trung Quốc cần kiên quyết phản công lại nhưng cũng không cố ý nâng Biển Đông lên thành lợi ích cốt lõi để tạo ra tình hình căng thẳng.
Vì thế tôi chủ trương Trung Quốc cần phải thận trọng khi sử dụng cách nói “lợi ích cốt lõi” trong vấn đề Biển Đông, một là chúng ta đã ký “Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông”, không cần thiết phải để cho người khác có ấn tượng Trung Quốc sẽ thay đổi chính sách; hai là vấn đề Biển Đông không phải cứ đơn giản tuyên bố vấn đề Biển Đông là “lợi ích cốt lõi” là có thể thúc đẩy giải quyết vấn đề tranh chấp Biển Đông theo phương thức như Trung Quốc lý giải.
Q: Nội hàm của “lợi ích cốt lõi” cuối cùng sẽ là gì?
A: Trong chính sách ngoại giao, Trung Quốc tuyên bố và nhấn mạnh “lợi ích cốt lõi” là đặc biệt muốn nói rằng trong quan hệ đối ngoại, đề tài ngoại giao như vậy là có đặc điểm không thể nhượng bộ, không thể tranh cãi, không cho phép can thiệp. Ví dụ, phản đối Đài Loan độc lập, tấn công thế lực ly khai ở Tây Tạng là giữ “lợi ích cốt lõi” mà Trung Quốc đã nhiều lần nhấn mạnh.
Q: Trong bài viết của Uỷ viên quốc vụ viện Đới Bỉnh Quốc đăng trên trang mạng của Bộ Ngoại giao cuối năm 2010 nói rõ: Lợi ích cốt lõi của Trung Quốc thứ nhất là bảo vệ chế độ xã hội cơ bản và an ninh quốc gia; hai là chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia; ba là kinh tế xã hội phát triển ổn định bền vững. Giáo sư nhìn nhận cách thể hiện này như thế nào?
A: Ông Đới Bỉnh Quốc đã nói đến ba bộ phận hợp thành trong lợi ích cốt lõi của Trung Quốc một cách chuẩn xác: Chủ quyền, an ninh và lợi ích phát triển, đã trình bày rõ “quan điểm lợi ích cốt lõi” của Trung Quốc. Chủ quyền bao gồm chủ quyền lãnh thổ không thể xâm phạm; an ninh là ý nói quốc gia không bị xâm lược và không bị đe doạ, giữ được chế độ chính trị mà mình lựa chọn, đảm bảo an ninh kinh tế tài chính và ổn định xã hội. Phát triển là nói đến phát triển bền vừng về kinh tế và xã hội, thực hiện an ninh năng lượng, tài nguyên và đảm bảo môi trường của thị trường cởi mở, tự do. Nắm vững ba “lợi ích cốt lõi” lớn trên đây là sự đảm bảo chiến lược để Trung Quốc nắm vững và vận dụng tốt thời cơ chiến lược.
Tuy nhiên, chúng ta không thể bàn luận một cách giản đơn bằng cách đánh đồng giữa “quan điểm lợi ích cốt lõi” vốn được coi là nguyên tắc cơ bản trong lợi ích quốc gia với “thuyết lợi ích cốt lõi” trong thực tiễn quan hệ đối ngoại cụ thể của Trung Quốc, lại càng không thể mở rộng vấn đề mang tính tranh cãi trong quan hệ đối ngoại của Trung Quốc thành “lợi ích cốt lõi” một cách đơn giản.
“Quan điểm lợi ích cốt lõi” là nguyên tắc cơ bản chỉ dẫn cho cách định nghĩa và nhận thức về lợi ích quốc gia của Trung Quốc; còn “thuyết lợi ích cốt lõi” là phản ứng đặc biệt đối với vấn đề đặc biệt trong chính sách ngoại giao của Trung Quốc, là thực tiễn cụ thể của “quan điểm lợi ích cốt lõi” trong chính sách ngoại giao của Trung Quốc. Nếu chúng ta cứ dễ dàng chụp lên cho tất cả các vấn đề trong chính sách ngoại giao chiếc mũ “lợi ích cốt lõi”, thì khái niệm “lợi ích cốt lõi” sẽ bị làm cho suy yếu đi.
Q: Được biết ở nước Mỹ có cơ quan chuyên môn là Uỷ ban lợi ích quốc gia, phân định chi tiết lợi ích quốc gia của nước họ thành lợi ích cốt lõi, lợi ích quan trọng và lợi ích tương đối quan trọng. Có phải Trung Quốc cũng cần phân ra như vậy?
A: Trung Quốc đương nhiên cũng cần phân ra như vậy. Tôi càng thiên về hướng phân lợi ích quốc gia thành “lợi ích chiến lược”, “lợi ích quan trọng” và “lợi ích thứ yếu”. Lợi ích chiến lược là lợi ích quốc gia cần phải quan tâm lâu dài, kiến quyết theo đuổi và thực hiện; lợi ích quan trọng là lợi ích phải ưu tiên xử lý và đảm bảo trong chương trình nghị sự của chính sách quốc gia. “Lợi ích thứ yếu” là lợi ích quốc gia trước mắt có thể còn khó tìm được đối sách hữu hiệu, vị trí còn tương đối ở phía sau trong tương quan giữa các mục tiêu chiến lược, vì thế có thể cứ để cho “tạm ổn” trước như vậy.
Q: Theo ông lợi ích chiến lược của Trung Quốc cụ thể có những gì?
A: Đầu những năm 1980, Đặng Tiểu Bình có đề ra đường lối chung của Đảng trong thời kỳ mới, trong đó mục tiêu chiến lược trong chính sách ngoại giao Trung Quốc là thực hiện “môi trưòng quốc tế hoà bình ổn định để đảm bảo xây dựng kinh tế Trung Quốc là trung tâm”. Hiện nay Trung Quốc chỉ có “môi trường xung quanh hoà bình ổn định” là không đủ, chúng ta còn phải “có được thị trường quốc tế hợp tác, rộng mở,” và “các nguồn tài nguyên, năng lượng an toàn và đáng tin cậy”. Vì thế, hoà bình, thị trưởng và tài nguyên (nguồn năng lượng trong đó có dầu thô) quốc tế đã trở thành lợi ích chiến lược cơ bản của Trung Quốc.
Q: Lợi ích quốc gia cũng thay đổi và phát triển theo thực lực tổng thể của quốc gia và môi trường bên ngoài, giáo sư bàn đến việc phán đoán của chúng ta về lợi ích quốc gia còn chưa theo kịp tốc độ thay đổi của tình hình trong và ngoài nước, vậy tình trạng bất cập đó được biểu hiện cụ thể qua những phương diện nào?
A: Một là, khác biệt giữa cách nhìn nhận của Trung Quốc đối với thế giới và cách nhìn nhận của thế giới đối với Trung Quốc đã tăng lên rõ rệt. Phương Tây tuy không thiếu những biểu hiện phê phán, xoi mói, chỉ trích, thậm chí bịa đặt ác ý đối với Trung Quốc giống như giải thưởng Nobel hoà bình năm 2010, nhưng Trung Quốc trỗi dậy là một sự thực cả thế giới đều thấy, không ai có thể phủ nhận được. Nhưng mặt khác, tình cảm chống đối của một bộ phận người Trung Quốc cũng ngày càng rõ, thậm chí kích động chiến tranh cũng đang tăng lên, tranh cãi trong cách nhìn nhận về công việc quốc tế của dân chúng ngày càng mạnh, tính chất mơ hồ về thế giới của người Trung Quốc cũng ngày càng lộ rõ.
Thứ hai, người Trung Quốc luôn ở trong tình trạng ngây ngất, tự thoả mãn trên bình diện đạo đức, bị trói buộc bởi chủ nghĩa “nguyên tắc” giáo điều. Không ít đề án ngoại giao chú trọng chiếm lĩnh thành quả tối ưu về mặt đạo đức mà bỏ qua biện pháp ứng phó chiến lược, hô khẩu hiệu suông nhưng lại thiếu đối sách mang tính thực chất, kết quả là đã coi thường chú trọng lợi ích quốc gia thực chất. Ví dụ, trong quan niệm của người Trung Quốc, nhân tố ẩn sâu nhất là “âm mưu của nước Mỹ” và “Mỹ bao vây Trung Quốc”. Vì Mỹ có không biết bao nhiêu sai lầm theo chủ nghĩa đơn phương và chính sách bá quyền, vì Mỹ vẫn tăng cường địa vị lãnh đạo ở Đông Á nên chỉ cần “chống Mỹ” thì dường như đó là “chính trị đúng đắn”, “hiểu được sự hiểm độc” trong ý đồ của Mỹ chính là yêu nước. Những kiểu suy nghĩ như vậy đều không bình thường.
Thứ ba, do “định hướng dư luận” theo ý đồ chính trị và vươn lên “chiếm lĩnh trận địa” theo tập đoàn lợi ích nên ngược lại đã khiến cho việc thảo luận trên báo chí và trong dư luận thường chỉ chú trọng hưởng ứng theo “tình cảm dân tộc” mà bỏ qua nhận thức theo nhiều góc độ, chuẩn xác theo lý tính.
Quan hệ quốc tế không bao giờ là quan hệ đạo đức, mà là quan hệ lợi ích. Nói cho cùng, lợi ích quốc gia của Trung Quốc là dựa vào người dân Trung Quốc tự tìm kiếm, tranh thủ và sáng tạo, dựa vào lời lẽ và hành động của chúng ta trên cơ sở đồng lòng thống nhất, cùng lý giải và tôn trọng của tất cả mọi người để xây dựng nên chứ không phải dựa vào việc chúng ta tự cho rằng chiếm lĩnh được vị trí đỉnh cao của đạo đức là có thể thực hiện được, càng không phải dựa vào việc cứ nhắc lại ý thức bi thương, lập trường đấu tranh và quan niệm địch ta là có thể giải quyết được. Nếu chúng ta cứ suy nghĩ vấn đề mãi như vậy sẽ ngày càng rơi vào tình trạng nhận thức khó khăn “tự nói tự nghe, tự mình chơi với mình”.
Q: Vậy phải như thế nào mới bảo vệ được lợi ích quốc gia của Trung Quốc tốt hơn?
A: Muốn vậy, trước hết phải nâng cao địa vị và tầm quan trọng của ngành ngoại giao trong cơ cấu quyền lực của Trung Quốc. Cần phải có kế hoạch thống nhất chặt chẽ giữa ngoại giao với chính trị và nhu cầu chính trị trong nước, quy hoạch hợp lý “hai đại cục” trong thế cùng hỗ trợ lẫn nhau.
Thứ hai, ngoại giao nước lớn đòi hỏi lý trí, lại càng phải đòi hỏi cá tính. Hơn nữa quyết tâm và ý chí tìm kiếm, theo đuổi các phương án đảm bảo lợi ích quốc gia cũng hết sức quan trọng. Chính sách ngoại giao tốt là chính sách nhạy cảm cao độ, định vị đúng đắn và có hiệu quả kịp thời đối với lợi ích quốc gia.
Thứ ba, báo chí và dự luận Trung Quốc cần thể hiện được trách nhiệm và tính chuyên nghiệp cần thiết, vừa không rơi vào tình trạng tự mình hấp tấp với “thuyết âm mưu từ bên ngoài”, vừa chỉ đưa những tin “bắt mắt” giản đơn chạy theo thị trường. Báo chí cũng cần thay đổi ý thức, phải là các cơ quan báo chí tích cực, lý tính và có tầm dự báo, có sự lựa chọn hoặc khuyến khích hoặc loại bỏ đối với trạng thái tâm lý của người Trung Quốc về thế giới bên ngoài.
*
* *
(Bài của Dương Sấm, Học viện ngoại giao Trung Quốc đăng trên báo Khoa học xã hội Trung Quốc ngày 13/01/2011)Năm 2010 Trung Quốc đã đứng trước nhiều thách thức rõ rệt. Trung Quốc đề xuất ý tưởng ngoại giao xây dựng “thế giới hài hoà” nhưng lại gặp áp lực quân sự được hậu thuẫn bởi thực lực của Mỹ; Cuộc khủng hoảng tài chính quốc tế đã đẩy Trung Quốc đến trung tâm vũ đài quốc tế, đòi hỏi Trung Quốc phải đảm nhận nhiều trách nhiệm hơn nữa trước nhu cầu phục hồi kinh tế của thế giới, khiến cho áp lực kinh tế mà ngoại giao Trung Quốc phải gánh chịu tăng lên; Quan hệ hai miền Nam – Bắc bán đảo Triều Tiên căng thẳng thêm, Trung Quốc kiến nghị gặp gỡ trao đổi khẩn cấp giữa các ngoại trưởng 6 bên nhưng bị từ chối và bị thách thức bằng diễn tập quân sự; Trung Quốc đề xuất “gác lại tranh chấp cùng khai thác” để hoà hoãn tranh chấp trong phân giới thềm lục địa ở biển Hoa Đông nhưng Nhật Bản lại thông qua điều chỉnh “Đề cương kế hoạch phòng vệ” hướng mâu thuẫn nhắm vào Trung Quốc, tranh chấp chủ quyền ở đảo Điếu Ngư dường như lại tăng lên; Khu thương mại tự do Trung Quốc – ASEAN thành lập, đưa phát triển đi vào chiều sâu nhưng một số nước ASEAN lại muốn Mỹ trở lại Đông Nam Á cân bằng với Trung Quốc; Ba biên đội tàu sân bay Mỹ được điều động bố trí ở khu vực Đông Á… Nguyên nhân phía sau những thách thức nói trên là gì? Có thể phân tích từ các góc độ về cơ chế quốc tế, chính trị quyền lực và xung đột quan niệm như dưới đây:
Biến lượng trong cơ chế quốc tế dưới sự chủ đạo của Mỹ
Từ khi cuộc “khủng hoảng tín dụng dưới chuẩn” ở Mỹ dẫn đến cuộc khủng hoảng tài chính quốc tế hiện nay, cơ chế tài chính quốc tế đã có sự thay đổi. Các nước thuộc nhóm G-20 đại diện cho các quốc gia “Nam-Bắc” cùng bàn bạc về chính sách kinh tế vĩ mô, cho thấy hai chế độ xã hội khác nhau là xã hội chủ nghĩa và tư bản chủ nghĩa không còn là mâu thuẫn chủ yếu trong quan hệ quốc tế hiện nay. Năm 2009 nền kinh tế thế giới sau chiến tranh lần đầu tiên tăng trưởng âm, tỉ lệ tăng trưởng của các nền kinh tế phát triển ở mức -3,4%, cộng đồng quốc tế không thể không nhìn thẳng vào một thực tế rằng hệ thống tiền tệ quốc tế đã không thể thích ứng với sự thay đổi của tình hình kinh tế thế giới, không thể coi nhẹ vai trò của các thị trường mới nổi và các nước đang phát triển ngày càng trở nên quan trọng. Tại Hội nghị thượng đỉnh về tài chính ở Pittsburgh năm 2009, các nhà lãnh đạo của 20 quốc gia đã đi đến hiệp định về cải cách cơ chế tài chính tiền tệ quốc tế, theo đó sẽ dịch chuyển một phần định mức của Quỹ tiền tệ quốc tế và Ngân hàng thế giới sang cho các nước đang phát triển. Tại hội nghị mùa Xuân của Ngân hàng thế giới và Quỹ tiền tệ quốc tế tổ chức tháng 4/2010, đề án cải cách việc các nước đang phát triển, đồng thời gia tăng tiền vốn của Ngân hàng thế giới cuối cùng đã được thông qua. Hội nghị quyết định nâng quyền bỏ phiếu cho các nước đang phát triển trong Ngân hàng thế giới lên 3,13%, đạt 47,19%. Từ năm 2008 đến nay các nước phát triển đã chuyển dịch sang cho các nước đang phát triển tổng cộng 4,59% quyền bỏ phiếu. Quyền bỏ phiếu của Trung Quốc đã tăng từ 2,77% lên 4,42%, trở thành nước có cổ đông lớn thứ ba của Ngân hàng thế giới, chỉ sau Mỹ và Nhật Bản. Theo đề án cải cách mới nhất của Quỹ tiền tệ quốc tế về định mức chuyển dịch và quyền bỏ phiếu, quyền bỏ phiếu của Trung Quốc sẽ tăng lên đến 3,807%, có phần cao hơn mức 3,65% nhưng vẫn thấp hơn cam kết chính trị được đưa ra tại Hội nghị thượng đỉnh Pittsburgh.
Nhờ địa vị chủ đạo của Mỹ trong cơ chế tài chính quốc tế hiện nay và địa vị trung tâm của đồng USD nên sự phát triển của ngành khoa học công nghệ cao của Mỹ và chính sách can thiệp của Mỹ khiến cho nền kinh tế Mỹ thoát khỏi đáy vực vào quý 4 năm 2009, tỉ lệ tăng trưởng cả năm 2009 đạt 3%. Ảnh hưởng kinh tế của Mỹ tuy không bằng trước đây nhưng Mỹ vẫn là nguồn nhu cầu tiêu dùng lớn nhất thế giới. Hiện nay, Mỹ đang lợi dụng địa vị trung tâm của đồng USD, thông qua chương trình nới lỏng định lượng lần thứ hai chuyển dịch khủng hoảng tài chính của nước mình sang nước khác. Sau khi gây sức ép buộc đồng nhân dân tệ tăng giá không thành công, Mỹ thông qua cơ chế in tiền để mở rộng lượng phát hành đồng USD, buộc nước khác phải điều chỉnh tỉ giá hối đoái. Không thể phủ nhận rằng cơ chế kinh tế quốc tế đã phát sinh kiểu thay đổi nào đó, nhưng thay đổi này chỉ là biến lượng chứ chưa có sự thay đổi về chất.
“Nhất siêu đa cường” và xung đột quan niệm Đông – Tây vẫn y nguyên
Xem xét từ cơ cấu quyền lực, quan hệ nước lớn trong tình hình chính trị sau Chiến tranh Lạnh trên tổng thể dường như hoà hoãn, nhưng bất đồng giữa các nước lớn về thế giới đơn cực và thế giới đa cực vẫn chưa được giải quyết. Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) vẫn chưa giải thể theo sự giải tán của Tổ chức Hiệp ước Vácxava mà ngược lại, sau ba lần mở rộng, các nước thành viên của tổ chức này đã tăng lên đến 28 nước vào thời điểm hiện nay. Đồng thời Liên minh Mỹ-Nhật và Liên minh Mỹ-Hàn ở châu Á đều được duy trì và củng cố. Trong khi đó Tổ chức hợp tác Thượng Hải và Tổ chức hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương về cơ bản đều chưa thể thay đổi kết cấu quyền lực theo liên minh quân sự ở Đông Á. Cơ chế đối thoại hợp tác Trung-Nhật-Hàn lại nặng về kinh tế, cũng chưa làm giảm bớt được ý đồ đề phòng của liên minh quân sự do Mỹ xây dựng đối với Trung Quốc. Gần đây Mỹ và Nhật Bản điều chỉnh lại kế hoạch bố trí binh lực của hai nước này tại châu Á rõ ràng là có ý đồ nhắm vào Trung Quốc. Tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN năm 2010, Ngoại trưởng Mỹ H.Clinton tuyên bố Mỹ có lợi ích ở Nam Hải (Biển Đông), động thái này đã bộc lộ ý đồ chiến lược của Mỹ lợi dụng tranh chấp các đảo ở Nam Hải để bao vây Trung Quốc từ phía Nam.
Mười năm đầu thế kỷ mới, trọng tâm quân sự của Mỹ chuyển từ châu Âu sang châu Á, tuy lún sâu vào hai cuộc chiến Irắc và Ápganixtan nhưng mục tiêu chiến lược tranh bá toàn cầu của Mỹ vẫn không thay đổi. Obama thay đổi lại chính sách của Bush, nặng về chính sách trong nước hơn đối ngoại, thay đổi chiến lược đối ngoại là có tính sách lược chứ không mang tính chiến lược. Cái gọi là “thực lực tối ưu” mà Mỹ vẫn nói không ngoài việc lợi dụng mâu thuẫn bên ngoài để mình được lợi. Trong cơ cấu so sánh lực lượng trên thế giới, Mỹ vẫn giữ địa vị “siêu cường duy nhất”, thế giới vẫn đang ở trạng thái cơ bản “nhất siêu đa cường”.
Về xung đột quan niệm, trong quan hệ quốc tế, tuy vai trò của nhân tố kinh tế tăng lên nhưng đấu tranh giữa lợi ích quốc gia có chủ quyền và quyền lực vẫn là chủ đề không thay đổi trong hợp tác quốc tế. Trung Quốc nhấn mạnh con đường phát triển hoà bình, cách hiểu của phương Tây lại là “trỗi dậy”, hơn nữa cho rằng một nước lớn như Trung Quốc “trỗi dậy” như vậy tất yếu sẽ giống như nước phương Tây khác, sẽ tạo ra thách thức và đe doạ đối với nước bá quyền hiện hữu. Cách nghĩ theo thói quen truyền thống của phương Tây vẫn coi thị trường mới đang lên là thách thức đối với quyền lực kinh tế của họ. Sau Chiến tranh Lạnh, tư duy theo thói quen cũ về sự đối lập giữa ý thức hệ và chế độ xã hội tuy có yếu đi, nhưng vẫn có tác dụng mặt trái đối với an ninh và tin cậy lẫn nhau giữa các quốc gia. Theo đuổi địa vị lãnh đạo bá quyền và liên minh quân sự cùng với quan niệm cuộc chơi đang gây khó khăn cho việc giải quyết vấn đề điểm nóng ở châu Á trong bối cảnh kinh tế phát triển nhanh, kìm hãm tiến trình dân chủ hoá trong quan hệ quốc tế. Toàn cầu hoá kinh tế tuy đem lại sự điều hoà về nguồn vốn, tài nguyên, sức lao động và thị trường, quan niệm “hợp tác cùng thắng” đang phát triển nhưng từ trong cốt tuỷ, về căn bản phương Tây vẫn không muốn làm thay đổi trật tự kinh tế thế giới bất hợp lý, bất bình đẳng. Trong cuộc khủng hoảng tài chính quốc tế, phương Tây muốn nhờ vào dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc để thanh toán những phí tổn quá độ cho mô hình kinh tế phúc lợi cao của họ, nhưng lại không muốn thay đổi cơ chế kinh tế do phương Tây chủ đạo.
Ngoại giao Trung Quốc cần làm “ba việc đồng thời”
Thách thức phía trước, nguyên nhân đã lộ, như vậy Trung Quốc cần có phải có cách nào để đối phó? Đây mới là mấu chốt giải quyết vấn đề, cũng là mục đích chính cần thể hiện của bài viết này. Nói một cách cụ thể, Trung Quốc cần phải bắt đầu từ 3 phương diện là tự định vị về mình, nâng cao khả năng và giành quyền phát ngôn.
Trước hết, cần định vị cho mình là nước đang phát triển. Trong cách định vị như vậy, chiến lược ngoại giao phát triển hoà bình như hiện nay là đúng đắn, nhưng cách nói “trỗi dậy hoà bình” như trước đây dẫn đến sự lý giải theo mặt trái của báo chí phương Tây là khả năng đáng phải coi trọng. Thực lực kinh tế Trung Quốc ngày càng lớn mạnh là sự thực không phải tranh cãi, nhưng trong tuyên truyền đối ngoại cần phải nhấn mạnh sự thực là GDP bình quân đầu người vẫn đang xếp ở vị trí dưới 100 trên thế giới. Cần phải nhận thức đúng đắn nội hàm của giá trị tổng sản phẩm quốc nội GDP. Đồng thời phải ra sức tuyên truyền con đường phát triển hoà bình của Trung Quốc, giới thiệu một cách thực sự cầu thị hiện thực mất cân bằng trong phát triển kinh tế giữa miền Đông và miền Tây của Trung Quốc để thế giới hiểu toàn diện tình hình Trung Quốc, giải toả nghi ngờ về thực trạng là nước đang phát triển và con đường phát triển hoà bình của Trung Quốc.
Thứ hai, trong kết cấu quyền lực Trung Quốc cần nâng cao khả năng tự vệ và bảo vệ hoà bình thế giới. Thực lực kinh tế Trung Quốc tăng lên không tự động chuyển hoá thành sức mạnh quân sự tăng lên. Chỉ khi nào có được khả năng răn đe quân sự nhất định, tiếng nói và phát ngôn của Trung Quốc mới được coi trọng hơn trong cộng đồng quốc tế, mới có lợi cho quan hệ hai bờ phát triển hoà bình, cuối cùng thống nhất đất nước, và có lợi cho việc giải quyết hoà bình tranh chấp với các nước xung quanh. Trước hiện thực bá quyền “nhất siêu” của Mỹ, Primakov của Nga đã đề xuất tư tưởng chiến lược liên minh quân sự giữa Nga, Trung Quốc và Ấn Độ. Tuy nhiên, Trung Quốc không thể đi theo lối liên minh quân sự kiểu cũ của lịch sử. Bài học lịch sử rút ra từ hai cuộc chiến tranh thế giới và Chiến tranh Lạnh cần phải được nhớ kỹ, vì liên minh chính trị và tập đoàn chính trị chỉ đưa thế giới đến chỗ đối đầu, thậm chí là vực thẳm chiến tranh.
Thứ ba, trong cuộc đấu tranh giành quyền phát ngôn trên thế giới, Trung Quốc cần nhấn mạnh phải thông qua đạo lý quốc tế và phải trái đúng sai của bản thân sự việc để quyết định lập trường trong các công việc của thế giới. Trung Quốc phát triển quan hệ với tất cả các nước trên thế giới, vừa có quan hệ tốt với các nước lớn và các nhóm quốc gia chủ chốt, cũng vừa coi trọng quan hệ toàn diện và đi sâu phát triển quan hệ toàn diện với quảng đại các nước đang phát triển, đó là quyết định mang tính bản chất của ngoại giao Trung Quốc. Kiên trì đề xướng tư tưởng giải quyết các điểm nóng quốc tế không phải bằng chính trị quyền lực và liên kết quân sự, vượt lên trên ý thức hệ và chế độ xã hội để xử lý quan hệ quốc tế, như vậy mới có thể giúp cho xã hội quốc tế phát triển theo hướng hài hoà, lý trí và lành mạnh.
*
* *
TTXVN (Hồng Công 2/2)Theo báo Hồng Công “Bưu điện Hoa Nam buổi sáng” số ra gần đây, trong khi chính sách ngoại giao của Mỹ đang cố cân bằng giữa Nhà Trắng, Lầu Năm Góc, Quốc hội và những nhóm vận động hành lang ở nước này thì điều đó lại không có ở Trung Quốc.
Việc giới quân sự Trung Quốc ngày càng lớn giọng đang gây lo ngại cho các nước láng giềng cũng như tại Mỹ rằng Bắc Kinh sẽ cứng rắn hơn khi can dự với thế giới, hoặc ít nhất là khó đoán định hơn, với bất hoà giữa các tướng lĩnh “diều hâu” và các nhà ngoại giao mềm mỏng hơn đôi lúc thể hiện công khai.
Khi Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào bắt đầu chuyến thăm Mỹ, giới phân tích cho rằng việc giới quân sự Trung Quốc “lớn tiếng” hơn sẽ làm phức tạp các quan hệ song phương. Tuy nhiên, Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) đang chỉ có và sẽ tiếp tục chỉ có ảnh hưởng hạn chế đến chính sách đối ngoại bởi cơ cấu quyền lực của Trung Quốc. Mặt khác, dư luận chung có thể đẩy các nhà lãnh đạo Trung Quốc đến quan điểm cứng rắn hơn trong những vấn đề an ninh và chủ quyền.
Giáo sư Trang Kiến Trung của Đại học Giao thông Thượng Hải (Trung Quốc) nhận định: “Quân đội nằm dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Bộ Ngoại giao cũng vậy. Quân đội không thể áp đặt một quan điểm khác với Đảng lên chính sách đối ngoại”.
Giáo sư David Shambaugh, phụ trách Chương trình chính sách Trung Quốc tại Đại học George Washington (Mỹ) đánh giá: “Năm 1998, PLA đã bị mất vị thế ảnh hưởng được đến chính sách đối ngoại khi bị tách khỏi kinh doanh cũng như mất vai trò trong chính trị cấp quốc gia, khi được yêu cầu tập trung hoàn toàn vào hiện đại hoá quân đội”.
Các tướng lĩnh nghỉ hưu rời khỏi những vị trí quan trọng trong Đảng ở thập kỷ 1980 và 1990 được thay thế bởi các nhân vật dân sự. PLA không còn đại diện trong Uỷ ban Thường vụ Bộ Chính trị kể từ khi Tư lệnh Hải quân Lưu Hoa Thanh nghỉ hưu năm 1997.
Shambaugh nhận xét: “Ảnh hưởng của PLA với chính sách an ninh quốc gia là một câu chuyện khác, nhưng tôi không tán thành quan điểm rằng PLA đang tác động thực sự đến chính sách đối ngoại”.
Mặc dù vậy, những tiếng nói từ PLA đã vang lên mạnh mẽ hơn trong năm qua với việc các tướng lĩnh kêu gọi bán trái phiếu Chính phủ Mỹ để trừng phạt Oasinhton vì đã bán vũ khí cho Đài Loan, công khai đe doạ các quan chức Mỹ vì những cuộc tập trận hải quân chung tại các vùng biển gần kề Trung Quốc, đe doạ các quan chức Nhật Bản xung quanh quần đảo tranh chấp Điếu Ngư, chuyển tải các thông điệp “hiếu chiến” qua những bài bình luận trên báo chí và trong các cuộc phỏng vấn trên truyền hình.
Giáo sư Kim Xán Vinh của Đại học Nhân dân (Trung Quốc) bình luận: “Là bình thường khi xã hội trở nên đa nguyên hơn, sẽ có nhiều quan điểm bình luận hơn về các vấn đề đối ngoại. An ninh quốc gia là chuyên môn của PLA, vì thế không có gì ngạc nhiên khi họ thể hiện quan điểm”. Chuyên gia này nói thêm rằng điều đó không đại diện cho xu hướng hiện nay nhưng những bùng nổ đó chỉ ra một thách thức mới, đó là “đòi hỏi cần có sự sắp xếp tốt hơn”.
Những ý kiến khác cho rằng một môi trường đối ngoại đang thay đổi và các thách thức an ninh liên tiếp trong năm ngoái đã đổ thứ dầu hoàn hảo vào ngọn lửa là các cảm giác dân tộc chủ nghĩa và những kêu gọi rộng rãi đòi phản ứng cứng rắn hơn với những vấn đề liên quan đến chủ quyền và lãnh thổ. Sau đó, chúng lại biến thành sức ép lên các nhà lãnh đạo hoạch định chính sách.
Giáo sư Lưu Minh của Viện Khoa học Xã hội Thượng Hải bình luận: “Tình hình an ninh năm ngoái rất phức tạp. Một số yếu tố là trùng khớp ngẫu nhiên như vụ tàu Cheonan của Hàn Quốc bị đánh chìm hay vụ va chạm tàu ở Điếu Ngư. Những yếu tố khác chỉ là hệ quả tất yếu khi Tổng thống Mỹ Barack Obama chuyển trọng tâm chiến lược về châu Á, tăng cường sự hiện diện của Mỹ tại khu vực. Trong khi đó, với cuộc khủng hoảng tài chính và sự khoa trương toàn cầu rằng Trung Quốc đang trở thành đối trọng với Mỹ, có sự lạc quan quá mức ở Trung Quốc, từ giới lãnh đạo đến truyền thông và dư luận, trong đó có cả giới quân sự. Suy nghĩ chung của họ là: Mỹ cần chúng ta lúc này, nhưng vẫn đang cố chỉ huy, điều khiển chúng ta. Phải chăng chúng ta nên ít nhất thử cứng rắn hơn xem sao”.
Đa số những lời lẽ mạnh mẽ đến từ các tướng lĩnh nghỉ hưu cũng như các học giả chuyên về quân sự, vì thế chúng không đại diện cho quan điểm chính thức của PLA. Nhưng Lưu Minh cho rằng dù các bình luận đó đa phần mang tính cá nhân, chúng vẫn phù hợp với cảm giác chung: “Nếu nói Bộ Ngoại giao đang lắng nghe quân đội, có lẽ thích hợp hơn là cho rằng họ đang lắng nghe người dân”.
Giáo sư Lí Minh Giang của Đại học Công nghệ Nanyang (Xingapo) nhận định giới lãnh đạo hàng đầu Trung Quốc đã nới lỏng các vấn đề an ninh từ đầu năm ngoái khi cho phép nhiều “vai diễn” khác nổi lên từ PLA cho đến Cục Quản lý Đại dương Quốc gia, kết quả là một quan điểm cứng rắn hơn với những vấn đề tại Đông Á.
Màn “phục kích” phối hợp của Mỹ và các thành viên ASEAN tại một cuộc họp ở Hà Nội hồi tháng 7/2010 nhằm vào các lợi ích của Trung Quốc ở biển Đông bị coi là “một cái tát” vào mặt Bộ Ngoại giao nước này.
Một số chuyên gia như Tiến sĩ Jonathan Holslag của Viện Nghiên cứu Trung Quốc Đương đại tại Brúcxen (Bỉ) cho rằng đang có “sự phân chia công việc” được Bắc Kinh trù tính: “Vấn đề là quân đội vẫn phô diễn sức mạnh trên biển, tiến hành thử các khí tài mới, giữ quan điểm cứng rắn trong các cuộc gặp chính thức với Mỹ. Điều đó cho thấy thực chất đang có phân chia công việc giữa quân đội và Bộ Ngoại giao, với một bộ phận lớn các lãnh đạo tối cao nếu không chỉ đạo thì cũng chờ đợi PLA thể hiện sự cứng rắn, mạnh mẽ liên quan tới những lợi ích an ninh chủ chốt”.
Vụ nổi bật gần đây nhất là chuyến bay thử của máy bay tiêm kích tàng hình J-20 khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates đang thăm Bắc Kinh, động thái dường như các lãnh đạo dân sự Trung Quốc không được biết. Tiến sĩ Holslag bình luận: “Nó cũng cho thấy Bắc Kinh có khuynh hướng coi sức mạnh đó, chứ không phải sự thoả hiệp, sẽ quyết định kết quả của cục diện Thái Bình Dương mới”.
Việc nổi lên những quan điểm cứng rắn có phải là đại diện cho một sự buông lỏng có kiểm soát của tình cảm dân tộc chủ nghĩa hay là minh chứng cho một sự thay đổi chính sách, điều đó còn nhiều tranh luận. Nhưng một số nhà phân tích cho rằng đến cuối năm ngoái, giới quân sự Trung Quốc đã bị kéo trở về với quan điểm từ lâu của Đảng. Giáo sư Lí Minh Giang đánh giá: “Rõ ràng có một mệnh lệnh từ cấp cao rằng mọi người không được quá cứng rắn trong can dự quốc tế”.
Theo chuyên gia trên, trong khi một số tướng lĩnh tiếp tục viết những bài bình luận, họ đã không còn nhằm trực diện vào một quốc gia nào và khó mà so sánh được với bài xã luận hiếm hoi dài 9.000 chữ của Uỷ viên Quốc vụ viện Đới Bỉnh Quốc, nhà ngoại giao hàng đầu Trung Quốc, hồi tháng 12/2010. Bài xã luận này lặp lại cam kết của Bắc Kinh phát triển hoà bình, nói rằng Trung Quốc không muốn thay thế vị trí của Mỹ trong các vấn đề quốc tế./.