Đã gần một tháng kể từ ngày cô con gái bị giết tức tưởi và thê thảm, giáo sư Vũ Đình Huy với mái tóc bạc trắng dường như vẫn không tin được biến cố quá lớn đã xảy ra đối với gia đình mình.
Ngay tại hành lang một chung cư đông người giữa ban ngày, vợ chồng ông bàng hoàng nghe tiếng kêu cứu, không kịp ngăn chặn được hành vi của một kẻ thủ ác sử dụng hung khí gây ra cái chết của con gái mình dưới chân cầu thang...
Con gái ông là cô gái hiền lành, xinh xắn, tốt nghiệp ngành kinh tế đối ngoại trường đại học Kinh tế TPHCM ra trường đã đi làm ở một doanh nghiệp lớn của ngành dầu khí Việt Nam. Khi gia đình còn ở quận Tân Bình, ông không biết được rằng con gái mình bị một người vốn dĩ là sinh viên tại trường nơi ông dạy học, yêu đơn phương và có nhiều hành động hung bạo, săn đuổi, tỏ tình, thậm chí ngăn cản việc đi lại, quan hệ bạn bè hay sinh hoạt bình thường của cô.
Con gái ông là cô gái hiền lành, xinh xắn, tốt nghiệp ngành kinh tế đối ngoại trường đại học Kinh tế TPHCM ra trường đã đi làm ở một doanh nghiệp lớn của ngành dầu khí Việt Nam. Khi gia đình còn ở quận Tân Bình, ông không biết được rằng con gái mình bị một người vốn dĩ là sinh viên tại trường nơi ông dạy học, yêu đơn phương và có nhiều hành động hung bạo, săn đuổi, tỏ tình, thậm chí ngăn cản việc đi lại, quan hệ bạn bè hay sinh hoạt bình thường của cô.
Đến khi gia đình chuyển về căn hộ trên tầng 3 của một chung cư nhỏ trên đường Trần Hưng Đạo, quận 5, thấy con gái mình có biểu hiện bất an, giờ giấc đi về thất thường, bỏ học lớp tiếng Anh buổi tối, vợ chồng ông hỏi, mới được biết câu chuyện nói trên. Làm cha mẹ, lo lắng trước mối đe doạ cuộc sống của con mình, ông bà đã gặp trực tiếp N.Đ.T - kẻ sau này giết con gái mình - dùng hết tình cảm để nói chuyện phải trái, bởi chuyện tình cảm đôi lứa phải xuất phát từ hai phía và dựa trên tình yêu.
Ông kể lại: “Khi đó, tôi nói với T. là dù bác không trực tiếp lên lớp giảng dạy cho cháu một tiết học nào, nhưng bác vẫn có thể coi cháu như là học trò, vì bác đã dạy ở trường đại học ngay từ khi cháu còn là sinh viên chưa ra trường. Trên cương vị là người cha của con gái bác và người thầy của cháu, bác khuyên cháu đừng đeo đuổi và liên lạc với con gái bác nữa...”. Sau buổi nói chuyện đó, T. cũng có hứa là sẽ nghe theo lời khuyên của ông, không làm phiền đến gia đình ông nữa...
Vậy mà chỉ một tuần sau, ông lặng người khi biết T. vẫn xuất hiện và lặp lại hành động thô bạo với con mình như trước đây, rồi còn dùng những lời lẽ đe doạ giết chết con gái ông ngay tại nhà hoặc tại công ty, giết cả những người nào muốn đến với con gái ông...
Mặc dù vợ chồng ông đã phải thay nhau đưa đón con gái đi làm, nhưng nghe những lời đe doạ đó, vợ chồng ông ngủ không yên, có lần gọi điện cho cả cảnh sát 113. Theo ông trình bày, cảnh sát bảo “đích thân con gái bác phải viết tường trình báo cáo sự việc thì chúng tôi mới có cơ sở can thiệp”. Nhưng thực tế con gái ông không dám viết vì T. đã từng đe doạ rằng, nếu con gái ông báo cho công an biết thì sẽ giết cả gia đình. Công an chẳng thể bảo vệ được con 24/24 giờ...
Ông kêu cứu đến lãnh đạo công ty nơi con gái ông làm việc, chỉ nghe được lời thật tình là chuyện tình cảm riêng tư của cháu, công ty không can thiệp được. Ông nhờ đội bảo vệ toà nhà nơi công ty toạ lạc ngăn chặn không cho T. vào quậy phá trong công ty nơi con gái ông làm việc thì được trả lời: “Toà nhà này có nhiều cơ quan thuê. Chúng cháu không có quyền ngăn cản ai vào, ra nơi đây!”.
Ông bà không biết làm sao, nghĩ đến cách để cho con gái đi học tiếp ở nước ngoài thông qua học bổng mà con trai ông đang công tác dài hạn tại một nước Châu Âu tìm được. Cháu đang cố trau dồi thêm tiếng Anh để có thể tiếp tục việc học hành, nhưng ước nguyện đó chưa thành thì tai hoạ đã xảy ra...
Ông ngậm ngùi nói với tôi: “Những người lương thiện như gia đình tôi, biết trước hiểm hoạ đang rình rập, nơm nớp lo sợ hàng tháng trời mà không biết dựa vào đâu để bảo vệ được mạng sống của con gái mình!”. Nghe lời ông nói, tôi hình dung tiếng thét thất thanh của con gái ông trước khi bị đâm chết bởi kẻ giết người man rợ như biến thành tiếng kêu cứu khẩn thiết của những người dân lương thiện trong xã hội.
Ông tha thiết bày tỏ nguyện vọng muốn gửi một lá thư lên một vị giáo sư bạn học là đại biểu Quốc hội đương nhiệm, đề xuất Quốc hội nghiên cứu ban hành Luật bảo vệ người lương thiện nhằm nghiêm trị ngay những kẻ nào đe doạ người khác bằng lời nói hoặc hành động, kẻ quấy rối tình dục, hoặc xúc phạm nhân phẩm của người khác, chứ đừng chờ đến khi kẻ thủ ác đã giết hại người lương thiện rồi thì công an, viện kiểm sát và toà án mới vào cuộc...
Tôi hiểu với tư cách là một nhà khoa học, nhà sư phạm và là một nhà thơ, từ tai hoạ của gia đình mình, ông mong muốn đưa ra lời cảnh báo cho mỗi gia đình, nhà trường và xã hội cần phải xem xét lại cách giáo dục con cái, thanh thiếu niên hiện nay.
Như ông đã nhận xét, phải chăng thực trạng hiện nay gia đình thì phó mặc cho nhà trường, các thầy cô giáo ở trường - trong đó có một phần của cả chính ông - lại chỉ dạy cho học sinh kiến thức khoa học, chuyên môn và kỹ năng nghề nghiệp, mà chưa chú trọng giáo dục nhân cách làm người lương thiện? Và phải chăng, vẫn tồn tại hiện tượng những người dân lương thiện thì sợ kẻ ác, đành mặc cho cái ác hoành hành, khiến cho cả xã hội có nguy cơ trở thành môi trường bất an.
Luật sư PHAN TRUNG HOÀI