Nam Phương/Người Việt
QUẢNG TRỊ (NV) - Hàng trăm người dân ở thôn Thâm Khê, xã Hải Khê, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị đã trói phó công an xã, đòi lại một thùng thư dân nguyện quyên góp việc chung ở địa phương.
|
Hoạt động khai thác titan đã tàn phá tan hoang bờ biển Vĩnh Thái. (Hình: SGGP) |
Trong cuộc tiếp xúc với nhật báo Người Việt hôm Thứ Sáu, một người địa phương kể cho biết sự việc đã xảy ra vào ngày Thứ Ba, 22 tháng 3, 2011 vừa qua.
“Phó công an xã đã bị người dân giữ cho tới khi đại diện công an từ tỉnh về giải hòa thì dân mới thả.” Người dân thôn Thâm Khê yêu cầu ẩn anh nói với báo Người Việt.
“Dân làng chúng tôi chống lại khai thác cát titan vì qua kinh nghiệm của các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, sau khi khai thác, nguồn nước bị cạn kiệt. Nước còn lại bị hóa chất đỏ lòm không dùng được.” Người đó nói. “Không những vậy, chỗ họ muốn lấy titan là nơi có nghĩa trang dân làng có các ngôi mộ tổ tiên cả trăm năm, bây chừ họ muốn phá bỏ hết.”
Một người dân khác nói rằng: “Nước không uống được nữa, dân sẽ chết.”
Theo các người dân Thâm Khê nói với báo Người Việt, ngày Thứ Năm, “có một phái đoàn gồm phó chủ tịch tỉnh, phó công an tỉnh Quảng Trị nói, nếu dân không đồng tình thì không làm.” Nhưng một trong số các người dân này tỏ vẻ hoài nghi sự thành thật của các ông quan nói trên khi nói “rồi không biết sao vì có vẻ như các sự sửa soạn để khai thác titan ở Thâm Khê vẫn âm thầm tiến hành.”
Theo lời một người dân nói với báo Người Việt: “Chúng tôi đã gửi đơn khiếu nại tới 7 lần cho các cấp từ huyện tới tỉnh, cả chính phủ, Bộ Quốc Phòng, Bộ Công An, Quốc Hội, nhưng đều không được trả lời.”
“Nếu họ vẫn cứ làm thì sao?” Một trong hai người dân Thâm Khê nói: “Chúng tôi sẽ biểu tình, kiên quyết chống.”
Ngày 24 tháng 10, 2010, báo Công An Nhân Dân (CAND) đã có bản tin nói: “Người dân thôn Thâm Khê, xã Hải Khê, huyện Hải Lăng (Quảng Trị) vừa gửi đơn cầu cứu tới đơn vị chức năng ở tỉnh này về việc cán bộ xã Thâm Khê và cán bộ huyện Hải Lăng đã triệu tập người dân đến nhà ông Nguyễn Minh Trí ở đội 2, thôn Thâm Khê để vận động bà con đồng ý cho doanh nghiệp tư nhân khai thác titan trên địa bàn.”
Bản tin CAND nói: “Trong cuộc họp, bà con đã không đồng ý và sau đó đã phản ánh nội dung của cuộc vận động trên bằng văn bản, gửi đến UBND xã Hải Khê và UBND huyện Hải Lăng nhờ can thiệp không cấp phép cho doanh nghiệp khai thác titan ở đây. Tuy nhiên, mong muốn của bà con đã không được chính quyền các cấp hồi âm.”
Trước đó, đầu năm 2010, “cán bộ xã Hải Khê và cán bộ huyện Hải Lăng đã vận động bà con đồng ý cho doanh nghiệp tư nhân khai thác titan trên địa bàn. Người dân Thâm Khê kịch liệt phản đối.”
Theo một người dân Thâm Khê, công an đã đánh dân bằng gậy khi bị phản đối lúc cướp thùng thư quyên góp của dân. Nổi giận vì hành vi ngang ngược của công an “hàng trăm người dân, hầu hết là phụ nữ” đã “bắt trói phó công an xã Hải Khê giam ở đình làng.”
Sau khi khai thác titan, nhiều công ty đã không hoàn trả mặt bằng mà để lại những hố sâu hoắm bẫy người dân. (Hình: Pháp Luật TP) |
“Nếu họ vẫn tiến hành khai thác cát titan, có thể có đổ máu,” nguồn tin nói với báo Người Việt. “Người dân chúng tôi rất cương quyết bảo vệ nguồn sống.”
Cát titan là một dạng thiên nhiên của một thứ kim loại gọi là titanium. Nó nhẹ chỉ bằng nửa thép nhưng có độ bền không kém. Titanium được khai thác để sử dụng trong các kỹ nghệ hàng không, điện toán, xe hơi, y khoa và rất nhiều ngành kỹ nghệ khác nhau khi sản xuất thành những hợp kim.
Việt Nam không có kỹ nghệ nặng để sử dụng cát titan nên từ hơn 20 năm qua, những công ty lớn nhỏ ăn chịu với đám quan chức các cấp tận lực đào xới để xuất cảng cát titan thô. Hệ quả, những vùng biển dài chạy từ Quảng Bình đến tận Bình Thuận, xưa nay được trồng phi lao giữ cát, chống bão đều bị phá hủy hoàn toàn, để lại những vũng lầy ô nhiễm.
Rất nhiều bài báo của các tờ Tuổi Trẻ, Lao Ðộng, Sài Gòn Giải Phóng, Pháp Luật TP Sài Gòn, Thanh Niên, đưa ra các loạt bài nói về tình trạng khai thác cát titan bừa bãi dọc theo biển các tỉnh miền Trung. Các công ty này hứa hẹn “hoàn thổ” trả lại môi trường cho địa phương sau khi lấy cát titan, nhưng thực tế, tất cả đều làm ngược lại.
Chỉ riêng ở tỉnh Quảng Trị, ngày 29 tháng 6, 2009, báo SGGP đã mô tả tình trạng “tan hoang bờ biển Vĩnh Thái” thuộc huyện Vĩnh Linh “Những cánh rừng phi lao ven biển Vĩnh Thái đã bị chặt phá, đào bới từ gần 20 năm nay để phục vụ việc khai thác titan. Trơ lại giữa cát là gió bụi cùng hàng trăm thứ tạp chất độc hại thải ra từ những cỗ máy hút cát ầm ào chạy suốt ngày đêm.”
Ngô Thế Thanh, phó bí thư đảng ủy của xã Vĩnh Thái kêu trong bản tin của tờ SGGP: “Việc các công ty khai thác titan trên địa bàn xã Vĩnh Thái không thực hiện nghiêm túc các cam kết ban đầu đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường và an sinh xã hội. Ðơn cử, việc tôn tạo các án cát không kịp thời, không đảm bảo, dẫn đến nước biển tràn vào ruộng đồng và đe dọa khu dân cư. Ðó là chưa kể có những án cát sau khi bị phá hủy sẽ không tôn tạo lại được do đặc điểm địa hình, quy trình bồi lấp của biển.”
Ngày 30 tháng 5, 2010, tờ Thiennhien.net kêu rằng: “Gần 20 năm nay, những cánh rừng phi lao ven biển Vĩnh Thái và một số địa phương khác ở Gio Linh (Quảng Trị) đã bị chặt hạ, bờ biển bị đào bới phục vụ cho việc khai thác titan. Và ngày nay, hậu quả là quá trình sa mạc hóa và cạn kiệt nguồn nước đã ảnh hưởng nghiêm trọng đời sống của người dân.”
Tất cả các vụ khai thác titan đều bị dân chúng kịch liệt chống đối, các báo lên tiếng nhưng tất cả đều rơi vào quãng không.
Bây giờ, công ty Hiếu Giang đang chuẩn bị cày xới các đồi cát trồng phi lao phòng hộ ở thôn Thâm Khê mà người dân nơi đây quyết liệt chống đối.