Lời giới thiệu của người dịch: Richard Posner là thẩm phán Tòa Kháng Án Lưu Động Hoa Kỳ (U.S. Court of Appeals, Seventh Circuit) và Giảng sư Thâm niên tại Trường Luật của Đại học Chicago. Ông là một luật gia bảo thủ, có nhiều ảnh hưởng lớn trong trường phái luật và kinh tế học (law and economics). Qua nhiều tác phẩm nổi tiếng đã xuất bản, như Thực Tiễn và Dân Chủ (Pragmatism và Democracy), Tình Dục và Lý Lẽ (Sex and Reason), Khắc Phục Luật Pháp (Overcoming Law), ông đã áp dụng kiến thức luật pháp của mình vào nhiều lĩnh vực sâu rộng khác như văn chương, văn hóa, luân lý, triết học, nghệ thuật thông tin và giải trí, v.v….
Bài tiểu luận duới đây được dịch từ nguyên bản Anh ngữ, “On Plagiarism,” đăng lần đầu trên tạp chí The Atlantic (April 2002), Tuy tựa bài chỉ đề cập đến đạo văn (plagiarism), Posner trong bài phân biệt hai trường hợp: (1) đạo văn ở môi trường hàn lâm (trong giới học giả chuyên môn hoặc ở tầng lớp sinh viên, học sinh đại học và trung học), và (2) vi phạm tác quyền trong lĩnh vực văn chương và nghệ thuật giải trí. Ông coi trường hợp đạo văn có phần trầm trọng hơn chuyện vi phạm tác quyền, vì chuyện vi phạm tác quyền chỉ thiệt hại đến quyền lợi kinh tế của tác giả nhưng không ảnh hưởng sâu đậm đến giới tiêu thụ là độc giả/khán giả. Bài tiểu luận của Posner vì thế đã gây nhiều cuộc tranh cãi sôi nổi trong giới cầm bút Hoa Kỳ, nhất là giới văn nghệ sĩ bị đe dọa bởi văn hóa mạng mà họ coi là một văn hóa “thô lậu nhiễu nhương của nhóm đạo tặc” (theo lời nhà văn Mark Helprin, tác giả quyển Digital Barbarism: A Writer’s Manifesto).
Thẩm phán Posner “đi lạc” trong xứ sở ảo của Hamlet
Gần đây hai sử gia nổi tiếng đã bị phát giác là chép nguyên văn nhiều tài liệu từ sách của các sử gia khác. Họ đã ghi các nguồn này xuống phần chú thích, nhưng đã không để ngoặc kép xung quanh những đoạn được họ chép lại. Cả hai sử gia này lập tức bị chìm ngợp trong một “núi lở” của luồng chỉ trích nặng nề từ công chúng. Chuyện tai tiếng rồi cũng sẽ đi vào quên lãng, nhưng nó để lại một câu hỏi dai dẳng, “thế nào là đạo văn?” và “tại sao hành động này thường bị miệt thị? Đây là những câu hỏi quan trọng. Nhãn hiệu “đạo văn” có thể tiêu tùng sự nghiệp của một nhà văn, hủy diệt công danh của một học giả, làm tan tành cơ hội tái đắc cử của một chính khách, và loại trừ một học sinh hay sinh viên ra khỏi nhà trường hoặc một viện đại học. Những lập trình truy kiếm của máy tính, tuy về lâu dài có thể ngăn ngừa chuyện đạo văn, trong lúc này cũng giúp người ta phanh phui ra thêm nhiều trường hợp lấy cắp tài sản trí tuệ.Trước hết, ta phải phân biệt trường hợp đạo văn với chuyện vi phạm tác quyền. Cả hai đều là sao chép, nhưng trường hợp thứ hai, kẻ vi phạm tác quyền có ý đồ “chỗm trên” lợi tức được khai triển từ tài sản của người khác –đó là người giữ tác quyền của văn bản mà kẻ vi phạm đã sao chép lại. Bản sao trộm cùa một tác phẩm best-seller đang thịnh hành là một thí dụ điển hình về trường hợp vi phạm tác quyền. Tuy nhiên, sẽ không có chuyện vi phạm tác quyền nếu tác quyền “bị đánh cắp” đã thuộc về quần chúng (public domain)- trong trường hợp đó tác phẩm không còn tác quyền – hoặc mục đích chính không phải là chuyện lấy cắp lợi tức của người giữ tác quyền. Khái niệm fair use (sử dụng công bằng) cho phép người viết trích những đoạn ngắn từ một tác phẩm khi viết một bài điểm sách hay phê bình, và một nghệ sĩ chuyên phiếm nhạo từ tác phẩm có bản quyền sẽ được tùy tiện sao chép, để người đọc biết rằng tác phẩm thứ hai là một tác phẩm nhạo. Một nhà văn vì vậy có thể trích một đoạn văn từ một nhà văn khác để giúp cuộc thảo luận được hào hứng hơn, nhưng nếu trích mà nhập nhằng không để ngoặc kép –làm người khác hiểu như đó là tư tưởng của mình –thì điều đó đã thành sự lừa bịp chứ không phải là một xử sự công bằng nữa.
“Đạo văn,” trong nghĩa rộng nhất của khái niệm có phần bấp bênh này, giản dị là chuyện sao chép không xin phép, cho dù đó là một tác phẩm có, hay không có, tác quyền. Thật ra, đạo văn cũng có thể là sự sao chép từ một tác phẩm không thể có [hay đã mất] bản quyền, chằng hạn như một tư tưởng, hay một sáng kiến. Nếu tôi tái bản Hamlet dưới tên của mình–một bản kịch đã thuộc về quần chúng 500 năm sau khi Shakespeare qua đời—thì tôi là một tên đạo văn chứ không phải là kẻ vi phạm tác quyền. Shakespeare là một kẻ đạo văn thượng thặng trong nghĩa rộng của tôi. Đoạn thơ nổi tiếng của Shakespeare trong vở kịch Antony và Cleopatra tả Cleopatra ngồi trong vương thuyền đã được “chỗm” gần như trọn bộ từ một bản dịch [Anh ngữ] từ tài liệu sử của Plutarch về cuộc đời Mark Antony. Đây là câu văn của Plutarch, “ở hai bên nàng, những thiếu niên xinh đẹp, tóc vàng, mặc y phục theo kiểu các họa sĩ thường vẽ thần Cupid, với những cánh quạt xinh xắn trong tay, phe phẩy quạt gió trên người nàng,”[1]
dưới ngòi bút của Shakespeare, trở thành,
Hai bên nàng tủm tỉm
Mấy cậu xinh xinh, như thần Tình Ái má lúm đồng tiền
Phì phạch cánh quạt ngũ sắc, gợi làn gió tô màu
Gò má tơ đào, mát mặt mỹ nhân.[2]
(On each side her
Stood pretty dimpled boys, like smiling Cupids
With divers-colour’d fans, whose wind did seem
To glow the delicate cheeks which they did cool)
Chú ý cách diễn tả của Shakespeare đã “hồi sinh” văn cổ của Plutarch. Rồi T. S. Eliot, trong bài thơ Đất Hoang (The Waste Land) sau đó lại “đạo văn” thơ của Shakespeare ở đoạn Shakespeare giới thiệu cảnh Cleopatra ngồi trong vương thuyền:
Khoang thuyền rồng, nàng ngồi, ngai vàng lộng lẫy
Như cháy rực trên mặt nước ….
(The barge she sat in, like a burnish’d throne
Burn’d on the water)
Trong Đất Hoang của T.S. Eliot, hai câu thơ này đã trở thành:
Ghế bà ngồi như ngai vàng chói lọi
Rực ấm trên nền cẩm thạch ….
(The Chair she sat in, like a burnished throne
Glowed on the marble.)
Nhắc đến Shakespeare cũng giúp tôi thấy rằng phim [ca nhạc] West Side Story cũng chỉ là mắt xích trong sợi dây chuyền dài của quá trình đạo văn, bắt đầu với truyện Pyramus và Thisbe của Ovid [3] và nối tiếp với Thảm kịch Romeus and Juliet của Arthur Brooke, kịch gia cùng thời với Shakespeare nhưng nay đã bị người đời quên lãng, [có lẽ vì] kịch của ông đã bị Shakespeare “cướp” coi như hoàn hảo. Nhà thơ John Milton trong Thiên Đàng Đánh Mất (Paradise Lost) đã đạo văn Sách Sáng Thế, cũng như Thomas Mann qua tiểu thuyết Joseph và Các Anh Em Ngài (Joseph and His Brothers).
Những thí dụ đạo văn không chỉ giới hạn trong văn chương. Họa sĩ Edouard Manet, với những tác phẩm hội họa trong thập niên 1890 đã “trích” tự do từ các họa sĩ tiền bối của ông, như Raphael, Titian, Vélasquez, Rembrandt, và nhiều họa sĩ khác, dĩ nhiên là không bao giờ có sự thừa nhận công khai.
Nếu trên đây là những thí dụ của sự đạo văn, thì chúng ta chắc chắn muốn có thêm những trường hợp như vậy. Chúng cho ta thấy rằng không phải mọi hành động sao chép đều là chuyện đạo văn có nghĩa xấu. Tuy không có sự xin phép hay thừa nhận chính thức về chuyện sao chép trong những trường hợp trên, cũng chẳng hề có chuyện lừa bịp ở đó. Người sao chép đã tăng giá trị nghệ thuật của bản gốc – đây không phải là chuyện sao chép máy móc. Đạo văn chỉ là chuyện “vô tội vạ” khi yếu tố sáng tạo không là đìều quan trọng; (cho nên đã có những vị thẩm phán cố che dấu sự sáng tạo bằng cách làm ra vẻ như những phán quyết từ ngòi bút của họ đã được chỉ định bởi những “ca” tiền lệ, do đó họ “ăn cắp” tự do từ đồng nghiệp, chẳng cần xác nhận mà cũng chẳng gây hiềm khích với ai.)
Nhưng nói cho cùng, lời biện hộ duy nhất mà một người viết có thể có – trong trường hợp lấy văn của người khác mà không xác định rằng những đoạn văn sao chép không do chính họ sáng tạo – là sự xuôi chảy trong giòng tư tưởng của họ sẽ bị cắt đứt nếu họ phải chặn đứng tình tiết để giải nghĩa dài dòng, đại loại, “một tiền bối của tôi, ông/bà _______, đã thể hiện điều tôi muốn nói sâu sắc và ý nhị hơn, cho nên thay vì tóm tắt ý của ông/bà ấy, tôi xin ghi xuống đoạn sau đây, đóng khung trong ngoặc kép, từ quyển sách của ông/bà ấy là _______.” Và gần như không thể có một lời biện hộ nào hợp lý để bênh vực một người viết đã đạo văn chỉ vì lười biếng hay đãng trí – trường hợp đãng trí là lối biện hộ thông dụng nhất của một tác giả trước bằng chứng rành rành của sự đạo văn.
Vì việc chú thích ở cuối một bài viết không có nghĩa là người viết được quyền sát nhập nguyên văn tài liệu từ nguồn được chú thích, lý lẽ duy nhất có thể dùng để bênh vực hai sử gia mà tôi có nhắc ở đầu bài là [nhờ có chú thích], họ đã giúp cho chuyện đạo văn của họ được khám phá dễ dàng hơn. Điều này liên hệ đến tầm mức nặng/nhẹ của dư luận chỉ trích họ. Một trong những lý do mà sự đạo văn bị chỉ trích thậm tệ là vì thông thường hành động này không dễ được phát hiện, như trường hợp một học trò sao chép bài luận văn, hay tương đối nhẹ hơn là chuyện một giáo sư lỡ sát nhập tài liệu của người khác vào thân bài của mình. (Ngược lại, Eliot và Manet muốn khán giả của họ biết được chuyện họ vay mượn từ các nguồn khác). Hai thí dụ [học trò đạo văn, học giả “sơ ý”] là hai trường hợp rất trầm trọng về sự lừa bịp, vì chúng có thể khuyến khích người đọc hành động theo một chiều hướng nhất định, như cho học sinh điểm tốt hay bầu phiếu để vị giáo sư được thăng tiến trong nghề nghiệp –hành động mà người đọc sẽ không chọn nếu họ biết rõ sự thật.
Trái lại, giới độc giả của những câu chuyện “mua vui cũng được một vài trống canh” không phải là những sử gia chuyên môn, và phần đông cũng không nhất thiết đòi hỏi sự sáng tạo nguyên xi từ người kể chuyện. Quần chúng ai ai cũng muốn thưởng thức một tiểu thuyết sôi nổi, hoặc một show trình diễn ngoạn mục. Chuyện một tác phẩm, hay một kịch bản là công trình hay mồ hôi nước mắt của nhiều trí óc–thật ra, hầu hết những bộ môn nghệ thuật giải trí đều là như vậy-cũng chẳng ảnh hưởng gì [đến khả năng truyền cảm của nó]. Khán giả không bị thiệt hại bởi những trường hợp “bổn cũ soạn lại” trong địa hạt nghệ thuật giải trí, mà chỉ có những tác giả kém may mắn, với những tác phẩm không le lói sắc màu của mấy thỏi vàng lấy cắp.
Chú thích của người dịch:
[1] Bản dịch Anh ngữ từ tài liệu sử (nguyên bản La-tinh) của Plutarch là như sau: “on either side of her, pretty, fair boys apparelled as painters do set forth the god Cupid, with little fans in their hands, with which they fanned wind upon her.”
[2] Những lời thơ dịch sang Việt ngữ trong bài là của Đinh Từ Bích Thúy.
[3] Điển tích Pyramus và Thisbe của Ovid có cốt truyện gần giống như truyện Romeus và Juliet của Arthur Brooke (mà Shakespeare “lấy trộm”), sau này được biến hóa thành phim ca nhạc West Side Story ở đầu thập niên 1960, với hai tài tử là Natalie Wood và Richard Beymer thủ vai chính) kể chuyện cặp tình nhân trong thành phố Babylon, ở hai căn nhà cách nhau một vách, nhưng bị bố mẹ cấm không cho lấy nhau vì hai bên gia đình thù hận nhau. Qua vách ngăn hai căn nhà, họ thủ thỉ lời tỏ tình và hen gặp nhau ở mộ của Ninus (người thành lập Nineveh, cố đô của Assyria), dưới bóng một cây dâu tằm. Thisbe đến trước, nhưng thấy một con sư tử cái với miệng đầy máu me sau khi vừa ăn sống một con mồi, bèn hốt hoảng bỏ chạy, làm rớt tuột voan che tóc lúc tẩu thoát. Con sư tử cái lúc đi khỏi lại vô tình dàu xé voan che tóc của Thisbe nằm trên đất. Khi Pyramus đến điểm hẹn, chàng kinh hoàng nhìn thấy voan bị xé nát của Thisbe, ngờ rằng thú dữ trước đó đã giết người yêu của mình. Pyramus bèn tự tử bằng cách ngã vập vào mũi kiếm theo truyền thống La Mã, làm máu tóe lên những lá dâu tằm màu trắng. Máu chàng thấm đỏ những trái dâu tằm. Thisbe trở lại, chưa kịp kể chuyện con sư tử cái với Pyramus thì đã thấy xác chàng nằm dưới bóng dâu tằm. Sau một hồi than khóc, Thisbe tự vẫn với thanh kiếm của Pyramus. Những vị thần, xúc động bởi lời than khóc ai oán của Thisbe, đã đổi màu dâu tằm thành màu đỏ của máu để vinh danh tình yêu bị cấm đoán của đôi tình nhân.