Mặc Lâm, biên tập viên RFA 2011-03-27
Sáng ngày 21 tháng 3 vừa qua, giáo dân xã Kỳ Lợi, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh đã bắt giữ 5 công an và giam họ tại nhà văn hóa xã.
Lý do vì trong khi người dân tranh chấp với tập đoàn Formosa, không cho tập đoàn này đem tàu tới nạo vét cảng Vũng Áng thuộc vùng nước sâu Sơn Dương thì 5 công an này có thái độ hăm dọa và quay phim chụp cảnh người dân đang tranh chấp.
Mặc Lâm phỏng vấn ông Trần Ngọc Quý, chủ tịch hội đồng mục vụ giáo xứ Đông Yên để tìm hiểu thêm diễn tiến của vụ này, trước tiên ông Quý cho biết:
Phản đối công ty Đài Loan
Ô. Trần Ngọc Quý: Tôi là Trần Ngọc Quý, chủ tịch hội đồng mục vụ giáo xứ Đông Yên. Công việc xảy ra sau khi khu kinh tế Vũng Áng được hình thành tức là chính phủ có ý xây dựng khu kinh tế này thì trong đó có cảng nước sâu Sơn Dương do Formosa của Đài Loan đứng ra làm chủ dự án xây dựng cảng Sơn Dương.
Cảng này bà con nhân dân ở vùng Đông Yên bao đời nay hằng trăm năm rồi họ sinh sống chính trên mặt biển và trong khu vực đảo Sơn Dương một thời gian khá dài. Bắt đầu từ khi tàu xây dựng thi công đến cảng thì dân chúng gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống. Họ mong chờ sự trả lời của chính phủ để xem thử cách trả lời về cuộc sống của người dân sau này ra sao.
Mãi đến một thời gian quá dài thì người dân không thể chờ đợi được. Cho đến khi tàu nạo vét về vào ngày mùng 1 tháng 3, mãi cho đến ngày 10 nhà nước cũng không có ý định gì đối với dân chúng.
Sau khi con tàu nạo vét cảng làm việc thì đời sống người dân trên mặt biển không còn, vì nạo vét lớn làm chất thải ra môi trường, môi sinh. Đặc biệt ngư trường trở nên khó khăn vì thế toàn thể nhân dân họp lại làm một kiến nghị gửi lên mọi cấp kể cả khu kinh tế Vũng Áng.
Mặc Lâm: Xin ông cho biết sau đó thì chính quyền các cấp có phản ứng gì trước các kiến nghị của người dân?
Ô. Trần Ngọc Quý: Sau đó 10 ngày chờ mãi cũng không thấy phản hồi mà con tàu nạo vét vẫn tiếp tục thực hiện thì ngư dân dùng thuyền, ghe kéo đến bao vây tàu này không cho làm. Ở đất liền thì các bà các chị không cho xe cộ hoạt động nói chung trên tuyến đường của địa bàn làng đó, không cho người và xe qua lại.
Đặc biệt người dân cấm luôn Ủy ban nhân dân xã ở đó không cho hoạt động lý do là đòi miếng cơm manh áo vì mặt biển đó là nơi nuôi sống gia đình họ.
Hăm dọa, quay phim người dân
Mặc Lâm: Chúng tôi được tin là trong lúc người dân tại đây tranh đấu như vậy thì họ đã bắt giữ 5 công an và giam giữ tại Nhà văn hóa Xã, xin ông cho biết nguồn tin này có đúng hay không?
Ô. Trần Ngọc Quý: Trong thời gian đó thì có những tình báo rồi thì theo dõi, ghi chép rồi chụp ảnh quay phim mà chúng tôi đã bắt những đối tượng đó. Tịch thu những phương tiện như máy quay phim, máy chụp ảnh, điện thoại, sổ ghi chép tài liệu.
Những việc làm này do người dân không tán thành hành động của họ vì ở đây không phải là một việc làm chính trị hoặc tôn giáo hay một tổ chức nào khác mà vì miếng cơm manh áo của người dân mà thôi.
Mặc Lâm: Trước việc bắt người này thì chính quyền đã phản ứng ra sao thưa ông?
Ô. Trần Ngọc Quý: Sau khi các bà các chị không cho họ về thì có một xe công an đến nhưng dân vẫn giữ 5 công này một đêm. Sau khi yêu cầu ở trên mạnh quá thì dân cũng giải quyết cho họ đi. Trong việc này đối với người dân thì không có hành động gì mà chỉ giữ công an lại tại đó mà thôi. Sở dĩ họ được thả ra về do Tòa Giám Mục ra lệnh thả họ; ra sau này Tòa Giám Mục sẽ can thiệp chuyện đó cho giáo dân.
Chúng tôi cũng đã vâng lời cho họ về tuy nhiên cũng cả một vấn đề rất dày công thì 5 công an này mới thoát ra được khỏi làng nhờ sự cộng tác đắc lực của cha xứ mới thoát ra được. Trong khi người dân giữ họ lại thì nhân dân không có hành động gì cả chỉ giữ người thôi. Từ đó đến hôm nay cũng đã 7-8 ngày rồi nói chung không ai lọt vào được trong làng này. Mãi đến hôm nay thì không khí đã tạm ổn phần nào đã mở cửa cho đi lại còn Ủy ban Nhân dân xã thì đã được cho phép mở cửa hai ngày rồi.
Chính quyền xin lỗi dân
Mặc Lâm: Trong khi người dân đóng cửa làng không cho ai ra vào thì chính quyền làm cách nào để tíêp xúc với giáo xứ nhằm tìm phương án giải tỏa sự bức xúc này thưa ông?
Ô. Trần Ngọc Quý: Nói chung kể từ ngày dân ở đó cấm vận thì không một ai về được mà họ chỉ nhờ vào nhân dân để dàn xếp thôi. Chính quyền nhờ vào lực lực lượng của giáo xứ cũng như các ban ngành, đặc biệt là linh mục chánh xứ còn ngoài ra không có ai kể cả cấp tỉnh, cấp huyện hay xã không ai về được cái làng này cả.
Dàn xếp thì hôm nay có chủ tịch, phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh và các ban ngành liên quan yêu cầu được đến đây nhưng người dân chỉ cho phép có 6 người thôi. Cuối cùng sau khi họ xin mãi thì cũng chỉ quyết định cho 6 người mà thôi.
Mặc Lâm: Kết quả cuộc họp thế nào? có khả quan hay không thưa ông?
Ô. Trần Ngọc Quý: Trước tiên thì chính quyền xin lỗi bà con vì họ đã thiếu sót, không lo liệu cho dân. Về phía người dân thì người ta bức xúc hỏi rằng tại sao có kế hoạch xây dựng cảng Sơn Dương này đã trên hai năm rồi mà mãi hôm nay mới về nói chuyện với dân? Lẽ ra khi bước vào xây dựng thì phải thông báo và tính đến đời sống cho người dân.
Sau hơn ba tiếng đồng hồ người dân phản hồi chuyện đó thì tỉnh đã quyết định sẽ cấp cho mỗi khẩu là 10 kí lô gạo trong vòng một tháng cho đến khi nào có kế hoạch tái định cư. Tuy nhiên người dân chưa đồng tình với quyết định đó bởi vì xét thấy với 10 ký gạo trong một tháng thì được ăn thôi chứ chưa thể sinh sống và những nhu cầu thường ngày.
Giữa dân và tỉnh do đó chưa đạt được thỏa đáng. Tỉnh hứa sẽ về bàn bạc lại và cho người dân ở đây biết sau. Người dân cho biết nếu nguyện vọng họ chưa đạt được thì họ không cho phép thi công khu vực cảng.
Mặc Lâm: Trước những phản ứng phải gọi là rất gay gắt chưa từng có như vậy thì quan điểm của chính quyền ra sao thưa ông?
Ô. Trần Ngọc Quý: Đối với những việc làm này luôn luôn họ nói rằng người dân làm là đúng chưa có phản hồi nào cho rằng dân chống đối gì hết. Nói chung họ công nhận họ không sáng suốt và không quan tâm và họ đã xin lỗi trước người dân.
Mặc Lâm: Xin cảm ơn ông.
Quý vị vừa theo dõi cuộc tranh chấp giữa người dân Đông Yên và chính quyền trong vụ nạo vét cảng Sơn Dương mà nghiêm trọng nhất là 5 công an đã bị người dân bắt giữ tại nhà văn hóa xã. Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi diễn biến câu chuyện để gửi đến những thông tin mới nhất xin quý vị nhớ đón nghe.
-Phỏng vấn giáo dân Đông Yên – Gp. Vinh
Download
VRNs (27.03.2011) – Vào ngày 21/3/2011, một đoàn công an do Phó công an huyện dẫn đầu đến Giáo xứ Đông Yên để dọa dẫm giáo dân, ra oai hù dọa nhằm bảo vệ cho tàu lớn tiếp tục thi công. Tức nước vỡ bờ, bà con giáo dân chủ yếu là phụ nữ và trẻ em với số lượng đông, khoảng gần 200 người ra vây lực lượng công an và đã bắt năm người trong đoàn công an này (Có cả một Phó công an huyện) đưa về nhà văn hóa xã và giữ tại đó để mời chính quyền Tỉnh giải quyết nguyện vọng của giáo dân.
“Sau khi thương lượng thì chúng tôi đã thả người công an. Ngày 26.03.2011 một phái đoàn gồm chủ tich và phó chủ tịch tỉnh, phái đoàn gồm 6 người về họp sáng nay, sau khi lắng nghe ý kiến của nhân dân và trước hết họ đã thành thật nhận lỗi trách nhiệm sai trái của mình…..” (Trích lời phỏng vấn của Giáo dân Đông Yên)
Xin mời quí vị và anh chị lắng nghe bài phỏng vấn sau đây do Trâm Oanh thực hiện.
Giáo xứ Đông Yên có hơn 1000 hộ gia đình với khoảng 4.500 nhân khẩu sinh sống vùng cửa biển Kỳ Lợi, Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh. Đời sống đồng bào ở đây nghèo nhưng tình làng nghĩa xóm luôn được nêu cao đùm bọc lẫn nhau và luôn giữ vững niềm tin của người tín hữu Kitô. Giáo xứ Đông Yên cũng gần các giáo xứ lân cận như giáo xứ Dũ Lộc…
Đặc biệt, giáo dân nơi đây có truyền thống bất khuất, kiên cường trong việc hiệp thông với nhau trước bạo quyền và bảo vệ niềm tin, tín ngưỡng tôn giáo của mình. Khi Tam Tòa bị nhà cầm quyền CSVN đánh đập dã man vào tháng 7/2009, chính Giáo hạt Kỳ Anh đã tổ chức cho 5 linh mục và 200 giáo dân trực tiếp vào Tam Tòa ngay lúc đó để hiệp thông.
Câu chuyện Đông Yên trong những năm khét tiếng khát máu của nhà nước CSVN đã phải chấp nhận đầu hàng trước lòng can đảm của giáo dân Đông Yên từ tháng 12/1969 vẫn còn đọng lại trong ký ức của mỗi giáo dân không chỉ ở đây mà đã thành câu chuyện truyền thống của giáo dân Giáo phận Vinh. Câu chuyện này cũng đã là niềm tự hào của mỗi người giáo dân trước sự vững vàng bất khuất của cha ông mình đã làm nên kỳ tích Đông Yên trong thời kỳ đó.
Trong giai đoạn hiện nay, khi nhà nước CSVN không chỉ dâng Hoàng Sa cho Tàu cộng, dâng đất đai lãnh thổ ở vùng biên giới của dân tộc này, mà còn bằng nhiều cách bán nước rất thâm hiểm như cho thuê rừng dài hạn, khai thác bauxite ở Tây Nguyên, những khu công nghiệp riêng của Tàu như ở Hải Phòng… Thì ngay tại Hà Tĩnh, có một vùng đất thuộc Kỳ Anh đã trở thành khu tô giới của Tàu Đài Loan gọi là Cảng Vũng Áng.
Ở đó, nhà cầm quyền CSVN chủ trương cho Tập đoàn công nghiệp nặng Formosa của Đài Loan lập dự án đầu tư nhà máy liên hợp thép tại khu kinh tế Vũng Áng và dự án cảng nước sâu Sơn Dương, với 100% vốn nước ngoài. Dự án này, Đài Loan đầu tư và nắm toàn bộ những lĩnh vực cốt tử của nền công nghiệp tại đây bao gồm: Cảng nước sâu Sơn Dương, nhà máy sx thép và nhà máy điện… Chủ trương này do Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải ký từ tháng 3/2008 và dự kiến hoàn thành vào năm 2011.
Hiện nay, khu vực Kỳ Anh, Hà Tĩnh đã hình thành một khu tô giới của Đài Loan giữa miền Trung Việt Nam. Khu vực đó không có dân sinh sống, ngăn cách với bên ngoài bằng hào sâu, thành lũy kiên cố, người Việt Nam không được bén mảng vào trong khu vực độc lập này.
Để thực hiện dự án bán đất trọn gói này cho nước ngoài, nhà cầm quyền CSVN tại Hà Tĩnh đã không ngần ngại đuổi dân ra khỏi khu vực để giao đất cho Tàu mà cả nhà thờ, thánh thất đều được dỡ bỏ. Một ngôi nhà thờ Họ đã bị dỡ bỏ để đền bù mấy trăm triệu đồng là nỗi đau của giáo dân GP Vinh mới đây.
Ở xứ Dũ Lộc, nhà cầm quyền đang tìm mọi cách đuổi dân đi khỏi nơi chôn rau cắt rốn của mình bằng cách lập bãi thải nhiệt điện đổ ngay cạnh làng. Việc này đã bị phản ứng dữ dội và nhà cầm quyền đã đang phải tính những con bài khác mà không thể vào để trấn áp giáo dân như những nơi khác.
Riêng về Đông Yên, gần đây để làm cảng nước sâu Sơn Dương cho Đài Loan nhà cầm quyền đã cho tàu lớn hút bùn nạo vét cảng làm đảo lộn toàn bộ môi trường sống của bà con nơi đây, đẩy họ vào con đường chết để bỏ đất mà ra bỏ nhà mà đi.
Về đời sống, người dân ở đây chỉ có nghề bám biển nuôi sống cả mấy ngàn con người, không có ruộng đất canh tác, không có cơ sở sản xuất gì ngoài mặt biển. Vì thế khi nhà cầm quyền cho nạo vét, làm cảng nước sâu, toàn bộ đời sống bà con bị đe dọa nghiêm trọng.
Trước sự đe dọa đó, ngày 10/3/2011, toàn thể giáo dân, Hội đồng Mục vụ giáo xứ, các giáo họ của 4.500 giáo dân ở đây đã gửi tới Chủ tịch UBND Tỉnh Hà Tĩnh, UBND các cấp chính quyền và khu công nghiệp Vũng Áng đơn khiếu nại về những thiệt hại ảnh hưởng đời sống giáo dân.
Nhưng, như bao lá đơn của giáo dân khắp nơi đã gửi đi, nhà cầm quyền VN thực hiện biện pháp thi hành bệnh điếc triền miên, không hề có cách giải quyết thỏa đáng, tiếp tục cho tàu lớn nạo vét lòng biển và thi công công trình coi thường tính mạng của người dân.
Sáng 21/3/2011, các tàu vẫn tiếp tục làm việc giáo dân đã chèo thuyền ra đuổi, nhưng cậy tàu lớn các tàu này vẫn cứ lỳ lợm như không, bà con đã dùng gạch, đá tấn công trực tiếp. Được tin đó, nhà cầm quyền cho công an, cán bộ hù dọa dân để họ khiếp sợ mà không dám phản kháng.
Một đoàn công an do Phó công an huyện dẫn đầu đến Giáo xứ dọa dẫm giáo dân, ra oai hù dọa nhằm bảo vệ cho tàu lớn tiếp tục thi công. Tức nước vỡ bờ, bà con giáo dân chủ yếu là phụ nữ và trẻ em với số lượng đông, khoảng gần 200 người ra vây lực lượng công an và đã bắt năm người trong đoàn công an này (Có cả một Phó công an huyện) đưa về nhà văn hóa xã và giữ tại đó để mời chính quyền Tỉnh giải quyết nguyện vọng của giáo dân.
Một trong năm người là Phó công an huyện đã giả vờ xin gọi điện thoại và trốn thoát, còn lại 4 người bị dân giữ lại trong nhà văn hóa xã.
Chiếc xe chở đoàn công an về hoạnh họe dân đã bị tam giữ tại chỗ, xịt lốp và bẻ cong biển số.
Tin các này lập tức đã được CA huyện báo về CA tỉnh. Ngay lập tức CA tỉnh phái một phái đoàn vào làm việc với chính quyền xã Kỳ Lợi đồng thời gặp linh mục quản xứ cùng ban hành giáo và giáo dân nhằm thuyết phục bà con trả tự do cho những người bị bắt nhốt.
Mãi đến 20h đêm bà con giáo dân mới thả cho họ về.
Sự việc này được công an Tỉnh và chính quyền Hà Tĩnh giấu nhẹm và thuộc loại “tuyệt mật” nhưng làm sao giấu được lửa trong lòng dân. Chính quyền Hà Tĩnh hiện hết sức lúng túng để giải quyết vụ việc này.
Liệu có còn tái diễn những vở kịch bạo lực như trước đây đối với giáo dân Đông Yên? Hay lại con bài nhờ Tòa Giám mục can thiệp? Câu hỏi này đang chờ lời giải đáp.
Xin hãy chờ xem.
Người dân Kỳ Anh bắt giữ 5 công an, phản đối công ty Đài Loan hủy hoại môi trường
Cộng tác viên Dân Làm Báo – Sáng ngày 21 tháng 3 năm 2011 bà con dân giáo xã Kỳ lợi, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh đã bắt 5 CA huyện Kỳ Anh, trong đó có một Phó CA huyện (không nắm được tên tuổi ông này) và tạm giữ một ô tô của CA huyện (xe bị xịt lốp, bẻ biển số).
5 người này đã bị bà con khống chế áp giải về nhà văn hóa xã và giam lại. Trong lúc lộn xộn, Phó CA huyện giả vờ điện thoại, tìm cách lẻn ra và trốn thoát được. Phó CA huyện trốn thoát được nhờ đi bộ vòng ra bờ biển sau đó hướng về phía cảng Vũng Áng và sau đó điện thoại cho CA huyện đem xe đón về.
Tin các CA bị bắt giữ đã được CA huyện báo về CA tỉnh. Ngay lập tức CA tỉnh phái một phái đoàn vào làm việc với CQ xã Kỳ lợi đồng thời gặp Cha xứ cùng các chức sắc giáo hội địa hạt thuyết phục bà con giáo dân trả tự do cho các CA bị bắt giữ. Mãi đến 20h đêm hôm 22 bà con giáo dân mới thả cho họ về.
Sự việc bà con bức xúc do cảng Vũng Áng đang cho tàu hút bùn, cát lòng biển khu vực cảng nhằm đạt độ sâu. Đây là kế hoạch của tập đoàn công nghiệp nặng Formosa của Đài Loan cho dự án đầu tư nhà máy liên hợp thép tại khu kinh tế Vũng Áng và dự án cảng nước sâu Sơn Dương. Việc cho tàu lớn hút bùn nạo vét cảng đã phá hủy môi trường sống, ảnh hưởng tới công việc đánh bắt cá của bà con. Bà con đã làm đơn kiến nghị nhưng chính quyền vẫn làm ngơ và tiếp tục thi công phá hủy môi trườg. Thế là bà con huy động nhiều người, chủ yếu là phụ nữ và trẻ em với số lượng đông, cùng với tàu thuyền đánh bắt cá ra phản đối đơn vị thi công.
CA huyện được tin bèn phái phó công an huyện cùng 5 CA khác về làm việc với dân. Thay vì trình bày sự việc và lắng nghe nguyện vọng của người dân, các công an này đã hù dọa, khủng bố tinh thần người dân làm bà con bức xúc và huy động khoảng gần 200 người ra bao vây lực lượng công an. tiến hành bắt giữ cả người lẫn phương tiện.
Hiện nay thông tin trên đang được lãnh đạo tỉnh ra lệnh “tuyêt mật” trong nội bộ. Dù cố gắng nắm bắt cho nó chi tiết và cụ thể hơn nhưng em không thể mong bác thông cảm.
*
Trước đó giáo dân Đông Yên cũng đã gửi đơn kiến nghị giải quyết thiệt hại ngư trường và ngư cụ của dân làng Đông Yên do việc xây dựng cảng biển Sơn Dương gây ra. Tuy nhiên, kiến nghị này cũng không được quan tâm, đáp ứng.
Dân Làm Báo