- Một nghiên cứu mới đây về nước ngầm tại đồng bằng sông Hồng cho thấy nguồn nước ngầm ở miền Bắc Việt Nam bị nhiễm thạch tín và mangan ở mức độ rất cao, gây nguy hiểm đến sức khỏe người sử dụng.
Báo cáo về nguồn nước ngầm ở khu vực đồng bằng sông Hồng của các chuyên gia quốc tế cho thấy những con số đáng ngại bởi mức độ ô nhiễm khoáng chất rất cao trong khi rất nhiều người dân ở vùng đồng bằng sông Hồng đang sử dụng nước ngầm trong sinh hoạt hàng ngày.
Ảnh minh họa - IE |
Nghiên cứu của tạp chí The National Academy of Science của Mỹ mới đây cho biết nguồn nước ngầm ở khu vực châu thổ sông Hồng, bao gồm cả thủ đô Hà Nội, đang bị nhiễm thạch tín và mangan ở mức độ rất cao, gây nguy hiểm đến sức khỏe người sử dụng.
Ông Michael Berg, trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết có đến 44% số giếng nước được lấy mẫu tại khu vực đồng bằng sông Hồng bị nhiễm mangan quá mức cho phép của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Có đến 27% số giếng có mức thạch tín vượt quá tiêu chuẩn cho phép.
Ông Berg và các đồng nghiệp đã tiến hành thử 512 mẫu nước khác nhau từ tháng 5/2005 tới tháng 1/2007. Hiện tình trạng nước nhiễm thạch tin như các chuyên gia nêu ra ở khu vực châu thổ sông Hồng cũng đang xảy ra ở các quốc gia khác như Argentina, Bangladesh, Chile, Trung Quốc, Ấn Độ, Mexico, Thái Lan và Mỹ. Nguyên nhân có thể là do lịch sử khai thác nước ngầm tại địa phương. Theo WHO, nước chứa 10 microgram thạch tín trong mỗi lít được xem là nước độc. Dùng thường xuyên, thạch tín tích tụ trong da, móng tay, móng chân và tóc. Cuối cùng là gây bệnh sậm da, huyết áp cao và tổn hại hệ thần kinh, ung thư phổi, da, thận và bàng quang.
Trà My (tổng hợp)