Thu phí ngoại tệ hay không?
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu vừa chính thức xác nhận cơ quan quản lý nhà nước về ngoại hối không có bất cứ văn bản nào cho phép ngân hàng thương mại thu của công dân 2% phí hoán đổi ngoại tệ khi họ có nhu cầu chính đáng.
Quan điểm đó chỉ là đề xuất của một số chuyên gia kinh tế nôn nóng trước hiện tượng người dân không mua được USD sau khi chợ đen đóng cửa.
Trong khi đó có một ngân hàng thương mại dũng cảm tuyên bố sẵn sàng bán cho dân USD theo tỉ giá niêm yết. Nói là “dũng cảm” vì trong hoàn cảnh đóng cửa chợ đen, khối ngân hàng thương mại “bỗng dưng... một mình một chợ” trong cung cấp ngoại tệ cho những cá nhân, doanh nghiệp có nhu cầu thì chả ai dại gì đổi USD “theo tỉ giá niêm yết” để hứng chịu thiệt thòi.
Được biết qua một ngày, số lượng USD bán ra theo tỉ giá niêm yết của ngân hàng nọ chỉ nhỉnh hơn 16.000 USD, rất bé so với con số 1 triệu USD mà ngân hàng này chuẩn bị để phục vụ nhân dân. Điều đó cho thấy nhu cầu chính đáng của dân (đi du lịch, chữa bệnh, du học...) thực ra không lớn và những cái gọi là “chi phí” mà một số ngân hàng thương mại đòi thu thêm hoàn toàn không chính đáng. Nguyên nhân ở đây khá đơn giản: Ngân hàng mua USD của dân đã không trả phí thì bán USD cho dân không thể tính phí!
Thế mà vừa qua một số ý kiến vẫn tiếp tục đề xuất cho thu phí hoán đổi ngoại tệ tiền mặt “để khơi thông thị trường”. Chưa bàn về tính xác đáng của đề nghị này, chỉ biết sau khi các quy định về ngoại hối được siết chặt, các ngân hàng thương mại đã được hưởng lợi nhờ dịch vụ thẻ thanh toán quốc tế được triển khai rầm rộ (trong dịch vụ này ngân hàng thu được rất nhiều loại phí khác nhau).
Vì thế, sự tuyên bố dứt khoát của thống đốc đã cho thấy những nỗ lực của Chính phủ trong bình ổn thị trường ngoại hối, siết chặt các quy định sẵn có là nhằm phục vụ lợi ích chung chứ không chỉ riêng các ngân hàng thương mại. Nếu chỉ cần một sự thỏa hiệp nhỏ, cho phép thu thêm phí ngoài tỉ giá niêm yết thì chả khác nào việc Nhà nước vẫn công nhận sự tồn tại tình trạng “hai giá” trong giao dịch ngoại tệ, biến ngân hàng thương mại thành “chợ đen” biến tướng khi giá giao dịch không phải là giá niêm yết.