Thứ Bảy, 26 tháng 3, 2011

Bồ Đào Nha sụp đổ vì nợ công

-Bồ Đào Nha sụp đổ vì nợ công
Nếu như theo bản tin từ "lề phải" này thì tiên đoán của tác giả Gregory White trên tờ Business Insider và của chuyên gia David Koh về một nguy cơ vỡ nợ của Việt Nam liệu có quá xa vời với hiện thực không? Tác giả White xếp Việt Nam có nguy cơ vỡ nợ đứng hàng thứ 9/18 và Bồ Đào Nha là 5/18, thì nay Bồ Đào Nha đã vỡ nợ thật rồi. Theo David Koh, nếu Chính phủ Việt Nam không quyết liệt trong "trận chiến" chống lại thâm thủng ngân sách này thì có lẽ Việt Nam chỉ cách những tấm gương Hy lạp, Ireland và Bồ Đào Nha… một vài chặng nữa thôi! Nhưng biết đâu ông David Koh chẳng nhầm như TS Nguyễn Quang A nói, Nhà nước ta sẽ có phép thần Phù Đổng thổi phù một cái đưa đất nước cưỡi ngựa sắt vút thẳng lên trời cũng chưa biết chừng! Điều đó có tùy thuộc vào sự điều hành nền kinh tế vĩ mô cũng như vi mô một cách thực sự cầu thị, khoa học hay không (dân đen chúng tôi chỉ cầu mong có thế), hay là… còn tùy thuộc “định hướng” của các ngài cầm chịch nay mai xuất hành về ngả nào trong những chuyến công du sắp tới?

Bauxite Việt Nam

TP - Hậu quả của căn bệnh nợ công đã làm cho chính trường Bồ Đào Nha chao đảo và nước này sẽ phải đối mặt với thách thức kép.
Thủ tướng Bồ Đào Nha Jose Socrates từ chức ngày 23-3 sau khi kế hoạch cắt giảm chi tiêu mới của ông không được Quốc hội nước này thông qua. Sau Hy Lạp và Ireland, đến lượt Bồ Đào Nha bị nợ công làm cho điêu đứng.
Khoản nợ công của Bồ Đào Nha năm 2010 lên tới 84% GDP và thâm hụt ngân sách cũng ở mức cao kỷ lục: 8%GDP. Nghiêm trọng hơn là 70% các khoản nợ của Bồ Đào Nha là nợ nước ngoài, nghĩa là Bồ Đào Nha khó có thể xoay xở hay trì hoãn khi nợ đáo hạn.
Sau sự ra đi của Thủ tướng Socrates, Bồ Đào Nha có nguy cơ phải đối mặt thách thức cả về kinh tế và chính trị. Tổng thống Bồ Đào Nha đang phải nhanh chóng lấp lỗ hổng quyền lực bằng cách mời các đảng trong Quốc hội thành lập Chính phủ liên hiệp, hoặc giải tán cơ quan lập pháp để mở đường cho một cuộc tổng tuyển cử trước thời hạn.
Khó khăn trước mắt là nước này cần huy động 9 tỷ euro (gần 13 tỷ USD) để thanh toán nợ vào thời hạn chót 15-6 tới. EU và các tổ chức tài chính quốc tế đang phải xem xét một gói cứu trợ cho Bồ Đào Nha.
Trong trường hợp phải nhận gói cứu trợ, Bồ Đào Nha không tránh khỏi phải thắt chặt chi tiêu hơn nữa. Điều này cũng có nguy cơ gây phản tác dụng đối với sự phục hồi kinh tế khi mà tỷ lệ thất nghiệp của nước này đã lên mức cao kỷ lục hơn 11% và lãi suất vọt lên mức báo động. Rủi ro lớn là các nhà đầu tư sẽ bán tháo trái phiếu Bồ Đào Nha dẫn tới bất ổn gia tăng trên thị trường tài chính nước này.
Đ.P
Theo VOV
Nguồn: Tienphong.vn

Tổng số lượt xem trang