Thứ Ba, 22 tháng 3, 2011

Bước Ngoặt Libya


Một tòa nhà của chính phủ Libya bị tên lửa phá hủy ngày 20 tháng 3 năm 2011 (hình: IMED LAMLOUM/AFP/Getty Images)
 -Bước Ngoặt Libya
Nguyễn Xuân Nghĩa - Người Việt ngày 20110322 
Hoa Kỳ Nhìn Từ Bên Ngoài   

Một cuộc chiến đa nguyên, đa phương và đa nan

Nếu có một kết luận ngắn gọn thì cuộc chiến tại Libya vừa đẩy lui hy vọng dân chủ của Cách mạng Hoa nhài. Góp phần đáng kể cho cuộc cách mạng dân chủ, Hoa Kỳ cũng góp phần đáng kể cho cuộc chiến Libya và đạt kết quả trái ngược. Vì sao lại như vậy?   
Nhìn từ bên ngoài, Hoa Kỳ đã có hai năm lãnh đạo gần như đơn phương của đảng Dân Chủ, từ 2009 đến 2010. Sau thắng lợi tranh cử năm 2006 rồi 2008, đảng Dân Chủ kiểm soát Quốc Hội và mở đường cho nhiệm kỳ đầu của Tổng Thống Barack Obama từ đầu năm 2009. Khi ấy, Hoa Kỳ vừa bị suy trầm kinh tế, khủng hoảng tài chánh và hốt hoảng chính trị nên đảng Dân Chủ có điều kiện thuận lợi để tiến hành việc cải tạo xã hội, trước sự bất mãn mà bất lực của đảng Cộng Hòa.

Trong gần hai năm liền, các đạo luật quan trọng nhất cho kinh tế và xã hội của nước Mỹ đều có tính chất “độc đảng”, do đảng Dân Chủ đề xướng và biểu quyết, với tối đa là ba lá phiếu Cộng Hòa tại Thượng Viện, thường thì chẳng có lá phiếu nào. Kết quả thì kinh tế chưa khởi sắc, thất nghiệp vẫn cao mà bội chi ngân sách và gánh nặng công trái đã vọt lên trời.

Vì vậy, cử tri Hoa Kỳ phản ứng mạnh trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ ngày mùng hai tháng 11 năm 2010. 

Ðảng Cộng Hòa thắng lớn tại Hạ Viện, thu hẹp đa số của Dân Chủ tại Thượng Viện và đòi đẩy lui chánh sách cải tạo xã hội của Tổng Thống Obama. Một chủ điểm được coi như sứ mệnh Cộng Hòa là tiết giảm bội chi ngân sách, xoay quanh là nỗ lực kềm chế sự bành trướng đơn phương của bộ máy nhà nước, được tài trợ bởi tăng chi và được các nghiệp đoàn công chức - thành trì Dân Chủ - tích cực yểm trợ.

Ðó là bối cảnh bên trong Hoa Kỳ, khi biến động manh nha tại Bắc Phi - Tunisie và Ai Cập - đã lan qua Trung Ðông và Bán Ðảo Á Rập. Từ chính biến Tunisie, người ta mới nói đến “Cách mạng Hoa nhài” hay tiến trình dân chủ hóa tất yếu của khối Á Rập Hồi Giáo. Và hy vọng....


***

Những biến động chính trị trong khối Á Rập Hồi Giáo - xin chú ý đến yếu tố sắc tộc là Á Rập, và tôn giáo là Hồi Giáo - xuất phát từ nhiều chuyển động ngầm về kinh tế, xã hội lẫn áp lực chính trị của Hoa Kỳ.
 
Những áp lực này được đưa ra từ năm 2005 nhằm mở rộng cuộc thử nghiệm dân chủ còn mong manh tại Iraq ra toàn khu vực Á Rập Hồi Giáo. Mục đích có thể chỉ là lý cớ giải thích ngược việc tấn công Iraq, nhưng cũng có thể là lý do đích thực: Dân chủ hóa sẽ đẩy lui sức cám dỗ của trào lưu cực đoan và khủng bố.

Dù sao mặc lòng, những áp lực đó của Mỹ - xuyên qua viện trợ cho các “đồng minh” - có làm thay đổi khuôn khổ sinh hoạt chính trị của nhiều nước Bắc Phi và Trung Ðông (khu vực MENA). Ðó là cái “nhân”, những động lực tất yếu của thay đổi.

Chuyện tất yếu là vì các quốc gia này rơi vào “nghịch lý của độc tài” hoặc “cái bẫy của cải cách”: sinh hoạt kinh tế có mở rộng, mà mở nhanh hơn khả năng giải tỏa chính trị của chế độ nên quần chúng, nhất là giới trẻ, khát khao thay đổi nhiều hơn. Nạn suy trầm toàn cầu 2008-2009 làm giảm phúc lợi kinh tế - và tăng mức thất nghiệp - lại càng đẩy mạnh sự khát khao thành bất mãn.

Ðó là cái “duyên”, nhưng chỉ một phần thôi. Phần kia là sự chuyển giao quyền lực.

Do hoàn cảnh lịch sử, chế độ độc tài trong khu vực đều do các bậc anh hùng thời độc lập - chống Âu Châu - xây dựng và củng cố. Nhiều đại anh hùng đó đã trở thành bạo chúa cai trị suốt mấy thập niên. Nơi có nhu cầu chuyển quyền từ thế hệ này qua thế hệ khác là nơi có nguy cơ bất ổn nhất: mắt xích yếu nhất có thể bị chuyện nhân duyên về kinh tế và chính trị đánh bung. Ðó là Tunisie, Ai Cập, Bahrain, Saudi Arabia và Libya... Xin miễn liệt kê tuổi tác của các lãnh tụ nhưng nhấn mạnh đến tính toán cục bộ của kẻ trong cuộc, những thế lực muốn giành phần hơn trong tiến trình chuyển giao quyền lực đó. Quân đội ở xứ này, sắc tộc đa số ở xứ khác, v.v...

Vì vậy, ở từng quốc gia, sự chuyển động xảy ra đồng loạt, mà không cùng hướng. 

Người viết coi đó là những phiến domino cùng đổ, nhưng bi quan cảnh báo là có khi lại đổ vào nhau! Và còn nói ngược, rằng nhiều vụ chính biến nhờ cao trào đấu tranh của quần chúng chỉ là đảo chánh để bảo vệ chế độ hay các đặc quyền đặc lợi cũ. Những ai khát khao cách mạng phải nương vào đó mà đòi hỏi cải cách mạnh hơn.

Với cuộc chiến Libya, chuyện ấy nay trở thành nan giải! Chúng ta trở lại Hoa Kỳ.


***

Trong một chuỗi dài những biến động tại khu vực MENA, Hoa Kỳ gặp lúng túng.

Một phần vì cuộc chiến trên nghị trường Mỹ liên quan đến giảm chi, giảm bao nhiêu cho những ai thì mới đủ. Một phần nữa vì những mâu thuẫn trong mục tiêu: Muốn dân chủ hóa nhưng sợ hỗn loạn sẽ biến khu vực nhiễu nhương này thành hậu cứ của khủng bố Hồi Giáo. Và sợ nhất “hội chứng Bush”, mang tiếng là đơn phương can thiệp vào xứ khác.

Vì vậy, dưới sự lãnh đạo của Tổng Thống Obama bị chia quyền với đảng Cộng Hòa từ đầu năm 2011, Hoa Kỳ bật ra nhiễu âm, những tín hiệu hỗn loạn và mâu thuẫn: Không can thiệp, nhưng vẫn muốn lãnh tụ này phải đi, lập tức, và người dân địa phương kia phải có quyền tự quyết, v.v...

Mâu thuẫn đó có tỷ lệ nghịch với quan hệ của từng xứ với nước Mỹ: Hoa Kỳ cảm thấy có trách nhiệm nhiều hơn nên mạnh miệng hơn với các nước đồng minh hay chế độ thân hữu trên trận tuyến chống khủng bố Hồi Giáo, nhưng lại rất dè dặt với các nước chống Mỹ để khỏi mang tiếng có ý đồ khuynh đảo.

Kết cuộc thì chỉ có sự chuyển giao quyền lực tại Tunisie và Ai Cập. Còn lại là những phiến domino đổ lên đầu nhau. Và kết cuộc là thảm kịch Libya.

Xin vài phút cho xứ Libya này.


***


Xứ Libya hay LiBi có cái tên rất dài và rất lạ, phản ảnh nhiều mâu thuẫn nội tại: “Cộng Hòa Ðại Chúng Á Rập Nhân Dân Xã Hội Chủ Nghĩa Libya” (Greater Jmahiriya Arabian Popular Socialist Libya!) Cách phục sức dị hợm của lãnh tụ Moammar Gaddafi cũng phần nào diễn tả sự thể ấy. Ông ta là diễn viên cho cử tọa - quần chúng - của ông. Và là diễn viên có tài nên mới ở trên sân khấu từ 1969 đến nay. Dị hợm hay không là tùy người đối diện.

Xin tìm hiểu về quan điểm đối diện.

Chữ Libya gốc là tên một bộ lạc, Á Rập là yếu tố sắc tộc, tập hợp đại chúng là đặc tính mị dân của quốc hiệu, xã hội chủ nghĩa là định hướng của lãnh đạo. Là một mảnh vụn của Ðế quốc Ottoman, xứ này từng bị Ý Ðại Lợi trực trị, bị Anh Pháp ủy trị và coi Âu Châu là kẻ thù truyền kiếp. Lãnh tụ Moammar Gaddafi là anh hùng đã chấm dứt mối nhục đó, bằng ách độc tài.

Libya còn là xứ Á Rập có nhiều quan hệ nhất với các nước Phi Châu từ da nâu đến da đen: Nhờ tài nguyên dầu khí, Gaddafi là thân chủ, hay chủ chi, của 14 nước Phi Châu từ khu vực Sahel trải ngang sa mạc Sahara xuống tới Nam Phi. Hậu cứ hay các nhóm đánh thuê để bảo vệ chế độ cũng xuất phát từ đây. Trong khi nhiều lực lượng nổi dậy lại quy tụ các bộ lạc bất mãn với sự thống trị của bộ tộc mà Gaddafi là lãnh tụ. Và ngần ấy thế lực trong cuộc, từ Gaddafi trở đi, đều có giao lưu với các nhóm khủng bố Hồi Giáo. Tới cỡ nào thì ít ai biết.

Với nhiều người dân, Gaddafi là anh hùng dân tộc đã dám giơ tay chống trời.

Chống cả Tây phương (đồng nghĩa với “thực dân” Anh, Pháp, Ý, và Ðế quốc Mỹ) lẫn các nước Hồi Giáo ôn hòa, các chế độ quân chủ Á Rập. Mà chống bằng hành động cụ thể chứ không chỉ bằng tuyên cáo. Là ra đòn khủng bố thế lực Tây phương và ám sát quốc vương Á Rập! Tổng Thống Ronald Reagan của Mỹ có thể gọi Gaddafi là con chó điên của Trung Ðông, chứ thế giới Trung Ðông biết rằng đó là con chó dữ.

Thế rồi Hoa Kỳ lại có kẻ dữ hơn. Tổng thống rất cao bồi miệt Texas.

Khi Bush tấn công Iraq năm 2003 và lật đổ chế độ dữ dằn - kiểu Libya - của Saddam Hussein thì Gaddafi chột dạ. Tự tuyên bố chấm dứt kế hoạch nguyên tử và cải thiện quan hệ với Tây phương. Khi cũng ông Bush bày ra chủ trương dân chủ hóa trong thế giới Hồi Giáo từ đầu năm 2005, Gaddafi chuẩn bị thoát xác. Y như Bố già Vito Corleone chuẩn bị cho người con thứ là Michael Corlenone một lý lịch tươm tất hơn trong thế giới Maffia để đi vào dòng chính, Gaddafi cho người con thứ là Seif al-Islam xuất hiện với dáng vẻ văn minh và thành tích nhân bản.

Nhưng cũng như trong truyện hư cấu, tính một đàng lại ra một nẻo!

Là người có tài - và có học - Seif al-Islam phóng tài hóa thu nhân tâm và bắt đầu cải thiện quan hệ giữa Libya với các nước Tây phương, từ Anh tới Mỹ. Trước tiên là nước Anh - bị mắc bẫy vì vụ trả tự do cho tay khủng bố Libya đã đánh bom chuyến bay Lockerbie của Mỹ năm 1988 - nên giờ này mới quyết tâm như vậy!

Seif al-Islam chuẩn bị sự chuyển tiếp cho kỷ nguyên “hậu Gaddafi” và đưa Libya về với cộng đồng thế giới. Chuyện ấy xảy ra khi Ai Cập cải tổ luật bầu cử và con trai của Tổng Thống Hosni Mubarak là Gamal Mubarak xuất hiện để sửa soạn kỷ nguyên “hậu Mubarak”. Cùng một chiêu thức....

Nhưng giữa lúc chuyển hướng như vậy, Libya bị phiến domino Ai Cập rớt trúng đầu! Chỉ vì Ai Cập bị biến động Tunisie bật tung cửa. Và ngần ấy lò xo đều bung ra trước sự bần thần của lãnh đạo Hoa Kỳ. Kịch bản chuyển tiếp ôn hòa thì đã có, nhưng chuỗi chuyển biến bất ngờ đã mở ra những hậu quả bất lường.

Phải nhắc lại như vậy để phần nào giải thích sự lúng túng của Hoa Kỳ, một quốc gia có khả năng am hiểu rất mỏng về các yếu tố địa dư, văn hóa hay lịch sử của xứ khác. Và chúng ta cũng không nên quên đặc tính “Á-Phi” - Á Rập Phi Châu - của Libya.

***


Ngay từ đầu, chính quyền Obama đã lúng túng vì chưa rõ rằng những biến động này là tổn thất hay thành quả.

Tổn thất vì mất đồng minh trên trận tuyến bảo vệ quyền lợi Hoa Kỳ. Thành quả vì là chuyển biến phù hợp với lý tưởng dân chủ của Mỹ. Sự lúng túng ấy chưa là vấn đề vì dân Tunisie và Ai Cập không bị tắm máu mà đã có chính quyền mới trong một chế độ vẫn thân Mỹ....

Khi cả Oman, Bahrain, Yemen và Saudi Arabia đều có loạn - mỗi xứ một lý do - thì sự đắn đo giữa lý tưởng và quyền lợi của chính quyền Obama bị thách đố: Ðằng sau các biến động này còn có bàn tay của Iran. Ðề cao dân chủ và kết án các vương quốc Á Rập trong vùng Vịnh Ba Tư là có lợi cho chế độ Hồi Giáo Ba Tư tại Iran, và cho sắc dân Shia đa số tại Iraq! Rắc rối....

Trong khi ấy, phiến domino lại đổ vào Libya.

Từ hạ tuần Tháng Hai đến trung tuần Tháng Ba, Hoa Kỳ rơi vào trạng thái vừa mừng vừa lo mà duỗi co đều bất lợi .Nỗi mừng là chế độ Gaddafi sẽ sụp đổ - bất chiến tự nhiên thành - đã chuyển thành mối lo khi Gaddafi tổng phản công và lần lượt đẩy lui các lực lượng nổi dậy rồi tiến sát vào thành phố Benghazi, cứ điểm sau cùng của phe nổi dậy. Trong ba tuần lễ sinh tử ấy, Tổng Thống Barack Obama bị đả kích là dụ dự, bần thần.

Khi tình hình gần vuột khỏi tầm tay, ông gặp hai áp lực ở bên ngoài và bên trong.

Bên ngoài, các đồng minh Âu Châu đòi can thiệp để tránh nạn tắm máu. Nước Anh muốn rửa sạch vụ liên lụy đến đòn giải vây của Seif al-Islam; nước Pháp có ngoại trưởng mới nên cần gỡ rối việc ngoại trưởng cũ lại qua Tunisie du lịch, khi dân chúng đã biểu tình; nước Ý bị tai tiếng vì quá nhiều liên hệ đến dầu thô Libya. Lời kêu gọi của một số lãnh đạo Á Rập khiến Âu Châu yên tâm, bèn nhúc nhích. Và hích vào lưng Obama.

Bên trong, cánh tả đầy lý tưởng nhân ái cũng thấy rằng Hoa Kỳ phải can thiệp.

Ba khuôn mặt nữ trong ban tham mưu Obama, là hai phụ tá Samantha Power và Gayle Smith trong Hội Ðồng An Ninh Quốc Gia cùng đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc là Suzan Rice, đã vận động cho việc đó. Nhưng phải can thiệp theo điểu đa phương chứ không đơn phương như Bush mới được.

Sức ép của các nước Âu Châu giải quyết được một vế của vấn đề, được vị nữ lưu thứ tư thấy rõ và lập tức báo về: Ngoại Trưởng Hillary Clinton. 

Vế kia là phản ứng của các nước Á Rập và Phi Châu. Hai bà cố vấn Power và Smith vốn đã có quan hệ tư vấn lâu năm với cả Liên đoàn Á Rập quy tụ 22 quốc gia Á Rập lẫn Liên Minh Phi Châu quy tụ 52 nước châu Phi và xứ Maroc, và họ ân hận là khi làm cố vấn cho chính quyền Bill Clinton lại không đề nghị can thiệp để ngừa nạn diệt chủng tại Rwanda. Khi được một số lãnh tụ Á Rập và Phi Châu kêu cứu về nguy cơ tàn sát tại Libya, họ yên tâm đẩy mạnh việc vận động: lần này, sự can thiệp đã có chính nghĩa quốc tế!

Vì thế, hôm Thứ Ba 15 Tháng Ba, Tổng Thống Obama lấy quyết định.

Nó đi ngược quan điểm của ban tham mưu quân sự và an ninh, từ Tổng trưởng  Quốc phòng tới các tướng lãnh, từ Cố vấn An ninh Quốc gia tới nhiều nhân vật có thế giá khác trong đảng Dân Chủ. Bên đảng Cộng Hòa cũng thế, lý tưởng dân chủ đòi hỏi sự can thiệp. Nhưng quyền lợi quốc gia đòi hỏi phải xác định mục tiêu và điều kiện... Cấm bay hay cấm chạy, cứu thường dân hay lật đổ Gaddafi? Sau Gaddafi ai sẽ lãnh đạo Libya và khi ấy xứ đó là gì, hay là những gì?...

Ngày 17, Hoa Kỳ lấy quyết định tham chiến giữa sự bất nhất của cả hai phe chiến hòa trong hai đảng, nhưng với lý cớ phải đạo là Hoa Kỳ chỉ làm nhiệm vụ "yểm trợ quốc tế". Một cuộc chiến đa phương không do Mỹ đơn phương chủ xướng. 

Ðúng tám năm sau khi Bush tấn công Iraq ngày 20 Tháng Ba 2011, nước Mỹ vinh quang thoát khỏi “hội chứng Bush”.
Và lâm vào một mê cung chưa thấy lối ra!


***


Thế rồi trận tuyến đa phương vằng vặc chính nghĩa ấy lại thành đa đoan.

Lãnh tụ Liên đoàn Á Rập là Amr Mousa chuẩn bị về tranh cử tổng thống Ai Cập nên đảo ngược lập trường: Nghị quyết cấm bay của Liên Hiệp Quốc đâu có cho phép các nước Tây phương bắn loạn vào Libya! Liên minh Phi Châu khẩn cấp triệu tập hội nghị, có khi để giải vây cho thân chủ Gaddafi nhưng trước nhất là để kết án Tây phương lại xen lấn vào lục địa đen của họ. Trong khi ấy, ngần đó phe nổi dậy bắt đầu cãi cọ và giành ghế cho thời “hậu Gaddafi”. Còn các nhóm khủng bố thì lặng thinh như cú dòm nhà ma....

Kết cuộc, Hoa Kỳ thận trọng giải thích là chỉ yểm trợ và sớm trao nhiệm vụ chính cho Âu Châu!

Mà trao cho ai ở Âu Châu? Anh hay Pháp hay cơ chế NATO với nước Ðức đang lắc đầu? Và giải thích thế nào thì cũng không tránh khỏi sự thật mà thế giới Á-Phi và toàn cầu đều rõ: Không có Mỹ thì chẳng thể có cuộc tấn công đại quy mô này. Chiêu bài “chính nghĩa quốc tế” chỉ là màn khói nhạt, và các đồng minh bắt đầu cãi vã....
Nhìn từ bên ngoài, người ta hết hiểu nổi nước Mỹ. Hoặc hiểu ra thì lại hết hồn vì chẳng còn ai nói đến cách mạng dân chủ nữa!

Lời cuối: bở nhất là các chế độ coi Mỹ là đối thủ, dân chủ là dép rách. Đó là Liên bang Nga, Trung Quốc và Iran....

Tổng số lượt xem trang